Tuesday, October 31, 2023

Công bằng cơ hội trong giáo dục

 

Cần phải có luật, có những chính sách, và quan trọng là vai trò điều tiết của Nhà nước để làm giảm sự bất công vốn có trong xã hội bằng cách tạo ra công bằng cơ hội trong giáo dục. 

 Cả đất nước đang trong mùa nóng tuyển sinh, nhất là tuyển sinh vào lớp 10, với những điểm cực nóng như ở Hà Nội. Hiện trạng thiếu trường lớp cộng với văn hóa điểm số làm cho cả phụ huynh và học sinh vô cùng khốn khổ. Giáo dục trở thành một trường đua căng thẳng, bát nháo và đầy bất công. Không biết có nơi nào trên thế giới mà phụ huynh lại phải xếp hàng xuyên đêm “từ 21 giờ đêm hôm trước đến trưa ngày hôn sau” (theo Báo Tuổi trẻ) để đăng ký cho con học như ở Hà Nội không? Năm nay tại thành phố này, gần 130.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9, nhưng chỉ tiêu vào lớp 10 công lập chỉ hơn 75.000, như vậy gần một nửa học sinh còn lại sẽ đi đâu? Các em sẽ phải vào trường tư, trường công tự chủ, trường bổ túc văn hóa, trường nghề hay trường đời?

 

Bất bình đẳng trong giáo dục

Hiện trạng trên đụng đến nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề về “bình đẳng cơ hội trong giáo dục”, làm chúng ta không thấy bóng dáng của mục tiêu “giáo dục bao trùm” ở đâu.

Mỗi cá nhân là một chủ thể duy biệt xét về nhiều mặt: khả năng, tình trạng tâm thể lý, hoàn cảnh xã hội, điều kiện, môi trường gia đình… Sự khác biệt này làm nên sự duy biệt nơi từng cá thể, nhưng cũng phản ánh sự bất bình đẳng giữa các cá nhân ngay từ khi sinh ra. Một em bé sinh ra trong một gia đình nông thôn nghèo khó, cha mẹ có trình độ học vấn thấp, sẽ rất khác với một em bé được sinh ra trong một gia đình giàu có ở các thành phố lớn, cha mẹ có học vấn và có ý thức tốt về giáo dục con cái, đủ đầy điều kiện để gửi con vào học trong những trường chuyên lớp chọn, những trường quốc tế chất lượng… Sự bất công này vốn là bản chất của xã hội loài người, do điều kiện tự nhiên hay xã hội mang lại.

Do vậy, nếu các xã hội không làm gì để cải thiện tình hình, thì rồi xã hội không chỉ là xã hội có giai cấp, mà còn là xã hội đẳng cấp, con vua thì cứ lại làm vua, con sãi ở chùa thì vẫn miệt mài quét lá đa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Con trẻ (vốn không có tội tình gì), không may mắn sinh ra trong các gia đình không có điều kiện sẽ bị kẹt cứng trong đẳng cấp của mình.

Trở lại với câu chuyện tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội, hơn 50 nghìn học sinh tốt nghiệp lớp 9 không được vào trường công sẽ phải vào các loại hình trường khác, trong đó phần lớn là trường tư với mức học phí chênh lệch quá cao. Học phí trường công cao nhất là 300.000/tháng trong khi học phí trường tư trung bình là 7 triệu/tháng, gấp từ 10 đến 30 lần so với trường công (theo khảo sát của báo chí), trong khi phụ huynh của các học sinh trường tư này cũng phải đóng thuế để nuôi các trường công kia. 

Vậy nên, trừ các trường hợp phụ huynh tự nguyện cho con học trường tư, thì các phụ huynh không tự nguyện, nhưng phải cho con vào trường tư hay các hình thức giáo dục khác vì không thể làm gì khác, phải chịu một sự bất công quá lớn. Vấn đề tài chính là một cản trở dẫn đến hiện trạng con em của các gia đình nghèo phải bỏ học, nhất là ở cấp 3. Theo Báo cáo năm 2022 của UNICEF về giáo dục Việt Nam, tỷ lệ trẻ bỏ học ở cấp 3 nơi các gia đình nghèo trên toàn quốc là 47% trong khi tỷ lệ này ở các gia đình khá giả chỉ là 2%1.

 

Công bằng cơ hội trong giáo dục

Các quốc gia dân chủ phát triển tin rằng, công bằng cơ hội trong trường học góp phần tạo ra công bằng trong xã hội. Tạo ra công bằng cơ hội không phải là cào bằng, triệt tiêu tính duy biệt nới từng cá thể, không phải là đặt tất cả các cá thể khác nhau trước cùng một vạch xuất phát và yêu cầu mọi người phải đến cùng một đích như kiểu thi cử thường thấy ở Việt Nam. Hay cần một lực lượng cách mạng nào đấy để lấy đi thế mạnh của các cá nhân mạnh, mà cần một Nhà nước phúc lợi tạo ra các chính sách để những cá nhân yếu thế cũng có cơ hội thành công, cũng có thể phát triển tối đa các khả năng của bản thân.

Muốn làm điều này một cách chân thành và tử tế, trước hết nhà trường và chính quyền “liên ngành” phải tiếp cận với sự bất bình đẳng gắn liền với từng cá nhân sớm nhất, thậm chí là khi em bé vừa mời chào đời. Một em bé mang khuyết tật bẩm sinh, hay có những khó khăn tâm thể lý, một em bé sinh ra trong một gia đình nghèo khó về vật chất cũng như tình thần, thì cần được kèm cặp, hỗ trợ sớm nhất để em bé đó có cơ hội phát triển như những em bé lành lặn, khỏe mạnh và đầy đủ điều kiện khác. Hay nói cách khác, em bé không may này không phải bị kẹt cứng trong những rào cản từ gia đình, xã hội riêng của em.

 

Một lối đi

Ở đây tôi không có ý chê bai các trường tư, sự hiện diện của các trường tư rất cần thiết và hầu hết các quốc gia đều có. Sự hiện diện của các trường tư góp phần làm phong phú hệ thống giáo dục và giúp chia sẻ với nhà nước công việc giáo dục. Thế nhưng không nên để trường tư như một lựa chọn sau cùng và kèm với đó là gánh nặng học phí của các gia đình, mà là một lựa chọn chủ động, là sự thực hiện quyền lựa chọn của người dân trong một xã hội dân chủ.

 

Nghĩa là nhà nước nên tạo ra một tình trạng “trăm hoa đua nở” trong giáo dục với sự tham gia của nhiều thành phần từ tư nhân, từ các hội đoàn, tổ chức tôn giáo và để người dân thực hiện quyền lựa chọn. Nhiệm vụ của nhà nước là theo chân từng em nhỏ để hỗ trợ về kinh phí cũng như các mặt khác. Trường nào tử tế, chất lượng (không phân biệt công hay tư) thì sẽ thu hút được nhiều học sinh và như vậy cũng sẽ thu hút được nhiều tiền đầu tư của nhà nước để phát triển, khẳng định uy tín, nhãn mác của trường mình; ngược lại những trường không chất lượng sẽ phải tự đào thải vì không thu hút được “khách hàng”.

Để đảm bảo quyền được giáo dục một cách công bằng cho học sinh, chúng ta có thể học tập một số mô hình hỗ trợ học sinh học trường tư thục ở các nước phát triển.

Cơ chế quản lý theo mô hình thị trường nên được áp dụng để làm sinh động và thúc đẩy các trường phát triển. Cơ chế thị trường học đường này không phải được điều tiết bằng giá cả, bằng tiền bạc như trong thị trường kinh tế mà được điều tiết bởi chất lượng đào tạo và dịch vụ của các trường và kèm theo là sự lựa chọn của người dân. Nghĩa là phụ huynh phải có quyền lựa chọn trường lớp cho con, và sự lựa chọn của họ dựa trên tiêu chí chất lượng sẽ là yếu tố điều tiết chính trong thị trường học đường. Đây là khuynh hướng cải cách của nhiều nước trên thế giới hiện nay, chẳng  hạn như ở Bỉ và Pháp.

Tôi có một gia đình người quen ở Bỉ có con sẽ vào lớp 10 trong năm học tới, họ đã chọn trường tư cho con, nhưng không vì vậy mà họ phải trả học phí. Nghĩa là quyền lựa chọn trường tư chủ động thuộc về học sinh và phụ huynh, còn nhà nước thì phải theo sự lựa chọn của họ để trả học phí thay cho phụ huynh.

 

Ở Pháp, nơi các con tôi đang học trường tư không được miễn phí hoàn toàn như tại Bỉ, nhưng học phí không phải là gánh nặng cản trở quyền lựa chọn của người dân. Con thứ hai của tôi năm nay cũng vừa tốt nghiệp cấp 2 và năm tới đây sẽ vào trường cấp 3, cũng là trường tư. Tại trường này, học phí với những gia đình thu nhập cao là 801 Euro/năm, với những gia đình có thu nhập thấp là 681 Euro/năm. Nhà nước hỗ trợ các gia đình khoản học phí này bằng cách cung cấp học bổng cho học sinh và mức học bổng cũng tùy thuộc vào thu nhập của từng gia đình. Ngoài ra học bổng xã hội này, cứ đầu năm học, nhà nước hỗ trợ tất cả trẻ em một số tiền để các em mua cặp vỡ, quần áo đầu năm học mới, số tiền đầu năm này cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh của gia đình và độ tuổi của các con, chẳng hạn năm học 2023 – 2024 sắp tới sẽ là 434,60 Euro/học sinh đối với lứa tuổi 15 đến 18.

Ngoài các khoản trợ cấp mang tính xã hội này, các học sinh giỏi còn có thể nhận được tiền thưởng tài năng và như vậy trong nhiều trường hợp là các em thậm chí có cả tiền “lời” khi học trường tư. Còn các học sinh học trường công thì đương nhiên là hoàn toàn miễn phí.

Hà Nội thiếu trường, hàng ngàn học sinh không có chỗ học, trách nhiệm là thuộc về nhà nước và chính quyền địa phương. Theo tôi, trong hoàn cảnh này, nên thúc đẩy các cá nhân, doanh nghiệp hay các tôn giáo tham gia vào sự nghiệp giáo dục, trong khi chính quyền có trách nhiệm chưa xây kịp các trường công thì có thể gửi các cháu qua các trường tư, nhưng không phải phó mặc. Nhà nước phải cung cấp các phương tiện cho các em như học sinh các trường công, đặc biệt là học phí, để dù các em học trường tư hay trường công thì vẫn được đảm bảo quyền lợi công bằng, các em vẫn có cơ hội như nhau trong việc học tập và phát triển bản thân. Dĩ nhiên các trường tư sẽ phải thu học phí để tồn tại và phát triển, nhưng nhà nước phải hỗ trợ học phí (hoàn toàn hay một phần tùy theo thu nhập của từng gia đình) cho các em thay cho các gia đình vì đó là quyền lợi, là sự công bằng cơ hội trong giáo dục.

Tôi nghĩ, đây là một lối đi phù hợp, đúng chức năng, đúng việc, đúng quyền lợi của mỗi chủ thể trong giáo dục để thực hiện một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh thực sự.□
——
1 UNICEF, Viet Nam Education Fact Sheets / 2022, tr. 20

Nguồn: Tạp chí Tia Sáng, ngày 22/07/2023

Dạy học tích hợp ở Pháp như thế nào?

 Nguyễn Khánh Trung

Bộ Giáo dục Pháp đã ban hành các văn bản hướng dẫn với những nội dung nền tảng, tổng quát liên quan đến việc tích hợp các cụm môn học với nhau theo từng cấp lớp, với các chuẩn kiến thức và kỹ năng...nhằm giúp các giáo viên dễ dàng hơn trong việc chuẩn bị và tiến hành các chương trình giảng dạy.

 

Áp dụng thí điểm và có nghiên cứu tác động

Pháp bắt đầu thí nghiệm giảng dạy tích hợp với chương trình tích hợp môn khoa học và công nghệ (EIST) tại khối lớp 6 và 7 từ năm học 2006 - 2007 với 19 trường trung học cơ sở tham gia ban đầu một cách tự nguyện. Năm học 2007 - 2008 có 38 trường tham gia và những năm sau đó có 200 trường tham gia. Năm 2016, Pháp thực hiện cải cách giáo dục, và việc giảng dạy tích hợp liên môn được chính thức đưa vào chương trình giáo dục quốc gia áp dụng trên toàn quốc.

Sau những năm đầu thực hiện, Bộ Giáo dục Pháp đã làm các nghiên cứu và công bố các báo cáo chi tiết về hiệu quả của hình thức giảng dạy này. Đa số các giáo viên tham gia nghiên cứu đã đánh giá cao trong nhiều khía cạnh, chẳng hạn: hình thức giảng dạy này làm tăng sự quan tâm, kích thích động lực, giúp học sinh tự chủ hơn, cải thiện khả năng làm việc nhóm, học sinh cảm thấy thoải mái hơn…

Ngoài ra, hình thức giảng dạy này cũng mang đến cho các giáo viên nhiều lợi ích, chẳng hạn mở rộng sự hiểu biết, cải thiện khả năng nghiên cứu, quan sát, kỹ năng thực hiện các dự án, triển khai các chủ đề khác nhau, cải thiện mối quan hệ với học sinh, khả năng kèm cặp riêng các học sinh trong giảng dạy… so với cách giảng dạy theo từng môn.

Giảng dạy tích hợp là một sự hợp tác, kết hợp các kiến thức và kỹ năng giữa các môn học để làm cho giáo dục gần cuộc sống hơn, nên đòi hỏi các giáo viên và học sinh cũng phải có một sự hợp tác trong việc giảng dạy và học tập như bản chất sự tích hợp.

 

Bộ Giáo dục Pháp hỗ trợ giáo viên như thế nào?

Hiện nay, Bộ Giáo dục Pháp đã ban hành các văn bản hướng dẫn với những nội dung nền tảng, tổng quát liên quan đến việc tích hợp các cụm môn học với nhau theo từng cấp lớp, với các chuẩn kiến thức và kỹ năng, cách thức tổ chức và đánh giá, các nội dung, chủ đề chính nhằm giúp các giáo viên dễ dàng hơn trong việc chuẩn bị và tiến hành các chương trình giảng dạy.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục Pháp chỉ đưa ra những hướng dẫn, những đường hướng chung, tạo ra những chính sách khuyến khích các giáo viên, làm các nghiên cứu, đánh giá, cung cấp những hình mẫu thành công và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các giáo viên chứ không chen sâu một cách chi tiết vào công việc của các giáo viên tại các trường.

Sau nhiều năm thực hiện, Bộ Giáo dục Pháp khẳng định, hình thức giảng dạy tích hợp sát với đời thực vì cuộc sống vốn là một sự tổng hợp nhiều khía cạnh, để giải quyết một vấn đề trong cuộc sống, hiếm khi chúng ta vận dụng một kiến thức chuyên ngành cụ thể nào đó mà thường vận dụng các kỹ năng và hiểu biết tích hợp từ nhiều loại kiến thức và các trải nghiệm thực tế.

Hình thức giảng dạy này thích hợp với cấp giáo dục phổ thông, giai đoạn trang bị cho các công dân tương lai các kiến thức và kỹ năng nền tảng, giáo dục các em các thái độ, trang bị cho các em vốn văn hóa cần cho cuộc sống chứ chưa đòi hỏi các học sinh đi sâu vào các lĩnh vực chuyên ngành vốn là chức năng của các cấp học cao hơn.

Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân, ngày 07/09/2023

Để ngày khai giảng không bị thủ tục hóa…

Nguyễn Khánh Trung 

 (Đăng trên Thế giới và Việt Nam, ngày 05/09/2023)

 Để ngày khai giảng là một ngày vui… 

Khai giảng là ngày vui, ngày có những kỷ niệm đẹp với sự háo hức, hồi hộp khi được gặp lại bạn bè, thầy cô, trường lớp sau mấy tháng Hè của tuổi học trò… Thế nhưng học sinh hiện nay khó có thể có được những điều này vì ngày khai giảng thường không phải là ngày đầu tiên của năm học mới. Do vậy, nếu nói ngày này chỉ là “thủ tục hóa” cũng không sai. Đó là chưa kể, các nội dung, cách thức tổ chức ở một số trường thường không lấy học sinh làm trung tâm cho dù là phần “lễ” hay phần “hội”. Trong khi đó, không ít học sinh vốn đang là tuổi chạy nhảy sẽ rất mệt mỏi, uể oải khi phải ngồi yên cả giờ để nghe người lớn phát biểu diễn văn, những bản báo cáo thành tích của nhà trường. Nguyên nhân có lẽ là chúng ta còn câu nệ hình thức, công thức, câu nệ thành tích và theo thói quen tập thể, đồng loạt. Tức là, trường tổ chức như vậy vì các năm trước cũng tổ chức như vậy, các trường khác cũng tổ chức tương tự. Chúng ta chưa có một “triết lý” phía sau các hoạt động, ít ai đi tìm trả lời cho những câu hỏi, chẳng hạn, tổ chức như vậy để làm gì, cho ai, nó mang lại lợi ích gì trong chiến lược giáo dục con người? Theo tôi, phải lấy học sinh làm trung tâm khi hoạch định các hoạt động giáo dục mà cụ thể ở đây là ngày khai giảng. Các trường nên tùy vào nhu cầu của học sinh để tổ chức hay không tổ chức, tổ chức lớn hay bé, có lễ, có hội hoành tráng hay gọn nhẹ. Với các trường có điều kiện thì tổ chức khai giảng với hội hè tiệc tùng, nhưng khi đã “hội” thì từng học sinh phải có cơ hội tham gia, chứ không nên mời một ca sĩ, hay một nhóm người nào đó về múa hát mua vui mà không quan tâm gì tới ý nghĩa giáo dục. Văn nghệ học đường cũng là một hoạt động giáo dục đầy ý nghĩa khi tất cả học sinh đều được tham gia, mục đích không phải là hát hay diễn đẹp, mà để giáo dục, để các học sinh có trải nghiệm, luyện tập sự tự tin, tập ăn tập nói trước đám đông. Ở phần tiệc cũng vậy, nếu có thì trên bàn ăn không phải là bia, rượu và các món ăn của người lớn mà phải là nước uống, thức ăn của các nhân vật chính, đó là học sinh. Khi chúng ta chân thành đặt từng đứa trẻ làm trung tâm, thật lòng lo lắng cho các cháu, thì tự khắc sẽ chạm được đến từng học sinh.  

Có nhiều giá trị cần giáo dục trẻ 

 Ngày 4/9, tôi đưa con đi khai giảng về. Các trường học ở Pháp dường như không tổ chức ngày khai giảng hoành tráng, thế nhưng, buổi học đầu tiên khá đặc biệt. Hình thức phổ biến nhất là tổ chức gặp gỡ. Cổng trường ngày khai giảng mở rộng cho cả học sinh và phụ huynh. Ban giám hiệu nhà trường thường đứng ở cổng để đón mừng học sinh, nhất là các học sinh mới, chào hỏi các phụ huynh. Giáo viên chủ nhiệm sẽ đứng ở cửa từng lớp để chào đón học sinh và phụ huynh của mình. Ngày khai giảng, phụ huynh được phép đưa con vào từng lớp và ở lại để trò chuyện với giáo viên, trao đổi với các phụ huynh khác. Họ hỏi thăm nhau về kỳ nghỉ Hè, về những chuyến đi, về năm học mới, cô giáo làm quen với các học sinh mới… Ở sân trường cũng có thể có những “bàn tiệc” nhưng chủ yếu là đồ ăn thức uống của các cháu, chứ không phải của người lớn. Sự gặp gỡ kéo dài trong một thời gian ngắn và phụ huynh ra về để nhường không gian lại cho cô trò, công việc giảng dạy bắt đầu ngay sau đó. Các trường lớn hơn, chẳng hạn như trường cấp 2 thì chia ra theo từng khối lớp, quan trọng nhất là khối lớp đầu cấp, chẳng hạn 4/9 là ngày nhập học toàn quốc, nhưng các trường cấp 2 và 3 của các con tôi chỉ dành để đón các học sinh đầu cấp, học sinh các khối lớp khác sẽ nhập học luôn vào ngày hôm sau, không tổ chức nghi thức gì. Quay trở lại nền giáo dục nước ta, tôi nghĩ, có nhiều giá trị cần giáo dục thế hệ trẻ, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì nên đề cao tinh thần “thực học”. Nghĩa là, học cái gì thì học thật, học để biết, để làm được và để sống. Học chạy xe đạp thì phải chạy được xe đạp chứ không chỉ để lấy cái bằng hay để nhận được giấy khen vì thành tích mô tả được cái bánh xe mà cuối cùng không chạy được xe. Học về khoa học thì không chỉ dừng lại ở việc biết sơ sơ mà phải biết ứng dụng, biết làm khoa học, người học cần được tập tư duy như nhà khoa học. Nghĩa là, cần học đi trên con đường mà các nhà khoa học đã đi và nếu tốt hơn nữa là khai phá thêm con đường đó để góp sức với đời. Học Lịch sử, Triết học, hay bất kỳ môn nào cũng nên theo tinh thần đó. Dĩ nhiên, con đường này cũng có nhiều cấp độ, nhiều nội dung, khúc đường nào cho lứa tuổi nào thì đó là nhiệm vụ của các nhà giáo dục có trách nhiệm. Muốn tạo cho học sinh tinh thần thực học thì chính lãnh đạo, các thầy cô cũng phải có tinh thần thực học trước. Chúng ta không cần nhiều giấy khen, bằng cấp hay báo cáo thành tích mà cần những phát minh, nhà khoa học và luôn trên tinh thần “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Quan trọng là làm sao để không còn bệnh thành tích, bệnh hình thức, “đồng phục” học sinh, để người học được là chính mình và phát triển được thế mạnh của cá nhân. 

 Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam