Wednesday, December 19, 2012

Tham nhũng và môi trường phòng chống tham nhũng

Nguyễn Khánh Trung

Tôi nhớ cách đây mấy năm, một tờ báo trong nước đưa tin về cuộc đối đáp giữa một cựu lãnh đạo cao cấp và mấy nhà báo nước ngoài về vấn đề tham nhủng, đại khái vị này tấn công ngược mấy ông nhà báo: “tham nhũng thì nước nào cũng có, ở nước các anh, cũng có những vụ tham nhũng cực lớn đó thôi, chứ đâu chỉ có ở Việt Nam !” Bài báo đó có vẽ nhấn mạnh sự sắc bén trong lý luận trả đủa của vị cựu lãnh đạo với mấy nhà báo ngoại quốc lắm chuyện kia. 


Vị cựu lãnh đạo cao cấp này đã biện minh cho hiện trạng bằng cách lý luận rằng tham nhủng là vấn đề quốc gia nào cũng có, nên ở Việt Nam có xảy ra âu cũng là chuyện bình thường. Nhưng bình thường thế náo được ! Ðồng ý rằng tham nhũng là chuyện khó tránh trong mọi quốc gia, nhưng tần số và mức độ tệ nạn này thì khác hẳn nhau. Việt Nam đang bị tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International) xếp cuối bảng về mức độ tham nhủng và khuynh hướng ngày càng xấu, năm 2005 bị xếp 101/159, thì năm 2006 đã rớt xuống tới hạng 123. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, năm 2007 thất thoát trong các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước là 940 tỷ đồng, tuy nhiên con số này mới là phần nổi của tảng băng. Tham nhũng đã trở thành “ quốc nạn”, tràn lan trong mọi ngóc ngách xã hội và ở mọi cấp độ. Ở quê tôi, người ta nói về giá cả của mọi loại bằng cấp, mọi thứ giấy tờ, của việc chạy vào trường này lớp nọ, ghế này ngành kia… một cách bình thản và rành mạnh như nói về giá ngô giá lúa. Cũng ở quê tôi, người ta khen người này người kia là giỏi, là tài “quan hệ” và nhờ đó mà anh ta ăn nên làm ra, điều mà ở nước ngoài có thể ngay lập tức trở thành đối tượng điều tra của các cơ quan chức năng. 

 

Người dân Việt mình hầu như đã quen với chuyện tham nhũng như quen với cơm gạo hang ngày, nó thấm vào nếp suy nghĩ và hành xử của mổi cá nhân, trở thành những chuẩn mực hành xử trong đời sống thường nhật. Những kẻ (mà thường là kẻ có quyền) thực hiện tham nhũng không còn mặc cảm tội lỗi đã đành, những người khác cũng chẳng mấy ai nghĩ rằng những hành động đó là phạm pháp, đáng ghét, cần loại trừ ra khỏi đời sống xã hội. Một cuộc điều tra mới đây của các nhà xã hội học Thủy Ðiển đã chỉ ra rằng chỉ có 6% người dân được hỏi ở nước ta cho rằng cần phải chống tham nhũng, trong khi đó tỷ lệ này ở Thủy Ðiển là 70%. 


Nói theo ngôn ngữ xã hội học thì tham nhũng là một hiện tượng “phi chuẩn mực”, vì hành động tham nhũng là hành động vi phạm pháp luật, vi phạm các quy tắc và chuẩn mực bình thường trong đời sống xã hội. Ðã là phi chuẩn mực nên đương nhiên hành động này bị xem là bất thường và ít phổ biến trong xã hội. Ðiều nguy hại ở đây là trong xã hội ta, hiện tượng phi chuẩn mực này lại trở thành bình thường và phổ biến đến nổi người dân không còn ý thức đó là một căn bệnh cần phải chống như kết quả cuộc điều tra nói trên đã minh họa. Khi một xã hội mà những hành động phạm pháp như tham nhũng đã trở thành bình thường và có khi còn trở thành các giá trị tích cực trong suy nghĩ và đánh giá người khác, trở thành quy tắc ứng xử hàng ngày của người dân cũng như của cán bộ trong bộ máy công quyền, thì chứng tỏ trong xã hội đó, cái xấu, cái tiêu cực đã lấn át, bóp méo và làm đảo lộn hệ thống các chuẩn mực và giá trị đạo đức xã hội bình thường. Sự vận động của một xã hội như vậy sẽ cuốn mọi thành viên theo quán tính của nó, nơi đó những người liêm chính, không thỏa hiệp với cái xấu sẽ bị đẩy ra ngoài. Ðiều đáng báo động và đáng phải xem là quốc nạn là đây. 


Môi trường phòng và chống tham nhũng


Kinh nghiệm của thế giới cho thấy mức độ tham nhũng của những nước có chính thể độc tài bao giờ cũng nặng hơn những nước có nền pháp trị và dân chủ. Trong một xã hội nơi có sự cọ xát hàng ngày và sự kiểm soát chồng chéo lẩn nhau giữa các nhóm quyền lực đại diện cho các khuynh hướng khác nhau, thì các quan tham khó tạo ra các vỏ bọc an toàn và nhờ vậy, hành động tham nhũng khó xảy ra hơn, cũng như nếu có, sẽ dể phát hiện hơn; Một xã hội dân sự, nơi người dân có đầy đủ các quyền cơ bản như lập hội, tự do ngôn luận, báo chí…những điều cần thiết để “ dân bàn - dân làm – dân kiểm tra” một cách thực sự, sẽ giúp chính thể bài trừ tham nhũng một cách cách tích cực; Một xã hội mà cơ quan quốc hội thực sự là đại diện cho xã hội dân sự thì những đại diện của dân đâu có quyền ngồi yên trước những thâm thủng ngân sách mà suy cho cùng cũng là từ sự đóng góp của dân; Một xã hội thượng tôn pháp luật với một chính thể tam quyền phân lập, tòa án được xét xử một cách độc lập và vô tư, mọi công dân từ người nông dân đến chủ tịch nước đều bình đẳng trước pháp luật, mọi ứng xử và hành động của mọi người, mọi vị trí xã hội đều đặt trong khuôn khổ pháp luật thì ắt những quan tham sẽ ít kẻ hở để vươn vòi bạch tuộc tác oai tác quái như hiện nay. 


Có nhiều ý kiến cho rằng hiện tượng tham nhũng ở Việt Nam hiện nay là biểu hiện từ sự trục trặc của cơ cấu hệ thống chứ không đơn thuần chỉ là vấn đề đạo đức. Nghĩa là muốn chống nó một cách thực sự, cần phải bắt đầu từ việc cải cách hệ thống. Một xã hội dân sự, dân chủ và pháp quyền là hướng khắc phục đã được Ðảng và Nhà nước xác định. Dân chủ không những là liều thuốc làm xã hội cân bằng, hài hòa, giải phóng mọi nguồn lực và trí tuệ người dân, phục vụ cho sự phát triển mà còn là môi trường tốt phòng ngừa và là liều thuốc mạnh chống vi rút tham nhũng.


Nếu chúng ta đã cho rằng, mô hình kinh tế thị trường là thành quả chung của nhân loại chứ không riêng gì của các nước tư bản, nên chúng ta đã áp dụng nó để làm cho “dân giàu - nước mạnh”, vậy chúng ta cũng hãy nói rằng xã hội dân chủ và pháp quyền cũng là thành quả chung của con người mà chúng ta có quyền áp dụng để làm cho “xã hội công bằng - dân chủ - văn minh” mà không cần mặc cảm, không cho đó là mô hình dân chủ kiểu phương tây, bởi một số nguyên tắc và giá trị căn bản của nền dân chủ là phổ quát. Trong lĩnh vực kinh tế, chúng ta đã gặt hái khá nhiều thành công từ khi Ðổi mới là nhờ vào kinh tế thị trường, hay nói cách khác là nhờ vào sự cạnh tranh và sự đóng góp từ các thành phần kinh tế đến từ xã hội dân sự. Trong lĩnh vực chính trị xã hội cũng vậy, sự cạnh tranh và sự đóng góp từ các tác nhân trong xã hội dân sự sẽ thúc đẩy sự phát triển và làm xã hội hài hòa và ổn định. Tự cơ chế dân chủ, sẽ giúp điều chỉnh những hiện tượng lệch chuẩn đang tồn tại rất nhiều trong xã hội ta hiện nay mà tham nhũng chỉ là một biểu hiện.

Nguuon/ Vietnamnet

No comments:

Post a Comment