Sunday, February 3, 2013

Lược sách của M. Young

(NKT) Dưới đây là bài viết của Nguyễn Thị Kim Quý, tóm tắt về cuốn sách gần đây của M. Young (2008) có tựa đề " Bringing knowledge Back in. From social constructivism to social realism in the sociology of education". London and New York Routledge.
Vấn Đề Tri Thức Trong Chương Trình Học Nhìn Từ Cách Tiếp Cận Duy Thực Xã Hội

Michael Young, Bringing knowledge back in: from social constructivism to social realism in the sociology of education (Giành lại tri thức: từ cách tiếp cận kiến tạo xã hội tới cách tiếp cận duy thực xã hội trong ngành xã hội học giáo dục). London,  Routledge, 2008, xx + 247 pp., £30 (bìa cứng), ISBN-10: 0-415-32121-2.

Mở Đầu
Có một thực tế là hiện nay trong khi các quốc gia trên thế giới đang hô hào hướng tới một “xã hội tri thức”, thì một cách vô tình hay hữu ý, bản thân khái niệm tri thức lại bị bỏ qua trong các công trình nghiên cứu giáo dục và trong việc làm các chính sách giáo dục. Một loạt câu hỏi liên quan đến khái niệm tri thức như, Nhà trường cần cung cấp cho người học tri thức gì? Bản chất của các tri thức đó là gì? Chúng được tổ chức,  đổi mới, và bổ sung dựa trên nguyên lý nào trong chương trình học?
Đây là những câu hỏi không hề đơn giản xoay quanh lý thuyết và thực tiễn xây dựng các chương trình học. Người đặt ra câu hỏi này, đồng thời cũng chính là người cất công góp phần đi tìm câu trả lời là Michael Young, giáo sư ngành xã hội học giáo dục từ Học Viện Giáo Dục, Đại Học London, Anh Quốc, đồng thời là một trong những lý thuyết gia tiên phong về chương trình học. Đem ánh sáng từ xã hội học tri thức cùng kết quả nghiên cứu mới nhất trong trong ngành, được kết tinh trong trào lưu “duy thực xã hội” (social realism) mà ông là một trong những người chủ trương, những luận giải của ông đã góp phần xác định rõ cái cốt lõi mà một chương trình học cần hướng tới. 
Bài viết này tóm tắt tư tưởng về cách tiếp cận duy thực xã hội đối với chương trình học trong cuốn sách của tác giả nhan đề “Giành lại tri thức: từ cách tiếp cận kiến tạo xã hội tới cách tiếp cận duy thực xã hội trong ngành xã hội học giáo dục”. Bài viết nhấn mạnh lý do vì sao cách tiếp cận duy thực xã hội ra đời, cơ sở nào nó giúp đem lại một cách giải quyết cho những vấn đề về chương trình học hiện nay ra sao, và một số ý nghĩa của nó đối với giáo dục.

Nội dung chính của cuốn sách
Cuốn sách được chia làm ba phần. Phần đầu tiên là các vấn đề lý thuyết, tiếp theo là các nghiên cứu thực tiễn và cuối cùng là những hướng đi mới trong cách tiếp cận duy thực xã hội.
Trong phần phân tích lý thuyết, Young vạch ra những sai lầm về bản chất trong hai quan điểm bảo thủ và thực dụng  về tri thức đằng sau các chính sách giáo dục hiện nay, đồng thời chỉ ra những sai lầm trong những phê phán dựa trên cách tiếp cận kiến tạo luận xã hội (social constructivism) về tri thức của những nhà nghiên cứu xã hội học giáo dục theo trường phái hậu hiện đại khởi nguồn từ trào lưu “Tân Xã Hội Học Giáo Dục” (New Sociology of Education)  từ những năm đầu 1970. Để đưa ra giải pháp cho những sai lầm trong quan điểm kiến tạo luận xã hội, Young khám phác lại giá trị của của cách tiếp cận duy thực xã hội (social realism) về tri thức vốn được manh nha từ nghiên cứu của Emile Durkheim, cha đẻ của ngành xã hội học. Ở phần 2, tác giả dựa trên cơ sở lý thuyết ở phần 1 để phân tích những kinh nghiệm giáo dục thực tiễn, như sự phân chia giữa giáo dục hàn lâm (giáo dục để vào đại học) và giáo dục hướng nghiệp (giáo dục để đi học nghề); cũng ở phần thứ hai tác giả cung cấp nhiều dữ liệu liên quan đến chính sách chương trình học ở Anh và vấn đề đánh giá kết quả học theo bằng cấp ở Nam Phi. Trong phần cuối gói gọn trong một chương viết chung với Muller, Young khẳng định tầm quan trọng của một chương trình học lấy cam kết với cái thực, cái khách quan làm cơ sở. Dựa vào thành tựu cũng như chỉ ra những thiếu sót trong nghiên cứu của Emile Durkheim và người đi sau là Basil Bernstein về vấn đề nhận thức luận và tri thức trong giáo dục, Young và Muller phân tích những cơ sở cho tính khách quan của tri thức theo lập trường duy thực xã hội đồng thời đề ra hướng đi mới cho bước phát triển tiếp theo.

Bế tắc nhận thức luận về chương trình học
Theo Young, chỉ tới những năm 1970, vấn đề về tri thức trong chương trình học mới được các nhà xã hội học giáo dục và các nhà nghiên cứu quan tâm, khởi nguồn từ trào lưu “Tân Xã Hội Học Giáo Dục”. Nền tảng nhận thức luận của những nghiên cứu hoặc cách tiếp cận về tri thức theo trào lưu này là kiến tạo luận xã hội, nhằm vạch ra những sai lầm đồng thời là sự phủ nhận đối với tư duy thực chứng luận về tri thức trong chương trình học vốn thống trị nền giáo dục các nước châu Âu trong vài thế kỉ trước đó. Tuy nhiên, cùng với sự nở rộ của tư tưởng hậu hiện đại và ảnh hưởng của nó tới ngành xã hội học giáo dục, các nghiên cứu phê phán về chương trình học dựa trên tư duy kiến tạo luận xã hội hậu hiện đại đã bộc lộ những sai lầm nghiêm trọng và gây ra một cuộc khủng hoảng lý thuyết về chương trình học.

 Chủ nghĩa thực chứng
Chủ nghĩa thực chứng  (positivism) là cơ sở nhận thức luận về tri thức thống trị giới khoa học châu Âu suốt hơn 300 năm kể từ thời Descartes. Thực chứng luận thừa nhận có chân lý khách quan độc lập bên ngoài con người (một yếu tố mà các triết gia gọi là “duy thực”), và con người có thể dùng tri thức để hiểu về chân lý đó một cách chắc chắn tuyệt đối. Tri thức được coi là một khối cố định, phổ quát và không đổi theo thời gian. Những gì một khi được khám phá ra là tri thức thì sẽ được coi là thiêng liêng, như một viên ngọc quý trong một hòm châu báu tri thức được tích lũy theo thời gian.

Chủ nghĩa kiến tạo xã hội
Chủ nghĩa kiến tạo luận xã hội (social constructivism) là một phản đề đối với quan điểm thực chứng luận về tri thức.  Theo Young, cốt lõi của tư tưởng kiến tạo luận xã hội là ở chỗ nó coi bản thân hiện thực là một kiến tạo xã hội, và theo đó có tính lịch sử, tức là nó không bất biến, nó biến đổi theo thời gian – theo lịch sử. Từ đó, ta có thể suy ra rằng mọi tri thức – tư tưởng, niềm tin, khoa học hay môn học – về cơ bản, nhìn từ quan điểm xã hội học, đều bị cào bằng như nhau. Young cho rằng quan niệm như vậy có nhận thức luận dựa trên sự “phi-biệt hóa” về tri thức (de-differentiation of knowledge). Chẳng hạn, với John Dewey, một triết gia hành dụng học, tri thức và kinh nghiệm chẳng qua chỉ là một. Mặt khác, cũng do nền tảng kiến tạo xã hội của tri thức theo quan điểm này mà mọi tri thức đều là sự thể hiện của các mối quan tâm xã hội và do đó đều đến từ một lập trường nào đó. Với các nhà xã hội học giáo dục chịu ảnh hưởng của tư tưởng kiến tạo luận xã hội, chương trình học không gì hơn là một công cụ nhằm khẳng định lập trường hay ưu thế của một vài nhóm người này so với những nhóm người khác.  Đi theo quan điểm này, một hệ lụy hiển nhiên là sự hoài nghi về tính khách quan của tri thức, và do đó cái đúng, cái thực, hay mọi nhận định khác về thế giới quan đều chỉ là tương đối.
Quan điểm mọi tri thức đều là sản phẩm mang tính lịch sử-xã hội của các hoạt động của con người ở một mức độ nào đódẫn tới sự hoài nghi về khả năng khách quan của tri thức. Điều đó không phải là một điều mới mẻ, bởi nó đã có mặt trong tư tưởng của những triết gia hoài nghi và ngụy biện của thời Hi Lạp Cổ Đại, hay trong những thách thức với mối đe dọa bá quyền đang manh nha trong ngành khoa học tự nhiên ở đầu thế kỉ 18. Ở thế kỉ 19 và 20, triết lý này cũng là cơ sở nhận thức luận của một loạt các triết gia như Charles Sanders Peirce, William James và John Dewey với trường phái hành dụng, các nhà xã hội học như Karl Marx, và Karl Manheim, và các nhà tâm lý học như Jean Piaget và Lev Vygotsky. Theo Young, trong trào lưu kiến tạo luận xã hội đằng sau các nghiên cứu giáo dục, ở mỗi thời điểm khác nhau lại có những tác gia hay trường phái khác nhau được nhắc đến. Đặc biệt, vào những năm 1980, những trường phái lý thuyết này có thêm sự góp của các lý thuyết diễn ngôn và văn học. Trường phái này viện dẫn tới các tác gia hậu hiện đại, điển hình là  Derrida, Foucault và Lyotard, coi đặc tính xã hội như một dạng văn bản, một diễn ngôn, hay như trong trường hợp của Lyotard thì là một trò chơi ngôn ngữ.

Kiến tạo luận xã hội, ảnh hưởng của hậu hiện đại và một bế tắc giáo dục

Tư tưởng kiến tạo luận xã hội được các nhà nghiên cứu giáo dục chịu ảnh hưởng của tư tưởng hậu hiện đại dùng để phê phán hai cách tiếp cận chương trình học chủ yếu đằng sau các chính sách giáo dục. Cách tiếp cận thứ nhất được dựa trên nền tảng thực chứng luận, thể hiện một quan điểm bảo thủ đối với chương trình học. Nó được thể hiện ở cách tổ chức theo môn học có tính ổn định, bất biến, hay ở những quan điểm chống lại sự thay đổi trong cấu trúc chương trình học, hoặc quan điểm hướng nội dung kiến thức xoay quanh những tác phẩm kinh điển. Mặt khác, những vấn đề xoay quanh bản chất và điều kiện truyền thụ và tiếp nhận tri thức phải được tôn trọng giữ cho không thay đổi.  Các phê phán hậu hiện đại cho rằng một chương trình theo tư tưởng này có mục đích bảo tồn cứng nhắc thứ tự của tri thức và duy trì cấu trúc xã hội đang được theo đuổi, nhằm bảo vệ đặc quyền đặc lợi của giới thống trị và giới tinh hoa.

Cách tiếp cận thứ hai là cách tiếp cận thực dụng (instrumentalism) không coi tri thức là thứ sẵn có, trái lại tri thức có tính tạm thời và ngẫu nhiên và có thể linh hoạt hướng thứ tri thức ấy theo mục đích sử dụng. Bản chất của nền tảng nhận thức luận theo cách tiếp cận này thực ra cũng là một biến thể của kiến tạo luận xã hội, bởi nó quy giản tri thức vào mục đích của con người.  Cách tiếp cận này đòi hỏi giáo dục phải đáp ứng trực tiếp cho nhu cầu xã hội và những mục tiêu chính trị-xã hội khác như công bằng, dân chủ trong tiếp cận và tiếp nhận tri thức. Tư tưởng hậu hiện đại về tri thức cũng được dùng để công kích những “diễn ngôn” mang tính thực dụng đang thống trị trong các chính sách giáo dục, điển hình là “diễn ngôn” tân tự do (neo-liberalism).

Theo Young, mặc dù những phê phán hậu hiện đại về chương trình học không phải không có những “hạt nhân hợp lý”, nhưng nó chỉ dừng ở mức vạch trần sự thật rằng những chính sách chương trình học luôn che đậy các quan hệ quyền lực. Đặc biệt, khi đối cực hóa hai sự lựa chọn không khả thi giữa một bên là tư tưởng thực chứng luận với luận điểm phi lịch sử, phi xã hội về tri thức và một bên là tư tưởng hậu hiện đại với luận điểm phi-biệt hóa và tương đối về tri thức, tất cả chỉ mang lại một bế tắc về nhận thức luận trong các nghiên cứu giáo dục.

Young cho rằng chính vì bế tắc trong nhận thức luận, cũng như ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của trào lưu hậu hiện đại, các nghiên cứu về chương trình học hiện nay đang có xu hướng ngày càng xa rời những gì đang diễn ra trong bản thân quá trình dạy và học để chú trọng tới những yếu tố bên ngoài khác chi phối tình trạng đời sống con người trong xã hội hiện đại như những vấn đề văn hóa, diễn ngôn hay bản sắc. Do ảnh hưởng bởi những tư tưởng này, Young cho rằng các nghiên cứu về chương trình học từ trước tới nay đã quá chú trọng tới những câu hỏi về chính trị và vấn đề tri thức hoàn toàn bị quy thành vấn đề quyền lực và quan điểm. Các nghiên cứu giáo dục thường bận tâm với câu hỏi “ai là kẻ định hình tri thức trong một chương trình học?”. Theo ông, những câu hỏi có tính chất chính trị ấy không phải là không quan trọng, trái lại chúng rất cần thiết trong nghiên cứu, nhất là với mối quan tâm của các nhà xã hội học về vấn đề bình đẳng trong giáo dục. Bản thân ông cũng thấy mặc dù bắt đầu với một thiện ý không phải không có cơ sở, tư tưởng kiến tạo luận xã hội dường như là lợi bất cập hại vì nó hầu như chỉ mang lại những cuộc tranh cãi không dứt trong giới nghiên cứu mà không đi tới được những tiêu chí khách quan nào cho việc phát triển chương trình học. Coi tri thức và kinh nghiệm là một qua sự phi-biệt hóa, phủ nhận tính khách quan của tri thức và suy giản nó thành những vấn đề quyền lực và quan điểm, kiến tạo luận xã hội không giúp đem lại cơ sở cho việc xác định vì sao một số dạng tri thức chứ không phải dạng khác lại cần được đưa vào chương trình học.

Chính vì thế, cuốn sách này thể hiện cách Young nhìn nhận lại một cách phê phán hướng đi của ngành xã hội học giáo dục hơn 30 năm qua cùng với những bài học của nó. Quan trọng hơn, ông đưa ra một giải pháp hứa hẹn giải quyết được bế tắc về vấn đề tri thức trong chương trình học hiện nay.

Vượt qua bế tắc: cách tiếp cận duy thực xã hội
Trào lưu duy thực xã hội trong lĩnh vực xã hội học giáo dục này mới xuất hiện vào cuối những năm 1990, ban đầu ở Anh, rồi lan sang Nam Phi, Úc, một số nước Mĩ La tinh và châu Âu như Hi Lạp và Bồ Đào Nha. Nó ra đời vừa mang hình thức là một cuộc khám phá lại những giá trị của truyền thống duy thực xã hội trong ngành xã hội học mà khởi nguồn là tư tưởng của Emile Durkheim, lại vừa là tiếng nói phê phán đối với những quan điểm đang chi phối các nghiên cứu và chính sách giáo dục hiện nay trên thế giới, cụ thể là nhằm giải quyết bế tắc giữa thực chứng luận và kiến tạo luận xã hội.

Theo Young, lý thuyết duy thực xã hội giúp khắc phục những khiếm khuyết của hai cách tiếp cận thực chứng luận và cách tiếp cận kiến tạo luận xã hội, đồng thời công nhận những hạt nhân hợp lý của hai hình thức nhận thức luận đó. Một mặt, nó đồng ý với lập trường thực chứng luận coi tri thức là thiêng liêng và khách quan đối với cảm nhận, kinh nghiệm của con người. Tuy nhiên, khác với thực chứng luận, duy thực luận xã hội không coi tri thức là bất biến và hoàn toàn độc lập với hoàn cảnh lịch sử-xã hội. Trái lại, lập trường duy thực xã hội nhất quán quan điểm tri thức dứt khoát có nguồn gốc xã hội–lịch sử, và do đó có thể biến đổi theo thời gian, không gian và có thể sai lầm. Điều này thể hiện điểm chung giữa duy thực luận xã hội và kiến tạo luận xã hội. Tuy nhiên, trong khi luận điểm về tính xã hội của tri thức khiến tư duy kiến tạo luận coi tri thức bị thu gọn trong bối cảnh nó ra đời, khiến nó đồng nhất với kinh nghiệm và thiên kiến, thì lập trường duy thực xã hội khẳng định chính tính xã hội của tri thức là cái mang lại tính khách quan của nó. Điều này không khiến cho tri thức trở thành thứ giáo điều hay bị coi là thứ chân lý tuyệt đối, bởi tri thức và chân lý mà con người khám phá luôn có thể sai lầm và do đó luôn cần được xét lại. Nhưng cho dù bản chất tri thức là có thể sai lầm, sẽ là phi lý nếu chúng ta phủ nhận khả năng của tri thức trong việc giúp con người hiểu hiện thực bằng cách nắm lấy những nguyên lý phổ quát.

Luận điểm về nguồn gốc xã hội–lịch sử và tính biệt hóa của tri thức có khởi nguồn với nghiên cứu về tôn giáo của Emile Durkheim.  Durkheim nhìn tôn giáo không phải ở khía cạnh huyền bí mà nhận ra rằng đó là một biểu hiện của cái mà ông gọi là “những biểu tượng tập thể”.  Những biểu tượng tập thể này không xuất phát từ trí óc cá nhân; chúng ra đời từ “bầu nhiệt huyết tập thể” của các cộng đồng và là nguồn tạo ra những phạm trù cơ bản nhất trong tư duy con người đồng thời là hình mẫu của mọi dạng lý thuyết cao cấp khác. Một phát hiện cơ bản trong những khảo cứu về tôn giáo về nguồn gốc của những biểu tượng tập thể của Durkhiem là sự phân biệt về trật tự nghĩa giữa “cái thiêng” và “cái phàm”, trong đó “cái thiêng” gắn với thế giới tôn giáo và “cái phàm” gắn với đời sống thường nhật của con người. Hai hình thái này có mặt trong mọi xã hội nguyên thủy và được Durkheim khái quát hóa thành một đặc điểm của mọi xã hội qua các thời kì khác nhau.  Theo ông, “cái phàm” gắn với thế giới hàng ngày của con người, thể hiện những phản ứng mang tính tức thì, thực dụng và cụ thể của con người đối với môi trường xung quanh. Trái lại, “cái thiêng” gắn với thế giới tôn giáo, có tính xã hội (chính thế giới ấy là sản phẩm của con người), tĩnh võ đoán (không phụ thuộc những sự kiện và hoàn cảnh cụ thể ) và tính tập thể.  “Cái thiêng”, theo ông, là tập hợp các hệ thống khái niệm trừu tượng, không phụ thuộc vào sự quan sát hay kinh nghiệm của con người. Tính khách quan của nó được tạo bởi chính đặc tính xã hội và tập thể, bởi thế nó có độ ổn định tương đối, buộc các cá nhân phải chấp nhận chúng như là chân lý.

Theo Young, mặc dù vẫn tồn tại một số hạn chế (là điu d hiu và hiển nhiên), lý thuyết của Durkheim đã mang lại một cơ s đầy sc thuyết phc cho vic gii thích s phát trin và nhng điu kin phát trin ca tri thc, cùng vi mt thông đip quan trng là s phân bit căn bn gia lý thuyết’ và ‘thực tiễn’ được tìm thấy trong mọi loại hình xã hội”.  Sự phân biệt giữa cái thiêng và cái phàm cũng chính là khởi nguồn cho nguyên lý về sự biệt hóa tri thức trong các tiếp cận duy thực xã hội, cụ thể là tri thức khái niệm (khái quát hóa, lý thuyết) và tri thức kinh nghiệm thường ngày (everyday knowledge). Trong tâm lý học, sự phân biệt này được học giả kiệt xuất người Nga Lev Vygotsky gọi là “khái niệm khoa học” (scientific concept) và “khái niệm  đời thường” (everyday concepts).  Trong giáo dục thì đó là sự phân biệt giữa tri thức học đường và tri thức phi học đường. Nguyên lý này là tiêu chí của nội dung giáo dục (chương trình học, sách giáo khoa)

Một vài ý nghĩa của cách tiếp cận duy thực xã hội trong giáo dục
Những luận điểm về nguồn gốc xã hội – lịch sử và tính khách quan của tri thức theo cách tiếp cận duy thực xã hội giúp tránh được bế tắc giáo dục gây ra do chủ nghĩa truyền thống và thực dụng, đồng thời tránh được cả những khó khăn không “đáp ứng” được những xướng xuất từ nhà phê bình theo thuyết hậu hiện đại.  Cách tiếp cận duy thực xã hội giúp các nhà lập chính sách, các nhà thiết kế chương trình học và nhà giáo nói chung tránh quan điểm coi tri thức là điều mặc nhiên đúng và phi lịch sử theo quan điểm bảo thủ và những quyết định dựa vào kinh nghiệm hay những yếu tố kinh tế, chính trị ngoài tri thức làm cơ sở cho chương trình học. Đặc biệt là sự biệt hóa mang tính xã hội của tri thức cho phép chúng ta thừa nhận rằng trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người luôn tồn tại loại tri thức siêu việt hơn những loại khác, đó là thứ tri thức đáng tin cậy, giúp chúng ta tiến gần hơn tới chân lý, hiểu đúng hơn về hiện thực thế giới quanh ta và cũng như xã hội loài người ta đang sống. Theo Young, thứ tri thức ưu việt đó là tri thức khái niệm khoa học, có tính khái quát hóa, giúp người học vượt thoát thế giới kinh nghiệm hàng ngày, mà ông gọi “tri thức của sức mạnh” (powerful knowledge) để phân biệt với “tri thức của kẻ mạnh” (knowledge of the powerful) như trong quan điểm kiến tạo xã hội .
Sự công nhận sức mạnh của tri thức khoa học cũng chính là nền tảng giá trị của một xã hội dân chủ, nó thể hiện cụ thể ở sự tin cậy đối với những chuyên gia trong các ngành nghề của cả nghệ thuật cũng như khoa học. Sự công nhận này cũng là nền tảng để chúng ta tôn trọng vai trò sư phạm và tri thức của nhà giáo trong lớp học. Nếu không có niềm tin vào tri thức học đường, nhà giáo sẽ không thể dạy, học sinh không thể học và phụ huynh sẽ chẳng cần đưa con tới trường. 

Đôi lời kết
Lâu nay trên các diễn đàn giáo dục, trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam, chúng ta thường xuyên bắt gặp một chủ đề quen thuộc về chương trình học trong nhà trường, từ nhà trường phổ thông tới đại học. Ở bậc phổ thông, đặc biệt là bậc tiểu học, có rất nhiều tranh cãi nổ ra xoay quanh vấn đề giảm tải chương trình học, nhưng dường như tranh luận khó đi tới hồi kết vì các ý kiến thường cố gắng thể hiện quan điểm cá nhân, người nói cần giảm cái này, kẻ nói cần giảm cái kia, cần giảm nữa, giảm sâu hơn... Ở bậc đại học, chương trình học cũng là một chủ đề nóng hổi với những chủ trương thay đổi từ ‘chương trình khung’ tới các chương trình cụ thể mà điểm chung là hướng tới giảm thời lượng lý thuyết, tăng thời gian thực hành và đào tạo kĩ năng mềm cho sinh viên để họ có thể thích ứng với quá trình “toàn cầu hóa”, hướng tới một “xã hội tri thức”.  Liệu tri thức trong các môn học phải lấy những  mục tiêu chính trị - xã hội hay những giá trị truyền thống làm cơ sở? Và những vấn đề về đổi mới hay giảm tải chương trình nên dựa vào sự phản ứng của dư luận và xu hướng thời thượng của thế giới? Dường như có một sự căng thẳng trong những cuộc tranh luận về  chương trình học ở Việt Nam tương tự như Young đã chỉ ra trong cuốn sách của mình. 
Người viết bài cho rằng để giải quyết  những căng thẳng này, điều trước tiên mà các nhà làm chính sách và nhà giáo dục cần làm là nhìn nhận và đánh giá lại xem nhận thức luận nào đang làm cơ sở cho chương trình học mà chúng ta hướng tới. Rõ ràng, những hiểu biết hệ thống về tri thức và nhận thức luận đặc biệt cần thiết khi chúng ta muốn đánh giá sự hợp lý của một tư tưởng giáo dục hay một chương trình học. Thứ tri thức nào chúng ta coi trọng đóng vai trò làm nền tảng và giúp ta hiểu được bản chất nền giáo dục ta đang theo đuổi.
Cách tiếp cận duy thực xã hội như đã nói tới trong bài có thể là một cơ sở đáng tin cậy giúp những nhà quản lý và thiết kế chương trình học nhìn nhận được xem mình đang theo nhận thức luận nào và hậu quả của nó ra sao đối với giáo dục. Mặt khác, nhận định về sự biệt hóa mang tính xã hội của tri thức cũng là lời nhắc nhở cho những lối tư duy võ đoán, tùy tiện trong quá trình thiết kế và thực hiện một chương trình học.

No comments:

Post a Comment