(ĐVO) - Đại hội Đảng lần thứ XI đã có chủ trương phải đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, năm 2013 là năm bản lề xây dựng đề án “Đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện”. Trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 12/2012, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đã thẳng thắn thừa nhận những yếu kém của ngành giáo dục. Ông thông báo rằng Bộ Giáo dục đã thành lập Ban đổi mới chương trình - SGK phổ thông. Tuy nhiên, GS Hoàng Tụy - nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam đặt vấn đề, nếu không cải cách giáo dục triệt để, không thống nhất được triết lý giáo dục mà vội vàng in SGK mới thì chỉ vài năm sau lại phải thay mới.
Đảo ngược quy trình
PV: - Thưa Giáo sư
Hoàng Tụy, Bộ Giáo dục đã thành lập Ban “Đổi mới chương trình, sách giáo
khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015” với nhiều hứa hẹn tốt đẹp. Tuy
nhiên, rất nhiều chuyên gia đã đặt một dấu hỏi lớn nghi ngờ về sự thành
công của lần đổi mới này. Giáo sư có suy nghĩ gì trước sự kiện này?
GS Hoàng Tụy: - Theo
tôi, chưa cải cách giáo dục mà bàn tới thay đổi SGK là làm ngược. Trong
cải cách giáo dục thì chương trình là một phần nội dung rất quan trọng.
Cần phải có một chương trình thống nhất từ lớp 1 tới lớp 12, còn như
hiện nay mỗi năm lại cắt chỗ này, thay chỗ khác, nhưng thực chất là
không làm thay đổi bản chất của vấn đề.
Đã không thay đổi được bản chất của vấn
đề thì đương nhiên sách giáo khoa phải in đi in lại, mà như vậy thì vô
cùng lãng phí. Dù là tiền từ nguồn nào thì suy cho cùng cũng là của nhân
dân, cho nên lãng phí một đồng cũng không được phép.
Hiện nay, chương trình được thiết kế hết
lớp 12 rồi học sinh thi vào các trường đại học, cao đẳng, năm nào cũng
tổ chức mấy kỳ thi lớn như vậy, gây lãng phí tiền của của nhân dân và
đất nước, nhưng hiệu quả đào tạo và sử dụng thì rất kém. Tại sao lại như
vậy? Thực chất không chỉ ở nước ta mà các nước khác trên thế giới họ
cũng luôn cần một lực lượng lao động là những người thợ kỹ thuật, là nhu
cầu thực của xã hội nhưng ta lại không chú trọng đào tạo.
Chúng tôi đã từng đề nghị xây dựng
chương trình giáo dục từ lớp 1 đến lớp 9 là hết giai đoạn cung cấp văn
hóa phổ thông cần thiết, và cái đó sẽ tiến đến chỗ phổ cập. Còn với
chương trình THPT thì chọn 1/3 học sinhtốt nghiệp THCS có thành tích học
tập cao vào học, và những em này hướng vào đại học. Còn lại 2/3 học
sinh theo hướng vừa học kiến thức phổ thông căn bản, vừa hướng nghiệp.
Như vậy sau khi tốt nghiệp, học sinh
muốn học đại học, cao đẳng thì có thể thi tiếp, nếu không thì sau 3 năm
học PTTH, các em đã có nghề để tự lập, đi làm việc. Hiện nay, rất nhiều
gia đình khó khăn, nhiều em chỉ muốn học hết phổ thông là ra đời kiếm
sống, rồi sau này mới học tiếp thì cách làm như tôi vừa nói ở trên sẽ
tạo được điều kiện ấy, mà nó cũng phù hợp với nhu cầu của xã hội.
Như vậy, chương trình giáo dục phổ thông
phải khác hẳn, và phải làm như vậy thì mới giải quyết được tình trạng
“nút cổ chai” hiện nay là sau 12 năm thì 1/3 vào đại học, cao đẳng, còn
2/3 thì bơ vơ, ra đời mới bắt đầu đi học nghề, rất mất thời gian, tốn
kém tiền bạc của gia đình và tiền của Nhà nước. Nhiều em học thêm một
năm nữa rồi thi tiếp đại học, cao đẳng, nhưng có em đỗ, có em không, rồi
cũng phải quay lại học nghề, như thế rất lãng phí.
Giáo sư Hoàng Tụy (Ảnh: Xuân Trung) |
PV: - Vậy ta phải phân loại học sinh thế nào để chia làm hai nhánh như trên, thưa Giáo sư?
GS Hoàng Tụy: - Theo
tôi là có thể tuyển dựa trên học bạ, kết hợp với phỏng vấn. Quá trình
học tập sẽ sàng lọc rất rõ năng lực của từng em, chỉ cần các giáo viên
đánh giá và làm việc công tâm là mọi việc đâu vào đấy. Việc chia nhánh
học sinh như tôi vừa đề cập ở Singapore người ta đã làm nhiều năm nay
rồi, ở nhiều nước tiên tiến cũng áp dụng như vậy. Xin nhắc lại rằng đó
là nhu cầu thực của xã hội, chứ không phải nhồi nhét kiến thức rồi sau
12 năm thì đẩy hết ra xã hội, trở thành gánh nặng của đất nước.
PV: - Tuy chưa đổi
mới, cải cách giáo dục toàn diện và triệt để, nhưng thực tế thì Bộ Giáo
dục vẫn đang tính tới chuyện thay mới SGK, cho dù Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
cũng đã thừa nhận đang thiếu một tổng chủ biên. Như vậy, với lần đổi
mới SGK này sẽ lại một lần nữa chứng kiến sự tốn kém nhiều tỷ đồng. Quan
điểm của GS về vấn đề này thế nào?
GS Hoàng Tụy: - Chưa có
một chương trình mới thực sự căn bản và toàn diện cho giáo dục, nhưng
lãnh đạo của Bộ cũng vẫn đang phải chịu nhiều áp lực, và áp lực ấy đến
từ chính chương trình hiện tại. Có thể nói rằng, chương trình hiện nay
đang dạy cho học sinh phổ thông đã xuất hiện nhiều vấn đề bất cập rồi,
cho nên người ta bàn chuyện thay đổi SGK là để sửa lại những gì đang bị
cho là bất hợp lý ở thời điểm hiện tại.
Tất nhiên làm như thế này thì sẽ vô cùng
lãng phí, bởi vì chưa xác định được hướng đi nào cho phù hợp, chương
trình nào là phù hợp, là chuẩn mực mà đã in lại SGK thì vài năm sau sẽ
lại nảy sinh bất cập, lại nảy sinh các lỗi này lỗi khác… thế rồi lại bàn
tính đến chuyện thay sách. Cứ như vậy, tiền tỷ đội nón ra đi, trong khi
cái gốc là cải cách giáo dục thì không thực hiện.
Lẽ ra Trung ương phải ra được nghị quyết
về vấn đề này, phải định hướng rõ triết lý giáo dục, phương hướng,
nhiệm vụ ra sao rồi mới trên cơ sở đó viết SGK. Triết lý giáo dục là vô
cùng quan trọng, bởi đó là tư tưởng xuyên suốt cho các cuốn sách. Nhưng
chưa thống nhất tư tưởng đã viết sách rồi là không đúng, là làm ngược.
Chấn hưng giáo dục là nhiệm vụ khẩn cấp
PV: - GS có cho rằng, SGK hiện nay quá nặng tính hàn lâm, không sát với thực tế đời sống?
GS Hoàng Tụy: - Các nhà
lãnh đạo của ta thì mong muốn vừa dạy chữ vừa dạy người, nhưng không ai
nói rõ là dạy người như thế nào cả. Dạy người nhưng vẫn cứ theo cái nếp
của ngày xa xưa, cho nên xã hội hiện nay bị rối loạn lên, đạo đức suy
đồi, rất nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra ở lứa tuổi học trò.
Điều đó cho thấy cách dạy người của ta
đang rất thiển cận, trẻ em còn nhỏ nhưng đã nhồi nhét vào đầu chúng thế
này thế khác, nói lý thuyết thì rất hay, nhưng ra thực tế xã hội lại
hoàn toàn ngược lại. Ấy là vì chúng không được dạy các kỹ năng sống,
những điều gần gũi với cuộc sống, mà chỉ có lý thuyết suông, cuối cùng
học sinh chỉ học được cái giả dối… Tất cả những điều ấy thuộc về triết
lý giáo dục, mà tới giờ vẫn chưa xác định được, chưa định hướng được thì
bàn viết SGK mới làm gì?
Hiện nay, đất nước đang đứng trước thực
trạng đáng buồn, xã hội nhiễu nhương, văn hóa suy đồi, kinh tế suy
thoái. Chưa bao giờ như bây giờ cuộc sống bức bách đòi hỏi phải cải cách
giáo dục, coi đó là điều kiện sống còn của dân tộc. Cứu nước giờ đây có
nhiều việc khẩn cấp phải làm, trong đó chấn hưng giáo dục là một trong
những nhiệm vụ khẩn cấp.
Giáo dục là một hệ thống phức tạp đang
bị khủng hoảng trầm trọng. Muốn cứu nó phải tìm cho ra căn bệnh gì là
gốc đang tàn phá nó, ngấm ngầm nhưng khốc liệt, thì mới mong chữa chạy
được và mở ra được con đường mới cho nó. Bằng không, hết cải tiến lại
cải lùi, đổi mới liên tục nhưng vụn vặt, chắp vá, đổi đi đổi lại chỉ
thêm tốn kém tiền của, công sức của nhân dân mà rốt cục quay về điểm
xuất phát. Điển hình như cái vòng xoay trong việc chống tiêu cực thi cử,
chống bệnh thành tích mà ai cũng đã biết.
Từ hàng chục năm qua, nhiều chuyên gia giáo dục đã liên tục cảnh báo: Giáo dục của ta không chỉ lạc hậu (ai cũng thấy) mà nguy hiểm hơn là nó còn đang bị xa dần con đường chung của nhân loại, phát triển lạc điệu với thế giới văn minh. Khi đã đi lạc đường, phát triển lạc điệu thì làm sao đuổi kịp người ta được nữa, làm sao có thể hội nhập với bạn bè thế giới được.
Từ hàng chục năm qua, nhiều chuyên gia giáo dục đã liên tục cảnh báo: Giáo dục của ta không chỉ lạc hậu (ai cũng thấy) mà nguy hiểm hơn là nó còn đang bị xa dần con đường chung của nhân loại, phát triển lạc điệu với thế giới văn minh. Khi đã đi lạc đường, phát triển lạc điệu thì làm sao đuổi kịp người ta được nữa, làm sao có thể hội nhập với bạn bè thế giới được.
Trong xu thế toàn cầu hóa, chúng ta
không thể đảo ngược các giá trị, nước nào không nhanh chóng thay đổi để
hội nhập, không thích nghi được thì sẽ bị cô lập. Tình hình giáo dục của
chúng ta hiện nay quả thực rất nguy cấp, nếu không sớm tỉnh ngộ thì sẽ
tiếp tục tụt hậu… “chết lâm sàng” rồi bị đào thải.
Có thể khẳng định khuyết tật cấu trúc, lỗi thiết kế hệ thống của giáo dục là nguyên nhân sâu xa đẻ ra mọi khó khăn.
PV:- Là một trong
những người đặt nền móng cho ngành toán học Việt Nam, đồng thời cũng là
cha đẻ của lĩnh vực Tối ưu hóa toàn cục trong Toán học ứng dụng, Giáo sư
thấy chương trình toán phổ thông hiện nay như thế nào?
GS Hoàng Tụy: - Chương
trình phổ thông của chúng ta dạy đồng loạt cho tất cả mọi người, cho nên
nặng với số đông, thầy cứ dạy, trò cứ học nhưng chẳng thu hoạch được
bao nhiêu kiến thức. Tuy nhiên, cũng chương trình ấy lại nhẹ với số ít,
là những người có khả năng học chuyên sâu với từng môn học cụ thể.
Như chúng tôi đã từng đề nghị thì học
tới hết lớp 9 là đã phổ cập xong kiến thức cơ bản, còn khi vào bậc PTTH
(2 hoặc 3 năm) thì tạo điều kiện để 1/3 số học sinh được lựa chọn có thể
học chuyên sâu theo môn học mà các em có khả năng phát triển. Ai thích
môn Văn và có năng khiếu thì học nhiều về Văn, còn ai có khả năng học
Toán, Lý, Hóa… thì phát triển chiều sâu theo môn ấy.
Thậm chí với những học sinh thực sự có
năng lực, các em hoàn toàn có thể học thêm một phần nào đó chương trình
của đại học, và khi lên tới bậc đại học rồi thì các em sẽ được miễn học
những học phần kiến thức đã học ở bậc phổ thông.
Song song với việc học chuyên sâu vào
một môn học, các em vẫn phải học các môn khác, nhưng học kiến thức cơ
bản thôi, đó là kiến thức bổ trợ chứ không nên cào bằng để tất cả học
giống nhau từ đầu đến cuối. Có nghĩa là chúng ta vẫn phải có một bộ SGK
kiến thức cơ bản nhất, còn ai có năng khiếu môn nào thì học nâng cao môn
ấy, có thể mở ra các CLB chuyên sâu cho từng môn học.
Ở các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu
cũng làm vậy, mà gần ta nhất là Singapore họ cũng có rất nhiều các CLB
để học sinh phát triển chuyên sâu môn học yêu thích.
Xin nói thêm, ở bậc học thấp hơn, từ lớp
1 đến lớp 9 thì nên học vừa phải thôi, nhẹ nhàng, vừa học vừa giúp học
sinh phát triển thể chất, chứ không thể nhồi nhét rồi tạo ra tình trạng
“cặp to hơn người”, dạy thêm – học thêm tràn lan khắp mọi nơi, khiến cho
nhiều gia đình lo lắng, bức xúc, nhiều em nhỏ cứ học quần quật từ sáng
tới tối… rốt cuộc học để thi.
Câu chuyện này đã diễn ra hai chục năm
nay và chúng tôi đã nói rất nhiều lần rồi, nhưng cho tới giờ hầu như
không thay đổi, mà chỉ là sự vá víu chỗ này hay chỗ khác, chứ không giải
quyết triệt để được bài toán đổi mới giáo dục.
PV:- Thưa GS, bên
cạnh câu chuyện đổi mới chương trình, in mới SGK gây lãng phí hàng trăm
tỷ đồng mỗi năm thì vẫn luôn tồn tại cả vấn đề “chương trình phân ban”.
Từ việc phân ban này cũng sẽ “đẻ” ra nhiều loại sách khác và một chương
trình khác?
GS Hoàng Tụy: - Phân
ban của chúng ta rất máy móc, cứng nhắc… Học sinh theo ban nào là cứ
phải theo suốt, mà ở lứa tuổi cuối cấp 2, đầu cấp 3 thì các em cũng chưa
thể định hình được là mình nên phát triển theo hướng nào, chuyên sâu
vào môn nào. Vì thế, nên có một cuốn sách chương trình cơ bản cho tất
cả, ngoài ra với mỗi môn thì có thêm hai, ba cuốn sách nâng cao, để các
em có quyền lựa chọn học tập và thay đổi dễ dàng.
Vào thời điểm cách đây cả chục năm, tôi
cũng đã nói về chuyện phân ban nên hay không. Lúc đó đặt ra câu hỏi: Vì
sao có chuyện phân ban và phải chăng, như Bộ Giáo dục đã kết luận, phân
ban là chủ trương đúng đắn với xu thế giáo dục hiện đại trên thế giới?
Giáo dục là việc hệ trọng, phân ban là
việc hệ trọng của giáo dục, không nên đưa ra làm thí điểm khi chưa
nghiên cứu kỹ. Chọn hàng trăm nghìn học sinh làm vật thí nghiệm, dù là
giáo dục thì cũng là điều cần tránh. Về giáo dục, phải nghiên cứu kỹ chủ
trương, khi nắm chắc rồi thì thực hiện chứ không nên làm thử.
Phải xét chủ trương phân ban trong toàn
bộ tình hình giáo dục mới thấy hết hậu quả hay, dở của nó. Không phải
như có người nói, khối lượng tri thức của loài người ngày nay đã đạt tới
mức dù học 12-13 năm cũng không đủ để có học vấn phổ thông, cho nên
phải chuyên ban sớm. Đó là lý luận để biện hộ cho quan điểm thực dụng
hẹp hòi trong việc đào tạo con người.
Trong tình hình chất lượng giáo dục còn
quá yếu và học vấn phổ thông bị coi nhẹ (có học sinh đạt giải quốc tế
nhưng học lực trung bình yếu), lại thêm các lớp chuyên, lớp chọn tràn
lan tiếp tục tồn tại trá hình, mà lại phân ban quá sớm thì thật sự có lý
do lo ngại cho nguy cơ một nền giáo dục què quặt quái dị.
Thật tội nghiệp cho thanh thiếu niên từ
tiểu học đã phải học căng thẳng chẳng kém gì ở đại học vào mùa thi cử,
lại còn phải nhờ bố mẹ làm bài thay, lên THCS và THPT tiếp tục bị nhồi
nhét, học thuộc lòng, sao chép mẹo, mẫu để nhỡ không nhớ được thì cầu
cứu mọi thứ “phao” để qua được các kỳ thi.
Liên miên suốt một đời học sinh hầu như
chỉ có học thuộc, luyện thi và thi. Cuối cùng lên được đại học rồi thì
mệt mỏi quá nên 'xả hơi', học cầm chừng, học qua quýt, đến mức đại học
mà vào lớp phải điểm danh, còn thi nghiên cứu sinh, thi cao học đều phải
rọc phách mà vẫn có ông nghè, ông cử rởm.
Không ai đổ cho phân ban là nguyên nhân
sinh ra các tệ nạn đó, nhưng rõ ràng phân ban quá sớm trong tư duy cứng
nhắc như vậy đã làm tăng thêm đầu óc thực dụng thiển cận và tinh thần
khoa cử méo mó, làm rối ren thêm tình hình vốn đã phức tạp. Một nền giáo
dục như vậy sẽ đặt chúng ta vào tình thế hết sức bất lợi trong cạnh
tranh quốc tế. Có lẽ, ai cũng hiểu rằng, trong thời đại chuyển sang văn
minh dựa vào trí tuệ, ai nhiều khả năng sáng tạo thì người ấy thắng. Vậy
thì e rằng cách giáo dục của ta sẽ thui chột nhiều hơn là óc sáng tạo.
Xây dựng thành nước công nghiệp: Con người và công nghệ
Xây dựng thành nước công nghiệp: Con người và công nghệ
PV: - Theo Giáo sư,
việc cải cách giáo dục có ý nghĩa như thế nào với con đường mục tiêu
đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020?
GS Hoàng Tụy: -Hiện nay
có một điểm rất yếu kém, bất cập trong chủ trương xây dựng nước ta
thành nước công nghiệp vào năm 2020, đó chính là vấn đề con người và
công nghệ. Từ giờ tới 2020 chỉ còn 7 năm, chúng ta sẽ đi lên công nghiệp
thế nào khi mà chúng ta chủ yếu chỉ lắp ráp, không có sáng kiến, không
có những sản phẩm kỹ thuật xứng tầm được khắc tên Việt Nam? Tôi tin chắc
rằng, với tình hình như hiện tại thì không thể cạnh tranh với thiên hạ
được.
Muốn phát triển công nghiệp thì phải có
công nghệ phụ trợ, không phải là chế tạo toàn bộ sản phẩm mà chỉ là một
số các chi tiết, thí dụ như vỏ chiếc điện thoại di động thì cần rất
nhiều công nhân lành nghề, kỹ thuật viên…, có nghĩa là phải định hướng
cho một bộ phận học sinh từ phổ thông, sau đó qua đào tạo trung cấp nữa
là họ làm tốt.
Hiện tại, chúng ta không phát triển được
công nghiệp phụ trợ nên chỉ có lắp ráp, mà như vậy thì không để lại dấu
ấn gì cả, vì lắp ráp chỉ là công việc mang tính cơ học, không có hàm
lượng chất xám trong đó.
Với cách tổ chức đào tạo ở phổ thông
hiện nay đang tạo ra một loạt các thế hệ thanh niên sau khi tốt nghiệp
không vào được đại học thì trở thành gánh nặng xã hội, cứ năm sau lại
nhiều hơn năm trước và trở thành vấn đề bất ổn. Thậm chí, vào đại học
rồi, ra trường vẫn cứ thất nghiệp, vì nhu cầu thực của xã hội thì ít mà
đào tạo lại tràn lan, trong khi cái đáng phải đào tạo để phát triển
thiết thực cho nền kinh tế thì không chú trọng.
Tôi thất vọng khi Hội nghị Trung ương 6
không ra được nghị quyết về giáo dục. Trước đó thì ngành giáo dục, rồi
những tổ chức, những chuyên gia tâm huyết với nền giáo dục nước nhà đã
tổ chức, tham gia nhiều cuộc hội thảo, bàn rất nhiều hướng, đóng góp các
sáng kiến mong cho nền giáo dục thay đổi, bắt kịp với thế giới văn
minh.
Biết bao nhiêu cuộc hội thảo đã được tổ
chức, tốn biết bao nhiêu tiền của, nhưng rốt cuộc tại Hội nghị Trung
ương 6 thì kết lại là do còn nhiều ý kiến khác nhau nên tạm gác lại, tới
một tháng sau thì ra nghị quyết nhưng không nói gì tới cải cách giáo
dục nữa. Và như vậy nghĩa là phủ nhận cải cách giáo dục.
Bao nhiêu năm qua, từ lãnh đạo Bộ Giáo
dục cho tới lãnh đạo Trung ương cũng đã phát biểu, đã nhìn nhận rằng
phải cải cách giáo dục toàn diện, triệt để, ấy vậy mà cuối cùng lại
không làm được gì rõ ràng cả.
- Diệu Linh (Thực hiện)
No comments:
Post a Comment