Monday, December 31, 2012

Lỗi của giáo dục đến từ những mâu thuẫn bên ngoài

       
Nguyễn Khánh Trung

Không nên đổ hết lỗi của giáo dục cho các thầy cô giáo, cho ngành giáo duc. Đừng nên tách biệt giáo dục khi phân tích những vấn đề của nó, nhưng hãy đặt nó trong tổng thể kinh tế chính trị xã hội chung để có cái nhìn chính xác hơn. 

Tôi nghĩ, những vấn đề giáo dục hiện nay là một dạng “lỗi hệ thống”, lỗi tư duy đến từ bên ngoài định chế giáo dục. Giáo dục chỉ là nơi phản ánh, nói theo ngôn ngữ của nhà giáo dục học người Pháp E. Durkheim, là nơi báo hiệu những vấn đề đang xảy ra ngoài xã hội.

Theo tôi, lỗi căn bản của giáo dục hiện nay là thiếu giải đáp thoả đáng cho câu hỏi: chúng ta đang muốn đào tạo mẫu người thế nào ? mẫu người lý tưởng mà nhà trường nhắm tới phải có những chuẩn gì, về tri thức, kỹ năng, vế đạo đức… ? 

Nền giáo dục Nho giáo ngày xưa đã có mục tiêu là đào tạo con người theo mô hình lý tưởng “người quân tử” với các tiêu chuẩn được định nghĩa một cách rõ ràng và được mọi thành phần từ vua quan đến thứ dân công nhận; Nền giáo dục nước ta trước đổi mới có mục tiêu nhắm tới là đào tạo “con người mới xhcn” với các chuẩn về “hồng và chuyên” được định nghĩa một cách nhất quán, phù hợp với mô hình xã hội kinh tế tập trung. Còn nền giáo dục chúng ta hiện nay trong “xã hội kinh tế thị trường định hướng xhcn” thì sao ? 

 
Chúng ta cũng có những câu trả lời, những định nghĩa, nhiều nữa là khác, thể hiện qua mục tiêu này mục tiêu kia của ngành giáo dục, của các trường, nhưng những câu trả lời đó, theo tôi là chưa thoả đáng, thiếu thực tế, lỗi thời và chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Mẫu người hiện nay chúng ta đang nhắm tới phải mang những tiêu chuẩn nào ? tiêu chuẩn đó ai đưa ra ? phục vụ cho ai ? Mâu thuẫn hiện nay xuất phát từ những người, những nhóm có trách nhiệm và thẩm quyền định nghĩa mẫu người lý tưởng làm đích đến cho toàn hệ thống giáo dục nói chung và làm mốc tham chiếu cho từng trường nói riêng.
Trên thực tế, một mặt, nhà trường đang làm nhiệm vụ “tái tạo xã hội” nhằm làm ổn định trật tự xã hội có sẵn trên bình diện ý thức có lợi cho các nhà lãnh đạo, mặt khác, nhà trường cũng đang tìm cách thoả mãn đòi hỏi đến từ các khu vực khác chẳng hạn như thị trường lao động. Mỗi khu vực lại có những tiêu chuẩn, đòi hỏi riêng mà đôi khi những điều này lại mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn những tiêu chuẩn về “hồng” được thiết kế chưa chắc trùng khớp với những đòi hỏi của các nhà tuyển dụng trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. 

Những mâu thuẫn kiểu như vậy làm khó nhà trường, nhà trường đang chịu sự giằng co giữa nhiều phía, mà phía nào cũng có quyền hạn, cũng muốn biến nhà trường thành công cụ phục vụ cho ý đồ của mình. Phía nào cũng muốn dành quyền định nghĩa, đưa ra những tiêu chuẩn cho mẫu người lý tưởng mà nhà trường phải theo đuổi. Kết quả là nhà trường không thể dứt khoát được phải đào tạo theo ý ai, theo mẫu hình nào. Giáo dục vì thế hiện nay đang rơi vào tình trạng “tư tưởng không thông vác bì đông không nổi”. Tư tưởng còn chưa thông thì làm sao nhà trường có thể thiết kế được những chương trình, nội dung giảng dạy thật khoa học, mạch lạc, xây dựng được một quy trình đào tạo, đánh giá kết quả học tập của người học… một cách rõ ràng hợp lý được.

Tóm lại. các vấn đề của giáo dục hiện nay nảy sinh từ sự giằng co giữa cái cũ và cái mới, giữa kinh tế thị trường và “định hướng xhcn”, giữa não trạng, tư duy kiểu “xô viết” và tinh thần khoa học hiện đại, vv. Vì thế, muốn thực hiện một sự thay đổi trong giáo dục, phải bắt đầu giải quyết những mâu thuẫn then chốt này trước khi nói đến cải cách các khâu còn lại. Điều cần nhấn mạnh ở đây là vấn đề căn bản của giáo dục đến từ bên ngoài định chế giáo dục, nên trách nhiệm giải quyết nó cũng phải đến từ đó.
Nguon: ?

No comments:

Post a Comment