Friday, May 29, 2015

Cẩm nang dạy con từ nước Nhật

Nguyễn Quốc Vương

25/05/2015 - 16:39 PM
LTS: Sổ tay giáo dục gia đình do Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản biên soạn và phát hành năm 2010 là tài liệu có tính chất “cẩm nang” dành cho các cha mẹ đang nuôi dạy con. Tài liệu quan trọng này hiện được cấp phát tới tận tay các gia đình có nhu cầu. Dưới đây là một vài đoạn trích trong Sổ tay giáo dục gia đình, tập 1. Sách do Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh đại học Kanazawa - Nhật Bản dịch và giới thiệu, sắp phát hành tại Việt Nam. Tựa chính và các kỳ do Người Đô Thị đặt.
Cuốn “Sổ tay giáo dục gia đình” này được biên soạn nhằm trợ giúp các bậc cha mẹ có con ở độ tuổi từ sơ sinh đến trước khi đi học trong việc làm sâu sắc sợi dây tình cảm giữa cha mẹ với con cái và giáo dục nên những con người có tâm hồn phong phú. Cuốn sổ tay này viết về những điều liên quan tới giáo dục gia đình và nuôi dạy con cái mà chúng tôi mong muốn từng gia đình suy ngẫm và thực hiện. Mong rằng các bậc cha mẹ hãy đọc nó và coi nó như là căn cứ trong việc nuôi dạy con. Ngoài ra chúng tôi cũng mong những người ở bên các bậc cha mẹ đang nuôi con như ông, bà  và đông đảo những người khác cùng đọc nó. Việc nuôi dạy trẻ rất vất vả nhưng nó cũng đem lại nhiều niềm vui và hạnh phúc lớn lao. Nếu như cuốn sổ tay này góp được một phần nhỏ vào việc ấy, với chúng tôi đó thực sự là niềm hạnh phúc.
Kỳ 1: Trẻ em luôn tìm kiếm hơi ấm của cha mẹ


Gia đình là gì?
 Theo bạn, mơ ước số một của trẻ em là gì?
Khi hỏi trẻ em rằng “Em có mơ ước gì đối với gia đình của mình không?” thì cho dù là ở độ tuổi nào đi nữa, câu trả lời của phần đông các em đều là “được vui vẻ ở bên gia đình”. Một việc đương nhiên như vậy mà giờ đây đã trở thành ước vọng của trẻ em. Chúng tôi mong rằng các bạn trong tư cách là cha mẹ hãy tiếp nhận nghiêm túc hiện thực ấy. Cũng đã từng có thời người ta nghĩ rằng chỉ cần đem lại cho con cái những vật chất cần thiết là con cái đã được nuôi dạy nhưng giờ đây không thể có được những gia đình vui vẻ và bình yên nếu như thiếu đi sự hợp tác một cách có ý thức của gia đình.
Vì con cái và cũng vì bản thân mình, hãy một lần nữa cùng nhìn lại gia đình mình.

Sunday, May 24, 2015

Thuyết hiện sinh: "Tiến lên để sống"

Bùi Văn Nam Sơn
 

Nhà triết học Pháp Jean-Paul Sartre (1905-1980),
từng từ chối giải Nobel văn chương năm 1964
Triết hiện sinh chia tay với triết học "trừu tượng". Nó quan tâm đến tính chủ thể cụ thể của con người, chứ không phải khái niệm trừu tượng về "chủ thể". Đó là lý do nhiều triết gia hiện sinh (như Sartre, Camus...) chọn hình thức văn nghệ (tiểu thuyết, kịch...) để đến gần hơn với đời sống thực, nói lên những băn khoăn, thao thức, đau khổ và lựa chọn trong "thân phận" làm người.
Trong thời gian nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng, một sinh viên đứng trước sự lựa chọn khó khăn: trốn sang Anh để tham gia cuộc kháng chiến hoặc ở lại để chăm sóc người mẹ già yếu, cô độc mà anh là chỗ dựa duy nhất. Tham gia kháng chiến vì "đại nghĩa", nhưng chưa chắc đóng góp được gì nhiều. Ở lại vì đạo hiếu riêng tư, nhưng vắng anh, người mẹ chắc không thể sống sót. Anh có thể xin lời khuyên từ các vị linh mục, nếu anh là tín đồ. Nhưng, có linh mục cộng tác với địch, có linh mục kháng chiến và có cả linh mục trùm chăn. Chọn hỏi người nào cũng tức là mặc nhiên đã chọn trước câu trả lời! Nếu chọn hỏi Jean-Paul Sartre, người thầy giáo chủ trương thuyết hiện sinh, chắc hẳn Thầy Sartre sẽ trả lời: "Anh tự do. Anh hãy suy nghĩ, chọn lựa và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình!". Nói cách khác, chẳng có một nguyên tắc, một đạo lý có sẵn nào (triết học gọi là "tiên thiên"/a priori) quyết định hộ cho anh được cả. J. P. Sartre, trong luận văn nổi tiếng "Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản" (1946, bản tiếng Việt của Đinh Hồng Phúc, sắp xuất bản) nêu trường hợp éo le ấy như một điển hình cho vô vàn tình huống nan giải của đời người, chẳng hạn: có nên bắn hạ một máy bay chở khách khi bị bọn khủng bố chiếm giữ và sắp lao vào chỗ đông người? Có nên ngăn cản sự tiến bộ của khoa học trong nghiên cứu tế bào gốc và nhân bản người? v.v.. và v.v..
Đặt con người trước những "hoàn cảnh ranh giới" của sự sợ hãi, lo âu, xấu hổ, ghê tởm, tội lỗi, bệnh tật, cô đơn, khủng hoảng để cảm nhận sự tự do vừa như gánh nặng vừa như nghĩa vụ, là tạo cơ hội cho con người đối diện với chính mình, tra hỏi về khả thể của tự do và phẩm giá ngay cả trong những cảnh huống ngặt nghèo nhất. Triết thuyết hiện sinh ít bàn trực tiếp về giáo dục ("rao giảng", "dạy dỗ" là những gì thật xa lạ với tinh thần thuyết hiện sinh!), nhưng, đúng như nhà giáo dục học R. Reichenbach nhận xét, "bất kỳ nhà giáo "giỏi" nào cũng đều là một nhà theo thuyết hiện sinh! Điều này người ta thường quên hay không hề biết đến. Nhưng thật đáng nhắc lại và không bao giờ là muộn! Tất nhiên, không có nghĩa là một nền sư phạm "hiện sinh chủ nghĩa" là hoàn toàn đầy đủ. Không, không ai bảo thế cả!"