Từ Trường Phái Tân Xã Hội Học Giáo Dục tới Trường Phái Duy Thực Xã Hội
Hay là: Tại Sao Nhà Giáo Dục Phải Phân Biệt Tri Thức với
Kinh Nghiệm?
Michael F D Young
Học Viện Giáo Dục, Đại Học Luân Đôn
Mở Đầu
Tôi xin bắt đầu bài viết bằng vài dòng tự thuật. Lý do là vì tôi đã thay đổi rất
nhiều quan điểm của mình về vấn đề tri thức trong giáo dục trong sự nghiệp học
thuật của mình kể từ khi xuất bản cuốn sách đầu tiên năm 1971 và cuốn sách gần
đây năm 2008. Tôi hi vọng rằng
bài tự thuật ngắn sẽ giúp độc giả hiểu thêm về sự thay đổi này ở cả góc độ cá
nhân lẫn góc độ chuyên môn. Đối với những học viên mới bắt đầu con đường nghiên
cứu sau đại học, tôi hi vọng nó sẽ giúp họ thấy được một bài học rằng có những
điều được bắt đầu với thiện ý mà cơ sở xuất phát điểm lại sai lầm hoặc gây hiểu
nhầm thì kết quả sẽ vừa tiêu cực, vừa tích cực ra sao.
Michael F D Young
2. Đôi Dòng Tự Thuật
Tôi bắt đầu sự nghiệp của mình với vai trò là thầy giáo dạy Hóa cấp 3.
Đồng thời, trong quá trình theo lớp xã hội học vào buổi tối theo dạng bán thời,
tôi có điều kiện tìm hiểu về xã hội mà tôi sinh sống, cãi xã hội vốn trước đó
tôi coi là điều đương nhiên. Quan niệm của tôi về tri thức trước đó đều hết sức
ngây thơ và đơn giản – hóa học, đối với tôi là một kho tri thức sẵn có mà tôi
chỉ việc truyền thụ để kiếm sống vào ban ngày – xã hội học là kho tri thức mà
tôi có cần lĩnh hội – là công việc cần làm vào buổi tối. Các câu hỏi như “Tri
thức là gì” đối với tôi là một cái gì to tát, chỉ để dành cho các
triết gia chứ không phải dành cho người thường như tôi. Những thứ tôi học được
từ ngành xã hội học lúc đó chẳng hề khiến tôi nghĩ khác đi; tôi chỉ coi đó như
là một thứ kiến thức khác như bao thứ kiến thức khác đã học. Thế nhưng tư duy của tôi đã hoàn
toàn thay đổi khi học cao học ngành xã hội học theo dạng toàn thời– nhất là khi
được theo học thầy Basil Bernstein,
người lúc đó đã là một nhà xã hội học có uy tín. Chính ông là người giúp
tôi có cái nhìn xã hội học về giáo dục; và
·
Thấy được rằng tất
cả những gì hiện đang diễn ra trong giáo dục, từ trường ốc và chương trình học
cho tới các hoạt động dạy học diễn ra hàng ngày trong lớp học, đều là mô hình
thu nhỏ của xã hội rộng lớn bên ngoài và
·
thấy rằng chúng ta
có thể biết nhiểu hơn về xã hội ta đang sống và cách thức nó thay đổi ra sao
bằng cách tìm hiểu về những gì đang diễn ra ngay trong trường ốc.
3. Tri Thức là Một Hiện Tượng Xã Hội
Khi bắt đầu đến với xã hội học giáo dục, tôi đã nghĩ
chuyên ngành này chỉ nghiên cứu về ảnh hưởng của những vấn đề như giai cấp xã
hội, sự quan liêu, vai trò của nhà nước, v.v...tới giáo dục. Tôi đã hấp thụ một
cách đơn giản tư duy một chiều này. Tôi vẫn nghĩ những vấn đề này là quan
trọng, bởi giáo dục đâu phải là một ốc đảo mà nó còn bị chi phối bởi bối cảnh
lịch sử xã hội gắn với nó. Tuy nhiên, tới học kì cuối khóa cao học, thầy
Bernstein nói với tôi “Sao anh không viết luận văn về đề tài chương trình học
nhỉ?”. Kể từ lúc học cao học cho tới thời điểm này, đối với tôi không có câu
hỏi nào lại lạ lùng hơn thế, thậm chí lại khó khăn hơn thế: Cái tính xã hội về chương trình học là cái gì? Sau một thời gian suy
ngẫm về vấn đề thầy đặt ra, tôi đã hoàn thành luận văn của mình và chính nó đã
trở thành chương 1 trong cuốn sách đầu tiên của tôi nhan đề “Tri thức và Kiểm
Soát”, xuất bản năm 1971. Luận điểm chính của cuốn sách là kiến thức –
dù là kiến thức vật lý hay toán học hay bất cứ thứ kiến thức nào ta có được về
nơi mình sống – hoàn toàn có nguồn gốc xã hội (hay nói theo cách khác cho phù
hợp với những gì tôi chứng kiến vào thời điểm đó – tất cả tri thức xét cho cùng
đều chỉ là kinh nghiệm của một ai đó hoặc một nhóm người nào đó). Mặt khác, đôi
khi chính kinh nghiệm của một người thuộc một nghề nghiệp, hay một chuyên gia,
thậm chí là của một giáo viên nào đó lại được khiến trở nên đặc biệt, được coi
là thứ tri thức với tất cả quyền lực đi kèm với nó.
Chính vì thế trong cuốn sách “Tri Thức và Kiểm Soat” tôi
cho rằng các nghiên cứu nghiêm túc về giáo dục cần phải được bắt đầu bằng câu
hỏi về tri thức – cái gì
được truyền thụ, cho ai và như thế nào. Tôi đã khẳng định 2 quan điểm mà
hiện giờ tôi vẫn coi là quan trọng. Trước hết giáo dục và tri thức là hai vấn
đề không thể tách rời – giáo dục còn ý nghĩa gì khác nếu không phải là kiến
thức mang lại cho người học hoặc hi vọng người học được học hoặc nếu ta là nhà
giáo thì đó là thứ ta muốn người học học được? Vào thời điểm bấy giờ việc thách
thức hay nghi ngờ kiến thức của nhà giáo hoặc chuyên gia là chuyện động trời,
có tính chất phá vỡ quan niệm truyền thống.
Nói cách khác, khi
đặt vấn đề về tính xã hội của tri thức và chương trình học thì sẽ không tránh
khỏi những câu hỏi rộng hơn về sự phân phối và thực thi quyền lực trong xã hội.
Cho tới những năm 1970, các nhà xã hội học hầu như chỉ tập trung vào câu hỏi
“ai là người được học?” chứ không phải là câu hỏi “ người học nhận được gì?”,
hầu như không có ai thấy được hai câu hỏi này có mối liên hệ không thể tách
rời. Quan điểm thứ hai của tôi là không chỉ ngành xã hội học giáo dục mà thậm
chí tất cả các nghiên cứu giáo dục phải được bắt đầu bằng vấn đề tri thức,
nhưng riêng với quan điểm xã hội học thì tri thức chỉ là một hiện tượng xã hội
như những cấu trúc khác tạo thành xã hội như gia đình hay nhà máy vốn là trọng
tâm nghiên cứu truyền thống của các nhà xã hội học.
Dựa trên mối liên
hệ giữa quyền lực và tri thức, tôi đã phát triển hai luận điểm chính. Một là
cấu trúc tri thức trong chương trình học – những ranh giới, cái thêm và cái bớt
– đều được coi là biểu hiện của sự phân bố quyền lực trong xã hội. Luận điểm
thứ hai cho rằng quá trình sắp xếp lựa chọn tri thức trong bất kì hệ thống giáo
dục nào cũng nhằm quyết định xem các cơ hội giáo dục được phân phối như thế nào
và cho ai. Tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn cần
luôn nhớ tới mối liên hệ giữa quyền lực và tri thức trong giáo dục – tất nhiên
không phải là cách duy nhất khi nghĩ về giáo dục mà nên nghĩ đó như là những xu
hướng trong xã hội cụ thể mà ta đang sống.
Hai luận điểm vừa
đề cập trên kéo theo bốn hệ lụy sau:
·
Nếu những thứ được
coi là tri thức đều là hiện tượng xã hội – và do đó là một biểu hiện của các
mối quan hệ quyền lực trong xã hội và nhà trường thì chương trình học về bản
chất cần phải là một công cụ chính trị để duy trì các mối quan hệ đó. Bởi vậy
mà bất kì sự thay đổi quan trọng nào về chương trình học thực chất chỉ là sự
phản ánh những thay đổi trong chính trị chứ không phải là trong giáo dục.
·
Nếu cấu trúc của tri thức chỉ là một biểu hiện của sự
phân bố quyền lực trong xã hội – thì có thể ta sẽ chẳng có cơ sở khách quan nào
cho việc phân biệt giữa các loại tri thức, cũng như chẳng thể nào xác định được
đâu là những nhận định tri thức đáng tin cậy hơn những nhận định khác cho khả
năng tiếp cận chân lý. Sự khác biệt giữa các tri thức
khác nhau được quy về loại tri thức của kẻ trị và loại tri thức của kẻ bị trị. Cực đoan hơn luận điểm này có thể dẫn tới chủ
thuyết tương đối (relativism) coi sự khác nhau giữa các tri thức đơn thuần là
biểu hiện của những kinh nghiệm của những nhóm người khác nhau. Vấn đề xã hội
duy nhất được quan tâm khi nghiên cứu về giáo dục là vấn đề quyền lực. Gần đây
tôi có tóm tắt cách tiếp cận này và gọi đó là cách tiếp cận tập trung vào vấn
đề “tri thức của kẻ mạnh”
(knowledge of the powerful). Sự chú trọng tới vấn đề “tri thức của kẻ mạnh”
hướng trọng tâm nghiên cứu vào kẻ nắm tri thức (knowers) thay vì hướng trọng
tâm vào bản than tri thức – nói cách khác câu hỏi nghiên cứu trở thành “ Ai có
quyền quyết định tri thức là gì?”. Tôi thấy cần thiết phải phân biệt cách tiếp cận này với cách tiếp cận
tập trung vào tư tưởng về “ tri thức của sức mạnh” (powerful knowledge) –câu hỏi nghiên cứu do đó sẽ không còn
là “ai là kẻ nắm tri thức” nữa mà trở thành “Những dạng tri thức nào thực sự đem lại sức mạnh trí tuệ
cho những ai được tiếp cận nó?” Chúng có giúp giải thích, phỏng đoán các vấn đề hay
không? Chúng có đáng tin cậy hơn những
dạng tri thức khác không? Chúng có giúp con người vượt khỏi giới hạn kinh
nghiệm của mình để đi tới những chân trời rộng lớn hơn? Trong một bài viết trước đó tôi đặt những
câu hỏi này trong một câu hỏi bao quát hơn, là “vì sao chúng ta cần phải có nhà
trường?” (Young 2009b)
·
Những hoạt động nhằm phân biệt tri thức học đường với tri
thức kinh nghiệm hằng ngày mà trẻ em hoặc người học mang tới trường đều chỉ là
những cách thức mà một vài nhóm thực hiện để hợp lý hóa quan điểm của mình về
tri thức và che đậy mối quan hệ quyền lực ngầm dưới quan điểm đó. Bạn đọc nào
đã từng biết tới các tác phẩm của nhà xã hội học người Pháp, Pierre Bourdieu
chắc còn nhớ ông đã mô tả quá trình dạy – học như là một quá trình bạo lực về
tư tưởng (symbolic violence) và các môn học trong nhà trường là một dạng “ độc
tôn văn hóa” (cultural tyranny).
·
Cách tiếp cận này
đem lại một cơ sở vững chắc trong việc phê phán các chương trình học ở nhà
trường cũng như bất cứ tri thức nào khác, như tri thức chuyên môn hay thứ tri
thức thuộc các cơ quan tổ chức khác nhau trong xã hội. Do đó không ngạc nhiên khi thấy điều này đã
dẫn tới lập trường của một số người chống lại nhà trường, chương trình học và
vai trò của người thầy nhằm hướng tới cách tiếp cận lấy người học làm trung tâm
(như quan điểm của Friere 1971) và thậm chí quan điểm của những người như Ivan
Illich (Illich 1971) cho rằng nhà trường cần phải loại bỏ khỏi xã hội.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân biệt tri thức với
kinh nghiệm, những gì thể hiện dưới nhan đề của bài viết này là sự đối lập với
cuốn sách đầu tiên của tôi mang tên “Tri Thức và Kiểm Soát”. Tôi đã đặt những yếu tố về đặc quyền, về kinh
nghiệm của người học lên trên tri thức và cho rằng sự phân biệt giữa tri thức
và kinh nghiệm thực chất chỉ là vấn đề về ý thức hệ, phụ thuộc vào quyền lực
của những người quyết định cái gì là tri thức thay vì đi tìm những tiêu chí
khách quan cho tri thức. Liên hệ với quan điểm mang tính chất cấp tiến chính
trị trong giáo dục, lập trường ưu tiên kinh nghiệm này đã dẫn tới hậu quả là
nhiều giáo viên ngây thơ khi cho rằng nhiệm vụ của mình là phải đứng về phía
những người yếu thế trong xã hội, cho dù đó là học sinh, sinh viên, giai cấp công nhân hay những
người thuộc nhóm dân tộc thiểu số. Có thể mô tả lập trường này là lập trường
cấp tiến kiểu cào bằng dựa trên chủ trương chính trị cơ hội thiển cận – một
quan điểm về thế giới mà, vào thời điểm đó – cách đây 30 năm – tôi đã hoàn toàn
ủng hộ!
Quan điểm cho rằng quyền lực là yếu tố có mặt trong tất cả nhận định về
tri thức đã và sẽ luôn còn quan trọng bởi nó giúp ta giải quyết những vấn đề mà
nó đặt ra cũng như nhằm hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn. Nó thể hiện sự thách
thức đối với bá quyền và các cấu trúc quyền lực, đồng thời là cơ sở nhắc nhở
chúng ta rằng các “tư tưởng thống trị” (‘ruling ideas’) luôn cần phải được phê
phán và nghi ngờ. Tôi đã
mất khá nhiều năm suy nghĩ trằn trọc và tranh cãi sôi nổi để thực sự nhận ra
việc gắn các tư tưởng về tri thức với quyền lực luôn có điểm yếu và điểm mạnh
trong mọi hoàn cảnh. Làm sao để vừa tôn
trọng được những văn hóa khác nhau (như đối với giáo dục học đường là sự
tôn trọng tri thức mà người học mang tới trường) lại vừa công nhận rằng một số
phương thức khám phá thế giới có thể làm cơ sở đáng tin cậy hơn những phương
thức khác quả là một điều không hề dễ dàng. Thậm chí còn mất thời gian hơn nữa
tôi mới đi đến cách nhận thức rằng mặc dù bản chất tri thức có nền tảng xã hội và cho dù nó có mối liên hệ
với các cấu trúc quyền lực thì điều đó cũng không khiến tri thức mất đi tính
khách quan. Tuy
nhiên, như sẽ trình bày trong các phần tiếp theo của bài viết này và chi tiết
hơn trong quyển sách gần đây tôi viết (Young 2008), tôi tin rằng có cách tiếp
cận đối với tri thức và chương trình học
– mà tôi gọi là cách tiếp
cận duy thực xã hội – giúp ta có được một cơ sở thực tế hơn cho dự án
mang tính giáo dục lẫn chính trị mà tôi theo đuổi những năm 1970 nhằm giải
quyết (hay ít nhất là giảm thiểu) những vấn đề về bất bình đẳng trong giáo dục.
(Còn tiếp)
(Còn tiếp)
No comments:
Post a Comment