Wednesday, February 6, 2013

GS Harold W. Kroto, Nobel Hoá học năm 1996:


Giáo sư Harold W. Kroto tại ĐH Quốc gia Hà Nội
chiều 30/1

“Mọi người đang hiểu sai về khoa học... Khoa học chính là cách nghĩ của con người", GS Harold W. Kroto đoạt giải Nobel Hoá học 1996 phát biểu với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội chiều 30/1.

GS Harold W. Kroto, Nobel Hoá học năm 1996, hiện đang công tác tại trường Đại học bang Florida (Mỹ). Ông đã phát hiện ra hợp chất carbon mang tên Fullerenes và một loại nguyên tố carbon mới C60. Phát hiện về C60 là cột mốc quan trọng nhất trong quá trình phát triển của khoa học Nano, khởi đầu cho một lĩnh vực nghiên cứu hoá học hoàn toàn mới, với tầm ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực đa dạng như vật lý, hoá học, sinh học và thiên văn học.

Chiều 30/1 tại Đại học Quốc gia Hà Nội, GS Harold W.Kroto đã có bài giảng về chủ đề “Giáo dục - nền tảng của hòa bình và chìa khóa khai sáng nhân loại”. Để ghi nhận những thành tích xuất sắc của Sir Harold W. Kroto cũng như những đóng góp quý báu cho sự phát triển của mối quan hệ hợp tác và hữu nghị với ĐH Quốc gia Hà Nội, nhà trường đã ký quyết định gửi tặng Bằng Tiến sĩ danh sự của ĐH Quốc gia Hà Nội tới ông.


Chia sẻ về lý do vì sao chọn con đường hóa học để theo đuổi, GS cho biết: "Khi còn ngồi ghế nhà trường, tôi học rất giỏi hóa học và nghệ thuật vẽ. Sau khi tốt nghiệp phổ thông năm 1950, tôi thấy nếu đi theo khoa học cơ hội việc làm lớn nhiều. Như vậy, trước tiên tôi chỉ nghĩ học và làm hóa tôi sẽ có công việc tốt. Tôi chưa bao giờ nghĩ làm cái này để có giải thưởng A hay B. Điều tôi muốn nhấn mạnh là không chỉ tôi mà hầu hết giới khoa học khi nghiên cứu họ không đặt ra mục tiêu ban đầu các phát hiện của mình sẽ được ứng dụng như thế nào trong cuộc sống. Để minh chứng điều này, các bạn có thể nhìn lại phát minh của nhân loại để thấy".

Giáo sư Harold W. Kroto chia sẻ với sinh viên về các vấn đề mà các nhà khoa học đương đại đang gặp phải, đây cũng là vấn đề của các thế hệ tương lai sẽ phải giải quyết thấu đáo.

“Các vấn đề mà giới khoa học đang gặp phải cũng chính là các vấn đề mà các bạn trẻ hiện đang ngồi trên ghế nhà trường sẽ gặp phải trong tương lai, trong công việc hoặc trong quá trình học tập của mình. Nếu thế hệ trẻ ngày nay không thể hiểu các vấn đề đó một cách thấu đáo thì các vấn đề mà họ gặp phải trong tương lai sẽ còn lớn hơn các vấn đề mà chúng tôi, những nhà khoa học hiện tại đang gặp phải”, ông phát biểu.

“Mọi người đang hiểu sai về khoa học”, ông đưa ra quan điểm hoàn toàn bất ngờ. Theo giáo sư, khoa học không chỉ là những kiến thức học ở trường phổ thông, là việc áp dụng những kiến thức mà các nhà khoa học đã tìm được như thế nào hay một cái tên khác gọi là công nghệ, không phải là cách mà chúng ta phát hiện ra các kiến thức hoặc phát hiện ra các dữ kiện mới mà khoa học, khoa học chính là cách nghĩ của con người.

“Nếu chúng ta có một cách nghĩ, cách sống khoa học thì chúng ta có thể biết được liệu những gì mình nghe là đúng hay là sai. Điều này rất quan trọng bởi vì đây là vấn đề đạo đức”, ông cho biết.

Ông nhấn mạnh Việt Nam cần tập trung cho giáo dục đào tạo, tạo môi trường giáo dục, học thuật tốt để khiến thế hệ trẻ có niềm yêu thích đối với các môn khoa học. Theo ông, chính những người trẻ này tạo ra “những phát hiện mang tính độc đáo cao, những đột phá về khoa học và công nghệ”.

Trong buổi trò chuyện với SV ĐH Quốc gia, ông nói: “Trường đại học là nơi tốt nhất bùng nổ sự sáng tạo”. Động lực giúp có những phát minh sáng tạo, theo giáo sự, đó là: "Hãy làm những gì mình muốn" (liên quan đến điều này, mời bạn đọc xem thêm: Nữ phi công và robot chơi cờ tướng). Và ông cũng chia sẻ bí quyết để thành công: "Cách tốt để làm việc hiệu quả là phương pháp nhóm, thảo luận những gì bạn chưa hiểu".

Ông kêu gọi các trường đại học và các bạn sinh viên Việt Nam tham gia tích cực vào dự án mà ông đang thực hiện, dự án GEOSET. Đây là tổ chức Giáo dục toàn cầu về Khoa học, Xây dựng và Kỹ thuật do ông sáng lập sau khi chuyển công tác sang Đại học Bang Floria. Mục đích của GEOSET là dùng các tính năng đột phá của Internet nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về khoa học trên toàn thế giới. Hiện nay, các trường đại học và các sinh viên từ khắp nơi trên toàn thế giới đã có những đóng góp nhất định vào chương trình này.

Thông điệp mà ông muốn truyền tải trong chuỗi sự kiện “Cầu nối” lần này là cần dỡ bỏ các rào cản giữa các quốc gia khác, dỡ bỏ các suy nghĩ mang tính quốc gia riêng của mình để mọi người trên thế giới có thể tồn tại và phát triển trong hòa bình.


Theo giaoduc.net.vn
Trước đó, ông Phạm Vũ Luận – Bộ trưởng GD&ĐT, cho biết: “Những giáo sư đoạt giải Nobel và các nhà diễn thuyết xuất sắc trong chuỗi sự kiện này, với kiến thức và hiểu biết nổi trội, sẽ trở thành những nhà ngoại giao hòa bình toàn cầu, giúp thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia, hướng tới một thế giới của hòa bình và hợp tác”.

Kéo dài từ 15/11/2012 đến tháng 3/2013, “Cầu nối – đối thoại hướng tới văn hóa hòa bình” là chuỗi sự kiện do Quỹ hòa bình Quốc tế tổ chức. Chương trình có sự phối hợp của Bộ GD&ĐT Việt Nam cùng các cơ quan, đoàn thể trong và ngoài nước.

Sinh viên các trường đại học tại Hà Nội và TP.HCM sẽ nghe diễn thuyết và đối thoại với các nhân vật từng đoạt giải Nobel trong nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, còn có các diễn giả xuất sắc như Giáo sư Ngô Bảo Châu – Huy chương Fields 2010 và Giáo sư Romano Prodi – người từng giữ chức vụ Thủ tướng Ý và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu sẽ diễn thuyết vào tháng 3 sắp tới.

No comments:

Post a Comment