Saturday, December 1, 2012

Hiện tượng đồng phục tư tưởng trong sinh viên hiện nay

Thanh Hải

Hiện tượng

Tựa đề bài viết là câu nói của một người bạn tôi nhận xét về tình trạng rập khuôn tư tưởng của sinh viên hiện nay. Bạn tôi là giảng viên của một trường đại học, trong kỳ thi cuối học kỳ I năm học 2005-2006 vừa qua, anh yêu cầu sinh viên làm bài bình luận với câu hỏi mở có nội dung: “Với tư cách là sinh viên xã hội học, bạn suy nghĩ gì về những thay đổi trong xã hội Việt Nam hiện nay?’’ Ý của anh là muốn sinh viên trình bày những phân tích và bình luận cá nhân xung quanh những biến chuyển trong xã hội Việt Nam hiện tại dưới lăng kính xã hội học, sau khi các em đã học các lý thuyết qua quá trình hình thành ngành khoa học vốn gắn liền với những biến chuyển xã hội này. Thế nhưng anh đã một phen ngạc nhiên khi phải đọc hàng trăm bài làm của sinh viên tương tự nhau với những lời lẽ kiểu “chủ nghĩa tụng ca”, những câu lặp đi lặp lại đại thể: “Dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Ðảng, chúng ta đã đạt được những tiến bộ về mọi mặt...”; “Lịch sử nhân loại đã biến chuyển qua năm giai đoạn từ cộng sản nguyên thủy...”; “Chúng ta đang sống trong giai đoạn quá độ tiến lên chủ nghĩa cộng sản...”, v.v. và v.v. Trong các bài làm rất hiếm hoi những bình luận riêng của sinh viên cũng như vắng bóng những phân tích liên hệ đến các lý thuyết xã hội học ngoài Marx.


Ðây là biểu hiện của tình trạng đồng phục tư tưởng, nghĩa là các em giống hệt nhau không phải về dáng dấp, cử điệu, quần áo bên ngoài như bộ đội duyệt binh, mà rập khuôn nhau về suy nghĩ, về cách thức biểu đạt tư tưởng của mình. Những điều rập khuôn mang đậm màu sắc chính trị này là kết quả đến từ các khoá chính trị mà các em đã học, từ các chiến dịch tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông hay qua các hoạt động “giáo dục’’ của các đoàn thể mà các em tham gia. Trong các bài làm, bạn tôi không thấy một sinh viên nào đi ra ngoài lối mòn tư tưởng đã được các nhà lãnh đạo định sẵn. Các em hầu như mất hết khả năng suy nghĩ độc lập, thói quen đặt vấn đề và óc phê bình vốn rất cần đối với những sinh viên đại học. Tại sao vậy? Có hai lý do có thể giải thích hiện tượng này: thứ nhất, có thể các sinh viên có những suy nghĩ cá nhân nhưng không quen hoặc không dám bình luận và nhận xét gì ra ngoài những “huấn dụ” và “tín điều’’ mà các em buộc phải tin, phải giữ, nên đã chọn phương pháp “an toàn” trong làm bài. Thứ hai, đây là kết quả trực tiếp của chính sách chính trị hoá giáo dục cao độ mà chính quyền đang thực thi. Trong bài làm, sinh viên lặp lại một cách máy móc những câu giáo điều trong các môn học chính trị mà ngỡ là những ý riêng của mình. Ðây có lẽ là thành công của các nhà lãnh đạo trong việc khuôn đúc một thế hệ mang ý thức, giá trị và chuẩn mực của riêng họ nhằm tái tạo trật tự xã hội trên bình diện ý thức, có lợi cho việc duy trì sự thống trị của họ. Ðương nhiên, nguyên nhân của hiện tượng này không đến từ sự yếu kém về mặt trí tuệ của sinh viên, mà đến từ môi trường chính trị xã hội xung quanh họ. Họ là nạn nhân của một quá trình nhồi sọ tư tưởng, của sự sợ hãi và mất tự tin do hoàn cảnh tạo ra.

Vấn đề chính trị hoá giáo dục chẳng phải là chuyện gì xa lạ với truyền thống của các chế độ cộng sản, các nhà cầm quyền cũng chẳng kiêng cữ che giấu gì khi làm hay tuyên bố điều đó. Chúng ta hãy thử đi tìm các kỹ thuật của các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay vận dụng trong việc biến trường đại học, nhất là các trường đào tạo các cử nhân khoa học xã hội và nhân văn, thành nơi đào tạo những người lính bảo vệ chế độ qua các khâu trong đào tạo đại học, từ việc định nghĩa mục tiêu đào tạo, quá trình xây dựng các chương trình, nội dung giáo dục, cách thức tổ chức hành chánh, nhân sự cũng như các hoạt động của các đoàn thể trong trường đại học. Trong bài này, tôi chỉ xin nói đến khâu thứ nhất, đó là quy cách mà các nhà lãnh đạo định nghĩa về mục tiêu, chức năng và nhiệm vụ của trường đại học.


Mục tiêu, chức năng và nhiệm vụ của trường đại học

Trong quá khứ Ðảng Cộng sản Việt Nam đã thẳng thừng tuyên bố: “Nhà trường là phương tiện chuyên chính vô sản của giai cấp công nhân”, mục tiêu của nhà trường là đào tạo “con người mới xã hội chủ nghĩa” theo khuôn mẫu “vừa hồng vừa chuyên” (xem Tạp chí Cộng sản, số 9, 1958). Ðương chiên, chính Ðảng là người định nghĩa thế nào là “hồng và chuyên” nơi con người mới mà họ muốn tạo ra. Những chuẩn mực của “hồng” nơi sinh viên là họ phải mang quan điểm, tư tưởng của Ðảng, họ phải hành động cùng Ðảng. Ðảng duy chủ nghĩa Marx – Lenin, dĩ nhiên sinh viên không có quyền tin theo các hệ tư tưởng khác. Ðảng chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì dứt khoát nhà trường phải giáo dục làm sao để sinh viên phải yêu mến và trung thành với chủ nghĩa xã hội mà Ðảng tạo ra. “Chuyên’’ dùng để chỉ những kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp nơi sinh viên, nhưng ngay cả những kiến thức chuyên môn, nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thì cũng phải chuyển tải tư tưởng và mục tiêu của Ðảng, phải lấy lý thuyết của K. Marx và Lenin như là nguồn cội của mọi chân lý (chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn vấn đề này trong các bài sau).

Với thời gian, những gì liên quan đến “chuyên’’ đã thay đổi rất nhiều nhằm phù hợp với những chuyển biến nhanh chóng của xã hội, của thời thế, còn những định nghĩa về “hồng’’ chẳng hề dịch chuyển bao nhiêu. Tôi không tìm thấy sự khác biệt nào lớn lao trong cách nói, cách lý luận xung quanh các chuẩn mực thế nào là “hồng’’ từ các cán bộ tư tưởng của Ðảng trong suốt thời gian từ khi Ðảng chính thức cầm quyền ở miền Bắc cho đến ngày nay. Thật vậy, để chứng minh điều này, tôi đã bỏ công sưu tập các bài báo nói về giáo dục trên Tạp chí Cộng sản, “cơ quan ngôn luận của Ðảng Cộng sản Việt Nam” bằng cách so sánh các bài bàn về vấn đề mục tiêu đào tạo đại học, từ bài của tác giả Ðoàn Trọng Truyền trong số tháng 5.1957 cho đến các bài trong các số ra gần đây nhất. Chung quy vẫn là sinh viên phải ý thức về chủ nghĩa xã hội, phải mang nhân sinh quan cộng sản, phải theo chủ nghĩa Marx – Lenin, phải có ý chí cách mạng, trung thành với Tổ quốc XHCN, v.v. Nói tóm lại, từ đầu đến cuối, các tác giả những bài báo sử dụng cùng một cách thức, một giọng điệu (lại vẫn là chuyện đồng phục hoá tư tưởng!) để làm công việc thuyết minh, giải nghĩa quan điểm của Ðảng về các tiêu chuẩn “hồng và chuyên’’ mà Ðảng đặt ra cho trường đại học phải đào tạo, điều thường gọi là “giáo dục toàn diện” mà Ðảng luôn hô hào cho đến hôm nay.

Ngày nay, những tiêu chuẩn này đã được luật hoá rõ ràng. Thật vậy, điều 2, Luật Giáo dục năm 1998 nêu rõ: “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội“. Ðiều luật này vẫn là lặp lại hai tiêu chí “hồng và chuyên’’ truyền thống mà các trường đại học ngày nay phải tuân theo. Những tiêu chuẩn cần thiết về đạo đức, trí thức, sức khoẻ, thẩm mỹ đã được các cán bộ tư tưởng định nghĩa nhằm làm cho sinh viên trung thành và sẵn lòng bảo vệ Tổ quốc XHCN trên mọi mặt, nói theo ngôn ngữ của triết học Marx – Lenin là cả trên bình diện kiến trúc thượng tầng lẫn cơ sở hạ tầng. Nhiệm vụ trước tiên của trường đại học là trang bị mặt “hồng’’ cho sinh viên, nhất là sinh viên khoa học xã hội và nhân văn, không những lượng hồng phải đủ để sinh viên “giữ đạo’’ mà còn phải mạnh để có thể biến họ thành các “chiến sĩ’’ bảo vệ chế độ về mặt tư tưởng, chống lại “âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch’’ (theo nội dung lý thuyết của chương trình giáo dục quốc phòng, Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Chương trình giáo dục đại học đại cương, Nxb Tp HCM, 1996, tr. 346 – 348). Ðã là chiến sĩ, thì phải được trang bị vũ khí, phải tuân theo trật tự đã được định sẵn, và đương nhiên phải mặc đồng phục, phải răm rắp tuôn theo mệnh lệch cấp trên. Là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng nên quân trang, quân dụng, trật tự được hiểu ở đây cũng thuộc về tư tưởng. Ðiều này giải thích hiện tượng đồng phục tư tưởng nơi sinh viên mà bạn tôi đã nói. Như vậy chuyện đồng phục tư tưởng trong mấy lớp học mà anh ấy dạy không phải ngẫu nhiên mà nằm trong kế hoạch đào tạo, là ý muốn của các nhà lãnh đạo. Nhiệm vụ thứ hai của đại học là trang bị cho sinh viên mặt “chuyên’’ để họ có khả năng phục vụ những chiến lược kinh tế của Ðảng vạch ra trong mỗi “giai đoạn cách mạng’’ mà hiện nay là chủ trương công nghiệp hoá hiện đại hoá. Như vậy ngay cả chức năng đào tạo chuyên môn của đại học cũng không nằm ngoài ý đồ chính trị của những người cầm quyền.

Tóm lại trường đại học là phương tiện độc quyền trong tay các nhà lãnh đạo, là cỗ máy ý thức hệ có nhiệm vụ duy trì sự ổn định, củng cố trật tự bằng cách tái tạo các giá trị chuẩn mực chính trị, xã hội và kinh tế của nhà cầm quyền, là sân chơi chính trị có chức năng đào tạo những người lính mang ý thức, tư tưởng đã được tập thể hoá, hay nói đúng hơn đã được đồng phục hoá nhằm làm cho tất cả sinh viên chấp nhận, yêu mến và sẵn sàng bảo vệ chế độ sau khi ra trường.

Ðể thực hiện đào tạo ra những con người theo những chuẩn mực nói trên. Các nhà lãnh đạo đã độc quyền kiểm soát và thực hiện chính sách tập trung quyền lực cao độ trong giáo dục. Họ giành quyền xây dựng các chương trình đào tạo, ban hành các quy chế kiểm soát, bố trí nhân sự trong guồng máy hành chánh từ các phòng ban chuyên môn lên đến cấp bộ, v.v. Chúng tôi sẽ lần lượt mổ xẻ những vấn đề này trong những bài sau để làm nổi bật phương cách mà nhà cầm quyền Việt Nam sử dụng để đồng phục hoá tư tưởng của sinh viên theo ý đồ của họ.

No comments:

Post a Comment