Monday, December 31, 2012

Lỗi của giáo dục đến từ những mâu thuẫn bên ngoài

       
Nguyễn Khánh Trung

Không nên đổ hết lỗi của giáo dục cho các thầy cô giáo, cho ngành giáo duc. Đừng nên tách biệt giáo dục khi phân tích những vấn đề của nó, nhưng hãy đặt nó trong tổng thể kinh tế chính trị xã hội chung để có cái nhìn chính xác hơn. 

Tôi nghĩ, những vấn đề giáo dục hiện nay là một dạng “lỗi hệ thống”, lỗi tư duy đến từ bên ngoài định chế giáo dục. Giáo dục chỉ là nơi phản ánh, nói theo ngôn ngữ của nhà giáo dục học người Pháp E. Durkheim, là nơi báo hiệu những vấn đề đang xảy ra ngoài xã hội.

Theo tôi, lỗi căn bản của giáo dục hiện nay là thiếu giải đáp thoả đáng cho câu hỏi: chúng ta đang muốn đào tạo mẫu người thế nào ? mẫu người lý tưởng mà nhà trường nhắm tới phải có những chuẩn gì, về tri thức, kỹ năng, vế đạo đức… ? 

Nền giáo dục Nho giáo ngày xưa đã có mục tiêu là đào tạo con người theo mô hình lý tưởng “người quân tử” với các tiêu chuẩn được định nghĩa một cách rõ ràng và được mọi thành phần từ vua quan đến thứ dân công nhận; Nền giáo dục nước ta trước đổi mới có mục tiêu nhắm tới là đào tạo “con người mới xhcn” với các chuẩn về “hồng và chuyên” được định nghĩa một cách nhất quán, phù hợp với mô hình xã hội kinh tế tập trung. Còn nền giáo dục chúng ta hiện nay trong “xã hội kinh tế thị trường định hướng xhcn” thì sao ? 

Saturday, December 29, 2012

Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự


GS. Tương Lai
Khát vọng về dân chủ và công bằng vốn nung nấu từ lâu trong lịch sử loài người. Có dân chủ mới thực hiện được công bằng, đồng thời công bằng là thước đo của dân chủ và tiến bộ xã hội. Điểm quy chiếu để kiểm nhận về công bằng và dân chủ mà một xã hội đạt được thường tìm thấy dễ dàng trong pháp luật. Cũng qua sự hiểu biết của người dân về pháp luật và việc thực hiện pháp luật, người ta có thể kiểm định về trình độ văn minh của một xã hội. Khi chúng ta đang phấn đấu cho một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh thì cần phải tường minh về những vấn đề đó. 

Nói đó là khát vọng đã nung nấu từ lâu vì những hưng vong, thành bại của mọi triều đại, mọi thể chế trải qua mọi cuộc "tranh bá, đồ vương" đều có thể tìm dấu ấn của tư duy loài người xoay quanh chuyện này. Xin được dẫn dắt bài báo Tết này bằng chuyện bên Tàu.

Quản Trọng, người đã làm cho nước Tề thành "bá" từ sáu thế kỷ trước công nguyên đã từng khẳng định: "Pháp [luật] là cái quy tắc của thiên hạ… Quan sai khiến dân mà có pháp [luật] thì dân theo, không có pháp [luật] thì dân dừng lại. Dân lấy pháp [luật] chống nhau với quan. Người dưới lấy pháp [luật] phục vụ người trên, cho nên bọn dối trá không thể lừa chủ, bọn ghen ghét không thể có cái bụng kẻ giặc, bọn xu nịnh không thể khoe cái khéo, ngoài ngàn dặm không dám làm điều trái" (Quản Tử. Quyển 21). Chính vì lẽ đó mà phái pháp gia bị phái nho gia vốn chủ trương "đức tri" "nhân tri"chống lại kịch liệt. Khổng Tử nói: "sở dĩ dân có thể tôn quý người sang, người sang nhờ thế giữ gìn được cơ nghiệp mình. Người sang người hèn không lẫn lộn, cái đó gọi là pháp độ… Nay bỏ pháp độ này mà làm cái vạc ghi pháp luật, thì dân chỉ biết cái vạc lấy gì để tôn quý (người sang) ? Người sang còn có cơ nghiệp nào để giữ Người sang kẻ hèn không có trên dưới, lấy gì để làm thành nước?" (Tả truyện. Quyển 26).

Friday, December 28, 2012

Pierre Bourdieu và xã hội học giáo dục

Nguyễn Khánh Trung
(Bài đăng trên Tạp chí Xã hội học, số 6 - 2009)



Tóm tắt: Pierre Bourdieu (1930 – 2002) là một nhà triết học, một nhà xã hội học, một trí thức lớn của Pháp trong thời hiện đại. Tư tưởng của ông ảnh hưởng rất đậm trong giới khoa học xã hội và nhân văn nói chung và xã hội học nói riêng tại Pháp từ sau Ðệ nhị thế chiến. Ông là nhà phê bình xã hội một cách khoa học và sắc bén, bóc trần thực tại xã hội, công kích giai cấp nắm quyền với những kỹ thuật nhằm củng cố trật tự xã hội, duy trì sự thống trị của họ. Tư tưởng của ông đối lập với những ai muốn đống phục và bao cấp tư tưởng người khác.


Bourdieu đã đề cập đến những vấn đề nan giải trong xã hội học như Xã hội học là gì ? Xã hội là gì ? Trật tự xã hội được duy trì và tái tạo thế nào ? Nó thay đổi ra sao ? Vị trí của cá nhân trong xã hội thế nào ? Ông đã đi tìm trả lời cho những câu hỏi trên thông qua nhiều lĩnh vực từ hội hoạ văn chương đến văn hoá, tôn giáo, giới tính và giáo dục…

Chúng tôi cố gắng giới thiệu các tư tưởng về giáo dục vì nhận thấy tư tưởng của ông có thể giúp chúng ta suy nghĩ về bản chất của nền giáo dục Việt Nam, cũng như cội rễ những vấn đề mà chúng ta đang gặp phải. Cố gắng này cũng mong góp phần nhỏ vào sự phát triển của chuyên ngành xã hội học giáo dục vốn đang rất khiêm tốn ở nước ta hiện nay.

Thursday, December 27, 2012

PIERRE BOURDIEU VÀ XÃ HỘI HỌC TÔN GIÁO

Nguyễn Xuân Nghĩa

Erwan Dianteill, nhà xã hội học tôn giáo đã đặt một câu hỏi rất xác đáng: tại sao mặc dù rất nhiều khái niệm cơ bản trong xã hội học của P. Bourdieu bắt nguồn từ những tác phẩm về tôn giáo của các nhà kinh điển, nhưng trong gia sản đồ sộ của ông, các bài viết về tôn giáo chiếm vị trí rất khiêm nhường so với các tác phẩm viết về nghệ thuật, văn chương, quyền lực, giáo dục, nghèo đói ? Hay P. Bourdieu chỉ là người thăm dò, khai phá « trường lực tôn giáo »[1] ?

Tại sao có hiện tượng nghịch lý như vậy ? Khái niệm trường lực có thể ứng dụng cho lãnh vực tôn giáo không ? Có thích hợp không để tìm hiểu cái tôn giáo (le religieux) trong thời hiện đại, thời « cực hiện đại » (ultramodernité) hay còn gọi là thời hiện đại hậu kì (modernité tardive) ?

Các yếu tố ảnh hưởng xã hội học tôn giáo của Pierre Bourdieu

Đóng góp độc đáo của Pierre Bourdieu cho xã hội học thể hiện qua lý thuyết trường lực (théorie des champs) và lý thuyết về tập tính (théorie de l’habitus) của ông[2]. Ông đã ứng dụng các lý thuyết này trong nhiều lãnh vực nghiên cứu: nghệ thuật, văn chương, giáo dục, giai cấp xã hội, nghèo đói và cả tôn giáo. Nhưng, như ông thừa nhận, các lý thuyết trên ít nhiều đều được gợi hứng khi ông đọc lại và nghiên cứu vấn đề tôn giáo. Ông cũng cho biết khái niệm « tập tính » đã được các nhà khoa học xã hội khác sử dụng trong một viễn tượng nào đó, từ Aristote, Hegel, Husserl, Weber, Durkheim, Mauss, nhưng ông đặc biệt chịu ảnh hưởng khi đọc tác phẩm của Panofski về kiến trúc gô-tích và triết học kinh viện[3]. Cũng vậy, khái niệm « trường lực » (champ) ít nhiều được gợi ý từ tư tưởng của Durkheim và Mauss khi hai tác giả này nghiên cứu về « tín ngưỡng » và từ tư tưởng của M. Weber, khi ông chú giải chương về xã hội học tôn giáo trong tác phẩm « Kinh tế và xã hội », như chính tác giả thừa nhận : « Tôi đã xây dựng khái niệm trường lực để chống lại, đồng thời cũng để theo Weber khi suy nghĩ về các tương quan giữa nhà tôn giáo chuyên nghiệp, nhà tiên tri và thầy phù thuỷ mà M. Weber đã đề nghị »[4].

Wednesday, December 26, 2012

Ts Lê Đăng Doanh thuyết trình trước Bộ Chính trị (phan 3)

  Phần III. Những yêu cầu cần thiết phải cải cách hệ thống chính trị ở VN để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới


Điểm cuối cùng, tôi thấy chúng ta cần phải phát huy các mặt mạnh của truyền thống của Đảng ta và Bác Hồ đã để lai. Nhìn lại di sản rất lớn mà Bác Hồ để lại thì cái rất quan trọng mà Bác Hồ nói là Đảng vừa là Đảng của giai cấp công nhân, vừa là của dân tộc. Cái đó Bác nói từ rất lâu rồi. Làm sao cho Đảng là đại diện cho dân tộc, rồi Đảng cũng tiến tới chấp nhận có những ý kiến khác nhau, Đảng phải chấp nhận sự thảo luận, sự tranh luận.
Hồi tôi làm cho anh Linh, vì nhiều lý do, rất tiếc là lúc bấy giờ đã có hai quyết định là cho Đảng Dân chủ Đảng Xã hội tự giải thể. Thực ra là các ông khóc lên khóc xuống, các ông đã nói cả rồi. Tính tới tính lui tôi cũng cho ông ấy vào Đảng CSVN.
Xu hướng trên thế giới và Châu Á này như các anh thấy ở Ấn Độ. Indira Ghandi có sự tín nhiệm tuyệt đối nhưng bà ấy không nhận chức Thủ tướng. Bởi vì bà ấy nhận thì sẽ bị đám kia ám sát. Thế là đưa một ông người người Xích lên là người dân tộc thiểu số. Hay một thằng như thằng Indonesia vừa rồi nó chọn đứng đầu nội các là một cô tiến sĩ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế của nó. Tức là những người ngày trước đứng về góp ý kiến, giám sát thì bây giờ nó trọng dụng. Hay một nước như Đài Loan, luôn luôn chịu sự ám ảnh của Trung Quốc là mày mà không mạnh lên là nó ăn thịt mày.

Tuesday, December 25, 2012

Ts Lê Đăng Doanh thuyết trình trước Bộ Chính trị (tiep)

       
Đảng phải tôn trọng luật pháp, hoạt động trong luật pháp, không đứng trên luật pháp, không đứng ngoài luật pháp. Trong nền kinh tế thị trường, với lợi ích và môi trường thế này là không đủ, phải lấy luật pháp bổ sung cho luật của Đảng, phải lấy công khai minh bạch, phải tạo ra một sự văn minh và văn hóa chính trị trong phê bình tự phê bình, trong góp ý, trong tự sinh hoạt.

Chính cái chuyện xử lý đằng sau lưng, chính chuyện thành kiến, lấy thông tin ở đây đây báo cáo lên, chính sự để bụng nhau đã tạo ra sự hạn chế chúng ta trong khung cảnh nền kinh tế thị trường. Phải coi pháp luật là công cụ chủ yếu để kiềm chế, kiểm soát những người có chức, có quyền chứ không phải pháp luật là công cụ chủ yếu để đè nén quần chúng. Pháp luật phải tạo ra sự tự do của quần chúng, tự do kinh doanh.

Pháp luật chủ yếu là phải hạn chế, khống chế người có quyền. Anh chỉ có quyền làm được thế này thôi và quyền ấy phải có sự giám sát. Chứ bây giờ, lại là pháp luật chủ yếu để áp đặt, cai trị người dân. Tôi rất ngạc nhiên là có chiến hữu là đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở Công an nói rằng bây giờ cấm xe máy không cho vào Hà Nội, mà nói ở Hội đồng nhân dân Hà Nội luôn, mà cũng im ru luôn.
Tôi tức quá, viết bài gửi báo Tuổi trẻ nói về chuyện Bác Hồ nói về “ba xây, ba chống”. Hồi bấy giờ Bác đi từ Trung Quốc về, anh Phạm Văn Đồng và Lê Thanh Nghị đã duyệt đề cương rồi, chỉ có ba chống thôi. Anh Phạm Văn Đồng bảo là Bác mới về, phải báo cáo xin ý kiến Bác; thế nhưng trong lòng vẫn nghĩ bụng mình làm thế này chắc hay lắm, rồi đây, thế nào Bác cũng đồng ý thôi. Vào đến nhà sàn, Bác cầm báo cáo ném xẹt xuống bàn. Bác bảo: “Các chú lạ, các chú muốn quản lý đất nước mà các chú chỉ chống là làm sao, chủ yếu là phải xây cái tốt mới chống được cái xấu chứ, cái tốt mới đẩy lùi được cái xấu”.

Monday, December 24, 2012

Ts Lê Đăng Doanh thuyết trình trước Bộ Chính trị (tiep):Phần 2.

       
Ts Lê Ðăng Doanh

Kinh tế thị trường

Bây giờ chúng ta xem xét, theo đúng Nghị quyết của Đại hội IX thôi, thì chúng ta chưa hoàn thành công cuộc cải cách theo kinh tế thị trường. Đại hội IX nói rằng đến năm 2005 thì cơ bản là hoàn thành về việc thiết lập các thể chế kinh tế thị trường. Bây giờ, chúng ta thấy là chúng ta chưa được. Báo cáo các anh các chị chúng ta xây dựng kinh tế thị trường chứng khoán trên cơ sở các thị trường khác, thì nó phải hoạt động rất nghiêm chỉnh, thì lúc bấy giờ thị trường chứng khoán nó mới hoạt động được. Tức là kế toán kiểm toán phải minh bạch, mọi chuyện nó phải có sự tin tưởng lẫn nhau. Một cái hình tượng các anh các chị có thể thấy là Microsoft có khoảng 5 triệu người mua cổ phần của nó trên khắp thế giới, nó có biết là cái thằng Bill Gate là cái thằng quách nào đâu, nó chỉ có tin tưởng là thằng này có một loại chất xám kiếm ra tiền, thế thôi.

Còn tất cả các danh hiệu ở VN, nào là phải biết là họ hàng, anh em, thế này khác, chứng tỏ là độ tin cậy của luật hợp đồng, của pháp luật rất thấp. Và cái hình tượng cả mấy triệu người hợp đồng tâm nhất trí để người ta làm nó ra việc, còn mình thì mấy chục người ngồi lại với nhau là thấy y như rằng lục đục đánh nhau. Đấy là một hình tượng mà ta cần phải có sự xem xét một cách nghiêm túc. Bây giờ có điều lo ngại là thị trường công khai và bất động sản là điều cần phát triển. Một điều nữa là những tàn dư và những quán tính của kinh tế kế hoạch hóa tập trung còn khá nặng nề. Chúng ta rất cần sự quy hoạch, quy hoạch trên cơ sở nhìn rộng là quy hoạch năng lượng, quy hoạch về vận tải đừng để nó kẹt xe, về đất đai, nhìn trước vấn đề môi trường rồi dân số. Tất cả những cái đó chúng ta rất cần, nhưng chúng ta làm chưa tốt lắm và có rất nhiều vấn đề.

Saturday, December 22, 2012

Phần II. Một số vấn đề về kinh tế VN và tiến trình hội nhập của VN

Le Dang Doanh (tiep)

Kinh tế thị trường

Bây giờ chúng ta xem xét, theo đúng Nghị quyết của Đại hội IX thôi, thì chúng ta chưa hoàn thành công cuộc cải cách theo kinh tế thị trường. Đại hội IX nói rằng đến năm 2005 thì cơ bản là hoàn thành về việc thiết lập các thể chế kinh tế thị trường. Bây giờ, chúng ta thấy là chúng ta chưa được. Báo cáo các anh các chị chúng ta xây dựng kinh tế thị trường chứng khoán trên cơ sở các thị trường khác, thì nó phải hoạt động rất nghiêm chỉnh, thì lúc bấy giờ thị trường chứng khoán nó mới hoạt động được. Tức là kế toán kiểm toán phải minh bạch, mọi chuyện nó phải có sự tin tưởng lẫn nhau. Một cái hình tượng các anh các chị có thể thấy là Microsoft có khoảng 5 triệu người mua cổ phần của nó trên khắp thế giới, nó có biết là cái thằng Bill Gate là cái thằng quách nào đâu, nó chỉ có tin tưởng là thằng này có một loại chất xám kiếm ra tiền, thế thôi.

Còn tất cả các danh hiệu ở VN, nào là phải biết là họ hàng, anh em, thế này khác, chứng tỏ là độ tin cậy của luật hợp đồng, của pháp luật rất thấp. Và cái hình tượng cả mấy triệu người hợp đồng tâm nhất trí để người ta làm nó ra việc, còn mình thì mấy chục người ngồi lại với nhau là thấy y như rằng lục đục đánh nhau. Đấy là một hình tượng mà ta cần phải có sự xem xét một cách nghiêm túc. Bây giờ có điều lo ngại là thị trường công khai và bất động sản là điều cần phát triển. Một điều nữa là những tàn dư và những quán tính của kinh tế kế hoạch hóa tập trung còn khá nặng nề. Chúng ta rất cần sự quy hoạch, quy hoạch trên cơ sở nhìn rộng là quy hoạch năng lượng, quy hoạch về vận tải đừng để nó kẹt xe, về đất đai, nhìn trước vấn đề môi trường rồi dân số. Tất cả những cái đó chúng ta rất cần, nhưng chúng ta làm chưa tốt lắm và có rất nhiều vấn đề.

Ts Lê Đăng Doanh thuyết trình trước Bộ Chính trị:Phần I. Tóm tắt tình hình về thực trạng của VN

       
Bài phát biểu của Ts Lê Ðăng Doanh rất hài hước về mặt ngôn ngữ, nhưng lại hết sức sâu sắc về mặt kinh tế xã hội chính trị cũng như khoa học. Vì bài phát biểu quá dài, nên sẽ được post thành nhiều lần.
Lời giới thiệu
Dưới đây là nguyên văn bài phát biểu của Ts Lê Đăng Doanh (LĐD), trong một cuộc họp kín của các thành viên Bộ Chính trị hôm 02-11-2004, phục vụ chương trình KX.10, nhằm chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 10 của đảng CSVN. 
Là chuyên gia kinh tế hàng đầu của CSVN, TS LĐD, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, trước đây là chuyên viên, cố vấn kinh tế cho nhiều đời tổng bí thư và thủ tướng chính phủ [như các ông Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Nguyễn Duy Trinh...]. Mặc dầu đã về hưu ông vẫn làm cố vấn cho các cơ quan kế hoạch và đầu tư. Văn bản được ghi lại trung thực từ băng ghi âm buổi nói chuyện với ngôn ngữ của các cán bộ chính quyền nói với nhau, không phải ngôn ngữ viết, có thể gây nên sự ngỡ ngàng. Tuy nhiên, với bài nói chuyện này tác giả cung cấp cho người nghe nhiều hiểu biết cụ thể và sinh động về hiện trạng kinh tế VN, và những quan điểm riêng của ông về những vấn đề lớn trong cách quản trị xã hội theo mô hình độc đảng chuyên chế ở VN.
Tài liệu đánh máy lại từ băng ghi âm buổi thuyết trình của Ts LĐD về bế tắc của kinh tế và xã hội VN. Băng ghi âm này có những đoạn không nghe rõ. Sau đây là toàn văn. Những chỗ có để ba chấm trong ngoặc đơn (…) là những đoạn băng mà người ghi lại nghe không rõ, những chữ trong ngoặc vuông [---] là người ghi lại thêm vào cho rõ ý của câu nói. [Hà Nội, 3-2005]

Friday, December 21, 2012

Suy nghĩ tiếp về triết lý giáo dục: Cần thay đổi triết học giáo dục

       
Nguyên Ngọc

Trong một bài viết ngắn gần đây trên Tia sáng, Giáo sư Hoàng Tụy có nói: "Để khắc phục khó khăn hiện nay, chỉ có một lối thoát duy nhất là hiện đại hóa giáo dục”. Tôi hoàn toàn đồng tình với phương hướng đó. Nhưng thế nào là hiện đại hóa giáo dục, thế nào là một nền giáo dục hiện đại?

Tôi nghĩ rằng một nền giáo dục hiện đại trước hết là ở trong tính hiện đại của triết lý giáo dục mà nó đeo đuổi. Và triết lý giáo dục hiện đại là xây dựng một nền giáo dục không phải để nhằm tạo nên những cái máy tinh xảo được nạp một bộ nhớ kiến thức khổng lồ (như hiện nay ta đang ra sức làm, ngay từ bậc phổ thông, và do đó làm mụ mị đi bao nhiêu đầu óc đáng thương của lớp trẻ chúng ta, khiến họ càng học càng đần đi, một sự lãng phí sức lực cả về thể chất lẫn tinh thần, trí tuệ của chế hệ tương lai quý nhất của dân tộc, sự lãng phí thậm chí có thể coi như một tội ác), mà là tạo nên những con người tự do, biết và dám độc lập suy nghĩ, biết cách tự mình chiếm lĩnh lấy kiến thức, tự mình đi khám phá ra chân lý,lẽ phải và từ đó làm chủ cuộc sống của mình, của đất nước... Về phương diện này, hình như hiện nay giáo dục của chúng ta không giống bất cứ nước nào trên thế giới tất nhiên ta nói đến những đất nước văn minh và tân tiến. Không giống chút nào cả, hoàn toàn ngược lại là khác, vậy dù chỉ có hai cách giải thích: hoặc là ta vô cùng tân tiến, còn họ thì lạc hậu bê bối cả, hoặc ngược lại.

Thursday, December 20, 2012

Thử bàn về sự giấu giếm và lừa gạt ở đất nước lễ nghĩa

       
Bài viết dưới dây nói về tâm tính của người Tàu, nhưng giúp chúng ta phần nào hiểu con người và lối sống của người Việt Nam.


Điền Trung Hoà (Dương Quốc Anh dịch)

Người dám tự vạch vết sẹo của mình ra, nhất định là người mạnh khoẻ

Tôi không tin là Montesquieu có thành kiến với người Trung Quốc chúng ta, chưa biết chừng ông đã bị lừa, hoặc là gặp một số việc không thích thú ở Trung Quốc. Vậy thì người Trung Quốc nào đã làm mếch lòng vị học giả Pháp ở thế kỷ 18 đó vậy? Ðể ông phải nói là, người Trung Quốc: “trong cuộc sống hoàn toàn lấy lễ làm kim chỉ nam, nhưng họ lại là dân tộc biết lừa gạt người nhất trên thế giới.” Có thể nói đây là một tiêu chuẩn ma quỉ hoá Trung Quốc. Lại còn Kant nữa, ông đã đến Trung Quốc chưa? Nếu như chưa đến, sao lại biết người Trung Quốc bán gà thường nhét thêm sỏi cát vào diều gà, làm trò giả dối khi cân? Ông có chứng cứ gì? Nếu không có chứng cứ và nếu ông còn sống, tôi hoàn toàn có thể nói, ông đã xâm phạm quyền danh dự. Rồi ngay cả Hegel cũng nói người Trung Quốc thích gạt người. Người Trung Quốc chúng ta rất tôn trọng ông, học phép biện chứng của ông, học cả mỹ học của ông, chúng ta có trêu chọc gì ông đâu?

Wednesday, December 19, 2012

Tham nhũng và môi trường phòng chống tham nhũng

Nguyễn Khánh Trung

Tôi nhớ cách đây mấy năm, một tờ báo trong nước đưa tin về cuộc đối đáp giữa một cựu lãnh đạo cao cấp và mấy nhà báo nước ngoài về vấn đề tham nhủng, đại khái vị này tấn công ngược mấy ông nhà báo: “tham nhũng thì nước nào cũng có, ở nước các anh, cũng có những vụ tham nhũng cực lớn đó thôi, chứ đâu chỉ có ở Việt Nam !” Bài báo đó có vẽ nhấn mạnh sự sắc bén trong lý luận trả đủa của vị cựu lãnh đạo với mấy nhà báo ngoại quốc lắm chuyện kia. 


Vị cựu lãnh đạo cao cấp này đã biện minh cho hiện trạng bằng cách lý luận rằng tham nhủng là vấn đề quốc gia nào cũng có, nên ở Việt Nam có xảy ra âu cũng là chuyện bình thường. Nhưng bình thường thế náo được ! Ðồng ý rằng tham nhũng là chuyện khó tránh trong mọi quốc gia, nhưng tần số và mức độ tệ nạn này thì khác hẳn nhau. Việt Nam đang bị tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International) xếp cuối bảng về mức độ tham nhủng và khuynh hướng ngày càng xấu, năm 2005 bị xếp 101/159, thì năm 2006 đã rớt xuống tới hạng 123. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, năm 2007 thất thoát trong các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước là 940 tỷ đồng, tuy nhiên con số này mới là phần nổi của tảng băng. Tham nhũng đã trở thành “ quốc nạn”, tràn lan trong mọi ngóc ngách xã hội và ở mọi cấp độ. Ở quê tôi, người ta nói về giá cả của mọi loại bằng cấp, mọi thứ giấy tờ, của việc chạy vào trường này lớp nọ, ghế này ngành kia… một cách bình thản và rành mạnh như nói về giá ngô giá lúa. Cũng ở quê tôi, người ta khen người này người kia là giỏi, là tài “quan hệ” và nhờ đó mà anh ta ăn nên làm ra, điều mà ở nước ngoài có thể ngay lập tức trở thành đối tượng điều tra của các cơ quan chức năng. 

Tuesday, December 18, 2012

Ngã ba 2007 ( 2 )

Nguyễn Trung ( tiếp theo)
IV. Khắc phục tình trạng “thắt cổ chai”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhiều đồng chí lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước thẳng thắn nêu ra sự bất cập của kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực kém phát triển và năng lực quản trị quốc gia hẫng hụt. 3 yếu kém này tạo nên tình trạng “thắt cổ chai” kìm hãm sự phát triển năng động của quốc gia. Chiến lược nào hay kế hoạch gì cho trước mắt và cho nhiều năm tới cũng phải bắt đầu từ khắc phục tình trạng “thắt cổ chai” này – đòi hỏi ưu tiên số 1.
Rất đáng huy động trí tuệ cả nước mổ xẻ nguyên nhân mọi mặt để nhận dạng chính xác thực trạng cái “thắt cổ chai” này. Huy động trí tuệ khắc phục cái “thắt cổ chai” này là thực hiện dân chủ có thực chất nhất.Thực hiện dân chủ ở đây trước hết là thực hiện quyền nói của người dân, của trí tuệ về những vấn đề hệ trọng liên quan đến xóa bỏ cái “thắt cổ chai”. Đứng trước yêu cầu phải thực hiện ưu tiên số 1 này, dân chủ có nội dung vô cùng đơn giản và rõ ràng, có một sức mạnh giải phóng không thể lường hết được! Tuy nhiên, thực hiện quyền này lại đang là việc rất khó, và chỉ có thể khả thi hơn trên cơ sở thực hiện công khai minh bạch, nâng cao dân trí và thường xuyên nâng cao những quyền khác của công dân, trước hết là quyền được thông tin, quyền được nói - để cả nước cùng nhìn thẳng vào sự thật, cùng sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn thử thách, cùng chung một quyết tâm đưa đất nước đi lên.Yêu cầu khắc phục tình trạng “thắt cổ chai” này đòi hỏi trong năm 2008 cần hình thành được các chiến lược phát triển cho từng vấn đề: (1)kết cấu hạ tầng, (2)nguồn nhân lực, (3)quản trị quốc gia, với những quy hoạch và kế hoạch cụ thể. Có thể nói trong vòng 5 – 10 năm tới và đến năm 2020 phải tiến hành những cải cách lớn cho 3 vấn đề nêu trên, có như vậy mới hy vọng chuyển mạnh sang một thời kỳ phát triển cao hơn và mới có điều kiện thực hiện lộ trình của những cam kết trong khung khổ WTO, tạo ra động lực thực hiện thành công chiến lược phát triển đến năm 2020.

Monday, December 17, 2012

Ngã ba - 2007 (1)

 
Nguyễn Trung

LTS: Bài viết Ngã ba 2007 của nhà nghiên cứu Nguyễn Trung là một trong những tham luận của cuộc hội thảo Tăng trưởng và phát triển bền vững do Tạp chí Tia Sáng dự kiến tổ chức vào tháng 2 năm 2008.

Trong lịch sử quốc gia, phát triển bao giờ cũng là một quá trình mang tính liên tục, thường khó xác định một cột mốc thời gian cụ thể cho một bước tiến hóa nào. Song thật hiếm thấy ở nước ta có năm nào có những chuyển biến xuất hiện rõ ràng như năm 2007: (a)quy mô nền kinh tế đã tới đạt đỉnh cao của phương thức phát triển theo chiều rộng, (b)đòi hỏi về sự phát triển năng động mới đang trở nên bức thiết, (c)thời cơ to lớn trong tay và những thách thức mới trong tình hình hội nhập toàn diện càng thúc đảy phải đi tìm chiến lược phát triển mới.

Cả 3 yếu tố này đang tạo ra một tình hình phảng phất không khí của năm 1986, khác chăng hồi đó là sự bức bách bất khả kháng mở ra công cuộc đổi mới, còn bây giờ - năm 2007 – là sự thôi thúc không nhân nhượng:
Hoặc là năm 2007 sẽ đánh dấu sự mở đầu bước vào một thời kỳ mới với sự lựa chọn dứt khoát chuyển sang sự phát triển năng động và bền vững để đi lên, hoặc là để cho thời cơ tuột tay và mọi yếu kém hiện có lấn át - với tất cả hệ lụy trước sau sẽ dẫn tới một bước ngoặt khác.
Tính chất quyết liệt ấy chính là điều đáng ghi nhớ cho năm 2007.

Saturday, December 15, 2012

Những vấn đề giáo dục đại học hiện nay – Nhìn từ góc độ xã hội học giáo dục

Bài viết dưới đây đã đăng trên Tạp chí Phát Triển Kinh Tế (số 205, tháng 11 - 2007, tr. 38 - 43). Trong bản đăng lại dưới đây, không biết tại sao các sơ đồ minh họa trong bài không chịu xuất hiện, không có chúng, người đọc sẽ rất khó hình dung. Ai có nhu có thể liên hệ với tôi để có bài viết đầy đủ.

Nguyễn Khánh Trung*

Đã từ lâu, những vấn đề trong giáo dục (gd) nói chung và đại học nói riêng luôn là đề tài nóng bỏng lôi kéo sự chú ý của báo giới, công luận xã hội cũng như các chuyên gia và các nhà lãnh đạo. Các vấn đề như chất lượng đào tạo kém, sinh viên ra trường thất nghiệp, sự xuống cấp đạo đức học đường, chương trình và nội dung giảng dạy nặng nề và bất cập, vấn đề đội ngũ giảng viên, sự bất bình đẳng trong gd ... đã làm cho cả xã hội lo lắng. Các chuyên gia về gd đã phân tích các vấn đề và đề nghị nhiều hướng giải quyết, các lãnh đạo của Bộ Gd và Đt đã thực hiện nhiều giải pháp, nhiều chương trình cải cách, vv. Tuy nhiên cho đến nay, những căn bệnh của hệ thống gd chẳng những không mấy thuyên giảm mà thậm chí còn ngày càng trầm trọng hơn. Những chương trình cải cách làm cho gd thay đổi liên tục mà không mấy tiến bộ. Có vẻ chúng ta đang bí lối trong việc giải quyết những khó khăn và hoạch định một lộ trình cải cách thông suốt nhằm đưa gd đi lên.

Friday, December 14, 2012

Triết lý giáo dục: Đã đúng đắn chưa?

        
Nguyên Ngọc

Cải cách giáo dục trước hết cần phải được đặt trên cơ sở một triết lý giáo dục đúng đắn. Nếu không thì càng cải cách sẽ càng sai, càng bê bối. 
Tuần Việt Nam trích đăng một phần bài viết "Giáo dục ở nước ta hiện nay, đi ra bằng con đường nào?" của tác giả Nguyên Ngọc. Đây là bài phát biểu tại Diễn đàn giáo dục do một số nhà khoa học và nhà văn hóa tổ chức năm 2004, được tập hợp trong cuốn "Những vấn đề giáo dục hiện nay: 

Tôi xin mạnh dạn nói rằng, theo tôi, nguyên nhân đầu tiên, sai lầm đầu tiên và bao trùm là ở chính vấn đề quan trọng nhất, cơ bản nhất của giáo dục: ở triết lý giáo dục. Nói nôm na ra là chúng ta định xây dựng và thực hiện nền giáo dục này để làm gì? 

Tôi cho rằng đang có vấn đề hết sức nghiêm túc ở chỗ này, nơi lâu nay ta tưởng mọi sự đã chẳng còn có chuyện gì phải bàn nữa. Thật vậy, đang có vấn đề, có vấn đề lớn ở ngay câu hỏi cơ bản: bằng nền giáo dục này, chúng ta muốn đào tạo nên những con người như thế nào đây? 

Thursday, December 13, 2012

Raymond Aron và “Chủ nghĩa Marx của Marx”

       
Michel Bourdeau (Nguyễn Hoà Mai dịch)

Thời đại thay đổi và hôm nay thật xác đáng nếu nói về Marx mà chẳng phải xin lỗi. Aron đã nghĩ khác: suốt cuộc đời nghề nghiệp của ông, bản thân ông không ngừng tiếp xúc với công trình của Marx. Vào những năm trước 1968, có tiếng đồn là Aron đã giảng một giáo trình tuyệt vời về Marx ở Sorbonne, đặc biệt về cuốn Tư bản. Điều đó không có nghĩa là sinh viên đến nghe ông: đa số họ thích Althusser hơn ông vì ở các lớp giảng, ông này đã cột Marx vào một dự phóng cách mạng và một biệt ngữ khoa học ngày nay có thể làm chúng ta cười mỉm. Cái bệnh biệt phái đã đi rất xa khi bấy giờ một cuốn sách nhỏ của Aron, Từ một thánh gia này đến một thánh gia khác, đề cập đến hiện tượng này đã hầu như bị cấm tường thuật trong những tạp chí tư tưởng phải đạo.

Jean-Claude Casanova và Christian Bachelier, với sáng kiến bạo gan khi, bổ sung bằng những bài giảng khác của Aron ở Collège de France vào những năm 1966-1967, đem những bài giảng ấy ra xuất bản, đã cho phép chúng ta phán đoán (vấn đề) từ các văn bản. Quyển sách nặng này cho ta ý nghĩ đúng là cuốn sách về Marx mà Aron luôn dự tính viết ra, quyển sách ấy cho ta thấy nó đúng là của một trong những người thông thạo về Marx vào thời của ông. Đưa chúng ta trở lui lại khoảng ba bốn mươi năm về trước, nó cũng bảo ta hãy đứng xa ra một chút với thời sự của mình, thông thường điều đó có tác dụng kích thích.

Wednesday, December 12, 2012

Những cảm nghĩ sau một chuyến hồi hương (nguyen ban)

       
Nguyễn Khánh Trung
Khi chiếc máy bay của Hãng hàng không Việt Nam Airline hạ độ cao để đáp xuống Phi trường Nội Bài Hà Nội, nhìn qua cửa sổ, hình ảnh đất nước thân yêu từ từ xuất hiện tựa như một bức tranh đầy sắc màu trải dài. Từ màu xanh của núi rừng trùng điệp đến màu xanh của những luỹ tre làng thân quen. Màu sắc của vạn vật hoà quyện với ánh nắng ban mai làm cho bức tranh thật tươi sáng. Những dòng sông uấn quanh các thành phố, làng mạc, đây đó còn lốm đốm những ngọn đèn điện như đang cố góp sức cùng với ánh mặt trời tô điểm cảnh đẹp thêm phần rực rỡ.

Tuy nhiên, Việt Nam từ trên không trung nhìn xuống rất khác với một nước Việt thực tế dưới mặt đất. Hình ảnh Ðất nước ngắm từ trên cao tưởng chừng dịu êm, e thẹn thướt tha như hình ảnh những nữ sinh trong chiếc áo dài duyên dáng lại đang mang một dáng vẻ khác, trẻ trung sinh động nhưng cũng đầy những mảng tối đáng sợ.

Tuesday, December 11, 2012

Môi trường cho trí thức phát triển

Nguyễn Khánh Trung

Thời nào cũng vậy, trí thức luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, nó càng đặc biệt quan trọng trong thời kinh tế tri thức ngày nay. Thế nhưng xã hội Việt Nam hiện nay dường như chưa phải là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng những nhân cách trí thức lớn [1] . Tôi đã gặp không ít những trí thức có tâm huyết, có chính kiến, nặng lòng với dân với nước, nhưng họ bị đủ thứ khó khăn bủa vây, làm cho nhiệt huyết, tư tưởng, kiến thức của họ không thể phát triển tốt, ngược lại còn thui chột dần, để rồi nhiều người trong họ cảm thấy đau, nỗi đau của những con người hiểu biết về hiện tình thời cuộc, nhưng lại không thể làm gì hơn. Đó là nỗi đau của kẻ "sĩ", phải chấp nhận làm những điều mình không muốn, và không thể thực hiện được những gì ước mong, dầu cho những ước mong đó rất chính đáng.

Người trí thức chân chính cần phải có chính kiến, khả năng tư duy độc lập, óc phê bình hầu có thể sáng tạo ra những công trình khoa học và văn hoá mới cho xã hội, cũng như có khả năng phát hiện những vấn đề, phê bình, phản biện nhằm góp phần làm cho xã hội phát triển một cách hài hoà. Muốn như thế, xã hội phải tạo ra môi trường tốt để những chính kiến riêng và óc phê bình có thể nảy sinh và phát triển. Điều kiện xã hội, chính trị và kinh tế hiện thời ở nước ta chưa mấy thuận lợi để có thể nuôi dưỡng những tố chất cần thiết của trí thức.

Monday, December 10, 2012

Hệ thống nghiên cứu khoa học: Cần cải tổ từ nền tảng

  Trần Hữu Quang

Ở phần kết bài viết trên TBKTSG số ra ngày 25-10-2007, GS. Hoàng Tụy có nói tới “sự sai lầm hệ thống” trong hai lĩnh vực giáo dục và khoa học hiện nay của đất nước. Mục tiêu của bài sau đây là thử tiếp tục đi tìm cội rễ của cái “sai lầm hệ thống” ấy trong lĩnh vực hoạt động khoa học, xét dưới hai góc độ định chế và tư tưởng.

Nhìn chung, cho đến nay hầu như ai cũng đồng ý rằng nền khoa học của Việt Nam hiện nay quá mỏng manh và mờ nhạt. Năm 2006, ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học mới chỉ đạt 0,43% tính trên tổng sản phẩm trong nước (số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ - KH&CN), trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 1,3% vào năm 2005, còn ở Hàn Quốc là 2,64% và Nhật 3,45% vào năm 2003. Điều đáng nói là mức chi cho nghiên cứu ngoài ngân sách nhà nước (của các tổ chức và doanh nghiệp tư nhân) có lẽ chiếm tỷ lệ chưa đáng kể bao nhiêu. Còn số người trực tiếp làm công tác nghiên cứu khoa học cũng chỉ có trên dưới 40.000 người (khoảng một phần tư con số này ở TPHCM), tức rất thấp, chỉ bằng khoảng 0,05/100 người dân, trong khi con số này ở Hàn Quốc là 2,19 hay ở Mỹ 3,67 (năm 2003).

Saturday, December 8, 2012

Suy nghĩ về một bài báo

Nguyen Khanh Trung

Ðọc bài “Nếu bạn đang học cao học: đừng xem bảng điều tra này” đăng trên Viettimes ngày 13/11/2007. Tôi không mấy ngạc nhiên về kết quả của cuộc điều tra, nhưng lại hết sức ngạc nhiên về cách thức điều tra và lập luận của tác giả bài báo Sơn Khê. Theo tôi thì chính những gì tác giả quan niệm, thể hiện thông qua bài báo lại phản ánh ngay chính vấn đề của giáo dục Việt Nam hơn là kết quả trả lời của những người bị điều tra. Ðiều này thể hiện qua một số điểm chính dưới đây. 


Quan niệm về chất lượng giáo dục


Trước hết là quan niệm về khái niệm “chất lượng giáo dục” của tác giả bài báo. Tác giả Sơn Khê đã làm một điều tra kiểu trắc nghiệm trí nhớ, rồi sử dụng kết quả thu được để bàn về chất lượng giáo dục ở bậc sau đại học. Nghĩa là đối với tác giả, người giỏi hay dở là người nhớ nhiều hay ít, nhớ chính xác hay không các sự kiện cụ thê, điều này có đúng không ?

Friday, December 7, 2012

Giới thiệu lý thuyết xã hội học curriculum[1]

       
Nguyễn Khánh Trung
«Après le pain, l’éducation est le premier besoin d’un peupleSau lương thực, giáo dục là nhu cầu thứ nhất của một dân tộc » (Danton Georges Jacque, 1759 – 1794).
Danton, nhà triết học người Pháp đã phát biểu ý tưởng trên từ thế kỷ 18, nhưng đến nay vẫn luôn có tính thời sự, đặc biệt rất có ý nghĩa trong hoàn cảnh nước ta hiện nay. Xét trên tổng thể, giáo dục là thiết chế cung cấp cho xã hội vốn nhân sự, mà yếu tố con người và tri thức luôn đóng vai trò quyết định sự hưng thịnh của một quốc gia, nhất là trong thời kinh tế tri thức ngày nay. Trên bình diện cá nhân, giáo dục là « đường đi » đưa cá thể hội nhập vào xã hội, cũng như giúp cá thể thăng tiến trên đường đời…
Ý thức được tầm quan trọng của giáo dục, từ khi Ðổi mới, Ðảng và Nhà nước đã xem giáo dục là “quốc sách hàng đầu”, ngân sách dành cho giáo dục tăng lên, hệ thống các trường lớp, đặc biệt là trường đại học được mở rộng, số lượng học sinh, sinh viên tăng nhanh vv. Phải nói rằng chưa bao giờ giáo dục trở thành đề tài thu hút mạnh mẽ sự quan tấm của tất cả xã hội như hiện nay. Các vấn đề về giáo dục trở thành những đề tài nóng bỏng, được tranh luận hàng ngày trên các phương tiện truyền thông cũng như trong các hội nghị, hội thảo. Nhiều chuyên gia, nhà giáo cho rằng giáo dục của chúng ta hiện nay đang « khủng hoảng"[2]. Rất nhiều ý kiến đã mổ xẻ các vấn đề của giáo dục và đề nghị nhiều phương án khắc phục cũng như đưa ra nhiều kế sách phát triển, vv. Thế nhưng, nhìn chung cho đến nay, các căn bệnh của giáo dục không những không thuyên giảm mà có chiều hướng ngày càng trầm trọng hơn làm cho cả xã hội bức xúc lo lắng. Chúng ta có vẽ đang bí lối trong việc đi tìm cho giáo dục một hướng đi thích hợp.

Thursday, December 6, 2012

Người Viêt Nam giúp người Việt Nam

Tố Phương

GIÁO SƯ TIẾN SĨ TRẦN THANH VÂN
“Tôi tự hào vì người VN đã giúp được người VN”!





“Giáo sư Tiến sĩ Trần Thanh Vân là một nhà khoa học, một nhà giáo dục và là một nhà văn hóa lớn” – Hầu hết những người chúng tôi tiếp xúc đều có cùng một nhận xét như thế về GS Trần Thanh Vân. Vì sao người đàn ông trên 60 tuổi, có vóc dáng nhỏ bé và luôn nở nụ cười đôn hậu ấy lại được nhiều người yêu mến, thậm chí khâm phục như thế? Bên cạnh nhiều lý do, có lẽ điều khiến ông có một hấp lực to lớn với mọi người lại chính từ việc “tôi muốn đóng góp lâu dài cho Việt Nam, quê hương tôi”!
  • Từ cậu bé mồ côi đến nhà khoa học lớn:
Cha mẹ mất sớm, cậu thiếu niên quê ở Đồng Hới, Quảng Bình đã tự ý thức rằng chỉ có bằng chính ý chí tự lực của mình mới có thể vươn lên bằng người. Giữa những năm trung học cơ sở cậu phải ra Huế trọ học, buổi trưa ăn cơm hàng cơm quán, tối về nhà ăn cơm tháng. Gia cảnh càng khó khăn, cậu càng cố gắng vươn lên học tập, để rồi năm 1953 cậu nhận được học bổng sang Pháp du học.

Wednesday, December 5, 2012

Trật tự giao thông phải được xem xét từ mặt xã hội

 Nguyễn Khánh Trung

(VietNamNet) - Phải chăng những vấn đề giao thông hiện nay như nạn kẹt xe, tai nạn và sự mất trật tự đang phản ánh điều gì đó trong xã hội? Những biện pháp giải quyết được đề nghị hiện nay trên báo chí và trong các nghị trường có đủ để giải quyết vấn đề tận căn? Xin giới thiệu ý kiến của bạn đọc Nguyễn Khánh Trung (Pháp) bàn về vấn đề giao thông ở nước ta.

Hình ảnh đập vào mắt chúng ta thường ngày là cảnh lưu thông loạn xạ trong các thành phố lớn, xe hai, ba, bốn bánh chen chúc nhau, chẳng ai nhường ai, bất chấp luật lệ giao thông. Cái giá phải trả của sự loạn xạ này là tai nạn giao thông và kẹt xe. Theo thống kê chính thức, ở nước ta hiện nay, trung bình khoảng 33 người chết vì tai nạn giao thông mỗi ngày. Cứ nhìn xuống mặt đường từ Ðồng Nai về TP.HCM, sẽ thấy đầy dẫy những vết vôi trắng đánh dấu những tai nạn đã xảy ra. Nhìn mà rợn tóc gáy! Chưa kể những vụ tai nạn này làm thương tật hàng trăm người mỗi ngày mà đa số là người trẻ, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Tuesday, December 4, 2012

L’université dans la société vietnamienne actuelle...

Nguyễn Khánh Trung

(tóm tắt luận án tiến sĩ)



L’objectif de notre étude est de mettre en relief les « manières », par lesquelles la société en général et les dirigeants vietnamiens en particulier forment les individus à travers le curriculum de l’enseignement universitaire (les contenus, les programmes, les pratiques pédagogiques, les modalités d’organisation pédagogique et administrative, les finalités poursuivies, etc..). A travers notre recherche, nous trouvons que l’université apparaît comme un instrument de reproduction de l’idéologie, des valeurs, des normes des dirigeants et aussi comme une institution assurant la transmission des connaissances scientifiques et des compétences professionnelles des étudiants. La fonction de reproduction de l’idéologie provient des dirigeants tandis que la fonction de transmission des savoirs et des compétences est influencée par les acteurs socioéconomiques. Ces deux fonctions ne se rencontrent donc pas dans une conjonction éducative harmonieuse, car la première fonction domine la deuxième. Cela engendre des problèmes dans l’université actuelle.

Mots clés : université / curriculum / politisation / centralisation / contradiction / parti communiste /société / enseignant / dirigeant / étudiant / offre de formation / demande sociale.

Monday, December 3, 2012

Chính sách tập quyền và chính trị hoá thông qua việc thiết lập và cơ cấu chương trình đào đại học

Thanh Hải

Trong bài “Hiện tượng đồng phục tư tưởng trong sinh viên hiện nay’’ tôi đã nói về mục tiêu, chức năng và nhiệm vụ của giáo dục đại học Việt Nam trên những nét chung. Trong bài này, tôi sẽ thử phân tích chương trình đào tạo ở bậc học này để định hình những phương thức mà các nhà lãnh đạo thực hiện nhằm cụ thể hoá những mục tiêu đặt ra thông qua quy trình thiết lập và sự phân bố kiến thức trong các chương trình đào tạo.

Từ khi thực hiện chính sách Ðổi mới (kể từ Ðại hội Ðảng lần thứ VI, 1986), để theo kịp những biến đổi kinh tế, xã hội, các nhà lãnh đạo thấy cần phải từ bỏ mô hình đào tạo theo lối Liên Xô cũ và thay vào là mô hình đào tạo theo “tín chỉ’’ [1] phỏng theo các nước “tư bản ’. Theo mô hình mới này, lộ trình đào tạo đại học được phân thành hai giai đoạn: đại cương và chuyên ngành. Chương trình của mỗi giai đoạn là một tập hợp các môn học đã được lượng hoá bằng đơn vị tín chỉ mà sinh viên phải hoàn tất trong một thời hạn nhất định trước khi được xét thi hoặc làm luận văn tốt nghiệp. Ưu điểm của mô hình đào tạo này là sinh viên có quyền chủ động chọn lựa môn học, sắp xếp thời gian học thích hợp cũng như có thể dễ dàng chuyển đổi ngành hoặc trường học tuỳ theo điều kiện của họ, nó cũng kích thích các trường có thể cạnh tranh cũng như dễ dàng hợp tác với nhau. Tuy nhiên khi áp dụng vào Việt Nam, các nhà làm chương trình đã cải biến nhằm làm “phù hợp với tình hình’’, đã tạo ra loại mô hình thứ ba thường gọi là “bán tín chỉ’’, nghĩa là lưng chừng giữa mô hình tín chỉ và niên chế. Mô hình lỡ cỡ này đang được áp dụng trong hầu hết các trường đại học hiện nay và làm nảy sinh nhiều vấn đề đáng bàn.

Saturday, December 1, 2012

Hiện tượng đồng phục tư tưởng trong sinh viên hiện nay

Thanh Hải

Hiện tượng

Tựa đề bài viết là câu nói của một người bạn tôi nhận xét về tình trạng rập khuôn tư tưởng của sinh viên hiện nay. Bạn tôi là giảng viên của một trường đại học, trong kỳ thi cuối học kỳ I năm học 2005-2006 vừa qua, anh yêu cầu sinh viên làm bài bình luận với câu hỏi mở có nội dung: “Với tư cách là sinh viên xã hội học, bạn suy nghĩ gì về những thay đổi trong xã hội Việt Nam hiện nay?’’ Ý của anh là muốn sinh viên trình bày những phân tích và bình luận cá nhân xung quanh những biến chuyển trong xã hội Việt Nam hiện tại dưới lăng kính xã hội học, sau khi các em đã học các lý thuyết qua quá trình hình thành ngành khoa học vốn gắn liền với những biến chuyển xã hội này. Thế nhưng anh đã một phen ngạc nhiên khi phải đọc hàng trăm bài làm của sinh viên tương tự nhau với những lời lẽ kiểu “chủ nghĩa tụng ca”, những câu lặp đi lặp lại đại thể: “Dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Ðảng, chúng ta đã đạt được những tiến bộ về mọi mặt...”; “Lịch sử nhân loại đã biến chuyển qua năm giai đoạn từ cộng sản nguyên thủy...”; “Chúng ta đang sống trong giai đoạn quá độ tiến lên chủ nghĩa cộng sản...”, v.v. và v.v. Trong các bài làm rất hiếm hoi những bình luận riêng của sinh viên cũng như vắng bóng những phân tích liên hệ đến các lý thuyết xã hội học ngoài Marx.