Wednesday, June 10, 2020

Khảo sát Pisa: những biến đổi kì lạ của điểm số của Trung Quốc

Nguyễn Khánh Trung (chuyển ngữ)

Giải thích thế nào về vị trí đứng đầu của Trung Quốc trong bảng xếp hạng PISA của OCDE (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) về trình độ của các học sinh trung học cơ sở?
Cuối tháng 11 vừa rồi, OCDE đã cho công bố kết quả của kỳ khảo sát PISA (Programme for International Student Assesment - Chương trình đánh giá học sinh quốc tế) được tổ chức năm 2018 trong các nước thành viên, chương trình đã thực hiện từ năm 2000. Hơn 600.000 người trẻ 15 tuổi đã tham gia các khảo sát về khả năng đọc, toán và khoa học. Các khảo sát này không hướng quá nhiều đến việc đo lường kiến thức lý thuyết của học sinh, mà hướng đến việc đánh giá khả năng vận dụng các kiến thức này để giải quyết các vấn đề của cuộc sống thường nhật.
Các nước trong tổ chức OCDE đạt được tiến bộ chút ít trong bảng xếp hạng này. Mỹ được xếp thứ 13, Đức thứ 20 và Pháp là 23. Các nước Á châu là các quốc gia thống trị: Hàn Quốc, Singapore hay Đài Loan, các tỉnh của Trung Quốc vừa mới tham gia và vượt lên dẫn đầu.
10 NƯỚC ĐỨNG ĐẦU TRONG BẢNG XẾP HẠNG PISA (2009 – 2018)
Điểm trung bình (đọc, toán và khoa học)

2009
2012
2015
2018
Trung Quốc (Thượng hải)

588


Trung Quốc (Bắc Kinh, Thượng Hải, Giang Tô, Quảng Đông)


514

Trung Quốc (Bắc Kinh, Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang



579
Singapore
543
556
552
556
Ma Cao
508
523
527
542
Hồng Kong
546
554
533
531
Estonie
514
526
524
526
Nhật
529
540
529
520
Hàn Quốc
541
542
519
520
Canada
527
522
523
517
Đài Loan
520
535
524
516
Phần Lan
543
529
523
516
Irlande
497
516
509
505
Với mỗi môn, điểm 500 tương ứng với mức trung bình các câu trả lời của các nước OCDE năm 2000
Nguồn: PISA OCDE
Nhóm 10 quốc gia dẫn đầu trong bảng xếp hạng PISA (2009 – 2018). (Nguồn: PISA OCDE)
Khi một nước được phép tham gia cuộc khảo sát PISA, các trường sẽ được chọn như những mẫu đại diện của dân số là người trẻ 15 tuổi. Argentina và Trung Quốc được phép sử dụng mẫu đến từ các tỉnh phát triển nhất. 12 tỉnh của Trung Quốc trong đó có các vùng nông thôn đã tổ chức khảo sát, trong khi sự tham gia của Trung Quốc chỉ giới hạn tại Thượng Hải.
Ngay khi kết quả được công bố, tính đại diện trở thành đề tài tranh luận bởi OCDE đã không tính đến vấn đề phân biệt con em của những người lao động nhập cư, không có hộ khẩu (hukou) ở thành phố, những người nhập cư không có quyền tiếp cận với các dịch vụ công (sức khỏe, giáo dục) cho gia đình của họ. Tại Thượng Hải, nếu những trẻ em này được phép học tiểu học và trung học cơ sở, thì việc vào trung học phổ thông của các em tùy thuộc vào sự thành công của kỳ thi zhongkao, là một ngoại lệ.
Từ thực tế đó, dân số được kỳ khảo sát trong khuôn khổ PISA chỉ đại diện cho 0,3% số lượng người trẻ Trung Quốc 15 tuổi, trong khi tỷ lệ phần trăm này tại các nước tham gia chương trình cao từ 3 đến 4 lần, trừ ngoại lệ Tiểu Vương quốc Á Rập. Tuy nhiên, khảo sát không chỉ được triển khai trong các trường trung học phổ thông và gần một nửa các cơ sở là các các trường trung học cơ sở mà con em những người lao động nhập cư được phép học.
Ấn tượng lớn
Đặc điểm các tỉnh đại diện của Trung Quốc.

Dân số
GDP/người
(PPP)
Dân số
(%)
GDP/đầu người (%)/trung bình TQ
Bắc Kinh
21
40,1
2%
218%
Thượng Hải
24
38,4
2%
209%
Giang Tô
80
32,7
6%
178%
Quảng Đông
111
24,4
8%
133%
Chiết Giang
46
27,9
3%
152%
Trung Quốc
1390
18,4
100%
100%
(Nguồn: Cục thống kê Trung Quốc)
Đặc điểm của các tỉnh đại diện của Trung Quốc. (Cục Thống kế Quốc gia Trung Quốc)
Năm 2015, ba địa bàn được thêm vào cùng với Thượng Hải: Bắc Kinh (21 triệu dân), Giang Tô (80 triệu) và Quảng Đông (111 triệu). Sự mở rộng việc tham gia kỳ khảo sát cho các tỉnh phát triển kém hơn giải thích việc giảm điểm trung bình từ 588 điểm xuống 114. Với sự hiện diện của 3 tỉnh này, Trung Quốc đã xếp thứ hai sau Singapore năm 2015. Từ đó Quảng Đông đã được thay thế bởi Chiết Giang (46 triệu dân) có mức sống (tiếp cận thông qua thu nhập bình quân quân đầu người tính theo ngang bằng sức mua) cao hơn.
Điều gây tò mò, sự thay thế này đã đi kèm cùng chuyện điểm số của Trung Quốc tăng cao một cách ấn tượng: Năm 2018, quốc gia này đã được xếp đầu bảng về khả năng đọc, tăng lên 61 điểm, toán tăng 60 điểm và khoa học tăng 72 điểm. Thế nhưng, từ năm 2009 đến 2018, điểm trung bình của Singapore chỉ tăng được 13 điểm. Sau khi phân tích về sự tăng điểm của 77 quốc gia tham gia PISA, Tom Loveless của tổ chức Brookings đã chỉ ra rằng sự tăng điểm này là cao hơn 7 lần so với sự tăng điểm trung bình được phân tích kể từ khi chương trình được bắt đầu. Sự nhảy vọt này phải chăng chỉ là thành quả của việc thay thế tỉnh Quảng Đông bằng tỉnh Chiết Giang?
Sự xuất sắc của các học sinh Trung Quốc
Những phê bình liên quan đến tính hợp lệ trong cách làm của PISA tại Trung Quốc không làm quên điều chính yếu đó là sự xuất sắc của học sinh Trung Quốc, một nét chung của các xã hội Đông Á. Thời gian học tập dài không đủ để giải thích thành tích của các em. Trong những năm 1990, ngay khi Estonia giành được độc lập, bộ trưởng giáo dục mới đã tìm kiếm các mô hình nhằm cải cách hệ thống giáo dục vốn kế thừa từ thời Xô Viết và cuối cùng, ông đã lấy cảm hứng từ những gì người láng giềng Phần Lan đang thực hiện. Học trò đã qua mặt thầy, Estonia đã làm tốt hơn Phần Lan và đã vượt qua Hàn Quốc trong các kỳ khảo sát PISA. Học sinh Estonia và Phần Lan có thời gian ở trường ít hơn so với học sinh Trung Quốc và Hàn Quốc. Các em không đi đến các “điểm luyện tú tài” và học ở nhà rất ít. Điểm chung giữa các hệ thống giáo dục các nước Đông Á và các nước châu Âu là gì? Chất lượng của các giáo viên trong việc hợp tác với nhau trong các nhóm sư phạm.
Tuy nhiên, những thành tích của Bắc Kinh hay Thượng Hải không che được tình trạng tồi tệ trong giáo dục tại nông thôn. Trong cuốn sách La Chine à bout de souffle (Fayard 2016), Isabelle Attané đã chỉ ra rằng “Trung Quốc nằm trong nhóm nhỏ gồm 30 nước trên thế giới luôn không có khả năng mang đến cho con em của họ sự giáo dục miễn phí và bắt buộc”. Tỷ lệ đến trường chung đạt 95 %, nhưng tỷ lệ học lên trung học cơ sở không đạt được cao. Báo cáo Trung Quốc 2030, được thực hiện bởi Ngân hàng Thế Giới năm 2013 và Ủy ban Quốc gia Trung quốc về phát triển và Đổi mới (NDRC) đã đưa ra mục tiêu đến năm 2020 là tăng tỷ lệ học sinh trung học cơ sở lên 90%, như mục tiêu mà Hàn Quốc đã đưa ra cho năm 2000. Kế hoạch 5 năm (2016 – 2020) lần thứ 13 đã được ban hành về công nghệ - kết nối internet các trường học, tiếp cận các bài học trực tuyến – nhằm giảm khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, một trong những điểm yếu có tính hệ thống của nền kinh tế Trung Quốc.

Tự do học thuật hay sự chậm tiến?

Nguyễn Khánh Trung

Câu hỏi này đặt ra, nhân đọc tác phẩm “Đại học” của tác giả Nguyễn Xuân Xanh, giải Sách Hay năm 2019, một công trình đồ sộ gồm 570 trang, được ấn hành bởi nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM.

Tự do học thuật

Tự do học thuật ở đại học bao gồm tự do nghiên cứu, giảng dạy và học tập.

Tự do dạy là bản chất của đại học Đức theo tinh thần Humboldt. Theo Friedrich Paulsen, người thầy ở đại học không phải là người có nhiệm vụ chuyển tải “một chân lý gắn liền với uy quyền, mà anh ta phải tìm kiếm, qua nghiên cứu, các nhận thức khoa học để hướng dẫn các thính giả của anh ta” (tr. 365).

Người thầy không chuyển tải những điều gắn với uy quyền có thể thuộc về tôn giáo hay chính trị đã được thiết kế sẵn một cách cố định và buộc người học xem đó là chân lý “bất khả ngộ”, là “pháp lệnh”, mà là truyền tải những kiến thức do người thầy làm nên bằng sức lao động và đam mê của mình trong khoa học, những thứ đã được kiểm chứng. Người thầy “chỉ có một tiêu chuẩn dạy: tự khẳng định chân lý của người thầy trước lý tính và sự thật” (tr. 366).

Trong tác phẩm Ý niệm đại học nổi tiếng, Karl Jaspers đã giải thích, đại học có đời sống riêng, nó “cần được giảng dạy chân lý một cách độc lập với các yêu cầu hay chỉ thị, những cái muốn hạn chế nó từ bên ngoài hay bên trong (tr. 368).

Tự do nghiên cứu và giảng dạy của người thầy tạo ra tự do học của trò. “Theo tinh thần đại học, các sinh viên là những nhà tư tưởng độc lập, tự trách nhiệm và lắng nghe thầy mình một cách phê phán. Họ có tự do trong sự học” (tr. 139). Ở môi trường đại học “người trẻ sẽ được giáo dục, hoặc bằng sự chinh phục của một người thầy, hoặc bằng tự học, hoặc trong tương tác với một cộng đồng của những người cùng chí hướng chiến đấu và yêu thương nhau (tr. 39 của tác phẩm Ý niệm đại học).

Cả thầy và trò, khi đã được tự do để truy tìm chân lý, họ sẽ mang theo sự đam mê và động lực, và dĩ nhiên là với một tinh thần thực sự hiếu tri. Một tinh thần như vậy được duy trì thường xuyên sẽ tạo ra các vĩ nhân cho nhân loại, những kẻ yêu thích sự “cô đơn”, yêu thích chân lý và khoa học sẽ tạo ra một nền “văn hoá” bậc cao với những lý thuyết, những phát minh, phát kiến, phục vụ và thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.

Chấp nhận tự do học thuật hay sự chậm tiến

Nếu lịch sử đã cho thấy, tự do học thuật tạo ra một văn hoá đỉnh cao thúc đẩy sự phát triển, thì cũng có nghĩa là sự chuyên chế, áp đặt và công cụ hoá đại học sẽ làm tổn hại đến đại học và vì vậy làm thiệt hại cho xã hội mà chính nước Đức là một ví dụ. Như đã nói, tinh thần tự do học thuật của Humboldt đã tạo một nền “văn hoá đỉnh cao” rực rỡ tại Đức, đã giúp quốc gia thua trận này giành hầu hết các giải thưởng Nobel trong mọi lĩnh vực vào những năm đầu thế kỷ 20. Thế nhưng chế độ phát xít xuất hiện, chỉ trong vòng vài năm đã tàn phá sự phát triển này, các nhà khoa học của Đức và cả của châu Âu lánh sang “Tân thế giới”, góp phần làm cho các đại học Mỹ phát triển cho đến ngày nay, và kéo theo là cả nước Mỹ hùng cường và luôn dẫn đầu thế giới như chúng ta thấy. Người Mỹ thành công vì họ ý thức một cách sâu sắc sự liên hệ giữa tự do học thuật và hoa trái của sự tự do đó.

Tinh thần Humboldt cũng đã được nhập khẩu vào Nhật và Trung Quốc, các đại học đầu tiên của hai quốc gia này được thành lập “trong tinh thần cứu nước” như đại học Berlin được thành lập năm 1810. Đầu thế kỷ 20 có nhiều sinh viên du học ở đại học Berlin, trong đó có nhân vật Thái Nguyên Bồi (1868 – 1940), ông đã đem tinh thần Humboldt về Trung Quốc và cải tổ đại học Bắc Kinh, thổi vào đại học này một luồng gió mới, tạo nên một “thị trường ý tưởng” cởi mở, một ngọn gió tự do cho một đất nước đang hồi sinh. Ông muốn biến một Trung Hoa cũ kỹ thành một quốc gia hiện đại, đại học là trung tâm văn hoá của quốc gia, lấy khoa học và nghiên cứu làm nòng cốt, độc lập với nhà nước như tinh thần của Humboldt (tr. 167).

Năm 2018, đại học Bắc Kinh kỷ niệm 150 năm ngày sinh của ông, người ta đã dựng một bức tượng toàn thân của Thái Nguyên Bồi, nghĩa là Trung Quốc đang bắt đầu quan tâm trở lại các ý tưởng đại học này.

Hiện nay các nước phát triển ở châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc như choàng tỉnh trước tầm quan trọng giữa việc phát triển các đại học và sự phát triển quốc gia, nên họ đã và đang ra sức đầu tư cho đại học.

Tuy nhiên cái khó của các quốc gia này là đã và đang có một nền giáo dục phổ thông nặng về “học vẹt”, xem nhẹ sự phát triển năng lực tư duy độc lập và khả năng phản biện như nền giáo dục của các nước phương Tây. Kiểu học tập và giảng dạy này có thể phù hợp để đào tạo các công chức nhà nước và các kỹ sư hạng trung, chứ không phù hợp để đào tạo giới tinh hoa cho việc đổi mới và lãnh đạo. Nếu các quốc gia châu Á này, vốn không tiếc tiền và công sức bỏ ra cho giáo dục, cũng đi theo con đường tự do học thuật, tự do diễn đạt và truy vấn như các nước phương Tây thì có lẽ họ đã phát triển hơn rất nhiều như Richard C Levin, cựu chủ tịch đại học Yale phát biểu (tr. 114).

Đại học Việt Nam, như tác giả Nguyễn Xuân Xanh đã trình bày rất rõ, còn rất xa với tinh thần Humboldt, và vì vậy chúng ta không thể tạo ra một nền “văn hoá bậc cao” để dẫn dắt và thúc đẩy xã hội phát triển.

Ngoài những cản trở mang tính văn hoá truyền thống trong tư duy về giáo dục, cũng như cách học trong hệ thống giáo dục cũng như ngoài xã hội tương tự như các nước châu Á đã nói, Việt Nam còn gặp những rào cản đến từ chính trị và kinh tế mà thể hiện rõ nhất là vấn đề “nhà nước hoá”, chính trị hoá trong giáo dục.

Gần đây, người ta cũng đề cập và chủ trương “tự chủ” đại học, nhưng không phải là một sự tự do học thuật theo tinh thần Humboldt, mà chủ yếu là khuyến khích các đại học tự lo về tài chính, một kiểu tự chủ không ăn nhập gì với tự do học thuật.

Chấp nhận tự do học thuật hay sự chậm tiến? Đó là một câu hỏi căn bản, là thông điệp chung cuộc khi gấp cuốn sách mang lại nhiều giá trị này.


Ngôi trường lý tưởng

Nguyễn Khánh Trung

Từ lâu, các suy tư triết học cũng như nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực đều thừa nhận mỗi con người là một chủ thể duy biệt.

Giáo dục nào nhìn nhận, tôn trọng và có những phương cách giáo dục dựa trên tính duy biệt này đều là một sự giáo dục tử tế và thành công, mà giáo dục Phần Lan là điển hình.

Dựa trên tính duy biệt của từng học sinh

Khi nhìn nhận và tôn trọng tính duy biệt nơi từng học sinh, người ta sẽ tôn trọng học sinh và dạy học sinh tôn trọng người khác, bớt đi sự áp đặt trong nội dung, cũng như trong thực hành giảng dạy.

Chẳng hạn, khi người làm giáo dục và các phụ huynh ý thức sâu sắc rằng mỗi đứa trẻ có một cách đón nhận thông tin khác nhau, nổi trội về một số loại hình thông minh khác nhau, thích hợp với một môi trường học tập khác nhau, người ta sẽ không định nghĩa chữ “ngoan” là “khoanh tay lên bàn mắt nhìn lên bảng, nghe cô giáo giảng ngoan thật là ngoan” như trong một bài hát phổ biến trong nhà trường Việt Nam; hệ thống giáo dục sẽ bớt đi việc phát giấy khen hàng loạt với những tiêu chuẩn giống nhau; người lớn lại càng không thể dùng bạo lực trong lời nói và hành vi để “dạy” trẻ nhỏ…

Bởi lẽ việc khoanh tay lên bàn mắt nhìn lên bảng và nghe cô giáo giảng chỉ thích hợp với một số học sinh này mà không thích hợp với một số học sinh khác. Các nhà giáo dục hiện đại đã phân loại nhiều “chân dung” học tập khác nhau, có học sinh mạnh về thính giác, có học sinh nghiêng về thị giác, nhưng cũng có những học sinh thiên về xúc giác. Những học sinh nghiêng về xúc giác và nổi trội về loại hình thông minh vận động thường không thể ngồi yên khoanh tay và nhìn lên bảng một cách chăm chú, mà các em phải có không gian để cử động, phải đổi tư thế liên tục, phải đụng chạm sờ mó… thì mới có thểtập trung, hiểu và thâu nhận kiến thức.

Khi người lớn biết rằng việc giỏi toán và giỏi văn chỉ là những thể hiện của hai trong tám loại hình thông minh, có thể là mặt mạnh của học sinh này mà không phải của học sinh khác, thì sẽ bớt đi việc so sánh, bớt đi việc ép con mình phải trở thành “học sinh giỏi” theo cách hiểu hiện nay, và cũng sẽ bớt đi việc khen thưởng một cách công khai các “học sinh giỏi” này.

Việc thi đua khen thưởng, đề cao một số môn học, áp đặt, và nhất là sử dụng bạo lực đều là “bà con” với nhau, cùng mục tiêu ép học sinh vào một khuôn mẫu duy nhất theo ý chí của người lớn, mà khuôn mẫu của người lớn không phải lúc nào cũng đúng, và nếu có đúng và tốt, chắc chắn không phải là mẫu số chung dành cho mọi học sinh.

Được tôn trọng và tôn trọng sự khác biệt nơi người khác

Trường học lý tưởng là trường học nơi đó người lớn nỗ lực tạo ra một môi trường dành cho tất cả, trong đó sự tôn trọng được đề cao, trở thành một giá trị mạnh trong giáo dục, nhờ vậy mỗi học sinh được tôn trọng và tôn trọng sự khác biệt nơi người khác, được học tập và phát triển theo cách của mình.

Người Phần Lan thành công vì họ nhận thức tính duy biệt này và đã áp dụng sự khác biệt hoá và cá nhân hoá trong giáo dục, họ thiết kế những chương trình nội dung, nghiên cứu các phương pháp và cả tạo ra môi trường phù hợp với từng cá nhân học sinh.

Môi trường giáo dục được cấu tạo bởi bốn yếu tố khác nhau: môi trường vật lý, cảm xúc, xã hội và trí tuệ; và cả bốn yếu tố này cần được cá nhân hoá vì mỗi trẻ tương thích với một loại khác nhau. Do vậy, người Phần Lan đã tạo nên một môi trường tự do để đáp ứng với mọi khuynh hướng của tất cả các học sinh, nhằm tạo điều kiện tốt nhất giúp mỗi em phát triển tối đa khả năng của mình.

Chẳng hạn trong lớp học, họ cho phép học sinh làm việc theo cách của mình, học sinh có thể ngồi, nằm, đi lại, làm việc cá nhân hay làm việc nhóm, miễn sao điều đó phù hợp với cá thể học sinh và dĩ nhiên không làm ảnh hưởng đến các bạn khác.

Muốn được như vậy, người lớn phải chăm chút từng trẻ, hiểu biết sự khác biệt nơi từng trẻ và dạy cho trẻ hiểu biết bản thân, qua đó cùng trẻ thiết kế nên môi trường học tập, phương pháp học tập và kế hoạch học tập của riêng mình.

Đó là một ngôi trường nuôi dưỡng những ước mơ và đam mê của học sinh, cho các em một động lực học tập từ bên trong mang tính lâu dài.

Nguồn: Thế giới Hội nhập: https://thegioihoinhap.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/ngoi-truong-ly-tuong/

"Bộ Giáo dục nên chừa chỗ trống để giáo viên, trường học...điền vào"

Nguyễn Khánh Trung

Khi sách giáo khoa lưu thông trên thị trường như một hàng hóa, Bộ GD-ĐT cần đứng ở vai trò trọng tài tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh và công bằng.

Lời toà soạn: Thời gian gần đây, câu chuyện làm sách giáo khoa theo chương trình mới đang được những người làm giáo dục quan tâm. Một trong những ý kiến đang nhận được quan điểm khác nhau là có nên để Bộ GD-ĐT tự biên soạn một bộ sách, song song với việc để cho các tổ chức, cá nhân khác làm công việc này. Trong bài viết dưới đây, TS Giáo dục Nguyễn Khánh Trung cho rằng Bộ không nên biến mình thành một bên trực tiếp "sản xuất" và tham gia cạnh tranh đồng thời đóng vai trò trọng tài. VietNamNet xin giới thiệu bài viết và mong nhận được sự thảo luận rộng rãi của độc giả. Xin trân trọng cảm ơn.

Hợp với con người

Rất nhiều công trình nghiên cứu, nhiều lý thuyết hiện nay đã khẳng định một cách rõ ràng rằng con người - mà ở đây là học sinh - ngay từ trong bụng mẹ đã tỏ ra là những chủ thể duy nhất và khác biệt xét về mọi khía cạnh: Từ tâm sinh lý, các loại hình thông minh, cấu trúc não bộ, đến cách học, cách thu nhận thông tin, cách tạo ra động lực học tập…

Cũng ngay từ lọt lòng mẹ, mỗi người trải qua một "quá trình xã hội hóa" (nói theo ngôn ngữ xã hội học) khác nhau, bởi hoàn cảnh gia đình, khu xóm, trường học, văn hóa vùng miền, dân tộc đều khác nhau. Những điều này góp phần làm hình thành nhân cách, tập tính riêng của mỗi người.

Hay nói cách khác, mỗi người là một chủ thể duy biệt. Vậy nên, một sự giáo dục tử tế và chất lượng là sự giáo dục dựa trên tính duy biệt nơi mỗi học sinh.

Hợp với bản chất xã hội

Bởi xã hội là một tập hợp những con người với bản chất duy biệt như đã nói. Xã hội đa dạng bao gồm nhiều thành phần, nhiều nhóm văn hóa, nhiều tầng lớp… Điều này là tự nhiên và phổ biến.

Do vậy, giáo dục cũng cần có sự đa dạng để có thể đáp ứng với nhu cầu của các nhóm khác nhau, một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa là để đáp ứng bản chất này của xã hội với sự tôn trọng tính khác biệt và dân chủ.

Như vậy, có thể xây dựng một chương trình quốc gia chung với những điều cơ bản về mục tiêu, về nội dung cốt lõi, nhưng sách giáo khoa và những thứ khác thì cần phải khác nhau để đáp ứng và phù hợp với sự duy biệt xét về mặt cá nhân cũng như xã hội.

Bên cạnh việc có nhiều sách giáo khoa, Bộ GD-ĐT cũng cần phân quyền tự chủ cho các địa phương, các trường, đặc biệt là cho các giáo viên để họ lựa chọn sách phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền cũng như của học sinh trong trường, lớp của họ.

Nên quan niệm các bộ sách giáo khoa chỉ là giáo cụ, giáo viên có thể sử dụng hoặc không sử dụng để chuyển tải chương trình quốc gia. Bộ GD-ĐT muốn đánh giá hay kiểm định chất lượng giáo dục thì nên dựa vào chương trình quốc gia, chứ không lấy bất kỳ bộ sách giáo khoa nào làm chuẩn mực.

Những điều này không mới mẻ gì, các nước phát triển đã áp dụng từ lâu vì nó phù hợp với bản chất của con người và xã hội. Phần Lan thành công trong giáo dục phổ thông theo tôi cũng nhờ họ thừa nhận và bám vào bản chất duy biệt này nơi từng học sinh, để tìm cách hỗ trợ từng học sinh phát triển tối đa khả năng của mỗi em và theo cách riêng của mỗi em.

Bộ GD-ĐT không nên tham gia biên soạn sách giáo khoa

Theo logic trên, việc Bộ GD-ĐT tham gia biên soạn sách giáo khoa là điều không hợp lý và không cần thiết xét về nhiều mặt. Khi kêu gọi các nhóm tư nhân tham gia biên soạn sách và lưu thông trên thị trường như một loại "hàng hóa" thì Bộ cần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh và công bằng.

Và để được vậy, Bộ nên đứng ngoài để đóng vai trò trọng tài. Bộ không nên biến mình thành một bên trực tiếp "sản xuất" và tham gia cạnh tranh đồng thời đóng vai trò trọng tài, thì sự vô lý và bất công là hiển hiện mà thiên hạ hay gọi là hiện tượng "vừa đá bóng vừa thổi còi".

Tôi nghĩ, cái cần nhất là Bộ tập trung vào việc biên soạn Chương trình cốt lõi quốc gia với những điều cơ bản và hãy chừa chỗ trống cho các chủ thể trực tiếp bên dưới như học sinh, giáo viên, các trường, các vùng "điền vào" để có thể đáp ứng nhu cầu của các cá nhân và xã hội.

Trong tình trạng Việt Nam hiện nay, điều cần nhất là Bộ GD-ĐT tập trung vào việc nâng cao chất lượng của các trường đào tạo giáo viên. Cải cách có thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào các giáo viên, chứ không phải phụ thuộc vào sách giáo khoa.

Nguồn:Vietnamnet:  https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/viet-sach-giao-khoa-bo-giao-duc-nen-dung-o-vai-tro-trong-tai-513834.html?fbclid=IwAR2Yrxbpu8Ga6lw_uOc93utEjSyQ6M82pRQlzVJbvyX9D2yvIjyFaqJzryo

Thống nhất về khái niệm

Nguyễn Khánh Trung

Câu chuyện triết lý giáo dục đã làm tốn hao khá nhiều giấy mực, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi kết. Theo tôi, trước hết mọi người cần tìm hiểu khái niệm. Tranh luận chỉ có kết quả khi chúng ta nhất trí với nhau và cùng khởi đi từ một số điểm căn bản nào đó.

Khái niệm “triết lý giáo dục”

Nói đến khái niệm “triết lý giáo dục” là nói đến triết và giáo dục. Triết gia là những chuyên gia làm việc, suy tư trên các ý tưởng, khái niệm. Họ phân tích, xếp loại, truy vấn hay tạo ra các khái niệm mới dựa trên cơ sở lý tính, sự chặt chẽ của phép logic. Triết học là mẹ của các khoa học vì khoa học nào cũng cần sự chặt chẽ, biện chứng, lý tính và tinh thần truy vấn. Giáo dục cũng là khoa học, ngành có đối tượng là con người nên lại càng cần sự soi sáng của triết học.

Như vậy, khái niệm “triết lý giáo dục” ám chỉ những suy tư, truy vấn mang tính triết lý trên mọi khía cạnh của giáo dục, là việc “đặt vấn đề trên tất cả những gì chúng ta biết và chúng ta tin trong giáo dục” (Reboul, 1989, tr.13). Theo đó, định nghĩa này của Olivier Reboul nhấn mạnh đến ba chiều kích. Tính toàn bộ, nghĩa là không có khía cạnh nào trong giáo dục thoát ra khỏi sự truy vấn của triết học. Tính triệt để, sự truy vấn phải đi tới cùng, tới nguồn cội, không thể có chuyện bàn đến cách giảng dạy thế nào mà không đặt câu hỏi trên các mục tiêu của việc giảng dạy đó là gì. Tính thực tế cuộc sống, sự truy vấn không chỉ dừng lại ở những tri thức, nội dung được giảng dạy, mà còn trên sản phẩm được đào tạo, liệu học sinh sau khi ra trường sẽ thế nào trong sự tương quan với xã hội và thế giới công việc?

Nghĩa là khi nói đến triết lý giáo dục là nói đến tính triết lý, là mức độ và chất lượng các tư tưởng trên các khía cạnh của giáo dục, đặc biệt là mục tiêu giáo dục. Triết lý giáo dục khác với triết học giáo dục, khác học thuyết (doctrine), mặc dù nó có mối liên hệ với nhau.

Phải rõ ràng, mạch lạc và thuyết phục

Đọc các điểm trong mục tiêu giáo dục quốc gia của Pháp hay Phần Lan, tôi thấy họ định nghĩa một cách chí lý, phù hợp thời thế, thuyết phục. Tức là họ có triết lý giáo dục ở tầm mức cao. Tư tưởng ở tầm vĩ mô rõ ràng, mạch lạc và thuyết phục được mọi người, thì phương thức tổ chức, giảng dạy từ trên xuống dưới cũng sẽ dễ dàng và mạch lạc.

Còn khi đọc mục tiêu giáo dục của ta thể hiện trong các văn bản, tôi thấy có nhiều mâu thuẫn, khó thuyết phục… Nghĩa là “triết lý giáo dục” của ta yếu lý lẽ và không hợp thời, không thu hút được lòng người, chứ không phải là không có hay chưa có. Nếu tôi thấy như thế thì có lẽ nhiều người khác cũng thấy thế. Tư tưởng ở tầm vĩ mô đóng vai trò dẫn đạo mà mập mờ, thiếu thống nhất, thiếu tính thuyết phục thì làm sao có thể thấm vào tâm vào não của từng giáo viên, từng học sinh, từng phụ huynh để cùng nhau hướng về một cái đích chung! Vậy nên chúng ta cãi nhau mãi, trong khi giáo dục xuất hiện nhiều chuyện phi lý đến khó tin, cũng là điều không có gì lạ.

Tôi nghĩ chúng ta đừng đổ hết điều này cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, vì nó liên quan đến chủ thuyết, đến “lý tưởng” đang dẫn dắt xã hội nói chung và nền giáo dục nói riêng. Như Durkheim, nhà sáng lập xã hội học người Pháp từng nói đại ý: Những gì xảy ra trong giáo dục là dấu chỉ, là phản ánh của những gì đang xảy ra ngoài xã hội. Nên việc thiếu tính triết lý trong hệ thống giáo dục phản ánh sự thiếu tính triết lý trong xã hội. Không có một nền giáo dục xuất sắc trong một xã hội chậm tiến và ngược lại. Nếu ngoài xã hội không cổ vũ tinh thần khai phóng, không khuyến khích óc phản biện và sáng tạo, thì nhà trường khó lòng nuôi dưỡng, phát triển được những điều này và ngược lại.

Ở các nước phát triển thì xem đó là vốn chất xám của xã hội và của mỗi cá nhân. Một trong những nhiệm vụ trọng yếu nhất của hệ thống giáo dục là truyền bá chúng, phản biện chúng, làm mới chúng, phát triển chúng… với mục tiêu là mỗi cá nhân đạt đến sự trưởng thành, độc lập trong tư duy, biết và có thói quen phản biện. Tôi nghĩ chỉ như vậy thì quốc gia mới có thể phát triển cao và sâu, trở nên hùng cường về mọi mặt.

Vậy nên phải luôn như câu khẩu hiệu của Tạp chí sư phạm ở Pháp: “Thay đổi xã hội để thay đổi nhà trường, thay đổi nhà trường để thay đổi xã hội” (Cahiers Pedagogiques).

Khi giáo dục không có hoặc yếu triết lý, thì xã hội cũng vậy, thiếu nền tảng và mất định hướng, cá nhân và quốc gia đều chênh vênh! Do đó, trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, các chuyên gia nên nghiên cứu, tranh luận một cách kỹ lưỡng nhằm rút ra những lý luận mang tính triết lý, làm nền tảng chắc chắn cho hệ thống giáo dục.

Nguồn: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=78&NewsId=413185&fbclid=IwAR3IaqqrWmsPDES83lMsR8-nJNJGWD0A2vwbitp7qaC_7cLqoQWRfAERouA

Nghệ thuật giúp trẻ học tập tốt hơn

Nguyễn Khánh Trung

Theo giáo sư Makoto Shichida, khi mới sinh ra, trẻ đã vận dụng não phải, vốn có khả năng tiếp thu các kích thích bên ngoài dưới dạng những chuyển động sóng (không liên quan gì đến năm giác quan) để chuyển đổi những chuyển động sóng này thành những hình ảnh.

uy nhiên khi trẻ lớn lên, bắt đầu tiếp xúc với giáo dục nhà trường, những khả năng tự nhiên nơi trẻ sẽ mất dần, nghĩa là thay vì nhà trường tìm cách nuôi dưỡng và phát triển những khả năng sẵn có, đã đưa trẻ vào một hệ thống với nhiều hạn chế, đặc biệt là làm hạn chế khả năng của não phải. Cách thức giảng dạy kéo theo cách thức học tập không thuận theo tự nhiên, làm mất cân bằng giữa hai bán cầu não và do đó làm hạn chế năng lực vốn có của con người.

Theo tôi, giáo dục Việt Nam đã dựa quá nhiều trên các chức năng của não trái mà bỏ qua hoặc không mấy quan tâm đến phần não phải, xem nhẹ các yếu tố thuộc về trực quan, cảm xúc, xem nhẹ giáo dục nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc và hội hoạ. Thế nhưng, thật trớ trêu, bán cầu não trái vốn gắn chặt với nhà trường như vậy có rất ít khả năng ghi nhớ so với não phải. Những gì học sinh nhớ được chủ yếu dựa trên việc lặp đi lặp lại các bài học hay các bài tập.

Theo Bruno Hourst, sở trường của não phải là ghi nhớ, nó mã hoá thông tin bằng cách thức không lời và kết nối thông tin với những cảm xúc và các yếu tố như nhịp điệu, màu sắc, hình dạng, hình ảnh. Đó là quá trình tạo ra những ký ức mà chúng ta lưu giữ trong trí nhớ, thậm chí là khi những ký ức này đã xảy ra từ rất lâu.

Để cải thiện sự mất quân bình nói trên, cần chú ý tạo ra một môi trường phong phú và đa dạng, ở đó cho phép bộ não vận dụng hết khả năng của hai bán cầu; thúc đẩy tiếp cận tổng quát cũng như tiếp cận phân tích; ưu tiên các yếu tố mang tính cảm xúc, có hình ảnh để ghi nhớ tốt hơn. Âm nhạc có thể giúp sự kết nối khả năng của hai bán cầu và kích thích não phải phát huy vai trò.Tạp chí Nature đã công bố những kết quả từ một thí nghiệm của Mỹ được tiến hành tại trung tâm thần kinh học phục vụ việc học và ghi nhớ. Người ta đã cho 36 học sinh trung học cơ sở làm các bài kiểm tra về trí nhớ, trước rồi sau một số hoạt động, trong đó cho nghe một bản Sonate của Mozart. Kết quả, tất cả học sinh sau khi nghe nhạc của Mozart đều có kết quả tăng lên đến 9 điểm. Các nhà nghiên cứu đã đánh giá rằng, âm nhạc cổ điển có thể cải thiện khả năng lập luận trừu tượng (đặc biệt là khả năng vận dụng vào toán học hoặc môn cờ vua) bằng cách củng cố sự kết nối giữa các phần khác nhau của não. Họ cho rằng chìa khoá của kết quả này chính là tính phức hợp của bản nhạc.

Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy, trường học nào tạo không gian và điều kiện cho các môn nghệ thuật như hội hoạ, âm nhạc phát triển, học sinh luôn đạt được kết quả tốt.



Giảng dạy sử trong chương trình lớp 6 ở Pháp

Nguyễn Khánh Trung

Cuộc thi tốt nghiệp phổ thông trung học cơ sở năm 2018 vừa kết thúc và khi điểm số được công bố, không ai có thể làm ngơ trước con số: 83% bài thi môn sử dưới điểm trung bình, trong đó có gần 50% bài bị điểm liệt.


TS Trần Khánh Trung, giám đốc trung tâm Emile Việt Education (EVE) tại Sài Gòn, đã gởi đến báo TGTT bài viết về giảng dạy sử ở chương trình lớp 6 của Pháp, như một ý kiến tham khảo cần thiết cho môn này ở Việt Nam.

Môn sử ở Pháp được giảng dạy thế nào?

Thử tìm hiểu điều này thông qua cuốn sách giáo khoa lớp 6 “tích hợp” gồm ba môn: lịch sử – địa lý – giáo dục đạo đức và công dân. Xuyên suốt các bài học trong sách giáo khoa có năm hoạt động: tranh luận, đóng vai, thuyết trình, biện luận và thực hiện những chọn lựa và nghiên cứu.

Từ khoá chính trong từng trang sách là “competence” (năng lực, kỹ năng). Các kỹ năng được chia thành bốn mức khi đánh giá học sinh: mức 1 là chưa đạt; mức 2 là còn yếu; mức 3 là thoả mãn và mức 4 là đạt.

Nhiệm vụ của mỗi phần, mỗi chương là để trang bị cho các học sinh một số kỹ năng cụ thể, đó là các kỹ năng về làm việc nhóm, các kỹ năng của nhà nghiên cứu như biết đặt câu hỏi, thiết lập các giả thuyết, kiểm chứng, biện luận, khai thác các tài liệu, xác định thời gian, không gian, viết, trình bày…

Phần cuối của mỗi chương luôn có phần bài tập và phần để các học sinh tự đánh giá một số kỹ năng của bản thân. Trong các phần luôn có hộp thông tin (box) quan trọng dẫn các em đến các trang web để tải một phần mềm miễn phí; nhằm sử dụng vào việc học hoặc để làm bài tập, xem một phim tài liệu, một bộ sưu tập của bảo tàng số…

Như vậy có thể thấy, học sinh không học thuộc lòng các kiến thức có sẵn mà học để có năng lực, học phương pháp, học cách tư duy và thực hành của nhà sử học.

Nội dung của chương trình

Chương trình lịch sử lớp 6 ở Pháp có ba chủ đề lớn.Ở đây, tôi chỉ trình bày chương 1 của chủ đề 1 như một ví dụ để minh hoạ sâu hơn những gì đã trình bày ở trên.

Chủ đề 1 “Lịch sử dài của nhân loại và di cư” được chia thành ba chương. Chương 1 là “Khởi đầu của loài người”. Trang đầu tiên trước khi đi vào nội dung gồm các nội dung: ba câu hỏi trắc nghiệm và những câu trả lời để xem những gì học sinh đã biết trước khi đi vào nội dung chương này; nêu rõ mục tiêu “trong chương này, sẽ: xác định những giai đoạn chính của thời tiền sử, mô tả lối sống của người tiền sử và giải thích con người đã cư trú trên hành tinh thế nào”.

Ngoài ra, còn có những yêu cầu: chỉ dẫn học sinh truy cập web để xem video tài liệu Sự phiêu lưu của những con người đầu tiên, yêu cầu học sinh theo dõi nắm bắt những phát hiện của các nhà nghiên cứu sinh học cổ và khám phá những sưu tầm của bảo tàng mới về con người; trình bày những kỹ năng mà học sinh sẽ phải đạt được thông qua việc học bài này: kỹ năng 1: biết và sử dụng được các thuật ngữ thích hợp; kỹ năng 2: sử dụng được một tài liệu; kỹ năng 3: làm việc nhóm và kỹ năng 4: biết tự định vị trong thời gian. Mỗi phần trong nội dung của chương sẽ gắn với một kỹ năng cụ thể.

Học sinh làm gì?

Trong box đầu chương, học sinh được yêu cầu nhập vai như thành viên của nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra bộ xương hoá thạch năm 1984 có biệt danh là “Thiếu niên Turkana”.Nhiệm vụ của học sinh là làm việc nhóm để nghiên cứu và trình bày bằng một bài viết.

Để giúp học sinh làm điều này, trong một box khác, các tác giả sách giáo khoa đem ra những câu hỏi cụ thể chẳng hạn: cái gì? ở đâu? trong tình trạng nào? trong lớp đất nào? tương ứng với thời kỳ nào? Học sinh có thể tìm các thông tin trong các mục sau đó như giới thiệu địa điểm khai quật phát hiện ra bộ xương, so sánh với các bộ xương người tiền sử khác, các công cụ lao động đầu tiên của người tiền sử.

Sách cũng không quên hướng dẫn các học sinh tải phần mềm để làm cho bài viết đẹp hơn với yêu cầu trình bày ngắn gọn bằng ngôn ngữ của lớp 6.

Thông qua thực hành trong chương này, học sinh học được các năng lực: làm việc nhóm, tự đặt các câu hỏi và các giả thuyết, kiểm chứng, biện luận. Đó là những kỹ năng, năng lực của nhà sử học, nhà nghiên cứu!

Dạy sử là để tập cho học sinh các kỹ năng và thói quen của nhà sử học: biết nghiên cứu, biết đọc các dữ liệu lịch sử, biết phản biện và tư duy độc lập, biết trình bày bằng văn bản và bằng lời các vấn đề lịch sử. Không phải ngẫu nhiên mà người trẻ tại các nước phát triển nói chung và Pháp thường tỏ ra tự chủ, có chính kiến, biết làm việc nhóm và hợp tác với người khác một cách hiệu quả. Trong khoa học, họ có nhiều phát minh, nhiều công bố quốc tế, ít đạo văn… vì tất cả những điều này đã được luyện tập rất kỹ trong các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông.

Nguồn: Thế giới Hội nhập: https://thegioihoinhap.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/giang-day-su-trong-chuong-trinh-lop-6-o-phap/

Nhìn về "sản phẩm" giáo dục hôm nay

Nguyễn Khánh Trung

Bằng kinh nghiệm của mình, Chuyên gia Giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung (Trưởng dự án Giáo dục Emile Việt) cho rằng, bệnh thành tích trong giáo dục, "chạy chọt", gian lận điểm số của phụ huynh đang góp phần đắc lực hủy hoại tương lai của giới trẻ.



Có thể nói, những người làm giáo dục hôm nay phải chịu trách nhiệm với xã hội ngày mai. Những yếu tố chính tác động đến đứa trẻ chủ yếu đến từ chương trình, cách dạy, môi trường sư phạm, gia đình và xã hội xung quanh.

Vì vậy, những người làm giáo dục (bao gồm giáo dục nhà trường và cả giáo dục gia đình) hôm qua phải chịu trách nhiệm về "sản phẩm" giáo dục hôm nay. Đồng thời, những người làm giáo dục hôm nay sẽ phải chịu trách nhiệm với xã hội mai sau.

Cần những con người chất lượng cao

Nhìn lại, hiện trạng giáo dục nước ta hiện nay vẫn còn tồn tại những vấn đề như áp lực học tập, chạy theo thành tích. Cùng với đó, câu chuyện gian lận điểm số trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 ở một số địa phương vốn có căn nguyên từ quá khứ. Nói đúng hơn, câu chuyện buồn ấy có gốc rễ từ văn hóa chứ không đơn giản chỉ là câu chuyện riêng của ngành giáo dục. Bởi vậy, muốn giải quyết tận gốc thực trạng này cần có những giải pháp toàn diện và triệt để, không chỉ điều tra, xử phạt và để đó.

Phần Lan vốn là đất nước có một nền giáo dục tốt hạng nhất thế giới mà chúng ta mong muốn học hỏi. Nhưng sẽ khó đạt được như họ nếu chúng ta không có một môi trường xã hội với những con người tương ứng. Họ không chỉ có một nền giáo dục tốt nhất mà còn có một xã hội minh bạch bậc nhất, có chỉ số lòng tin giữa người với người, giữa người dân và các tổ chức cao nhất…

Chạy để nâng thứ hạng cho con, được gì?

Tất cả những yếu tố đó tạo nền móng vững chắc để họ xây dựng một nền giáo dục phục vụ con người, đặt con trẻ làm trung tâm. Để rồi, từ nền giáo dục ấy lại tạo ra những con người có chất lượng cao, tiếp tục duy trì và phát triển xã hội.

Nhìn lại nền giáo dục nước ta sau sự việc liên quan đến gian lận điểm số cùng với những áp lực học hành mà trẻ đang phải gánh chịu, có một phần trách nhiệm không nhỏ của cha mẹ và giáo viên.

Những người này sẵn sàng "chạy", can thiệp nhằm nâng điểm, nâng thứ hạng cho con em mình. Theo quan điểm của nhiều người, đó cũng là một cách lo cho tương lai của con. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, đó là một kiểu hủy diệt nhân cách của đứa trẻ. Bởi những hành động "dọn chỗ" cho tương lai của con đã không cho con cơ hội để khẳng định mình, để trưởng thành và để tự xây dựng tương lai cũng như đời sống của riêng mình.

Bằng hành động "dọn đường", định đoạt tương lai của con, phụ huynh không cho con thực hiện những lựa chọn của mình. Nói đúng hơn, họ không quan tâm đến sự khác biệt nơi con. Họ cũng không nhìn ra những thế mạnh và điểm yếu ở con. Chúng ta quen áp đặt con lập trình theo những gì mình muốn trong khi con cái có mong muốn khác cha mẹ mình.

Vì vậy, việc áp đặt con, nhân danh tình yêu thương để "bó khuôn" con vô tình đánh cắp đi sự trưởng thành, cũng như tương lai của đứa trẻ. Nhưng có một sự thật, thực trạng này không phải cha mẹ nào cũng nhận ra hoặc cũng hiểu.

Nhiều người muốn con đạt điểm cao với bất cứ giá nào để có được "tấm vé" ưu tiên trên đường thăng quan tiến chức về sau. Nhưng họ không hiểu hay nghĩ đến chuyện phải giáo dục con như ý nghĩa của hai từ giáo dục vốn có. Ngược lại, họ đang thực hiện những hành vi phản giáo dục nhưng vẫn "cố đấm ăn xôi". Vì vậy, việc "chạy chọt", gian lận điểm số của một số phụ huynh đang góp phần đắc lực hủy hoại tương lai của giới trẻ.

Bởi lẽ, giáo dục là công việc tạo ra một môi trường lành mạnh, thích hợp tại trường và tại nhà. Giáo dục cũng là tìm cách trợ giúp con trẻ phát triển các năng lực về mặt trí tuệ, tinh thần đạo đức và thể chất. Qua đó, trẻ phát triển toàn diện, có năng lực tự kiến tạo đời sống của bản thân và góp phần xây dựng, thúc đẩy xã hội phát triển.

Có thể nói, phát triển nhân cách là một tiến trình, một con đường dài. Nếu người lớn bố trí trên con đường đó sự tử tế, hẳn con cái họ sẽ có cơ hội trưởng thành và trở thành những con người tử tế. Ngược lại, nếu người lớn tạo ra trên con đường đó đầy những mánh khóe, không ngay thẳng, giành giật nhau, bon chen, trẻ sẽ được gì? Chắc chắn điều này tựa như những "trái độc", người gặp nguy hiểm trước hết là chính con em họ.Giáo dục liên quan đến nhân cách con người, liên quan đến tập tính tốt, xấu của cả xã hội. Giáo dục không phải là nhồi nhét kiến thức, càng không phải những con điểm, nhất là những điểm số bất chính.

Những đứa trẻ ấy sẽ nhận được gì khi không học mà cũng đậu cao? Trẻ khi rớt tốt nghiệp mà vẫn thành thủ khoa, các cháu rồi sẽ thành thế nào khi ra đời với cái đầu rỗng? Khi không kiến thức, không kỹ năng, không trung thực, không tự chủ có khiến họ trở nên thành công và hạnh phúc? Đó không phải là cách giáo dục con cháu thành “người”.

Tuy nhiên, không ít bậc phụ huynh sẵn sàng bất chấp tất cả, chỉ cốt con em mình có những điểm số cao vô nghĩa, nhằm ngồi vào những vị trí được bố trí sẵn. Ngẫm lại, sẽ thật đáng sợ, đáng giật mình nếu những người với cái đầu rỗng sẽ lấy cắp cơ hội của người khác.

                               


Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam: https://baoquocte.vn/nhin-ve-san-pham-giao-duc-hom-nay-78739.html?fbclid=IwAR09K4pIyzRt9WOih3W3KxDCssd2oH13rWa5krhN-rsXEAG89bFD0PLNnnA