Tuesday, December 25, 2012

Ts Lê Đăng Doanh thuyết trình trước Bộ Chính trị (tiep)

       
Đảng phải tôn trọng luật pháp, hoạt động trong luật pháp, không đứng trên luật pháp, không đứng ngoài luật pháp. Trong nền kinh tế thị trường, với lợi ích và môi trường thế này là không đủ, phải lấy luật pháp bổ sung cho luật của Đảng, phải lấy công khai minh bạch, phải tạo ra một sự văn minh và văn hóa chính trị trong phê bình tự phê bình, trong góp ý, trong tự sinh hoạt.

Chính cái chuyện xử lý đằng sau lưng, chính chuyện thành kiến, lấy thông tin ở đây đây báo cáo lên, chính sự để bụng nhau đã tạo ra sự hạn chế chúng ta trong khung cảnh nền kinh tế thị trường. Phải coi pháp luật là công cụ chủ yếu để kiềm chế, kiểm soát những người có chức, có quyền chứ không phải pháp luật là công cụ chủ yếu để đè nén quần chúng. Pháp luật phải tạo ra sự tự do của quần chúng, tự do kinh doanh.

Pháp luật chủ yếu là phải hạn chế, khống chế người có quyền. Anh chỉ có quyền làm được thế này thôi và quyền ấy phải có sự giám sát. Chứ bây giờ, lại là pháp luật chủ yếu để áp đặt, cai trị người dân. Tôi rất ngạc nhiên là có chiến hữu là đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở Công an nói rằng bây giờ cấm xe máy không cho vào Hà Nội, mà nói ở Hội đồng nhân dân Hà Nội luôn, mà cũng im ru luôn.
Tôi tức quá, viết bài gửi báo Tuổi trẻ nói về chuyện Bác Hồ nói về “ba xây, ba chống”. Hồi bấy giờ Bác đi từ Trung Quốc về, anh Phạm Văn Đồng và Lê Thanh Nghị đã duyệt đề cương rồi, chỉ có ba chống thôi. Anh Phạm Văn Đồng bảo là Bác mới về, phải báo cáo xin ý kiến Bác; thế nhưng trong lòng vẫn nghĩ bụng mình làm thế này chắc hay lắm, rồi đây, thế nào Bác cũng đồng ý thôi. Vào đến nhà sàn, Bác cầm báo cáo ném xẹt xuống bàn. Bác bảo: “Các chú lạ, các chú muốn quản lý đất nước mà các chú chỉ chống là làm sao, chủ yếu là phải xây cái tốt mới chống được cái xấu chứ, cái tốt mới đẩy lùi được cái xấu”.

Tôi đứng dưới chân cầu Thăng Long từ 5 giờ rưỡi đến 7 giờ kém mười lăm, đã đếm được 82 cái xe máy chở đằng sau 3 con lợn, một xô tiết đằng trước và hai bên là lòng. Tôi mới nghĩ bụng là ông kia định cấm những chiếc xe máy này. Thế thì ông định đưa lên xe buýt cả lòng mề, tiết các thứ như thế thì thử hỏi ông có làm được không. Rồi còn cá nữa chứ. Nghĩa là ông cầm cái quyền tự do kinh doanh của người dân, quyền hành nào cho phép anh làm việc ấy?

Tôi thấy những chuyện ấy là phải hết sức nhất quán về tư duy. Rằng pháp luật chủ yếu để kiềm chế, kiểm soát những người có pháp luật, còn ra phải tạo điều kiện phát huy sự tự do, sáng tạo, không hạn chế quyền của người công dân. Thế mới được.

Điểm quan trọng nữa là phải có thái độ nghiêm túc đối với báo chí, yêu cầu báo chí hành động một cách có trách nhiệm, trung thực, tự chịu trách nhiệm, khuyến khích đưa thông tin phát hiện những vấn đề. Bởi vì, như ông Jefferson nói, có thể không có chính phủ nhưng vẫn phải cần báo chí. Nếu không có báo chí thì xã hội này không còn là xã hội văn minh nữa, không thể vì cái việc là báo chí đưa lên chỗ này, chỗ kia, trong một xã hội mà chuyện mua bán, chuyện chạy quyền, chạy chức nhiều thế này mà bảo thằng nhà báo nó không viết một câu chuyện giật gân để đưa ra là không thể được. Chỉ có điều là những chuyện ấy phải theo đúng pháp luật, còn phải khuyến khích, tạo điều kiện cho nó nữa, để nó đưa lên sự thật.

Quan hệ giữa Đảng và Nhà Nước

Thế bây giờ, bộ máy quan hệ giữa Đảng và Nhà nước của chúng ta, theo tôi, còn có tình trạng vừa lẫn lộn, vừa để trống trách nhiệm. Những việc rất quan trọng như đổi mới cương lĩnh, đổi mới phương thức hoạt động để thực sự dân chủ thực sự xứng đáng là Đảng cầm quyền, dẫn dắt đất nước này đi lên văn minh, công bằng thì cái đó chúng ta chưa làm được tốt. Trong khi đó, tôi thấy qua nhiều những nghị quyết, chỉ thị về những vấn đề quá cụ thể luôn, như chỉ thị về chống cúm gia cầm, rồi thì HIV, rồi thì vân vân.

Như vậy quá chồng chéo. Theo tôi không cần thiết. Và nên xác định giữa bộ máy của Đảng và Đảng lãnh đạo Chính phủ như thế nào chứ không có bây giờ, với cơ chế Ban cán sự đảng khéo là một cơ chế tốt để vô hiệu hóa Chính phủ. Tôi được nghe nhiều những người có trách nhiệm trong Chính phủ bảo là, trời ơi, cơ chế này thì Thủ tướng đồng ý rồi nó phải làm nhưng nó không thích làm. Nó về họp Ban Cán sự Bộ lại, trình lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư với tư cách Ban Cán sự, nó thách thức luôn Chính phủ. Thế bên kia cũng chưa hỏi vấn đề này là thế nào cả, mới bảo là: thôi, bây giờ ta họp về vấn đề này. Tức là có nhiều việc cần phải làm nhưng chúng ta làm nhiều việc quá chồng chéo, có nhiều việc không ai làm cả. Đó là điều rất nguy hiểm, làm cho bộ máy của chúng ta kém hiệu quả.
Một điều nữa là cơ chế lựa chọn, bầu cử nhân sự. Ba thằng đứng lên cãi nhau, nói nhau ăn miếng trả miếng. Bây giờ Đảng mình là lãnh đạo, nhưng ông lãnh đạo tối cao ấy lại không phải trực tiếp do dân bầu ra, dân không được chọn cái ông ấy nhưng mà lại coi ông ấy là ông tối cao nhất. Thế thì chuyện ấy là thế nào? Thế thì bây giờ ông ấy là Tổng Bí thư. Ông là cao nhất vậy thì ông đứng ra tranh cử đi, ông hăng hái đi xuống dân đi, ông đi “nhuộm bùn” đi, giống như Bác Hồ ngày trước. Lúc bấy giờ, ông phát biểu tình hình ý kiến ra làm sao, nhìn xa trông rộng như thế nào?

Tức là phải có thử thách như thế. Chứ bây giờ người dân chả biết ra làm sao cả. Rồi đùng một cái lại có một ông khác xuất hiện, rồi bảo là ông ấy thế mạnh lắm đấy, bắt đầu mới sợ sợ sệt sệt nghe báo chí; rồi rằng là báo chí hồi này nghe nói nhiều về bố của ông này, về mẹ của ông kia. Trời ơi, một đất nước văn minh mà mọi người đều hành xử như thầy bói xem voi, nghe ngóng làm cho câu chuyện trở nên không có văn minh gì hết cả. Rồi xun xoe là đến gặp ông này, đến thăm ông kia, rồi vận động chỗ này, vận động chỗ khác...

Theo tôi là cần phải có một cơ chế về nhân sự rõ ràng, minh bạch, công khai và dựa trên sự lựa chọn thật sự của đảng viên, của quần chúng. Đảng muốn lãnh đạo được, có uy tín, có thuyết phục thì đấy cũng phải là lãnh tụ của Đảng, lãnh tụ của nhân dân. Nếu không thì rồi bảo rằng ông ấy là lãnh tụ đấy, người dân lại bảo là ơ kìa, chúng tôi có biết gì về ông này đâu, ông ấy qua quá trình ở đâu, ai bầu ông ấy thế.

Chế độ dân chủ

Tôi xin báo cáo để các đồng chí thấy rằng là người ta dân chủ đến thế nào. Ông Thủ tướng Canada Saint Chrétien trước khi hết nhiệm kỳ, lấy một cái trực thăng của Chính phủ đi lên vùng Tây Bắc khánh thành một công trình xóa đói giảm nghèo gì đó sau đó cùng với vợ con đi nghỉ ở suối nước nóng.
Báo chí đưa lên rằng, Thủ tướng Saint Chrétien lấy tiền Nhà nước đi làm việc nhà nước chỉ 40 phút, còn nghỉ ngơi với gia đình 4 tiếng đồng hồ, việc ấy có lạm dụng công quỹ không, có chấp nhận được không. Saint Crechien nói là tôi xin chịu hết toàn bộ chi phí chuyến này. Quốc hội giám sát xem xét, kết luận Saint Chrétien làm việc này là sai nhưng trừ cho Saint Chrétien 20% chi phí làm việc 40 phút cho xóa đói giảm nghèo, còn Saint Chrétien chịu trách nhiệm trả 80% chi phí.

Bây giờ, toàn bộ ô tô xe cộ của Chính phủ Nhật Bản, kể cả xe đón tiếp nguyên thủ các nước đều do một Công ty tư nhân đứng ra kinh doanh dưới sự giám sát của Bộ An ninh Nhật Bản. Ông Thủ tướng chẳng có xe riêng. Lúc nào ông cần thì có xe đưa ông đến an toàn chỗ ấy. Nhưng ông đi đâu phải tính đến đấy, trả tiền chuyển sang bên Quốc hội giám sát. Nếu ông riêng tư thì bỏ tiền túi ra mà trả, chứ tôi không trả. Ông bộ trưởng đi tàu điện cũng tốt chứ. Nghĩa là mọi sự đều phải được giám sát dân chủ, bình đẳng.

Một điểm nữa, vấn đề rất lớn để bảo đảm dân chủ là phải bảo đảm mọi cơ quan đều phải có sự giám sát. Chúng ta hiện nay giám sát và cải cách một số cơ quan như thế nào? An ninh giám sát thế nào? Quốc phòng giám sát thế nào? Ngoại giao giám sát thế nào? Có hiệu lực chưa?

Có một mệnh đề là một hệ thống đóng kín là một hệ thống tự tha hóa. Một chủng tộc cứ loạn luân, cứ lấy nhau mãi như thời nhà Trần thì sẽ bị thoái hóa. Một khu rừng mà chỉ có một loại cây, không cho mọc một loại cây gì khác thì sâu bệnh nó sẽ hại cho bằng hết. Một cánh đồng lúa mà hôm nọ tôi xem ti vi thấy ông ti vi đưa lên là có một ông một năm làm bốn vụ lúa. Tôi bảo ông này chết rồi. Bởi vì một năm bốn vụ lúa, đất sẽ thoái hóa, sâu bệnh phát triển rất ghê.

Nên một hệ thống muốn phát triển phải rộng mở... phải chấp nhận sự giám sát và phải chấp nhận sự thách thức, chấp nhận đi ra ngoài khơi. Báo cáo với các anh về hệ thống Thụy Điển là thế này. Anh tốt nghiệp đại học mà muốn làm tiến sĩ thì anh đi ông thầy khác. Anh không bao giờ được làm tiến sĩ ở ông thầy đã cho anh tốt nghiệp đại học ở trường đại học ấy. Tốt nghiệp rồi, anh phải ra nước ngoài kiếm ăn ba năm. Bất kỳ tiến sĩ nào, anh cũng phải kiếm được việc, anh phải ra nước ngoài anh làm ba năm trời rồi anh mới được về Thụy Điển làm. Anh về anh không được làm ở cái chỗ nó đã cấp cho anh bằng tiến sĩ, anh phải đi chỗ khác.

Và cứ như thế, cứ năm năm anh lại thay đổi, từ ông Vụ trưởng đến ông nhân viên. Nó thay rất ác liệt luôn. Một ông Vụ tài chính quản trị đùng một cái gửi sang làm Vụ chính sách. Ông không làm được thì chuyển. Vì vậy, cái nước Thụy Điển chỉ có 10 triệu người thôi nhưng thằng nào cũng giỏi giang cả. Đi đến đâu cũng thấy thằng ấy làm việc tốt quá, thả vào đâu nó cũng làm được.

Mình thì giờ chỗ nào cũng sợ sợ sệt sệt, nghe nghe ngóng ngóng. Rằng là thằng ấy là con ông ấy, con kia lại con bà ấy để rồi phải khép nép khúm núm v.v...

Cho nên, là người tài không lên được. Một xã hội có rất nhiều ẩu đả. Điều ấy có nguy cơ lớn lắm. Cho nên, trước bối cảnh mới, cần có sự cải cách rất mạnh mẽ là vì chính lẽ ấy. Anh em đó nhiều chuyện. Cũng không phải chỉ là chuyện mà ông Nam Khánh ông viết ra đâu. Còn nhiều chuyện khác nữa, đất cát thế nào, kinh doanh ra làm sao, công tư như thế nào, rồi làm sao mà ông ấy giàu đến như thế, đâu là tiền công vụ, đâu là tiền nghiệp vụ, đâu là tiền kinh doanh v.v... Có ma mà biết, có trời mà biết. Không biết được. Rất nhiều chuyện chứ không phải chỉ có một chuyện ấy đâu.

Bộ máy giám sát

Một chuyện nữa rất quan trọng là một Nhà nước như vậy, phải có một bộ máy giám sát, phải có luật pháp, phải có tư pháp trong tư pháp phải có điều tra, phải có công tố, phải có tòa án. Ba người ấy phải độc lập với nhau, phải kiềm chế lẫn nhau. Chứ hiện nay, mình có đến năm, bảy ông điều tra luôn. Nào là điều tra hình sự, điều tra an ninh, điều tra quốc phòng, rồi thì hải quan cũng có điều tra, thuế vụ cũng điều tra, lâm nghiệp cũng điều tra... Thế rồi, sau đó lại có sáng kiến vĩ đại, tức ba thằng ấy ngồi lại với nhau và hội ý dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tôi không có bênh che gì Lã Thị Kim Oanh nhưng tôi xin báo cáo với các anh là ở nước này không thằng nào vay được một trăm triệu mà có thể xử nó thế nào thì xử, nhưng mà bảo nó là không đút lót mà vay được tiền thì là chuyện không có đâu. Khi nào anh có một hệ thống cạnh tranh tuyệt vời đến mức nó thừa tín dụng, nó không cho người ta vay thì nó chết, thì lúc bấy giờ mới đỡ đi. Chứ hiện nay tiền khan hiếm thế này mà làm sao nó vay được bao tiền như vậy mà không đút lót.

Tôi cũng không nghe gì thằng Lương Quốc Dũng. Nhưng thằng Lương Quốc Dũng xử nó vào tội hiếp dâm có đúng không. Sao mà lại đúng được, trước khi đến nơi nó đã tắm rửa, gội đầu cẩn thận rồi thế này, thế khác; rồi nhận của nó ngần này tiền mà ông lại đi ông loại ra. Thế thì nó có một nguyên tắc cơ bản trong tư pháp là sự bất công đối với một người là sự đe dọa đối với tất cả mọi người.
Anh xử bất công một việc, anh tưởng là anh ngồi đấy yên lắm à, thế đến lượt anh thì sao. Hay là vụ Láng Hòa Lạc, vì là con của một bố trung tá cảnh sát giao thông, nên làm méo mó, sai hồ sơ hoàn toàn, thậm chí tòa gọi hai ông cảnh sát ra làm chứng cũng không thèm đến, làm gì được nhau. Luật sư nói một thôi một hồi, đến ông Viện kiểm sát cũng móc ra một bản đọc y hệt lần xử trước.
Tôi thấy vấn đề là như thế này, là xã hội của chúng ta hiện nay đã có những lợi ích riêng, có nhiều chủ thể, cá nhân hoạt động thì phải có luật pháp nghiêm minh, phải có sự chế ngự lẫn nhau. Chứ bây giờ anh bảo là anh lãnh đạo. Anh đứng lên quyết định hết tất cả à? Tôi thấy bà Hoàng Thanh Tân chủ trì như thế, nhưng ông ngồi ban sáng lưng bự hơn bà Hoàng Thanh Tân. Ông ấy mới là ông quyết định, bảo là thôi đến thế, nghỉ cái đã, hôm sau hội ý tiếp.

Cái đó không phải xử bằng luật pháp. Không phải là mình muốn giống thế giới đâu, mà quan trọng là mình giải quyết vấn đề phát sinh theo đúng nguyên nhân, đúng cội nguồn, đúng xu thế phát triển; để đảm bảo lợi ích, theo nguyên lý không ai được xâm phạm lợi ích người khác, không ai đứng trên pháp luật để giải quyết.

Đảng bao trùm tất cả

Hệ thống chính trị của chúng ta nhìn vào thấy là đảng dày đặc luôn. Chính phủ có bộ nào, cục ban nào, Đảng có hết tất cả thứ ấy. Lại thêm bộ máy gọi là tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng; nói rằng là tôi đại diện cho quần chúng, nhưng một nghiên cứu nước ngoài nó nói đấy là những người mạo danh tổ chức quần chúng, thực sự là cánh tay nối dài và là cái loa của Đảng CS, không phải là đại diện gì cả và toàn bộ chuyện đó là chuyện vô duyên luôn, không có ý nghĩa gì hết trong việc phản ánh tình hình, bảo vệ lợi ích.

Cho nên là chúng ta bày biện ra một loạt những “bình hoa” rất tốn kém, đứng bên ngoài phong chức cho nhau, đứng lên điên cuồng hò hét rồi Trung ương coi là ngoạn mục. Nhưng mà thực chất chúng ta có phát hiện được tham nhũng không, phát hiện được mâu thuẫn không, có phát hiện được người xấu không, phát hiện được sai phạm không. Chúng ta xử lý chuyện rất lình xình. Có những chuyện không đáng gì. Câu chuyện quota của Bộ Thương mại, tại sao bây giờ ông lại bảo là ấy không, làm như thế là lớn rồi, tự nó quyết định, mình không biết gì cả.

Tại sao câu chuyện lại lạ thế. Có câu chuyện là con làm trực tiếp dưới quyền của bố, một chuyện như vậy thế mà vẫn chấp nhận được, mà đảng viên năm nào cũng được tiên tiến xuất sắc luôn. Thế thì nó là thế nào? Thế thì, tiến sâu xa hơn, chúng ta phải tự kiểm điểm lại guồng máy, quyết định như thế nào? Bây giờ, về mặt Nhà nước, như tôi đã trình bày, Bộ máy Nhà nước ta cồng kềnh, rất thiếu tính chuyên nghiệp và can thiệp quá sâu vào rất nhiều nghiệp vụ kinh doanh. Trong đó, tính tư lợi, tính thiếu minh bạch, vừa đá bóng vừa thổi còi rất là nhiều.

Trong một nền kinh tế thị trường thì Nhà nước chỉ làm khoảng 3000 chức năng. Bộ máy Trung Quốc làm 8.000 chức năng, tôi thấy bộ máy ở VN phải làm khoảng 30.000 chức năng. Các anh thử coi mà xem. ở tỉnh ủy, ông có đề bạt được một ông chuyên viên nào mà không có ý kiến của ông Ban Tổ chức Tỉnh ủy không. Thậm chí là Trưởng phòng của một ngân hàng thương mại quốc doanh ở tỉnh, về lý thuyết thì hoàn toàn phụ thuộc cấp trên, nhưng cũng hỏi Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Tức là có nhiều chức tưởng như nó rất hiền lành, nhưng cũng không ngờ là nó thơm đến như thế.

Có nghĩa bây giờ cũng luôn luôn học được sự ngạc nhiên. Có người bảo tôi là mày biết chức gì rất thơm không, là chức Ban khoa giáo Thành ủy Hà Nội. Tôi hỏi là sao mày biết, tao cũng không hiểu rõ. Nó bảo là trời ơi, bây giờ ở xung quanh mặt bằng Hà Nội thế nào, có chừng ấy trường đại học, cao đẳng, chừng ấy ông hiệu trưởng, chừng ấy ông hiệu phó, ông chủ nhiệm khoa mà qua thằng này thì coi như không làm gì được hết cả. Anh không qua thằng này thì không được.

Cũng như thế, nếu tôi làm giúp việc cho Tổng Bí thư, nếu anh tốt bụng với nhau thì trước khi ông ấy đi tôi trình và báo cáo đầy đủ cho anh trong vòng hai tiếng đồng hồ là xong. Chứ nếu không, sau đây ông ấy đi công tác rồi, khi trở về chuẩn bị đại hội rồi thì mình mới trình, ông bảo sao chuyện ấy bây giờ mày mới trình, chuyện ấy dẹp lại để đấy sáu tháng nữa. Thôi thế là toi cơ hội đề bạt. Mà chuyện ấy là hoàn toàn hợp pháp. Chúng nó bảo rằng tôi trình anh ấy rồi, nhưng hôm bấy giờ anh ấy đau bụng, không làm được là thôi chứ con gì, ai biết được chuyện đó.

Như thế, các anh thử tưởng tượng xem, một chức vụ rất hiền lành, tưởng như vô thưởng, vô phạt, chẳng có quyền hành gì nhưng thực sự lại là quyền sinh, quyền sát.

No comments:

Post a Comment