I. Đặt vấn đề
Mới đây, tháng 12/2009
Trường ĐHKHXH&NV của chúng ta đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề
Nghiên cứu liên ngành trong Khoa học Xã hội và Nhân văn: Kinh nghiệm và
triển vọng. Trong phát biểu khai mạc Hội thảo GS.TS. Nguyễn Văn Khánh, Hiệu
trưởng nhà trường có nói rằng: “Trong điều kiện hiện nay, mỗi nhà khoa học cũng
như mỗi ngành học cụ thể vừa cần chuyên môn hóa, tăng cường mở mang các hiểu
biết bằng các phương pháp nghiên cứu chuyên biệt của mình, đồng thời vừa phải
chú trọng và mở rộng liên kết, thâm nhập và hợp tác chặt chẽ với các ngành khoa
học khác. Chính sự phát triển đến trình độ cao, chuyên sâu của mỗi ngành,
chuyên ngành sẽ đảm bảo cơ sở vững chắc để phát triển nghiên cứu liên ngành
hoặc các ngành liên ngành. Nghiên cứu liên ngành chỉ thực sự đạt được những
thành tựu nghiên cứu mới trên cơ sở kế thừa và khai thác được thế mạnh của các
ngành khoa học khác”[1].
Trong cuộc hội thảo
này, chủ yếu là cuộc đối thoại giữa các GS, các nhà nghiên cứu Trường
ĐHKHXH&NV và một số Trường đại học của Pháp, xoay quanh nhiều chủ đề có
liên quan như: Lịch sử, Văn minh và văn hóa; Kinh tế và quản lý; Ngôn ngữ học
và Văn học; Tâm lý học, Xã hội học và Khoa học giáo dục. Phần lớn các tham luận
đi vào những chiều kích cụ thể của “tính liên ngành”thể hiện qua mỗi chuyên
ngành, gợi ra nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu và đào tạo.
Trở lại với vấn đề
này, tham luận của chúng tôi muốn tiếp cận ở góc độ khác. Trên cơ sở đưa ra một
cái nhìn bao quát hơn về “tính lý thuyết”của phương pháp nghiên cứu liên ngành,
đối chiếu với thực tại của Trường chúng ta (cả bình diện nghiên cứu và đào
tạo), để có thể rút ra một số nhận định có tính phương pháp, tính thực tiễn sát
hợp hơn, thúc đẩy đường hướng nghiên cứu đúng đắn này trong điều kiện cụ thể
của Nhà trường.
Để đạt mục tiêu đó,
tham luận của chúng tôi đề cập 2 vấn đề sau đây:
- Thứ nhất, bàn thêm
về “lý thuyết nghiên cứu liên ngành”đối với Khoa học xã hội và nhân văn ở nước
ta hiện nay.
- Thứ hai, tiếp tục
đẩy mạnh phương pháp nghiên cứu liên ngành ở Trường Đại học KHXH&NV chúng
ta hiện nay.
II. Nội dung
II.1. Bàn thêm về “lý
thuyết nghiên cứu liên ngành”và những liên hệ cần thiết
Cho đến hiện nay, khi
nói đến nghiên cứu liên ngành (interdisciplinaire), đặc biệt
trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, người ta thường nhấn mạnh đến sự
chi phối trước hết của lối nghiên cứu đa ngành (multi-disciplinary),
như một định đề mặc nhiên được thừa nhận, đặc biệt từ nửa cuối thế kỷ XX. Điểm
nhấn của lý thuyết này, đúng như lời phát biểu trên đây là mỗi chuyên ngành cần
có sự phát triển “trình độ cao, chuyên sâu” để có thể “mở rộng liên kết, xâm
nhập” với các ngành khoa học khác.
Tính cách đa ngành
của lý thuyết này cũng được nhiều người trong chúng ta đi sâu, thậm chí “mô
hình hóa” nó, theo hướng: “Nghiên cứu liên ngành và một tổ hợp của nhiều lĩnh
vực chuyên môn khác nhau, đòi hỏi tính liên kết, tính tổ chức và tính tập thể
rất cao. Phương thức tốt nhất để tổ chức nghiên cứu liên ngành là các nhóm
nghiên cứu liên ngành”[2].
Lối “mô hình hóa” này
cũng đưa ra quan niệm “Nghiên cứu liên ngành không thích hợp với nghiên cứu cá
nhân, cũng không hiệu quả khi là tập hợp các chuyên gia cùng một chuyên ngành.
Những chuyên gia cùng một chuyên ngành dù giỏi đến mấy, khi ngồi cùng với nhau,
trong một nhóm như thế này, thì sự bổ sung, hỗ trợ nâng cao nhận thức của nhau
trong nhóm cũng không thật nhiều. Trái lại các chuyên gia ở các chuyên ngành
khác nhau, cùng có chung một vấn đề quan tâm… thì có thể làm giàu rất nhanh vốn
hiểu biết của mình cũng như toàn nhóm…”.
Như vậy là khi đề cập
lý thuyết nghiên cứu đa ngành, chúng ta có thói quen là nhấn mạnh tính
tất yếu của sự phối kết hợp của các chuyên gia của các chuyên ngành khác nhau
(đa ngành), dường như nó đối lập với “nghiên cứu cá nhân đơn lẻ và độc lập”,
mặc dù lập luận này cũng không phủ nhận vai trò cá thể trong nghiên cứu.
Theo chúng tôi, cách
hiểu lý thuyết nghiên cứu đa ngành như thế đương nhiên có tính hợp lý và
thực tiễn. Nhưng việc “mô hình hóa” lý thuyết ấy cần có sự tiếp cận từ những
góc độ khác, để có thể lột tả đúng đắn hơn nữa bản chất của “nghiên cứu đa
ngành”.
Trước hết, chúng ta
“đành phải” trở lại câu chuyện sự phát triển của khoa học. Khoa học luận hiện
nay đã chỉ ra 4 đặc tính quy luật của sự vận hành khoa học, chúng vừa có tính
độc lập vừa phụ thuộc lẫn nhau đó là: lý tính, thực nghiệm, tưởng tượng và
kiểm chứng. Trong đó thường xảy ra tình trạng xung đột thường xuyên giữa tư
duy lý luận và thực nghiệm luận (thực nghiệm thường phá hủy kết cấu của duy lý
và đòi hỏi nó phải tái cấu trúc). Sự bổ sung của yếu tố “tưởng tượng” và “kiểm
chứng” trong quá trình vận hành là rất quan trọng.
Tuy thế, nhìn một cách
đại thể trong lịch sử tư duy và khoa học thì, từ giữa thế kỷ XX trở về trước,
khoa học dường như đều dựa trên lối tư duy đơn thể, còn hiện nay
là sự ngự trị của tư duy phức hợp (pensée complexe).
Theo ý kiến của Edgar
Morin, người sáng lập Hiệp hội tư duy phức hợp – APC (Paris) thì, bản chất của
tư duy hiện đại phải được hiểu là những gì được liên kết lại với nhau, đan dệt
vào nhau: “triển khai một lý thuyết, một logic, một tri thức luận về tính
phức hợp để có thể nhận biết con người”[3].
Trên cơ sở vạch ra
những nguyên tắc của khái niệm vĩ mô (nói như Pascal “Tôi không thể quan
niệm được cái toàn thể mà không quan niệm các bộ phận, và không thể quan niệm
được các bộ phận mà không quan niệm cái toàn thể”), làm rõ hơn mối quan hệ
“toàn thể nằm trong bộ phận, bộ phận nằm trong toàn thể”, Edgar Morin đã gợi ý
cho chúng ta bản chất, mục tiêu của tính phức hợp (la complexité), xem
đó như một động lực của khoa học hiện đại, trong đó để đạt được kết quả ấy nó
phải trải qua 3 giai đoạn. Ông viết: “Giai đoạn đầu của tính phức hợp:
ta thu nhận các tri thức giản đơn không giúp ta nhận biết đặc tính tổng thể.
Một nhận xét có vẻ tẻ nhạt như sau đây, song các hệ quả của nó lại không nhàm
chán: tấm tranh thảm lớn hơn tổng cộng các sợi đã cấu thành nó. Cái toàn thể
là lớn hơn tổng cộng những bộ phận cấu thành.
Giai đoạn thứ hai của tính phức hợp:
việc dệt nên tấm tranh thảm khiến cho chất lượng của loại sợi này hay loại sợi
khác không thể giúp cho tất cả đều được biểu hiện trọn vẹn. Chúng bị ức chế
hoặc mở ảo. Thế là cái toàn thể lại nhỏ hơn tổng cộng những bộ phận.
Giai đoạn thứ ba: tình hình đó gây nên
những khó khăn cho giác tính và cấu trúc tinh thần của ta. Cái toàn thể vừa
lớn hơn vừa nhỏ hơn tổng cộng những bộ phận”[4].
Lẽ dĩ nhiên, những ý
kiến của Edgar Morin về tri thức luận và tư duy phức hợp là mới mẻ và còn gây
nhiều tranh cãi. Nhưng ít nhất trong phạm vi nhận thức luận và phương pháp nó
cũng cho ta những kinh nghiệm quý báu về “những thảm cảnh tàn phá mà các quan
điểm đơn giản hóa đã gây ra, không chỉ trong thế giới trí tuệ mà cả trong cuộc
sống”. Liên hệ với chủ đề của chúng ta hôm nay, chúng tôi muốn có một liên hệ
lý thuyết rằng: bản thân nhu cầu của tri thức luận về tính phức hợp tự nó
cũng đòi hỏi mỗi cá nhân, cộng đồng (người bình thường cũng như giới học thuật)
phải tự trang bị cho mình phương pháp suy tư liên ngành. Có như vậy trong
thời đại của chúng ta hiện nay “cái toàn thể” vừa lớn hơn vừa nhỏ hơn tổng
cộng những bộ phận.
Ý nghĩa triết học và
phương pháp này, sẽ soi rọi cho chúng ta một cái nhìn sâu rộng hơn về lý
thuyết nghiên cứu đa ngành. Cần khắc phục lối nhìn nó như dấu cộng
của các đơn thể (trong khoa học đã “bị” phân hóa, cắt ra thành các chuyên ngành
khác nhau), ngược lại phải coi nó, phương pháp nghiên cứu liên ngành hôm
nay như một đòi hỏi tổng thể, vĩ mô và vi mô, của lối tư duy phức hợp,
điều mà nhân loại đang hướng tới.
Chúng tôi thử diễn tả,
trong cách hiểu như thế, nếu cần phải “mô hình hóa” lý thuyết nghiên cứu liên
ngành hôm nay là sự tái cấu hình (configuration) tổ chức và hoạt động
khoa học, bất kể khoa học xã hội nhân văn hay khoa học tự nhiên. Điều đó không
thể chỉ được hiểu đơn giản là “phương thức tổ chức nghiên cứu liên ngành trên
cơ sở nghiên cứu các nhóm nghiên cứu liên ngành”, dù rằng sự tái cấu hình nói
trên vẫn tôn trọng tính liên kết, tính tập thể và tổ chức.
Khi đề cập đến nghiên
cứu đa ngành hiện nay, cũng có nhiều ý kiến nhấn mạnh vào việc nghiên cứu khu
vực hay Khu vực học (Area studies), nhất là trong nghiên cứu khoa học xã
hội và nhân văn. Thực ra việc nghiên cứu Khu vực học hôm nay, đặt trong
khung cảnh lý thuyết về tư duy phức hợp mà chúng tôi đề cập ở phần trên, cũng
chỉ là một biểu hiện trong việc nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về “cái toàn thể
và cái bộ phận” trong đời sống nhân loại hôm nay.
Nói tóm lại, ý nghĩa
triết học và phương pháp của lý thuyết nghiên cứu liên ngành là ở chỗ: nó không
chỉ là một phương pháp (trong nhận thức hoặc nghiên cứu), không chỉ là
một cách tiếp cận cần thiết trong khoa học xã hội và nhân văn hôm nay, thậm chí
là một tất yếu đi nữa mà nó còn/phải là đòi hỏi tự thân của tri thức luận về
tư duy phức hợp, mục tiêu và động lực để đạt tới tính hiện đại
(modernité) trong bối cảnh thời đại cực hiện đại (transmoderne)
hiện nay.
Nếu những suy nghĩ này
là đúng thì cách hiểu về nghiên cứu liên ngành theo chúng tôi phải là tổng thể
của các chiều kích sau đây:
- Thứ nhất,
chiều kích cá nhân: tự thân mỗi con người, mỗi nhà khoa học phải vượt qua giai
đoạn “nghiên cứu đơn nhất”, nói đúng hơn là dù chuyên sâu về “nghiên cứu đơn
nhất” cũng phải dựa trên những tri thức của “cái toàn thể”. Điều này có lẽ nói
rõ hơn yêu cầu của “hệ tri thức bổ trợ” với các chuyên gia mỗi chuyên ngành cụ
thể.
- Thứ hai, bản
thân mỗi chuyên ngành khoa học (ở đây là khoa học xã hội và nhân văn), ít nhất
từ giữa thế kỷ XX trở lại đây cũng phải tuân theo quy luật tái cấu hình,
theo hướng khắc phục sự đơn nhất, khu biệt, hướng tới sự kết hợp hài hòa giữa
tính toàn thể và bộ phận.
- Thứ ba, chiều
kích phối kết hợp giữa các đơn thể, các chuyên ngành. Sự phối kết hợp này, như
đã nói ở phần trên không chỉ có ý nghĩa như “một phương thức tổ chức tốt nhất”
để nghiên cứu liên ngành mà nó còn có ý nghĩa như một đòi hỏi tất yếu của “cái
tổng thể” (thực tại khoa học xã hội và nhân văn) khi đã/đang được tái cấu
hình[5].
Theo lôgic đó thì việc
tổ chức nghiên cứu, cao hơn là việc tái cấu hình khoa học xã hội và nhân
văn ở nước ta, hẹp lại là ở Trường ta, có lẽ cũng diễn ra theo những chiều kích
đó. Vấn đề chỉ còn lại là chúng ta cần nỗ lực suy nghĩ hơn, đối chiếu tích cực,
sáng tạo hơn với điều kiện thực tiễn của đất nước và nhà trường để thực hiện
được quá trình này.
2.2. Nghiên cứu liên
ngành trong Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn: Thành tựu và triển vọng
2.2.1. Trường ta khi mới
thành lập, mái trường có vinh hạnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh kí quyết định vào
cuối 1945 đã có mô hình “liên ngành sơ khai”quen thuộc theo kinh nghiệm Âu – Mỹ
giữa thế kỷ XX, gọi là Đại học Văn Khoa, được hiểu là Trường Khoa học Xã
hội và Nhân văn. Nhưng lúc đó thực chất là sự “đặt cạnh nhau” của 3 ngành chính
là Văn học, Sử học và Triết học (truyền thống “Văn – Sử - Triết bất phân” đã có
từ các giai đoạn trước) nhiều thầy giáo, nhà khoa học tên tuổi của mái trường
này thực ra cũng khó phân biệt họ là chuyên ngành gì. Trường hợp các giáo sư
nổi tiếng như Đặng Thai Mai, Nguyễn Văn Huyên, Trương Tửu cho đến Trần Đức
Thảo, Trần Văn Giáp…dù mỗi người trong họ đều có một mặt mạnh để gọi họ là nhà
triết học, nghiên cứu văn học, sử học hay dân tộc học…nhưng họ lại tinh thông
nhiều lĩnh vực lân cận.
2.2.2. Từ khi Trường Đại học
Tổng hợp Hà Nội ra đời, khối KHXH từng bước phát triển và chủ yếu theo mô hình
Xô viết, coi trọng tính chuyên biệt, sự phân hóa thành các ngành nghiên cứu và
đào tạo như Văn, Sử, Triết, sau đó bắt đầu có Khoa Luật, Kinh tế…
Phải nói rằng mô hình
này đặc biệt đề cao tính chuyên sâu, chuyên ngành dù rằng về phương pháp nghiên
cứu nó không phủ nhận sự “hỗ trợ” của một số phương pháp có tính liên ngành. Dù
sao, mô hình ấy cũng đã tạo ra những ranh giới, những “chiến hào trí tuệ” mà từ
đó nếu không xảy ra sự xung đột thì cũng “kính nhi viễn chi”[6]. Mặc dù trong
suốt mấy chục năm tồn tại của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, tại hai khoa lớn, Khoa
Văn và Khoa Sử có được nhiều chuyên gia giỏi, nổi tiếng, nhiều công trình
nghiên cứu có ảnh hưởng trong cả nước và trong từng giới, nhưng chưa có thể
xuất hiện những công trình tầm cỡ lớn thể hiện tính cách liên ngành.
2.2.3. Dưới mái trường Khoa
học Xã hội và Nhân văn của chúng ta hiện nay, một cấu trúc mới, hay có thể áp
dụng thuật ngữ trên là một thực tại giáo dục đào tạo theo hướng tái cấu hình,
thể hiện đa dạng và có chiều sâu hơn tính liên ngành. Theo chúng tôi, khái quát
lại những điều chúng ta đã làm được là như sau:
- Thứ nhất,
ngày nay, từ một “mô hình văn khoa” hay “mô hình khoa học xã hội” (Xô viết)
chúng ta đã có một mô hình một trường đại học khoa học xã hội và nhân văn có sự
tái cấu hình rất rõ rệt trong từng ngành, từng khối chuyên ngành. Từ
khoa Văn, ngày nay nó đã là khối các khoa Ngôn ngữ, Hán Nôm, Biên kịch và Điện
ảnh (“sự lai tạo giữa văn học và điện ảnh”[7]).
“Sử học” ngày nay
trong trường chúng ta cũng đã đa nghĩa hơn nhiều. Bên cạnh những chuyên ngành
lịch sử truyền thống, các chuyên ngành trong “tộc họ” như Dân tộc học, Quốc tế
học, Lưu trữ học và quản trị văn phòng…đã có thể “ra ở riêng” thành những ngành
khoa học có liên quan. Trong đó, phải kể đến sự chuyển biến từ Dân tộc học sang
Nhân học mang ý nghĩa thật tiêu biểu về phương pháp, tri thức luận và tính hiện
đại. Trường hợp Khoa Đông Phương học cũng là sự liên ngành giữa Lịch sử, Văn
học, Ngôn ngữ và Văn hóa học.
Sự xuất hiện các Khoa
Xã hội học, Báo chí, Tâm lý học, Khoa học quản lý và sắp tới đây là Khoa học
Chính trị, Khoa học về chính sách cũng tạo thêm những không gian cần thiết cho
nghiên cứu liên ngành và nói cho cùng cũng đề đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng
của xã hội.
Trường chúng ta cũng
đã bỏ nhiều công sức để xây dựng nhiều Trung tâm nghiên cứu và đào tạo về Thông
tin – thư viện; Hỗ trợ và tư vấn tâm lý; Châu Á Thái Bình Dương; Nghiên
cứu giới và phát triển; Nghiên cứu Trung Quốc; Nghiên cứu văn hóa quốc tế;
Trung tâm nghiên cứu dân số và công tác xã hội, đặc biệt là Trung tâm Nghiên
cứu Tôn giáo đương đại gần đây nhất…
Viện Việt Nam học và
phát triển, dù danh nghĩa trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, nhưng vì nằm trên đất
của trường chúng ta, cũng đã trở thành một Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo liên
ngành có dấu ấn khá đậm nét của KHXH-NV.
- Thứ hai, tư
duy về phương pháp liên ngành cũng đã khiến chúng ta thúc đẩy chiều hướng tái
cấu trúc từng ngành, chuyên ngành cụ thể. Đây là một phương diện quan trọng có
ý nghĩa khá quyết định đến sự thành bại.
Rất mừng là trong
nhiều khoa, nhiều ngành nghiên cứu của trường chúng ta đã đi theo phương hướng
này và đã có những kết quả đáng khuyến khích.
Các khoa học lịch sử
những năm gần đây đã chú trọng đến việc nghiên cứu Khu vực học[8], vận dụng những
lý thuyết và phương pháp chuyên ngành hiện đại. Về mặt này, Khảo cổ học cũng có
những chuyển biến khá rõ khi vận dụng những kiến thức, phương pháp của khoa học
tự nhiên, điều mà ngành khoa học này từ lâu đã có ý thức[9].
Nhiều ngành khoa học
vốn yên tĩnh và tính khu biệt cao như Văn học, Triết học… ngày nay cũng đã tích
lũy cho mình nhiều kinh nghiệm cụ thể về nghiên cứu liên ngành[10].
Đối với những ngành
mới ra đời, việc vận dụng lý thuyết và phương pháp nghiên cứu liên ngành có vẻ
“tự nhiên” và thuận lợi hơn. Chẳng hạn, ngành Tâm lý học hôm nay đã khác nhiều
so với Tâm lý học cổ điển (chủ yếu tâm lý học cá nhân, tâm lý học xã hội),
chúng ta đã quan tâm đến tâm lý học thần kinh, lâm sàng (có những liên đới với Phân
tâm học - Psychanalyse)…
Chúng tôi muốn dừng
lại chút ít ở một ngành khoa học còn non trẻ ở Trường chúng ta là Khoa học
chính trị. Khoan hãy bàn đến hoặc nói lại về tính cách của ngành Khoa học
chính trị ở nước ta. Đây là một trong những ngành khoa học mũi nhọn ở nhiều
trường đại học Âu – Mỹ. Đặc điểm “liên ngành” của ngành khoa học này còn thể
hiện sâu sắc ngay ở các phương pháp tiếp cận cơ bản của nó. Khoa học chính trị
luôn bị giằng xé giữa nội dung nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu có tính xã
hội học và thực nghiệm, điều mà đã làm các nhà Chính trị học và Sử học xa cách
nhau[11].
Tuy vậy, trên cơ sở nỗ
lực tìm ra các điểm tương đồng giữa Sử học và Chính trị học người ta cũng rút
ra được những kết luận để tạo nên “phương pháp liên ngành” giữa bản thân hai
ngành khoa học gần gũi này. Phillip Tetlock và Aron Belkin trong cuốn Lật
ngược vấn đề qua thí nghiệm trong lĩnh vực chính trị quốc tế: Logic luận,
Phương pháp luận và Tâm lý luận (1996) đã rút ra sự “liên ngành” giữa sử
học và chính trị học nhờ vào: “Cả hai chuyên ngành này đều nằm trong số các
ngành khoa học nghiên cứu các hiện tượng không thể dùng phòng thí nghiệm.
Cả hai ngành đều áp dụng phương pháp truy nguyên. Cả hai đều phải có sự tưởng
tượng và lập luận theo kiểu lật ngược vấn đề. Nhưng còn dự báo, hoặc chí ít
kiến nghị chính sách thì sao? Hầu hết các nhà sử học lảng tránh những ưu tiên
này như ma cà rồng gặp cây thánh giá. Còn nhiều nhà khoa học chính trị lại
nhiệt tình làm việc này. Nếu có điểm đồng ở lĩnh vực này thì cũng rất khó tìm
ra”[12].
Thí dụ này gợi cho
chúng ta những suy nghĩ thú vị khi xác định việc mở các chuyên ngành mới và xác
lập cho nó những phương pháp nghiên cứu cơ bản ban đầu.
- Thứ ba, trong
thực tiễn cũng đã có không ít những kết quả của phương pháp nghiên cứu liên
ngành ở Trường chúng ta. Mới đây khi “nhìn lại” những kết quả nghiên cứu của Nhà
trường trong dịp hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, chúng ta cũng đã
ghi nhận những kết quả đáng khích lệ của Viện Việt Nam học và khoa học phát
triển trong việc tổ chức nghiên cứu, phối kết hợp giữa nhiều chuyên ngành trong
và ngoài nhà trường.
2.2.4. Mấy suy nghĩ
phía trước
·GS A. Florin trong tham luận Cấu trúc nghiên cứu trong
khoa học xã hội và nhân văn tại vùng Loire: Một vài ví dụ liên ngành và liên
trường, đã gợi cho chúng ta một kinh nghiệm ở Pháp mà chúng ta nên hướng
tới. Đó là, cấu trúc nghiên cứu liên ngành hiện nay không chỉ diễn ra với từng
ngành, từng trường hoặc liên trường – viện, mà nó còn đòi hỏi phải có những dự
án lớn liên kết nghiên cứu Quốc gia – Khu vực (Les Contrats de Projets
Etat-Région, gọi tắt là CPER)[13].
Có
lẽ trường chúng ta cũng có sứ mệnh như vậy khi có thể mở rộng sự liên kết,
thông qua Nhà nước và Chính quyền địa phương, tạo nên những mô hình liên kết
mới như thế, đáp ứng được quy mô, vị thế của những vấn đề nghiên cứu lớn.
·Chúng ta đã có những nỗ lực thay đổi cấu trúc
ngành nghề, nói cách khác là tái cấu hình trường ĐHKHXH&NV hiện đại
đa ngành, đa lĩnh vực, đào tạo chất lượng cao và nghiên cứu cơ bản. Một mặt,
cần hướng tới sự hoàn thiện mô hình đó trên cơ sở tính toán cân nhắc mà những
kinh nghiệm lý thuyết chúng tôi đã đề bên trên nói tới. Đối với một số ngành
rất cần thiết nên thúc đẩy sự ra đời của chúng. Chẳng hạn, Nghiên cứu tôn
giáo (Tôn giáo học) là một ngành như thế. Hiện nay việc đào tạo chuyên
ngành và cao học Tôn giáo học thuộc khoa Triết học, trước mắt vẫn là hợp lý.
Nhưng không thể không nghĩ đến một ngành độc lập cho nó.
·Cần rà soát các hướng nghiên cứu, chương trình
đào tạo của tất cả các ngành hiện có theo hướng phối kết hợp nghiên cứu liên
ngành giữa các ngành hoặc giữa hai ngành (song phương và đa phương) để có được
sự tiến triển hơn nữa về nghiên cứu và đào tạo, cập nhật và hiệu quả.
Cuối cùng với mỗi con người chúng ta chắc hẳn cũng không thể chỉ đào sâu
“chuyên môn”của mình theo hướng sự sùng bái những điểm khác biệt nho nhỏ
giữa mình với người khác, ngược lại muốn trở thành một chuyên gia giỏi thực
sự trong bất cứ lĩnh vực nào thì cũng phải có được một tư duy phức hợp.
Hà Nội ngày 29 tháng 10 năm 2010
[1] Kỷ
yếu Hội thảo quốc tế Nghiên cứu liên ngành trong Khoa học xã hội và nhân văn:
Kinh nghiệm và triển vọng, Trường ĐHKHXH&NV, Hà Nội 12/2009, tr.7.
[2] Xem
bài Nghiên cứu và đào tạo liên ngành: Ưu thế và trọng trách của ĐH Quốc gia Hà
Nội, tham luận của Chi bộ Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển tại Đại hội
Đại biểu Đảng bộ ĐH Quốc gia lần thứ IV (9/2010), tr.3.
[3] Edgar Morin, Nhập môn tư duy phức hợp (Introduction à la
pensée complexe), Nxb Tri thức, 2009, tr.15.
[6] Điều này phải chăng là kết quả của thứ nhận thức “sự
sùng bái những điểm khác biệt nho nhỏ giữa mình và người khác”như Sigmund Freud
có nói trong cuốn Nền văn minh và Sự bất đồng của nó, New York, Norton,
1961.
[7] Xem bài của Trần Hinh, Lai tạo giữa văn học và điện
ảnh trong sáng tác của M.Duras, trong Kỷ yếu Nghiên cứu liên ngành… sđd,
tr.218-228.
[8] Xem bài của GS Vũ Dương Ninh, PGS.TS Nguyễn Văn Kim…
trong Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế, Nghiên cứu liên ngành…sđd.
[9] Xem
bài của PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, Sử dụng phương pháp và lý thuyết của Khảo cổ
học hiện đại trong nghiên cứu Khảo cổ học Việt Nam: Vấn đề và triển vọng, trong
Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế, Nghiên cứu liên ngành…sđd.
[10]
Chẳng hạn xem bài của PGS.TS Trần Ngọc Vương, Từ thực tế nghiên cứu lịch sử
Văn học Việt Nam thời trung đại bàn về việc phối hợp nghiên cứu liên ngành,
trong Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế, Nghiên cứu liên ngành…sđd. Tương tự như
vậy, có thể tham khảo ý kiến của PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, Nghiên cứu liên
ngành trong Việt ngữ học; của PGS.TS Trần Nho Thìn về phương pháp nghiên
cứu liên ngành trong Văn hóa…
[11]
Chẳng hạn việc áp dụng phương pháp định tính và định lượng trong nghiên cứu
Chính trị học hiện đại cũng bắt buộc như các phương pháp so sánh, tâm lý học
đám đông, tâm lý học lãnh đạo… Xem Christopher Shea, Các nhà khoa học chính
trị tranh cãi nhau về giá trị nghiên cứu khu vực, trong tạp chí Chronicle
of Higher Education, số 43, (1/1997).
[12] Dẫn
lại trong cuốn Phương pháp nghiên cứu khoa học, Học viện Ngoại giao, Nxb
Thế giới, 2008, tr.25.
[13] GS
A. Florin cho chúng ta biết dự án CPER có giá trị trong 7 năm tài chính
(2007-2013), giữa đại diện của nhà nước, chính quyền khu vực Loire và lãnh đạo
3 trường đại học chủ yếu trong vùng với 10 chương trình nghiên cứu thuộc các
lĩnh vực như nghiên cứu y học, nông nghiệp, vật liệu, năng lượng, khí lỏng,
khoa học và kỹ thuật truyền thông đại chúng, hóa học… và tất nhiên có những nội
dung của khoa học xã hội và nhân văn. Chương trình này cũng hướng tới cả việc
đào tạo hàng loạt các nhà nghiên cứu – sư phạm; các tiến sĩ, các kĩ thuật viên…
Xem tham luận của GS này trong Kỷ yếu Nghiên cứu liên ngành…sđd, tiếng
Pháp, tr.40-44.
Nguồn:
No comments:
Post a Comment