Friday, January 11, 2013

Di tim cai toi da mat (7 - 8)

  7.

Bất cứ nhà nước nào lấy học thuyết xã hội hoặc tôn giáo thay cho hiến pháp thì trước sau sẽ chuyển đổi thành nhà nước chuyên chế. Vì trong hàng triệu công dân sẽ có nhiều nhóm người không cùng lòng tin, không cùng tín ngưỡng với nhà cầm quyền. Họ trở thành những cộng đồng đáng ngờ, sẽ bị phân biệt đối xử, trước hết là mất quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do xuất bản. Đó là nói về tầng lớp trí thức. Còn những người làm các nghề khác, chả dính dáng gì đến sách vở cũng sẽ cảm thấy bị tước đoạt nhiều quyền tự do, như quyền tự do lựa chọn cách sống của riêng mình chẳng hạn. Đã độc quyền về tư tưởng tất nhiên sẽ độc quyền cả về cách sống, vì mỗi học thuyết đều có phần đạo lý của nó, nó cần tiêu chuẩn làm người đã được lý tưởng hoá của nó để làm khuôn mẫu cho tu sĩ và tín đồ.

Tôi có một bà cô sống ở Hà Nội suốt thời Pháp tạm chiếm, là dân cũ của Hà Nội, sau này giải phóng được một năm, bà than thở với tôi, nghĩ rằng sống với cách mạng thì dễ mà hoá ra rất khó. Bà bảo chính phủ gì việc lớn không lo toàn lo việc vặt, từ cách ăn mặc, cách yêu đương, cách nuôi dạy con cái là những việc người dân tự biết cách lo, tự biết cách học, lo không nổi thì đã có dư luận xã hội lo giùm, từ cổ tới nay vẫn thế mà. Lại nói về những tín đồ trung thành của chủ nghĩa Mác, những chiến sỹ theo cách mạng từ thuở mới lập nước là đám văn nghệ sỹ chúng tôi cũng “ sống không dễ ” trong sự viết lách. Viết đúng luật lệ thì chỉ có hai chủ đề : căm thù và hy sinh. Cũng chỉ có ba loại người được tôn vinh : công, nông, binh. Cái thế giới mênh mông, nhiều màu sắc ngày một thu hẹp và chỉ có hai màu : đỏ là quân ta, đen là quân địch.


Văn chương cách mạng thoạt đầu cũng lạ so với văn chương thời trước nên được bạn đọc trẻ hoan nghênh. Nhưng cứ phải đọc mãi một vài đề tài quen thuộc, một vài loại người quen thuộc và những tâm trạng rất quen thuộc ngay những bạn đọc trung thành cũng phải chán. Chính chúng tôi cũng tự chán mình. Tài đã kém lại bị bó chặt từ đầu tới chân, xoay tới xoay lui cũng chỉ có một vòng quay, ú ớ một cách nói, càng viết càng nhảm cũng là phải. Một nền văn nghệ phải phục vụ chính trị (mà chính trị thì sớm nắng chiều mưa) là đã mất một nửa tự do rồi, lại phải phục chính trị theo nghĩa các chủ trương, chính sách của từng thời kỳ thì còn gì là tự do nữa. Ấy là chưa nói mỗi cấp cầm quyền lại có những yêu cầu riêng, những cách đối xử riêng, lúc nhu lúc cương, cái thằng nghệ sĩ chả còn biết lối nào mà lần. Văn chương đã đến nông nỗi ấy mà vẫn có giải thưởng quốc gia, nhưng những tác phẩm được giải thưởng Lenin, Stalin liệu có còn cuốn nào được người Nga hôm nay muốn đọc lại.

Tôi cũng được giải thưởng văn chương cao nhất cấp quốc gia, nhưng tôi biết chỉ mươi năm nữa, thời thế đổi thay chắc chả còn ai nhớ tới mình nữa. Tôi là nhà văn của một thời, thời hết thì văn phải chết, tuyển tập, toàn tập thành giấy lộn cho con cháu bán cân. Buồn nhỉ ? Nghĩ lại cũng chả có gì phải buồn, con người vốn sống trong những chiều kích hữu hạn lại mơ tưởng những gì do con người làm ra sẽ thuộc về vĩnh viễn, có hoạ rồ ! Tất nhiên vẫn có nhiều công trình của trí tuệ thuộc về cõi bất tử nhưng là của các thiên tài. Với bộ não con sâu cái kiến, ngước nhìn những cái đầu khổng lồ ấy làm gì cho thêm buồn ra. Hãy viết những gì trong cái tầm nhìn tầm nghĩ của con sâu cái kiến vậy. Một cách nghĩ thiếu “ tự hào dân tộc ” nhưng chắc chắn là một cách nghĩ đúng. Đã từng có những quốc gia từng nghĩ từng viết rất tự hào, rất kiêu hãnh rằng dân tộc họ đã sải bước trước nhân loại cả trăm năm, sắp chạm tay vào cánh cửa thiên đàng rồi ! Mà rồi sao nhỉ ? Là như mỗi chúng ta đều đã được chứng kiến trong suốt mấy chục năm nay đấy !

8.
Nhà văn Dư Hoa [Yu Hua, 余华, chú thích của DĐ], một cây bút đang nổi của văn đàn Trung Quốc, trong lời cuối sách của tiểu thuyết Huynh đệ (Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 2006), ông có viết đại ý, trong lịch sử thế giới từ thời Trung Cổ đến thời hiện đại phải trải qua 400 năm. Còn ở Trung Quốc từ thời cách mạng văn hoá, cả đất nước chìm sâu trong bóng đêm trung cổ với thời bấy giờ với bao nhiên thay đổi đến chóng mặt để đất nước Trung Hoa nhanh chóng bước vào đội ngũ các đại gia của G8. Cái khoảng cách vời vợi giữa hai thời đại ấy đã được rút gọn trong có 40 năm. Rằng hay thì thật là hay nếu chỉ nhìn vào toàn cục, vào cả dân tộc. Nhưng nếu nhìn vào từng cá nhân, những cá nhân không được chuẩn bị từ căn cơ trong lịch sử, trong văn hoá, trong truyền thống và nhất là trong nhân cách làm người thì cái rút gọn trong mỗi cá nhân sẽ dẫn tới đâu ? Theo ý tôi (N. K.) là các cá nhân ấy sẽ rất dễ bị GÃY khi gặp phải sóng to gió lớn. Vì cái lõi của nó chưa đủ cứng, chưa đủ bền, chưa đủ những tố chất về di truyền, về giáo dục (rất cần có thời gian) để ứng phó hữu hiệu với những thay đổi quá nhanh của môi trường sống.

Các nhà cách mạng thường chỉ nghĩ tới mục tiêu và những con đường ngắn nhất nhanh nhất để đạt được mục tiêu, bất chấp các công dân của họ bằng lòng hay không bằng lòng. Và họ lại tin một cách ngây thơ, một cách tệ hại rằng cứ ép là được, cứ đẩy tới bằng các phong trào cách mạng của quần chúng là được, trước lạ sau sẽ quen dần. Nhưng các cá nhân cũng là lòng người không thuận thì mọi chủ trương dẫu hay đến mấy sớm muộn cũng bị đào thải, chả để lại một dấu vết tích cực nào. Và càng lạ hơn là những tổ chức kinh tế được xem là lạc hậu, là phản động của một thời vẫn có muôn vàn cơ hội để tái sinh và xem ra còn tồn tại rất lâu dài.

Trong những năm 90 của thế kỷ 20 nhiều vị lão thành cách mạng Việt Nam lấy làm kinh ngạc và đau đớn trước sự tiêu vong quá nhanh của một siêu cường mà chân móng của nó đã ăn sâu trong mảnh đất Nga non một thế kỷ. Thật ra toà lâu đài kiểu mẫu của tương lai ấy không hề có chân móng. Nó được xây trên cát. Mọi thay đổi lớn đều dựa vào phong trào quần chúng được hình thành, được vận động chỉ bằng có tuyên truyền chứ không từ nguồn lực tự thân. Tất cả đều phải ép buộc, đều phải dàn dựng, và phải có các diễn viên chuyên nghiệp trình diễn theo một kịch bản độc nhất. Có hai nhà văn lớn của Châu Âu đều được mời xem màn diễn về một xã hội lý tưởng do người cộng sản lãnh đạo. Ông Romain Rolland thì khen không hết lời, còn ông André Gide thì chê từ đầu đến cuối. Vì một ông chỉ nhìn có cái mặt tiền, cái tổng thể, đến đâu cũng thấy dân chúng ca hát, nhảy múa và vẫy cờ, vẫy hoa. Còn một ông lại chỉ quan sát cái sân sau của chế độ và thân phận của nhiều cá nhân ông có dịp tiếp xúc. Đám đông thường cho ta cái cảm giác sai vì họ không thể giữ được tính độc lập trong tình cảm và phán xét. Còn cá nhân thì cái thân phận riêng tư của họ bao giờ cũng thuộc về nhân loại hôm nay và mai sau.

Một xã hội mà công dân không được quyền sống thật, nói thật, nhà văn cũng không được quyền bộc bạch tâm sự riêng tư của mình trên trang giấy là một xã hội không có chân móng. Các quốc gia cùng sống với nhau trong một liên bang, gọi nhau là anh em là đồng chí, nhìn ngoài thấy họ sống cũng yên ấm vui vẻ. Vậy mà khi họ chia tay nhau cũng dửng dưng. Và ngay lập tức họ nhận ra nhiều mối lợi trên đất nước mình đã bị người anh em ruột thịt chia sẻ trong một cuộc đổi chác không công bằng. Thế là bắt đầu những cuộc tranh chấp các đường biên giới, đã có lúc phải dùng đến xe tăng, đại bác để nói chuyện. Rồi tranh chấp đường ống dẫn dầu và các mỏ dầu, các căn cứ quân sự và các vùng biển có hạm đội. Khi Mỹ và NATO muốn đặt căn cứ quân sự trên đất nước họ, nhân danh chống khủng bố họ gật đầu liền đâu biết Mỹ là đối thủ của nước Nga anh em. Yêu Mỹ là tất nhiên vì Mỹ sẽ rót tiền vào những cái két rỗng của họ. Ghét Nga cũng là lẽ đương nhiên vì xưa kia anh bắt nạt tôi, lấn át tôi, xem tôi như chư hầu, như thuộc địa, bây giờ chính là lúc tôi có quyền trả thù.

Lúc giận nhau thì nghĩ nông cạn thế, còn bình tĩnh lại thì giữa các nước cộng hoà trong liên bang Xô Viết (cũ) vẫn có sự ràng buộc tự nhiên và máu thịt trong lịch sử vì họ đã là người một nhà non một thế kỷ, đã cùng nhau sống chết chống hiểm hoạ phát xít để bảo vệ sự tồn tại của Liên bang cũng như của các nước cộng hoà. Lại đã cùng nhau sinh con đẻ cái, đã pha trộn ngôn ngữ, văn hoá và kỷ niệm. Bây giờ mỗi quốc gia vừa được trở lại là chính mình, vừa có phần đóng góp thêm của các nền văn hoá lân cận, bạn bè, giàu có hơn trước, văn minh hơn trước. Rồi họ cũng sẽ sống với nhau như một cồng đồng của khu vực, nhưng lần này là tự nguyện, là do họ tự chọn một hình thức liên minh bình đẳng, dân chủ và hoàn toàn tự do. Bất cứ một thiết chế xã hội nào nhắm tới dân chủ và tự do, xây một xã hội mở, một liên minh mở sẽ có may mắn tồn tại được lâu dài với sự đồng thuận của mọi người và sự hài lòng của mỗi cá nhân.

9.
Gần đây tôi có được đọc hai cuốn sách hay. Một cuốn là Bàn về tự do của John Stuart Mill, một triết gia người Anh viết từ năm 1859, cách ta một thế kỷ rưỡi. Một cuốn là Tư duy tự do của Phan Huy Đường, một nhà nghiên cứu học thuyết Mác có tên tuổi ở Pháp viết vừa mới đây. Khoảng mươi năm nay tôi đọc tiểu thuyết không vào, cả của ta, của Tàu lẫn Tây, cả sách mới dịch, mới xuất bản, cả sách của các đại gia của những thế kỷ trước. Năm còn trẻ đọc thấy hay, bây giờ già rồi nhìn trang sách cứ dửng dưng vì nó không chịu ăn nhập vào những trải nghiệm cá nhân của tôi, không mở ra trong tôi một cách tiếp cận mới với hiện thực, không làm bùng cháy một điều gì đang còn ẩn sâu trong đáy tiềm thức khiến tôi phải choàng thức chợt nhận ra một vỉa sáng tạo mới vừa thoáng xuất hiện. Hai cuốn sách trên, một cuốn do bạn cho mượn, một cuốn tình cờ mua được ở nhà sách vì cái tên của một tác giả tôi vốn quan tâm. Tôi đọc say mê cả hai cuốn như thời trẻ được đọc một cuốn tiểu thuyết hay, tất nhiên là khó đọc hơn tiểu thuyết nhưng đã thích lại có trải nghiệm bản thân hướng dẫn, không hiểu được đầy đủ thì cũng hiểu được cái đại thể. Nhiều ý của bài viết này là được cảm hứng từ hai tác giả đó.

Năm tôi 60 tuổi, khi viết về một bà cô đã ngoài tám chục mà còn rất minh mẫn trong cách đối nhân xử thế, bà vẫn giữ được tính cách riêng mà không làm mất lòng một ai, từ con cháu trong nhà đến các mối quan hệ ngoài xã hội. Tôi đã viết nếu bà cụ được trời cho chứng sống đến trăm tuổi mà vẫn còn sáng suốt ắt hẳn bà sẽ biết mọi bí mật của then máy tạo hoá. Thật ra là tôi nói về tôi đấy, có hơi bốc đồng nhưng tôi tin là tôi sẽ biết được con người nhiều hơn nếu tôi được sống lâu hơn, không cần trăm tuổi, chỉ cần 90 là đủ, miễn là vẫn giữ được một cái đầu bén nhạy như bây giờ, sẵn sàng tiếp nhận mọi sự khác lạ như bây giờ, kể cả sự phủ định chính mình. Năm ấy tôi đã hiểu ra mọi sự rút gọn ở đời đều trái tự nhiên, đều dẫn đến thất bại.

Các cuộc cách mạng xã hội ở nước ta trong suốt ba chục năm đều hỏng cả, đều phải làm lại từ đầu, tất nhiên là theo hướng khác, mà kết quả vẫn vừa chậm vừa dây dưa. Nguyên do là các nhà lãnh đạo muốn rút gọn những công việc của trăm năm thành chuyện chỉ làm trong mấy năm. Vì họ chưa hiểu đầy đủ con người Việt Nam trong cuộc sống đời thường, cái cuộc sống không có chiến tranh, không có cách mạng xen vô, cái cuộc sống trôi đi lặng lẽ của muôn đời. Nghĩ rằng người Việt Nam của hôm nay đã khác nhiều với người Việt Nam trước năm 1945 là một cách nghĩ rất thiển cận, tự gây cho mình nhiều ảo tưởng trong việc trù liệu những việc phải làm để kiến tạo một xã hội dân chủ và văn minh. Mọi phong trào thi đua chả có ích lợi gì trong những việc cần nhiều chăm sóc nhẫn nại, bền bỉ, bắt đầu từ các cá nhân chứ không phải từ các đám đông với những khẩu hiệu, cờ quạt, kèn trống, diễn văn và đáp từ, vỗ tay và tặng hoa. Đám đông không thể đứng mãi dưới nắng để nghe lãnh tụ diễn thuyết. Họ luôn mong đợi được giải tán để về nhà. Con người ở nhà vẫn cũ kỹ nhưng là người thật chứ không phải là sự nhập đồng chốc lát khi đứng trong đám đông.

Tôi thật lòng yêu mến, ngưỡng mộ Fidel, một nhà yêu nước kiên cường, một nhân vật đã thuộc về lịch sử của Cuba. Ông là một trí thức lớn, bạn tâm giao của Marquez, nghe nói trong túi lúc nào cũng có một cuốn tiểu thuyết đang đọc dở. Bởi vậy tôi mới lấy làm lạ khi ông buộc dân chúng phải đứng hàng nửa ngày dưới nắng để nghe ông cao đàm khoát luận về đủ mọi vấn đề. Lúc cách mạng mới thành công nói dài thế vì người dân còn đang háo hức với cuộc sống mới và các ngôn từ cách mạng cũng rất mới. Như một cặp tình nhân đang yêu nhau, đang cần nhau, nói với nhau đủ thứ chuyện vớ vẩn nhưng chả ai thấy thời gian là dài. Còn đã thành vợ thành chồng thì chỉ cần nói ít thôi, chỉ nói những việc cần làm thôi, chứ cần gì những thuyết lý dông dài.

Mao Trạch Đông cũng thế, ông là một nhà chính trị thông kim bác cổ, quanh nơi ông làm việc và cả nơi ông nghỉ ngơi sách đang đọc xếp từng chồng, nhưng xem ra cũng chả hiểu đồng bào ông bao nhiêu. Người dân ở đâu cũng thế, đều muốn có một cuộc sống bình yên, được tính việc cá nhân và gia đình trong một khoảng thời gian dài, một trăm năm chẳng hạn, không có những thay đổi lớn trong lối sống, trong công ăn việc làm, trong các giá trị, đặt biệt là giá trị của đồng tiền. Chứ cứ phải sống mãi từ năm này qua năm khác trong các phong trào cách mạng, lúc chống tả lúc chống hữu, những hội nghị toàn quốc và địa phương nối nhau không dứt, những hô hào la hét từ trong nhà ra ngoài đường như một lũ hoá rồ, các quan hệ xã hội và các giá trị thay đổi soành soạch thì còn biết đằng nào mà sống. Vả lại các cuộc cách mạng ấy chả đem lại bất cứ lợi lộc nào, cho bất cứ giai cấp nào. Chỉ có những mất mát thôi, người giàu thì mất cơ nghiệp được kiến tạo từ nhiều đời, người nghèo thì mất những chỗ dựa cạy, có thể mất cả công việc kiếm sống mỗi ngày để được làm chủ một cái rỗng không. Có thực mới vực được đạo, đã đói ăn thì ngay đến cái tư cách làm người cũng không thế có nói gì đến đạo. Thành thử cái chủ trương rất quyến rũ, rất “văn nghệ”, nhất là với giới tri thức, của chủ nghĩa Mác “cải tạo thế giới, cải tạo con người” hoá ra chuyện không đâu, nói cho vui, bây giờ người ta cũng hay nhắc đến để chế giễu một học thuyết xã hội chứa đầy những hoang tưởng.

No comments:

Post a Comment