Wednesday, December 12, 2012

Những cảm nghĩ sau một chuyến hồi hương (nguyen ban)

       
Nguyễn Khánh Trung
Khi chiếc máy bay của Hãng hàng không Việt Nam Airline hạ độ cao để đáp xuống Phi trường Nội Bài Hà Nội, nhìn qua cửa sổ, hình ảnh đất nước thân yêu từ từ xuất hiện tựa như một bức tranh đầy sắc màu trải dài. Từ màu xanh của núi rừng trùng điệp đến màu xanh của những luỹ tre làng thân quen. Màu sắc của vạn vật hoà quyện với ánh nắng ban mai làm cho bức tranh thật tươi sáng. Những dòng sông uấn quanh các thành phố, làng mạc, đây đó còn lốm đốm những ngọn đèn điện như đang cố góp sức cùng với ánh mặt trời tô điểm cảnh đẹp thêm phần rực rỡ.

Tuy nhiên, Việt Nam từ trên không trung nhìn xuống rất khác với một nước Việt thực tế dưới mặt đất. Hình ảnh Ðất nước ngắm từ trên cao tưởng chừng dịu êm, e thẹn thướt tha như hình ảnh những nữ sinh trong chiếc áo dài duyên dáng lại đang mang một dáng vẻ khác, trẻ trung sinh động nhưng cũng đầy những mảng tối đáng sợ.


Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là cảnh một nhóm người đang còng lưng cắt cỏ bằng liềm ngay bên cạnh đường băng mà máy bay chạy qua khi đã hạ cánh. Đây là cảnh lao động thô sơ duy nhất mà tôi thấy ở các sân bay trên thế giới đã có dịp đi qua. Hình ảnh lao động rất nông nghiệp này phản ảnh một sự lạc hậu và nghèo nàn. Ngay cả tại một sân bay quốc tế như Nội Bài vẫn cứ tồn tại cảnh lao động thô sơ dựa vào sức người, trong khi ở các nước phát triển, không mấy gia đình ở nông thôn lại không có máy cắt cỏ. Chỉ điều này thôi cũng đã đủ nói rằng vị trí “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” của ta hảy còn rất xa so với thế giới. Tuy nền kinh tế từ khi Ðổi mới phát triển với những con số minh họa đầy ấn tượng, nhưng thực tế chúng ta vẫn còn thua xa so với các nước trong khu vực, bởi lẽ mình tăng trưởng thì thiên hạ cũng đâu đứng yên. Theo cách so sánh của người đại diện Quỷ Tiền Tệ Quốc Tế (IFM) tại Việt Nam, ông IL Houng Lee, thì nếu chúng ta giữ được mức độ tăng trưởng như hiện nay, Việt Nam cũng phải mất 18 năm nữa để đuổi kịp Indonesia, 34 năm với Thái Lan và 197 năm với Singapore. 

Vào tới phòng làm thủ tục nhập cảnh, chúng tôi phải đứng xếp hàng chờ hơn 20 phút mà không thấy bóng dáng một nhân viên hải quan nào. Một người bạn ghé tai tôi nói nhỏ : « Chúng ta phải chờ thôi, các sếp đang uống cà phê buổi sáng, mà cà phê pha bằng phin nên chảy hơi chậm !». Chúng tôi phá lên cười để xoá đi sự bực dọc. Uống cà phê pha bằng phin là cái thú đang rất phổ biến ở nước ta, nhất là khu vực phía nam, nhưng nó còn là biểu hiện của sự phung phí thời gian. Thói quen này có lẽ không mấy phù hợp với thời công nghiệp hiện đại. Điều đáng nói ở đây là thái độ phục vụ kém của nhân viên công quyền bắt rễ từ một nền hành chính xin – cho, các quan chức nhà nước tự cho mình cái quyền trên người dân, từ đó phát sinh những thái độ hách dịch, cửa quyền và thiếu tôn trọng người dân. Ở các nước văn minh, viên chức Nhà nước được trả lương nhằm để phục vụ người dân. Họ buộc phải xem người dân là khách hàng, từ đó có những thái độ cử chỉ phù hợp giữa người phục vụ và người được phục vụ, chứ không thể xem người dân là những người tìm đến cửa quan để xin ơn.
Cuối cùng thì các cán bộ trong quân phục hải quan cũng xuất hiện và bắt đầu làm việc. Hình như họ rất tiết kiệm nụ cười và những lời chào. Nhìn họ cứ như những người máy vô cảm đang thực hiện những thao tác đã được lập trình sẵn một cách vô cảm. Thái độ này hoàn toàn không đẹp, nhất là những người này đang làm việc ở cửa ngõ của một đất nước vốn có tiếng là hiếu khách. 

Ra khỏi sân bay, tôi thật xúc động bởi đây là lần hồi hương đầu tiên sau nhiều năm xa quê, các anh chị và bạn bè đang đón chờ tôi, với những bó hoa hồng thắm và những nụ cười vui hạnh phúc mừng tái ngộ không sao nói thành lời. Tay bắt mặt mừng, niềm vui khôn xiết nhưng không biết diễn tả thế nào. Tình cảm chan chứa mà các anh chị dành cho tôi là đặc trưng của người dân Việt. Con người chúng ta trọng tình nghĩa, thiên về đời sống cộng đồng và gia đình. Cái nét riêng Á Ðông này cần phải được giữ gìn, nó là liều thuốc đề kháng trong quá trình hội nhập với thế giới xét về mặt văn hóa, nó cũng là chất xúc tác thúc đẩy sự tăng trưởng nếu biết phối hợp với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Chẳng phải Nhật Bản đã phát triển như vũ bảo nhờ kết hợp giữa tinh thần Á đông và khoa học kỹ thuật của Âu Mỹ đó sao; Trung Quốc và Do Thái thành công cũng một phần nhờ vào tinh thần cộng đồng của người dân họ. 

Chúng tôi cùng nhau lên xe mà các anh chị tôi đã thuê sẵn để về quê sau khi đã vất vả từ chối những lời mời chào của đủ thứ chủ phương tiện. Xe vừa chuyển bánh, có hai người đàn ông trong đồng phục của những nhân viên bảo vệ sân bay chận lại và đòi kiểm tra giấy tờ. Sau khi lật đi lật lại quấn hộ chiếu của tôi, một người trong họ hạ giọng nói với tôi với một nụ cười đầy nham nhở : « Chú em đi nước ngoài về, cho mấy anh ít đồng ăn sáng». Tôi còn chưa biết trả lời thế nào thì anh tôi đã vội móc túi lấy tiền. Bỗng dưng, tôi lấy lại bình tĩnh và hỏi : « các anh là nhân viên của sân bay a ? », hai người này có vẽ lúng túng, tôi liền nói thật lớn cố ý cho những người khác nghe : « các anh có quyền gì để kiểm tra giấy tờ của tôi, tại sao các anh lại đòi tiền?». Họ liền xuýt xoa : “Không cho cũng được, chú em đừng lớn tiếng quá», thế rồi chuyền mất. Người tài xế nói với chúng tôi, đây là những người giả mạo an ninh sân bay để làm ăn. 

Tôi không biết là giả hay thật, nhưng thực sự rùng mình và cảm thấy bất an trước những gì xảy ra. Đây là hình ảnh đại diện cho những màn làm ăn lừa lọc, phi pháp. Nụ cười trơ trẽn và giọng nói vòi tiền của người đàn ông kia làm tôi mường tượng đến những cảnh tham ô, móc ngoặc đang tồn tại khắp nơi trong xã hội ở đủ mọi cấp độ. Chúng như những vết đen bôi bẩn bộ mặt của xã hội, chúng là giặc nội xâm đang ra sức lủng loạn và cản phá bước tiến của Đất nước. 

Tôi còn tức tưởi bởi sự giằng co ở sân bay, thì thần kinh tôi lại căng thẳng khi liên tục chứng kiến những tai nạn giao thông trên đường về quê : xe du lịch đụng xe tải, xe hai bánh húc nhau, những vết máu loang lổ còn đọng lại trên đường, cảnh sát giao thông và những người dân tò mò còn chưa kịp giải tán. Mà tai nạn không xảy ra sao được khi chính chiếc xe đang chở chúng tôi cứ hiên ngang chạy qua làn đường ngược chiều mặc cho những xe tải to đùng đang lù lù xốc tới. Vì sợ, tôi phải liên tục xin bác tài giảm tốc độ và lưu thông đúng làn đường. Người tài xế nói với tôi : « cậu lâu ngày mới về lại nên chưa quen thôi, ở ta là như vậy đấy ! ». Ừ, Việt Nam chúng ta như vậy, nên tỷ lệ người chết vì tai nạn giao thông cao hàng đầu thế giới, trung bình mỗi ngày có khỏang 40 người chết một cách oan uổng trên đường. Chưa kể tại nạn giao thông đã làm thương tật biết bao người trẻ, họ sẽ là gánh nặng cho gia đình của họ và cho cả xã hội. Tôi có cảm giác rợn người, sao ở xứ mình mạng sống con người rẻ rúng quá. Người ta không những khinh khi mạng sống của mình mà còn sẵn sàng chà đạp lên sự sống của người khác. Chẳng lẽ chúng ta lại bất lực trước sự chết chóc phi lý này ? Những người ăn lương của dân để lo về giao thông đã làm gì ? Tại sao giao thông lại lộn xộn đến thế, trong khi ít có nước nào lại có số lượng cảnh sát đứng đường nhiều như nước ta ? Đi đâu cũng thấy cảnh sát, nhưng ở đâu cũng có tai nạn giao thông ! Tôi lại nhớ đến cảnh mãi lộ đang tồn tại khắp nơi trên các tuyến đường từ bắc vào nam, mà giới tài xế gọi là « làm luật ». Một hiện tượng tiêu cực gần như công khai nhưng không có sự cố gắng để giải quyết một cách rốt ráo. 

Tôi vui mừng khi thấy lại những cảnh quê thân quen đã gắn liền với tôi suốt tuổi thơ, tôi cũng vui mừng vì thấy cuộc sống mọi người giờ đây khấm khá, nhà nào cũng có xe máy, truyền hình, DVD, vv. Thế nhưng những đổi thay về mặt kinh tế đã làm nảy sinh biết bao vấn đề cần suy nghĩ : Trước hết là sự bất bình đẳng xã hội ngày càng lớn, bên cạnh những đại gia mới nổi, vẫn còn vô số những lao động nghèo tập trung ở những vùng nông thôn ; các tệ nạn xã hội như ma tuý, mãi dâm, cờ bạc, vv, đã tràn về giày xéo quê hương tôi, trong khi sự ảnh hưởng tích cực của những chuẩn mực và các giá trị truyền thống trên cá nhân ngày càng phai mờ, không đủ mạnh để giúp lớp trẻ có thể kiềm chế trước những cảm bẩy. Các gia đình có con ở độ tuổi vị thành niên rất lo lắng vì môi trường giáo dục quá xấu. Tôi thực sự kinh ngạc vì cách suy nghĩ và lối sống thực dụng của lớp trẻ mới lớn hiện nay, nhất là con cái của những người có tiền bạc, mà hiện tượng “ Vàng Anh” vừa qua chỉ là một biểu hiện. Lớp trẻ là tương lai của đất nước, nếu họ dễ dàng xiêu vẹo trước những cơn gió độc của thời toàn cầu hóa, mà không đủ khả năng, không trưởng thành để sàng lọc, học hỏi những điều hay cái đẹp từ thiên hạ thì làm sao lèo lái con thuyền dân tộc giữa biển lớn trong tương lai. Đương nhiên lỗi lầm không hoàn toàn thuộc về họ, bởi nhân cách của họ được kết tụ từ môi trường văn hóa xã hội và chính trị xung quanh họ do người lớn tạo ra. Chính người lớn, nhất là những ai đang mang trọng trách trong lĩnh vực văn hóa – giáo dục phải chịu trách nhiệm. 

Phát triển đâu chỉ đơn thuần là tăng trưởng về mặt kinh tế, nó còn là sự phát triển một cách hài hoà giữa nhiều yếu tố như văn hoá, chính trị, xã hội và môi trường. Nếu như để thúc đẩy tăng trưởng về kinh tế mà chúng ta hi sinh môi trường sinh thái, chúng ta không lưu ý đến sự công bằng xã hội, không đổi mới về cơ cấu để người dân có thể thụ hưởng đầy đủ những quyền lợi, không chú ý đến giáo dục và môi trường văn hoá, thì sự phát triển sẽ què quặt, không đảm bảo tính bền vững, nếu không muốn nói là sẽ nguy hiểm cho tương lai mà con cháu chúng ta phải gánh chịu.
Nguồn: http://vnn.vietnamnet.vn/bandocviet/2007/12/758022/

1 comment:

  1. Chưa hết đâu anh, như ở quê em, giờ đây người người có tiền, nhà nhà đầy tiền, nên tình thân ái giữa con người với nhau là quá xa vời, tình gắn bó anh em là một thứ xa xỉ phẩm bởi ai cũng bo bo sợ người khác xin của mình vài đồng, mượn của mình ít chục. Anh em, họ hàng, làng xóm xét nét, ngó nghiêng nhau, ghen tức hơn thua. Ôi, không thực sự chứng kiến, nhưng nghe những câu chuyện về quê hương như vậy thật buồn. Kinh tế phát triển, văn hóa sống thụt lùi.

    ReplyDelete