Theo
Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung, Nghiên cứu viên hợp tác, Trung tâm Nghiên
cứu Xã hội học, Đại học Nantes (Cộng hòa Pháp): Mô hình cần có trong
thời kỳ đổi mới và hội nhập của đại học Việt Nam là hình ảnh những hình
tròn đồng tâm. Tức là gia tăng vùng chung gặp gỡ giữa những đại diện cho
các mảng khác nhau như khoa học, chính trị, kinh tế, văn hóa và lợi ích
của những người thụ hưởng trực tiếp nền giáo dục.
Sự
đồng tâm nhất trí giữa các bên không phải là kết quả của một sự áp đặt
từ trên xuống như mô hình trước đổi mới, mà phải là một sự đồng thuận
giữa các bên trong tinh thần tự nguyện với một cơ chế dân chủ từ dưới
lên.
Theo đó, các trường đại học không chỉ đóng vai trò như "cỗ
máy ý thức hệ nhà nước", mà phải tạo được một cơ chế tạo điều kiện cho
các bên tham gia một cách tích cực và chủ động vào hoạt động của trường
đại học, đặc biệt là đưa ra những chủ trương mục tiêu cũng như nhất trí
với nhau về những quy chuẩn chất lượng trong mô hình lý tưởng của sản
phẩm mà nhà trường lấy làm mục tiêu đào tạo. Đây là cách làm hiện tại
cũng như khuynh hướng tương lai của các trường đại học trong các nước
phát triển.
Theo hướng này, chất lượng giảng dạy phải được xem
xét một cách động và mở chứ không nên đóng khung trong một lý thuyết
nào, hay chịu kiểm soát tuyệt đối từ một bên nào đó. Như vậy, "động" là
để có thể nắm bắt và có khả năng thích ứng với những biến chuyển nhanh
chóng của hoàn cảnh xã hội bên ngoài ở tầm mức địa phương, quốc gia và
quốc tế. Còn "mở" là để mọi thành phần có thể tham gia, góp ý một cách
chủ động tích cực nhằm làm hài hòa những đòi hỏi của các bên. Sản phẩm
đào tạo phải là thành quả chung của cả bên sử dụng lao động và của chính
người học trong sự hài hòa với các yếu tố văn hóa và chính trị.
Sinh
viên ra trường phải mang trong mình các giá trị văn hóa của địa phương,
dân tộc mình nhưng cũng là người của thời đại hội nhập quốc tế với
những giá trị phổ quát của nền văn minh nhân loại. Mỗi sinh viên vừa
phải nắm vững kiến thức và kỹ năng chuyên môn cần thiết, vừa phải có khả
năng thích ứng trong mọi môi trường công việc; phải biết nghiên cứu, tư
duy và có khả năng phản biện, giải quyết những khó khăn trong đời sống
của mình cũng như của xã hội đặt ra.
Do đó, đào tạo đại học phải
mở, chấp nhận sự tham gia của các tác nhân kinh tế trở thành "động lực
kiến tạo các doanh nghiệp", nơi cụ thể hóa và thương mại hóa những kết
quả nghiên cứu của các giảng viên và nghiên cứu viên, như các trường đại
học của nước Anh đã làm cách đây hơn 20 năm, hiện họ đang gặt hái kết
quả, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra. Đại học ngày nay
vừa phải đáp ứng các nhu cầu xã hội mang màu sắc địa phương, nhưng cũng
phải thỏa mãn những đòi hỏi đến từ tiến trình hội nhập quốc tế, vừa phải
làm nghĩa vụ của dịch vụ cung cấp lao động cho thị trường lao động
trong một xã hội cạnh tranh. Song cũng không quên chức năng văn hóa là
nơi giữ gìn và chuyển tải các nét văn hóa truyền thống, góp phần làm
hình thành những nét văn hóa hiện đại./.
|
No comments:
Post a Comment