Monday, January 21, 2013

Khái niệm chất lượng đào tạo trong giảng dạy đại học ... (phan 2)

Phần hai của bài viết có những mô hình, nhưng trong nội dung dưới đây không xuất hiện. Quý vị nào muốn có bài đầy đủ xin liên hệ với tôi.

     
II. Một mô hình phân tích và chất lượng giảng dạy đại học Việt Nam

2.1. Thử phác hoạ một mô hình phân tích

Cũng như nhà trường nói chung, đại học là phiên bản của xã hội, là hình ảnh của xã hội thu nhỏ (E. Durkheim, 1968). Nghĩa là đại học chứa trong đó tất cả những đường nét và đặc tính của xã hội đang cưu mang nó, cũng như là nơi phản ánh những sự kiện, những xung đột, những giằng co xảy ra bên ngoài xã hội. Tại các nước dân chủ phát triển, đại học thường là nơi gặp gỡ, là gạch nối giữa khoa học, chính trị, kinh tế, xã hội công dân, bản thân sinh viên và gia đình của họ. Chúng tôi thử minh hoạ mối quan hệ này bằng sơ đồ sau:


Mô hình: Mối liên hệ - ảnh hưởng lẫn nhau giữa các bên trong trường đại học[1]
 
Chính trị
Kinh tế
 Xã hội dân s - văn hoá

Sinh viên và gia đình

Khoa học

Yếu tố khoa học, chính trị, kinh tế, các yếu tố đến từ khu vực xã hội dân sự với những mảng văn hoá khác nhau, cũng như những yếu tố tác động từ sinh viên hay gia đình của họ gặp nhau, cọ xát lẫn nhau trong hầu hết mọi khâu trong giảng dạy đại học từ cơ cấu nội dung giảng dạy, cách thức quá trình thiết lập các chương trình đào tạo, tổ chức giảng dạy, cơ cấu nhân sự, phân bổ quyền lực trong nhà trường, tính chất nội dung sinh hoạt của các đoàn thể… và đương nhiên là cả trong cách định nghĩa về mục tiêu đào tạo, về khái niệm chất lượng sản phẩm đào tạo.
Mức độ hợp tác hay xung đột lấn át lẫn nhau giữa các bên nói trên diễn ra nặng nhẹ khác nhau trong trường đại học là tuỳ tính chất mỗi xã hội đang cưu mang nó. Nghĩa là nếu xã hội bên ngoài hài hoà, dân chủ thì các vòng tròn biểu diễn trên cũng phối hợp với nhau một cách hài hoà trong một cơ chế dân chủ. Ngược lại, xã hội bên ngoài thiếu dân chủ, hay lại quá nghiêng về kinh tế, thị trường… thì những đặc tính đó sẽ thể hiện ngay trong trường đại học ở tất cả các khâu, các vòng tròn đại diện sẽ chồng lấn lẫn nhau.
Chúng tôi lấy trường hợp cơ cấu quyền lực trong đại học Pháp hiện nay để minh hoạ cho mối liên hệ hợp tác với nhau giữa các bên trong mô hình minh hoạ nói trên. Theo luật về giảng dạy đại học (sửa đổi và bổ sung) lấy tinh thần đề cao quyền tự trị và tự chịu trách nhiệm của đại học ban hành năm 2007, phần nói về chính quyền trường đại học (chương 3 - điều 7), quy định tổ chức có quyền hạn nhất là hội đồng quản trị nhà trường, hội đồng này bầu ra hiệu trưởng (người được bầu phải đạt trên 50 % số phiếu), quyết định chính sách, đường hướng mục tiêu, các kế hoạch, chiến lược của trường, quyết định về ngân sách, ban hành nội quy, những quy định về khảo hạch, vv.
Hội đồng này bao gồm từ 20 đến 30 thành viên (trường hợp hiệu trưởng được chọn không nằm trong hội đồng, số lượng thành viên sẽ tăng lên 1 người), bao gồm từ 8 đến 14 thành viên đại diện cho đội ngũ giảng viên – nghiên cứu viên; 7 đến 8 thành viên bên ngoài nhà trường; 3 đến 5 đại diện cho sinh viên; 2 đến 3 đại diện cho các nhân viên như thư viện, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý của trường. Về phía những thành viên bên ngoài, tối thiểu phải có một chủ doanh nghiệp hoặc lãnh đạo doanh nghiệp, một đại diện cho lãnh vực kinh tế và xã hội, 2 đến 3 đại diện cho các tổ chức chính quyền, các hội đoàn địa phương, trong đó có 1 thành viên của hội đồng vùng (conseil regionnal).
Hội đồng này lấy quyết định thông qua đầu phiếu, số phiếu của mỗi quyết định được lấy phải trên 50 %, trong trường hợp kết quả bỏ phiếu bằng nhau, bên nào có lá phiếu của hiệu trưởng sẽ được lấy.
Trong chính quyền nhà trường có đầy đủ các đại diện cho các bên như giảng viên và nghiên cứu viên, chính trị, kinh tế, văn hoá, người sử dụng lao động và sinh viên. Như vậy, các vòng tròn trong mô hình đã nêu có vòng to vòng nhỏ, nhưng không thiếu vòng nào, không có chuyện cái này che khuất cái kia hoặc cái này loại trừ cái khác. Mỗi bên đại diện cho quan điểm lợi ích của các nhóm khác nhau, thậm chí xung đột lẫn nhau, nhưng sự gặp gỡ giữa chúng diễn ra trong một cơ chế dân chủ và minh bạch. Bộ luật cũng quy định cách thức bầu bán các đại diện, cách thức và cơ chế tiếp nhận kiến nghị của các thành phần từ dưới lên trong cũng như ngoài trường…
Như vậy, chính quyền nhà trường được hình thành từ dưới lên chứ không phải áp đặt từ trên xuống. Bộ trưởng Bộ Giảng dạy Đại học Pháp chỉ can thiệp (sau khi đã thông báo với Hội đồng quốc gia về giảng dạy đại học và nghiên cứu) vào trường đại học trong trường hợp đặc biệt khi một trường nào đó gặp vấn đề nghiêm trọng về khoa học, văn hoá, quản lý hay liên quan đến trách nhiệm. Nhìn chung, bộ luật này đã dành cho đại học sự tự chủ và tự chịu trách nhiệm xã hội rất cao. Đây là nỗ lực của chính phủ Pháp trong việc làm cho hệ thống đại học nước này gần gũi hơn với đại học các nước Châu Âu khác cũng như Hoa Kỳ, nơi đã dành cho đại học quyền tự chủ rất lớn, hầu như độc lập với chính phủ.
Một cơ chế như vậy sẽ kích thích sự cạnh tranh giữa các đại học, làm cho đại học mang màu sắc theo vùng (chính trị, kinh tế, văn hoá vùng), và cũng rất phù hợp với khuynh hướng quốc tế hoá hiện nay như quy định hiệu trưởng không nhất thiết là thành viên “biên chế”, là người của hệ thống chính trị, mà có thể là thành viên hợp tác (associe), hay thỉnh giảng (invite) của trường. Hiệu trưởng cũng không nhất thiết mang quốc tịch Pháp, mà có thể là người của bất kỳ nước nào. Tuy nhiên, bộ luật cải cách đại học Pháp cũng đã từng gặp sự phản đối mạnh mẽ, vì nó đụng chạm đến túi tiền của dân, khi đại học được giao quyền tự chủ cả về mặt tài chính, học phí sẽ theo đó tăng lên, điều này rất dị ứng với não trạng của dân Pháp vốn luôn xem đại học như một thứ dịch vụ công ích, con đẻ của hình thức “Quản lý Công - Le Vieux Management Public” (Xem Annie Vinokur, 2008). Hơn nữa bộ luật này có thể đẩy đại học đến hiện tượng thương mại hoá giáo dục, nguy cơ bị dưới doanh chủ khống chế nền đại học, truyền thống tự do học thuật nghiên cứu, xuất bản (liberté accadémique) có nguy cơ bị xâm phạm… những điều vốn rất nhạy cảm đối với dân chúng Pháp.  
Đó là chuyện ở Pháp, còn tại Việt Nam thì sao ? Với sự trợ giúp của mô hình nói trên, chúng ta hãy nhìn vào giảng dạy đại học nước ta.

2.2. Trật tự trước Đổi mới

Trước Đổi mới, những vòng tròn biểu diễn đại diện của giới khoa học, văn hoá, kinh tế, chính trị và sinh viên và gia đình của họ trong mô hình trên có lẽ trùng khớp với nhau một cách chặt chẽ như những vòng tròn đồng tâm. Yếu tố chính trị đã bao trùm toàn bộ các khu vực trong đời sống xã hội nói chung và giáo dục nói riêng. Nhà trường là phương tiện của Nhà nước. Quả vậy, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ba vào tháng 9/1960 đã quyết định: Giáo dục phải phục vụ cho đường hướng chính trị và nhiệm vụ cách mạng của Đảng. Trên cơ sở này, chỉ thị 102 – CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 3/7/1965 chỉ rõ: Nhà trường Xã hội chủ nghĩa phải bảo đảm hơn nữa chức năng của một phương tiện Nhà nước chuyên chính vô sản... Và để bảo đảm cho điều này, chỉ thị đã đưa ra nhiệm vụ giáo dục chính trị cụ thể cho trường đại học gồm các môn chủ nghĩa Mác – Lênin, mà sinh viên vẫn tiếp tục học cho đến hôm nay.
 Về mặt ngành nghề, tuỳ theo đặc tính của mình, các đại học có nhiệm vụ đào tạo nhân sự bậc cao theo yêu cầu của các bộ ngành trong xã hội đã được thiết kế bởi các nhà lãnh đạo với những kế hoạch năm năm.
Nói chung, tất cả các lãnh vực từ khoa học, kinh tế văn hoá đến giáo dục... đều được đặt dưới cùng một tổng đạo diễn chính trị.Trong một xã hội như vậy, bản thân xã hội dân sự đã không có chỗ đứng để có thể có ảnh hưởng, bởi các tổ chức và hội đoàn chính thức đều không phải là những tổ chức thiện nguyện, nhưng là các tổ chức ngoại vi, những cách tay nối dài của Đảng. Khu vực kinh tế, văn hoá và gia đình tồn tại nhưng bị chính trị hoá sâu sắc, nên cũng không thể có ảnh hưởng gì đáng kể trong các khâu của việc đào tạo đại học, lại càng không thể có mặt trong việc xác định mục tiêu đào tạo, xác định những tiêu chí của khái niệm chất lượng giảng dạy đại học.  
Như vậy, sự trùng khớp nên một của những vòng tròn nói trên trong mô hình không phải là kết quả của một sự đồng thuận, một sự thống nhất trọn vẹn giữa các bên trong tinh thần tự nguyện và dân chủ, nhưng là kết quả của chủ trương “trật tự” trong lãnh vực giảng dạy đại học. Các khu vực khác hoặc không tồn tại một cách chính thức, hoặc bị chính trị hoá để cùng nằm chung dưới một trật tự đã được thiết đặt sẵn. Nhìn vào mô hình, chúng ta chỉ thấy toát lên một màu “hồng”, được phủ từ trên xuống, không có các đại diện từ các phía và một cơ chế dân chủ từ dưới lên như đại học Pháp mà chúng tôi đã lấy làm minh hoạ ở trên.
Hình thức này tuy không còn phù hợp với thời đại hiện nay, nhưng đã không khủng hoảng vì từ mục tiêu của xã hội đến mục tiêu của đại học, từ triết thuyết chính trị dẫn dắt xã hội đến triết lý đào tạo là khá rõ ràng, không mâu thuẫn[2]. Những quy định thế nào là chất lượng của một sinh viên tốt nghiệp đại học về mặt hồng, về mặt chuyên đến từ ý thức hệ chính trị chủ nghĩa xã hội theo mô hình Liên Xô. Sự thống nhất này đã không còn trong xã hội chúng ta hiện nay, vậy điều gì sẽ xảy ra nếu không có sự thống nhất ăn khớp này?

2.2. Vấn đề của giảng dạy đại học hiện nay

Khác với thời xã hội chủ nghĩa trước đổi mới là sự đồng nhất nên một của các vòng tròn trong mô hình như đã đề cập ở trên. Sau đổi mới các vòng tròn hầu như không được trật tự và ngăn nắp như trước, mặc dầu giới chính trị lãnh đạo vẫn ra sức duy trì trật tự theo ý mình. Chúng ta hãy quan sát điều này thông qua cách thức tổ chức nhân sự và quản lý trong bộ máy nhà trường.
Mô hình liên hệ giữa các tổ chức trong trường đại học
 

Hội đồng trường
Hội đồng khoa học trường
Các hội đồng khác
Các khoa
Các phòng ban  
Các trung tâm
Các bộ môn
Hội đồng khoa học khoa
Ban giám hiệu


Liên hệ công tác trực tiếp :
Liên hệ cố vấn :
Liên hệ công tác theo chỉ thị :
Nguồn : Webside Đại học Bách khoa TP. HCM (2005)

Về mặt tổ chức, đại học Việt Nam phức tạp hơn, nhiều ban bệ hơn rất nhiều so với đại học các nước phát triển mà cụ thể là đại học Pháp mà chúng tôi đã lấy làm ví dụ ở trên. Sơ đồ trên chỉ miêu tả bộ máy quản lý trường đại học, bên cạnh bộ máy này, còn tồn tại một bộ máy Đảng song song, có chức năng chỉ đạo, giám sát bộ máy quản lý nhà trường từ trên xuống dưới.

Tổ chức Đảng trong đại học

Thường trực ban chấp hành đảng bộ trường
Ban kiểm tra Đảng
Ban xây dựng và bảo vệ đảng
Ban truyên truyền
Ban phụ trách đào tạo
Các chi bộ đảng khoa
Các chi bộ đảng các phòng ban
Các chi bộ đảng các trung tâm
 Liên hệ trực tiếp :
Liên hệ kiểm tra :
Nguồn: chúng tôi dựng sơ đồ trên dựa vào mô hình tổ chức của  đảng bộ Đại học Kinh Tế Tp. HCM và Điều Lệ Đảng   

Về mặt chính quyền, ban giám hiệu là tổ chức có quyền hạn cao nhất, hiệu trưởng không phải được bầu từ hội đồng trường, nhưng được bổ nhiệm bởi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiệu trưởng phải là người của hệ thống, trong nhiều trường hợp, hiệu trưởng cũng chính là bí thư đảng bộ của trường. Quyền hạn và trách nhiệm của hiệu trưởng được quy định tại điều 34 - Điều lệ Trường Đại học (2003), theo đó hiệu trưởng điều hành toàn bộ các hoạt động trường đại học trong khuôn khổ điều lệ của chính phủ, các nghị quyết của đảng bộ trường và của hội đồng trường.
  Riêng về hội đồng trường, nhiệm vụ của nó cũng là thông qua các mục tiêu, các chiến lược phát triển, ngân sách, ban hành nội quy. Cơ cấu về nhân sự của nó bao gồm từ 15 đến 31 thành viên, trong đó hiệu trưởng, bí thư đảng bộ trường (trường hợp hai vị trí này do hai người khác nhau đảm trách) và chủ tịch công đoàn trường là các thành viên bắt buộc, các đại diện khác bao gồm đại diện của hội đồng khoa học trường, cán bộ quản lý giáo dục trong hay ngoài trường, của đội ngũ giảng viên, của đoàn thanh niên và hội sinh viên. Cũng như ban giám hiệu, Bộ Giáo dục kiểm soát các thành viên của hội đồng trường, quyết định mức độ quyền hạn và trách nhiệm cũng như các hoạt động của tổ chức.

Mấy nhận xét

Đặc điểm đầu tiên là tính tập quyền. Bộ Giáo dục xen rất sâu vào trường đại học. Nhìn chung, mô hình quản lý vẫn không khác xa mấy so với thời kỳ trước đổi mới, chính trị vẫn là yếu tố trung tâm, kiểm soát và có mặt trong tất cả các khâu, các tổ chức, kể cả trong hội đồng trường.
Hội đồng trường đóng vai trò mờ nhạt bên cạnh ban chấp hành đảng bộ trường và ban giám hiệu vốn được bổ nhiệm từ trên xuống, tuy nhiên trên danh nghĩa, theo điều 30 - Điều Lệ Trường Đại Học, vai trò của hội đồng này là làm cho đại học thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm thông qua những chủ trương của nó đem ra. Đây có lẽ là điểm mới, điểm hiện đại nhất của đại học Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế, nhưng nhìn sâu vào cơ cấu nhân sự chúng ta thấy vẫn khác xa các nước phát triển.
Trong cơ cấu của hội đồng trường, vắng bóng các đại diện bên ngoài trường như chủ doanh nghiệp và đại diện của giới văn hoá và kinh tế. Như vậy những người sử dụng lao động và giới văn hoá bên ngoài không có tiếng nói trong đào tạo của nhà trường, trong khi họ lại là những người sử dụng sản phẩm đào tạo. Như thế, làm sao nhà trường có thể đáp ứng nhu cầu của họ? Làm sao biết họ mong muốn điều gì nơi sản phẩm đào tạo, liệu họ có cùng quan niệm, và các chuẩn mực về chất lượng sản phẩm đào tạo như các lãnh đạo nhà trường không? Liệu những danh hiệu như “thủ khoa”, “tốt nghiệp xuất sắc”, “đạt loại giỏi” vv, có giá trị gì, có ăn nhằm gì với những đòi hỏi bên ngoài xã hội không?
Trong hội đồng cũng có đại diện của sinh viên qua Hội sinh viên, có đại diện Công đoàn, những tổ chức này đại diện cho sinh viên, cho người lao động trong trường đại học trên danh nghĩa, nhưng đồng thời cũng là những tổ chức do Đảng lập ra và chỉ đạo, khác hẳn các công đoàn và các tổ chức sinh viên trong trường đại học ở các nước phát triển. Như vậy, liệu sinh viên - những khách hàng trực tiếp của nhà trường thực sự có tiếng nói không? Họ có được bác bỏ hay đề nghị những gì liên quan đến nội dung chương trình giảng dạy không? Họ thực sự có quyền góp phần vào các định hướng đào tạo, vào các chiến lược, các quyết sách của nhà trường không? Và họ có cùng quan niệm với nhà trường về khái niệm chất lượng đào tạo không?
Chỉ còn lại nhóm có ảnh hưởng thấy rõ nhất là đại diện giới khoa học - giảng viên, thông qua hội đồng khoa học và các đại diện giảng viên từ các khoa trong trường. Đương nhiên lực lượng này cũng phải chịu sự chọn lọc và ảnh hưởng từ bên trên thông qua chính sách nhân sự và các chính sách khác, nhưng theo chúng tôi, đây không phải là một lực lượng thụ động, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế thị trường và thời đại thông tin hiện nay. Chúng tôi nghĩ rằng, sự không ăn khớp và bất đồng giữa chính trị và khoa học đang diễn ra ngày càng nhiều hơn trong các trường đại học Việt Nam hiện nay, hiện tượng này có thể tìm thấy từ nhiều phía và ở mọi cấp độ, mọi khâu trong các hoạt động giảng dạy cũng như nghiên cứu trong các đại học, nhất là các đại học khoa học xã hội và nhân văn. Đương nhiên là sự bất đồng đó cũng có mặt trong quan niệm và lý luận về khái niệm chất lượng đào tạo.
Như vậy, mô hình phân tích trên có lẽ nên rút gọn chỉ còn hai thành phần chủ chốt là chính trị và khoa học trong cơ cấu đại học Việt Nam hiện nay, hai bên này có thể đang trong tình trạng “bằng mặt mà không bằng lòng”, một bên muốn kiểm soát và bên kia muốn độc lập, đây chính là “phần nổi của tảng băng chìm” của sự khủng hoảng đại học hiện nay. Nó ảnh hưởng trực tiếp lên chất lượng giảng dạy, sinh viên thường là nạn nhân của sự mâu thuẫn này, họ đồng thời phải tuân thủ các chuẩn mực, các đòi hỏi đến từ hai phía... Họ phải làm sao ?
Một mâu thuẫn khác cũng rất quan trọng đang ảnh hưởng đến chất lượng đại học là mâu thuẫn giữa chính trị và kinh tế. Tuy trong chính quyền đại học, không có đại diện của giới kinh tế và văn hoá, nhưng đại học hiện nay không thể bỏ qua các đòi hỏi của nền kinh tế thị trường, nơi đang tiêu thụ sản phẩm đào tạo của đại học. Đại học cũng không thể mặc kệ các khuynh hướng văn hoá đang tác động lên đời sống xã hội, đang góp phần hình thành nhân cách và nhận thức của người dân. Trước Đổi mới, giáo dục đại học đã không khủng hoảng như hiện nay vì đã có một hướng đi rõ ràng, có một mẫu hình lý tưởng trong xã hội được xác định làm đích đến cho các trường đại học là đào tạo “Con người mới xã hội chủ nghĩa” với các chuẩn mực của “hồng và chuyên”. Còn ngày nay, mẫu hình lý tưởng mong đạt tới đó là gì? nghĩa là mục tiêu đào tạo của đại học nhắm đến là gì? Một mẫu hình đảng viên - chủ doanh nghiệp? Những cử nhân, kỹ sư phải mang màu sắc của “hồng” truyền thống với những phẩm chất và kỹ năng của con người kinh tế thị trường hiện đại? Liệu những gì được chờ đợi bởi các nhà lãnh đạo chính trị có phù hợp với những chờ đợi nơi một sinh viên ra trường của các nhà tuyển dụng, đặc biệt các nhà tuyển dụng trong khu vực tư nhân và nước ngoài vốn đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trên thị trường lao động hiện nay? Liệu những giá trị về chân - thiện - mỹ, những cách hiểu về chất lượng của “chuyên” được áp đặt từ các nhà lãnh đạo có phù hợp với những chờ đợi từ bản thân sinh viên và gia đình của họ, của các khuynh hướng trong xã hội dân sự vốn đang phát triển một cách thầm lặng nhưng lại có ảnh hưởng sâu sắc trên đời sống tinh thần của người dân không?
Trở lại với mô hình mà chúng tôi đã giới thiệu trên đây, ngược lại với thời trước đổi mới, những vòng tròn đồng tâm đã bung ra mà có lẽ vùng gặp gỡ chung giữa chúng không còn nhiều. Đại học đang chịu giằng co một cách mạnh mẽ giữa các bên ảnh hưởng. bởi đại học vẫn luôn là “phương tiện” của các nhà lãnh đạo, nhưng cũng không thể bỏ qua các nhu cầu và đòi hỏi của nền kinh tế và xã hội bên ngoài nói chung. Đại học phải nghe theo ai, phải đi với ai? Liệu đại học có dung hoà được nhu cầu của các bên với mô hình quản lý hiện tại không?
Cũng như trên nhiều lãnh vực khác, hệ thống giáo dục của chúng ta nói chung và đại học nói riêng có lẽ đang kẹt giữa những mâu thuẫn này. Một cách nào đó, đại học đang nằm trong tình trạng “tư tưởng không thông vác bì đông không nổi”, chúng ta không xác định được một cách rõ ràng con đường mình đi, chúng ta đang cùng trên một chuyến xe đang ở ngã ba đường mà không biết nên rẽ trái hay phải, lúc thì bỏ đèn xin bên phải lúc khác lại xin đường bên trái, hoặc đánh võng từ bên này qua bên kia mà không thể dứt khoát rẽ bên nào. Kết quả là có di chuyển, có thay đổi, thậm chí là thay đổi rất nhanh, nhưng không thể tiến lên phía trước nhiều, và nếu cứ tiếp tục như thế thì đồng nghĩa với việc đứng yên hoặc thậm chí là đi lùi, là tụt hậu vì những nước xung quanh đang đi tới với một lộ trình rõ ràng.




[1] Khoa học : là giới đại diện cho khoa học như đội ngũ các giảng viên, nghiên cứu viên làm việc trong trường đại học
Chính trị: là các nhà lãnh đạo trung ương hoặc địa phương với ý thức hệ chính trị, văn hoá, các chuẩn mực, giá trị, thói quen… của họ.
Kinh tế: Là các nhà làm kinh tế, nhà sử dụng lao động, các ông chủ… những tác nhân có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trên thị trường lao động.
Xã hội dân sự - văn hoá : Là các thành phần còn lại trong xã hội với các nét văn hoá gắn liền như các hội đoàn, các tổ chức văn hoá nghệ thuật hiện đại và dân gian, các tổ chức thiện nguyện độc lập, nằm ngoài thiết chế chính trị, kinh tế và gia đình.
Sinh viên và gia đình của họ: Là “khách hàng” trực tiếp của đại học
[2] Trong bài “Những vấn đề giáo dục đại học hiện nay – nhìn từ góc độ xã hội học giáo dục” đăng trên Tạp Chí Phát Triển Kinh Tế - Đại học Kinh tế Tp. HCM, số 205, tháng 11 – 2007, chúng tôi đã phân tích mối liên hệ giữa ý thức hệ chính trị và triết lý đào tạo, giữa mục tiêu của xã hội và mục tiêu đào tạo của trường đại học, giữa mẫu hình lý tưởng mong đạt tới trong xã hội và mẫu hình lý tưởng của một sinh viên ra trường. 

No comments:

Post a Comment