Friday, December 21, 2012

Suy nghĩ tiếp về triết lý giáo dục: Cần thay đổi triết học giáo dục

       
Nguyên Ngọc

Trong một bài viết ngắn gần đây trên Tia sáng, Giáo sư Hoàng Tụy có nói: "Để khắc phục khó khăn hiện nay, chỉ có một lối thoát duy nhất là hiện đại hóa giáo dục”. Tôi hoàn toàn đồng tình với phương hướng đó. Nhưng thế nào là hiện đại hóa giáo dục, thế nào là một nền giáo dục hiện đại?

Tôi nghĩ rằng một nền giáo dục hiện đại trước hết là ở trong tính hiện đại của triết lý giáo dục mà nó đeo đuổi. Và triết lý giáo dục hiện đại là xây dựng một nền giáo dục không phải để nhằm tạo nên những cái máy tinh xảo được nạp một bộ nhớ kiến thức khổng lồ (như hiện nay ta đang ra sức làm, ngay từ bậc phổ thông, và do đó làm mụ mị đi bao nhiêu đầu óc đáng thương của lớp trẻ chúng ta, khiến họ càng học càng đần đi, một sự lãng phí sức lực cả về thể chất lẫn tinh thần, trí tuệ của chế hệ tương lai quý nhất của dân tộc, sự lãng phí thậm chí có thể coi như một tội ác), mà là tạo nên những con người tự do, biết và dám độc lập suy nghĩ, biết cách tự mình chiếm lĩnh lấy kiến thức, tự mình đi khám phá ra chân lý,lẽ phải và từ đó làm chủ cuộc sống của mình, của đất nước... Về phương diện này, hình như hiện nay giáo dục của chúng ta không giống bất cứ nước nào trên thế giới tất nhiên ta nói đến những đất nước văn minh và tân tiến. Không giống chút nào cả, hoàn toàn ngược lại là khác, vậy dù chỉ có hai cách giải thích: hoặc là ta vô cùng tân tiến, còn họ thì lạc hậu bê bối cả, hoặc ngược lại.


Triết lý giáo dục chi phối, chỉ đạo toàn bộ các khâu, các lĩnh vực cụ thể của giáo dục, từ nội dung giáo dục, phương châm giáo dục, phương pháp giáo dục, tổ chức giáo dục, ảnh hưởng quyết định đến tất cả các cấp của nền giáo dục, từ tiểu học, trung học, cho đến Đại học, trên Đại học. Kiểu triết lý giáo dục nào dù đưa đến kiểu nội dung, phương châm, phương pháp, tổ chức giáo dục đó. Chẳng hạn, hiện nay chúng ta có biết rằng sách giáo khoa của chúng ta là quá nặng nề, bỏ bớt cái gì đi cũng thấy khó, thêm vào bao nhiêu cũng thấy chưa đủ, không? Có chứ. Ai cũng thấy và tôi tin là Bộ cũng thấy. Nhưng vì sao mãi vẫn không sửa được càng sửa thì càng nặng thêm? Chỉ là vì chương trình và sách giáo khoa ấy được soạn theo cái triết lý cho rằng xã hội cần có những quy chuẩn cứng mà mọi thành viên phải thuộc nằm lòng và cứ suốt đời nhất nhất răm rắp tuân theo, thế giới gồm những chân lý bất biến đã được định sẵn mà mọi người chỉ có việc theo đấy mà sống và làm việc. Vậy nên phải dạy cho kỳ hết những quy chuẩn, những chân lý muôn đời đó cho một người, có vậy thì xã hội mới thống nhất và ổn định, thế giới mới yên bình. Với một triết lý giáo dục như vậy, thì số lượng sách giáo khoa mà các cháu ngay từ cấp tiểu học hàng ngày phải vác nặng trĩu còng lưng, số lượng kiến thức ta đang ra sức nhét vào đầu học sinh, sinh viên của chúng ta ở tất cả các cấp đang nặng như thế này, chứ nặng gấp mười, thậm chí trăm lần nữa cũng không đủ, không bao giờ đủ.
Trong khi đó có một cách dạy và học khác hẳn, cơ sở trên một triết lý giáo dục ngược hẳn lại: trang bị cho con người không phải chủ yếu là kiến thức (vì kiến thức thì vô tận, càng ngày càng vô tận, lại luôn biến đổi và phát triển, và trên đời này không ai có thể độc quyền chân lý cả), mà là trang bị cho họ phương pháp để họ tự biết và dám tự mình chiếm lĩnh lấy kiến thức, tự mình đi tìm lấy những gì mình tin là chân lý và sống và làm việc theo những chân lý đó. Những con người như vậy là những con người tự do, có năng lực tư duy độc lập, giàu khả năng và ý chí sáng tạo, nền tảng của một xã hội tự do và phát triển.
Ở trên tôi có nói "biết và dám tự mình" đi tìm lấy kiến thức, khám phá lấy chân lý. Xin nhấn mạnh lại chữ "dám", theo tôi đấy là một từ rất quan trọng. Người dám tự mình đi tìm chiếm lĩnh lấy kiến thức, chân lý là người không tin một cách tiên nghiệm, như một niềm tin tôn giáo, rằng có những chân lý tuyệt đối, bất biến được rao giảng như những tín điều đặc kín trong các sách gián khoa dày cộp. Con người đó dám tự mình đi khám phá thế giới, với những phương pháp mà nhà trường đã trang bị, gợi ý cho họ. Đó là những con người tự do sâu sắc từ bên trong. Thiết nghĩ đó chính là điều chúng ta tha thiết mong ở lớp trẻ cua chúng ta, có được một lớp trẻ như vậy, một lớp trẻ thật sự lành mạnh về tinh thần và trí tuệ, có bản lĩnh vững chắc, đầy tự tin, thật sự độc lập và tụ do trong chính mình như vậy, thì có thể hoàn toàn tin chắc ở tương lai tươi sáng của dân tộc.
Một triết lý giáo dục nhằm tạo ra con người tự do, thì cũng tất yếu đòi hỏi một phương pháp giáo dục khác hẳn phương pháp chúng ta đang thực hiện hiện nay ở các nhà trường, buồn thay ngay cả ở cấp đại học và trên Đại học. Phương pháp giáo dục này đòi hỏi trước tiên một sự tôn trọng tối đa đối với người học, coi người học không phải là những cái bình vô cảm bị động để cho mình cứ thế rót kiến thức vào, mà là những chủ thể sáng tạo, từng chủ thể sáng tạo, có tiềm năng sáng tạo vô tận, cần được khơi gợi để cho tiềm năng ấy được mở ra và hoạt động thậm chí khi được khai mở ra rồi thì nó có thể hoạt động rộng lớn, phong phú, sáng tạo hơn cả điều ta dự kiến, vượt cả thầy, vượt cả sách.
Một cách dạy và học như vậy nhẹ nhàng, và theo tôi điều quan trọng hơn, là rất vui. Học như vậy là một hạnh phúc lớn. Đối với người thầy, rất vui vì trước mặt anh ta (hay chị ta) mỗi học sinh là một thế giới đầy tiềm năng bí ẩn mà anh ta hay chị ta phải tìm cho được cách dò tìm, khám phá, khai mở ra, không người nào giống người nào, không thế giới nào giống thế giới nào, cuộc khai mở nào cũng đầy mạo hiểm, phập phồng, cái mạo hiểm, phập phồng của sáng tạo. Đối với người học, rất vui, vì suốt quá trình học là cả một cuộc đi tìm, một cuộc khám phá bất tận, một cuộc phiêu lưu đầy bất ngờ thú vị, do tự mình làm chủ, những chân lý do chính tự mình khám phá ra cùng với và được sự hỗ trợ của người bạn lớn là người thầy.
Chúng ta đều biết trong thế giới ngày nay, sống cũng có nghĩa là học thường xuyên, học suốt đời, không còn học nữa thì theo một ý nghĩa nào đó cũng là đã chết, về mặt trí tuệ, tinh thần. Không thể đến trường suốt đời. Nhưng nhà trường cho ta cái quý nhất để ta có thể học suốt đời, đó là ý chí và khả năng tự học, niềm say mê và khả năng tự khám phá thế giới. Tôi có nghe anh Hoàng Ngọc Hiến định nghĩa thế nào là trình độ Đại học. Theo anh trình độ đại học chính là khả năng tự học. Tôi cho nói như thế là rất đúng . Thậm chí còn có thể nói hơn nữa: không chỉ ở Đại học, ngay cả ở các cấp phổ thông cơ bản cũng là vậy. Người có học là người biết tự học. Ở rất nhiều nước hiện nay, người ta đã thực hiện một cách phổ biến điều này, coi đó là nguyên lý cơ bản nhất của giáo dục, của việc xây dựng con người nói chung, ở tất cả các cấp học, từ cấp thấp nhất. Đáng tiếc thay, phải nói thẳng rằng nền giáo dục của chúng ta hiện nay dang đi theo con đường ngược lại.
Vì vậy nếu chúng ta thật sự muốn cứu chữa nền giáo dục đang bị bệnh nặng của chúng ta thì không thể không nghĩ tới việc tiến đến thay đổi cơ bản triết lý giáo dục đó. Con đường đi đến đó như thế nào, theo lộ trình nào, quả thật là vấn đề rất khó. Nhưng phải xác định cho được cái đích đến, đó là điều quan trọng nhất, từ đó mới có thể tính đến những giải pháp cụ thể, tính đến lộ trình.

Nguồn: Tạp chí Tia sáng

No comments:

Post a Comment