Thursday, December 6, 2012

Người Viêt Nam giúp người Việt Nam

Tố Phương

GIÁO SƯ TIẾN SĨ TRẦN THANH VÂN
“Tôi tự hào vì người VN đã giúp được người VN”!





“Giáo sư Tiến sĩ Trần Thanh Vân là một nhà khoa học, một nhà giáo dục và là một nhà văn hóa lớn” – Hầu hết những người chúng tôi tiếp xúc đều có cùng một nhận xét như thế về GS Trần Thanh Vân. Vì sao người đàn ông trên 60 tuổi, có vóc dáng nhỏ bé và luôn nở nụ cười đôn hậu ấy lại được nhiều người yêu mến, thậm chí khâm phục như thế? Bên cạnh nhiều lý do, có lẽ điều khiến ông có một hấp lực to lớn với mọi người lại chính từ việc “tôi muốn đóng góp lâu dài cho Việt Nam, quê hương tôi”!
  • Từ cậu bé mồ côi đến nhà khoa học lớn:
Cha mẹ mất sớm, cậu thiếu niên quê ở Đồng Hới, Quảng Bình đã tự ý thức rằng chỉ có bằng chính ý chí tự lực của mình mới có thể vươn lên bằng người. Giữa những năm trung học cơ sở cậu phải ra Huế trọ học, buổi trưa ăn cơm hàng cơm quán, tối về nhà ăn cơm tháng. Gia cảnh càng khó khăn, cậu càng cố gắng vươn lên học tập, để rồi năm 1953 cậu nhận được học bổng sang Pháp du học.

 
Điều gì khiến một cậu bé sinh ra ở vùng quê nắng cháy trở thành một nhà khoa học lừng danh thế giới? Giáo sư Trần Thanh Vân “bật mí” rằng thực ra ông từng có mơ ước trở thành một kỹ sư! Ngay cả khi đạt điểm rất cao vào năm cuối ở Đại học Sorbonne, ông vẫn giữ nguyên mong ước ấy. Chỉ đến khi có hai nhà khoa học người Mỹ, gốc Trung Quốc vừa đoạt giải Nobel dù còn rất trẻ, mới trên 30 tuổi, Trần Thanh Vân mới bắt đầu có suy nghĩ về khoa học. Và trong kỳ thi vấn đáp năm 1957, cậu đã gặp giáo sư Maurice Lévy, một trong những cha đẻ của vật lý nguyên tử Pháp và ông đã chỉ dẫn cậu đi vào ngành vật lý hạt cơ bản. May mắn hơn, tại đây Thanh Vân đã có dịp tiếp xúc với những người thầy tài giỏi, nhiệt tình. Và tất nhiên, các vị giáo sư luôn hài lòng với cậu học trò người Việt Nam thông minh, ham học hỏi.
Với phương châm “luôn luôn tự học, luôn luôn sẵn sàng để nắm bắt cơ hội”, dù được học tập, nghiên cứu trong một môi trường giáo dục ưu việt của Pháp, nhưng Trần Thanh Vân luôn tự nhủ phải phấn đấu liên tục, để làm sao cả thế giới biết đến công trình của mình, và ông đã không ngừng đạt được những thành công trong ngành vật lý hạt cơ bản. Ông không chỉ giảng dạy tại Đại học Paris, mà còn là nghiên cứu viên cao cấp danh dự của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp, được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh, được Viện Hàn lâm Nga bầu làm Viện sĩ. Và dù vừa về hưu vào năm ngoái 2003, ông vẫn tiếp tục tìm hiểu về vật lý hạt nhân – ngành khoa học mà ông đã “trót” say mê. Đó cũng là lý do vì sao đã có trên 300 công trình khảo luận và 115 đầu sách mang tên ông.
  • Người "bắc cầu" cho các nhà khoa học Việt Nam hòa nhập thế giới:


Nếu như trước đây ngành vật lý hạt cơ bản và ngành vật lý thiên văn ít gắn kết với nhau, thì với sự tiến bộ của khoa học, hai ngành này ngày càng trở nên gắn bó khăng khít vì cả hai cùng vận dụng lý thuyết tương đối rộng và cơ học lượng tử để khám phá cái mới. Chính vì thế sáng kiến tổ chức những cuộc gặp gỡ quốc tế cho các nhà khoa học ở hai chuyên ngành này của giáo sư Trần Thanh Vân đã được đánh giá là độc đáo. Ông được các nhà khoa học trên thế giới nể trọng và tôn vinh.
Nếu năm 1966, Hội thảo quốc tế mang tên Gặp gỡ Moriond, năm 1989 là Gặp gỡ Blois được tổ chức trên đất Pháp, thì liên tục từ năm 1993 đến nay, các hội thảo quốc tế của giới vật lý trên thế giới được mang tên Rencontres du Viet Nam - Gặp gỡ Việt Nam. Mới đây, ngày 06.08.2004, Gặp gỡ Việt Nam lần 5 đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của 250 nhà vật lý hàng đầu đến từ 32 nước và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, nhiều nhà vật lý Mỹ (52 người) - nước giành nhiều giải Nobel về vật lý nhất trong thế kỷ 20, đã đến tham dự hội thảo, điều này chứng tỏ Hội thảo mang tầm vóc lớn.
Để thu hút được các nhà khoa học thế giới đến Việt Nam là công lao lớn của giáo sư Trần Thanh Vân và giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, nhưng điều đáng quý hơn chính là ông đã "bắc chiếc cầu" cho các nhà khoa học VN có dịp giao lưu, học tập kinh nghiệm từ các nhà khoa học hàng đầu thế giới, bởi vì như giáo sư Trần Thanh Vân tâm sự:” Đất nước mình còn nghèo, các nhà khoa học VN không có điều kiện để thường xuyên tham gia các hội thảo, hội nghị lớn của quốc tế. Vì thế, chúng tôi mang hoạt động khoa học này đến VN để không chỉ các nhà khoa học VN được tham gia, tiếp cận và mở rộng hợp tác với các nhà khoa học trên thế giới, mà cũng là cơ hội để chúng ta giới thiệu VN với bạn bè quốc tế”, và ông xem đó là việc mình cần phải làm chứ không có gì đáng khâm phục.
Đâu là “bí quyết” để ông có thể “lôi kéo” hàng trăm nhà khoa học nổi tiếng thế giới đến VN? Anh Nguyễn Khánh Trung, nghiên cứu sinh ngành xã hội học tại Đại học Toulouse Le Mirail, Pháp, người đã cùng tham gia các hoạt động hướng về VN của giáo sư Trần Thanh Vân, cho biết: “Một hội nghị vật lý quốc tế có các nhà khoa học đoạt giải Nobel tham dự, được các Tổng thống Pháp như Jacques Chirac ủng hộ, lại tổ chức được ngay tại VN, thì ngay đến người Pháp cũng không làm được! Có lần tôi hỏi giáo sư Trần Thanh Vân vì sao ông làm được. Ông cười: tại mình khiêm tốn, làm việc nhiệt tình, người khác nhìn vào thấy được điều đó nên họ sẵn sàng cộng tác. Vâng, giáo sư Trần Thanh Vân là một nhà khoa học lớn, là người có tinh thần phục vụ, tinh thần giúp đỡ người khác và luôn hướng về Tổ quốc. Báo chí Pháp ca ngợi ông là một nhà khoa học có nhiều đóng góp cho giới vật lý thế giới, đặc biệt là những hội nghị quốc tế, nhưng ông không bao giờ nói về mình. Đức tính khiêm tốn của ông cuốn hút mọi người. Chính vì thế, năm ngoái, các nhà vật lý trên thế giới đã tổ chức một hội nghị ở Đại học Collet để tiễn giáo sư Vân về hưu. Đó chính là tình cảm và lòng kính trọng mà họ dành cho giáo sư Vân, một con người đáng kính”.
  • “Tôi tự hào vì người VN đã làm được nhiều việc cho người VN”:


Ông cứ nhắc đi nhắc lại với chúng tôi như thế trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho Người Viễn Xứ, ngay sau Lễ trao giải Học bổng Odon Vallet năm 2004 dành cho khu vực phía Nam, được tổ chức vào chiều chủ nhật 29.08.2004 tại TPHCM.
Ông trầm ngâm khi chúng tôi hỏi vì sao công việc của một nhà khoa học bận rộn như thế mà ông còn dành thời gian cho những hoạt động xã hội vì trẻ em VN, ông bảo: “Tôi làm cái gì cũng xuất phát từ quá khứ. Lúc nhỏ tôi đã gặp nhiều khó khăn, phải sống trong nghèo khổ. Vì thế tôi hiểu được những khó khăn mà các em học sinh sinh viên VN đang gặp phải. Mình đã từng nghèo khổ nên hiểu được sự nghèo khổ của người khác nhiều hơn”. Chính từ những suy nghĩ rất giản đơn nhưng đầy tính nhân văn như thế mà khi nhận thấy đất nước mình còn nhiều bé thơ mồ côi không nơi nương tựa, chăm sóc, từ năm 1970 giáo sư Trần Thanh Vân đã gặp gỡ một thành viên của tổ chức SOS quốc tế, mong muốn có sự đóng góp lâu dài cho VN, và ông đề nghị được xây dựng một Làng SOS trên quê hương mình. Ông kể: “Lúc ấy dù chưa có tiền nhưng chúng tôi vẫn quyết xông pha. Nhờ các em sinh viên Việt Nam phụ giúp, chúng tôi tổ chức bán thiệp Noel bên cạnh các nhà thờ. Trong 3 năm, nhờ sự đóng góp của nhiều người, chúng tôi đã xây được Làng SOS Đà Lạt. Chúng tôi tự hào là trong 80 Làng SOS trên thế giới được xây dựng nhờ các tổ chức quốc tế, thì Làng SOS Đà Lạt được xây dựng nhờ công sức của những người bản xứ trên tinh thần người VN giúp người VN. Để tìm được một triệu đôla không phải dễ, vì thế chúng tôi phải làm việc nhiều hơn. Các em sinh viên đã không ngại mệt nhọc đứng bán thiệp Noel trong trời đêm tuyết buốt giá để kiếm tiền từ người nước ngoài gửi về giúp đỡ trẻ em VN, chính sự hiện diện của các em đã tạo được ấn tượng trong con mắt người nước ngoài. Họ biết chúng tôi không quên nguồn cội và họ ủng hộ chúng tôi nhiều hơn”.


Vâng, chính tinh thần người VN giúp người VN từ giáo sư Trần Thanh Vân đã lan tỏa, đã lôi cuốn nhiều người, để từ những vùng Washington, California (Mỹ), Toulouse, Lion (Pháp) nhiều du học sinh VN đã tham gia vào chương trình đầy ý nghĩa này. Anh Nguyễn Khánh Trung nhớ lại: “Lần ấy tôi tham dự một hội nghị Pháp - Việt được tổ chức ở Toulouse để bàn việc làm thế nào giúp đỡ VN trên mọi lĩnh vực. Tôi đã để ý ngay đến giáo sư Vân khi nghe ông phát biểu rất nhiều về vấn đề giáo dục, xã hội. Sau đó tôi bắt chuyện với ông và được ông niềm nở tiếp chuyện. Sau đó ông xin địa chỉ email của tôi và bảo tôi cứ viết thư cho ông, nói về những gì mình muốn. Tôi rất thích cách làm việc này của ông. Và khi tôi chưa kịp viết thư thì ông đã gửi cho tôi một tập tài liệu và một tập thiệp Noel. Trong thư ông nói mình đang xây dựng Làng SOS Đồng Hới và “cháu hãy cộng tác với chú để chúng ta cùng làm việc cho VN”. Theo yêu cầu của ông, tôi thành lập nhóm bạn bè sinh viên ở thành phố Toulouse và chia nhau đi bán thiệp Noel. Thay vì cuối tuần đi chơi đây đó mất thời gian thì chúng tôi làm công việc này có ý nghĩa hơn nhiều. Năm 2003 chúng tôi đã thu được 2.800 EURO cho việc xây Làng SOS. Tôi rất khâm phục giáo sư Trần Thanh Vân. Và dần dần tôi nhận ra ông không chỉ là một con người hoạt động xã hội, mà còn là một nhà khoa học, một nhà giáo dục, một nhà văn hóa. Ông lôi cuốn tôi vào các hoạt động của mình. Tôi sẽ tiếp tục cộng tác để phục vụ VN tốt hơn”.
Ông Trần Văn Cơ, Giám đốc Làng SOS Đà Lạt, cho biết: “Tôi nghĩ, ngoài thời gian dành cho khoa học, ông bà giáo sư Trần Thanh Vân, Kim Ngọc luôn suy nghĩ và làm việc từ thiện. Một trong những công việc ấy là tìm mọi cách để giúp trẻ em của Làng SOS Đà Lạt, vì đây là ngôi làng mà 30 năm trước, ông bà và những người bạn đã vận động, quyên góp tiền bạc để xây dựng nên. Nhờ uy tín của ông bà, thông qua Hội AIDE À L’ENFANCE DU VIETNAM tại Pháp, nhiều người bạn đỡ đầu đã đóng góp để giúp đỡ nuôi dạy các cháu trong làng. Ông bà luôn quan tâm đến các cháu, nhất là sự tiến bộ của mỗi đứa trẻ. Khi có dịp về thăm làng, ông bà dành nhiều thời gian thảo luận với nhân viên và trẻ em để tìm những biện pháp tốt nhất để các em học tập tốt. Thật là cảm động khi ông hướng dẫn các em kinh nghiệm và phương pháp học tập, đưa các em đi mua sách để tham khảo, trò chuyện, khuyến khích các em. Điều mà ông bà mong mỏi là dù trong hoàn cảnh nào các em cũng cần phải vươn lên trong học tập để sau này tự lập trong cuộc sống và hữu ích cho xã hội. Chính vì thế mà các em rất yêu mến và kính trọng ông bà”. Một Làng SOS Đà Lạt, một Làng SOS ở Huế, ở Vinh…, đến nay đã có 10 Làng SOS được xây dựng tại VN bằng chính tinh thần đầy tự hào của giáo sư Vân: người VN giúp người VN. Ông cho biết: “Hiện chúng tôi đang xây Làng SOS Đồng Hới, tuy mới chỉ có 300.000 USD, 1/3 số tiền cần có, nhưng chúng tôi nghĩ rằng sẽ có rất nhiều người cùng đồng hành với chúng tôi”
  • “Tôi muốn đóng góp lâu dài cho đất nước”
Đó là tâm nguyện mà ông đã và đang thực hiện bằng nhiều hoạt động hướng về VN của mình. Có thể nói rằng giáo sư Trần Thanh Vân thực hiện 3 việc lớn trong cuộc đời mình: Làm khoa học, xây làng SOS cho trẻ em mồ côi VN và việc thứ 3, mang tính chất lâu dài là đầu tư cho thế hệ trẻ thông qua học bổng Odon Vallet.
Bắt đầu từ năm 1997, Hội Gặp gỡ Việt Nam do giáo sư Trần Thanh Vân làm Chủ tịch bắt đầu trao học bổng cho sinh viên lớp cử nhân tài năng của Đại học Quốc gia. Đến 90% sinh viên của lớp này sau đó đã được tuyển vào trường Polytechnique ở Pháp. Đây là một trường đại học đặc biệt, mỗi năm chỉ tuyển khoảng 500 sinh viên nên rất khó thi vào. Những nhà khoa học lớn của Pháp đều tốt nghiệp trường này. Vì thế khi sinh viên Việt Nam Ngô Đắc Tuấn tốt nghiệp thủ khoa của trường, giáo sư Vân rất vui mừng. Trước mọi thành công của những em học sinh, sinh viên được nhận học bổng, ông đều trân trọng và xem đó là niềm khích lệ lớn “để chúng tôi tiếp tục giúp các em nhiều hơn”. Và chính vì thế giáo sư Trần Thanh Vân đã giới thiệu với giáo sư luật học Odon Vallet về thế hệ trẻ của đất nước mình, và bắt đầu từ năm 2001, học bổng Odon Vallet ra đời nối tiếp chương trình học bổng của Hội Gặp gỡ Việt Nam. Tính đến năm 2003 đã có 2.400 suất học bổng được trao. Và trong những ngày cuối tháng 8 đầu tháng 9.2004 này, giáo sư Trần Thanh Vân đã cùng giáo sư Odon Vallet làm một cuộc hành trình xuyên Việt, từ Nam ra Bắc để trao 1.600 suất học bổng năm 2004 cho học sinh, sinh viên VN với trị giá lên đến trên 4 tỷ đồng.
Gặp giáo sư Vân những ngày này thật khó, lịch làm việc của ông kín đặc: Ngày 29.8: Phát học bổng cho khu vực phía Nam tại TPHCM; ngày 31.8: Đi thăm Làng SOS Đà Lạt, trao 100 suất học bổng cho HSSV Đà Lạt và các tỉnh Tây Nguyên; ngày 01.9: Đi Đà Nẵng, trao 130 suất học bổng cho các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định; ngày Quốc khánh 2.9: thăm Làng SOS Thạch Xuân; Huế; ngày 3.9: trao 200 học bổng ở Huế; 4.9: thăm Làng SOS Đồng Hới đang được xây dựng; 5.9: Trao học bổng cho Đồng Hới, Quảng Bình, Quảng Trị; 6.9: Đến Vinh viếng thăm nhà Hồ Chủ tịch; 7.9: Trao 100 suất học bổng ở Vinh, Làng SOS Vinh; 10.9: Trao học bổng cho sinh viên lớp cử nhân tài năng, cho học sinh Hà Nội và các tỉnh phía Bắc…


Với một người trên 60 tuổi, đi và làm việc nhiều như thế lẽ ra phải mệt mỏi lắm, nhưng những ai tiếp xúc với giáo sư Vân đều chỉ nhận thấy nơi ông một niềm vui cứ lan tỏa qua từng nụ cười, từng ánh mắt, từng cái xoa đầu âu yếm của ông dành cho những “búp xanh” đang được ông nâng niu, đỡ đầu. Chính vì thế mà nhiều em học sinh, dù chưa từng biết đến giáo sư Vân trước khi được nhận học bổng, cũng đều gọi ông là “thầy” đầy kính trọng và yêu thương. Em Dương Thị Thanh Thảo, học sinh lớp 12 trường chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM, xúc động nói: “Em là một đứa học trò nghèo ở Buôn Mê Thuộc về thành phố trọ học. Gia đình nghèo, bố mẹ làm nông nên em chỉ mong mình cố gắng học giỏi để không phụ lòng mẹ cha, chứ đâu có ngờ mình lại được vinh dự nhận học bổng Odon Vallet do thầy Vân khởi xướng. Học bổng này là một sự khích lệ lớn lao đối với em, giúp em học tập tốt hơn. Em xin cảm ơn giáo sư Odon Vallet, cảm ơn giáo sư Vân, những bậc thầy đáng kính, đáng khâm phục ở tấm lòng yêu thương học sinh Việt Nam, giúp đỡ chúng em có điều kiện học tập tốt hơn”.
Lý giải về việc tại sao mình lại quan tâm đến thế hệ trẻ, giáo sư Vân tóm gọn trong một câu giản dị: “Tôi muốn đóng góp lâu dài cho đất nước”. Ông dẫn giải thêm: “Nếu chúng tôi chỉ quyên góp ủng hộ mỗi khi có thiên tai bão lụt thì đó chỉ là những việc trước mắt, trong khi đó, những học sinh, sinh viên của chúng ta học rất giỏi nhưng lại không có đủ điều kiện để học tập tốt, vậy thì chúng tôi giúp đỡ các em để sau này các em phục vụ tốt hơn cho đất nước”.
Đó cũng là lý do vì sao ông dặn dò các em: ”Từ hơn 1000 năm nay, VN đã có trường Đại học đầu tiên, nay gọi là Quốc Tử giám hay là Văn Miếu ở Hà Nội. Đại học này đã thành lập trước nhiều đại học ở các nước Âu châu. Trong tinh thần hiếu học, chúng tôi mong mỏi là học bổng mà các cháu nhận hôm nay sẽ là một khích lệ lớn cho các cháu. Học bổng này sẽ nối cánh cho các cháu bay cao, bay xa hơn trên con đường học vấn để một ngày sau thành tài và phục vụ Tổ quốc”.
Những việc làm của giáo sư Trần Thanh Vân, dù là trong tư cách một nhà khoa học, một nhà hoạt động xã hội hay một nhà giáo, thì như nhiều người nhận xét, trên hết “đó là tấm lòng cao quý, là nhân cách đẹp, thể hiện tính nhân văn sâu sắc”. Còn tôi, với những gì tôi biết về ông, xin được bày tỏ tất cả lòng ngưỡng mộ về một CON NGƯỜI CHÂN CHÍNH!
Nguồn: http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/vinhdanhnuocviet/2004/09/243526/

No comments:

Post a Comment