Saturday, December 15, 2012

Những vấn đề giáo dục đại học hiện nay – Nhìn từ góc độ xã hội học giáo dục

Bài viết dưới đây đã đăng trên Tạp chí Phát Triển Kinh Tế (số 205, tháng 11 - 2007, tr. 38 - 43). Trong bản đăng lại dưới đây, không biết tại sao các sơ đồ minh họa trong bài không chịu xuất hiện, không có chúng, người đọc sẽ rất khó hình dung. Ai có nhu có thể liên hệ với tôi để có bài viết đầy đủ.

Nguyễn Khánh Trung*

Đã từ lâu, những vấn đề trong giáo dục (gd) nói chung và đại học nói riêng luôn là đề tài nóng bỏng lôi kéo sự chú ý của báo giới, công luận xã hội cũng như các chuyên gia và các nhà lãnh đạo. Các vấn đề như chất lượng đào tạo kém, sinh viên ra trường thất nghiệp, sự xuống cấp đạo đức học đường, chương trình và nội dung giảng dạy nặng nề và bất cập, vấn đề đội ngũ giảng viên, sự bất bình đẳng trong gd ... đã làm cho cả xã hội lo lắng. Các chuyên gia về gd đã phân tích các vấn đề và đề nghị nhiều hướng giải quyết, các lãnh đạo của Bộ Gd và Đt đã thực hiện nhiều giải pháp, nhiều chương trình cải cách, vv. Tuy nhiên cho đến nay, những căn bệnh của hệ thống gd chẳng những không mấy thuyên giảm mà thậm chí còn ngày càng trầm trọng hơn. Những chương trình cải cách làm cho gd thay đổi liên tục mà không mấy tiến bộ. Có vẻ chúng ta đang bí lối trong việc giải quyết những khó khăn và hoạch định một lộ trình cải cách thông suốt nhằm đưa gd đi lên.


Những vấn đề gd nêu trên mang ý nghĩa gì ? Chúng có mối liên hệ thế nào với những chuyển biến xã hội hiện nay ? Đề cập đến mối liên hệ giữa gd và những chuyển biến xã hội, nhà sáng lập xã hội học Pháp đã viết: “Một sự biến chuyển trong gd luôn là kết quả, là dấu chỉ và được cất nghĩa bởi một sự biến chuyển xã hội” (E. Durkheim, 1969, tr. 194). Nhà xã hội học này đã chỉ ra những mối liên hệ biện chứng giữa những gì xảy ra trong nhà trường và ngoài xã hội, ông xem những liên hệ này như những nguyên tắc trong nghiên cứu về giáo dục. Theo đó, để nghiên cứu một sự kiện gd, nhà nghiên cứu không thể chỉ đóng khung trong nhà trường bằng cách lấy một hiện tượng gd này cất nghĩa một hiện tượng gd khác. Chẳng hạn chúng ta không thể chỉ đơn thuần lý luận rằng chất lượng đào tạo đại học hiện nay ở nước ta kém là do bất cập trong cơ cấu chương trình đào tạo, hay do đội ngũ giảng viên có học hàm học vị thấp vv, nhưng phải đặt vấn đề này trong môi trường văn hoá, chính trị, kinh tế của xã hội hiện nay để quan sát.

Trước các vấn đề gd nổi cộm hiện nay, đã có không ít những nghiên cứu nhằm giải thích và đưa ra những giải pháp, nhưng nhìn chung, theo chúng tôi các phân tích, lý giải hình như chưa chú ý đủ đến tính “xã hội” của gd nói chung và của các vấn đề giảng dạy đại học nói riêng, trong khi “gd là sự vật hoàn toàn mang tính xã hội xét về nguồn gốc cũng như chức năng” (E. Durkheim, 1922, tr. 106). Trong bài viết này, chúng tôi sẽ thử đi tìm những nguyên nhân của cuộc “khủng hoảng gd”[1] đại học hiện nay bằng cách đặt chúng trong bối cảnh kinh tế xã hội và chính trị hiện tại của Việt Nam. Để làm điều này, chúng tôi sẽ vận dụng mô hình phân tích các “sự kiện gd”[2] của Reine Goldstein, cũng như sẽ trích dẫn một vài nội dung từ những cuộc phỏng vấn sâu trong một số trường đại học tại Tp. HCM mà chúng tôi đã thực hiện.

Mô hình tam giác phân tích một sự kiện gd của Reine Goldstein[3]


Reine Goldstein đã đưa ra một khung mẫu làm phương tiện phân tích các sự kiện gd, mà theo bà, có thể áp dụng khung phân tích này trong bất kỳ xã hội nào và ở bất kỳ thời điểm nào. Theo tác giả, trong tất cả loại hình gd mang tính tập thể hay cá thể, đều tồn tại ba chiều kích mang dấu ấn lịch sử, địa lý của xã hội trong đó nền gd hiện hữu (xem hình dưới đây). Đó là sự liên hệ tương tác giữa “mô hình lý tưởng mong đạt tới” (Idéal d’être à faire advenir), những “phương tiện được vận dụng” (Moyen mis en œuvre) để đạt đến mục tiêu đó và “kết quả: sản phẩm đào tạo” (Résultat: l’éduqué) chiếu theo mô hình lý tưởng chung mà xã hội mong đạt tới. Sự liên hệ tương tác giữa ba chiều kích này phải được phân tích trong “bối cảnh xã hội tổng quát” (société globale), nghĩa là nhà nghiên cứu phải đặt sự kiện gd trong bối cảnh lịch sử văn hoá, kinh tế, chính trị và địa lý cụ thể của xã hội mà sự kiện gd xảy ra trong một thời điểm nhất định. Sự liên hệ tương tác giữa các yếu tố này được thể hiện qua mô hình tam giác dưới đây:

Mẫu người lý tưởng mong đạt tới
Sự kiện gd
Phương tiện và phương cách vận dụng
Kết quả: sản phẩm đào tạo
Bối cảnh xh tổng quát


Áp dụng khung lý thuyết trên, chúng ta thử phân tích hình thức gd đại học nước ta thời kỳ trước đổi mới nhằm, một mặt, để minh hoạ cho khung phân tích của Reine Goldstein, mặt khác để so sánh với hình thức giảng dạy đại học hiện tại nhằm có thể định dạng những nguyên nhân của các vần đề nổi cộm trong đại học hiện nay.

Giảng dạy đại học trước đổi mới.

Cũng như trong các lĩnh vực kinh tế xã hội trước đổi mới, hệ thống Gd Xhcn nói chung và trường đại học nói riêng được xây dựng theo mô hình của Liên Xô, còn gọi là “Nhà trường Xhcn” với những đặc điểm mà Engels đã nêu: “Chúng ta cung cấp cho các em học sinh một hình thức gd thực sự vô sản, xoá bỏ mọi ảnh hưởng của giai cấp tư sản’’ (Trích bởi Lê Thành Khôi, 1991, tr.56). Theo Marx và Engels, hình thức Gd Xhcn phải là gd “toàn diện” nhằm trang bị cho người học khả năng xoay xở trong mọi phương diện của cuộc sống lao động và sản xuất, hầu có thể dẫn đến xoá bỏ sự phân công lao động, nguồn gốc của bất công xã hội. Để xoá bỏ sự phân công này và thiết lập một xã hội công bằng, nhà trường phải là nơi đào tạo các chiến sĩ đấu tranh bằng cách dạy cho lớp trẻ tinh thần cộng sản, tinh thần cách mạng ... Hình thức gd đại học Xhcn có thể được mô tả phỏng theo khung phân tích ở trên như sau:

Con người mới Xhcn
Giáo dục đại học trước đổi mới
- Sử dụng chuyên chính vô sản chống lại cn cá nhân và cn tư sản trong nhà trường
- Tinh thần làm chủ tập thể - đạo đức cộng sản
- Kết hợp gd và hoạt động sản xuất.
- Chính trị hoá các khâu trong giảng dạy.
Đào tạo sinh viên theo tiêu chuẩn Hồng và Chuyên


Chế độ Xhcn với nền Kt kế hoạch theo mô hình Xô viết


Chúng ta lần lượt phân tích từng chiều kích và mối liên hệ giữa chúng trong sơ đồ trên:

a. Mô hình lý tưởng mong đạt tới

Đó là hình ảnh: “Con người mới Xhcn” đã được các cán bộ tư tưởng - văn hoá trước đổi mới định nghĩa qua nhiều tài liệu chính thức của Đảng và Nhà nước, chẳng hạn các cán bộ của Viện Triết học Quốc gia Hà Nội đã xuất bản tác phẩm đồ sộ (dày 563 trang) có tựa đề “Về vấn đề xây dựng con người mới » do Phạm Như Cương chủ biên (1978). Theo đó, Con người mới Xhcn được đề nghị như là mẫu người của tập thể, mang nhân sinh quan cộng sản, thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lê Nin, là con người của Đảng, của cách mạng và của lao động sản xuất. Khuôn mẫu con người lý tưởng được định nghĩa theo các chuẩn mực và giá trị của Đảng được xã hội hoá qua nhiều kênh trong đó gd là một kênh quan trọng.

b. Kết quả: sản phẩm đào tạo

Trường đại học có nhiệm vụ làm cụ thể hoá ý chí của nhà cầm quyền. Khi Đảng chủ trương làm cuộc cách mạng văn hoá, kinh tế và xã hội để thiết lập Xhcn ở miền Bắc và sau này là trong cả nước, thì đại học được sử dụng như công cụ phục vụ cho những cuộc cách mạng này. Đại học một mặt là nơi tạo ra và tái tạo lại các chuẩn mực giá trị mang màu sắc ý thức hệ của nhà cầm quyền, vừa đào tạo các chuyên gia chuyên môn về mọi ngành nghề phục vụ xây dựng nền kinh tế kế hoạch tập trung. Đại học phải lấy khuôn mẫu lý tưởng là “Con người mới Xhcn” làm mục tiêu đào tạo (xem Ho Si Ty, Tạp chí Cộng sản, 1964, số 12). Sản phẩm đào tạo phải mang tinh thần, giá trị và những tiêu chuẩn về tư tưởng và chuyên môn được quy định bởi các nhà lãnh đạo, những điều này được tóm gọn trong hai thuật ngữ “Hồng và Chuyên”. “Chuyên” là khái niệm chỉ những kiến thức, kỹ năng nơi sản phẩm đào tạo, đây là nhiệm vụ riêng của từng ngành, từng khoa trong trường đại học; “Hồng” chỉ những tiêu chuẩn về đạo đức tư tưởng chính trị mang màu sắc cộng sản mà sinh viên phải được trang bị, đây là chủ trương chung của Đảng dành cho tất cả học sinh và sinh viên dưới mái trường Xhcn. Để làm cho sinh viên nội tâm hoá ý thức hệ và tất cả những giá trị chuẩn mực của mình, Đảng đã đề ra bốn nội dung cụ thể trong nhiệm vụ gd “hồng” cho sinh viên trong chỉ thị số102 – CT/TW, ngày 03/07/1965, ban hành bởi Ban chấp hành Trung ương Đảng, khoá 3, theo đó : 1) Gd chủ nghĩa Mác – Lê Nin, lý tưởng và đạo đức cộng sản; 2) Gd các chính sách của Đảng; 3) Gd truyền thống cách mạng; 4) Gd ý thức hệ và quan điểm của Đảng, làm cho giảng viên và sinh viên quán triệt mục đích, đường lối chính trị của Đảng (Xem Ban Tư tưởng - Văn Hoá Trung Ương, 2000, tập 1, tr.197 – 209). Tóm lại, Đảng đã xác định mục tiêu đào tạo cho trường đại học là làm cụ thể hoá hình ảnh lý tưởng “Con người mới Xhcn”, mà các cán bộ tư tưởng đã định nghĩa một cách chi tiết và khá rõ nét trong thời kỳ trước đổi mới.

c. Phương tiện và phương cách được vận dụng

Để đạt đến mục đích đào tạo theo hình mẫu “Con người mới Xhcn”, các nhà lãnh đạo đã vận dụng “chuyên chính vô sản”, nhất là trong giai đoạn đầu xây dựng Xhcn ở Miền Bắc nhằm chống lại những tư tưởng mại bản và chủ nghĩa cá thể đang sót lại từ giai cấp tư sản của chế độ cũ. Nhà trường được sử dụng như một công cụ để thực hiện cuộc cách mạng văn hoá, “một công cụ của nhà nước chuyên chính vô sản” nhằm xoá đi những tàn tích của chế độ cũ và thiết lập một xã hội mới với những chuẩn mực và giá trị đặc trưng như nêu cao tinh thần tập thể, nêu cao tinh thần cánh mạng, truyền bá chủ nghĩa mác – lê nin, chủ trương kết hợp hoạt động giảng dạy và hoạt động sản xuất[4], Những điều này được thể hiện qua các khâu trong đào tạo từ quá trình thiết lập các chương trình, lựa chọn các nội dung đào tạo, cũng như cách thức bố trí nhân sự, tổ chức các phòng ban, các hoạt động đoàn thể trong trường đại học. Hay nói cách khác, trường đại học bị chính trị hoá (politisé) trong mọi khâu đào tạo nhằm tạo và tái tạo lại các giá trị và chuẩn mực của các nhà lãnh đạo.

Ba chiều kích nói trên được đặt trên nền của Xã hội Xhcn với nền kinh tế kế hoạch tập trung theo khuôn mẫu Xô viết. Nhìn chung từ hình ảnh “Con người mới Xhcn” ngoài xã hội đến hình ảnh người sinh viên ra trường phải mang các tiêu chuẩn và giá trị của “Hồng và Chuyên” cũng như những phương cách, phương tiện được vận dụng nhằm làm cụ thể hoá những mục tiêu đào tạo đặt ra bởi nhà lãnh đạo không có gì mâu thuẫn nhau. Hay nói cách khác, khoảng cách giữa nhu cầu xã hội và sản phẩm đào tạo của trường đại học không lớn, bởi cả hai phải tuân thủ cùng một ý chí của nhà lãnh đạo. Nhà nước điều khiển hoàn toàn mọi lĩnh vực của xã hội từ kinh tế đến gd nên giữa chúng không có nhiều mâu thuẫn, bởi tất cả phải ngoan ngoãn theo sự sắp đặt của cùng một đạo diễn. Một xã hội tập quyền cao độ tuy có nguy cơ làm triệt tiêu những đóng góp, những sáng kiến của các cá thể trong xã hội nhưng lại tạo được một mặt bằng ổn định. Nói chung, từ mục đích của xã hội đến mục đích của trường đại học, từ những chuẩn mực và cách thức hành động ngoài xã hội đến những chuẩn mực và phương cách hành động trong trường đại học không có gì phải bàn bởi tất cả được ghép vào một bộ khung Xhcn khép kín dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Sau đổi mới, những thay đổi có tính đột phá từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế “ thị trường định hướng xhcn”, kéo theo sự thay đổi các chiều kích trong mô hình mà chúng ta minh hoạ ở trên. Chúng tôi tiếp tục sử dụng mô hình phân tích của Reine Goldstein để phân tích việc giảng dạy đại học hiện nay.

Giảng dạy đại học hiện nay


Cùng với sự biến chuyển của xã hội, đại học ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với thời kỳ trước đổi mới. Mẫu hình lý tưởng trong xã hội theo khuôn mẫu “Con người mới Xhcn” không còn phù hợp, nhưng hình như các chuyên gia tư tưởng vẫn chưa tìm được một mẫu người khác để thay thế. Chúng tôi tạm sử dụng thuật ngữ: “Con người kinh tế thị trường định hướng xhcn” đặt trong mô hình dưới đây để tiện phân tích. Sự khủng hoảng về mẫu người lý tưởng chung trong xã hội kéo theo sự lúng túng trong việc đi tìm định nghĩa những chuẩn mực và giá trị về chuyên môn cũng như về đạo đức nơi sản phẩm đào tạo của trường đại học. Sự dùng dằng và những mâu thuẫn trong việc xác định hai chiều kích liên quan đến mục tiêu của xã hội và đào tạo nói trên kéo theo sự không nhất quán và các mâu thuẫn trong việc vận dụng các phương cách thực hành trong trường đại học ở tất cả các khâu trong quy trình đào tạo. Ba chiều kích trong mô hình biểu diễn sự nối kết từ mục tiêu của xã hội đến mục tiêu và các phương pháp thực hành trong trường đại học không còn ổn định và trật tự như thời trước đổi mới, thay vào đó là những mâu thuẫn, những xung đột gay gắt đã làm nảy sinh nhiều vấn đề gd mà chúng ta sẽ lần lượt phân tích từng khía cạnh trong sơ đồ biểu diễn dưới đây.


Con người kinh tế thị trường định hướng xhcn
Giáo dục đại học hiện nay
- Tăng cường gd chính trị thông qua các khâu trong quy trình giảng dạy.
- Áp dụng chính sách tập quyền trong quản lý đào tạo
- Ban hành nhiều dự án cải cách nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động
- …
Đào tạo sinh viên có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, có kiến thức và kỷ năng nghề nghiệp.
Xh kinh tế thị trường định hướng xhcn


a. Mô hình lý tưởng nhắm tới

Trong các tài liệu chính thức, chúng tôi không tìm thấy một định nghĩa rõ ràng về mẫu hình lý tưởng trong xã hội hiện nay như hình ảnh “Con người mới Xhcn” trước đổi mới, hay mẫu “người quân tử” mà nền Gd Nho giáo ngày xưa đã lấy làm mục tiêu đào tạo trong thời phong kiến. Thế nào là “Con người của nền kinh kinh tế thị trường định hướng xhcn” ? Thật khó có thể đem ra một định nghĩa khúc chiết hợp lý, làm hài hoà và cân bằng giữa “kinh tế thị trường” và việc định hướng “xhcn”. Theo từ điển Wikipédia, kinh tế thị trường là một hệ thống kinh tế dựa vào thị trường, tuân thủ theo quy luật của thị trường, nhất là quy luật cung cầu đề điều chỉnh các hoạt động kinh tế. Hệ thống kinh tế này là một hình thức, một sản phẩm của chủ nghĩa tư bản, nó vận hành trên cơ sở của đầu tư tư nhân. Một nền kinh tế hoàn toàn ngược lại với mô hình kinh tế kế hoạch tập trung của hệ thống Xhcn trước đây. Trong khi về mặt chính trị, khái niệm “Xhcn” mà các nhà lãnh đạo muốn định hướng hầu như vẫn mang đậm dấu ấn của Xhcn truyền thống, vốn chẳng mấy thiện cảm với kinh tế thị trường. Chúng ta vẫn lấy Chủ nghĩa Mác – Lê làm nền tảng tư tưởng, vẫn lấy Quốc doanh làm chỗ dựa mặc dầu có chấp nhận các thành phần kinh tế khác, vẫn áp dụng những cách thức và thói quen truyền thống trong lý luận và thực hành, vv.

Theo các văn kiện của Đảng, thì “Xhcn” được định nghĩa hiện nay như là một xã hội với các giá trị: “Công bằng – Dân chủ - Văn minh”. Tuy nhiên các nhà lãnh đạo dành quyền định nghĩa thế nào là công bằng, dân chủ và văn minh theo những giá trị riêng của mình. Tóm lại chúng ta thấy, nền kinh tế hiện nay là nền “kinh tế thị trường”[5] trong đó nhà nước tìm cách can thiệp vào nhiều lãnh vực nhằm đảm bảo “định hướng xhcn”. Sự can thiệp quá sâu của Nhà nước và sự nứu kéo của quá khứ trong cách tư duy và thực hành là nguyên nhân của nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội và gd mà nhiều tác giả[6] đã đề cập. Trên phương diện kinh tế, chúng ta chứng kiến những cải cách mạnh mẽ từ kinh tế tập trung bao cấp sang mô thức kinh tế thị trường, nhưng trên phương diện “xhcn” (phương diện chính trị) những cải cách được thực hiện không đáng kể mặc dầu các nhà lý luận tìm cách điều chỉnh, định nghĩa lại, giải thích lại một số khái niệm nhằm có thể rút ngắn những mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực hành, giữa ý thức hệ và thực tại xã hội.

Những do dự và mâu thuẫn giữa ý muốn kiên định xhcn truyền thống và việc chủ trương cải cách hệ thống kinh tế xã hội đã gây khó khăn trong việc đi tìm một mẫu người lý tưởng chung trong xã hội, làm đích đến cho nhà trường nói chung và đại học nói riêng. Con người của “xã hội kinh tế thị trường định hướng xhcn” phải hội đủ những tiêu chuẩn nào ? Phải mang chuẩn mực và giá trị của kinh tế thị trường hay của “xhcn” ? Phải chăng đó là mẫu người “đảng viên được làm kinh tế” mà đại hội Đảng lần thứ X vừa qua đã chủ trương ? Những câu hỏi chưa có sự giải đáp một cách thoả đáng bởi hình thái “Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” chưa hề có tiền lệ trong lịch sử nhân loại.




b.Kết quả: sản phẩm đào tạo

Đại học không có sẵn mẫu hình lý tưởng trong xã hội được định nghĩa chắc chắn đễ làm mốc tham chiếu nhằm đưa ra mục tiêu đào tạo cụ thể cho những hoạt động của mình. Qua những văn bản chính thức đề cập đến sản phẩm đào tạo của trường đại học hiện nay như luật gd 1998 và 2005, dường như các nhà lãnh đạo vẫn bảo lưu các giá trị của “hồng và chuyên” trong cách định nghĩa các chuẩn mực và giá trị về đạo đức về chuyên môn mà trường đại học phải nhắm tới. Điều 39, Luật Gd 2005 quy định : “Mục tiêu của giáo dục đại học là đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, sức khoẻ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Như vậy đại học có hai nhiệm vụ chính: đào tạo “hồng” (đào tạo con người có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân) và đào tạo “chuyên” (có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo). Đương nhiên, các cán bộ tư tưởng mới có thẩm quyền giải thích và quy định thế nào là phẩm chất chính trị, là đạo đức, là tinh thần phục vụ nhân dân. Việc đào tạo mặt “chuyên” hoàn toàn tuỳ thuộc vào từng trường, từng khoa đào tạo, còn những gì liên quan đến “hồng” đều do các nhà lãnh đạo độc quyền định nghĩa và phổ biến cho sinh viên của mọi ngành nghề ví như việc sinh viên của tất cả các trường buộc phải học các môn chính trị, vv. Như thế, không phải chúng ta không có một nền tảng lý thuyết về mục tiêu đào tạo của trường đại học, nhưng một mặt, những điểm tựa lý luận hiện nay hình như không mấy ăn khớp với hiện thực xã hội, mặt khác chức năng chuyển tải “hồng” đang ảnh hưởng rất nhiều lên chức năng chuyển tải “chuyên” của trường đại học. Thật vậy, trả lời câu hỏi của chúng tôi liên quan đến mục tiêu đào tạo của trường đại học hiện nay, một giảng viên của một trường đại học tại Tp. HCM nói:

“Khi tôi còn là trưởng phòng công tác chính trị của trường, tôi đã tổ chức các khoá học chính trị đầu mỗi khoá học cho sinh viên, sau này tôi suy nghĩ rất nhiều về mục tiêu đào tạo đại học: giảng dạy đại học ở nước ta phục vụ cho chính trị hơn là phục vụ cho thực tiễn xã hội. Một cách bình thường, đại học phải phục vụ cho xã hội, nó phải đi trước xã hội, tuy nhiên ở Nước ta, đại học phục vụ cho chính trị”.

Trường đại học nói chung và các đại học khxhnv nói riêng được đặt dưới các quyết nghị của Đảng, phải tuân thủ tính đảng trong tổ chức giảng dạy và nghiên cứu. Mục tiêu đào tạo của đại học là cụ thể hoá mục tiêu của các nhà lãnh đạo, hay nói cách khác, đại học phải tuân thủ theo đường lối chính trị của nhà cầm quyền hơn là bám vào thực tiễn của xã hội để xây dựng mục tiêu, chương trình và tổ chức hoạt động đào tạo.

Việc xác định mục tiêu đào tạo rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng trên hầu hết các công đoạn trong quá trình đào tạo, nhất là việc xây dựng các chương trình và lựa chọn nội dung đào tạo. Chúng ta không thể xây dựng những chương trình tốt và thông suốt khi chúng ta không có một định nghĩa rõ ràng về mục tiêu đào tạo. Lý luận về sự liên hệ giữa mục tiêu đào tạo và việc xây dựng các chương trình đào tạo, một giảng viên khác nói với chúng tôi:

Cấu trúc các chương trình trong trường đại học nói chung và trong khoa tôi nói riêng rất bất hợp lý: Rất thiếu những môn học cần thiết, trong khi những môn không cần lại chiếm thời lượng quá lớn trong chương trình đào tạo. Theo tôi, vấn đề xây dựng chương trình phụ thuộc vào quan điểm giảng dạy. Thật ra, cũng như các trường đại học nói chung, Đại học chúng tôi không có một quan điểm giảng dạy, nói cho đúng trên mặt lý thuyết thì có, nhưng quan điểm này nay đã quá lạc hậu và bất khả thi. Trong thực tế, chúng ta không có một quan điểm chắc chắn và phù hợp có thể thấm nhập vào từng cá nhân của giảng viên. Nếu chúng ta có nó, chúng ta sẽ xây dựng các chương trình đào tạo một cách mạch lạc và phù hợp nhằm có thể đào tạo những sinh viên tốt có thể đáp ứng những đòi hỏi của xã hội”.

Những nhập nhằng trong việc xác định quan điểm và mục tiêu đào tạo kéo theo sự lủng củng trong khi vận dụng các phương tiện cũng như áp dụng các phương cách trong quá trình đào tạo mà chúng ta sẽ phân tích dưới đây.

c. Phương tiện và phương cách vận dụng

Những khó khăn, những xung đột và mâu thuẫn trong việc đi tìm một mẫu người lý tưởng làm đích tới cho hoạt động đào tạo đại học cũng được tìm thấy trong phương cách mà các nhà lãnh đạo vận dụng nhằm đạt tới mục tiêu của mình. Một mặt, để thoả mãn những đòi hỏi của thị trường lao động, chủ yếu là những đòi hỏi liên quan đến “chuyên” nơi sản phẩm đào tạo, các nhà lãnh đạo đã ban hành những chương trình cải cách nội dung chương trình cũng như hình thức quản lý của trường đại học. Mặt khác, để đảm bảo những phẩm chất đạo đức và chính trị theo chuẩn mực của mình nơi sản phẩm đào tạo, các nhà lãnh đạo chủ trương gia tăng “ hồng” trong các chương trình, nội dung đào tạo, nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Điều này thể hiện qua mọi khâu trong đào tạo từ quá trình xây dựng các chương trình, lựa chọn nội dung, cũng như cách thức tổ chức hành chánh, bố trí nhân sự mà ai cũng dễ dàng nhận ra khi chúng ta tìm phân tích mục tiêu và cách thức thực hiện trong quá trình tổ chức đào tạo của trường đại học. Nói chung, cũng như thời kỳ trước đổi mới, các nhà lãnh đạo sử dụng đại học như một công cụ làm tái tạo các giá trị và chuẩn mực của mình, trong khi những điều này chưa chắc đã phù hợp với những đòi hỏi và chuẩn mực của các nhà tuyển dụng, nhất là các nhà đầu tư tư nhân và ngoại quốc, những người đang tiêu thụ trên 60% lao động trong cả nước. Những nhà tuyển dụng này thường đòi hỏi người sinh viên ra trường phải được trang bị vững về chuyên môn, về kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng ngoại ngữ, phải có những thái độ đạo đức nghề nghiệp ... vốn chẳng liên quan nhiều đến những “phẩm chất chính trị” mà các nhà lãnh đạo đòi hỏi nơi người sinh viên. Rõ ràng, đại học chúng ta đang bị giằng co giữa một bên là những đòi hỏi chính trị của nhà cầm quyền và bên kia là những yêu cầu của thị trường lao động. Nhà cầm quyền luôn sử dụng đại học như công cụ làm “ổn định” trật tự về mặt chính trị, trong khi với tư cách là một nơi cung cấp nguồn nhân lực bậc cao cho xã hội, trường đại học không thể thoát khỏi những quy luật cạnh tranh của kinh tế thị trường, đó là những áp lực đến từ các nhà tuyển dụng, những tác nhân ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trên thị trường lao động. Thật khó để có thể dung hoà hai nhu cầu, hai lợi ích đến từ hai phía.

Chức năng chính trị của đại học hiện nay cũng đụng chạm với chức năng sản xuất và chuyển tải tri thức khoa học - kỹ năng nghề nghiệp của trường đại học. Mâu thuẫn này được một giảng viên triết học nhận định trong một tham luận tại hội nghị khoa học của trường Đại học KHXHNV TP HCM năm 2003:

“ ... Mâu thuẫn giữa hai nhóm: những người nhân danh ‘đổi mới tư duy’ đe doạ đến sự ổn định chính trị; những người nhân danh ‘kiên định lập trường chính trị’ lại cản trở sự phát triển. Chúng tôi đang nghiên cứu để quyết định những tiêu chuẩn liên quan đến việc chuẩn hoá và hiện đại hoá trong cấu trúc chương trình đào tạo nhằm đề nghị một hướng cải cách. Hiện nay, nếu chúng ta tôn trọng hoàn toàn những quy định về chuẩn hoá (quy định bởi Bộ Gd Đt) thì chúng ta không thể hiện đại hoá các chương trình đào tạo. Cơ chế đào tạo hiện nay không cho phép chúng ta hoà nhập với thế giới (...). Có một khoảng cách giữa đào tạo và thực tế xã hội cũng như những mâu thuẫn trong giảng dạy: Làm thế nào để giữ định hướng chính trị trong tiến trình hội nhập quốc tế ? Trong giảng dạy triết học hiện nay, đang tồn tại những ‘vùng cấm’, nhưng trong khoa học thì không có những vùng như thế. Chúng tôi buộc phải sử dụng những ‘sách giáo khoa pháp lệnh’, phải bảo đảm ‘tính Đảng’ trong giảng dạy. Những điều như vậy cản ngăn sự phát triển và làm thụ động giảng viên cũng như sinh viên. Các em thiếu óc phê bình và sự năng động cần thiết để phát triển...”

Thầy giáo này phản ảnh một sự thật không những chỉ trong việc giảng dạy triết học mà trong toàn bộ giảng dạy đại học nói chung ở nước ta hiện nay. Yếu tố chính trị luôn ảnh hưởng mạnh mẽ trên chức năng khoa học của trường đại học. Những “vùng cấm”, “vùng nhạy cảm” hiện diện khắp nơi đến từ sự bảo thủ trong chính trị, đang làm cản đường sự phát triển khoa học trong trường đại học. Bởi lẽ để có thể có những phát minh, phát kiến trong những công trình nghiên cứu, trường đại học nói chung cũng như các giảng viên, sinh viên phải có những khoảng trống cần thiết về thời gian và sự tự do tư tưởng để sáng tạo... Chủ trương chính trị hoá (politisation) và chính sách tập quyền (centralisation) cao độ đang áp dụng trong giảng dạy đại học nhằm củng cố và duy trì trật tự trên bình diện ý thức đang làm cho đại học khó lòng đáp ứng được những đòi hỏi của nền kinh tế thị trường vốn nhấn mạnh đến chất lượng của sinh viên ra trường dựa trên những tiêu chí về kỹ năng và kiến thức chuyên môn, cũng như làm cho đại học nước ta khó lòng có thể cạnh tranh với các đại học trên thế giới về mặt khoa học. Theo chúng tôi, sự giằng co này là nguyên nhân sâu xa của việc bí lối và luẩn quẩn trong cải cách đại học suốt mấy thập niên vừa qua.

Kết luận

Qua những phân tích trên, chúng ta thấy rằng, mấu chốt căn bản của tất cả mọi vấn đề trong giảng dạy đại học hiện nay bắt nguồn từ những mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới, giữa kinh tế thị trường và định hướng xhcn trên bình diện chính trị, những mâu thuẫn này ảnh hưởng trực tiếp đến trường đại học, làm cho trường đại học thiếu sự nhất quán trong việc vạch ra mục tiêu đào tạo, từ đó xây dựng các khâu còn lại trong quá trình đào tạo. Hay nói cách khác, những vấn đề trong giảng dạy đại học bắt nguồn từ sự khủng hoảng của một nền triết lý trong đào tạo, sự khủng hoảng này đến từ những mâu thuẫn giữa “kiến trúc thượng tầng” và “ hạ tầng cơ sở”, từ ý thức hệ đang thống trị và thực tại kinh tế xã hội. Chức năng của đại học là gì ? Đại học phải tổ chức thế nào? Phải hành động ra sao ? để vừa đáp ứng những đòi hỏi của khoa học, của nền kinh tế thị trường và ý thức hệ của nhà lãnh đạo ? Những câu hỏi này đang chờ các chuyên gia giải đáp.


Nguồn: Tạp chí Phát Triển Kinh Tế - Ðại Học KT, TP HCM - Số 205, tháng 11 - 2007, tr. 38 - 43.

Tài liệu tham khảo


DURKHEIM EMILE. (1969). - L'évolution pédagogique en France, Paris : PUF
DURKHEIM EMILE. (1922). - Education et Sociologie, Paris : PUF
REINE GOLDSTEIN. (1998). - Analyser le fait éducatif, L'ethno - éducation comparée, une démarche, un outil, Lyon : Chronique Sociale.
REINE GOLDSTEIN. (1995). - Ecole et société, Chronique Sociale : Lyon.
Mialaret. G, 1990, Les sciences de l’éducation, Paris : PUF
PHẠM NHƯ CƯƠNG (chủ biên). (1978). - Về vấn đề xây dựng con người mới, Hà Nội : Nxb. KHXH.
LÊ ThÀnh KhÔi. (1991). - Marx - Engel et l’éducation, Paris : PUF.
Ban Tu tuong - Van Hoa Trung Uong. (2000). - Một số văn kiện của Đảng về công tác tư tưởng – văn hoá, tập 1 và 2, Hà Nội : Nxb Chính trị Quốc gia.
Luât Giáo dục 1998
Luật Giáo dục 2005
Nguyễn Khánh Trung. (2004). - Giải quyết mâu thuẫn giữa chất lượng giáo dục và nhu cầu xã hội, đăng trong tạp chí Phát triển kinh tế (Đại học Kinh tế Tp. HCM), số 164, tháng 6, 2004.
Nguyễn Khánh Trung. (2006). - L’université dans la societé vietnamienne actuelle, du curriculum formel au curriculum reel : Observation de trois établissements à Ho Chi Minh – Ville ( luận án tiến sĩ), Ðại học Toulouse 2 – Le Mirail ( Pháp)
Ho Si Ty, Tạp chí Cộng sản. (1964) - số 12.




* Tiến sĩ xã hội học – Trung tâm Nghiên cứu về L ý luận và Kiến thức (CERS), Ðại học Toulouse 2 – Le Mirail (Pháp).
[1] « Nền giáo dục đang khủng hoảng », là lời kết luận của các giáo sư và các chuyên gia về giáo dục trong cuộc họp tổ chức ngày 04/09/2003 tại Hà Nội nhằm phân tích những vấn đề gd và tìm kiếm những giải pháp giải quyết.
[2] Chúng ta phân biệt ở đây khái niệm «sự kiện gd » (fait éducatif) và « sự kiện của gd » (fait d’éducation). Theo Reine Goldstein, một sự kiện gd có thể là một hiện tượng mang tính xã hội học vi mô (micro – sociologique), trung mô (méso – sociologique) hay vỉ mô (macro – sociologique) trong lĩnh vực gd tuỳ theo đề tài nghiên cứu. Khi phân tích một sự kiện gd, nhà nghiên cứu phải đặt nó trong một thời gian và không gian nhất định, cũng như các mối liên hệ biện chứng với nhiều chiều kích khác trong tổng thể xã hội. Còn « sự kiện của gd » được định nghĩa như là một hành động gd thực hiện trên một chủ thể hay trên một nhóm chủ thể với mục đích nhắm tới là một sự cải biến nơi chủ thể được gd ... » (Mialaret. G, 1990, tr. 39). Trong bài viết này, chúng tôi đề cập những vấn đề trong trường đại học như những “sự kiện gd”, khách thể mà chúng tôi đề cập là “giảng dạy đại học”, một đề tài rộng lớn ở tầm vỉ mô, tuy nhiên, trong khuôn khổ một bài viết, chúng tôi chỉ có thể phác hoạ những nét chung nhằm gợi ý cho những nghiên cứu chuyên sâu.

[3] Là giáo sư, cán bộ nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), điều hành Trung tâm nghiên cứu mang tên “Chủng tộc – Giáo dục học so sánh” mà bà là nhà sáng lập bộ môn này. Tác giả đã sử dụng lối tiếp cận kết hợp giữa xã hội học và giáo dục học trong nghiên cứu các vấn đề gd. Mô hình phân tích trên được Reine Goldstein trình bày xuyên suốt qua các tác phẩm của bà, đặc biệt qua hai công trình: Analyser le fait éducatif, L'ethno - éducation comparée, une démarche, un outil, Lyon, Chronique Sociale, 1998, và Ecole et société, Chronique Sociale, Lyon, 1995
[4] Chẳng hạn như tinh thần của chỉ thị số 237 của Thủ tướng chính phủ ban hành ngày 1/12/1970, quy định các giảng viên đại học phải dành mỗi năm sáu tuần cho lao động chân tay.
[5] Vẫn có nhiều quốc gia và nhà nghiên cứu chưa công nhận nền kinh tế Việt Nam hiện nay là nền kinh tế thị trường, chúng tôi xin không phân tích khía cạnh này trong bài viế này.
[6] Ví dụ xem Trần Tiến, Sự "lưỡng lự" giữa tự do kinh tế và kiểm soát , VietnamNet, 14/02/2006 ; Đột phá chính sách kinh tế: Nhà nước phải tin dân ! VietnamNet, 12/02/2006; Nguyễn Trung, Thời cơ vàng – Hiểm hoạ đen, Tuổi Trẻ, 12/01/2006.

No comments:

Post a Comment