Trong
bài viết này, tôi sẽ không tham gia tranh luận xung quanh định nghĩa về
“trí thức” là gì, cũng không bàn đến cách tiếp cận về khái niệm này,
nhưng xin chia sẻ vài suy nghĩ về lợi ích và vai trò của phản biện trong
xã hội, từ đó liên hệ đến mục tiêu của giáo dục.
Châm
ngòi cho cuộc tranh luận về chủ đề trí thức là việc Gs. Ngô Bảo Châu
trả lời phỏng vấn Báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần cách đây mấy tháng. Những ý
tưởng nơi một nhân vật nổi tiếng đã lôi cuốn một số đông các học giả và
người dân tham gia tranh luận thông qua một loạt các bài báo, các bình
luận trên các báo giấy, báo mạng chính thống và phi chính thống. Người
ủng hộ, người phê bình, người khác tìm cách dung hòa, người khác nữa lại
đề cập tới cội nguồn của khái niệm “trí thức”, ý nghĩa và những diễn
tiến lịch sử gắn liền với khái niệm này trên thế giới, cách tiếp cận
khái niệm của những người tham gia thảo luận, v.v.. Câu chuyện đã tạo ra
một sự tác động sâu rộng, mà theo tôi, đã và đang mang lại lợi ích cho
những người tham gia, cho cộng đồng và sự phát triển nói chung của xã
hội.
Lợi ích cho những người tham gia tranh luận trực tiếp
Lợi
ích của cuộc tranh luận trước hết là dành cho chính bản thân Gs. Châu
và những người tham gia tranh luận, bao gồm cả những người phản biện,
phản phản biện hay trung lập giữa hai bên. Tôi nghĩ, thông qua những lý
lẽ phản biện lại quan điểm này của mình, hơn ai hết, Gs. Châu đã ngộ ra
nhiều điều, những lý lẽ này đã mở rộng sự hiểu biết của của anh Châu
liên quan đến khái niệm “trí thức” mà trước đó có thể anh không biết.
Tôi nghĩ, một nhà khoa học như Gs. Châu, với một thời gian dài đã sống
trong một môi trường học thuật và dân chủ, đã quen với những tranh luận
và phản biện trong chuyên môn và trong xã hội, sẽ chẳng lấy làm quá
phiền lòng trước những người nói ngược lại ý kiến của mình. Hơn ai hết,
anh hiểu chuyện “chín người mười ý” là chuyện bình thường, là bản chất
của xã hội loài người.
Trong
một xã hội tiến bộ, nơi sự khác biệt giữa cá nhân này với cá nhân khác
được xem là bản chất của xã hội, nơi khả năng và tinh thần phản biện
được xem là những giá trị tích cực, là mục tiêu đào tạo công dân của nền
giáo dục, có lẽ ít có ai nghĩ đến chuyện dùng cơ bắp của chân tay, hay
súng đạn để giải quyết những bất đồng quan điểm, trừ những trường hợp
bệnh hoạn hay lệch chuẩn xã hội quá đáng.
Lợi ích cho cộng đồng và sự phát triển xã hội
Cộng
đồng những người không tham gia trực tiếp vào cuộc tranh luận nhưng
theo dõi nó cũng hưởng lợi thông qua những tranh luận này. Lợi ích trực
tiếp là những kiến thức do các bài viết, các bình luận mang lại, giúp mở
rộng, đào sâu khái niệm “trí thức” dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Như
tôi chẳng hạn, trước đây cũng hiểu lơ mơ về khái niệm trí thức, nhưng
nhờ vào việc theo dõi này, đã được bổ sung và mở rộng sự hiểu biết mà
không cần phải đầu tư thời gian quá nhiều. Những lý luận trong các bài
phản biện đó cũng kích thích tư duy, giúp tôi liên tưởng đến các vấn đề
khác trong xã hội… Và có lẽ không chỉ tôi, nhiều người khác trong xã hội
cũng được “ăn theo” như vậy.
Từ
câu chuyện này suy rộng ra, sự phản biện sẽ luôn có lợi cho sự phát
triển xã hội, giúp mở mang kiến thức, kích thích tư duy, khơi nguồn sáng
tạo. Một xã hội nếu tạo ra được một môi trường thuận lợi và đào tạo
được các công dân có tinh thần và khả năng phản biện, có chính kiến, làm
lưu chuyển các ý tưởng khác nhau trong đời sống… xã hội đó sẽ không bao
giờ lụi tàn, sẽ không bao giờ bị kẹt trong một sự quá khích, một chiều
nào đó, xã hội đó sẽ luôn đầy sức sống, năng lượng để phát triển. Ðiều
này càng đặc biệt có ý nghĩa trong thời đại kinh tế tri thức hiện đại.
Ngược
lại, xã hội nào thù ghét, ngăn cản tinh thần phản biện, coi khinh sự
khác biệt, tìm cách tạo ra những nhân cách giống nhau, tập thể hóa tư
tưởng của người dân, ngăn chặn sự lưu thông các ý tưởng trong đời sống,
xã hội đó thiếu năng lượng, bại liệt, nói theo cách của chính Gs. Châu
là xã hội đó đã bị “chết lâm sàng”. Ðó thường là những xã hội nghèo nàn
về kinh tế, lạc hậu về khoa học, là những mảnh đất tốt cho tham nhũng và
các tệ nạn xã hội khác.
Tư
duy, lý luận, phản biện vốn là những khả năng, những hoạt động chỉ có ở
loài người, nhờ vậy lòai người mới có thể thống trị các loài khác.
Trong thế giới người với nhau, mức độ cao thấp trong những khả năng và
hoạt động này làm cá nhân này khác cá nhân khác, xã hội này khác xã hội
khác.
Trong
một quốc gia, nếu chính quyền biết tận dụng, biết đặt các quyết sách
của mình trước sự phản biện đến từ mọi tầng lớp dân chúng, và lấy quyết
định cũng như hành động trong một cơ chế dân chủ, với mục tiêu tối
thượng là phục vụ quyền lợi của dân của nước, thì những quyết sách đó sẽ
ít khi sai, ít khi cực đoan và thường được người dân ủng hộ, bởi người
dân thấy mình bao gồm trong đó. Sự phản biện trong dân chúng sẽ mang lại
cho chính quyền có những ý tưởng mới, thúc đẩy sự thay đổi và phát
triển.
Phản
biện cũng giúp làm lành mạnh hóa xã hội, là một kênh chống tham nhũng,
chống bất công xã hội hữu hiệu. Các quan ở huyện Tiên Lãng, ở Hải Phòng
liên quan đến vụ Ðoàn Văn Vươn có lẽ sẽ chẳng sầy xước gì, Thủ tướng
chính phủ sẽ chẳng đứng ra chỉ đạo và lệnh cho toàn thể các cán bộ các
tỉnh, thành “rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai,
nhất là việc thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất…” , nếu không có sự lên
tiếng của nhiều người, và những tiếng nói phản biện này không được lưu
chuyển tự do thông qua các kênh báo chí trong thời gian vừa qua.
Phản biện và mục tiêu của nền giáo dục
Như
vậy nhìn từ mọi góc cạnh, phản biện chỉ có lợi chứ không có hại, nhưng
làm sao để có được những công dân có tinh thần, có văn hóa và khả năng
phản biện, đó là trách nhiệm của giáo dục.
Condorcet,
nhà triết học người Pháp, đã viết trong «Báo cáo về giáo dục công»
trình trước Quốc hội Pháp họp ngày 20 – 21, tháng 4, năm 1792 : « Mục
tiêu của giáo dục không phải là làm cho con người quy phục nền hiến pháp
đã có sẵn, nhưng làm cho họ có khả năng nhận xét và sửa đổi nền hiến
pháp đó, không phải để bắt buộc thế hệ hiện tại phải tuân phục theo
những tư tưởng, ý chí của thế hệ trước, nhưng để soi sáng những điều này
nhằm mục đích làm cho mỗi người ngày càng xứng đáng với phẩm giá, và
dùng lý trí của riêng mình để tự điều chỉnh lấy bản thân »[1].
Nghĩa là mục tiêu của giáo dục không phải là tạo ra những công dân chỉ
biết thụ động phục tùng mà phải tạo ra được những con người có khả năng
tư duy, biết đặt lại các vấn đề, tìm cách cải thiện mọi thứ, kể cả những
thứ mà mình phải “vâng phục” nhằm thúc đẩy sự phát triển xã hội. Hay
nói cách khác mục tiêu của giáo dục là đào tạo những công dân có tinh
thần và khả năng phản biện trước những vấn đề trong đời sống xã hội cũng
như trong nghề nghiệp.
Và
có lẽ để bảo đảm việc nhà trường, nhất là trường đại học phải là môi
trường ươm mầm, nuôi dưỡng tinh thần và khả năng phản biện, cách đây hơn
200 năm, người Ðức đã lấy tinh thần tự do học thuật của Humbold làm
linh hồn, làm tinh thần của các đại học, và truyền thống đó vẫn được duy
trì tại cách nước có nền học thuật mạnh trên thế giới. Trong dòng chảy
này, mới đây, trong Tuyên Ngôn Quốc Tế về Giáo dục Ðại Học trong Thế kỷ
21 của UNESCO viết: “Các đại học phải đào tạo sinh viên trở thành những
công dân được trang bị tốt về thông tin, có động lực sâu sắc, có khả
năng phản biện, khả năng phân tích các vấn đề, tìm kiếm các giải pháp
cho các vấn đề của xã hội, áp dụng chúng và chấp nhận trách nhiệm xã
hội”[2] (điều 9, điểm b).
Chúng
ta nên lấy những tư tưởng trên để làm chuẩn phân tích về hiện tình giáo
dục Việt Nam. Vấn đề lớn nhất, căn bản nhất hiện nay của hệ thống giáo
dục là không lấy tinh thần này làm mục tiêu đào tạo. Ðọc các phần nói về
mục tiêu đào tạo vốn rất giống nhau của các trường đại học Việt Nam,
tôi không thấy nơi nào nói đến việc đào tạo các công dân có tinh thần và
khả năng phản biện làm mục tiêu.
Theo
tôi, muốn hội nhập quốc tế, muốn “đổi mới căn bản và toàn diện giáo
dục” thì phải bắt đầu từ việc trả lời câu hỏi chúng ta đang muốn đào tạo
mẫu người thế nào? Và một trong những câu trả lời đó là: con người có
tinh thần và khả năng phản biện. Một câu trả lời đã có từ nhiều thế kỷ
và đã được thực tiễn tại các nước phát triển trên thế giới chứng minh là
đúng. Lúc nào còn dị ứng, còn sợ bóng sợ gió, còn tránh né điều này,
thì giáo dục của chúng ta sẽ mãi mãi đi một mình, lạc lối so với thế
giới, và không đóng góp được gì nhiều trong việc xây dựng và phát triển
xã hội.
[1] Trích bởi Michel Eliard trong Revue française de Pédagogie, s° 104, 1993, tr. 57.
[2] La Declaration Mondiale sur l’Enseignement Superieur pour le XXIe siecle: Vision et Actions, UNESCO.
Nguon: http://www.lamhong.org/loi-ich-vai-tro-cua-phan-bien-trong-xa-hoi-va-muc-tieu-cua-giao-duc-6793-06-2012/
Nguon: http://www.lamhong.org/loi-ich-vai-tro-cua-phan-bien-trong-xa-hoi-va-muc-tieu-cua-giao-duc-6793-06-2012/
No comments:
Post a Comment