TS Phạm Văn Thanh, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam
Lương giáo viên có đủ sống?
Sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội, cô giáo M.T về dạy học ở một trường THCS nội thành Hà Nội từ năm học 2009 – 2010. Sau năm năm dạy học, hiện cô M.T được hưởng lương hệ số 2,72. Ngoài ra cô được hưởng phụ cấp đứng lớp 30%. Sau khi trừ các loại bảo hiểm và phí, cô có mức thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng/ tháng. Cô M.T chia sẻ: “Đồng lương ấy đương nhiên không đủ sống. Số tiền đó vừa đủ chi vào khoản gửi con, mà đấy là do tôi chỉ dám cho con học ở một trường tư nhỏ gần nhà nên học phí khá rẻ. Chồng tôi cũng là công chức nhà nước nên cũng chỉ có lương. May mà tôi còn có thể dạy thêm để có thể trang trải tiền sinh hoạt hàng tháng. Một cái may nữa là chúng tôi ở chung với bố mẹ, không phải thuê nhà”.
Do đã có 19 năm đi làm nên cuộc sống của cô giáo V.T.N ở Quán Toan, Hải Phòng cũng đỡ chật vật hơn. Cũng tốt nghiệp ĐH rồi dạy THCS nên lương của cô V.T.N cao hơn đồng nghiệp một bậc. Hiện cô hưởng lương bậc 7 (hệ số 4,32). Kể cả 30% phụ cấp đứng lớp và 17% phụ cấp thâm niên (hai năm tập sự không được tính thâm niên), hiện tại thu nhập từ lương và các khoản có tính chất lương của cô V.T.N là hơn 6 triệu đồng/ tháng. “Chỗ tôi ở là khu vực ngoại thành nên giá cả sinh hoạt cũng dễ chịu, chỉ tốn nhất là tiền đi học thêm của hai đứa con. Để có tiền trích ra trả nợ tiền mua đất và xây một ngôi nhà nho nhỏ từ lúc mới lập gia đình, đương nhiên tôi phải đi dạy thêm, nhưng hiện vẫn chưa xong nợ”.
Theo một cán bộ Cục Nhà giáo & Cán bộ Quản lý Giáo dục thì lương và các phụ cấp theo lương chỉ được xem là đủ sống với một bộ phận giáo viên. “Với giáo viên mới ra trường thì đúng là không đủ sống. Với những người có 15 năm công tác thì mức thu nhập từ lương và các khoản có tính chất lương sẽ khoảng gần 6 triệu đồng, ở vùng có phụ cấp thu hút thì còn cao hơn. Nhưng cái khiến dư luận bức xúc là lương giáo viên còn chưa cao so với nhiều công chức, viên chức ngành nghề khác dù cùng hưởng lương ngân sách, và đặc biệt là còn quá thấp so với mức sống ở thành phố”, vị cán bộ này nhận xét.
“Lương giáo viên đủ sống” là một mong muốn mà ông Nguyễn Thiện Nhân từng bày tỏ khi mới là tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ngày 17-11-2006, trong buổi gặp gỡ những nhà giáo vừa được phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân và một số giáo sư vừa mới được công nhận chức danh, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết Bộ GD&ĐT sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010 nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình. Nhưng rồi kế hoạch xây dựng đề án cải cách tiền lương của Bộ GD-ĐT nhanh chóng bị phá sản, thay vào đó là đề xuất khôi phục phụ cấp thâm niên cho nhà giáo. Tuy nhiên, cũng trầy trà trầy trật đến tháng 7/2011 nghị định 54 về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo được ban hành. Nhờ vậy mà cô giáo V.T.N như đã kể ở trên mới có thêm 17% lương (mỗi năm sẽ tăng thêm 1%) bổ sung vào thu nhập.
Nhọc nhằn khôi phục phụ cấp thâm niên
Theo nhiều chuyên gia thì phụ cấp thâm niên từng là một chính sách cứu nguy cho hệ thống giáo dục phổ thông những năm 1980s, trước hiện tượng hàng loạt giáo viên bỏ nghề. “Theo nghị định số 235-HĐBT mà Hội đồng Bộ trưởng ban hành tháng 9/1985, thang lương giáo viên tốt nghiệp ĐH ngang với thang lương kỹ sư, và đặc biệt nhà giáo được hưởng phụ cấp thâm niên nghề nghiệp. Mỗi nhà giáo dạy đủ 60 tháng được hưởng 5% lương và sau đó cứ mỗi năm có thêm 1% lương cho đến 20% hoặc 25% đối với giáo viên dạy giỏi. Khi về nghỉ hưu, phụ cấp thâm niên của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tính để làm cơ sở tính lương hưu cho họ”, ông Nguyễn Hữu Diễn, nguyên Q.Cục trưởng Cục Nhà giáo & Cán bộ quản lý giáo dục cho biết. Tuy nhiên, từ năm 1988 chính sách này mới thực thi và giáo giới cũng chỉ được chính sách phụ cấp thâm niên đến tháng 11/1995.
Sau khi bị cắt phụ cấp thâm niên, trong dư luận giáo giới có nhiều tiếng nói bất bình. Vì vậy, mỗi khi có cơ hội, ngành GD-ĐT đều kiên trì đề xuất khôi phục trở lại phụ cấp thâm niên cho nhà giáo nhưng bất thành. Đến thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, vấn đề thu nhập của giáo viên lại tiếp tục được khuấy lên. Sau đó Bộ GD-ĐT tiến hành soạn thảo đề án đổi mới cơ chế tài chính GD-ĐT. Trong quá trình tiếp thu ý kiến đóng góp của giáo viên, cán bộ quản lý trong toàn ngành, ban soạn thảo đã đưa nội dung thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên vào dự thảo đề án. Chính phủ đã trình Quốc hội đề án này và được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 35 ngày 19/6/2009. Sau đó, Quốc hội tiếp tục thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, với quy định Nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.
Ngay sau đó Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo nghị định về phụ cấp thâm niên với nhà giáo. Trả lời phỏng vấn chúng tôi dịp chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm 2010, ông Trần Kim Tự, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ GD-ĐT phấn khởi thông báo: “Chúng tôi đang khẩn trương hoàn tất hồ sơ để hết tuần này có thể trình Chính phủ dự thảo Nghị định. Theo đó, chế độ phụ cấp thâm niên được tính hưởng kể từ ngày 1/1/2011”.
Nhưng diễn biến không nhanh như Bộ GD-ĐT tưởng. Tháng 7/2011 Nghị định 54 mới được ban hành. Gần nửa năm sau mới có thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện nghị định 54. Một cán bộ quản lý cấp Cục/ Vụ của Bộ GD-ĐT và là thành viên tham gia soạn thảo dự thảo nghị định 54 nhớ lại: “Giáo viên ở các địa phương thì sốt ruột, cứ giục Bộ GD-ĐT nhưng Bộ thì vẫn phải chờ ý kiến phản hồi từ các bộ, ngành liên quan. Có khi dự thảo gửi đi cả tháng mà họ vẫn không trả lời, chúng tôi vẫn phải chờ. Hoặc khi trả lời thì yêu cầu phải sửa chữ này chữ kia, chúng tôi lại sửa, lại gửi đi, lại chờ…”.
Không chỉ chờ đợi mà Bộ GD-ĐT còn phải chấp nhận “hy sinh” một chút so với nội dung dự thảo ban đầu để nghị định được ban hành. Thoạt tiên, ngành GD-ĐT đề xuất tất cả nhà giáo, bao gồm cả cán bộ quản lý (nhưng đã có thời gian dài đứng lớp) cũng được hưởng phụ cấp thâm niên. Về sau, đành “nhượng bộ”, lùi xuống một mức yêu cầu: cho các cán bộ quản lý được hưởng phụ cấp thâm niên khoảng thời gian mà họ đã từng đứng lớp. Nhưng vẫn không được. Lý lẽ của các bộ ngành liên quan: giáo viên là viên chức, cán bộ quản lý là công chức nên không được hưởng phụ cấp ưu đãi dành cho viên chức. Vì thế mà trong một hội nghị về chính sách với nhà giáo, ông Phạm Văn Thanh, Phó Chủ tịch Công đoàn GD Việt Nam phàn nàn: “Thường giáo viên giỏi, có kinh nghiệm mới được điều lên Phòng, lên Sở làm chuyên viên, làm cán bộ quản lý. Nhưng như hiện nay nếu đi thì họ sẽ không còn được hưởng phụ cấp thâm niên, thu nhập giảm đi rõ rệt. Do đó mà có tình trạng điều động giáo viên lên Phòng, lên Sở rất khó khăn, không vì ai muốn về”.
Giáo dục là quốc sách hàng đầu?
Trong một hội thảo về đổi mới giáo dục được tổ chức năm ngoái, GS Hoàng Tụy nhận xét: “Có thể nói chính sách đối với người thầy là một trong những điểm khác biệt cơ bản của giáo dục Việt Nam so với thế giới và là nguyên nhân trực tiếp quan trọng nhất làm tha hóa giáo dục”. Quan điểm này được nhiều chuyên gia giáo dục chia sẻ, vì thế trong bất kỳ một hội thảo chuyên đề về đổi mới giáo dục nào gần đây, vấn đề chính sách đối với giáo viên lại được xới lên.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu được đề cập lần đầu tiên ở đại hội TƯ Đảng lần thứ 7 (năm 1991) và liên tục được nhấn mạnh từ bấy đến nay nhưng giáo dục có thực sự là quốc sách hàng đầu chưa vẫn còn là một câu hỏi. Chính sách cho giáo viên là biểu hiện rõ rệt của cái “chưa hàng đầu” đó.
Trong một đề tài khoa học cấp nhà nước đang trong quá trình nghiệm thu của Quỹ Hòa Bình và Phát triển do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chủ trì, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng chế độ chính sách cho giáo viên hiện nay chưa đáp ứng theo yêu cầu của Đảng. Nhóm nghiên cứu nhận xét: “Vấn đề nổi cộm về tiền lương giáo viên chính ở chỗ những quy định trong Luật GD và Nghị định của Chính phủ đã chưa thể hiện đầy đủ điều khẳng định lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp ghi trong Nghị quyết TƯ 2 khóa 8 (1996)”.
Nhóm nghiên cứu của bà Nguyễn Thị Bình cũng cho rằng, không chỉ có khoảng cách khá xa giữa các quy định của Chính phủ và chủ trương của Đảng về tiền lương giáo viên mà ngay cả trong hệ thống quy định về tiền lương dành cho giáo viên phổ thông cũng còn nhiều điều bất hợp lý. Chẳng hạn giáo viên tiểu học có ba ngạch giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp trong khi đó ở bậc THCS không có ngạch giáo viên cao cấp, THPT không có ngạch giáo viên chính. Hoặc trong một ngạch lương có tới 12 bậc mà khoảng cách giữa các bậc lương liền kề quá nhỏ (chỉ bằng 0,2 lương cơ bản) nên mỗi lần lên lương giáo viên chỉ được tăng khoảng 200.000 đồng, đã vậy nhiều giáo viên khi về hưu chưa được hưởng đến bậc cuối cùng của ngạch lương! Một bất hợp lý khác là tình trạng “cào bằng” về lương giữa giáo viên ba cấp học mặc dù trình độ đào tạo là khác nhau.
Trong mội hội nghị tham vấn các chuyên gia về dự thảo một báo cáo khảo sát của Quốc hội gần đây, GS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ: “Tôi không hoàn toàn đồng tình với nhận định “GD&ĐT luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và chăm lo”. Nói cho đúng, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là một trong những nguyên nhân quan trọng đem lại thành tựu giáo dục. Nhưng sự chăm lo của BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban bí thư và các cấp uỷ Đảng, các cấp chính quyền cho giáo dục chưa xứng với vị trí “quốc sách hàng đầu” của lĩnh vực này”. TS Vũ Văn Dụ, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo viên, Bộ GD-ĐT khi phân tích về các chính sách dành cho nhà giáo đã đặt câu hỏi: “Kể từ khi chúng ta nói giáo dục là quốc sách hàng đầu đến nay đã qua mấy đời bộ trưởng mà vẫn chưa thực hiện được. Quốc sách hàng đầu ấy hiện nay ở đâu và đời bộ trưởng nào sẽ được nhìn thấy nó?”.
“Đối với giáo dục phổ thông, thang, bậc, lương của nhà giáo chưa phải hoàn toàn là một trong những thang, bậc lương cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp. Ví dụ: Khung lương giáo viên tiểu học được xếp 12 bâvj lương và vượt khung 5%, 7%, 9%, 11% thấp hơn bậc lương 24 chức danh cùng viên chức loại B. Hoặc giáo viên THPT được xếp 9 bậc và vượt khung 5%, 8%, trong 53 chức danh cùng được xếp chung thì không cao hơn bậc lương của chức danh cùng loại nào. Ngạch lương của gáio viên trung học cao cấp được xếp 8 bậc lương và vượt khung 5%, 8%, 11%, có 18 chức danh cùng được xếp chung, thấp hơn bậc lương của 28 chức danh cùng loại công chức, viên chức A2”.
Thư Hiên
Nguồn: Tuổi Trẻ Cuối Tuần, đang lại bơi: http://hocthenao.vn/2013/08/26/tran-ai-luong-giao-vien-thu-hien/
No comments:
Post a Comment