Friday, November 30, 2012

Thái độ tôn trọng, lắng nghe là đức độ tiên quyết của người cầm lái hiện nay

Nguyễn Khánh Trung

Thời gian gần đây, lòng tôi như nhẹ nhõm nhờ đọc các bài viết của tác giả Nguyễn Trungcác ý kiến xung quanh trên VietNamNet và Tuổi Trẻ điện tử. Nhẹ nhõm vì tác giả đã nói thay nhiều điều tôi nghĩ mà lâu nay hiếm thấy trên các mặt báo trong nước. Tác giả đã chạm được tới gốc rễ làm nảy sinh những đảo lộn các giá trị chuẩn mực đạo đức, của việc “bình thường hoá” mọi tiêu cực đang bàng bạc khắp nơi, của sự nghèo nàn trong kinh tế, văn hoá, khoa học và giáo dục trong xã hội chúng ta hiện nay.

Ai đã từng đi xa, sống ở xứ người mới cảm nghiệm được nổi nhục khi là con dân của một nước tiểu nhược. Một lần trên xe lửa, tôi ngồi cạnh một ông Tây, ông này tỏ ra nể trọng tôi bởi tưởng tôi là người Nhật Bản, nhưng khi biết tôi là dân du học từ Việt Nam qua thì đổi thái độ, thả giọng “dạy đời”, rồi khoe những việc ông đã làm, những hội ông đã tham gia để giúp Việt Nam. Tôi tự ái lắm mà không nói được gì, nói được gì hơn khi họ hội họp để giúp nước mình, còn mình hội họp để tìm cách xin viện trợ. Ông ấy khâm phục Nhật hoàn toàn có lý của ông, bởi cũng như Việt Nam, Nhật Bản phải chịu sự tàn phá của chiến tranh, hơn nữa thiên nhiên, hoàn cảnh địa lý chẳng ưu ái gì họ, thế mà sau mấy mươi năm, bây giờ họ được xếp vào hạng nhất nhì trên thế giới, mức sống người dân Nhật còn cao hơn cả các nước phương Tây hiện nay. Còn chúng ta, ông ấy chỉ biết chúng ta qua những cuộc chiến trong quá khứ, bây giờ thì biết vì có tham gia hoạt động từ thiện mà thân chủ chính là đồng hương của tôi. Thôi thì đành chấp nhận phận hèn, cái hèn chung cả của một dân tộc.


Quay lại với bài viết của Nguyễn Trung, tôi rất tâm đắc với ý tưởng cho rằng Đảng đang “hình như rất quan tâm đến nắm chắc lấy con tàu, làm mọi việc để giữ lấy con tàu, nhưng lại chưa làm được như thế trong việc lái hướng đi của con tàu”. Con tàu dân tộc đi sai hướng, đi lòng vòng, đâu chỉ liên quan đến số phận của người cầm lái mà còn cả hơn 80 triệu con người ngồi trên tàu, không chỉ liên quan đến thế hệ hiện tại mà quán tính của nó ảnh hưởng đến nhiều thế hệ sau, cho nên trách nhiệm của người cầm lái quả là lớn !

Hướng đi ở đây phải là đi lên, Đảng phải dẫn dắt dân tộc tới bờ bến của một “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, mà Dự thảo văn kiện Đại hội X đã xác định. Vâng! Các giá trị công bằng, dân chủ là ước mơ của con người, là mục tiêu của các nền văn minh tiến bộ. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là: Phải hiểu thế nào về các giá trị đó? Và phải lái con tàu thế nào để đến được bến bờ đó? Bởi rằng, trong lịch sử thế giới, đã không ít chế độ chính trị nhân danh các khái niệm “tự do”, “dân chủ” để làm những điều hại dân hại nước, mục đích chỉ là để giữ vững quyền lợi, vị trí của mình mà thôi.

Tôi thiểt nghĩ, muốn lái con tàu đi đúng hướng, việc trước tiên phải làm là xác định cho rõ, định nghĩa cho tường các chuẩn mực, giá trị của một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Ở đây, tôi không tham vọng giải thích thế nào là nền dân chủ nhưng chỉ nói về cách nghĩ, cách làm để có được nền dân chủ đó.

Chúng ta đang sống trong thời đại đa cực xét về mặt kinh tế cũng như tư tưởng, “duy chủ nghĩa” đã bị nhân loại gạt lại phía sau từ gần cả thế kỷ rồi. Tốt hay xấu nếu cứ quá, cứ duy đều sẽ không tốt, đơn giản là vì khi khép mình vào một thứ gì đó duy nhất thì chúng ta sẽ không nghe, không thấy, không học được những điều khác xung quanh. Duy chủ nghĩa cũng gần đồng nghĩa với chủ nghĩa quá khích, chủ nghĩa độc tài. Chủ nghĩa này chẳng gần gũi gì với bản sắc dân tộc, với con người Á đông vốn lấy thái độ trung dung, ôn hoà làm cách sống. Áp dụng duy chủ nghĩa trong đường hướng lãnh đạo sẽ có nguy cơ biến xã hội thành một chiều tẻ nhạt, triệt tiêu mọi sự sáng tạo, làm thui chột mọi nhiệt huyết muốn phụng sự đất nước của các bậc hiền tài. Một xã hội sống động và phát triển một cách hài hoà là một xã hội bao gồm nhiều thành phần, nhiều màu sắc, nhiều khuynh hướng khác nhau, tồn tại bên nhau, cạnh tranh với nhau trong trật tự. Trật tự này được làm nên từ sự tương kính, tình liên đới và sự tôn trọng lẫn nhau. Những yếu tố này phải được xem là các giá trị của nền văn minh dân chủ.

Chuẩn mực đầu tiên của nền dân chủ là sự tôn trọng lẫn nhau. Tôi tôn trọng anh, nhóm này tôn trọng nhóm kia, quốc gia này tôn trọng quốc gia khác. Tôn trọng để lắng nghe, để chia sẻ và để đối thoại nhằm tìm ra một đường đi chung trong đó có mọi thành phần không phân biệt. Khi trong đường đi đã có tất cả, thì tất cả sẽ đồng lòng chung sức, lúc đó mới thực sự có đại đoàn kết dân tộc để cùng đưa đất nước đến sự thịnh vượng, ấm no và hạnh phúc thực sự.

Cách làm của Đảng hiện nay nên như vậy trong việc xác định mục đích đến, và đường đi của con tàu dân tộc mà Đảng đang lèo lái nhắm đến một xã hội công bằng dân chủ và văn minh. Đảng phải có thái độ tôn trọng tư tưởng, ý hướng của mọi thành phần trong và ngoài Đảng, phải biết lắng nghe những góp ý đầy tâm huyết mà lắm khi không thuận với chủ trương của Đảng của bao nhiêu hiền tài khác đang ở ngoài Đảng, đang bị vùi dập trong một xã hội lắm điều trái ngang hiện nay. Với thái độ tôn trọng, Đảng không nên khăng khăng cho mình là đúng và bắt mọi người đi theo đường mình đi, tin những gì mình tin, sống và hành động trong khuôn khổ các giá trị chuẩn mực do mình quy định. Bởi lẽ khi người lãnh đạo có quyền lực trong tay, dứt khoát cho những gì mình nghĩ, mình làm là chân lý thì còn ai dám lên tiếng, làm sao động viên được những người có tài có đức góp sức chung. Người lãnh đạo có quyền giữ những giá trị và chuẩn mực của riêng mình, cũng những người khác có quyền giữ những điều thuộc về riêng họ. Cái hay là làm sao lãnh đạo biết khơi gợi những điều hay lẽ phải nơi người khác để kết hợp với nhau làm thành một sức mạnh chung.

Trên mức độ một quốc gia, thái độ tôn trọng của người cầm lái phải thể hiện cụ thể qua các chính sách, qua nền văn hoá, truyền thông và đặc biệt là giáo dục. Người lãnh đạo không nên ích kỷ sử dụng những thiết chế này như là phương tiện nhằm chuyển tải các chuẩn mực, giá trị riêng nhằm củng cố chỗ đứng và quyền lợi của mình. Những dịch vụ công này nên là nơi lui tới của mọi thành phần, là tiếng nói, là diễn đàn của mọi khuynh hướng một cách công bằng. Làm như vậy mới may ra có thể chống lại được quốc nạn tham nhũng, tránh được những “hiểm hoạ đen” đang đe doạ cả một dân tộc. Cũng chỉ có như vậy mới có thể kích thích được nguyên khí quốc gia, mới hội nhập được với thế giới bên ngoài và mới chứng tỏ mình là người cầm lái xứng đáng của con tàu đang cố gắng vươn tới các giá trị dân chủ, công bằng và văn minh.

Không ai gạt bỏ được vai trò lãnh đạo của Đảng nếu Đảng có đầy đủ năng lực và đức độ với một lòng trong sáng vì dân vì nước. Nói như vậy cũng có nghĩa là Đảng nên lái con tàu dân tộc bằng những khả năng và đức độ của mình chứ không nên bằng sự áp đặt, nhất là áp đặt về mặt tư tưởng. Không nên chủ trương “đảng hoá” xã hội, mà hãy để mọi thành phần xã hội tự do chọn lựa và yêu mến Đảng khi Đảng chứng tỏ là bậc anh tài, hiền đức, là người cầm lái không thể thay thế.

Mấy lời góp ý chân tình từ đáy lòng, mong sao kỳ Đại hội sắp tới sẽ là một bứt phá của Đảng nhằm vực dậy hào khí cả của một dân tộc vốn cần cù thông minh nhưng lại đang chịu cảnh đói nghèo về vật chất và tinh thần, đang bị giày xéo bởi bao nhiêu tệ nạn trong mọi ngóc ngách xã hội.

Ngày 11.02.2006

Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6546&rb=0403

1 comment: