- Cách đây mấy ngày tôi đọc bài “SOS thứ bậc VN trên xếp hạng trí tuệ toàn cầu”,
chiều ngày 9 – 8 lại được nghe GS. Nguyễn Văn Tuấn (Úc) thuyết trình về
tình trạng nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam với những bảng biểu và
con số cụ thể chứng minh rằng Việt Nam đang thua rất xa các nước trong
khu vực về thành tựu nghiên cứu khoa học. Rồi nữa, chuyện thầy đánh trò
đình đám xảy ra cách đây mấy tuần mà báo chí đã đưa tin... Tất cả như
quyện lại với nhau, như cùng có một nguyên nhân sâu xa nào đó liên quan
đến triết lý giáo dục, mà cũng hình như liên quan đến chuyện “tiên học lễ...” trong nhà trường mà chúng ta đang tranh luận.
Nho giáo và các vấn đề giáo dục hiện nay
Rõ ràng không thể cho việc “ngụp lặn” của trí tuệ người Việt ở nữa dưới thế giới là do tư chất người Việt kém. Ngược lại, tôi thấy con em người Việt ở nước ngoài đã tỏ ra sắc bén không thua chị kém em nước sở tại trong chuyện học hành nghiên cứu. Vậy chắc chắn có cái gì đó không ổn trong triết lý giáo dục mà hậu quả là chúng ta đã không đào tạo được những con người có văn hoá phản biện, có khả năng tư duy độc lập và sáng tạo để tự thay đổi mình và thay đổi môi trường sống, cũng như góp sức mình làm phong phú kho tàng tri thức của nhân loại.
Phải chăng, hiện trạng này có liên quan một phần đến Nho giáo, đến bóng của Khổng Tử trên ngành giáo dục, thể hiện trong quan niệm và cách làm của người quản lý, trong não trạng và cách dạy của thầy, cũng như trong suy nghĩ và cách học của trò hiện tại ?
Quan niệm giáo dục lấy thầy làm trung tâm, lấy tư tưởng người xưa làm mẫu mực, là rào cản của sự tò mò, trí tưởng tưởng vốn rất cần cho sự sáng tạo, làm hạn chế khả năng tư duy độc lập mà chức năng của giáo dục đáng lẽ là phải khơi gợi, kích thích và làm cho nó phát triển. Tình trạng này cùng với một môi trường xã hội không tạo thuận lợi cho sự lưu chuyển các tri thức và thông tin, luật pháp chưa bảo vệ được những sản phẩm trí tuệ ... là những nguyên nhân quan trọng của hiện trạng không lấy gì làm sáng sủa như đã nói đầu bài viết.
Quan niệm dạy - học mang màu sắc giáo dục khổng giáo vốn xem trọng quá khứ, “tầm chương trích cú”, “thuộc làu kinh sử” biến học sinh thành những con vẹt, biến những bộ óc non nớt của các em thành những thùng chứa đồ cũ, là nguyên nhân của bệnh đọc – chép. Đọc chép lâu dần không những làm cho học sinh mất hết khả năng sáng tạo, mà còn tạo ra nơi người học thói quen xài chùa của người khác, trong lĩnh vực học thuật, thì đó là đạo văn.
Việc gắn sự học với việc làm quan trong giáo dục nho giáo vốn đang ảnh hưởng rất mạnh trên não trạng của người Việt mình là thủ phạm gây ra hiện tượng “thừa thầy thiếu thợ”, sính bằng cấp, học giả bằng thật, vv. Có lẽ phải mất nhiều thời gian, tốn nhiều giấy mực để nghiên cứu ngọn ngành sự liên quan xa gần giữa những ảnh hưởng Nho giáo và từng hiện tượng cụ thể đang tồn tại trong ngành giáo dục mà trong khuôn khổ một bài viết ngắn, tôi không thể trình bày thấu đáo.
Giáo dục hiện đại không bắt con trẻ học thuộc lòng nội dung và áp dụng một điều gì đó kể cả các “chân lý” đã được khoa học kiểm chứng một cách như học “lời của thánh hiền”, nhưng dạy cho các em làm thế nào (học phương pháp) các nhà khoa học đã tìm ra chân lý đó, không phải bắt các em “tuân phục” mà cất nghĩa cho các em hiểu tại sao lại phải vậy, và trang bị cho các em có đủ khả năng vận dụng lý trí của mình để soi sáng những điều đó và khi cần thì biết cải tiến, biết vượt qua nhằm thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Lại nói chuyện “lễ”
Có nhiều người lo là nếu bỏ “tiên học lễ...” sẽ làm giới trẻ mất phương châm sống sống ? Không đến nỗi như vậy, ăn thua là người lớn chúng ta có làm cho trẻ biết ước mơ, có những hoài bão đẹp hay không ? Khi trẻ có lý tưởng sống đẹp thì tự các em sẽ có cách sống đẹp. Chữ lễ quy định cách thức ứng xử giữa người với người theo kiểu nho giáo, chứ không phải là lý tưởng sống, càng không phải là chân lý bất biến, bởi cách kiểu ứng xử thì tuỳ từng xã hội, xấu hay tốt nhiều khi cũng tuỳ từng xã hội.
Người Phương Tây chẳng có Nho giáo, chẳng có “lễ” làm cơ sở để đối nhân xử thế, thì họ vẫn có lý tưởng sống, vẫn sống tử tế với nhau, vẫn đối xử lịch thiệp, vẫn bác ái, vẫn biết thương lượng với nhau để tránh xung đột, vẫn biết chung sống với nhau trong sự khác biệt đó thôi. Tôi không chủ trường bài xích hoàn toàn giá trị của Nho giáo, nhưng không mấy thiện cảm với chữ lễ ở trong học thuyết này. Xin hiểu cho là tôi đang nói chữ lễ trong ý nghĩa gốc của khái niệm như tác giả của Dựa vào gì để cân nhắc bỏ hay giữ “học lễ”? đã đề cập, chứ không chê các giá trị văn hoá đạo đức tích cực, tốt lành trong xã hội hiện tại mà trách vụ của giáo dục là phải chuyển tải cho học sinh.
Tôi đã chứng kiến số phận bao nhiêu con người phải khổ sở thế nào vì những lề thói mang màu sắc chữ lễ Nho giáo: Một ông bác gây sự om sòm trong đám hỏi của cháu làm các cháu sợ xanh tím mặt mày, chỉ vì các cháu không biết những lễ nghĩa với bác; những bậc cha mẹ sẵn sàng cấm, cắt đứt chuyện yêu đương của con cái chỉ vì những người lớn chấp trách lễ nghĩa với nhau; những cảnh đời phụ nữ có cuộc sống như là nô lệ tại nhà chồng cũng chỉ vì não trạng kiểu “tam tòng tứ đức” vv. Suy cho cùng thì những người lớn cứ nằng nặc bắt trẻ con phải dữ lễ nghĩa kiểu như vậy cũng chỉ vì muốn thoả mãn cái tôi của mình, mà không đếm xỉa gì tới tình cảm, cảm giác của con cháu mình thế nào. Lễ nghĩa hình thức nếu chúng ta câu nệ quá, sẽ làm khổ con người, làm tan biến con người trong một mớ quy định, thay vì đặt con người làm trung tâm và làm chủ của tất cả.
Nhà trường không nên trưng khẩu hiệu
Ảnh minh họa |
Tôi
nghĩ trường học không nên trưng bất kỳ khẩu hiệu nào, hay áp đặt bất kỳ
chủ nghĩa, học thuyết nào duy nhất cả. Giáo dục là thiết chế công, là
nơi giao thoa của nhiều luồng tri thức, nhiều chủ thuyết, nhiều mô hình
văn hoá, là nơi gặp gỡ của nhiều người với bản chất là “chín người mười
ý”, nên phải là của chung, của công cộng. Vì là của chung nên không nên
biến nhà trường thành công cụ riêng của bất cứ nhóm nào, khuynh hướng
nào trong xã hội.
Chúng ta không nên đóng khung trẻ vào bất kỳ một thứ gì, bởi khi làm như vậy, chúng ta đã cản ngăn tầm nhìn của trẻ ra thế giới, đã dựng một vách tường hạn chế tư duy của trẻ. Hãy để cái đầu của các trẻ tự do, không bị điều kiện hoá và không phải lệ thuộc vào bất kỳ thứ gì, để khi trưởng thành, trẻ sẽ tự sử dụng lý trí với những kiến thức và phương pháp được trang bị, tự chọn cho mình một lối đi, thiết kế cho mình một kế hoạch cuộc đời. Sự tự do cũng là điều kiện cần để có thể phản biện, để có thể phát minh, sáng tạo ra những thứ mới.
Bên cạnh tự do, chúng ta hãy dạy cho trẻ trách nhiệm về những gì mình làm, mình chọn lựa. Để có thể sống chung và góp phần phát triển xã hội, chúng ta hãy dạy cho trẻ các kỹ năng thương lượng, có chính kiến, nhưng cũng biết biết nhân ái và tôn trọng sự khác biệt. Tôi nghĩ đó mới là “phần mềm” cần cho những công dân tương lại trong thời đại dân chủ, hội nhập và toàn cầu hoá ngày nay, chứ không phải chữ lễ của Nho giáo.
Chúng ta không nên đóng khung trẻ vào bất kỳ một thứ gì, bởi khi làm như vậy, chúng ta đã cản ngăn tầm nhìn của trẻ ra thế giới, đã dựng một vách tường hạn chế tư duy của trẻ. Hãy để cái đầu của các trẻ tự do, không bị điều kiện hoá và không phải lệ thuộc vào bất kỳ thứ gì, để khi trưởng thành, trẻ sẽ tự sử dụng lý trí với những kiến thức và phương pháp được trang bị, tự chọn cho mình một lối đi, thiết kế cho mình một kế hoạch cuộc đời. Sự tự do cũng là điều kiện cần để có thể phản biện, để có thể phát minh, sáng tạo ra những thứ mới.
Bên cạnh tự do, chúng ta hãy dạy cho trẻ trách nhiệm về những gì mình làm, mình chọn lựa. Để có thể sống chung và góp phần phát triển xã hội, chúng ta hãy dạy cho trẻ các kỹ năng thương lượng, có chính kiến, nhưng cũng biết biết nhân ái và tôn trọng sự khác biệt. Tôi nghĩ đó mới là “phần mềm” cần cho những công dân tương lại trong thời đại dân chủ, hội nhập và toàn cầu hoá ngày nay, chứ không phải chữ lễ của Nho giáo.
No comments:
Post a Comment