Saturday, January 5, 2013

Giảng dạy đại học: tinh thần, phương pháp và văn hoá

Nguyen Khanh Trung

(TTCT) Trước khi nói đến giảng dạy tinh thần, phương pháp và văn hoá trong đại học, chúng ta cần bàn về mục tiêu đào tạo.


Mục tiêu đào tạo (sản phẩm đào tạo) 


Chúng ta muốn đào tạo mẫu người sinh viên ra trường như thế nào ? Vì nhiều lý do khác nhau, câu hỏi đơn giản nhưng căn bản này vẫn chưa được trả lời một cách rõ ràng. Phải dứt khoát trả lời cấu hỏi này thật rõ trước khi bắt tay thay đổi các khâu khác trong giảng dạy. Tuyên ngôn Quốc tế về giáo dục đại học trong thế kỷ 21 đã tuyên bố về vấn đề này: “Các định chế gd đại học cần phải giáo dục sinh viên như thế nào để họ thực sự trở thành những công dân được trang bị đầy đủ những kiến thức cần thiết và có động cơ hoạt động đúng đắn, sâu sắc. Đó phải là những người có khả năng tư duy phê phán, biết cách phân tích các vấn đề của xã hội, biết tìm ra các giải pháp cho các vấn đề của xã hội, và thực hiện điều này với ý thức trách nhiệm đầy đủ.” (điều 9, điểm b). Nghĩa là đại học phải tạo ra một biến đổi nơi người học sau khi ra trường, sinh viên không những phải có kiến thức, nhưng còn phải biết làm, biết sống, biết làm cho những kiến thức kỹ năng học hỏi được trở thành máu thịt của mình. Người sinh viên, sau khi trải qua quá trình đào tạo phải trở thành một người hoàn toàn khác so với bản thân họ trước khi vào trường. Họ phải biết và biết làm, biết phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề, biết phê phán một cách độc lập, biết khiêm tốn trong tinh thần khoa học, biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt trong văn hoá, biết dấn thân và giám chịu trách nhiệm, biết hợp tác với người khác, biết làm việc nhóm và thích ứng với mọi môi trường công việc. vv. 


Để thực hiện mục tiêu trên, đại học phải thay đổi trong mọi khâu trong quy trình đào tạo, từ nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy đến cách thức tổ chức hành chánh, nhân sự, sư phạm cũng như các sinh hoạt đoàn thể trong trường đại học với tinh thần như sau:


Giảng dạy tinh thần khoa học


Giảng dạy tinh thần khoa học trước tiên là truyền thụ tinh thần “nói có sách mách có chứng”, nghĩa là chúng ta tránh chuyện khẳng định như “đinh đóng cột” mà không có đủ bằng chứng để chứng minh, hay bằng chứng chưa được kiểm chứng, một chiều, bị chính trị hoá. Trong thực tế giảng dạy đại học hiện nay, chúng ta thường xuyên vi phạm nguyên tắc này vì nhiều lý do, nhất là trong lãnh vực khoa học xã hội và nhân văn, nhiều điều chỉ mới ở dạng giả thuyết, nhưng chúng ta đã truyền thụ đến sinh viên như là những chân lý bất di bất dịch. Tinh thần khoa học còn là sự chủ động, biết nghi ngờ, biết đặt lại các vấn đề và phê phán, phản biện, tranh luận… với thái độ khiêm tốn, biết tôn trọng ý kiến người khác, tôn trọng tư tưởng ngược chiều. Trong môi trường đại học hiện nay, chúng ta thiếu tinh thần này. Trong các hội thảo, các buổi bảo vệ các loại luận văn cuối khoá, người ta sẵn sàng “choảng” nhau với thái độ và ngôn ngữ khẳng định kiểu “hết sức sai lầm” hoặc “rất đúng đắn”… những kiểu nói mà tôi chưa bao giờ được nghe ở các hội nghị khoa học ở nước ngoài. Trong khoa học, nhất là trong khoa học xã hội, không ai giám xem các kết luận khoa học là tuyệt đối và có giá trị phổ quát. Một kết luận khoa học đã được kiểm chứng trong môi trường văn hoá này, có thể không đúng trong một môi trường văn hoá khác, một công trình khoa học được thực hiện ở thời điểm hiện nay, không có nghĩa là nó có giá trị trong mười năm nữa. Tinh thần của thế giới hiện nay là đa cực tương đối, các khẳng định tuyệt đối kiểu “chủ nghĩa“ có lẽ không còn phù hợp. 


Giảng dạy phương pháp khoa học


Trong thời đại thông tin hiện này, chúng ta không thể lo nhồi nhét kiến thức mà xem nhẹ giảng dạy phương pháp như thực tế hiện nay tại các trường đại học. Bởi kiến thức là vô tận và liên tục biến đổi trong khi đời sinh viên là hữu hạn, nên tại trường, các em phải được trang bị vững về phương pháp (phương pháp học, phương pháp làm, phương pháp nghiên cứu, phương pháp tư duy…), để từ đó các em có khả năng tự học, tự nghiên cứu và thực hành ở mọi môi trường và trải dài suốt cuộc đời. Phương pháp sư phạm hiện đại phải đặt sinh viên làm trung tâm của mọi quan tâm, của mọi quan hệ. Sinh viên phải là đối tác độc lập trong quá trình tiếp nhận các kỹ năng và kiến thức, xa hơn nữa, phải làm cho họ trở thành những chủ thể xây dựng chính các kiến thức và kỹ năng đó với sự trợ giúp, hướng dẫn của giảng viện, chứ không chỉ bị động đón nhận những kiến thức của người khác như sinh viên của chúng ta hiện nay. Điều này đòi hỏi phải có một đội ngũ giảng viên thấm nhuần tinh thần này và được trang bị các phương pháp sư phạm hiện đại, cũng như đại học phải tạo ra một môi trường phù hợp từ cơ sở vật chất, sắp xếp cấu tạo chương trình về nội dung, về thời lượng, và những chính sách hỗ trợ.



Giảng dạy văn hoá


Giáo dục ở đâu và thời điểm nào cũng có chức năng chuyển tải văn hoá bên cạnh chức năng chuyển tải và sản xuất tri thức và kỹ năng. Hiểu theo nghĩa thông thường đó là chuyển tải những cái hay, cái đẹp, những chuẩn mực, giá trị, những kiến thức kinh nghiệm được tích lọc từ những thế hệ trước. Trường đại học làm nhiệm vụ này thông qua mọi khâu trong quy trình giảng dạy. Tuy nhiên thế nào là “văn hoá” được truyền thụ trong nhà trường, hay nói theo ngôn ngữ của Pierre Bourdieu là “văn hoá học đường” (culture scolaire)[1], lại là một vấn đề lớn cần tranh luận. Bourdieu đã khẳng định, văn hoá học đường tại Pháp (vào trước cuộc cách mạng gd tháng 5/1968) là văn hoá của giai cấp cai trị, điều này tạo ra hiện tượng “sốc văn hoá” nơi con em thuộc các giai cấp dưới, và hiện tượng này giải thích tại sao con em của tầng lớp này lại không thành công trong đường học vấn so với con em của giai cấp trên. Như vậy, nhà trường đã bị biến thành công cụ làm tái tạo lại bất công xã hội kiểu “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”, chứ không hề là định chế góp phần làm giảm bất công xã hội như lý tưởng của các nhà sáng lập nền cộng hoà Pháp đã tuyên bố. Tại Việt Nam, xét trên mọi bình diện, văn hoá học đường hiện nay cũng chỉ là thứ văn hoá của một nhóm, và điều đáng ngại là văn hoá này hầu như không mấy ăn nhịp với các văn hoá đến từ các vùng khác trong xã hội như định chế gia đình, định chế kinh tế hay từ “ xã hội dân sự”... Đáng ngại, vì trường đại học trở thành nơi “hà hiếp” văn hoá hơn là nơi gặp gỡ giao thoa văn hoá. Sinh viên có nguồn gốc xã hội khác nhau đang bị đóng khung trong một thứ văn hoá không phải lúc nào cũng thân thiện, phù hợp với “tập tính” của các em đã được hình thành thông qua quá trình xã hội hoá trong môi trường gia đình, khu xóm, tôn giáo, môi trường xã hội hiện đại với sự ảnh hưởng tác động của phim ảnh, sách vở, internet chuyển tải đủ thứ văn hoá khác. Các em sẽ khó phát triển một cách hài hoà khi giáo dục nhà trường mâu thuẫn với gd gia đình, gd tôn giáo. Các em sẽ lúng túng nếu những chuẩn mực và giá trị được đón nhận từ nhà trường lại chẳng ăn nhằm gì với các chuẩn mực và giá trị đòi hỏi từ thị trường lao động… Tóm lại, văn hoá học đường mà trường đại học chuyển tải phải là một tích hợp một cách hài hoà, công bằng từ nhiều nguồn, nhiều nhóm, nhiều tầng lớp ở trong xã hội và rộng ra là trên thế giới, chứ không chỉ là ý chí riêng của bất kỳ một nhóm nào. Văn hoá học đường phải ở dạng mở và cách thức chuyển tải nó đến với sinh viên cũng phải ở dạng mở, nhằm tạo điều kiện phát triển óc tư duy và phê phán độc lập nơi sinh viên, cũng như tạo điều kiện cho sinh viên ra trường có thể thích ứng với mọi môi trường làm việc trong nước hay quốc tế trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

Nguồn: http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/304034/giang-day-dai-hoc-tinh-than-phuong-phap-va-van-hoa.html




[1] Dưới góc độ xã hội học, văn hoá luôn gắn liền với những điều kiện, với những hoàn cảnh, với môi trường sống của con người. Trong một xã hội, có thể có nhiều nền văn hoá khác nhau trong đó văn hoá được chọn lựa, được phổ biến bao trùm lên các nhóm xã hội khác nhau cũng chỉ là một loại, và đó thường là văn hoá của nhóm cầm quyền.

No comments:

Post a Comment