Tuesday, December 18, 2012

Ngã ba 2007 ( 2 )

Nguyễn Trung ( tiếp theo)
IV. Khắc phục tình trạng “thắt cổ chai”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhiều đồng chí lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước thẳng thắn nêu ra sự bất cập của kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực kém phát triển và năng lực quản trị quốc gia hẫng hụt. 3 yếu kém này tạo nên tình trạng “thắt cổ chai” kìm hãm sự phát triển năng động của quốc gia. Chiến lược nào hay kế hoạch gì cho trước mắt và cho nhiều năm tới cũng phải bắt đầu từ khắc phục tình trạng “thắt cổ chai” này – đòi hỏi ưu tiên số 1.
Rất đáng huy động trí tuệ cả nước mổ xẻ nguyên nhân mọi mặt để nhận dạng chính xác thực trạng cái “thắt cổ chai” này. Huy động trí tuệ khắc phục cái “thắt cổ chai” này là thực hiện dân chủ có thực chất nhất.Thực hiện dân chủ ở đây trước hết là thực hiện quyền nói của người dân, của trí tuệ về những vấn đề hệ trọng liên quan đến xóa bỏ cái “thắt cổ chai”. Đứng trước yêu cầu phải thực hiện ưu tiên số 1 này, dân chủ có nội dung vô cùng đơn giản và rõ ràng, có một sức mạnh giải phóng không thể lường hết được! Tuy nhiên, thực hiện quyền này lại đang là việc rất khó, và chỉ có thể khả thi hơn trên cơ sở thực hiện công khai minh bạch, nâng cao dân trí và thường xuyên nâng cao những quyền khác của công dân, trước hết là quyền được thông tin, quyền được nói - để cả nước cùng nhìn thẳng vào sự thật, cùng sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn thử thách, cùng chung một quyết tâm đưa đất nước đi lên.Yêu cầu khắc phục tình trạng “thắt cổ chai” này đòi hỏi trong năm 2008 cần hình thành được các chiến lược phát triển cho từng vấn đề: (1)kết cấu hạ tầng, (2)nguồn nhân lực, (3)quản trị quốc gia, với những quy hoạch và kế hoạch cụ thể. Có thể nói trong vòng 5 – 10 năm tới và đến năm 2020 phải tiến hành những cải cách lớn cho 3 vấn đề nêu trên, có như vậy mới hy vọng chuyển mạnh sang một thời kỳ phát triển cao hơn và mới có điều kiện thực hiện lộ trình của những cam kết trong khung khổ WTO, tạo ra động lực thực hiện thành công chiến lược phát triển đến năm 2020.


Về kết cấu hạ tầng: Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng cho cả nước là điều kiện hàng đầu để quy hoạch phát triển các vùng kinh tế, quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn, tạo điều kiện chuyển nền kinh tế sang chiến lược mới phát triển theo chiều sâu. Một vấn đề bức xúc mới là thiên tai ngày càng gay gắt, những dự báo về thay đổi môi trường tự nhiên do tổn thất tầng ô-zôn của bầu khí quyển liên quan đến nước ta đầy lo ngại, có thể kiểm chứng qua 3 năm gần đây có sự gia tăng rõ rệt của lũ lụt miền Trung và triều cường. Riêng lũ lụt miền Trung năm nay cướp đi 70 sinh mạng và gây thiệt hại ước khoảng 30 nghìn tỷ đồng, tương đương 3% GDP; nếu tính gộp cả thiệt hại năm 2007 do kẹt xe ở hai thành phố lớn và triều cường, tổng thiệt hại lến tới khoảng 4% GDP. Thực tế này đặt ra bài toán nên chăng phải dồn lực trong một số năm tới cho việc phát triển kết cấu hạ tầng, những công trình phòng chống thiên tai, những dự án bố trí lại các khu dân cư... Đây là những vấn đề từ năm 2007 trở đi không thể trì hoãn được nữa.
Ngay trước mắt, những ách tắc về giao thông – đặc biệt là ở TPHCM và Hà Nội phải cần tới 2 – 3 năm mới giải quyết được nếu có phương án xử lý đúng đắn
22.
Việc khắc phục những yếu kém hiện tại trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Nếu làm giỏi mọi việc, dự báo chúng ta có lẽ cũng phải cần tới khoảng 10 năm mới có thể cải cách xong hệ thống giáo dục và đào tạo hiện nay để đi vào một hướng phát triển mới của nguồn nhân lực đáp ứng được những đòi hỏi của đất nước
23. Nhiệm vụ này chỉ có thể thực hiện thành công với sự vận động rộng lớn toàn xã hội tham gia gìn giữ, xây dựng những giá trị nền tảng của đất nước; gắn với việc đổi mới nhiều vấn đề, nhiều chính sách trong hệ thống chính trị theo những kỷ cương của nhà nước pháp quyền – nhất là chính sách dùng người và phát huy con người. Ví dụ: Mọi nỗ lực cải cách hay đổi mới giáo dục – đào tạo và phát triển nguồn nhân lực sẽ trở nên vô nghĩa nếu xã hội và hệ thống chính trị còn dung tha chuyện chạy ghế, còn tồn tại chuyện dùng người theo các mối quan hệ, những thủ đoạn học giả bằng thật vẫn còn đất dụng võ... Nói một cách khác, nhiệm vụ này thành hay bại gắn hữu cơ với những đổi mới sâu xa trong xã hội và trong đời sống chính trị của đất nước – và hiển nhiên đây không thể là câu chuyện ngày một ngày hai.
Việc nâng cao được năng lực quản trị quốc gia theo kịp nhịp độ phát triển của đất nước: Lâu nay nhiều nghị quyết của Đảng nhấn mạnh sự cần thiết đổi mới hệ thống chính trị phải theo kịp đổi mới kinh tế.
Song nhận thức đúng đắn này khi biến thành hành động cụ thể lại chỉ khuôn vào vấn đề cải cách hành chính, mà đúng ra phải là nhiệm vụ nâng cao năng lực quản trị quốc gia.Cuộc sống cho thấy chỉ có thể nâng cao năng lực quản trị quốc gia thông qua đổi mới hệ thống chính trị – đây là một tồn tại lớn, đã đến lúc phải đặt lên bàn nghị sự. Rõ ràng việc tiến hành cải cách hành chính với nội dung hạn hẹp như hiện nay và tách rời khỏi hệ thống chính trị nói chung và hệ thống nhà nước nói riêng như đang làm không thể mang lại hiệu quả mong muốn. Các Đại hội Đảng, các dịp tổng kết kết thúc nhiệm kỳ đã đánh giá: nhiệm vụ cải cách hành chính tiến hành chậm, ít hiệu quả, không theo kịp đòi hỏi tình hình... Trong những văn kiện này không hiếm sự phê phán nghiêm khắc những bất cập của bộ máy hành chính quốc gia, có ý kiến nêu rõ cải cách hành chính chỉ có khả năng thành công nếu xuất phát từ đổi mới toàn diện vai trò lãnh đạo của Đảng. Đó là những đánh giá xác đáng. Chỉ cần dựng lên một sơ đồ sự vận hành của hệ thống chính trị, bao gồm cả hệ thống nhà nước, sẽ càng thấy rõ việc nâng cao năng lực quản trị quốc gia cần bắt đầu từ việc đổi mới và nâng cao chất lượng vai trò lãnh đạo của đảng cầm quyền.
Việc đổi mới hệ thống quản trị đất nước đòi hỏi bao nhiêu năm, nhanh hay chậm, thành hay bại, tất cả phụ thuộc vào việc đổi mới triệt để Đảng CSVN trở thành lực lượng tinh hoa của dân tộc để có khả năng thực hiện được vai trò lãnh đạo đất nước; toàn bộ sự vận động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước phải nằm trong khung khổ kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự ngày càng phát triển.
Sau 22 năm đổi mới, tình hình phát triển mọi mặt ở nước ta hiện nay đã đến mức cho phép kết luận
: Không xây dựng được một hệ thống quản trị quốc gia hiện đại, sẽ không thể có một Việt Nam công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Đây thực sự là thách thức lớn nhất đối với đảng cầm quyền (xem thêm chú thích 21
).Tình hình và mọi điều kiện đất nước đang có trong tay cho phép nhiệm vụ khắc phục tình trạng “thắt cổ chai” trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển năng động và bền vững của đất nước về mọi mặt, thực hiện được với chất lượng tốt hơn những mục tiêu tăng trưởng và phát triển đã đề ra cho đến năm 2010. Đấy cũng là sự phản ứng quyết liệt và dứt khoát nhất cần phải có trước những vấn đề năm 2007 đặt ra cho đất nước, là hướng phấn đấu đúng nhất, để đất nước ta sẽ không ngoặt vào hướng đi dẫn tới một quốc gia lạc hậu.

V. Trí tuệ, ý chí chính trị và thời gian là quyết định

Chuyển sang thời kỳ phát triển mới như thế nào?
Tiền bạc, nguồn lực vật chất, nguồn lực chất xám có thể huy động được cho phép nước ta chuyển lên thời kỳ phát triển cao hơn có thể nói không thiếu. Hy vọng phần I của bài này đã lý giải được như thế. Song sẽ phải bàn cãi rất nhiều: Huy động chúng bằng trí tuệ nào, với ý chí được thống nhất ra sao? cũng có nghĩa là nhằm vào mục tiêu nào? Đã có sự lựa chọn? Tất cả - ở đây là nhân dân, nhà nước, đảng lãnh đạo – đã thống nhất trong một sự lựa chọn? Và thời gian? Chúng ta nhận thức nó đang là thúc bách, là đang ở ngã 3 “hoặc là... hay là..,” hay là chỉ là sự tiếp nối bình thường muôn thuở giữa ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai?
Đó phải là câu hỏi của mỗi người và của tất cả mọi người khi cùng nhau chia sẻ nỗi bức xúc: Làm gì để đất nước trở thành một quốc gia phát triển?
Chỉ có thể tìm được câu trả lời khi rà xoát lại và xác định lại tất cả cho phù hợp với tình hình mới, yêu cầu mới.
Ví dụ: Than phát triển mạnh và xuất khẩu nhiều như hiện nay đang phát sinh hệ quả gì? Hàng loạt các mỏ khoáng sản trong các tỉnh biên giới phía Bắc đang được triển khai, sắp tới sẽ là quặng bauxite ở Tây Nguyên, sẽ tiếp tục khai thác để xuất khẩu dầu thô?.. Như thế có phải là sự lựa chọn tối ưu không cho một quốc gia đất hẹp người đông với một vị thế đầy thách thức hay không? Tiếp tục hay không việc có thêm những công trình kinh tế gây ô nhiễm môi trường đến nỗi báo chí đã phải tặng cho cái tên “kẻ giết người thầm lặng(Tuổi trẻ ngày 29-10-2007 và các số tiếp theo), trong khi đất nước đang xuất hiện những dòng sông “chết”, các làng ung thư..? Chúng ta lựa chọn ngành đóng tầu biển, ngành bột giấy, ngành khai khoáng... là chiến lược dài hạn, hay “giải pháp tình thế”?.. Là nước đi sau có nhất thiết phải chấp nhận tất cả những gì các nước đi trước đang thải loại không?..
Tư duy “nhiệm kỳ” đang là nguyên nhân của nhiều căn bệnh trong chiến lược và quy hoạch phát triển, trong phát huy sức mạnh của nền kinh tế thống nhất, trong công tác tổ chức cán bộ... Tư duy “nhiệm kỳ” là một trong những nguyên nhân sâu xa của tình trạng kẻ ăn ốc, người đổ vỏ, các thế hệ tương lai sẽ phải trả giá. Lối tư duy này đối kháng với lợi ích phát triển chiến lược của quốc gia. Ai không muốn khắc phục tư duy này? Trí tuệ và ý chí nào để cho nó kéo dài sự tồn tại?
Vân... vân...
Không chủ quan tự mãn, thì còn rất nhiều câu hỏi như thế phải đặt ra. Giả thử tìm được câu trả lời đúng, song có gan vượt lên sức ép tâm lý nhiều bề và của chính mình để lựa chọn quyết định đúng không?
Chỉ có cách bám chắc vào thực tế khắc nghiệt của bối cảnh thế giới để quyết định: Là một quốc gia đất hẹp, người đông, có vị trí địa lý kinh tế và chính trị thuận lợi số 1, đồng thời cũng chịu thách thức số 1, nước ta lựa chọn gì cho mình – từ sản phẩm kinh tế cho đến vị thế chính trị quốc tế? Phải làm gì để thực hiện được sự lựa chọn ấy?

Đất nước này là của dân, do dân, vì dân, sẽ có câu trả lời.
Lời kết: Bài học của Đại hội VI

Đại hội VI của Đảng Cộng Sản Việt Nam đi vào lịch sử là mở đầu thời kỳ đổi mới. Nội dung cách mạng nhất của Đaị hội này là ý chí nhìn thẳng vào sự thật, nhờ vậy đã xác lập được con đường đổi mới, nhờ vậy đã dẫn tới thành quả đất nước giành được như hôm nay. Vì lý do này, bài học quan trọng của Đaị hội VI thường được nhắc tới là thái độ nhìn thẳng vào sự thật. Trên chặng đường đất nước đi vào thời kỳ phát triển mới, bài học này càng có ý nghĩa. Bởi vì nhìn thẳng vào sự thật thì tránh được lạc hậu với sự thật, hơn thế nữa đó là cách nhìn, là tiền đề không thể thiếu cho mỗi quyết định đúng nhất thiết phải có.
Đại hội VI còn một bài học khác quan trọng không kém, cần được nhấn mạnh trong năm 2007: Đừng bao giờ lặp lại tình hình bị dồn đến chân tường mới quyết định đổi mới.

Xin lưu ý, trong 22 năm đổi mới vừa qua có không ít trường hợp đã để cho cơ hội tuột tay hoặc không được tận dụng được.
Ví dụ, mỗi một lần Đại hội Đảng, mỗi lần bầu Quốc hội mới đều là một cơ hội cực kỳ lớn để giải phóng nghị lực sáng tạo của toàn dân mang lại sức mạnh mới cho đất nước, để đổi mới Đảng, để nâng cao năng lực, phẩm chất của hệ thống nhà nước..; mỗi lần đại hội cấp tỉnh và bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh cũng mang lại những cơ hội như vậy cho mỗi tỉnh... Nếu mỗi lá phiếu bầu trong những dịp như thế có chất lượng và sức nặng đích thực của nó!.. Song tiếc rằng những gì đạt được qua những lá phiếu như thế chưa đủ sức nâng hệ thống chính trị lên ngang tầm đòi hỏi của nhiệm vụ, chưa nói đến những tha hóa mới. Chẳng lẽ lại chờ đợi nước đến chân mới nhảy?
Xem lại tư liệu báo chí, toát lên một thực tế quan trọng: Bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt – Mỹ (BTA), việc gia nhập WTO lẽ ra có thể diễn ra sớm hơn một số năm. Tiếc thay những cơ hội cho phép đạt kết quả sớm hơn đã không được tận dụng – tất nhiên cái giá của sự chậm chạp không bao giờ rẻ.
Đàm phán để gia nhập WTO kéo dài một thập kỷ, song chuẩn bị cho hậu WTO không được bao nhiêu; thị trường vốn trong nước và quan hệ kinh tế đối ngoại phát triển đột phá, nhưng thiếu vắng sự sẵn sàng cần thiết – nổi cộm nhất hiện nay là nguồn nhân lực, dự án khả thi, kết cấu hạ tầng, năng lực quản trị...
Còn bao nhiêu cơ hội khác nữa đang có trong tay không đủ kiên nhẫn chờ đợi sự chậm chạp của chúng ta?
Nhớ lại, tình hình khủng hoảng kinh tế xã hội của nước ta vào giữa những năm 1980 đã lên tới đỉnh điểm, tác động của bối cảnh quốc tế càng làm gay gắt thêm đến tột độ. Song may mắn thay cuộc sống đã đi trước những bước quyết định: từ hiện tượng Kim Ngọc, đến khoán chui, khoán 10, khoán 100, bù giá vào lương, kế hoạch 3, nguồn hàng của cá nhân những người Việt các “binh chủng” sinh sống tại các nước Liên Xô Đông Âu cũ kiên nhẫn gửi về... Khi công cuộc đổi mới được tiến hành, ngay lập tức một sức sống mới được giải phóng. Yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh quốc tế mới đặt ra cho Đảng tình hình và nhiệm vụ hoàn toàn khác hẳn trước. Không ý thức sâu sắc điều này sẽ là thảm họa.
Lịch sử không nhất thiết lúc nào cũng lặp lại may mắn như thế, cũng không có chữ “nếu”. Song lịch sử nhắc nhở: Đừng bao giờ để xảy ra tình trạng bị dồn vào chân tường mới quyết!
Đấy cũng là lời gửi gắm của năm 2007 cho năm 2008, tất cả cho một quốc gia Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại!
Hà Nội, 20-11-2007


------------------------------

* Bài viết này đúc kết lại từ bài tùy bút Cảm nhận 2007. Cảm ơn anh Việt Phương đã gợi ý tôi viết lại bài này theo bố cục mới.
2 Tham khảo báo cáo của Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội năm 2007 tại kỳ họp thức 2 Quốc hội khóa XII.
3 Ước tính theo số liệu của Tổng cục thống kê theo thời giá – Nguyễn Trung.
4 Trên thực tế sản phẩm chế biến của Việt Nam bắt đầu len vào ngày càng nhiều trên thị trường Trung Quốc, đã bắt đầu có đầu tư của Việt Nam vào Trung Quốc, đương nhiên với những con số rất khiêm tốn. Hiện nay Việt Nam vẫn là nước nhập siêu lớn của Trung Quốc.
5
Thực tế này đang xảy ra ở Philippines từ hàng chục năm nay và không có cách gì cứu vãn. Ở nước ta, đội ngũ trí thức còn quá mỏng và thiếu, trong khi đó chất xám hiện có chưa được sử dụng và phát huy hết; một ví dụ khác: giả thử cho đến năm 2010-2015 đào tạo thêm được 20.000 tiến sỹ có chất lượng, nhưng vì những lý do nào đó trong nước không dùng được họ, hoặc số đông được đào tạo ở nước ngoài không muốn trở về nước sinh sống, tình hình phát triển nguồn nhân lực sẽ ra sao? Tham khảo thêm: Nguyễn Trung, “Nguồn nhân lực cho cơ hội phát triển mới” – Tia Sáng số 06-11-2007
6 Tham khảo Vietnam Net 24-08-2007.
7 Tham khảo thêm bài: Dollar's double blow from Vietnam and Qatar, BST ngày 04-10-2007
8 Diện “đói nghèo” hiện nay ước tính chiếm khoảng 20% dân số (Vũ quang Việt).
9 Tham khảo: Vũ Thành Tự Anh, “6 lý do để lo lắng về lạm phát hiện nay” TBKTSG 8-11-2007; một số cơ quan nghiên cứu nước ngoài cho rằng Việt Nam thực ra đang lạm phát 2 con số. Phải chăng lạm phát cao năm 2007 ít nhiều có những bóng dáng rất kinh điển của những năm 1970 – 1980, nghĩa là do nhiều nguyên nhân tổng hợp lại: Sức đẩy của chi phí, sức kéo của cầu, chính sách tiền tệ (tìm hiểu các ý kiến của Vũ Quang Việt rải rác trong nhiều bài). Hiện nay đang có ý kiến đề cập tính chỉ số lạm phát theo công thức mới, xin miễn bàn ở đây để khỏi lạc đề.
10 Bài học cay đắng nhất của khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997 là chính phủ các nước lâm sự mất sự kiểm soát sự vận động của các dòng vốn và để xảy ra những quả “bom” khốc liệt từ thị trường địa ốc và thị trường tài chính; sự đổ vỡ của một số Chaebol Hàn Quốc – điển hình là sự sụp đổ hoàn toàn của tập đoàn Daiwoo có thể được coi như một bài học kinh điển của sự câu kết giữa tập đoàn + quyền lực + tài chính, với sự trả giá khủng khiếp của cả nền kinh tế (Hàn Quốc tự đánh giá: bị kéo lùi 10 năm!). Ở nước ta kiểm soát sự câu kết này khó hơn, để xẩy ra sự câu kết này, tình hình còn nguy hiểm hơn, vì các tập đoàn này thuộc quyền sở hữu nhà nước, nên tự nó có những điều kiện gắn kết hữu cơ với quyền lực nhà nước. Rất nên xem xét lại hoặc thiết kế lại chủ trương cho phép tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu nhà nước lập các công ty tài chính hay ngân hàng riêng của mình - Nguyễn Trung.
11 Ví dụ, tham khảo một số tài liệu, sách báo, được biết: Hàn Quốc, Đài Loan trong giai đoạn phát triển tương tự như nước ta hiện nay – nghĩa là thời kỳ đạt GDP p.c. khoảng 800 - 1000 USD - chỉ số ICOR thường là >3, đạt tăng trưởng 2 con số hàng chục năm liền, lạm phát khoảng 5 – 6%, song vào thời điểm này kết cấu hạ tầng của Hàn Quốc đã đi trước sự phát triển kinh tế khoảng 5 năm. Cách đây vài năm có tài liệu của chuyên gia nước ngoài cho rằng tham nhũng,
lãng phí của Việt Nam hàng năm ước khoảng 3 - 4% GDP hoặc hơn nữa.12 Xem báo Người Lao động ngày 06-02-2007.
Chú ý: Cho đến nay diện tích đất đai đã được Nhà nước cấp quyền sử dụng chiếm 71% diện tích lãnh thổ quốc gia (trên thực tế - de facto – là giao quyền sở hữu), song Nhà nước vẫn “nghèo” và hầu như không tạo ra được nguồn vốn đáng kể nào từ sự việc này cho việc phát triển kinh tế của đất nước. Cũng có thể nói Nhà nước đã để “mất” một nguồn vốn rất lớn của quốc gia; mặt khác để lại nhiều hậu quả lớn, trong đó có vấn đề giá đất nói chung của cả nước quá cao đang kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế. – Nguyễn Trung.
13 Tham khảo: Nguyễn Trung, “Nguồn nhân lực cho cơ hội phát triển mới” Tia Sáng online 15:02:42 01/11/2007, và Nguyễn Trung: Suy nghĩ về phát triển nguồn nhân lực ở nước ta - Viet-Studies 10-11-2007
14Xem báo Người Lao động 09-11-2007; xem thêm các bài “Tân Uyên, Bình Dương: Xe ông Hai - “vua” của “xe vua” – Tuổi trẻ, Tuổi trẻ online 26 và 27-08-2007. Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khó XII một số đại biểu quốc hội chất vấn về tình hình “chạy ghế”...
15 Xem báo Gia đình & Xã hội 05-052007.
16 Xem: Gặp người giải cứu em Nguyễn Thị Bình, Tiền Phong, thứ Năm, 08/11/2007, 08:48; cách xử lý là cách chức tổ trưởng dân phố và kiểm điểm cơ quan chính quyền phường, quận.
17 Xem Tuổi trẻ ngày 16-11-2007.
18 Đọc: Tuổi trẻ online 21-11-2007.
19 Trong các cuộc tiếp xúc với cử tri đầu tháng 12-2007 ở một số địa phương, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng nêu lên câu hỏi đầy tâm tư của cử tri về vấn đề này.
20 Tham khảo thêm: Nguyễn Trung, “Chỗ đứng của Việt Nam trong thế giới đa cực” – Thời đại mới số 11 tháng 7-2007 (Nếu Việt Nam là một Philippines trong tương lai...). Tuổi trẻ 30-11-2007: Philippines: "Sẽ không có gì thay đổi"
21 Dưới dạng gần như một “postulation”.
22 Xin lưu ý: Nói riêng về kết cấu hạ tầng (hệ thống giao thông, thông tin, điện, nước, thủy lợi...) nếu nước ta giữ tốc độ xây dựng như hiện nay thì tụt hậu khoảng 10 - 15 năm so với Thái Lan hoặc Malaysia; cả hai nước này vẫn chưa được coi là NIC; khoảng cách tụt hậu về hệ thống hành chính quốc gia của ta so với hai nước này cũng khá lớn; khoảng cách GDP danh nghĩa tính theo đầu người hiện nay ta kém Thái Lan khoảng 2000 USD (tính theo PPP là 5300 USD), kém Malaysia khoảng 4300 USD (tính theo PPP là 8300 USD) (tham khảo báo cáo IMF 2006 và 2007, Wikipedia 2006). Xem như thế, sẽ có câu hỏi: Mục tiêu nước ta trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020 sẽ theo tiêu chí nào?
Xin lưu ý: Đối chiếu giữa một bên là chiến lược công nghiệp hóa – hiện đại hóa được đề ra trong các văn bản chính thức của Đảng và Nhà nước và một bên là quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra trên thực tế trong xuốt 22 năm đổi mới, nhất là trong vòng 10 năm trở lại đây, thấy có nhiều điểm không khớp nhau, có nhiều điểm sai, bị cuộc sống lôi kéo đi nhiều hơn là làm kim chỉ nam cho cuộc sống. Tư duy “nhiệm kỳ” và mọi ảnh hưởng của nó (nhất là bệnh “tân quan tân chính sách” của mỗi nhiệm kỳ) càng làm cho chiến lược đã đề ra bị biến dạng hay gián đoạn. Tình hình có hai điểm nổi bật như sau: (a)không ít những việc hay mục tiêu định làm thì thất bại hoặc thành công không như mong đợi (chế tạo cơ khí, công nghiệp nặng, khai khoáng, hợp tác xã kiểu cũ, các xí nghiệp quốc doanh lỗi thời...) – nguyên nhân chủ yếu là không thực tế, duy ý chí, không theo quy luật; (b)nhiều vấn đề hay mục tiêu không đề ra hoặc không coi là trọng tâm lại phát triển rất mạnh (sản phẩm chế biến, công nghiệp nhẹ phục vụ xuất khẩu, nông lâm thủy sản, dịch vụ, khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế trang trại...) – nguyên nhân chủ yếu của những thành công này là hợp quy luật phát triển và khai thác được thế mạnh nội tại, khai thác được hợp tác với bên ngoài. Từ những thất bại và thành công như vậy trong thực tiễn cần đánh giá lại tư duy và phương pháp làm chiến lược với tầm nhìn mới để xác định những bước đi sắp tới.
23 Xin tạm gạt sang một bên vấn đề y tế để bàn vào một dịp khác; xin chưa đặt vấn đề nâng cao nền giáo dục của ta ngang tầm khu vực hay trên thế giới.

Nguồn: Nguyễn Trung, Tạp chí Tia Sáng, số 23, 5- 12 - 2007

No comments:

Post a Comment