Saturday, December 8, 2012

Suy nghĩ về một bài báo

Nguyen Khanh Trung

Ðọc bài “Nếu bạn đang học cao học: đừng xem bảng điều tra này” đăng trên Viettimes ngày 13/11/2007. Tôi không mấy ngạc nhiên về kết quả của cuộc điều tra, nhưng lại hết sức ngạc nhiên về cách thức điều tra và lập luận của tác giả bài báo Sơn Khê. Theo tôi thì chính những gì tác giả quan niệm, thể hiện thông qua bài báo lại phản ánh ngay chính vấn đề của giáo dục Việt Nam hơn là kết quả trả lời của những người bị điều tra. Ðiều này thể hiện qua một số điểm chính dưới đây. 


Quan niệm về chất lượng giáo dục


Trước hết là quan niệm về khái niệm “chất lượng giáo dục” của tác giả bài báo. Tác giả Sơn Khê đã làm một điều tra kiểu trắc nghiệm trí nhớ, rồi sử dụng kết quả thu được để bàn về chất lượng giáo dục ở bậc sau đại học. Nghĩa là đối với tác giả, người giỏi hay dở là người nhớ nhiều hay ít, nhớ chính xác hay không các sự kiện cụ thê, điều này có đúng không ?


Theo tôi, quan niệm như thế là đã lạc hậu, nảo trạng của tác giả về giáo dục, về sự học vẫn là kiểu “tầm chương trích cú” của cách giáo dục Nho giáo ngày xưa. Một kiểu dạy và học đề cao khả năng nhớ thuộc lòng, phụ thuộc vào quá khứ, phụ thuộc vào các tư tưởng có sẵn của các bậc tiền bối chứ không đề cao óc khám phá, khả năng sáng tạo và hướng đến tương lai như giáo dục trong thời hiện đại đòi hỏi.

Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin, kiến thức là vô bờ và thay đổi từng ngày (kể cả kiến thức chuyên ngành), vì thế nên cần loại bỏ quan niệm dạy và học kiểu: thầy cung cấp kiến thức một chiều, trò chỉ biết nhận bằng cách ghi nhớ thuộc lòng và phụ thuộc vào những kiến thức đó khi thi cử. Vì nếu dạy là chỉ cung cấp kiến thức và đánh giá chất lượng người học dựa vào khả năng nhớ thông tin, chúng ta sẽ phải lựa chọn cung cấp thông tin nào, liệu cái đầu của người học nhớ được bao nhiêu trong cái biển mênh mông kiến thức và thường xuyên thay đổi này ? Ðây là lối giáo dục thụ động, có thể phần nào chấp nhận được ở bậc tiểu học để trang bị cho các em một số kiến thức và chuẩn mực xã hội căn bản, nhưng không nên áp dụng ở các bậc học cao hơn, nhất là ở bậc đại học.

Mục đích của giáo dục không chỉ dừng lại ở mức độ biết và nhớ (savoir), mà còn làm cho người học biết làm, biết ứng dụng các kiến thức đó vào thực tiễn (savoir – faire), để rồi làm cho người học thay đổi thành một người khác, với suy nghĩ, thái độ và khả năng khác, tiến bộ hơn so với chính họ trước khi chưa được đào tạo (savoir – être). Mà muốn đạt đươc mục đích biết làm, biết ứng dụng, biết sống thì phương pháp giáo dục hay nhất là thực hành, là cho làm, là truyền thụ các phương pháp, chứ không phải truyền thụ kiến thức, nhất là đối với việc đào tạo ở bậc sau đại học. Người thầy ở bậc học này chỉ nên đóng vai người hướng dẫn, trang bị cho người học các phương pháp hơn là kiến thức sách vở, giúp người học biết cách tìm kiếm, thanh lọc thông tin nhằm trang bị cho họ khả năng tự nghiên cứu. Ở các nước phát triển, người ta luôn đề cao môn học về phương pháp (méthodologie): phương pháp học, phương pháp tìm tài liệu, viết luận văn, phương pháp đặt vấn đề, giải quyết vấn đề, vv. Ông thầy đến lớp không chỉ để “dạy” kiến thức, nhưng để chia sẻ với sinh viên cách đọc, cách làm nghiên cứu, giải đáp những thắc mắc của người học… và tìm kích thích sự sáng tạo, khả năng tự lập trong khoa học của họ.

Như vậy để đánh giá chất lược tốt xấu của các học viên cao học, tác giả Sơn Khê không thể chỉ dựa vào khả năng nhớ thuộc lòng các tên riêng, ngày tháng họp quốc hội vv. Nếu như tác giả xây dựng nội dung bảng trắc nghiệm từ sách giáo khoa tiểu học để đo lường chất lượng của các học viên cao học, thì tôi đảm bảo rằng các em học sinh bậc đó có thể sẽ trả lời chính xác hơn các giáo sư đại học vì một lẽ đơn giản, các em vừa mới học xong, hơn nữa khả năng nhớ thuộc lòng, chi tiết của trẻ con lúc nào cũng tốt hơn người lớn tuổi. Không lẽ vì vậy mà chúng ta kết luận là chất lượng của giáo sư đại học thấp hơn cả chất lượng của học sinh tiểu học. Nên chăng, để đánh giá chất lược của các học viên bậc học này, tác giả nên tìm cách đo khả năng tư duy, khả năng phân tích, khả năng đặt vấn đề, khả năng biết ứng dụng các phương pháp nghiên cứu để giải quyết vấn đề vv. Cũng như xem học viên đó có những công trình nào, hiệu quả và tác động của các công trình đó như thế nào, được tạp chí nào đăng tải, cách nhìn nhận, phân tích của họ về một sự kiện cụ thể như thế nào, vv.

Tôi nghĩ quan niệm về khái niệm chất lượng đào tạo sẽ quyết định chất lượng đào tạo, nếu chúng ta quan niệm không giống ai, đương nhiên chúng ta sẽ cho ra đời những sản phẩm đào tạo không giống ai. Có lẽ quan niệm của tác giả bài báo về chất lượng đào tạo ở bậc đại học là thuộc dạng như thế, và nếu quan niệm của những người có quyền quyết định trên việc giảng dạy đại học của nước nhà cũng như vậy thì đó mới là vấn đề thực thụ của giáo dục đại học, chứ không phải là kết quả trả lời trắc nghiệm trí nhớ kia.

Khía cạnh đạo đức và kỹ thuật của cuộc điều tra.

Ngòai ra, tác giả bài báo còn mắc phải mấy lỗi căn bản về đạo đức và kỹ thuật trong điều tra của mình. Về mặt đạo đưc, trong các nguyên tắc mà người tiến hành cuộc điều tra về xã hội buộc phải tuân thủ, có một nguyên tắc là phải bảo đảm tuyệt đối tính “vô danh” của những người trả lời, người điều tra không có quyền làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ dưới bất kỳ khía cạnh nào. Ở đây tác giả đã nêu đích danh những lớp học đã điều tra trên mặt báo[1], điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và tương lai của người trả lời, như vậy tác giả đã không biết hoặc không tôn trọng nguyên tắc đạo đức của một người tiến hành điều tra về xã hội.

Về kỹ thuật, tác giả đã sử dụng kỹ thuật điều tra thống kê mang tính định lượng, với điều tra thuộc loại này, mẫu điều tra chỉ 22 phiếu là quá ít, không đại diện cho bất kỳ điều gì, những con số phần trăm rút ra từ mẫu điều tra đó không có giá trị gì về mặt khoa học (nói đúng hơn là nó có thể đại diện cho hai lớp học cụ thể đó nếu số lượng người học không nhiều). Tác giả không thể dựa vào kết quả một điều tra quá nhỏ, không đảm bảo tính khoa học này để nói rằng chất lượng đào tạo sau đại học ở Việt Nam là “tồi” như thế.

Tôi đồng ý với tác giả là chất lượng giáo dục đại học đang có nhiều vấn đề, rất cần những nghiên cứu để định dạng các căn bệnh nhằm có thể có những phương pháp chửa trị tốt hơn, nhưng muốn làm điều đó chúng ta phải làm một cách nghiêm túc, và trên hết là phải có tính khoa học.

Tôi viết những điều trên với tinh thần hoàn toàn khách quan chứ không có dụng ý xấu gì với tác giả vì tôi chẳng biết tác giả là ai, tôi cũng chẳng tìm cách bênh đở gì các học viên các lớp cao học, đối tượng điều tra của tác giả nói riêng và việc giảng dạy cao học ở Việt Nam nói chung vì tôi không hề học cao học tại Việt Nam. Báo chí có chức năng thông tin, hướng dẫn dư luận, nhưng nếu đưa những thông tin không đảm bảo như thế thì thật không nên.

Nguon: http://www.tiengvongtre.com/?act=detail&grp=10&id=247

No comments:

Post a Comment