Saturday, February 2, 2013

Từ Trường Phái Tân Xã Hội Học Giáo Dục tới Trường Phái Duy Thực Xã Hội (tiếp)

5. Luận đề “Tri thức Là Quyền Lực” và Những Vấn Đề Của Nó

Sau này tôi nhận ra rằng với tư cách là một lý thuyết cách tiếp cận theo quan điểm xã hội đối với chương trình học, hay nói cách khác quan điểm rằng “tri thức là quyền lực” mà tôi đề ra trong cuốn sách  bộc lộ ít nhất ba vấn đề căn bản:


· Nó có tính mâu thuẫn – nó không tự áp dụng được luận đề đó cho chính mình – tại sao người ta cần phải chấp nhận nó trong khi nó tự nhận mình làm cơ sở để bác bỏ quan điểm rằng có những dạng tri thức có tính tin cậy hơn những dạng khác?


· Nó đi ngược với thực tế rằng trong mọi xã hội có những dạng tri thức được cho là ưu việt hoặc đáng tin cậy hơn, giúp con người tiến tới gần hiện thực hơn những dạng tri thức khác. 


· Nó không mang lại cơ sở nào cho một chương trình học mới,   hay cơ sở cho việc thêm vào hay giảm tải thứ kiến thức nào đó trong chương trình học ngoài việc chỉ công nhận rằng người có quyền là người được quyết định. Nếu chương trình học được định nghĩa như là hệ thống “tri thức của kẻ mạnh” thì định nghĩa ngược lại sẽ là hệ thống “tri thức của kẻ yếu” – và còn là gì nữa?  


Những nghi ngờ xoay quanh lợi ích của cách tiếp cận từ ngành xã hội học dành cho giáo dục  đã khiến tôi từ bỏ ngành xã hội học và đi sâu vào thực tế cải cách chương trình học và phát triển giáo viên ở Anh (Young 1998) và sau đó là ở Nam Phi. Ở Nam Phi, luận đề “Tri thức là Quyền lực” đặc biệt có sức hấp dẫn đối với giới làm chính sách giáo dục trong quá trình tìm kiếm một chương trình  thay thế cho chương trình Bantu, chương trình học dành cho toàn bộ nhân dân Phi châu mà trong đó mọi yếu tố quyền lực đều phải bị lọa bỏ. Rõ rang cả hai chương trình giáo dục Apartheid và Bantu đều là những hiện tượng xã hội và lịch sử và chúng trở thành những khẩu hiệu chính trị hơn là cơ sở đề thực hiện một phân tích xã hội học.  Tôi đã sớm nhận ra rằng cách tiếp cận này mắc vấn đề cả về lý thuyết lẫn thực hành, thậm chí là nguy cơ. Nó đưa các giáo viên tới đâu? Đặc biệt là khi hầu hết giáo viên đều không được đào tạo có bài bản.  Các giáo viên có nên hỏi sinh viên của mình xem họ muốn học gì trong khi họ quan tâm tới nổi loạn chính trị hơn là  tới giáo dục? Chính sự thiếu hụt một nguyên lý mới mà tôi lúc đó với tư cách là chuyên gia tư vấn  cho Nam Phi buộc phải đi tìm một lý thuyết tốt hơn – một lý thuyết giúp hình dung một chương trình hậu apartheid cần phải ra sao. Lý thuyết cho rằng tri thức là quyền lực vốn từng coi là có sức thuyết phục lớn trong việc phê phán chương trình giáo dục apartheir lại không hề nói gì tới các mô hình thay thế.  Dù có thiện ý, lý thuyết này có mục đích phi thực tế khi nó nhằm giúp “giải phóng” giáo viên trong khi không hề cho họ biết họ được giải phóng để làm gì.   


6. Hướng tới Lý thuyết duy thực xã hội về tri thức

Do được đào tạo về ngành xã hội học, tôi đã quay lại với những lý thuyết xã hội học mà tôi từng đọc cách đó 30- 40 năm – những lý thuyết của Marx, Weber, và Durkheim. Trước đấy tôi đã từng hiểu lầm và đã dễ dãi phủ nhận Durkheim khi tôi còn là một sinh viên vào những năm 1960. Lúc đó tôi thấy ông là một kẻ ‘bảo thủ’, người đi theo chức năng luận và thực chứng luận – đều là những cái mác mà những sinh viên ngành xã hội học những năm 1960 và 1970 lạm dụng. Trải qua thời gian và qua cả môi trường chính trị của Đảng Bảo Thủ những năm 1990 sau khi nó cầm quyền được 18 năm, tôi nhận thấy những phê phán trước đây của mình về Durkheim lại chú trọng quá nhiều tới tình hình chính trị những năm 1960s và 1970s hơn là về chính Durkheim. Quay lại với Durkheim sau một vài thập kỉ, tôi đã đọc ông ở một tư thế mới mà theo tôi nghĩ là gần hơn với ý định của ông và đặc biệt là phù hợp hơn với quyết tâm đi tìm một lý thuyết về tri thức tốt hơn của tôi. Có một vài nguyên nhân đã khiến tôi đọc lại Durkheim. Đầu tiên, tôi bắt đầu đọc cuốn “Những hình thức tôn giáo sơ khai” (Elementary Forms of Religious Life) của Durkheim và Quá Trình Phân Biệt Tri Thức Ở Xã Hội Nguyên Thủy (Primitive Classifications) của  Durkheim và Mauss cùng tập bài giảng của ông dành cho lớp huấn luyện sư phạm được xuất bản dưới nhan đề “Triết Lý Hành Dụng và Xã Hội Học” (Pragmatism and Sociology) -  tất cả đều là những tác phẩm tôi chưa từng đọc trước đó. Thứ hai, tôi mắc nợ rất nhiều tới những phê phán của các học giả trong cộng đồng xã hội học giáo dục, những người cùng chia sẻ những câu hỏi tương tự với tôi.  Thứ ba, nhằm phục vụ nghiên cứu về giáo dục hướng nghiệp, tôi bắt đầu đọc các tác phẩm của nhà tâm lý học người Nga, Lev Vygotsky. Tôi đã so sánh những tư tưởng của Durkheim và Vygotsky, hai học giả gần đương thời với nhau, và nhận thấy những tư tưởng đó bổ sung cho nhau nhưng vì ranh giới giữa xã hội học và tâm lý học mà chúng chưa bao giờ được đem lại gần nhau. Thứ tư, quá trình đọc lại tư tưởng của Durkheim cũng đã giúp tôi hiểu được vì sao mà ông lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ như vậy đối với thầy học của tôi, Basil Bernstein. Cũng chính quá trình này mà tôi thêm kính trọng những tác phẩm của Bernstein và tìm thấy hướng áp dụng những tư tưởng của ông.


7. Tri thức và Kinh nghiệm trong các công trình của Durkheim, Vygotsky và Bernstein

Phần tiếp theo của bài viết sẽ tập trung vào cách tiếp cận tri thức và giáo dục mà tôi phát triển từ quá trình đọc Vygotsky và Durkheim. Tôi gọi cách tiếp cận đó là duy thực xã hội  do hai lý do xuất phát từ Durkheim và cách tác phẩm ông được Randall Collins diễn giải (Collins 2000). Nó thể hiện sự tiếp nối nhưng đồng thời cũng là sự tương phản đối chọi với cách tiếp cận theo trường phái kiến tạo xã hội trong cuốn “Tri Thức và Kiểm Soát” Nó có tính tiếp diễn bởi nó công nhận rằng tri thức có nguồn gốc xã hội. Tuy nhiên, nó phủ nhận quan điểm trong cuốn sách đầu của tôi và trong những nghiên cứu về xã hội học tri thức theo trường phái Marx/ Mannheim cho rằng tính xã hội của tri thức khiến tri thức trở thành thiên kiến.  Đối với Durkheim, chính nền tảng xã hội của tri thức là cái mang lại tính khách quan  của tri thức và nhận định của nó về chân lý. Do đó mà có bước chuyển từ kiến tạo luận sang duy thực luận. Ở đây tôi không nói về chân lý theo cách tuyệt đối (bởi đó  là vấn đề  về niềm tin, đặc biệt là niềm tin tôn giáo) mà nói về những cách thức giúp chúng ta tiến tới gần hiện thực nhất. Nói cách khác,  đó chính là quan điểm cho rằng chân lý con người tìm ra có thể mắc sai lầm nhưng đó lại là cách tin cậy nhất mà ta có được. Đó là cách tiếp cận chân lý đã đặt trọng tâm nghiên cứu về ‘tính thực” và được thể hiện ở khái niệm Pierce dùng khi chỉ “các cộng đồng nghiên cứu”   và khái niệm “Nền cộng hòa khoa học” của Polanyi (Polanyi 1962).  Quan điểm đó cũng thể hiện cam kết đi tìm chân lý của một cộng đồng và sự công nhận về khả năng mắc sai lầm cuả chân lý ấy trong việc giúp phân biệt tri thức với ý kiến. Từ đó, phải được hiểu có sự khác biệt căn bản giữa tri thức và kinh nghiệm (kinh nghiệm là cơ sở cho mọi ý kiến).

Xin được quay lại với tầm quan trọng của việc tách bạch tri thức với kinh nghiệm và ý nghĩa giáo dục của nó trong các tác phẩm của ba lý thuyết gia – Durkheim, Vygotsky và Bernstein – những người đã ảnh hưởng nhiều nhất tới nền tảng tri thức trong tác phẩm gần đây của tôi (Young 2008).


Durkheim

Sự khác biệt giữa tri thức và kinh nghiệm mà Durkheim nhấn mạnh có cơ sở ngay từ sự phê phán tính tiên nghiệm của Kant trong công trình tiến sĩ của ông, sau này trở thành cuốn sách đầu tay mang tên “Sự Phân Chia Lao Động Xã Hội”  (Durkheim 1964) và các khái niệm – “cái thiêng” (sacred) và “cái phàm” (profane) trong những nghiên cứu về tôn giáo ở xã hội nguyên thủy qua cuốn “Những dạng thức sơ khai của đời sống tôn giáo (Durkheim 1915).  Ban đầu Durkheim sử dụng sự phân biệt cái thiêng/cái phàm để cho thấy sự tách bạch giữa tôn giáo và đời sống hàng ngày chính là hai cách thức tư duy khác nhau mà ông tìm thấy trong các xã hội nguyên thủy. Tuy nhiên đối với ông sự phân biệt cốt lõi đó trở thành sự phân biệt căn bản mang tính xã hội và được khái quát hóa trong mọi xã hội, ngay cả ở những xã hội đã được thế tục hóa đáng kể. Ông thấy được sư phân biệt này liên quan tới hai hệ thống ý nghĩa biểu trưng và cho rằng với trọng tâm về cái khái niệm và cái kinh nghiệm, sự tách bạch của hai hệ thống này trở thành cơ sở căn bản cho sự phát triển của khoa học và tất cả những dạng phỏng đoán tri thức; do đó ông gọi các ví dụ về cái thiêng tìm thấy trong những xã hội nguyên thủy là những ngành khoa học nguyên mẫu (proto-sciences). Durkheim cho rằng sự biệt hóa giữa tính khái niệm và tính xã hội ở một bên là đời sống hàng ngày (cái “phàm”với một bên là đời sống tôn giáo vật tổ (totemic religion) linh thiêng mà chức năng của nó là suy đoán về cuộc sống sau khi chết tạp thành cơ sở xã hội của tri thức khoa học và những dạng tri thức khác. Ông phát biểu rằng nếu không có sự tách bạch này thì sẽ không có xã hội khác nhau nào và đồng thời cũng không có tiến bộ xã hội nào có thể diễn ra trong quá trình lịch sử. Áp dụng quan điểm này cho xã hội đương thời, ông phân biệt cái thực tiễn và thường ngày (cái phàm)  với cái lý thuyết/trí tuệ/khái niệm – cái thiêng  vốn lúc đầu được thể hiện trong tôn giáo hoặc thần học  nhưng theo thời gian được mở rộng tới khoa học và các hoạt động trí tuệ khác. Do đó thông điệp quan trọng nhất Durkheim để lại cho chúng ta là sự phân biệt căn bản giữa “lý thuyết” và “thực tiễn” được tìm thấy trong mọi loại hình xã hội.    Rõ ràng quan điểm này rất khác với vấn đề phân biệt lý thuyết/thực tiễn qua lý thuyết của Marx. Trong khi đối với Marx thì “các triết gia chỉ biết luận giải về thế giới, trong khi quan trọng hơn là phải thay đổi nó” thì với Durkheim, tri thức (hay lý thuyết) mà chúng ta cần làm cơ sở để thay đổi thế giới phải được tách bạch và đi trước cái thực tiễn (Durkheim  1983).


Nhiều nhà nhân chủng học đã phê phán những nghiên cứu dân tộc học của ông về các xã hội thổ dân Úc tồn tại thời kì đó. Tuy nhiên cái mà không ai có thể phủ nhận được là một cơ sở đầy sức thuyết phục cho việc giải thích sự phát triển của tri thức và những điều kiện cho nó – cụ thẻ là tri thức được tạo ra trong những hoàn cảnh được mô hình như tôn giáo, hay nói cách khác là sự tách bạch giữa  “lý thuyết” và thực tiễn” mà ở những xã hội tiền khoa học được gọi là sự phân biệt giữa cái thiêng và cái phàm.


Luận điểm của Durkheim về sự biệt hóa của tri thức được phát triển thêm trong cuốn “chủ nghĩa hành dụng và xã hội học” (Durkheim 1983).  Theo Durkheim, những nguyên lý cần thiết cho thứ tri thức đáng tin cậy phải là những nguyên lý có tính tiên nghiệm (a priori) chứ không phải là hậu nghiệm (a posteriori). Nếu lấy khả năng áp dụng của các tư tưởng để làm tiêu chí cho chân lý, hay nói theo cách hiện đại thì là nguyên lý về tính hữu ích, thì cũng đồng nghĩa với việc mở cửa cho chủ nghĩa tương đối luận (relativism).


Trong cuốn “Chủ nghĩa hành dụng và xã hội học (1983), mục tiêu chính của Durkheim là nhằm vào William James và những người theo Dewey khi nhận định “cái được coi là đúng nếu như nó có ích”. Ông thấy quan điểm này chỉ khiến suy yếu những điều kiện cho sự phát triển của khoa học. Tính tin cậy của tri thức không được dựa trên tính tùy biến của các kết quả nó đem lại.  Luận điểm thứ hai của Durkheim là phản đề với Kant. Durkheim cho rằng tình trạng tiên nghiệm của tri thức không phải là thứ “ở trong đầu” hay ở một địa hạt siêu nghiệm nào như Kant vẫn tưởng,   mà nó có tính xã hội và nằm ngay trong lòng xã hội.  Những hạn chế của lý thuyết của ông là  ông không bao giờ nói rõ quan điểm của mình khi nói tới xã hội , đặc biệt là khi ông cố gắng giải suy những mô hình xã hội phức tạp thời ông sống. Một vấn đề then chốt khác mà Durkheim tập trung giải quyết là những hậu quả gây ra do sự chuyên môn hóa – cả trong cấu trúc nghề nghiệp (occupational structure) và trong quá trình phát triển tri thức. Điều này đặt ra câu hỏi trung tâm của ngành xã hội học mà ông sáng lập: “làm sao mà các xã hội có chuyên môn hóa lại có thể gắn kết chứ không chia rẽ?”. Trong các tác phẩm sau đó ông bắt đầu đi tìm giải pháp cho vấn đề này thông qua giáo dục và sự phát triển của nghề nghiệp chuyên môn (professions) với vai trò là trung gian của tri thức chuyên biệt hóa (specialized knowledge). 

Vygotsky

Cuộc đời Vygotsky không khác xa là mấy so với Durkheim. Sự nghiệp ngắn ngủi của ông bắt đầu trong thời kì Cách mạnh Xô Viết sau khi xuất bản bài luận về Hoàng tử Hamlet của Shakespeare và phê phán của ông về sự thống trị của chủ nghĩa hành vi trong tâm lý học lúc bấy giờ. Tuy nhiên ông nhanh chóng tập trung nghiên cứu những vấn đề mà các giáo viên ở xã hội mới phải đối mặt, như tình trạng thiếu hụt kiến thức sư phạm của giáo viên, tình trạng non nớt của trường ốc trong những ngày mới thành lập dưới chế độ độc tài Sa Hoàng. Tư tưởng về sự biệt hóa giữa tri thức và kinh nghiệm đóng vai trò chủ đạo qua khái niệm về “Vùng phát triển gần” (Zone of Proximal Development) xuất phát từ lý thuyết của ông về sự phát triển con người.  Đó còn là một giải pháp cho vấn đề sư phạm – làm thế nào để giáo viên có thể giúp học sinh tiến tới mức phát triển cao hơn về tư duy khái niệm bậc cao (higher order concepts) mà chúng không có điều kiện tiếp cận trong cuộc sống đời thường? 


Giống Durkheim, lý thuyết của Vygotsky mối quan hệ giữa tri thức và kinh nghiệm lấy sự phân biệt lưỡng phân làm cơ sở. Đối với Vygotsky sự phân biệt này liên quan tới hai loại khái niệm – khái  niệm lý thuyết (hay khoa học) và khái niệm thường ngày (hay thông thường). Các khái niệm này có những điểm tương đồng đáng chú ý với khái niệm “cái thiêng” và “cái phàm” của Durkheim, mặc dù được gán những ý nghĩa khác. Với Vygotsky, nhiệm vụ của chương trình học và giáo dục học đường là để giúp người học tiếp cận các khái niệm lý thuyết ở những dạng thức khác nhau – từ lịch sử, văn học cho tới khoa học và toán học. Bên cạnh đó, ông thấy rằng quá trình tiếp cận với các khái niệm bậc cao là quá trình sư phạm hai chiều khá phức tạp. Lúc đầu những khái niệm kinh nghiệm của người học được mở rộng và sau đó được chuyển hóa qua quá trình sư phạm bằng cách làm việc với các khái niệm lý thuyết trong chương trình học; tuy nhiên  quá trinh này sau đó được hoán đổi: người học sử dụng thứ tri thức khái niệm mới học đó để nhìn nhận lại và chuyển đổi các khái niệm thường ngày. Do đó sự phân biệt tri thức với kinh nghiệm  trở thành cốt lõi  trong  hệ thống khái niệm của Vygotsky về sư phạm và vai trò của nhà trường, điều mà Durkheim không mấy tập trung trong nghiên cứu của mình. Một hạn chế của tư tưởng Vygotsky đó là ông không bao giờ nói rõ ràng thế nào là ‘các khái niệm lý thuyết”. Một trong số những học trò của ông là V.V Davydov (1995) đã đi xa hơn với khái niệm “tri thức hạt nhân” (kernel knowledge).


Bernstein

Bernstein đi xa hơn từ những tư tưởng của Durkheim về sự phân biệt tri thức và vai trò đặc biệt quan trọng của những ranh giới giữa cái thiêng và cái phàm. Ở đây tôi xin trình bày ngắn gọn một vài điểm chính  trong hệ thống tư tưởng phức tạp của Bernstein: 

·     Các khái niệm “phân loại tri thức” ( classification) và “quá trình dàn xếp tri thức” (‘framing’)

Những tư tưởng này lần đầu được trình bày trong một bài viết kinh điển của ông (Bernstein 1971). Cả hai khái niệm đều được dùng để chỉ về ranh giới giữa các lĩnh vực tri thức. Khái niệm “phân loại tri thức” chỉ các ranh giới giữa các môn học trong chương trình học và mức độ các ranh giới này được duy trì hay làm suy yếu. Khái niệm “quá trình dàn xếp tri thức” chỉ ranh giới giữa tri thức học đường và tri thức hàng ngày mà học sinh mang tới trường.  Bernstein cho rằng những ranh giới này đều là biểu hiện của quyền lực và kiểm soát trong nhà trường cũng như ngoài xã hội.



· Bernstein đã phát triển tư tưởng của  Durkheim về ranh giới giữa những phạm trù cốt lõi mang tính xã hội đóng vai trò phân biệt giữa các dạng tri thức và phân biệt giữa tri thức với kinh nghiệm.  Giống Durkheim, ông cho rằng các ranh giới đều có cơ sở xã hội cho sự hình thành bản sắc của con người và đối với học đường thì là bản sắc của người học. Ranh giới giữa các môn học trong chương trình học giúp người học từng bước hình thành bản sắc của mình về mặt học thuật. Nếu không có những ranh giới đó làm cơ sở xây dựng bản sắc thì người học sẽ bị mắc kẹt trong thế giới kinh nghiệm của mình và không bao giờ vượt thoát được. Sau này Bernstein tiếp tục phân tích ý nghĩa của sự suy yếu hay lu mờ các ranh giới đối với người học.  

· Trong các công trình sau này, Bernetein tiếp tục luận giải về các khái niệm của Durkheim về “cái thiêng” và “cái phàm” thông qua hai khái niệm là diễn ngôn theo chiều dọc (vertical discourse) và diễn ngôn theo chiều ngang (horizontal discourse) (Bernstein 2001). Ông cho rằng trong diễn ngôn theo chiều dọc tri thức phát triển bằng cách chuyên biệt hóa theo những dạng bậc thang và tiến tới mức trừu tượng cao hơn (điển hình trong khoa học tự nhiên). Trái lại, sự tiến triển của tri thức trong ngành nhân văn học thì có dạng rời rạc vì có những khái niệm mới sinh ra để đặt ra vấn đề mới. Riêng với các môn khoa học xã hội thì Bernstein không thể hiện rõ quan điểm của mình về vị trí của nó giữa hai xu hướng trên. Suy ngẫm về chuyên ngành xã hội học thời bấy giờ, ông  có hướng coi các môn này giống như các môn thuộc chuyên ngành nhân văn (Bernstein 2001).

No comments:

Post a Comment