Bài phát biểu của Ts Lê Ðăng Doanh rất hài hước về mặt ngôn ngữ,
nhưng lại hết sức sâu sắc về mặt kinh tế xã hội chính trị cũng như khoa
học. Vì bài phát biểu quá dài, nên sẽ được post thành nhiều lần.
Lời giới thiệu
Dưới
đây là nguyên văn bài phát biểu của Ts Lê Đăng Doanh (LĐD), trong một
cuộc họp kín của các thành viên Bộ Chính trị hôm 02-11-2004, phục vụ
chương trình KX.10, nhằm chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 10 của đảng CSVN.
Là
chuyên gia kinh tế hàng đầu của CSVN, TS LĐD, nguyên Viện trưởng Viện
Quản lý Kinh tế Trung ương, trước đây là chuyên viên, cố vấn kinh tế cho
nhiều đời tổng bí thư và thủ tướng chính phủ [như các ông Phạm Văn
Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Nguyễn Duy Trinh...]. Mặc dầu đã về hưu
ông vẫn làm cố vấn cho các cơ quan kế hoạch và đầu tư. Văn bản được ghi
lại trung thực từ băng ghi âm buổi nói chuyện với ngôn ngữ của các cán
bộ chính quyền nói với nhau, không phải ngôn ngữ viết, có thể gây nên sự
ngỡ ngàng. Tuy nhiên, với bài nói chuyện này tác giả cung cấp cho người
nghe nhiều hiểu biết cụ thể và sinh động về hiện trạng kinh tế VN, và
những quan điểm riêng của ông về những vấn đề lớn trong cách quản trị xã
hội theo mô hình độc đảng chuyên chế ở VN.
Tài
liệu đánh máy lại từ băng ghi âm buổi thuyết trình của Ts LĐD về bế tắc
của kinh tế và xã hội VN. Băng ghi âm này có những đoạn không nghe rõ.
Sau đây là toàn văn. Những chỗ có để ba chấm trong ngoặc đơn (…) là
những đoạn băng mà người ghi lại nghe không rõ, những chữ trong ngoặc
vuông [---] là người ghi lại thêm vào cho rõ ý của câu nói. [Hà Nội,
3-2005]
Phần 1
Tôi
rất cám ơn anh Trần Đình Hoan đã có một bức thư đặt vấn đề rất nghiêm
túc. Với tinh thần chịu trách nhiệm một cách đầy đủ và nói thẳng thắn
với Đảng, với dân, tôi có chuẩn bị (…).
Thứ nhất, tôi xin phép nói về tình hình, thực trạng của VN.
Thứ
hai là một số vấn đề về kinh tế thị trường và một số vấn đề về hội nhập
để chúng ta thấy bối cảnh của vấn đề đó. Bối cảnh nước VN đang vận động
ở khung cảnh nào, trong môi trường nào, trong thế giới nào và chúng ta
đang đứng ở đâu, người ta đánh giá chúng ta như thế nào?
[Thứ
ba là] Từ đấy, chúng ta thấy hệ thống chính trị của chúng ta cần được
cải cách trong một bối cảnh theo những tiêu chí gì và với các yêu cầu
gì.
Phần I. Tóm tắt tình hình về thực trạng của VN
Để
chuẩn bị Đại hội X, chúng ta đều biết là có Hội nghị Trung ương 11,
tổng kết 20 năm, sẽ có bổ sung sửa đổi Cương lĩnh của Đảng ở mức độ nhất
định, bổ sung sửa đổi Điều lệ Đảng, vấn đề nhân sự và bổ sung sửa đổi
chiến lược kinh tế xã hội ở chừng mực. Có thể có yêu cầu phương hướng
nhiệm vụ (...) mà anh [Phan Văn] Khải đã ký Chỉ thị 55, trong đó nêu lên
yêu cầu mở rộng dân chủ, tranh thủ trí tuệ trong nước ngoài nước.
Từ
ngày 23 đến ngày 27-8, ông Joseph E. Stiglitz [giải thưởng Nobel về
kinh tế học, người đã phê phán Quỹ Tiền tệ quốc tế một cách ác liệt] đã
sang đây. Ông là con người rất có lòng đối với VN, nhà ở của ông ấy có
treo ảnh Bác Hồ và ở phòng khách thì tất cả những gì trưng bày ở đấy
toàn là đồ vật của VN cả. Cũng xin báo cáo với các anh các chị là ông ấy
đi giảng khắp nơi với giá 6.000 đô la một giờ, nhưng sang VN thì ông
không lấy xu nào.
Thực trạng VN
Bây giờ chúng ta nhìn xem đất nước chúng ta nó thế nào?
Dân
số 81,3 triệu người, diện tích 330.900km2. GDP năm 2003 là 40 tỷ, năm
nay nếu như mọi việc suôn sẻ thì được 42 tỷ. GDP bình quân đầu người
khoảng 500 đô la. Tính theo sức mua tương đương viết tắt là PPP, thì ở
các nước nghèo tiền cắt tóc gội đầu này khác thì rẻ đấy, giá nhân công
rẻ, phúc lợi xã hội thấp…
Năm nay tốc độ
tăng trưởng là 7,6%. Cũng xin lưu ý là chỉ có VN mới công bố kết quả
kinh tế xã hội trước khi kết thúc năm, mặc dù mình chỉ nắm được dự báo.
Nhưng nhiều khi mình nói chắc nịch quá, nên người ta nhìn thấy cái tiết
mục đó người ta cũng hơi bối rối. Các nước khác thì sớm nhất sau hai quý
mới có cái đó được, sau một quý thì chỉ nói đây là dự báo gần đúng;
công nghiệp là 15,5%; nông nghiệp là 13,7%; dịch vụ là 7,8%; chỉ số giá
cả khoảng 10%.
Nhân đây tôi cũng xin bình
luận việc hôm qua ông Nguyễn Ngọc Tuấn công bố cấm các tổng công ty
không được tăng giá. Đấy là ông ấy nói chơi đấy chứ. Giá xăng lên như
thế, VN Airlines lỗ, than cũng lỗ, tất cả đều lỗ (...). Ông ấy bảo bấm
bụng mà chịu, bấm bụng chịu cho đến bao giờ? Bây giờ ông lấy giá đó cốt
để rồi ông ấy bảo đã đạt chỉ tiêu vượt bao nhiêu phần trăm. Cái giá ấy
là một giá tạm thời, nó giống như cái lò xo bị nén vào. Nén vào rồi đến
lúc mở ra thì nó phải bựt ra, mà bựt mạnh lắm. Tôi thấy trên thế giới
không ai làm như thế và mắm môi mắm lợi làm như vậy cả. Mà làm việc giảm
chi phí, tức là giảm chi phí năng lượng, chi phí nguyên vật liệu, áp
dụng công nghệ mới, giảm chi phí văn phòng, các thứ này khác... mới là
chuyện cần thiết, hơn là bảo không được tăng giá.
Các
anh các chị đều biết là mỗi một doanh nghiệp VN đều có một đội xe tải.
Các đội xe tải đó không bao giờ hoạt động một cách bình thường, tức là
[chạy] không hết công suất và không chạy hai chiều. Trong khi đó, thì
như ở miền Nam và tất cả các nơi trên thế giới, một cái xe tải một ngày
chạy 22 tiếng đồng hồ, ít nhất phải có 2 đến 2 rưỡi lái xe, chạy 100%
công suất. Một chiếc xe tải như thế ở trong Tp.HCM một ngày nó không lãi
6 triệu, 8 triệu coi như nó khóc.
Doanh
nghiệp nó có xe tải gì đâu, nó cứ bấm [điện thoại] một cái rồi nó bảo
mày đến đây chở, xong rồi nó chở. Và như vậy là nó thân nhau đến mức anh
lái xe ấy cứ cầm luôn hóa đơn đến giao hàng, rồi nhận tiền về và giao
lại, không cần vé gì cả. Có như thế mới hoạt động [tốt] được. Chứ bây
giờ mình làm như thế này có lẽ cần phải tính. Bây giờ về mặt xuất khẩu
đạt 25,1 tỷ, tăng 4%; nhập khẩu hơn 27 tỷ; về bội chi ngân sách 5%. Đánh
giá về ổn định tài chính và khả năng tin cậy về tín dụng thì ta được
xếp loại B+ (nhất thì A+, 3 con A+). Hiện nay là Singapore là 3A+, không
có tháng nào là không 3A+ cả. Tệ nhất là 3C, là ông Bắc Triều Tiên.
Trung Quốc nói là từ năm 53 đến giờ, cung cấp không biết bao nhiêu là
dầu lửa, mà Bắc Triều Tiên không trả xu nào. Độ sâu tài chính, tức là
tổng số tiết kiệm của ngân hàng trên GDP độ 44%. Tổng lương tín dụng
trên GDP khoảng độ 48%, Trung Quốc là 162%. Đến thị trường chứng khoán
thì không có nghĩa lý gì khoảng 1,6%; đây là chú bé năm nay hơn 3 tuổi
nhưng không chịu lớn và rất nghèo và bị tật bệnh, không những bị ghẻ lở
trong người mà còn nhiều tật bệnh nặng hơn nhiều.
Triết lý kinh tế thị trường
Có
hai mô hình về việc phát triển kinh tế thị trường. Những người gửi tiền
vào ngân hàng thì được lãi suất, ông ngân hàng cho vay thì ông ấy chịu
hoàn toàn rủi ro. Còn thị trường chứng khoán thì mọi người đều có lợi và
mọi người đều cùng chịu rủi ro. Mác ngày trước nhìn đến một tương lai
là xã hội CS, đến sở hữu cộng đồng, thì đấy là thị trường chứng khoán
đấy. Trong một nền kinh tế như nền kinh tế Hoa Kỳ, thị trường chứng
khoán lớn hơn ngân hàng rất nhiều. Cho nên có thằng này, thằng kia bị
[thất bại] nhưng kinh tế vẫn phát triển. Còn nền kinh tế như Trung Quốc,
Nhật Bản bây giờ, ngân hàng chiếm phần lớn, thị trường chứng khoán rất
bé, thì đấy là nền kinh tế phụ thuộc vào độ rủi ro của ngân hàng. Độ
tiết kiệm ở trong nước mình bây giờ độ khoảng 31%, so với độ tiết kiệm
của Trung Quốc từ 3-40 năm nay là trên 40%; Singapore là 45-46%.
Singapore không phải là nó chỉ có tự nguyện [gửi tiết kiệm], bởi vì nó
không có đất cho nên nó bắt thằng nào vừa ra trường làm việc một cái là
phải nộp 20% tiền lương để nhà nước bán chịu nhà cho nó. Vừa ra trường
đi làm lấy vợ một cái là có một căn hộ 120m2, thế đấy, nhưng suốt đời
mày phải trả dần. Cho nên, đó là một động lực để cho mọi người đều phải
làm ăn rất là nghiêm chỉnh, thằng nào mà lơ mơ một cái là nó đuổi cổ,
không có tiền để mà trang trải nữa, nợ chồng chất lên là gay.
Cho
nên, các bạn thấy cái triết lý của kinh tế thị trường là để cho mọi
người tự do, tự do quyết định, tự do hành động, nhưng mà các đòn bẩy nó
ràng buộc người ta ghê lắm. Cho nên các bạn xem trong kinh tế hiện đại
có mấy ông nào dám đối nghịch đâu. Bởi vì bọn chủ cũng lắng nghe thợ, và
mấy ông kia nếu mà đình công thì ông chủ không có tiền ông ấy trả nữa.
Như người Mỹ chẳng hạn, nó cũng mua chịu hết, từ ô tô đến nhà đến cửa.
Nếu mà ba tháng ông không trả được thì nó đến nó tịch thu hết tất cả, nó
lấy hết tất cả thì coi như ông trắng tay. Cho nên ông phải biết dè
chừng, ông làm điều gì đấy để mà cố gắng làm sao cho nó đừng đuổi cổ,
chứ nếu mà nó đuổi cổ mà ông không có việc làm thì ông chết ngay. Và ở
đây một con số nữa mà tôi muốn nêu lên đó là đến cuối tháng 8-2004 thì
ta có khoảng 24.000 doanh nghiệp mới được thành lập. Như vậy có nghĩa là
tính năng động của VN là lớn.
Dân chủ & Ổn định chính trị
Vị
trí của ta trên thế giới thì được nhiều nước công nhận là dân tộc kiên
cường, đấu tranh bất khuất, có lịch sử, nền văn minh lâu đời, con người
lao động thông minh khéo tay. Gần đây, có sự việc là Diễn đàn kinh tế
thế giới xếp hạng VN. Có một việc là nó không tính yếu tố dân tộc kiên
cường, cũng không tính yếu tố ổn định chính trị vào đấy. Tôi có hỏi nó
sao mày lại không tính, cái mục đó của chúng tao quan trọng lắm chứ. Thì
nó bảo cũng thử tính mà không thấy có ràng buộc rõ ràng nào giữa cái
kiên cường, giữa cái ổn định chính trị với tốc độ tăng trưởng cả.
Mà
nói thật với mày, cái chuyện ổn định chính trị thì chỉ nơi nào độc
đảng, độc tài thì cái ổn định chính trị đối với nó là quan trọng. Chứ
còn những nước dân chủ rồi thì nay thằng này lên, mai thằng kia lên,
kinh tế vẫn hoạt động bình thường, bởi vì khung khổ pháp luật đã bình
thường rồi. Tao đã thử tính rồi. Nhưng nó lộn xộn, một đống lộn xộn,
không có được cái mối tương quan, nên tao không đưa vào, chứ không phải
là tao không nghe theo ý kiến của mày. Thế thì xin báo cáo với các đồng
chí là như vậy không phải nó có ác ý gì đâu. Thế, tôi mới nói: tao lịch
sử văn minh như thế này sao mày không tính vào. Nó bảo... thử tính rồi
nhưng không có mối tương quan gì cả. Mày xem thằng Iraq văn minh nó còn
hơn mày ấy chứ, lịch sử thành văn của nó là hơn 5.000 năm. Mày cứ bảo
mày được 2.000 năm nhưng mà những chứng cứ mày đưa ra có được 2.000 năm
đâu. Thằng kia nó chứng minh rõ là 5.000 năm rồi, thế mà bây giờ Iraq có
tăng trưởng gì đâu, có thấy rõ gì đâu.
Nhiều
thằng văn minh lắm, hơn chúng mày nhiều, bây giờ bất cập rồi. Giống như
thằng Mông Cổ bây giờ có cái gì đâu. Bát-Đa cũng không có gì cả. Cho
nên là những chuyện mày nói thì chúng tao cũng suy nghĩ lắm. Nhưng mà
cần có cái gì đó để mà chứng minh là nó có liên hệ với việc tăng trưởng,
với sự phát triển. Nếu có liên hệ, mày bảo tao thì tao đưa vào, nếu
không có liên hệ thì thôi. Tao không thấy có liên hệ gì cả thì tao không
đưa vào. Người lao động thì thông minh khéo tay, như giáo sư Senkimônô
người Nhật Bản thì có nói là VN có người lao động thông minh, học nhanh,
khéo tay, nhưng ít được đào tạo nhất thế giới. Tức là nói một cách
khác, thì đào tạo kém như thế mà lại thông minh đến như thế, khéo tay
học nhanh đến như thế, đấy cũng là điều lạ. Thế tức là nó vừa khen mình
nó vừa chửi mình.
Vị trí chiến lược
Trong
chiến lược Đông Nam Á, mình rất là quan trọng rồi. Nếu như chúng ta
nhìn vào bản đồ, chúng ta mở được miền Trung ra, chúng ta chở thuê cho
tất cả từ Myanmar cho đến Bắc Thái Lan, cho đến Nam Trung Quốc, nó chở
và nó chạy lên phía Trung Quốc mà không phải qua eo biển Malacca chật
hẹp nữa, nó không phải qua cảng Bankok đầy phè ra rồi; nó đi qua chỗ đó
rồi nó đi lên Trung Quốc rồi Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga. Nếu đi qua con
đường ấy nó tiết kiệm được một ngày một đêm, thế tức là cơ hội rất lớn,
đúng không? Nếu như mình chốt cái Vịnh Cam Ranh thì mình có thể kiểm
soát đường kinh tế dầu lửa của Trung Quốc và khi ấy Trung Quốc cũng rất
là ớn, bởi vì hiện nay ông ấy làm bài toán sai lầm nên ông ấy rất đói
dầu lửa.
Thế thì, chúng ta đang đứng trước
tình hình là chúng ta có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh. Tôi xin
nhấn mạnh, tăng trưởng ấy nhanh là chúng ta so với chúng ta thôi. Thực
sự hiện nay mấy thằng Trung Á tăng trưởng nhanh hơn chúng ta rất nhiều.
Thằng Kazakstan tăng trưởng nhanh hơn chúng ta rất nhiều. Trong vòng 15
năm qua, thằng Kazakstan mỗi năm tăng trưởng 10%. Thế rồi, hay như thằng
Singapore, ngay đến nước lã nó cũng còn phải nhập khẩu, ấy thế mà quý
II vừa rồi nó tăng trưởng 11%. VN cứ tăng trưởng độ 7%, còn thằng
Singapore có năm chỉ có 1%, năm nay nó vọt lên 11%, sang năm nó lại tụt
xuống. Bởi vì nền kinh tế của nó bé quá, nó phụ thuộc cả vào thế giới
bên ngoài, nếu mà nó điều chỉnh không kịp là nó khó khăn.
Tình
hình của chúng ta là chưa bao giờ thế và lực của chúng ta lớn mạnh như
bây giờ. Nền kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử.
Tức là trong 10 năm qua, chúng ta đã xây dựng thêm được một nước VN thứ
hai, chúng ta có một nền kinh tế thứ hai. Chúng ta đã tạo thêm được của
cải và cải tạo thêm được rất nhiều. Trước kia, năm năm xuất khẩu chưa
được 2 tỷ, giờ đến một năm xuất khẩu được 2 tỷ, giờ một năm xuất khẩu
được 25 tỷ. Nhưng tôi cũng xin báo cáo với các đồng chí là 25 tỷ nó cũng
rất bé so với các nước trong khu vực, không là cái gì cả. Những thằng
như là thằng Thái Lan hay là các thằng Trung Á mỗi năm nó xuất khẩu hơn
trăm tỷ, vài trăm tỷ.
Chúng ta đang ở trong
một thế giới thay đổi rất nhanh chóng và lỏng lẻo. Chúng ta phải báo
cáo thực với các đồng chí là bây giờ bạn chúng ta là ai, ai là bạn chúng
ta. Lâm sự thì ai hợp tác với ai đây? Liệu có lâm sự không? Thế ta cứ
nói ta là bạn bè với tất cả mọi người, thế cái ông Trung Quốc ông ấy có
phải là bạn không, hay là ông lăm lăm ông ấy định thịt mình đây? Và ông
ấy thịt thì ông ấy cũng nói rõ ràng lắm chứ đâu có nhẹ nhàng gì đâu. Thế
còn trong tình hình đó thì ta dựa vào đâu? Ông Ấn Độ thì ông ấy quá
tốt, nhưng ông ấy lại yếu. Yếu thì giúp gì mình được. Ông này thì ông ấy
là tình nghĩa lắm. Thế còn ông Hoa Kỳ thì ông ấy ở xa, từ trước đến nay
ông ấy chưa có chiếm đất của thằng nào bao giờ. Hơn nữa, Hoa Kỳ với
mình hai nền văn minh nó khác nhau, chế độ kinh tế khác nhau, tâm lý
khác nhau, cho nên để mà hiểu nhau được không phải là đơn giản. Các bạn
thấy là chính trong nước nó cũng còn chửi nhau chòm chọm nữa là. Cái
chuyện cô Lewinsky với ông Clinton mà nó còn đưa ra kiện cho khốn khổ
nữa là.
Thế thì, trong nước nó mà nó cũng
còn chửi nhau như thế, thế còn đối với mình thì mình phải xem xem. Thí
dụ, một thằng rất tử tế đối với thằng Hoa Kỳ là thằng Đài Loan, rất tử
tế. Mà phải nói thằng Đài Loan là một chế độ dân chủ, công nghệ phát
triển, phải nói rằng thì là rất nhiều mặt có ưu điểm, đấy thế nhưng mà
thằng nào đánh Đài Loan nhanh nhất, thằng Mỹ chứ còn thằng nào nữa.
Người bạn tốt nhất ở Đài Loan là Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đài Loan nói với
tôi, người bạn tốt nhất của chúng ta là mình phải mạnh lên rất nhiều. Và
một điều nữa là khoa học công nghệ trở thành yếu tố quyết định và nó
biến đổi rất nhanh. Có một anh bạn anh ấy nói là cách đây mấy năm tôi
vừa mới báo cáo trước Hội nghị Quốc tế VN học người ta dùng cách slide
chiếu lên ở Hội trường Ba Đình, thế bây giờ là dùng cái này rồi, rồi ít
hôm nữa có thể là dùng một thiết bị khác, công nghệ không dây! Tức là,
chúng ta đứng trước một tình hình là sẽ còn rất nhiều những diễn biến
mới.
Chúng ta phải làm gì?
Như
vậy là nó đòi hỏi chúng ta phải có một hệ thống chính trị nhìn xa trông
rộng, có năng lực nắm bắt, làm chủ tình hình và đối phó được với tình
hình và dẫn dắt dân tộc tiến lên. Cái điều đó nó khác hẳn, khác xa, so
với trước đây. Trước đây là mình còn cứ yên trí có chuyện gì, chỗ mà
Viện quản lý [kinh tế] mà tôi ngồi ấy, trước là cứ hỏi phái đoàn Tiền
Tiến của Trung Quốc. Tức là lúc bấy giờ cứ có chuyện gì khó khăn là báo
cáo Tiền Tiến rồi nó điện về (…) lúc bấy giờ ông Chu Ân Lai mới ký vào
đấy. Thậm chí có một thời kỳ, có người nào lớn tuổi ở đây, có thể còn
nhớ cái ca la thầu (món su hào muối của Trung Quốc). Nó đưa sang, rồi
thì Tết đến nó còn cho mỗi nhà, mỗi người chia nhau một ít, mỗi nhà được
ba lạng, v.v… Tức là bây giờ phải thấy là nó thay đổi rất lớn, những
yêu cầu đối với hệ thống chính trị, với Đảng lãnh đạo cao hơn trước rất
nhiều.
Thế thì tình
hình là như thế nào? Sau từng ấy năm thì dân số ta phát triển rất nhanh.
Đấy là sức ép rất lớn, mà một năm tạo ra được bao nhiêu việc làm? Đồng
chí Nguyễn Thị Hằng quý mến của chúng ta cứ công bố. Nhưng bây giờ thử
hỏi ông Bộ Nông nghiệp Cao Đức Phát mà xem, ông kêu như cha chết. Nông
nghiệp đã nghèo, đất đã kém đi, nhưng mỗi một năm thêm 1 triệu miệng ăn.
Lấy đâu ra mà ăn? Chênh lệch, đói nghèo là nó ở chỗ ấy. Chúng ta về quê
xem, có tiến bộ khoa học kỹ thuật nào để tạo ra việc làm? Lao động là
vất vả, mỗi một ngày lao động là trên 8m2 đất thì có cái gì để mà giàu
có được.
Về kinh tế,
tính theo sức mua tương đương thì chúng ta xếp thứ 130/175 nước, nhưng
nếu xếp theo tỷ giá thì chúng ta xếp thứ 149/203 nền kinh tế. Tức là sau
ngần ấy năm phát triển, sự thực là chúng ta vẫn là một nước nghèo. Và
chỉ số phát triển con người thuộc loại trung bình, năm 2003 xếp thứ
109/175 nước, năm 2004 xếp thứ 112/177 nước. Tức là nó thêm hai nước thì
nhẽ ra là mình cũng ở vị trí đấy thì mình phải xếp thứ 111. Như vậy tức
là không phải là mình đã tiến nhanh lắm đâu. Và với 40 tỷ GDP thì nền
kinh tế VN chỉ bằng 0,36% nền kinh tế toàn cầu thôi…
Chúng
ta nên biết điều. Ta không nên lớn giọng dạy bảo thiên hạ, không nên
xưng là làm đòn bẩy cho thế kỷ, rồi là làm xung kích cho lịch sử, vân
vân và vân vân. Tôi thấy là nên có một cái nhìn đúng đắn. Nhân đây tôi
cũng xin báo cáo, tức là hồi năm 81, tôi đi theo ông Nguyễn Duy Trinh
tham dự Đại hội 16 Đảng CS Tiệp Khắc. Thế thì bọn Tiệp Khắc, bọn lãnh
đạo không nói gì, nhưng bọn chuyên viên Ban chấp hành Trung ương Đảng
thì kéo tôi ra một chỗ bảo mày cứ nói mày anh hùng, tao thấy đất nước
mày suốt đời đánh nhau mãi, thế thì mày chết, mày khổ, có gì hay đâu?
Bây giờ mày lại đi xin tao, chẳng nhẽ mày xin tao lại không cho, có phải
là chúng tao thừa thãi gì lắm đâu. Tao nói thật với mày là tao thấy Đức
to quá tao cũng không đánh, không đánh thì nó cũng không ở được chỗ tao
vì ít lâu sau tao tìm cách đuổi cổ nó đi. Thế thì một bên đánh nhau tơi
bời khói lửa, đánh hết cả, mày rất anh hùng, tao thấy là tao vái mày
mấy vái. Thế nhưng mà về việc mày đau khổ, mày bị tàn phá này khác… Thì
cũng là một thứ triết lý.
Có
lẽ bây giờ xem xét lại, xem là triết lý nên như thế nào, cái giá phải
trả nó đến đâu là vừa phải, chứ không phải cái mặt anh hùng là nó có giá
trị tuyệt đối đâu, và cũng không phải trên thế giới mọi người nó đều
thừa nhận, thế rồi nói nó nhận mình là anh hùng, là kiên cường. Bây giờ
thằng tổng thống Mỹ nào mà muốn có ý định đánh thằng VN lần nữa thì
thằng ấy là thằng chết trẻ. Bởi vì bây giờ dân Mỹ nó vẫn rất ớn và cái
hội chứng VN nó vẫn chưa từ bỏ nước Mỹ. Quân Mỹ từ bỏ VN nhưng mà VN vẫn
ám ảnh nước Mỹ, cho đến bây giờ vẫn ám ảnh dữ lắm.
Liên
Hợp Quốc xếp như thế này: dưới 735 đô la/một đầu người theo tỷ giá là
nền kinh tế thu nhập thấp. Xin báo cáo với các đồng chí, thu nhập thấp
chỉ là một danh từ hoa mỹ để nói cái nghèo, thế thôi chứ có gì đâu.
Chẳng qua nó lịch sự nó không muốn bảo mày là thằng nghèo, thằng lạc hậu
thì nó bảo mày thu nhập thấp, thế thôi. Thế thì 736 cho đến khoảng
3.000 đô la, là thu nhập trung bình thấp; và 3.000 đô la đến 9.100 đô la
là thu nhập trung bình cao, và trên 10.000 đô la là thu nhập cao tức là
vào khối OECD là khối tổ chức các nước phát triển nhất, và trong số các
nước phát triển nhất thì có tám thằng giàu nhất là G, đầu tiên là G7,
sau là cộng thêm ông Nga, bây giờ nó cộng thêm ông Trung Quốc nữa. Thế
thì tôi có nói với bọn nó là chúng mày đừng nên nói là G7+2 thành G9, số
1+1 là khác, nó là 1+1 chứ không phải là 2; cũng giống nhau như là
ASEAN 10+3, tôi bảo không phải, phải là ASEAN +1+1+1, bởi vì ba thằng
hưởng nó khác nhau mà bảo nó là con số 3 thì không phải.
Tiến nhanh hay không nhanh?
Anh
Khải có nói với WB, với UNDP là VN phải trở thành một nước thành viên
của tổ chức OECD, tức là thu nhập của VN là phải trên 10.000 đô la. Thế
thì ý nghĩa thì rất là cao quý, tôi hoàn toàn chia sẻ và mong ước. Nhưng
bây giờ các đồng chí cứ thử nghĩ mà xem: năm nay 530 đô la, 10 năm nữa
lên 1.060 đô la, vẫn ngưỡng trung bình thấp cơ mà. Thế thì bao nhiêu năm
nữa thì lên đến 10.000 đô la? Hay là chuyện ấy chúng ta đành để xem
sau.
Và như vậy thì
là ta tiến nhanh hay là không nhanh? Xin báo cáo với các đồng chí là ta
tiến không nhanh. Đây là bảng tính. Nếu mà mốc tính là năm 1950, thu
nhập bình quân đầu người của VN bằng 80,5% của Thái Lan, thì năm 1999
chúng ta chỉ còn bằng 20%. So với Hàn Quốc thì năm 1950 ta bằng 85,5%,
tức là Hàn Quốc với VN lúc bấy giờ cũng đói như nhau, còn bây giờ ta chỉ
còn bằng khoảng độ 11-12% Hàn Quốc. Lúc bấy giờ ta giàu có hơn Trung
Quốc, Trung Quốc lúc bấy giờ đói khổ hơn ta. Ta bây giờ thu nhập bình
quân đầu người bằng khoảng 20% Trung Quốc mà thôi. Thế thì, điều chúng
ta cần phải nói và phải nhận thức đúng là chúng ta có tiến, có tiến bộ,
nhưng về rất nhiều mặt chúng ta đang còn một khoảng cách khá xa [so với
các nước cùng hạng trước].
Về
xếp hạng: vừa rồi đây [có chuyện] xếp hạng. Thì tôi cũng có viết bài
báo để nói; giờ báo cáo với các đồng chí là nó xếp hạng một cách nghiêm
túc lắm. Đây là một đám nó làm dịch vụ để nó ăn tiền, nó mà xếp hạng sai
là chết. Nó có thuê chúng ta tự điều tra thông qua doanh nghiệp. Nhưng
mà nó làm 10.000 doanh nghiệp trên thế giới, và nó nhận được 8.460 câu
trả lời và nó dựa cả vào hơn 100 doanh nghiệp của mình và 6.000 thằng
kia với một hàm số mà nó tính toán, chứ nó có là thằng ngu dại đâu để mà
nó dựa hẳn vào ông VN để đánh giá ông VN được, không có chuyện dở hơi
thế đâu.
Thế nên, ông
Bộ trưởng Bộ Tài chính có nói rằng thằng ấy nó làm không chính xác, thì
đó cũng là ý kiến của ông Bộ trưởng thôi. Nó có đăng lên báo rồi và đưa
tin ra quốc tế rồi thì tôi không có bình luận. Tôi chỉ nói rằng không,
nó làm cái phương pháp mà tôi có liên hệ và tham gia, nên tôi biết. Thế
thì chúng ta thấy, cái lần đầu tiên mà nó xếp hạng ta thì ta đứng thứ
49/53, tức là cách nước thấp nhất là 4; đến năm 98 thì các nước khác bị
khủng hoảng thì ta nhảy cóc lên 39. Ta lên 39 không phải vì ta hơn chúng
nó mà vì mấy thằng kia nó bị khủng hoảng bi thảm nên ta lên 39, thì ta
được cách thằng bét là 14; đến năm 99 thì ta lại trở lại vị trí gần
giống như cũ, là bởi vì những thằng kia nó lại ổn định trở lại rồi thì
ta lại xếp thứ 5; đến năm 2001, thì ta xếp thứ 60/75 bởi vì nó cho thêm
một loạt nước mới vào thì ta xếp thứ 15, đến năm 2002 là 65/80 thì ta
cũng xếp thứ 15, năm 2003 thì 60/102 bởi vì lúc bấy giờ nó cảm nhận thấy
cái tác động của luật doanh nghiệp với cái việc ta bỏ giấy phép các thứ
này khác, tức là có khá lên; đến năm 2004 nó lại xếp ta thứ 77/104 tức
là trên 27 nước.
Thế
bây giờ là so sánh chỉ số với Trung Quốc và Thái Lan thì ta thấy Thái
Lan nó luôn luôn giữ ở mức ổn định, tức là năm 2003 nó thứ 32, năm 2004
thêm hai nước nữa thì nó xếp thứ 34; thằng Trung Quốc thì đại thể cũng
không có thay đổi gì cả, chỉ có VN là chậm tiến bộ. Trung Quốc và Thái
Lan đã có một vị trí khá vững chắc là nước có năng lực cạnh tranh trung
bình, còn VN vẫn ở dưới trung bình. Còn bây giờ đến các yếu tố khác, là
yếu tố gì? Yếu tố khác thì chúng ta thấy, mức ổn định kinh tế vĩ mô thì
nó xếp ta cao, thứ 23/104. Thế nhưng mà Thái Lan và Trung Quốc thì cũng
cao hơn, mà mức độ chi tiêu lãng phí của chính phủ thì mình cao hơn hẳn
hai thằng kia. Về chỉ số tài chính của đất nước thì hai thằng kia nó
cũng cao hơn mình nhiều.
Về thể chế
công, tức là thi hành luật pháp và hợp đồng, thì mình xếp thứ 55. Về chỉ
số tham nhũng thì mình xếp thứ 97. Và các bạn đều có biết là Tổ chức
Minh bạch Quốc tế xếp VN về chỉ số tham nhũng là xếp thứ 102, đây là
102/145 nước, tức là cũng rất là thấp. Mà hai thằng này nó có những
nguồn khác nhau. Các chỉ số khác, ở đây tôi xin lưu ý là nó có một loạt
mấy trăm chỉ tiêu cơ, thì ở đây các khoản chi ngoài pháp luật trong xuất
nhập khẩu của mình là xếp thứ 100, mà Thái Lan xếp thứ 72, Trung Quốc
xếp thứ 54. Chi tiền ngoài pháp luật trong thu thuế mình xếp thứ 97, chi
tiền ngoài pháp luật trong sử dụng dịch vụ công là thứ 91, tức là việc
chi tiêu, tham nhũng và phải cống nạp các thứ này khác thì mình thuộc
loại rất là thấp, thuộc loại nhóm thấp nhất trong số xếp hạng đấy. Và về
luật tài sản thì ta xếp thứ 66. Có nghĩa là gì? Có nghĩa là sau từng ấy
năm cải cách, vấn đề thể chế công, về bộ máy của chúng ta vẫn chưa định
hình và còn lạc hậu. Đấy là một mệnh đề cần phải rút ra rất rõ ràng.
Sau ngần ấy năm cải cách, chúng ta có tăng trưởng, chúng ta có bơm được
thêm tiền, thêm được lao động, thêm được đất đai, thêm được tiền vốn,
thu hút thêm được cái này cái khác, nhưng bộ máy lập pháp, mức độ tham
nhũng, chi phí về thời gian và tiền bạc để kinh doanh của chúng ta còn
quá cao so với thế giới. Đấy là các điều tôi thấy cần phải chia sẻ. Thế
còn chỉ tiêu khác, thì có lẽ xin phép không nói thêm.
No comments:
Post a Comment