Thursday, December 13, 2012

Raymond Aron và “Chủ nghĩa Marx của Marx”

       
Michel Bourdeau (Nguyễn Hoà Mai dịch)

Thời đại thay đổi và hôm nay thật xác đáng nếu nói về Marx mà chẳng phải xin lỗi. Aron đã nghĩ khác: suốt cuộc đời nghề nghiệp của ông, bản thân ông không ngừng tiếp xúc với công trình của Marx. Vào những năm trước 1968, có tiếng đồn là Aron đã giảng một giáo trình tuyệt vời về Marx ở Sorbonne, đặc biệt về cuốn Tư bản. Điều đó không có nghĩa là sinh viên đến nghe ông: đa số họ thích Althusser hơn ông vì ở các lớp giảng, ông này đã cột Marx vào một dự phóng cách mạng và một biệt ngữ khoa học ngày nay có thể làm chúng ta cười mỉm. Cái bệnh biệt phái đã đi rất xa khi bấy giờ một cuốn sách nhỏ của Aron, Từ một thánh gia này đến một thánh gia khác, đề cập đến hiện tượng này đã hầu như bị cấm tường thuật trong những tạp chí tư tưởng phải đạo.

Jean-Claude Casanova và Christian Bachelier, với sáng kiến bạo gan khi, bổ sung bằng những bài giảng khác của Aron ở Collège de France vào những năm 1966-1967, đem những bài giảng ấy ra xuất bản, đã cho phép chúng ta phán đoán (vấn đề) từ các văn bản. Quyển sách nặng này cho ta ý nghĩ đúng là cuốn sách về Marx mà Aron luôn dự tính viết ra, quyển sách ấy cho ta thấy nó đúng là của một trong những người thông thạo về Marx vào thời của ông. Đưa chúng ta trở lui lại khoảng ba bốn mươi năm về trước, nó cũng bảo ta hãy đứng xa ra một chút với thời sự của mình, thông thường điều đó có tác dụng kích thích.



Những từ đầu tiên của cuốn sách nhận định về sự khó khăn khi nói về Marx. Tác giả
Tư bản thực tế không phải là một tác giả giống như những tác giả khác. Vào lúc mà Aron cầm bút, báo cáo của Kroutchev vừa mới có vài năm. Cả một phần của thế giới cho mình là mácxít đến nỗi theo ý kiến của đa số, nói về Marx là trở về tất yếu xác định vị trí trên bàn cờ chính trị. Tuy vậy, Aron cẩn thận phân biệt vai trò của ông là biên tập viên báo Le Figaro với vị trí của một giáo sư ở Sorbonne. Giảng đường không phải là chốn công cộng và công việc hàn lâm phải cố quên đi những cuộc tranh đấu phe phái. Nếu mong muốn xem Aron làm sáng tỏ vấn đề với Satre, Merleau Ponty hay Althusser ra sao về chủ nghĩa Marx thì hãy tìm những tác phẩm khác để tham khảo. Ở đây là chuyện về công trình của Marx và chỉ là công trình ấy mà thôi. Từ quan điểm của một sử gia, tìm hiểu xem một tác giả đã nói gì và điều tác giả muốn nói là gì.

Tuy nhiên, trở về với văn bản không có nghĩa là không biết đến công việc của những người đi trước. Sách báo liên hệ đến Marx đồ sộ đến nỗi người ta đề nghị phân biệt giữa
marxistes (theo Marx), marxiens (thuộc về Marx) và marxologues (nghiên cứu Marx). Aron đã dành một khoảng lớn cho khá nhiều những tranh luận do tác phẩm của Marx gây ra từ lúc Marx chết và khi đụng tới Kautsky, Lukacs hay Schumpeter thì bao giờ tác giả của Tư bản cũng là sợi dây chi phối. Kể ra tình thế cũng thường lệ và không ai ngạc nhiên khi thấy trong một cuốn sách về Kant những diễn giải nói về Hegel, Schopenhauer hay Heidegger.

Một biến cố lớn trong việc tiếp nhận tư tưởng của Marx là sự phát hiện một tập hợp những tác phẩm thời trẻ mà tác giả của chúng đã bỏ cho “chuột gặm”, trong số đó nổi bật
Những bản thảo 1844, xuất bản lần đầu năm 1927. Như cái tựa của đoạn nổi tiếng nhất: lao động bị tha hoá, với một tác giả lúc còn là một người trẻ theo Hegel, những bản thảo ấy đã đánh dấu sự khám phá ra cái thế giới kinh tế (lao động) nhưng theo cách triết học (tha hoá) và vì thế người ta gọi đó là Các bản thảo kinh tế-triết học. Từ đó về sau, cuộc tranh luận bao quát mọi diễn giải đều đụng tớí mối quan hệ giữa những tác phẩm thời trẻ và những tác phẩm thời trưởng thành: Marx trước hết là một triết gia hay một nhà kinh tế? Lukacs đã đưa ra mẫu đọc thứ nhất (triết học) ngay cả trước khi Những bản thảo 1844 được xuất bản, tác phẩm này chấp nhận nhiều cách giải thích, chẳng hạn như cách của Sartre hoặc của Merleau Ponty.

Cách đọc của Aron, cũng như của Althusser vào thời ấy, chống lại xu hướng quá coi trọng tác phẩm thời trẻ của Marx. Tuy vậy tất cả mọi đồng ý đều dừng lại ở đó và Aron bằng lòng đứng về phía Schumpeter, kinh tế gia chỉ muốn xem Marx như một đồ đệ của Ricardo. Tuy thế vị trí bảo vệ của Aron không kém độc đáo. Trước hết ông nhấn mạnh đến tính chất dang dở trong sự nghiệp của Marx. Không phải chỉ đối với giai đoạn trước 1848 mà chúng ta buộc phải sử dụng những bản thảo tác giả của chúng cho rằng không xứng đáng xuất bản. Điều đó cũng đúng với những tác phẩm thời trưởng thành của Marx. Marx chỉ xuất bản quyển I của bộ
Tư bản; sau khi ông mất, quyển hai, ba do Engels, quyển 4 thì do Kautsky xuất bản; 1939 mới xuất bản bản mào đầu quyển Grundrisse, rất khác với bản người ta có được đến lúc đó. Khối khổng lồ bản thảo, những đề cương liên tiếp mà những bản thảo ấy tương ứng, đối với người diễn giải, là nguồn gốc của những khó khăn hầu như rất khó gỡ. Nhiều người vui thích thấy công việc (nghiên cứu) của mình phải gắn với chuyện lâu dài, cần thận trọng. Aron thích nhấn mạnh đến sự mạo hiểm mà một sự diễn giải có thể gặp phải trong tình trạng đó: Marx đã nói gì để người ta có thể nói về ông nhiều chuyện như thế?

Những cảnh giác ấy không ngăn Aron mang thêm cách diễn giải của mình vào những cái đã có rồi. Ngược với Schumpeter, cần phải bảo lưu rằng Marx không phải là một kinh tế gia như những kinh tế gia khác: Marx muốn viết một
phê phán về kinh tế chính trị và chính đó mới là sự độc đáo của ông và tất cả những khó khăn rút lại cho đến giờ là việc phải hiểu điều đó là gì. Một lời đáp cho rằng con đường của Tư bản, đi từ giá trị đến giá cả, dựa trên sự đối lập giữa bản chất và hiện tượng, điều chẳng có nghĩa gì với một kinh tế gia. Hay luận cứ mácxít muốn chủ nghĩa tư bản đến giờ bị kết án vì những mâu thuẫn nội tại, viện đến hai khái niệm về giá trị do lẽ từ ngữ không cùng một ý nghĩa, tuỳ theo người ta nói giá trị của một hàng hoá hay giá trị của lao động. Ngoài ra, chống lại cách đọc triết học lần này, Aron nhấn mạnh rằng Marx ngay từ 1844 đã thao tác với hai khái niệm về tha hoá, có khi hiểu là việc đánh mất bản chất người, có khi hiểu là hiện tượng lịch sử, nghĩa thứ hai này mới là cái duy nhất được giữ lại trong những tác phẩm trưởng thành. Sự trình bày soi sáng nhất của cách Aron đọc Marx là ở chỗ coi sự phê phán kinh tế chính trị của Marx không phải là triết học cũng không phải là kinh tế mà chính là xã hội học vì, khác với nhà kinh tế, nhà xã hội học về phần mình có thể mang cho nó một ý nghĩa đối lập với bản chất và hiện tượng.

Chắc hẳn trong cuốn sách đồ sộ này tất cả đều không có giá trị đồng đều, thí dụ như luận cứ về hai nghĩa trong khái niệm tha hoá dường như không thuyết phục lắm. Nhưng kết quả không phải không đáng chú ý. Sự sáng sủa và khiêm tốn của những bài học này đối nghịch đặc biệt với cái đám sương mù dầy đặc kiểu Althusser nở rộ vào thời kỳ đó. Ngưởi ta không thấy những nghiên cứu về Marx có được những tiến bộ lớn từ hồi đó và cho phép nghĩ rằng (cuốn sách của Aron) sẽ nhanh chóng trở thành một tác phẩm tham khảo. Nếu
Tư bản được nhấn mạnh thì toàn bộ những tác phẩm của Marx thời trẻ cũng không bị bỏ qua, vì lẽ cả một phần, phần đầu, đã đề dành cho chúng; cũng được đề cập trong phần ba, gọi là “số phận sau khi chết”, bàn luận những cuộc tranh cãi sau khi Marx chết. Người ta tìm thấy (ở Aron) những năng khiếu phô diễn đã từng làm nên giá trị cuốn Grandes étapes de la pensée sociologique (của ông). Tinh thần mềm dẻo, khả năng vượt lên những yêu thích riêng và trình bày như thể có cảm tình với những tác giả không có mối quan hệ thân cận về tinh thần với mình ngày nay còn có thể coi là mẫu mực. Đáng kể hơn nữa là thái độ thận trọng của Aron, không hề áp đặt cái vị trí mà ông bảo vệ như một giáo điều mà lại nhấn mạnh đến tính chất không chắc chắn của nó.

Ngoài giá trị nội tại, tác phẩm xuất hiện bổ sung thuận lợi cho hình ảnh của Aron.
L'opium des intellectuels và những tác phẩm luận chiến khác đã làm cho ông được coi như một người chống Marx. Ở đây không phải là chuyện biến Aron thành người theo Marx mà là nhận ra những mối liên hệ của ông với Marx là phức tạp hơn nhiều. Đặc biệt không chỉ Marx là quan trọng đối với Aron đến mức nào mà hơn nữa là niềm kính trọng của ông đối với tác giả bộ Tư bản, – điều không nới rộng ra được cho những ai sau đó đã viện đến Marx. Nếu Aron ghi tên một cách tự nhiên vào truyền thống tự do do Tocqueville minh hoạ thì đừng quên rằng ông đã đọc Le Capital trước khi đọc La Démocratie en Amérique và theo sự thú nhận của ông chính cuốn trước đã dẫn đến cuốn sau.

Hơn thế nữa, sự gắn bó của ông với chủ nghĩa tự do không làm ông nhắm mắt lại với những gì mà ông cho là chân lý bền vững trong công trình của Marx. Cùng với Schumpeter ông cho là “ngay cả ngày nay, đọc và tập sử dụng bộ
Tư bản là một trong nhiều cách rất hay để đào tạo những nhà kinh tế. Không kể đến vấn đề xét xem những phân tích chính yếu của Marx là đúng hay sai”. Một số người sẽ cho rằng về điểm này Aron là nạn nhân của những định kiến của thời đại của ông; họ sẽ thêm rằng sự đào tạo mang tính chất Đức của ông thuộc vào một thời đã qua và chỉ muốn giữ lại những kết luận mang tính chất Anh của ông thôi. Nếu đúng là cái nhìn của chúng ta về Marx đã thay đổi nhiều, người ta không thấy tại sao Aron có thể đã thay đổi ý kiến, ông vốn là người luôn luôn không ảo tưởng về chế độ xôviết và cũng đã nhấn mạnh, trong kết luận của giáo trình của ông, rằng không ai có thể nói gì về việc Marx có thể nghĩ vào năm 1963. Ngày nay đã có hơn ba, bốn chục năm rồi, tác phẩm của Aron xuất hiện như một bày tỏ kính trọng gửi đến tác giả Tư bản và như một lời đề nghị đừng nên chôn vùi quá sớm con người mà một trong những sai lầm lớn nhất của ông ta là đã muốn chôn vùi quá sớm chủ nghĩa tư bản.

(20/02/2003)
Raymond Aron. Le marxisme de Marx. Bernard de Fallois 2002 / 3.82 € - 25 ffr. / 767 pages
(Texte établi et annoté par Jean-Claude Casanova et Christian Bachelier)


Bản tiếng Việt © 2007 talawas

Nguồn: http://www.parutions.com/pages/1-4-93-3408.html

No comments:

Post a Comment