Saturday, June 29, 2013

Để người thầy gắn bó với nghề



Vĩnh Hà, Thư Hiên


Là những người thực thi chủ chốt cả Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 (bắt đầu triển khai từ năm học 2012-2013) lẫn đề án đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện (sắp tới), nhiều thầy cô giáo khẳng định: “Đổi mới từ người thầy là việc quan trọng nhất trong rất nhiều việc lớn nhỏ cùng lúc đặt ra thời gian qua”.

Những suy nghĩ, mong mỏi của họ đều giản dị và thiết thực, trái ngược với rất nhiều định hướng to tát và phức tạp… của ngành giáo dục hiện nay.
Một bài giảng có thể trở nên thú vị, lôi cuốn, khiến học sinh thích học, nhớ lâu nhưng cũng có thể rất nặng nề, căng thẳng; một bài học đạo đức được đáp lại bằng thái độ đối phó, hình thức hay thắp lên ngọn lửa trong tim nhiều học sinh, điều đó chủ yếu dựa vào “nghệ thuật của người thầy”.

Tìm lại vị thế người thầy

Thích môn học vì yêu thầy cô
Học sinh chúng em yêu môn học vì yêu thầy cô giáo. Thầy cô tính tình hiền hòa, cởi mở, cách dạy học dễ hiểu, hấp dẫn khiến chúng em thích học. Vì thích học nên sẽ nhớ lâu bài học. Qua thông tin chúng em được đọc, được nghe thì thầy cô đang sống vất vả quá, vì thế thầy cô phải dạy thêm. Chúng em từng có ý nghĩ “học ở trường là học thêm, học ở lớp học thêm mới là học chính thức”.
NGUYỄN NGỌC ANH
(học sinh Trường THPT Kim Liên)
Thầy Đàm Hiếu Chiến, một trong những giáo viên kỳ cựu dạy chuyên toán của Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội), kể ông đã dạy rất nhiều thế hệ học sinh chuyên toán giỏi hơn 20 năm qua, chứng kiến hầu hết các em chọn những nghề nghiệp dễ phát triển sự nghiệp và có thu nhập tốt hoặc đi học nước ngoài. “Tôi có một học trò chuyên toán duy nhất chọn nghề sư phạm và tình nguyện về trường phổ thông dạy học, trong khi nhiều nơi khác “trải thảm đỏ” mời em làm việc. Trong thâm tâm tôi rất mừng, nhưng nhìn vào những bất cập trong cơ chế hiện nay tôi lại muốn khuyên em ấy đừng bỏ qua những cơ hội tốt hơn. Vì tôi biết rất có thể tài năng, tâm huyết của thầy giáo trẻ đó sẽ bị mai một”- thầy Chiến chia sẻ.

Sunday, June 23, 2013

Trẻ ở đâu sống tốt nhất?

 Nguyễn Huỳnh Mai

Giới thiệu tổng quát

UNICEF, tháng tư vừa qua, mới công bố nghiên cứu về sự an toàn và hạnh phúc – hay giá trị sống – well-being – của trẻ em ở các nước giàu.
Nghiên cứu theo phương pháp tổng thể, chọn năm tiêu chỉ và so sánh cuộc sống của trẻ dưới năm tiêu chỉ ấy ở 29 quốc gia được xem như giàu, có nền kinh tế phát triển.
Năm tiêu chỉ này gồm:
- điều kiện vật chất trong đó có mức thu nhập của gia đình
- sức khỏe và điều kiện an ninh
- giáo dục
- đặc thù của cuộc sống liên hệ đến rủi ro rượu, ma túy
- môi trường sống và nhà ở
Kết quả tổng quát, Hà Lan và bốn xứ Bắc Âu (Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển) chiếm năm vị trí đầu bảng, là những nơi mà trẻ sống tốt nhất. Trong khi các nước ở miền nam châu Âu như Tây Ban Nha, Hy lạp, Ý và Bồ Đào Nha ở vị trí gần cuối bảng.
Mỹ, được xem như một trong những nước giàu nhất thế giới nhưng ở đó trẻ không hẳn là sống tốt, hạng 26, chỉ tốt hơn ba xứ nghèo hơn nhiều là Lituania, Lettonia và Roumania.
Pháp và Canada ở vị trí trung bình (hạng13 và 17) .
Bỉ được xếp hạng 9 nhưng Hà Lan và Bỉ đứng đầu bảng theo tiêu chỉ giáo dục.
Đầu bảng về tiện nghi nhà ở cho trẻ là Thuỵ Sĩ và về sức khỏe là Iceland.
Bảng xếp hạng tổng quát xin đọc từ trái sang phải ở mỗi dòng.
1.Hà lan 2.Na Uy 3.Iceland
4.Phần Lan 5.Thụy Điển 6. Đức
7.Luxembourg 8.Thụy sĩ 9. Bỉ
10.Ireland 11.Đan Mạch 12. Slovenia
13.Pháp 14.Czech 15.Bồ Đào Nha
16.Anh 17.Canada 18.Áo
19.Tây Ban Nha 20.Hungary 21.Ba Lan
22.Ý 24.Estonia 25.Slovaquia
25.Hy Lạp 26.Mỹ 27.Lituania
28.Lettonia 29.Roumania

Saturday, June 22, 2013

Tại sao gần như là vô phương cứu chữa

 Vương Trí Nhàn

Một điều đáng mừng là thời gian gần đây có vẻ xã hội đã chấp nhận rằng ngành giáo dục của chúng ta bệnh đã quá nặng cần mang ra cho mọi người bàn bạc góp ý kiến, và nếu có ai hiến kế để chữa chạy thì càng tốt. Trước khi bốc thuốc, điều cần thiết đầu tiên vẫn là thấy rõ căn bệnh. Trong cuộc hội chẩn này, có thể nêu một số giả thiết để làm việc – dưới đây tôi xin phép được nêu giả thiết của tôi.
1/ Cũng như nhiều ngành khác, ngành giáo dục của ta được xây dựng ngoài những chuẩn mực chặt chẽ mà đáng lẽ phải được tôn trọng. Ta hay có lối chưa đủ điều kiện, nhưng thấy cần vẫn cứ làm. Ví dụ một trường đại học chỉ được thành lập khi có đủ cơ sở vật chất, cả cán bộ giảng dạy lẫn cán bộ quản lý. Những yêu cầu này ở nước nào người ta cũng tuân theo, chỉ có riêng ta thì không. Trên danh nghĩa cũng có những người gọi là giáo sư hay tiến sĩ đấy, nhưng đó là ta phong với nhau để làm việc, chứ thực tế chắc chắn là thấp hơn chuẩn mực rất nhiều, bởi vậy có mấy người được nước ngoài công nhận (không phải là họ làm cao hoặc cốt gây khó khăn cho ta, mà thực tế không chấp nhận nổi).
Cố nhiên cái sự chưa đạt chuẩn mực này không chỉ đặc trưng cho cách tồn tại, cách vận hành riêng của các trường đại học mà là chung của các cấp học, và nó bao trùm trong mọi lĩnh vực, từ trường sở, sách giáo khoa, cách cho điểm, cách tổ chức thi cử, cho tới chất lượng dạy và học. Luôn luôn xảy ra tình trạng không đáp ứng đúng chuẩn mực cũng cố mà làm, giáo viên chưa đủ trình độ cũng cho dạy, học sinh không đủ trình độ cũng cho lên lớp, sinh viên ra trường không ai nhận cũng cứ xin thêm chỉ tiêu đào tạo. Trước mắt chúng ta là một cơ thể tiên thiên bất túc, lúc nào cũng ốm yếu quặt quẹo.

Friday, June 21, 2013

Thư gửi các con của một bà mẹ Việt ở Mỹ – Phan Hương

Phan Hương

Các con thân yêu,
Thế là lại kết thúc một năm học!
Sáng nay mẹ đến dự lễ “tốt nghiệp” lớp 4 của em Tâm.  Ở bên Mỹ không có lễ khai giảng hay bế giảng long trọng với trống dong, cờ mở, với khấu hiệu và những bài diễn văn. Tất cả chỉ gói gọn trong một buổi gặp mặt thân mật ấm cúng giữa thầy cô, học sinh và phụ huynh.  Mấy hôm trước mẹ đã đăng ký mang dưa hấu đến buổi liên hoan hôm nay. May là mẹ đăng ký sớm không thì hết suất vì rất nhiều phụ huynh muốn đóng góp. Phải công nhận ở bên này các nhóm phụ huynh học sinh hoạt động thật hiệu quả, mẹ chưa bao giờ làm trưởng nhóm nhưng vẫn luôn cố gắng đóng góp chút gì đó cho những buổi liên hoan của lớp.
Hôm nay hai lớp làm chung, tổng cộng có khoảng 40 học sinh cùng với bố mẹ, chắc số người tham dự khoảng hơn 100 người. Sau lời giới thiệu của hai cô giáo, mẹ được em Tâm dẫn đi coi những gì em đã làm trong suốt mấy tháng qua. Mấy dãy dài máy tính là nơi mà em và các bạn đã miệt mài viết về những quyển sách đã đọc, những nhân vật, những con người mà em yêu thích hoặc ngưỡng mộ.  Em chọn viết về Harry Potter, bộ truyện được rất nhiều các bạn ở lứa tuổi như em ưa thích. Em chọn viết về tiểu sử của Steve Jobs, một con người đặc biệt với rất nhiều thăng trầm, cũng là người đã làm ra những chiếc máy tính em đang dùng. Nhìn một thư viện đầy sách với những chiếc bàn xinh xắn, những chiếc ghế bọc đệm màu xanh, mẹ chợt nghĩ các con đã thật may mắn được học ở một môi trường quá tuyệt vời!

Sunday, June 16, 2013

Huyền thoại giáo dục Phần Lan


Hồ Anh Hải

 

Giáo dục Phần Lan bắt đầu được dư luận quốc tế quan tâm từ sau khi Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển OECD tổ chức các kỳ thi PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Programme for International Student Assessment). Thành công xuất sắc của học sinh Phần Lan trong các kỳ thi này đã làm cả thế giới ngạc nhiên.

PISA là bài kiểm tra kiến thức của các trẻ em 15 tuổi, thực hiện 3 năm một kỳ tại hơn 40 địa điểm cho gần nửa triệu HS trên toàn cầu. PISA mới tiến hành được 4 kỳ (2000-2003-2006-2009) thì Phần Lan giành được vị trí thứ nhất trong 3 kỳ đầu. Tại PISA 2009 họ đứng thứ hai về khoa học, thứ ba về đọc hiểu và thứ sáu về toán học.

Sau một thời gian say sưa tranh cãi về cuốn Chiến ca của Mẹ Hổ, cuối cùng phương pháp giáo dục của Phần Lan lại đang trở thành một chủ đề nóng ở Mỹ sau khi nước này chiếu bộ phim tài liệu Chờ đợi Siêu nhân1 , vạch ra các vấn đề tồn tại của giáo dục công lập Mỹ, có so sánh với Phần Lan. Báo The Economist của Anh Quốc còn kiến nghị các nhà lãnh đạo châu Âu tạm ngừng công việc để đến Phần Lan dự các giờ học cấp phổ thông, tìm hiểu xem vì sao học sinh nước này giỏi thế. Người Trung Quốc càng hết lời ca ngợi giáo dục Phần Lan. Một bà mẹ đem hai con sang Phần Lan sống mười mấy năm, tự mình trải nghiệm thực tế giáo dục từ vườn trẻ đến đại học của xứ này, sau đó nhận xét: So với Phần Lan thì giáo dục Trung Quốc chỉ là một bãi rác lớn.
Cần nhấn mạnh: người Phần Lan không hề coi trọng mọi kỳ sát hạch học sinh, kể cả PISA, họ không bao giờ mở các lớp chuyên để đào tạo “gà nòi” đi thi PISA như ở một số nước khác. GS Pasi Sahlberg, nhà giáo dục nổi tiếng, Tổng Giám đốc Trung tâm Luân chuyển và Hợp tác quốc tế Phần Lan (National Centre for International Mobility and Cooperation, CIMO) nói: “Chúng tôi chuẩn bị cho trẻ em học cách để học chứ không phải học cách để làm một bài kiểm tra. Chúng tôi không quan tâm nhiều tới PISA. Nó không phải là thứ chúng tôi nhắm tới”.
Chính người Phần Lan cũng không hiểu tại sao HS họ lại chiếm vị trí hàng đầu trong các kỳ kiểm tra PISA, bởi lẽ họ đâu có quan tâm gì tới việc xếp hạng. Nhưng khi các đoàn cán bộ giáo dục từ khắp thế giới kéo đến Phần Lan tìm hiểu kinh nghiệm dạy và học của xứ này thì họ mới để ý tới chuyện ấy. Ngành du lịch Phần Lan cũng khởi sắc nhờ thành tích của ngành giáo dục.

Monday, June 10, 2013

Thí sinh lơ là các ngành xã hội - nhân văn

Đăng Nguyên

Việc tuyển sinh các ngành khối xã hội - nhân văn tại nhiều trường ĐH quá khó khăn dẫn đến sự thu hẹp khối ngành này.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2011 chỉ có 4,44% thí sinh thi khối ngành xã hội nhân văn; năm 2012 là 4,43%. Chưa có thống kê về khối ngành này năm 2013 nhưng chỉ tính riêng khối C, năm nay số thí sinh đăng ký dự thi chỉ 6%, tiếp tục giảm so với năm trước.

Sáp nhập các khoa
Là một trường ngoài công lập chuyên đào tạo các ngành khoa học xã hội - nhân văn nhưng năm nay, lãnh đạo Trường ĐH Văn Hiến quyết định sáp nhập 5 khoa trong trường (ngữ văn, tâm lý học, xã hội học, Đông phương học, ngoại ngữ) thành một khoa duy nhất là Khoa học xã hội và nhân văn. Theo lãnh đạo trường, có 3 lý do chính khiến trường phải đi đến quyết định này.
Đầu tiên là để tận dụng đội ngũ giảng viên cơ hữu, tinh giản bộ máy hành chính, tập trung đầu tư nguồn lực. Hiện nay tại các khoa này bộ máy hành chính quá ít người. Có khoa chỉ còn một trưởng khoa và vài cán bộ nhân viên. Việc sáp nhập thành một khoa cũng sẽ tận dụng được giảng viên vì các ngành học này có sự giao thoa. Thứ hai, số lượng sinh viên trong cả 5 khoa chỉ còn hơn 600. Thứ ba, việc tuyển sinh các ngành học này trong các năm qua quá khó khăn vì ít thí sinh lựa chọn.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng nằm trong tình trạng này. Từ năm 2011 trường này cũng đã sáp nhập nhiều khoa thành khoa xã hội - nhân văn như hiện tại. Khoa này của trường gồm 3 chuyên ngành: quản lý đô thị, Việt Nam học và ngữ văn - truyền thông đại chúng. Từ năm 2007, Trường ĐH Sài Gòn thành lập Khoa Sư phạm khoa học xã hội sáp nhập từ 2 khoa: sư phạm ngữ văn, sư phạm sử - địa.

Sunday, June 9, 2013

Chương trình bậc phổ thông ở Bỉ

Nguyễn Huỳnh Mai

Vài nét tổng quát có liên hệ gần hay xa đến hệ thống giáo dục ở Bỉ
Nước Bỉ, trước nhất là một quốc gia được chia ra làm ba vùng hành chính khác nhau, vùng nói tiếng Hà Lan, vùng nói tiếng Pháp và vùng Thủ đô Bruxelles. Đó là chưa kể tới một phần nhỏ dân tình nói tiếng Đức và có một chính phủ riêng nữa.
Sự phức tạp hành chính và chính trị này cộng vào một truyền thống dân chủ lâu đời – dù là thể chế vẫn còn giữ một hoàng tộc, một vị vua nhưng thực sự không có quyền – đã là hai trong những lý do giải thích tình thế đặc biệt của hệ thống giáo dục ở Bỉ.
Quyền được đi học và sự tự do giáo dục được thừa nhận trong Hiến Pháp (điều 17 và 24 của Hiến Pháp Bỉ cùng với những luật triển khai, ban hành tiếp theo). Rốt cuộc, giáo dục thành cưỡng bách và miễn phí cho tất cả mọi trẻ đến năm tròn 18 tuổi (*). Ngân sách cho giáo dục phải ít nhất là 7% của tổng sản lượng quốc gia – tổng sản lượng này ở vào khoảng 400 tỉ đô la mỗi năm – tức là một ngân sách giáo dục khoảng 28 tỉ đô la/năm cho một dân số tổng cộng chỉ hơn 10 triệu người.

Saturday, June 8, 2013

Hẩm hiu văn sử địa, thảm họa khôn lường

 Nguyễn Quang Thân

PN - Báo chí đưa tin, trong hơn 1,7 triệu hồ sơ dự thi đại học, cao đẳng, khối C chỉ có 6%! Nghĩa là, trong số 100 thí sinh chỉ có sáu người muốn học và lập sự nghiệp trong ngành văn sử địa.

Hãy nhìn lại mà xem, cha ông ta thời nào cũng có hào kiệt, triều đại nào cũng có vua sáng tôi hiền. Những người tài ấy, kể cả các đấng minh quân đều xuất thân từ nền giáo dục cử tử và đặc biệt, chỉ là những nhân tài văn chương thi phú mà thôi. Toán pháp, cách trí, vạn vật… thứ “khoa học tự nhiên thô sơ” chỉ được học qua loa.
Những ông trạng như Lương Thế Vinh thật hiếm hoi, tuy được tôn là “Trạng Lường” (giỏi tính toán, đo lường) nhưng chắc cũng không ngoài thông thạo bốn phép cộng trừ nhân chia đơn giản, có chăng thêm một ít kiến thức hình học để đo đạc ruộng đất hoặc vẽ bản đồ. Kém cỏi khoa học tự nhiên là nguyên nhân chủ yếu làm cho nước ta cũng như châu Á nói chung, tụt hậu hàng mấy trăm năm so với phương Tây. Nhưng người tài nước ta không kém thông minh, dù chỉ giỏi văn thơ, vẫn biết chắt lọc, đúc kết kinh nghiệm, cũng từng làm nên những trang lịch sử vẻ vang, văn cũng như võ, xây dựng được cuộc sống tinh thần lẫn vật chất, tiêu biểu là nền văn minh lúa nước độc đáo, vững vàng.
Nhà nghèo mà không đổ, dù mạnh yếu có lúc, nhưng con cái ngoan ngoãn, có kỷ cương, gia phong, bản sắc dân tộc trường tồn, là nhờ cái nền tảng được xây đắp lâu dài từ nền giáo dục nhân văn truyền thống.

Friday, June 7, 2013

Muôn thuở “Vợ chồng A Phủ”

Phạm Thị Hoài

Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở Việt Nam vừa kết thúc. Đề thi môn Ngữ văn, phần chính, yêu cầu thí sinh “phân tích diễn biến tâm lí và hành động của nhân vật Mị qua cảnh đêm mùa xuân Mị muốn đi chơi và bị trói trong tác phẩm ‘Vợ chồng A Phủ’ của Tô Hoài“. Năm ngoái, đề thi tuyển sinh vào đại học môn Ngữ văn khối D đặt câu hỏi: “Việc Mị nhìn thấy ‘dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã đen xám lại’ của A Phủ diễn ra trong hoàn cảnh nào? Sự việc ấy có ý nghĩa gì đối với tâm lí của nhân vật Mị?
Việc “Vợ chồng A Phủ”, một tác phẩm thuộc dòng văn học “Hiện thực Đoán trước”, trung bình về mọi phương diện dù đã được chiếu cố mầu sắc miền ngược [i], thường xuyên được chọn làm cửa ải để học sinh Việt Nam vượt qua bậc tú tài và thậm chí để vào đại học cũng đáng chú ý như các yêu cầu đặt ra cho thí sinh. Muôn thuở là phân tích giá trị (nhân đạo, hiện thực) của tác phẩm, phân tích nhân vật Mị (hành động, tâm lí), phân tích Mị trong đêm tình mùa xuân, phân tích Mị trong đêm cởi trói cho A Phủ, phân tích Mị mặt buồn rười rượi, phân tích Mị sức sống tiềm tàng, phân tích hình tượng nắm lá ngón Mị ném xuống đất, phân tích hình tượng tiếng sáo Mị nghe, so sánh hình tượng Mị bị trói đứng và A Phủ bị trói đứng…

Tuesday, June 4, 2013

Hãy để giáo viên tham gia viết sách giáo khoa môn sử

LÊ QUANG HUY
(Trường THCS Trừ Văn Thố, huyện Cai Lậy, Tiền Giang)
TTCT - Tôi là một giáo viên dạy lịch sử bậc trung học cơ sở, có hơn 25 năm giảng dạy, có thể nói chưa bao giờ thấy học sinh xem thường bộ môn lịch sử như hiện nay.

Hồi mới ra trường, tôi cảm thấy hào hứng khi giảng những bài lịch sử. Lúc đó, học sinh rất hứng thú học môn sử, kể cả những em có học lực yếu kém. Có em thường lén đọc truyện trong giờ học cũng gấp lại để nghe giảng. Giờ ra chơi, nhiều học sinh còn hỏi thêm những chuyện xoay quanh một sự kiện lịch sử vừa học trên lớp mà nhiều lúc cách đặt vấn đề của các em làm tôi cảm thấy bối rối. Rõ ràng đó là tín hiệu vui cho môn sử vì cho thấy các em đầu tư suy nghĩ về những vấn đề, hiện tượng lịch sử.
Hãy để chính các giáo viên đứng lớp tham gia viết SGK, cách thể hiện, văn phong trong SGK cũng phải phù hợp với tâm lý, đặc điểm của lứa tuổi học sinh, hết sức tránh tình trạng hiện nay SGK chỉ là “giáo trình đại học được tóm tắt lại”. 
Bây giờ nhớ lại chuyện cũ ngỡ như là... giấc mơ. Việc học lịch sử của học sinh bây giờ như một người ăn vẫn biết ngon nhưng cơ thể lại không hấp thụ được. Rất nhiều người lý tưởng hóa phương pháp dạy học mới, về khả năng nhận thức của học sinh, nhưng thử đến “bám trụ” các trường ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vài tuần sẽ thấy để các em chịu ngồi học và hiểu thôi cũng là cả một vấn đề.
Ngành giáo dục tổ chức tập huấn giáo viên cải tiến phương pháp, tạo cho học sinh chủ động tìm kiếm kiến thức (hay còn gọi là lấy học sinh làm trung tâm), nhưng khi giáo viên thực hiện đúng theo yêu cầu thì đón nhận những lời đề nghị phũ phàng: “Thầy nói luôn đi thầy ơi!” hoặc “Em không nhớ nữa”... Cái khó bây giờ là nhiều học sinh bị “sức ỳ tư duy” rất lớn, rất ít em chịu suy nghĩ, tìm tòi, lại luôn sợ bị lạc đề khi đi thi do nền tảng kiến thức không vững.

Làm khác đi, bắt đầu từ mục đích dạy sử

NGUYỄN KHÁNH TRUNG (IRED)
 
 TTCT - Tôi trở lại với trường hợp Phần Lan, quốc gia đang rất nổi tiếng nhờ thành công trong giáo dục phổ thông của họ, như là một căn cứ, thông qua đó giúp chúng ta tự định vị mình đang ở đâu và đang thật sự có những vấn đề gì.
 

Trước tiên tôi sẽ bàn đến các tiêu chí về một mẫu hình học sinh lý tưởng liên quan đến môn học này mà nhà trường Phần Lan lấy làm mục tiêu đào tạo. 

Mục tiêu môn học
Tại Phần Lan, mục tiêu môn sử cũng như các môn học khác của bậc giáo dục cơ bản được quy định trong chương trình cốt lõi quốc gia (VN thường gọi là chương trình khung - BTV). Tài liệu này trình bày mục tiêu và nội dung tổng quát của môn học dành cho học sinh bậc giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9), mô tả những khía cạnh về một mẫu hình lý tưởng phải như thế nào.
Học sinh Phần Lan bắt đầu học sử từ lớp 5. Chúng tôi xin lấy những quy định quốc gia dành cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 9 để phân tích, theo đó học sinh phải:
• Nắm và sử dụng được những thông tin về lịch sử.
• Biết sử dụng nhiều nguồn, so sánh giữa các nguồn và xây dựng ý kiến, góc nhìn dựa trên những nguồn này.
• Hiểu rằng dữ liệu lịch sử có thể được giải thích theo nhiều cách khác nhau.
• Giải thích được mục đích và hệ quả của hoạt động con người.
• Đánh giá các lựa chọn thay thế trong tương lai dựa trên những bằng chứng về sự thay đổi trong lịch sử.

Monday, June 3, 2013

Sức mạnh của khoảng trống



Phạm Trần Lê 

Graffiti của Banksy

Có một câu chuyện kể có một người cha mua cho con trai mình một trái bóng bay đẹp . Cậu con trai vui sướng cầm trái bóng đi bên cha nhưng chẳng may lỡ tay tuột mất sợi dây khiến trái bóng bay vụt đi. Thấy con tiếc nuối, đau khổ nhìn theo trái bóng bay xa dần, người cha an ủi : “Đừng buồn con ạ, cha sẽ mua cho con một trái bóng khác”. Lát sau, cậu bé vui vẻ vơi trái bóng mới, không còn nghĩ ngợi gì tới trái bóng đã mất nữa. Câu chuyện kết thúc với lời bàn rằng, đó là một người cha giàu có, nhưng đứa con của ông rồi sẽ nghèo túng về tinh thần.

Trong ánh mắt của đứa trẻ nhìn theo trái bóng bay xa dần có một bầu trời phóng nhiệm. Đó là khi đứa trẻ có thể bắt đầu có những cảm nhận mơ hồ nhưng rất trực quan về sự rộng lớn của thế giới, từ đó nhận ra sự hữu hạn của bản thân mình. Thế nhưng, người cha của cậu bé đã vô tình phá vỡ không gian phóng nhiệm này.

Can thiệp một cách vô thức v�có hệ thống

Người cha ấy cũng như đa số người lớn chúng ta thường sợ hãi trước sự trống trải trong tâm tưởng và gán cho nó ý nghĩa tiêu cực. Chúng ta xua đuổi nó bằng cách tự làm bận rộn bản thân mình với những suy nghĩ tính toán lấp đầy trong tâm trí. Tương tự như vậy, chúng ta tìm cách xua đuổi sự trống trải khỏi đầu óc con trẻ, lấp đầy tâm trí của chúng bằng những món đồ chơi. Mà nếu để ý ta thấy rằng hầu hết các món đồ chơi – từ búp bê bé xinh tới chiếc ô tô bằng nhựa nho nhỏ – đều chỉ nhằm thu nhỏ không gian trong tâm trí đứa trẻ, tạo cho nó cảm giác mình đang xâm chiếm và làm chủ không gian riêng một cách tuyệt đối.

Tạo hóa đã ban cho con người bản năng thiên tính là cảm giác nhàm chán, nhằm giúp ta vượt thoát ra khỏi những không gian giả tạm chật hẹp. Bởi vậy, dù món đồ chơi có tinh xảo đến đâu thì đứa trẻ sớm muộn sẽ cảm thấy nhàm chán và không còn thỏa mãn với không gian hẹp mà món đồ chơi xinh xắn mang lại. Sự trống trải xâm nhập tâm trí nó, ngầm nhắc nhở rằng ở ngoài kia là một không gian rộng lớn hơn, thật hơn, tự nhiên hơn, mà sớm muộn nó phải đối diện và tìm cách thích nghi. Thế nhưng, người lớn không cho con trẻ cơ hội được thích nghi với không gian rộng lớn xa lạ ấy. Họ xua đi nỗi nhàm chán và nỗi trống trải trong đứa trẻ bằng cách tiếp tục mua về những món đồ chơi mới, cái sau cuốn hút hơn cái trước.

Cứ như vậy, đứa trẻ trở nên nghiện cảm giác lấp đầy tâm trí. Tới một ngày kia nó chủ động tự làm bận rộn tâm trí của mình với những cám dỗ từ trò chơi điện tử, phim hoạt hình, sách comic và manga, v.v. Mặc dù các ông bố bà mẹ vẫn có thể tạo cơ hội để trẻ tìm thấy những khoảng trống (hay khoảng lặng) cần thiết, được khơi gợi trong những cuốn sách văn học phù hợp với lứa tuổi của mình. Nhưng sách văn học vốn khó cuốn hút trẻ như những thứ cám dỗ khác, và không phải ông bố bà mẹ nào cũng có thói quen chọn lọc sách đọc cho con hoặc đọc sách cùng con.

Ở góc nhìn tổng quát hơn, có thể thấy việc người lớn can thiệp vào khoảng trống trong tinh thần trẻ em là một quá trình vô thức và mang tính hệ thống. Ngay từ khi đứa trẻ chớm hình thành nhận thức, người lớn luôn tìm cách đáp ứng mọi đòi hỏi của trẻ một cách nhanh chóng nhất. Mỗi khi đứa trẻ gặp phải áp lực từ một khoảng trống trong tâm tưởng, nó sẽ đưa ra một đòi hỏi nào đó mà thường thì đơn thuần chỉ nhằm giành được sự quan tâm từ người lớn để xua đi khoảng trống mà nó đang phải đối diện.

Thế nhưng một đứa trẻ luôn được đáp ứng các đòi hỏi sẽ dễ nhàm chán với những gì mình đang có, và giải pháp để nó đối phó với sự nhàm chán ấy là tiếp tục cầu viện những sự trợ giúp từ bên ngoài. Tâm trí của đứa trẻ bị bế tắc trong những chuỗi đòi hỏi liên tục và mất đi khả năng vượt qua khoảng trống một cách tự thân. Đứa trẻ sẽ dễ trở nên chán nản, dẫn tới bỏ cuộc trước các vướng mắc, bế tắc trong cuộc sống. Nó cũng sẽ không đủ lòng kiên nhẫn để trải nghiệm các sự vật một cách thấu đáo, và điều này làm hạn chế năng lực thấu hiểu, đồng cảm với con người và các sự vật xung quanh.