Thursday, January 10, 2013

Ði tim cái tôi đã mất (5 - 6)

Nguyen Khai

5.
Một đất nước bị xâm lược, rồi bị nô dịch, dân chúng thành nô lệ không được pháp luật che chở, làm người cũng khó nói gì tới ý thức cá nhân trong mỗi con người. Ý thức cá nhân là ý thức về cái riêng biệt của mình, về cái có thể cống hiến của mình cho cộng đồng không giống với một ai do có một cách cảm nhận riêng, một cách suy nghĩ riêng, từ đó… Những cái giá trị cá nhân chỉ được nhìn nhận, được tôn vinh ở những xã hội tương đối tự do, các mối quan hệ giữa người với người tương đối tốt đẹp. Ở xã hội tư bản mà chúng ta vốn có thành kiến là rất xấu xa lại thường hay cho những tiếng kêu cứu, bảo vệ những giá trị truyền thống của cá nhân, vì đồng tiền đang làm mất phẩm giá của con người, phá vỡ nền tảng đạo đức, làm rối loạn các mối quan hệ xã hội.

Con người được sống no đủ, trong tiện nghi mà vẫn đối địch với nó, muốn thoát ly khỏi nó vì không được thoả mãn những nhu cầu về tinh thần. Ta hay lấy những chuyện đó để làm chứng một cách hả hê cho sự tha hoá của con người sống dưới chế độ tư bản. Vậy các công dân của chế độ xã hội chủ nghĩa thì sao ? Chả có ai kêu ca gì. Nhà văn là người có trách nhiệm chăm lo cuộc sống tinh thần của đồng loại cũng không kêu. Có một nhà văn Nga [Vladimir Dudinzev / Владимир Дудинцев - chú thích của Diễn Đàn] viết cuốn sách Người ta không chỉ sống bằng bánh mì [Не хлебом единым - chú thích của Diễn Đàn] bị cả giới văn nghệ Liên Xô phê phán. Ông đã viết sai vì các nước xã hội chủ nghĩa rất coi trọng cuộc sống tinh thần của các công dân. Họ đọc sách rất nhiều, trên xe điện, xe buýt, trong công viên, đứng xếp hàng từng dãy dài mua thực phẩm, mua vé xem vũ kịch, nghe âm nhạc họ đều mở sách đọc rất chăm chú, tưởng đâu như cuộc sống đích thực của họ là ở các trang sách. Chỉ có những giây phút chìm đắm trong sự đọc họ mới có cơ hội ngẫm nghĩ về thân phận của mình, của đồng loại, tìm lại cái bản gốc cá nhận đang lưu lạc ở một góc khuất nào đó của riêng mình. Rời khỏi trang sách là rơi ngay vào vòng quay của trăm ngàn công việc chả có nghĩa lý gì ngoài sự mưu sinh để tồn tại.

Những ngày nghỉ, những giờ tạm gọi là rảnh rỗi họ cũng không được ngồi một mình, ngẫm nghĩ một mình, có bao nhiêu buổi lễ kỷ niệm lớn nhỏ, những phong trao cam kết thi đua và vô vàn cuộc họp của ngành của giới đã choán hết phần thời gian còn sót lại… Cuộc sống tập thể đã nhấn chìm cuộc sống cá nhân, cuộc sống trong chiến tranh đã xoá nhoà mọi thói quen của cuộc sống thời bình. Lúc nào cũng có kẻ thù rình rập đâu đó để tìm cớ lật đổ chế dộ bằng vũ trang, hay bằng diễn biến hoà bình. Lúc nào cũng được đồng chí trong chi bộ, bàn bè cơ quan giám sát mọi tư tưởng và hành vi để ngăn chặn mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân của mỗi thành viên. Lúc nào cũng phải đề phòng, phải đề cao cảnh giác cách mạng, không tin cậy bất cứ ai, kể cả bạn bè. Chỉ có một điều lạ, là trong hoàn cảnh sống không có một tí tự do nào cho cá nhân mà chúng tôi vẫn sống được, lại còn viết văn làm thơ được !

6.
Suốt 80 năm sống dưới ách đô hộ của Pháp, chúng ta vẫn đặt được những viên gạch đầu tiên cho nền văn xuôi Việt Nam. Những truyện ngắn, tiểu thuyết, phóng sự, tuỳ bút của thời ấy được in trên các tuần báo hoặc xuất bản thành sách nay đọc lại vẫn thích thú, vẫn làm ta cảm động. Nhiều truyện được đọc từ tuổi niên thiếu vẫn ám ảnh ta tới tận lúc tuổi già, và một loạt các nhà thơ, nhà phê bình văn học của cái thời gọi là thuộc địa đã trở thành những tên tuổi lớn tồn tại mãi mãi trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc. Làm thân nô lệ mà vẫn trỗi lên thành những tài năng lớn là sao ? Không chỉ trong văn chương mà còn cả trong mỹ thuật, trong kịch nghệ. Không chỉ trong văn nghệ mà trong cả khoa học, giáo dục, trong kinh doanh theo kiểu tư bản và trong nhiều nghề truyền thống.

Tất cả đều được bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ, được phát sáng, được bộc lộ mạnh mẽ các tài năng cá nhân và họ đã trở thành người khai sáng, người mở đường, thành tổ nghề, không chỉ có tài lớn mà còn có đức lớn, là những nhân cách kiểu mẫu cho con cháu, cho giống nòi, đều là chuyện có thật cả, không thể bóp méo hoặc bác bỏ. Mà giải thích về nó cũng rất đơn giản. Chế độ tư bản của Pháp và Châu Âu tiến bộ hơn, văn minh hơn chế độ phong kiến tập quyền của Châu Á tới vài thế kỷ, là khoảng cách giữa hai thời đại, nói như cụ Phan Chu Trinh. Thời Pháp thuộc bọn thực dân chỉ cấm, bỏ tù, xử bắn những người dám chống đối nó, trước hết là những người cộng sản. Cuộc sống của dân chúng vẫn lầm than như thời xưa, như thời phong kiến, khổ nhất vẫn là nông dân, nhưng xã hội có thêm nhiều nghề mới do công cuộc khai thác tài nguyên ở thuộc địa, hình thành dần nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, có đô thị và các trung tâm buôn bán, có các đường lớn xuyên quốc gia và liên tỉnh, có cầu cống và đường sắt, có báo hàng ngày, có tuần báo và tạp chí.

Tiếng nói của công chúng sau nhiều thế kỷ câm bặt đã được cất lên bày tỏ thân phận và nguyện vọng của mình, dẫu còn yếu ớt nhưng đã gây được tiếng vang trong cả nước. Dầu xã hội phát triển một cách nhem nhuốc, đau đớn nhưng vẫn hơn cái thời tù mù, tối tăm của thời phong kiến. Thời thế là vị tư lệnh tối cao, không có học thuyết nào, một thiên tài chính trị nào dám chống lại những mệnh lệnh của nó. Dám chống lại nó học thuyết sẽ tiêu tan, các chính khách thì thân bại danh liệt. Chế độ thực dân tuy tàn bạo nhưng nó là sản phẩm của thời đại này nên nó vẫn có khả năng ươm cấy nhiều nhân tố tích cực, có giá trị bền vững cho những xứ sở nó đô hộ. Còn những vương triều phong kiến dẫu được cai trị bởi các bậc minh quân thánh trí vẫn là những xã hội hủ lậu và thuộc về quá khứ. Tài giỏi như Khang Hy, Càn Long nếu còn trị vì Trung Quốc tới cuối thế kỷ 19 mà không chịu thay đổi thể chế đã quá cũ kỹ thì vẫn cứ thua, có khi còn thảm bại hơn vì lòng kiêu hãnh bệnh tật của họ.

Cách tổ chức xã hội của giai cấp tư sản dẫu có xấu xa tới tận đâu cũng vẫn tạo được những môi trường tự do và dân chủ hơn, mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển tài năng của mọi cá nhân và của cả cộng động. Lại lấy thêm một ví dụ về nước Nga trong non một thế kỷ qua. Dưới chế độ Xô Viết, người dân Nga được nhà nước chăm lo hoàn toàn từ khi sinh đến khi chết, nhưng họ vẫn không thích, vẫn thấy ngột ngạt vì đó là cuộc sống không phải lo nghĩ của một trại tập trung, con người bị đánh số, bị xếp theo khuôn, theo hàng, chỉ nhìn thấy đám đông chứ không thể nhìn ra từng con người riêng biệt, kể cả trong triết học và văn chương. Còn thời bây giờ là một xã hội mạnh ai nấy lo, người người lấn chen nhau, tranh cướp nhau vì những tham vọng không được kìm nén, kỷ cương cũ bị xoá bỏ, kỷ cương mới chưa kịp hình thành, mọi sự đều phải làm lại từ đầu từ quốc kỳ, quốc ca, quân kỳ… Nhưng xem ra chả có mấy ai than thở về hiện trạng hỗn loại, họ cảm thấy thoải mái, bằng lòng với cuộc sống đầy bất trắc của hiện tại vì lần đầu tiên họ được lựa chọn cách sống của mình, thắng thua tự mình gánh chịu, cũng là lần đầu họ biết nhận ra cái “ bản lai diện mục” của chính họ.

No comments:

Post a Comment