Đỗ Ngọc Thống
(Trích tham luận của PGS TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học, Bộ GD&ĐT tại hội thảo khoa học quốc gia môn Ngữ Văn được tổ chức tại Huế tháng 1/2013. Chúng tôi chọn đoạn trích nói về định hướng phát triển chương trình giáo dục phổ thông nói chung sau 2015).
Xây dựng và phát triển CT môn Ngữ văn, không thể không dựa vào những định hướng lớn của chương trình GDPT nói chung. Dự thảo Đề án Phát triển chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam sau 2015, bước đầu đã nêu lên 07 định hướng sau:
1. Phát triển năng lực người học
a) Chương trình được xây dựng hướng tới phát triển những năng lực chung mà mọi học sinh đều cần để có thể tham gia hiệu quả nhiều loại hoạt động trong đời sống xã hội và cho học suốt đời (ví dụ năng lực nhận thức, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực hợp tác, năng lực tự học v.v…). Đồng thời hướng tới phát triển những năng lực chuyên biệt, liên quan đến một môn học hoặc một lĩnh vực hoạt động cụ thể phù hợp với khuynh hướng nghề nghiệp tương lai mỗi cá nhân (ví dụ năng lực cảm thụ văn học, năng lực diễn kịch v.v…). Chú trọng xây dựng các mức độ khác nhau của cả năng lực chung, năng lực chuyên biệt ở từng cấp học, môn học.
b) Khi xây dựng chương trình (xác định phạm vi và cấu trúc nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, phương pháp đánh giá kết quả giáo dục) và biên soạn sách giáo khoa đều phải xuất phát, đều phải hướng tới phát triển các năng lực chung và năng lực cá nhân cho học sinh.
2. Điều chỉnh cân đối “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp
Chương trình, SGK phải tạo điều kiện cho học sinh được phát triển cả thể chất và tinh thần, được phát triển toàn diện các mặt giáo dục đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và lao động, hướng nghiệp, từ đó dần hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy cần thực hiện cân đối dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp để “nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kĩ năng thực hành, tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội”[1].
3. Nội dung giáo dục được xây dựng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế
a) Lựa chọn nội dung giáo dục là những tri thức cơ bản của nhân loại, những thành tựu khoa học công nghệ và những giá trị lịch sử, tinh hoa văn hóa dân tộc phải đảm bảo vừa hội nhập quốc tế, vừa gắn kết với thực tiễn nước ta trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nội dung được thiết kế theo hướng giảm tính hàn lâm, tăng tính thực hành và ứng dụng vào giải quyết các vấn đề trong thực tiễn để tạo điều kiện phát triển các năng lực chung, năng lực riêng biệt cho HS; dung lượng học tập phải phù hợp với thời lượng học tập.
b) Chú trọng giáo dục những giá trị nhân bản, phổ quát của dân tộc và nhân loại cho học sinh thông qua việc tăng cường các hoạt động giáo dục và hoạt động xã hội. Cải tiến nội dung giáo dục đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục thể chất và giáo dục thẩm mĩ theo hướng coi trọng tính trung thực, tự chủ, ý thức trách nhiệm và phát huy nội lực cá nhân học sinh.
4. Chương trình, sách giáo khoa được cấu trúc như một chỉnh thể, linh hoạt và thống nhất trong đa dạng
a) Chương trình giáo dục phổ thông đảm bảo vừa tiếp nối từ chương trình giáo dục mầm non, vừa tạo nền tảng cho sự phát triển chương trình giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Đồng thời đảm bảo liên thông giữa các cấp học, lớp học, giữa các môn học và trong mỗi môn học, mỗi hoạt động giáo dục.
b) Chương trình, SGK được xây dựng là một chỉnh thể nhất quán từ lớp 1 đến lớp 12, từ cấp học đến các môn học nhằm đảm bảo tính thống nhất và hệ thống. Chương trình được thiết kế theo hai giai đoạn, giáo dục cơ bản (tiểu học, THCS) mang tính phổ cập và sau giáo dục cơ bản (THPT) mang tính định hướng nghề nghiệp.
c) Chương trình, SGK được xây dựng theo hướng tích hợp cao ở các lớp dưới, phân hóa rõ dần từ tiểu học đến THCS và sâu hơn ở THPT. Giảm số lượng môn học bắt buộc trong mỗi cấp học, lớp học và tăng các môn học, các chủ đề tự chọn đáp ứng nhu cầu, năng khiếu và định hướng nghề nghiệp của học sinh.
d) Kế hoạch giáo dục và cấu trúc nội dung được thiết kế với thời lượng: Cấp tiểu học là 2 buổi ngày và hướng dẫn vận dụng cho những cơ sở giáo dục chỉ có điều kiện dạy 1 buổi ngày; Cấp THCS, THPT là 1 buổi ngày và hướng dẫn vận dụng cho những cơ sở giáo dục có điều kiện dạy 2 buổi ngày.
e) Trên cơ sở chương trình chung quốc gia, địa phương được quyền điều chỉnh và bổ sung một phần nội dung, lập kế hoạch dạy học chi tiết và vận dụng những phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với nhu cầu, điều kiện cụ thể của mình.
5. Đẩy mạnh đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục nhằm phát triển năng lực cho học sinh
a) Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ các phương pháp giáo dục phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh như giải quyết vấn đề, dạy học kiến tạo, dạy học khám phá, dạy học theo dự án,…; chú trọng bồi dưỡng phương pháp tự học, chiến lược học tập, khả năng hợp tác, kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn,… nhằm hình thành và phát triển các năng lực chung, năng lực chuyên biệt cho học sinh.
b) Đa dạng hóa các hình thức tổ chức giáo dục trong và ngoài lớp học, trong và ngoài nhà trường; cân đối giữa dạy học và hoạt động giáo dục, giữa hoạt động tập thể, nhóm nhỏ và cá nhân, giữa dạy học bắt buộc và dạy học tự chọn,… để đảm bảo vừa phát triển các năng lực cá nhân, vừa nâng cao chất lượng giáo dục cho mọi học sinh.
Chú trọng các hình thức tổ chức giáo dục như tập dượt nghiên cứu khoa học, giao lưu và trao đổi học thuật, sinh hoạt câu lạc bộ “thắp sáng tài năng”,… cho đối tượng học sinh năng khiếu để phát triển những năng khiếu đặc biệt đó và góp phần phát hiện, bồi dưỡng tài năng tương lai. Ở những nơi có điều kiện, tổ chức dạy học và hoạt động GD theo lớp học hoà nhập cho đối tượng HS thiệt thòi để đảm bảo quyền được đi học và học tập có chất lượng cho mọi trẻ em.
c) Tăng cường, nâng cao hiệu quả của các phương tiện dạy học, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học. Tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận các nguồn học liệu mở, khai thác thông tin trong môi trường công nghệ thông tin và truyền thông phong phú, đa dạng để xây dựng các chủ đề học tập theo sở thích, phát triển năng lực tự học theo tốc độ, cách học cá nhân.
6. Đổi mới đánh giá kết quả giáo dục theo hướng đánh giá năng lực
a) Đánh giá kết quả giáo dục nhằm: cung cấp thông tin chính xác, khách quan để điều chỉnh hoạt động dạy và học nâng cao dần năng lực cho học sinh; xác định năng lực của HS dựa theo chuẩn cấp học, chuẩn môn học thống nhất trên toàn quốc.
b) Để đánh giá đúng năng lực HS ở mỗi lớp học và sau cấp học cần phải:
- Thực hiện đa dạng các phương pháp như quan sát, vấn đáp, kiểm tra trên giấy, trình diễn, dự án học tập, hồ sơ HS,…; phối hợp chặt chẽ nhiều hình thức như đánh giá chẩn đoán, quá trình và tổng kết, đánh giá của GV và tự đánh giá của HS, đánh giá của nhà trường, gia đình, cộng đồng và xã hội.
- Sử dụng đa dạng công cụ đánh giá như câu hỏi phát vấn, đề kiểm tra, bài luận, bài tập lớn, báo cáo thực hành, dự án học tập, mẫu biểu quan sát, tự đánh giá,… đảm bảo đo lường phổ năng lực từ thấp đến cao trong tình huống thực tiễn. Chú trọng phát triển các kỹ thuật đánh giá như thiết kế đề kiểm tra theo chuẩn năng lực, nhận xét định tính, xử lý định lượng, phản hồi điểm mạnh, điểm yếu,…
- Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp cấp THPT theo hướng kết hợp cả kết quả đánh giá môn học với kết quả thi, kết quả đánh giá quá trình với đánh giá tổng kết.
c) Thực hiện định kỳ đánh giá quốc gia để đánh giá chất lượng giáo dục mỗi cơ sở giáo dục, từng địa phương và cả nước. Tham gia một số đánh giá quốc tế nhằm xác định mặt bằng chất lượng giáo dục quốc gia so với khu vực và trên thế giới, làm căn cứ đề xuất chính sách nâng cao chất lượng giáo dục quốc gia.
d) Đảm bảo kết quả đánh giá ở nhà trường phổ thông toàn diện, tin cậy nhằm tạo cơ sở đổi mới kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học.
7. Xây dựng một chương trình, biên soạn một số bộ sách giáo khoa và các tài liệu hỗ trợ dạy học
a) Bộ GD&ĐT tổ chức xây dựng, thẩm định và ban hành một chương trình quốc gia được sử dụng thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông. Các tổ chức, cá nhân có thể tổ chức biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa hoặc một số quyển sách giáo khoa theo chương trình quốc gia. Bộ GD&ĐT sẽ xem xét, phê duyệt cho phép thử nghiệm và thẩm định, phê duyệt cho phép phát hành để sử dụng trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông.
b) Phát triển nhiều loại tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình, hỗ trợ dạy và học để đáp ứng sự đa dạng vùng miền, nhu cầu các đối tượng học sinh. Đặc biệt chú trọng các tài liệu hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số, học sinh sống ở các vùng khó khăn.
c) Địa phương được quyền xây dựng các tài liệu hỗ trợ dạy và học phù hợp với đặc điểm người học và đặc thù riêng địa phương. Các tài liệu này cần được thẩm định bởi Hội đồng thẩm định cấp địa phương và được Bộ GD&ĐT phê duyệt.
[1] Đảng cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, tr. 216.
Nguon: http://hocthenao.vn/2013/08/19/dinh-huong-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-viet-nam-sau-2015-do-ngoc-thong/
Nguon: http://hocthenao.vn/2013/08/19/dinh-huong-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-viet-nam-sau-2015-do-ngoc-thong/
No comments:
Post a Comment