Thursday, February 7, 2013

Đừng để xã hội "quay lưng" với nghề giáo

(NKT) Giáo viên cũ thì chuyển ngành, thế hệ trẻ thì quay lưng lại với nghề giáo. Một xã hội mà người thầy không ai muốn làm thì xã hội sẽ đi đến đâu? Đi về đâu thì không biết, nhưng chắc chắn sẽ lụi tàn ! Bởi lẻ, xh có phát triển hay không là do con người, mà con người lài từ nền giáo dục mà ra.

Dương Ngân
(HQ Online)- "Giáo viên cũ chuyển ngành, thế hệ trẻ thì quay lưng lại với nghề giáo. Một xã hội mà người thầy không ai muốn làm thì sẽ đi đến đâu?"- Câu nói đầy xót xa của bà Trần Thị Tâm Đan- nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trong Hội thảo "Khoa học sư phạm trong chiến lược đào tạo giáo viên- yếu tố căn bản của đổi mới giáo dục Việt Nam" ngày 28-12-2011.
"Bất kỳ ai quan tâm đến công tác dạy học thì đều sốt ruột và bất an về đội ngũ giáo viên hiện nay". Ảnh chỉ mang tính minh họa (nguồn: Internet)

 
Sự "rớt giá" thảm hại

"Giáo viên cũ thì chuyển ngành, thế hệ trẻ thì quay lưng lại với nghề giáo. Một xã hội mà người thầy không ai muốn làm thì xã hội sẽ đi đến đâu?".

Bà Trần Thị Tâm Đan

Khác với những năm trước, nghề giáo được cả xã hội trọng vọng, vào học sư phạm được xem như là vinh dự và tự hào của cả một dòng họ, của một làng xã. Nhưng trong mấy năm gần đây, sư phạm bỗng "hạ giá" một cách trầm trọng khi tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đăng ký thi vào đại học, cao đẳng giảm đi nhiều lần.
Bà Trần Thị Tâm Đan cho biết: Trong mấy năm gần đây, học sinh giỏi hầu như không thi vào ngành sư phạm, với học sinh trung bình, tỷ lệ thi vào sư phạm giảm khoảng 40-50% so với những năm trước. Ở một số địa phương, một số trường THPT có tiếng không có một học sinh nào đăng ký thi vào sư phạm. Từ việc không có nhiều học sinh khá giỏi thi vào ngành sư phạm thì mong muốn có một đội ngũ giáo viên giỏi cũng trở lên rất xa xôi.
Bên cạnh đó còn là sự lãng phí trong việc sử dụng nguồn kinh phí cho đào tạo giáo viên hiện nay. PGS-TS Phan Trọng Ngọ- Viện trưởng Viện Nghiên cứu sư phạm- trường Đại học Sư phạm chia sẻ: Qua số liệu tổng kết nhiều năm cho thấy, chỉ 30-40% sinh viên được đào tạo trong các trường sư phạm ra trường làm đúng chuyên môn của mình. Đó là sự lãng phí một cách rất "vô lý". Tại sao lại dùng ngân sách giáo dục đi đào tạo cho các ngành nghề khác?
Để "vớt vát" lại thực tế trên, hệ thống các trường sư phạm đã cải thiện tình hình bằng việc đa dạng hóa ngành nghề đào tạo. Tuy nhiên sự đa dạng hóa này lại chính là sự "rệu rã" của hệ thống đào tạo nhân lực sư phạm. Bà Trần Thị Tâm Đan cho biết thêm: Trường sư phạm không nên đào tạo ngành thủy sản hay môi trường, nếu có đa ngành thì chỉ nên mở rộng các chuyên ngành có liên quan đến công tác sư phạm, bổ trợ cho những kiến thức sư phạm như tâm lý học, công tác xã hội...
Đào tạo thì tràn lan như vậy nhưng lại chưa tính đến bài toán đầu ra cho sinh viên ngành này. Với những địa phương vùng núi, vùng cao của Tây Nguyên, người dân cứ ngỡ rằng chỉ cần có giáo viên tình nguyện lên dạy sẽ được nhận ngay nhưng thực tế lại không như vậy. Giáo viên lên Tây nguyên xin việc cũng cần cả một hành trình dài, gian nan và vất vả.
"Bất an"
Quá bức xúc trước thực tế đào tạo sư phạm hiện nay ở trường đại học, GS Hồ Ngọc Đại làm một phép so sánh: Tạm thời bỏ qua thế kỷ 20, mà chỉ làm một phép tính đơn giản bắt đầu từ thế kỷ 21. Từ năm 2001 của thế kỷ 21, một lượng lớn trẻ em được ra đời, sau 6 năm, tức là năm 2007, số trẻ này bước vào lớp 1, đến năm 18 tuổi tức là năm 2019 các em bước vào đại học, sau đó học cao hơn như thạc sỹ, tiến sỹ...
Rõ ràng 100% người dân là sản phẩm của giáo dục, phụ thuộc vào nhà trường, trong khi đó tỷ lệ này trước đây chỉ là 1% dân số đi học, phụ thuộc vào nhà trường.
Nếu hiện nay chỉ có 1% dân số đi học như trước kia, thì vấn đề chất lượng giáo dục, trình độ của giáo viên không có ảnh hưởng gì nhiều đến xã hội. Nhưng con số này lại không phải là 1% mà là 100%, vậy nên sự ảnh hưởng với xã hội rất lớn.
Xã hội thì cần giáo dục như vậy, giáo viên có tầm quan trọng rất lớn, vậy mà hiện nay đội ngũ giáo viên chỉ đông nhưng chưa mạnh, xã hội đang phát triển nhưng phương pháp, kỹ năng giảng dạy của giáo viên vẫn "dậm chân tại chỗ" khiến cho những bài học trở thành khô cứng, giáo điều, không đi vào nhận thức của học sinh, sinh viên.
Ông Đại nói rằng rất đau lòng khi thấy có giáo viên báo cáo thành tích: Năm nay nhà trường đã đạt được thành tích rất cao trong dạy và học, tỷ lệ học sinh khá giỏi là 92%. Nghe cô giáo trên báo cáo mà ông đã rất buồn và thất vọng. Một giáo viên có kinh nghiệm mà lại thỏa mãn với thành tích trên, có thể với nhà trường 8% học sinh chưa khá giỏi này không có gì quá lớn, nhưng 8% này đối với bản thân, gia đình học sinh đó lại là tất cả niềm tin và hy vọng.
Do vậy ông cho rằng, học sinh chưa giỏi là trách nhiệm của nhà trường, của thầy cô giáo, không thể đỗ lỗi cho ai khác. Nếu phải dùng hai từ để miêu tả chất lượng đội ngũ giảng viên hiện nay tôi xin được dùng hai "phập phù".
"Bất kỳ ai quan tâm đến công tác dạy học thì đều sốt ruột và bất an về đội ngũ giáo viên hiện nay", PGS-TS Phan Trọng Ngọ không giấu được lo lắng.
Không thể đổ lỗi cho giáo viên
Trong thực tế hiện nay có không ít người trong chúng ta vẫn đang băn khoăn nghề dạy học có phải là một nghề theo đúng nghĩa của nó trong thời hiện đại.
Bà Nguyễn Thị Bình- nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa Bình và Phát triển Việt Nam chia sẻ: Dạy học là một nghề và là nghề đặc biệt vì nó liên quan đến việc xây dựng con người và để thành công cần có sự kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật. Trường đào tạo sư phạm chính là nơi thực hiện chức năng đó.
Hiện nay việc phân bổ chương trình đào tạo giáo viên của ta đang có vấn đề.
Ông Nguyễn Vinh Hiển- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

Tuy nhiên, hiện nay trường sư phạm vẫn chưa thể hiện rõ vai trò chức năng đào tạo nghề dạy học. Nhiều khuyết điểm, thiếu sót của thầy cô giáo được phản ánh thời gian vừa qua đều thể hiện sự non kém trong ứng xử sư phạm.
Chúng ta không thể chỉ đổ lỗi cho giáo viên mà phần trách nhiệm lớn thuộc về trường sư phạm- nơi đào tạo ra các nhà giáo có sai sót đó không thể rũ bỏ trách nhiệm của mình trước những khuyết tật của sản phẩm đào tạo.
PGS-TS Phạm Minh Hùng- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho biết: Việc giảng dạy các học phần về nghiệp vụ sư phạm chưa thật thiết thực đối với sinh viên. Vì thế sinh viên chưa có ý thức đúng đắn đối với việc học tập các môn này.
Bên cạnh đó, giảng viên còn bị ảnh hưởng tư tưởng cho rằng cứ học giỏi là dạy tốt, không cần nghiệp vụ sư phạm. Trong quá trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên còn có sự tách rời giữa lý thuyết và thực hành.
Bên cạnh đó các trường đào tạo sư phạm hiện nay chưa xây dựng được quy trình rèn luyện nghiệp vụ sư phạm toàn khóa, dẫn đến việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên không theo một hệ thống nhất định, còn có sự chắp vá. Những thay đổi về nội dung, chương trình, phương pháp dạy học ở phổ thông chưa được cập nhật vào việc đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên, khiến nghịch cảnh "sư phạm đi sau phổ thông" cứ tồn tại dai dẳng mãi.
Chất lượng giáo viên phụ thuộc rất nhiều vào nơi đào tạo giáo viên, đó là hệ thống các trường sư phạm. Do vậy, để giải bài toán chất lượng giáo viên thì việc cần làm trước tiên đó là thiết kế lại chương trình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm.
Ông Nguyễn Vinh Hiển- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT thừa nhận: Hiện nay việc phân bổ chương trình đào tạo giáo viên của ta đang có vấn đề.

No comments:

Post a Comment