IV - LUÂN THƯỜNG CỦA KHỔNG
TỬ.
Khổng giáo thật ra không phải
là một tôn giáo theo đúng nghĩa của chữ. Đối
với các nhà tư tưởng học, Khổng giáo chỉ
là một triết lý sống, và trong triết lý đó, phần
đạo đức là phần được chú trọng
tới nhiều nhất. Triết lý của Khổng Tử
là triết lý về cuộc sống của con người,
cuộc sống thực tế ở trên thế gian nầy.
Những vấn đến siêu hình, thượng đế,
linh hồn…ít khi được đặt ra. Con người
từ đâu đến, hoặc sau khi chết, con người
sẽ đi về đâu cũng không được bàn đến,
chỉ cuộc sống hiện tại, cuộc sống
ngay bây giờ của con người ở trên thế giới
này mới được nói đến một cách có hệ
thống. Đó là đối tượng chính trong triết
học của Khổng giáo.
Trong cuộc sống hiện tại,
không phải tất cả mọi vấn đề quan trọng
của cuộc sống con người đều được
Khổng Tử bàn đến. Khổng Tử chỉ chú trọng
nhiều vào khía cạnh bổn phận mà thôi, nhất là bổn
phận của kẻ dưới đối với người
trên như bề tôi đối với vua, con cái đối
với cha mẹ, hay vợ đối với chồng chẳng
hạn. Người trên cũng có bổn phận của người
trên, nhưng những bổn phận đó xét kỹ không có
gì nặng nề như bổn phận khá khắt khe những
người ở dưới. Quyền làm người cũng
như quyền của cá nhân không thấy nói được
nói đến. Đối với Khổng Tử, nếu người
trên nghĩ đến cái lợi cho mình thì kẻ dưới
cũng chỉ nghĩ đến cái lợi mà thôi, và nếu
mọi người đều nghĩ đến cái lợi
của riêng mình thì xã hội sẽ suy đồi, hư hỏng
hết. Do vậy, Khổng Tử chỉ nói đến bổn
phận mà thôi. Ngài bảo “phóng lợi nhi hành đa oán.” có
nghĩa là kẻ nào chỉ làm lợi thì ắt sinh ra oán thù.
Quân tử và tiểu nhân khác nhau ở hành vi vị lợi
hay vị nghĩa. Khổng Tử bảo: “Quân tử dụ
ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi.” Người
quân tử chỉ lo làm việc nghĩa trong khi kẻ tiểu
nhân chỉ nhắm vào những việc làm có lợi mà thôi.
Lợi ở đây là lợi cho cá nhân, cho bản thân mình. Bổn
phận của con người, trong hệ thống luân lý của
Khổng giáo, đựơc thu gọn vào hai chữ LUÂN THƯỜNG.
Luân là mối liên hệ giữa
người và người. Sống ở đời là sống
cùng người khác chứ không thể sống một mình được. Khi sinh
ra đời, ta đã có cha mẹ, đã có một gia đình,
đã phải sống trong một
cộng đồng, một xã hội loài người. Chúng
ta chỉ có thể hiện hữu trong gia đình và trong xã
hội đã có sẵn đó. Sống với người
khác ở xung quanh tất nhiên phải có mối quan hệ với
những người khác đó, từ những người
trong gia đình đến những người ngoài xã hội.
Trong gia đình ta có mối liên hệ giữa vợ chồng,
và mối liên hệ giữa bạn bè với nhau hoặc giữa
các đồng nghiệp hay các cộng sự viên… Mỗi mối
liên hệ như vậy là một luân, và trong hệ thống
luân lý Khổng Giáo, có tất cả năm mối liên hệ
như vậy, gọi là ngũ luân, kể ra như sau:
Liên hệ vua tôi (quân thần)
Liên hệ cha con (phụ tử)
Liên hệ vợ chồng (phu phụ)
Liên hệ anh em (côn đệ)
Liên hệ bạn bè (bằng hữu)
Trong mỗi mối liên hệ
trên đây nhà nho đặt ra một tiêu chuẩn đạo
đức để hướng dẫn hành động và
tư tưởng của con người làm thế nào để
cho mối liên hệ đó được tốt đẹp.
Chính thật ra, Khổng Tử không nêu ra tiêu chuẩn đó,
nhưng các nhà kho khác đã nêu ra cho nên có sự bất đồng.
Về mối liên hệ vua tôi chẳng hạn, tiêu chuẩn
đạo đức được đặt ra là “quân nghĩa, thần hành” theo sách
Tả Truyện, nhưng tiêu chuẩn đạo đức
đó lại là “quân nhân, thần trung” đối với sách
Lễ vận, trong khi Mạnh Tử thì lại bảo: “quân
thần hữu nghĩa”. Đối với một số
nhà nho khác thì tiêu chuẩn đạo đức trong liên hệ
quân thần là “quân chánh thần trung”. Hiểu một cách rộng
rãi thì trong mối liên hệ giữa
vua và tôi nhà nho đòi hỏi nhà vua phải dùng nhân nghĩa và
sự ngay thẳng đối xử với bề tôi, và bề
tôi phải dùng lòng trung thành và sự tuân hành đối xử
với vua. Tiêu chuẩn đạo đức ở đây
là vua nhân nghĩa chính trực, bề tôi tuân theo mệnh lệnh
và trung thành với vua.
Về mối liên hệ cha
con, thì tiêu chuẩn đặt ra trong hai sách Tả Truyện
và Lễ Vận là “phụ từ tử hiếu”, riêng Mạnh
Tử thì bảo “phụ tử hữu thân”. Đối với
đa số các nhà nho thì phụ từ từ hiếu là tiêu
chuẩn đạo đức tốt nhất cho liên hệ
cha con. Cha mẹ thương con, lo lắng cho con, nuôi nấng
dạy dỗ cho con nên người; con nhớ ơn cha mẹ, hiếu thảo
với cha mẹ, đó là tiêu chuẩn đạo đức
cho mối liên hệ gia đình.
Về mối liên hệ vợ
chồng, sách Lễ Văn ghi “phu nghĩa, phụ kính” nhưng
sách Mạch Tử thì bảo “phu phụ hữu biệt”. Đối
với đa số các nhà nho thì người phụ nữ
không có đời sống riêng tư mà phải tùy thuộc ở
những người khác. Lúc chưa có chồng thì sống
với cha mẹ, cuộc sống lúc này thì phải tùy thuộc
ở cha mẹ. Khi có chồng thì phải theo chồng, cuộc
sống từ đó phải tùy thuộc ở nơi ông chồng.
Khi chồng chết rồi thì sống với con, lúc này thì
cuộc sống lại tùy thuộc ở nơi con. Ba liên hệ
tùy thuộc đó được gọi là tam tùng bao gồm
“tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu, phu tử tùng tử.”
Liên hệ tùy thuộc thứ nhì là xuất giá tùng phu đã
phần nào nói lên bổn phận của người đối
với vợ chồng trong hệ thống luân lý nho giáo. Vợ
phải nghe theo chồng, trinh thuận và trung thành với chồng,
lo lắng phụng sự cho chồng, đó là những bổn
phận mà nhà nho đã vạch ra cho người phụ nữ
khi đã có chồng. Ngược lại, chồng phải
có “nghĩa” đối với vợ. Nghĩa là gì? Là lẽ
phải, là cái gì đúng và tốt thì gọi là nghĩa như
nghĩa cử, nghĩa hiệp, nghĩa khí…Người Mỹ
hay dùng chữ correctness hoặc righteousness để dịch
chữ nghĩa trong hệ thống luân lý của nhà nho. Chồng
phải lấy sự đúng và tốt mà đối xử
với vợ.
Ba liên hệ vua tôi, cha con và vợ
chồng là ba liên hệ quan trọng nhất trong ngũ luân.
Nhà nho còn gọi đó là ba giềng mối chính tức “tam
cương”, trong đạo làm người. Tam cương
là quân thần cương, phụ tử cương và phu
thê cương. Cương là sợi dây chính, sợi dây lớn
làm cái giềng để mắc những sợi dây nhỏ
vào đó làm thành cái lưới. Ông vua được xem như
sợi dây chính đó để các bề tôi và thần dân như
những sợi dây nhỏ mắc vào đó mà làm thành cái lưới.
Quân vi thần cương là vậy. Cũng cùng ý nghĩa đó,
nhà nho bảo phụ vi tử cương và phu vi thê cương.
Hai mối liên hệ còn lại
trong ngũ luân là liên hệ anh em, và liên hệ bạn bè. Về
liên hệ anh em, sách Tả Truyện ghi là “huynh ái, đệ
kính” trong khi sách Lễ Vận thì bảo “huynh lương, đệ
đễ”. Hiểu một cách rộng rãi thì bậc anh chị
phải thương yêu đối xử tốt với các
em, và các em phải thương yêu kính trọng anh chị.
Con người sống ở
trên đời này không thể tránh được những
mối liên hệ mà nho giáo đã nói đến. Đối
với phần đông nếu không nói là hầu hết chúng
ta ai cũng phải có bạn bè hay người quen biết,
và đối với số đông ai cũng phải làm vợ
làm chồng, làm cha làm mẹ. Đóng vai nào thì phải có những
bổn phận trong vai trò đó như thuyết chính danh của
Khổng Tử đã cho thấy. Những tiêu chuẩn đạo
đức của nhà nho đề ra cho các bổn phận đó
được thu gọn vào một số chữ thường
thấy sau đây: nhân, nghĩa, từ, ái, kính, trung, hiếu,
dễ, tín. Những chữ này diễn tả những đặc
tính, những phẩm hạnh cần có ở nơi mỗi
người. Muốn cho những mối liên hệ trong ngũ
luân được tốt đẹp, mỗi người
cần phải làm tròn bổn phận của mình. Muốn làm
tròn những bổn phận đó còn người cần phải
có (hay phải trau dồi) một số những đức
tính nào đó. Số đức tính đó được thu
gọn vào những chữ sau đây: nhân, nghĩa, lể,
trí, tín. Năm chữ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín đó được
nhà nho gọi là ngũ thường. Thường là cái gì phải
có luôn luôn, cái hằng có như cái áo mình mặc ở trong người
hằng ngày vậy. Ngũ thường là năm đức
tính cần phải có luôn luôn ở mỗi người.
Đứng đầu trong năm
đức tính đó là lòng NHÂN. Đây là chữ rất quan
trọng trong triết lý của Khổng Tử.
Nhân là đức tính quan trọng
vào bậc nhất trong số năm đức tính của
ngũ thường là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Chữ
nhân theo phương pháp chiết tự, gồm có chữ nhân
là người và chữ nhị là hai. Ý nghĩa của chữ
nhân là thú tình cảm mà con người phải có để đối
xử với người khác. Tình cảm đó là tình thương
gây ra bởi sự hiểu biết, thông cảm nhau đưa
đến lòng vị tha. Sống ở đời người
ta phải chấp nhận sự hiện hữu cũng như
sự khác biệt của tha nhân. Chấp nhận tha nhân, hiểu
biết tha nhân, thương và đối xử một cách
tốt đẹp, đó là lòng nhân, là đức tính nền
tảng của con người trong sự sống chung với
người khác ở trên đời này. Tuy nhiên, lòng nhân
theo đức Khổng Tử, không giống như tính phiếm
ái hay từ bi bác ái của các triết thuyết tôn giáo khác.
Phiếm ái hay bác ái là yêu thương tất cả mọi
người kể cả kẻ thù của mình, cho nên cái hệ
luận của chủ trương đó là “lấy ân báo oán”
như chúng ta thường nghe nói. Đối với Khổng
Tử nếu mình lấy ân để báo oán thì đối với
người ân mình lấy gì để báo? Nếu kẻ gây
oán cũng được hưởng ân như như kẻ
đã làm ân thì còn đâu sự công bằng. Do đó Khổng
Tử chủ trương: “Dĩ trực báo oán, dĩ đức
báo đức”, tức là lấy sự ngay thẳng chính trực
mà báo oán, và lấy đức báo oán.
Lòng nhân ở trong triết lý
Nho giáo, hiểu theo nghĩa biết người khác, thông cảm
và thương người khác, đưa đến một
luật đạo đức tiêu cực là “Kỷ sở bất
dục vật thi ư nhân” tức là cái gì mình không muốn
thì đừng làm điều đó cho người khác. Tiêu
cực vì nó chỉ khuyên mình “đừng làm” những cái “không
thích” mà thôi. Nó thiếu khía cạnh tích cực là “hãy làm cho
người khác những gì mình thích người khác làm cho
mình.”
Dù là tiêu cực, chủ trương
trên đây cũng cho thấy là mình phải đối xử
với người khác giống như mình đối xử
với chính mình vậy. Đó là lòng nhân. Nó là cái gốc, cái
căn bản trong đạo làm người, cho nên Khổng
Tử mới nói trong sách Trung Dung là “nhân giả, nhân giả”
, tức là đạo nhân là đạo làm người vậy.
Sau đức tính “nhân” là đức
tính “nghĩa”. Nghĩa là đúng, là phải, là tốt. Người
Mỹ hay dùng chữ correctness hay righteusness để dịch
chữ nghĩa. Nó là sự biểu hiện của lòng nhân
trong cuộc sống của con người.Chúng ta thường
nói vợ chồng ăn ở với nhau cho có “nghĩa”, hoặc
ở cho có “nhân nghĩa”, tức là có sự hiểu biết
thương yêu nhau, đối xử với nhau cho đúng,
cho phải lẽ, cho tốt đẹp. Ở trường
hợp vợ chồng, hay anh em, bạn, chữ “nghĩa” còn
bao hàm ý nghĩa “thủy chung”, tức là trước sau như
một, không hề đổi thay lòng dạ. Đối xử
với anh em, bạn bè, vợ hay chồng, lúc nào cũng đúng,
cũng phải lẽ, cũng tốt, lúc giàu có cũng vậy
mà khi nghèo khổ sa cơ thất thế cũng vậy, thì
đó là thủy chung, đó là nghĩa vậy.
Sau chữ nghĩa là chữ lễ.
Lễ bao gồm những luật lệ, những quy tắc
hướng dẫn cử chỉ và hành động của
con người trong mọi trường hợp, làm thế
nào cho phải cho đúng phép, từ những nghi thức cúng
tế, những cung cách xử sự trong triều đình, đến
phép lịch sự xã giao ở ngoài đời. Nói chung là những
phép tắc, những qui luật về hành vi và cử chỉ
và lời nói của con người trong mọi trường
hợp từ trong nhà đến xã hội. Nó cũng là một
hình thức biểu lộ khác của lòng nhân cho nên Khổng
Tử bảo “Khắc kỷ phục lễ vi nhân”, tức
là thắng được cá nhân mình để làm theo đúng
phép tắc luật lệ, đó là nhân vậy.
Trí hiểu một cách nôm na là
bộ óc của con người. Nó là sự hiểu biết,
sự ý thức về chân lý.
Hiểu rộng ra “trí” có thể được xem như đời
sống trí thức (vie intellectuelle) của con người
bao gồm tất cả các chức năng tâm lý như suy
luận, phán đoán, trí tuệ…Trong hệ thống triết
lý của Khổng Tử, chữ trí không những chỉ sự
hiểu biết mà còn có ý nghĩa là khôn khéo, thấu đáo,
hiểu xa biết rộng. Nhờ có đức tính này mà
con người có thể biết được sự thật,
nhận đựơc chân lý, phân biệt đựơc
phải trái tốt xấu, để hướng hành động
của mình đến chỗ tốt đẹp.
Tín là lòng tin. Nói đúng và làm đúng,
giữ đúng lời nói của mình để cho người
để cho người khác tin được ở nơi
mình, đó là chữ tín. Hứa với ai điều gì thì
phải giữ đúng lời hứa đó như vậy về
sau người ta mới có thể tin mình được. Nếu
mình hứa hay nói một điều mà mình lại làm khác hơn
thì làm sao người ta còn có thể tin được nơi
mình. Giữ được chữ tín là điều rất
khó, nhưng người ta phải cố gắng giữ
cho được nó bởi nó vô cùng quan trọng trong cuộc
sống chung của con người trong xã hội này.
Năm đức tính vừa lược
thuật trên đây là năm đức tính mà Khổng Tử
muốn con người phải có để có thể sống
chung với nhau làm cho đời sống cá nhân, gia đinh và
xã hội được tốt đẹp. Muốn cho gia đình
và xã hội được tốt đẹp thì năm mối
liên hệ trong ngũ luân phải được thực hiện
theo đúng tiêu chuẩn đạo đức đề ra,
và muốn thực hiện được những tiêu chuẩn
đạo đức đó, thì mỗi cá nhân phải trau dồi
cho có được năm đức tính cần có của
ngũ thường.
Ý nghĩa của luân thường
trong Khổng giáo là như vậy. Mục đích của luân
thường rất tốt, rất thực tế. Nó nhắm
vào việc làm thế nào để mỗi cá nhân con người
được tốt, để có một gia đình tốt,
và một xã hội loài người tốt. Nhưng tốt
ở đây chỉ có nghĩa là không xấu mà thôi. Nhiều
triết gia cho rằng hệ thống luân lý của Khổng
Tử chỉ chú trọng vào phía tiêu cực mà thôi chứ ít
khi nhìn về phía tích cực.
Nó tiêu cực ở chỗ chỉ
nhắm vào bổn phận chứ không nhắm vào quyền
vào làm người. Nó còn tiêu cực ở chỗ chỉ
khuyên người ta đừng làm những cái xấu nhiều
hơn là khuyên người ta nên làm những cái tốt. Gia đình
và xã hội tốt của Khổng Tử có thể là một
gia đình có lễ nghi, có trật tự, một xã hội
không có chiến tranh và loạn lạc, không có áp bức, không
có tham nhũng, không có xáo trộn nhưng nó mang ý nghĩa
tích cực của một gia đình hạnh phúc, một xã
hội phát triển tiến bộ và hùng mạnh.
Nhưng dù có tiêu cực đi
nữa, đạo lý luân thường của Khổng Tử
vẫn có nhiều giá trị thực tế đối với
cuộc sống hiện tại của con người. Năm
mối liên hệ vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bạn
bè tuy không bao quát được tất cả mọi liên hệ
giữa người và người trên thế gian này nhưng
nó cũng bao gồm được những mối dây liên
hệ chính rất quan trọng
trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Liên hệ vua tôi
có thể hiểu rộng ra để bao gồm cả người
lãnh đạo và người được lãnh đạo,
người chỉ huy và người được chỉ
huy, người ra lệnh và người tuân hành, chủ nhân
và công nhân…Liên hệ cha con thì hiểu là liên hệ giữa
cha mẹ và con cái kể cả dâu rể. Liên hệ bạn bè thì có thể mở
rộng đến những cộng sự viên, những người
lân cận, những người láng giềng, những đồng
nghiệp…Hiểu rộng như vậy thì ngũ luân có thể
bao gồm hầu hết các mối liên hệ giữa người
và người trên cõi đời này. Tiêu chuẩn đạo
đức cho mỗi mối dây liên hệ có thể được
thay đổi cho thích hợp với đời sống của
con người ở ngưỡng cửa thế kỷ XXI
hơn.
Đến như ngũ thường
thì quả thật đáng được chúng ta làm sống
lại để cho con người có những đức
tính cần thiết cho cuộc sống tốt đẹp và
lành mạnh. Chữ nhân, chữ nghĩa, chữ tín là những
chữ cần phải trau dồi và áp dụng ở trên đời,
nhất là cho những người có ít nhiều quyền lực
ở trong tay.
Không có lòng nhân, những kẻ
cầm quyền có thể chỉ là những kẻ bạo
tàn, dùng mọi biện pháp phi nhân để kềm kẹp
người dân, bắt buộc người dân phải sống
khổ sở mà phục vụ cho bạo quyền. Không có
nghĩa, kẻ cầm quyền chỉ nhìn thấy có cái lợi
cho cá nhân mà thôi. Kẻ đó chỉ có thể nhũng lạm
quyền thế, chiếm công vi tư, tham lam hối lộ
vơ vét của dân, làm giàu trên xương máu của đồng
bào. Không có chữ tín, chánh quyền chỉ là một bọn
láo khoét, hứa một đường làm một nẻo,
khiến cho dân chán ghét, mất hết lòng tin. Nói là đi học
tập mười ngày để rồi đem giam người
ta bao nhiêu năm tháng, chánh quyền như vậy thì còn ai
tin được?
Người cầm quyền mà
không có nhân, nghĩa, lễ, trí, tín thì thật là một tai họa
cho những người bị trị vậy.Nguon: http://namkyluctinh.org/ntliem/ntliem-khonggiao.htm
No comments:
Post a Comment