Monday, January 7, 2013

Đại học là bộ não tư duy của xã hội

Trong truyền thống đại học các nước Âu - Mỹ, triết học được xem la trung tâm, là khoa học của mọi khoa học bởi công việc chính của nó là tư duy, là suy tư, nói cho dễ hiểu là suy nghĩ. Suy nghĩ, biết suy nghĩ có phương pháp, kết hợp với trí tưởng tượng, tính tò mò nơi con người sẽ dẫn đến sáng tạo, phát minh, phát kiến, và cứ như thế cái mới được thành hình, các lý thuyết mới, các ngành khoa học mới ra đời và phát triển. Như vậy, vai trò của tư duy là hết sức quan trọng, là sức sống, sức khoẻ của đại học. Trường này hơn trường kia là có tích tụ được nhiều hàm lượng tri thức thông qua hoạt động tư duy hay không, xã hội này hơn xã hội khác là có tạo ra được một hệ thống giáo dục nói chung và đại học nói riêng nuôi dưỡng, phát triển  tư duy của con người hay không.

Như vậy tư duy là hoạt động nền tảng, là dưỡng khí của đại học, và đại học lại là bộ não của xã hội, là nơi soi sáng, dẫn đường cho cả xã hội đi. Cứ lô - gic này, chúng ta nhìn vào hiện trạng, vào đời sống của nền giáo dục, của hệ thống đại học của một nước sẽ biết hiện trạng và tương lai của nước đó. Có lẽ giáo dục đang là đề tài nóng bỏng, được đề cập, tranh luận nhiều ở nước ta hiện nay cũng vì ít nhiều mọi người ý thức được tầm quan trọng của nó.


Vì đại học đóng vai trò là bộ não của cả xã hội,  nên từ rất sớm, các nước Châu Âu đã biết tạo điều kiện cho “bộ não” của họ làm việc và phát triển bằng cách tạo ra nơi đại học một môi trường thích hợp. Môi trường tốt nhất cho bộ não tư duy là tự do. Các giáo sư ở các trường đại học được ưu ái về mặt vật chất nhưng lại rất tự do trong công việc, trong tư tưởng. Trên bục giảng, trong nghiên cứu, viết lách, họ không hề chịu bất kỳ một áp lực nào. Có lẽ nhờ vậy, các nước này luôn là nơi sinh ra các bộ óc lớn của thời đại, là quê hương của “ánh sáng”, của cách mạng công nghiệp và ngày nay là cách mạng thông tin. Nghề nhà giáo được xã hội xem là một thiên chức, các giáo chức sống, làm việc với chính lương tâm và trách nhiệm của họ là chủ yếu, các thiết chế khác không nên canh gác, kiểm soát họ. Cũng dễ hiểu, vì đại học đã được xem là bộ não mà trong đó người thầy là chủ thể chính, thì chẳng có bộ phận nào trong cơ thể xã hội lại có đủ thẩm quyền và khả năng để kiểm soát bộ não của mình nếu không phải là tự chính nó.

Từ cách nhìn này, nếu nói giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng của chúng ta đang khủng hoảng rõ ràng không ngoa, vì nhìn vào mọi góc cạnh, đại học chưa làm được nhiệm vụ là bộ não tư duy của xã hội, thay vì đi trước để soi sáng đường đi cho xã hội, nó lại đang đi lẻu đẽu sau xã hội và bị lệ thuộc vào đủ thứ. Nhà trường kể cả đại học lẽ ra là mảnh đất của tư duy, là nơi kích thích sáng tạo, lại đang là khuôn đúc tư tưởng kiểu trăm người như một, đang miệt mài với cách dạy, cách học từ chương, giáo điều và mang tính áp đặt. Triết học vốn đóng vai trò quan trọng là thế lại bị chê bởi giới trẻ. Khoa này thay vì quy tụ những người có khả năng tư duy xuất sắc và độc lập để từ đó đóng góp cho xã hội những tư tưởng, những lý thuyết làm nền và dẫn đường cho xã hội phát tirển lại phải đón nhận những con “chuột chạy cùng sào”, không đủ điểm vào các ngành khác mới miễn cưỡng vào đó để rồi tìm kiếm cơ hội chuyển ngành về sau. Hiện tượng này có rất nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ cái chính vẫn là các khoa đào tạo này đã không đóng đúng vai trò của mình, không phải là môi trường tốt hấp dẫn những tài năng, kích thích tư duy và phát huy sự sáng tạo.

 Báo động về hiện tượng khủng hoảng trong giáo dục là hệ trọng vì chính nó cũng là nguy cơ của đất nước xét về ngắn hạn cũng như dài hạn.

No comments:

Post a Comment