Tuesday, November 26, 2013

Nghị quyết TW8 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT

A – Tình hình và nguyên nhân

1- Thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII và các chủ trương của Đảng, Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển giáo dục-đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lĩnh vực giáo dục và đào tạo nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cụ thể là: Đã xây dựng được hệ thống giáo dục và đào tạo tương đối hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học. Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đào tạo được cải thiện rõ rệt và từng bước hiện đại hóa. Số lượng học sinh, sinh viên tăng nhanh, nhất là ở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Chất lượng giáo dục và đào tạo có tiến bộ. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng, với cơ cấu ngày càng hợp lý. Chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo đạt mức 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh; hệ thống giáo dục và đào tạo ngoài công lập góp phần đáng kể vào phát triển giáo dục và đào tạo chung của toàn xã hội. Công tác quản lý giáo dục và đào tạo có bước chuyển biến nhất định.
Cả nước đã hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000; phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010; đang tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; củng cố và nâng cao kết quả xóa mù chữ cho người lớn. Cơ hội tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách; cơ bản bảo đảm bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo.
Những thành tựu và kết quả nói trên, trước hết bắt nguồn từ truyền thống hiếu học của dân tộc; sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, của mỗi gia đình và toàn xã hội; sự tận tụy của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; sự ổn định về chính trị cùng với những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
2- Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất.
Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Đầu tư cho giáo dục và đào tạo chưa hiệu quả. Chính sách, cơ chế tài chính cho giáo dục và đào tạo chưa phù hợp. Cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu và lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Wednesday, November 20, 2013

Ý kiến: Giáo dục VN - Đập bỏ và xây mới?


Ngành giáo dục Việt Nam hiện nay có thể được so sánh với hình ảnh một ngôi nhà long móng tốc mái, tường cửa xộc xệch do được chắp vá từ những nguyên liệu không đồng bộ.
Vậy giải pháp nào khả thi để giải quyết tận gốc vấn đề này?
Thông lệ ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, mỗi khi xảy ra thay đổi tại một thể chế chính trị cầm quyền thì chỉ có những biến động liên quan tới bộ máy quân sự và chính trị. Riêng hệ thống hành chính và dân sinh đang hoạt động ổn định sẽ được giữ nguyên hoặc chỉ điều chỉnh đôi chút để tiếp tục phục vụ việc phát triển đất nước.
Thế nhưng tại Việt Nam, ngay từ sau 1954, hệ thống giáo dục ở miền Bắc do kế thừa hệ thống giáo dục Pháp đã bị đập bỏ để nhường chỗ cho hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa. Miền Nam sau 1975 cũng chung số phận. Cần nhắc lại, từ những năm đầu thế kỷ trước, Việt Nam đã có những trường dành riêng cho nam sinh và nữ sinh, trường dành cho học sinh ngoại quốc.
Riêng tại Hà Nội đã có trường Bưởi là trường Tây duy nhất tại Đông Nam Á dành cho học sinh bản địa bằng giáo trình song ngữ Pháp- Việt. Qua tiếp xúc với những người lớn tuổi thuộc thế hệ học trò từ trước thập niên 70, ai cũng cho rằng chương trình học tập khi đó khác hiện nay rất nhiều, gọn gàng hơn và thực tế hơn.
Suốt một giai đoạn lịch sử dài, rất nhiều sinh viên được xét vào đại học không bởi trình độ học vấn, mà do thành phần lý lịch giai cấp gia đình quyết định, ngành sư phạm cũng không có ngoại lệ. Người giáo viên từ thời chế độ cũ không được trọng dụng, nhất là tại phía nam, thay vào đó là những thầy cô được điều từ miền Bắc vào thay thế.
“Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, tới thập niên 90, sư phạm là nghành cuối cùng được sinh viên lựa chọn do điểm chuẩn thấp nhất và thu nhập thấp. Với những thực tế đó, thực khó lòng đòi hỏi chất lượng đầu ra của những người làm nghề giáo dục.

Vai mới của người thầy

  • GS Vũ Đức Vượng(Giám đốc chương trình Giáo dục Tổng quát, Đại học Hoa Sen)
- Định luật của thay đổi là chúng sẽ túc tắc tiến theo hướng đi của chúng, và chúng ta, cả thầy lẫn trò, cả phụ huynh lẫn quan chức, sẽ phải thích nghi luân lý, tầm nhìn, cũng như lối sống của chúng ta theo hoàn cảnh mới.


Mới đây, tổ chức Varkey GEMS làm một cuộc khảo cứu về địa vị của nhà giáo ở 21 nước khác nhau tại Âu, Á, Mỹ châu và Trung Đông. Sau khi phỏng vấn 21.000 người tại các quốc gia này, mà một nửa là từ Âu châu, Varkey GEMS công bố kết quả là nghề dạy học được tôn trọng nhất ở Trung quốc và Hy lạp và bị coi nhẹ nhất ở Do Thái và Brazil.
Việt Nam không nằm trong số 21 quốc gia này nên chúng ta không có dữ liệu rõ ràng về chỗ đứng của nhà giáo. Tuy nhiên, đa số người Việt hiện nay thừa nhận nghề dạy học không còn là một nghề trọng vọng trong xã hội. Một thống kê hồi tháng 7/2013 tiết lộ rằng một nửa số giáo viên bây giờ sẽ chọn nghề khác nếu họ có cơ hội chọn lại.
Chỉ so sánh về lương bổng cũng đủ thấy: trong số 21 nước, lương thấp nhất là Ai cập (10.604 USD/năm) và cao nhất là Singapore (45.755 USD); hai nước coi nhẹ nghề giáo là Do thái (32.447 USD) và Brazil (18.550 USD); hai nước coi trọng nhất là Trung quốc (17,730) và Hy lạp (23.341) Lương nhà giáo ở Việt Nam thường không quá 3.000 USD một năm.

Friday, November 15, 2013

Khoa học cho tất cả mọi người ở trường THPT Thụy Điển -Iann Lundegard

TS. Iann Lundegård
Khoa Toán và Giáo dục Khoa học, Đại học Stockholm

Báo cáo đề cập đến việc thiết kế chương trình giảng dạy ở Thuỵ Điển đối với bộ môn
‘Tìm hiểu Khoa học’ ở trường phổ thông. Tôi xin trình bày những ý tưởng chính khi thiết kế môn học này và những hệ quả của nó đến các SGK đã xuất bản trong khu vực.
Ở các trường THPT tại Thuỵ Điển, có một môn học gọi là ‘Tìm hiểu Khoa học’.
Môn học này là bắt buộc đối với tất cả các HS không chọn các môn Khoa học, Hoá
học, Sinh học và Vật lí để học lên đại học và cao đẳng. Môn ‘Tìm hiểu Khoa học’
cung cấp cho HS kiến thức GD chung về khoa học mà các em có thể sử dụng cho
cuộc sống hằng ngày và trong xã hội. Vì vậy, mục đích của môn học là cung cấp cho
HS những kĩ năng hữu ích cho tương lai của các em. Hơn thế nữa, chương trình bộ
môn ‘Tìm hiểu Khoa học’ được viết từ quan điểm cho rằng HS càng quan tâm đến các
vấn đề trong thực tế cuộc sống có liên quan đến các em ở hiện tại, thì càng chắc chắn
rằng các em cũng học được những điều có lợi từ bên ngoài nhà trường.
Môn ‘Tìm hiểu Khoa học’ ở trường THPT tại Thuỵ Điển mang tính liên ngành.
Điều này có nghĩa là nó không chỉ là bắt đầu từ các môn học mang tính khoa học
thuần tuý. Nó cũng tiếp nhận nội dung từ các lĩnh vực khoa học giao thoa giữa khoa
học tự nhiên và xã hội. Có một số lĩnh vực như vậy. Y học là một ví dụ về một ngành
không liên quan trực tiếp đến bất kì các môn hàn lâm nào như Vật lí, Hoá học và Sinh
học. Môn Y học cận kề với các ngành đó trong khi nó cũng có một số nội dung chung
với các bộ môn thuộc khoa học xã hội và nhân văn. Môi trường và phát triển bền
vững, hệ sinh thái, nhân khẩu học, hệ thống năng lượng là các ví dụ về các lĩnh vực
liên ngành. Chúng liên quan đến khoa học, nhưng cũng gắn chặt với các ngành xã hội.

Saturday, November 9, 2013

Giá trị của tư duy sử học


Trần Trọng Dương 
Sử học là một trong những phân môn của khoa học xã hội và nhân văn đem lại những LỢI ÍCH VỀ TƯ DUY, nhưng trong nhiều thập kỷ qua môn sử học không được đưa vào trong nhà trường, thay vào đó là một biến tướng sai lạc của nó: môn lịch sử. 
 
Sử học là gì? Có thể nói một cách ngắn gọn, sử học là khoa học về lịch sử, hay cao hơn là khoa học về nhận thức lịch sử. Lịch sử là toàn bộ những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, nhưng không ai dám chắc chắn và khẳng định rằng mình có thể nhận thức được đúng đắn toàn bộ về nó. Cái lịch sử mà chúng ta biết đến chỉ là những kết quả sau những chuỗi dài của hoạt động nhận thức, trong đó không tránh khỏi có sự chủ quan, phiến diện, nếu không muốn nói có khi là sai lầm. Sai lầm trong nhận thức lịch sử được tạo nên bởi nhiều nguyên nhân. Có thể là sai lầm khi ta chỉ có một số dữ liệu giả tạo, hoặc trầm trọng hơn, là sai lầm về mặt phương pháp luận và mục đích luận. Sai lầm về phương pháp luận là sai lầm về mặt tư duy, còn sai lầm do mục đích luận là sai lầm về đạo đức khoa học. Để tránh sai lầm trong nhận thức lịch sử, người làm sử học tuyệt đối không được mang trong mình một một đích nào khác ngoài mục đích thuần túy duy nhất là NHẬN THỨC LỊCH SỬ. Khi biện hộ rằng vì có lợi cho mục đích dân sinh, có lợi cho mục đích chính trị mà ta phải chứng minh một dữ kiện lịch sử nào đó, thì việc chứng minh ấy đã tiềm ẩn sẵn nguy cơ bị thiên lệch, không đúng với thực tế.

Sử học là một khoa học xử lý các nguồn sử liệu để đưa ra nhận thức trung thực về lịch sử, nằm ngoài những định kiến tô hồng hay bôi xấu, nằm ngoài những mục đích có trước, và nằm ngoài những nhiệm vụ chính trị. Người làm sử học phải là người thao tác tư duy trên cơ sở giám định và giải độc sử liệu. Vì thế, lịch sử - với tư cách là cái được tái hiện bởi nhà sử học- không phải là một cái gì bất biến, cố định, vĩnh hằng, mà chỉ là những sử thực tương đối. Ở thời điểm nhất định, với những tư liệu nhất định, chúng ta chỉ có thể nhận thức lịch sử ở mức độ nhất định. Nhưng nếu như có những phát hiện mới về sử liệu, và những sử liệu ấy được xử lý bằng phương pháp mới, góc nhìn mới, thì chúng ta sẽ có nhận thức mới.

Tuesday, November 5, 2013

Diện mạo chương trình phổ thông mới

Tuệ Nguyễn

Thanh Niên: Lần đầu tiên, Bộ GD-ĐT đã công bố dự kiến về số môn học cụ thể của từng lớp, từng cấp học trong chương trình giáo dục phổ thông sau 2015.
Trong hai ngày 26 – 27.10, tại Hà Nội, Bộ tổ chức hội thảo quốc gia về hệ thống môn học, hoạt động giáo dục phổ thông, một trong những nội dung quan trọng của Đề án đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT.

Tích hợp ở cấp dưới, phân hóa ở cấp trên
Hai giai đoạn
Theo Bộ, sau năm 2015 giáo dục phổ thông sẽ cấu trúc 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là giai đoạn bắt buộc, học 9 năm (gồm tiểu học và THCS) người học cơ bản hình thành nhân cách, trang bị kiến thức kỹ năng tối thiểu. Học xong THCS đảm bảo đi học, đi làm tiếp và sống với mọi người xung quanh. Không yêu cầu cao sâu nhưng phải toàn diện cơ bản để hình thành nhân cách…
Giai đoạn 2 (3 năm THPT) tiếp tục hoàn thiện hơn nhân cách người công dân. Song song với việc hoàn thiện tiếp giai đoạn giáo dục cơ bản – là giáo dục phân hóa để phát huy tiềm năng và năng khiếu của mỗi HS. Từ đó có định hướng nghề nghiệp.
Theo Bộ, với các môn học tích hợp nhiều lĩnh vực như tìm hiểu tự nhiên và tìm hiểu xã hội của sách giáo khoa tiểu học hiện hành, bổ sung và điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với nhu cầu của học sinh (HS) hiện nay; đồng thời tăng cường thiết kế các nội dung dạy học dưới dạng các câu chuyện lịch sử, câu chuyện về các hiện tượng tự nhiên và xã hội nhằm giúp các em có được những hiểu biết sơ giản, gần gũi về những hiện tượng tự nhiên và xã hội xung quanh.
Ở cấp THCS, so với hiện nay môn khoa học tự nhiên sẽ được tích hợp chủ yếu từ các môn lý, hóa, sinh, khoa học về trái đất bằng cách sắp xếp các chủ đề của mỗi môn học gần nhau, nhằm soi sáng và liên hệ lẫn nhau; đồng thời có thêm một số chủ đề yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp (chủ đề liên môn). Môn khoa học xã hội được chủ yếu tích hợp từ các môn lịch sử, địa lý và một số nội dung về kinh tế, xã hội cũng được thiết kế tương tự như môn khoa học tự nhiên.
Ở THPT, lớp 10 là giai đoạn “dự hướng”, các môn học được tích hợp ở THCS sẽ tách thành các môn học độc lập: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý… (tương tự như hiện nay nhưng tăng yêu cầu vận dụng kiến thức vào giải quyết các tình huống cuộc sống, giúp HS làm quen và chuẩn bị lựa chọn các nội dung sẽ học ở lớp 11 và lớp 12). Hai lớp này là giai đoạn phân hóa sâu, định hướng nghề nghiệp, chương trình và sách giáo khoa các môn học sẽ có nội dung giảm nhẹ hơn hiện nay, đồng thời phân thành những môn học bắt buộc và những môn tự chọn. Mặt khác, sẽ có các chủ đề tự chọn chuyên sâu hoặc mở rộng theo từng môn và có thêm các chuyên đề tự chọn khác theo một số lĩnh vực, ngành nghề mà HS sẽ học sau THPT.