Thời nào cũng vậy, trí thức luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, nó càng đặc biệt quan trọng trong thời kinh tế tri thức ngày nay. Thế nhưng xã hội Việt Nam hiện nay dường như chưa phải là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng những nhân cách trí thức lớn [1] . Tôi đã gặp không ít những trí thức có tâm huyết, có chính kiến, nặng lòng với dân với nước, nhưng họ bị đủ thứ khó khăn bủa vây, làm cho nhiệt huyết, tư tưởng, kiến thức của họ không thể phát triển tốt, ngược lại còn thui chột dần, để rồi nhiều người trong họ cảm thấy đau, nỗi đau của những con người hiểu biết về hiện tình thời cuộc, nhưng lại không thể làm gì hơn. Đó là nỗi đau của kẻ "sĩ", phải chấp nhận làm những điều mình không muốn, và không thể thực hiện được những gì ước mong, dầu cho những ước mong đó rất chính đáng.
Người trí thức chân chính cần phải có chính kiến, khả năng tư duy độc lập, óc phê bình hầu có thể sáng tạo ra những công trình khoa học và văn hoá mới cho xã hội, cũng như có khả năng phát hiện những vấn đề, phê bình, phản biện nhằm góp phần làm cho xã hội phát triển một cách hài hoà. Muốn như thế, xã hội phải tạo ra môi trường tốt để những chính kiến riêng và óc phê bình có thể nảy sinh và phát triển. Điều kiện xã hội, chính trị và kinh tế hiện thời ở nước ta chưa mấy thuận lợi để có thể nuôi dưỡng những tố chất cần thiết của trí thức.
Yếu tố chính trị - xã hội
Một thời, người ta đã muốn tập thể hoá không những về hình thức sản xuất mà còn cả về mặt tư tưởng. Như thế thì làm sao tư duy độc lập và chính kiến của cá nhân có thể phát triển khi những người lãnh đạo xã hội lại muốn đồng phục hoá suy nghĩ của họ. Quán tính của một xã hội mang màu sắc tập thể hoá đang tác động tiêu cực cho tới ngày nay. Đó là những "vùng cấm", "vùng nhạy cảm" đang tồn tại bàng bạc trong xã hội nói chung và trong môi trường giáo dục và khoa học nói riêng. Làm sao các trí thức có thể sáng tạo và chu toàn chức năng phản biện xã hội của mình khi họ phải lo tránh những vùng cấm này. Đây là nguyên nhân sâu xa của sự nghèo nàn trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn.
Các nhà nghiên cứu, các trí thức khó lòng có thể tạo ra những công trình độc đáo khi họ phải tuân thủ định hướng chính trị có sẵn, công việc của họ phải đảm bảo "nguyên tắc chính trị". Một điều kiện xã hội chính trị như vậy sẽ không là một môi trường tốt nuôi dưỡng sự sáng tạo, phát kiến và chính kiến.
Môi trường giáo dục
Là trí thức, không ai lại không qua con đường giáo dục, hay nói cách khác, qua hệ thống đào tạo, vốn là nơi nuôi dưỡng những nhân cách trí thức. Cứ nhìn vào hệ thống giáo dục của một nước, chúng ta sẽ có thể dự đoán được tương lai của đất nước đó. Bởi lẽ, nếu nền giáo dục yếu kém, đất nước đó sẽ không thể cung cấp cho xã hội tương lai nguồn nhân lực tốt, và càng khó lòng đào tạo những nhà trí thức lớn làm rường cột và thúc đẩy sự phát triển.
Hệ thống giáo dục của ta hiện nay như một cơ thể bệnh hoạn, mà theo tôi, nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ sự dùng dằng trong việc lựa chọn một nền minh triết giáo dục. Mẫu người công dân lý tưởng mà nền giáo dục hiện nay nhắm tới là gì? Thật khó để có thể định nghĩa một mẫu người lý tưởng làm mục tiêu cho hoạt động giáo dục đào tạo hiện nay một cách rõ ràng như hình ảnh "Người quân tử" của nền giáo dục Nho giáo ngày xưa, hay hình ảnh "Con người mới XHCN" của thời kỳ trước Đổi mới. Việc tìm ra một mẫu số chung hài hoà giữa những đòi hỏi của nền kinh tế thị trường và định hướng XHCN thật phức tạp. Nhất là cách hiểu, cách làm để đảm bảo định hướng XHCN hiện nay vẫn còn chưa thoát khỏi sự níu kéo của quá khứ, vốn đã từng xem kinh tế thị trường là sản phẩm của kẻ thù... Hệ thống giáo dục nói chung và đại học nói riêng là nạn nhân của sự dùng dằng, không thông suốt này. Điều này đã làm nảy sinh một loạt các vấn đề giáo dục như sự quá tải trong các chương trình đào tạo, nội dung giảng dạy lạc hậu, xơ cứng và xa rời thực tế, phương pháp giảng dạy và học tập thụ động, sự xuống cấp đạo đức học đường, v.v... Với phương cách quản lý giáo dục tập quyền cao độ và sự nặng nề trong các chương trình đào tạo đã và đang tước đi nơi người dạy và người học những khoảng trống cần thiết về mặt thời gian, về sự tự do để có thể làm nảy nở những sáng tạo và chính kiến.
Nhà trường không những chỉ là nơi chuyển tải cho học sinh những kiến thức khoa học và văn hoá đã có, mà còn có nhiệm vụ rèn luyện cho các em khả năng phân tích, phê bình, cải tiến những gì có sẵn, kể cả hệ thống luật pháp và những chuẩn mực đang chi phối xã hội trong đó các em sống. Cách đây hơn hai thế kỷ, Condorcet (1743–1794), triết gia người Pháp đã có những tư tưởng về giáo dục rất tiến bộ, đáng cho chúng ta học hỏi. Ông đã viết trong "Báo cáo về giáo dục công", trình trước Quốc hội Pháp họp ngày 20-21 tháng tư năm 1792: "Mục đích của giáo dục không phải làm cho con người quy phục nền hiến pháp đẵ có sẵn, mà làm cho họ có khả năng nhận xét và sửa đổi nền hiến pháp đó; không phải để bắt buộc thế hệ hiện tại phải tuân phục theo những tư tưởng ý chí của thế hệ trước, mà để soi sáng những điều này nhằm mục đích làm cho mỗi người ngày càng xứng đáng với phẩm giá, và dùng lý trí của riêng mình để tự điều chỉnh lấy chính bản thân" [2] . Như vậy mục đích của nền giáo dục không chỉ là truyền thụ cho người học những gì có sẵn, mà còn phải tạo ra nơi người học khả năng tư duy độc lập, óc phê bình, có chính kiến hầu có thể cải tiến chúng. Nghĩa là nhà trường có nhiệm vụ đào tạo ra những trí thức chân chính có thể thúc đẩy xã hội phát triển.
Yếu tố kinh tế
Tôi nhớ mãi tâm sự của một trí thức mà tôi đã phỏng vấn trong một cuộc điều tra khi trả lời câu hỏi liên quan đến thân phận người thầy trong xã hội: "Là người giảng viên, tôi có hai chức năng: nghiên cứu và giảng dạy. Khổ nỗi, tôi không thể chu toàn hai nhiệm vụ đó. Nói thật, bây giờ tôi không dám sử dụng động từ ‘dạy’ nữa, vì trong thực tế tôi có dạy gì đâu, tôi như một chiếc cassette xuất hiện trước sinh viên, lặp đi lặp lại những điều đã có trong đầu từ bao năm nay để kiếm sống. Anh thấy đó, ngôi nhà này tôi vừa xây là nhờ vào tiền kiếm được. Để như vậy, tôi phải dạy ngày, dạy đêm. Tôi không là trường hợp duy nhất nhé, hầu như tất các giảng viên bây giờ đều vậy. Tôi buồn lắm, không phải vì thiếu thốn vật chất mà là nỗi buồn, sự xấu hổ của một kẻ sĩ. Làm thế nào được, khi tôi phải nuôi vợ con tôi trong cái xã hội này? Tôi phải lựa chọn, một bên là bảo vệ hình ảnh của một trí thức chân chính trong tôi, bên kia là gia đình. Cũng như những người khác, tôi đã chọn gia đình..."
Thầy giáo này tiếp tôi lúc 22h30, sau khi trở về từ lớp học tối. Tôi đồng cảm với thầy trong nỗi trăn trở về thời thế và thiên chức nghề nghiệp. Thầy chẳng có lỗi gì cả, việc thầy lựa chọn gia đình là đương nhiên. Thầy mặc cảm vì đã không thể chu toàn phận vụ của một trí thức chân chính, của một giảng viên đại học. Đó là nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy theo đúng nghĩa. Làm sao những giảng viên đại học có thể dấn thân hoàn toàn cho sự nghiệp khoa học và giảng dạy khi lương [3] căn bản của họ không đủ nuôi sống bản thân, chứ đừng nói là nuôi gia đình họ. Tiêu cực, tham nhũng trong giáo dục bắt nguồn từ đây.
Phải dứt khoát rằng, người Việt không thua kém bất kỳ một dân tộc nào về tố chất thông minh. Bằng chứng là rất nhiều những trí thức gốc Việt trong các nước phát triển đang góp phần tích cực trên mọi lãnh vực khoa học và kỹ thuật của các nước này. Ngay trong nước, chúng ta cũng không thiếu những trí thức chân chính, họ như những hạt giống tốt trên mảnh đất cằn cỗi. Đất đã không làm cho hạt giống nảy mầm và sinh sôi, trái lại đang làm cho chúng thui chột dần. Làm sao để cải tạo môi trường kinh tế, chính trị, xã hội và giáo dục để những hạt giống trí thức có thể nảy mầm và phát triển một cách khoẻ mạnh, đó là câu hỏi đặt ra cho những người có trách nhiệm.
[1]Xem khái niệm “trí thức” trong “Trí thức nước nhà mạnh hay yếu?” của Ts Chu Hảo đăng trên VietNamNet, ngày 12/01/2007.[2]Cinq mémoires sur l’instruction publique, Paris, Edilig, p.68.[3]Ví dụ: lương căn bản của các giảng viên trẻ chỉ từ 500 000- 700 000 đồng, lương các giáo sư chi từ 2 đến 3 triệu (xem "Đội ngũ giảng viên đại học, tre già, măng chậm mọc", VnExpress, ngày 8/12/2004).
Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9056&rb=0206 và http://www3.vietnamnet.vn/baylenvietnam/suaminh/2007/01/654250/
No comments:
Post a Comment