Tuần Việt Nam trích đăng một phần bài viết "Giáo dục ở nước ta hiện nay, đi ra bằng con đường nào?" của
tác giả Nguyên Ngọc. Đây là bài phát biểu tại Diễn đàn giáo dục do một
số nhà khoa học và nhà văn hóa tổ chức năm 2004, được tập hợp trong cuốn
"Những vấn đề giáo dục hiện nay:
Tôi
xin mạnh dạn nói rằng, theo tôi, nguyên nhân đầu tiên, sai lầm đầu tiên
và bao trùm là ở chính vấn đề quan trọng nhất, cơ bản nhất của giáo
dục: ở triết lý giáo dục. Nói nôm na ra là chúng ta định xây dựng và thực hiện nền giáo dục này để làm gì?
Tôi
cho rằng đang có vấn đề hết sức nghiêm túc ở chỗ này, nơi lâu nay ta
tưởng mọi sự đã chẳng còn có chuyện gì phải bàn nữa. Thật vậy, đang có
vấn đề, có vấn đề lớn ở ngay câu hỏi cơ bản: bằng nền giáo dục này, chúng ta muốn đào tạo nên những con người như thế nào đây?
Chúng
ta định đào tạo nên những con người tự do, biết suy nghĩ và có suy nghĩ
độc lập, từ đó là những con người sáng tạo, cho một xã hội tự do và
sáng tạo, hay đào tạo nên những con người biết chấp hành, vâng lời, phục
tùng, hết sức dễ bảo, cho một xã hội trong đó mọi sự đều được chỉ huy
tập trung răm rắp, một xã hội trong đó có ai đấy, một lực lượng hay một
tổ chức, một người hay một số người nào đấy suy nghĩ sẵn mọi điều cho
mọi người và mọi người cứ thế học thuộc lòng và làm theo.
Đây
là xuất phát của tất cả. Thậm chí, theo một cách nào đó, đây là vấn đề
sống còn đối với sự phát triển của dân tộc và đất nước.
Tôi
cho rằng sai lầm đầu tiên và cơ bản của bộ Giáo dục là đã tự coi thường
vai trò, chức năng của mình đối với sự phát triển của xã hội và đất
nước, tự hạ thấp vai trò đó, coi nhiệm vụ của mình chỉ là cung cấp cho
xã hội những con người gọi là “có học”, tức là có biết và thuộc những
điều đã được coi là chân lý chính thống để mà cứ thế tuân theo cho đúng,
chứ trọng trách lớn lao và khó khăn của nó không phải là tạo nên những
con người tự do, nền tảng quan trọng nhất của một đất nước tự do.
Nhiệm
vụ quan trọng nhất của cái Bộ quan trọng này, theo chỗ tôi hiểu, không
chỉ là những công việc tổ chức cụ thể này nọ, trăm nghìn công việc rối
rắm mà họ vẫn làm lâu nay, và hình như càng làm thì càng rối, mà trước
hết là xác định được cho đất nước một triết lý giáo dục đúng đắn, tân
tiến, từ đó mới tổ chức nền giáo dục của đất nước theo triết lý đó.
Có như vậy thì nó mới là một cơ quan đầu não chiến lược về giáo dục, chỉ không phải chỉ là một cơ quan thừa hành tầm thường.
|
Điều quan trọng là dạy cách tư duy sáng tạo và độc lập
|
Trong một bài viết gần đây, giáo sư Hoàng Tuỵ có nói: “Để khắc phục khó khăn hiện nay, chỉ có một lối thoát duy nhất là hiện đại hóa giáo dục”. Tôi hoàn toàn đồng tình với phương hướng đó. Nhưng thế nào là hiện đại hóa giáo dục, thế nào là một nền giáo dục hiện đại?
Tôi nghĩ rằng một nền giáo dục hiện đại trước hết là ở trong tính hiện đại của triết lý giáo dục mà nó đeo đuổi.
Và
triết lý giáo dục hiện đại là xây dựng một nền giáo dục không phải để
nhằm tạo nên những cái máy tinh xảo được nạp một bộ nhớ kiến thức khổng
lồ (như hiện nay ta đang ra sức làm, ngay từ bậc phổ thông, và do đó làm
mụ mị đi bao nhiêu đầu óc đáng thương của lớp trẻ chúng ta, khiến họ
càng học càng đần đi, một sự lãng phí sức lực cả về thể chất lẫn tinh
thần, trí tuệ của thế hệ tương lai quý nhất của dân tộc, sự lãng phí
thậm chí có thể coi như một tội ác), mà là tạo nên những con người tự
do, biết và dám độc lập suy nghĩ, biết cách tự mình chiếm lĩnh lấy kiến
thức, tự mình đi khám phá ra chân lý, lẽ phải, và từ đó làm chủ cuộc
sống của mình, của đất nước...
Về
phương diện này, hình như hiện nay giáo dục của chúng ta không giống
bất cứ nước nào trên thế giới – tất nhiên ta nói đến những đất nước văn
minh và tân tiến. Không giống chút nào cả, hoàn toàn ngược lại là khác,
vậy thì chỉ có hai cách giải thích: hoặc là ta vô cùng tân tiến, còn họ
thì lạc hậu bê bối cả, hoặc ngược lại.
Hôm
nay, tôi xin mạnh dạn nêu vấn đề này lên ở đây, mong được quan tâm và
trao đổi, bởi vì theo tôi đây là vấn đề cốt tử nhất của giáo dục chúng
ta, nếu không làm rõ và giải quyết được như một định hướng cơ bản, từ đó
chỉ đạo tất cả – tất nhiên không thể giải quyết ngay, một sớm một
chiều, thì mọi “cải cách” của chúng ta sẽ chẳng thật sự đi đến đâu cả,
mười năm hay mấy mươi năm nữa vẫn sẽ y nguyên tình trạng này và những
lời kêu ca này thôi, nếu không nặng nề, tệ hại hơn.
Cải cách
giáo dục trước hết cần phải được đặt trên cơ sở một triết lý giáo dục
đúng đắn. Nếu không thì càng cải cách sẽ càng sai, càng bê bối, như ta
đã thấy lâu nay.
Ở
trên tôi có nói rằng cần thông cảm với ông bộ trưởng bộ Giáo dục, vấn
đề này ở trên, cao hơn bộ của ông. Nếu cái bộ đó có lỗi thì trước hết là
ở chỗ là cơ quan tham mưu cao nhất của Đảng và Nhà nước về giáo dục. Nó
đã không hiểu được ra và với tinh thần trách nhiệm mà nó cần phải có,
đề xuất, bảo vệ được triết lý nền tảng này của giáo dục, do vậy đẩy giáo
dục vào con đường sai lầm, chệch hướng cơ bản, tạo nên chính cái tình
trạng giáo dục mà một trăm năm trước các nhà duy tân gọi là một nền “hư
học”, công kích kịch liệt, thậm chí có người như Phan Châu Trinh còn coi
đó là nguyên nhân khiến chúng ta mất nước, dân tộc bị đẩy vào vòng nô
lệ khốc liệt (theo Hoàng Xuân Hãn).
Triết
lý giáo dục chi phối, chỉ đạo toàn bộ các khâu, các lĩnh vực cụ thể của
giáo dục, từ nội dung giáo dục, phương châm giáo dục, phương pháp giáo
dục, tổ chức giáo dục, ảnh hưởng quyết định đến tất cả các cấp của nền
giáo dục, từ tiểu học, trung học, cho đến đại học, trên đại học. Kiểu triết lý giáo dục nào thì đưa đến kiểu nội dung, phương châm, phương pháp, tổ chức giáo dục đó.
Chẳng
hạn, hiện nay chúng ta có biết rằng sách giáo khoa của chúng ta là quá
nặng nề, bỏ bớt cái gì đi cũng thấy khó, thêm vào bao nhiêu cũng thấy
chưa đủ, không? Có chứ. Ai cũng thấy, và tôi tin là Bộ cũng thấy. Nhưng
vì sao mãi vẫn không sửa được, càng sửa thì càng nặng thêm?
Chỉ
là vì chương trình và sách giáo khoa ấy được soạn theo cái triết lý cho
rằng xã hội cần có những quy chuẩn cứng mà mọi thành viên phải thuộc
nằm lòng và cứ suốt đời nhất nhất răm rắp tuân theo, thế giới gồm những
chân lý bất biến đã được định sẵn mà mọi người chỉ có việc theo đấy mà
sống và làm việc. Vậy nên phải dạy cho kỳ hết những quy chuẩn, những
chân lý muôn đời đó cho mọi người, có vậy thì xã hội mới thống nhất và
ổn định, thế giới mới yên bình.
Với một triết lý giáo dục như
vậy, thì số lượng sách giáo khoa mà các cháu ngay từ cấp tiểu học hàng
ngày phải vác nặng trĩu còng lưng, số lượng kiến thức ta đang ra sức
nhét vào đầu học sinh, sinh viên của chúng ta ở tất cả các cấp đang nặng
như thế này, chứ nặng gấp mười, thậm chí trăm lần nữa cũng không đủ,
không bao giờ đủ.
(Trích "Giáo dục ở nước ta hiện nay, đi ra bằng con đường nào?" - Sách "Những vấn đề giáo dục hiện nay: Quan điểm và giải pháp", NXB Tri thức, 2007)
* Để tiện cho bạn đọc theo dõi, phần bài viết này do Tuần Việt Nam tự đặt tên. |
No comments:
Post a Comment