Thursday, August 29, 2013

Tạo Dựng Tương Lai (Frank H. T. Rhodes)


Frank H. T. Rhodes

Lời nói đầu. Nửa thế kỷ phát triển vũ bão thời hậu chiến của Thế chiến thứ Hai thế kỷ 20, nền đại học Hoa Kỳ, tuy ‘sinh sau nở muộn’ so với nền đại học lâu đời của châu Âu, nhưng đã có một sự phát triển “thần thoại” trong lịch sử như chuyện thần thoại Thánh Gióng Việt Nam, cung cấp cho tất cả các khu vực xã hội chuyên gia và lãnh đạo, nó “giáo dục công chúng, trau dồi thị hiếu của người dân, và đóng góp cho sự vững mạnh của quốc gia vì nó nuôi dưỡng và đào luyện từng thế hệ những kiến trúc sư, những họa sĩ, những tác giả, nhà lãnh đạo doanh nghiệp, kỹ sư, nông gia, luật sư, bác sĩ, thi sĩ, khoa học gia, nhà hoạt động xã hội, và những nhà giáo…”. Nhưng điều muốn nói ở đây là nền đại học Hoa Kỳ đã tạo ra những học giả lỗi lạc về giáo dục đại học. Sẽ khó mà hình dung được sự phát triển đại học Hoa Kỳ nếu không có các vị chủ tịch lãnh đạo này. Đại học Hoa Kỳ có quy mô lớn nhất thế giới, và sức tự trị cũng mạnh mẽ nhất thế giới, cho nên trách nhiệm của các vị chủ tịch lại càng lớn lao và quan trọng hơn bao giờ hết. Mỗi vị chủ tịch đều để lại dấu ấn cho đại học. Họ là những nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách phát triển, tìm tài trợ, đại diện cho tinh thần đại học họ lãnh đạo trước công chúng, và mang nhiều loại trách nhiệm khác trên vai, nhưng đồng thời là những học giả nổi tiếng trong cộng đồng trí thức đại học. Họ có những bài diễn văn, bài viết nổi tiếng lịch sử, và đa số trong họ đều có những tác phẩm có giá trị về giáo dục đại học, ‘phản tư’ về những trải nghiệm và quan sát của họ về những vấn đề giáo dục đại học trong những nhiệm kỳ chủ tịch. Các tác phẩm vừa thể hiện trách nhiệm xã hội của họ đối với đại học, đồng thời cũng thể hiện trình độ và bản lĩnh lãnh đạo của họ.
Frank H. T. Rhodes (1926 - ) là một trong những vị chủ tịch và học giả như thế. Ông là một nhà địa chất học, giữ chức chủ tịch thứ chín của Đại học Cornell ba nhiệm kỳ liền (1977 - 1995). Rhodes không những được vinh danh trong ngành địa chất học mà còn trong lĩnh vực giáo dục đại học, nhận được huy chương Bigsby của Hội Địa chất London và huy chương Clark Kerr của Đại học California, Berkeley cho những người được xem là lãnh đạo đại học xuất sắc, đồng thời ông còn nhận được vô số chức danh danh dự khác trong và ngoài nước. Ông cũng được mời làm chiến lược gia phát triển của Kaust, Đại học Vua Abdullah về Khoa học và Công nghệ của Saudi Arabia.

Quyển sách Tạo dựng tương lai của ông được Cornell University Press xuất bản năm 2001, được xem như một ‘viên đá quý’ (Donald Kennedy), bàn về vai trò và sứ mệnh đặc biệt của đại học nghiên cứu của Hoa Kỳ, nó từ đâu đến, hiện đang đứng ở đâu, và đi về đâu. Ông đề cập hàng loạt vấn đề của đại học và liên quan đến đại học, cũng như những nguy cơ đang chờ đợi đại học trong thời đại cách mạng công nghệ thông tin và thời đại thương mại hóa ngày càng tăng với sự tiến bộ kỹ thuật. Vài chục năm nữa, các khuôn viên đại học thực - “brick university” (được xây bằng gạch) - được thay thế bằng các đại học ảo - click university (được xây bằng những cái click) - để trở thành phế tích hết chăng, chỉ còn là những ‘viện bảo tàng’ của một ‘thời oanh liệt’ chăng? Một sự mất mát cộng đồng học thuật sẽ là một tai họa cho nền đại học: “Không có cộng đồng, tri thức chỉ là riêng tư. Một người học cô đơn, nghiên cứu trong sự biệt lập, sẽ có nguy cơ bị rơi vào sự hẹp hòi, chủ nghĩa giáo điều, và sự tự nghĩ không được kiểm chứng. Còn nếu được theo đuổi trong cộng đồng, học thuật sẽ phát triển và đem lại hiểu biết, được thử thách bởi các diễn giải trái chiều, được lên men bởi các trải nghiệm khác và được tinh luyện bằng nhiều quan điểm để lựa chọn.” Rhodes tin chắc vào giá trị không thể thay thế của các đại học trong khuôn viên, nơi tạo ra văn hóa đại học, nơi đào tạo những nhà lãnh đạo và giáo dục tương lai, nơi gây men thầm lặng và truyền ngọn lửa tri thức cho các thế hệ kế tiếp. Trước những đe dọa và cám dỗ của thế kỷ 21, đại học cần phải thay đổi, điều đó chắc chắn, nhưng thay đổi để ‘hùng mạnh thêm’ và ‘tốt thêm’ chứ không phải để yếu đi hay biến mất, như lời ông nói.
Kỷ yếu Humboldt cảm ơn nhóm dịch giả Hoàng Kháng, Tô Diệu Lan, Lê Lưu Diệu Đức đã cho phép trích một số đoạn dưới đây của quyển sách để làm phong phú thêm chủ đề đại học của kỷ yếu. Xin cảm ơn, và cũng xin giới thiệu với bạn đọc tác phẩm rất thú vị và thu hút này mà người đọc sẽ thích thú muốn đọc một hơi thật nhiều như có thể.
Nguyễn Xuân Xanh
* * *
Hình ảnh lý tưởng của giáo sư
Viện đại học nghiên cứu đặt những yêu cầu nặng nề lên cá nhân người giảng viên: người đó phải là một nhà khoa học thành công, một học giả có những ý tưởng mới và độc đáo, một người có tinh thần khai phá và chấp nhận mạo hiểm và là người gây quỹ thành công, một tác giả có nhiều công trình xuất bản, một người hướng dẫn hiệu quả đối với các sinh viên sau đại học và chuyên nghiệp, một giảng viên và người cố vấn tạo ra thách thức và truyền cảm hứng cho sinh viên đại học, một người tham gia hữu hiệu vào hoạt động của khoa, một công dân hiểu biết đầy đủ về các vấn đề của các trường và viện đại học, và là một công chức đầy trách nhiệm đóng góp kiến thức chuyên môn sâu sắc của mình vào việc giải quyết những nhu cầu không ngừng của cộng đồng địa phương, của xã hội rộng lớn hơn, và của hội đoàn chuyên nghiệp. Với danh sách dài dằng dặc những kỳ vọng này, không có gì ngạc nhiên khi người giảng viên, đứng trước thách thức phải “bao” mọi sân, tập trung chú ý nhất vào những lĩnh vực đem lại sự hỗ trợ trực tiếp nhất. Đứng đầu danh sách này là hoạt động nghiên cứu, tìm nguồn tài trợ cho nghiên cứu, và tham gia hội đoàn chuyên nghiệp. Nghiên cứu là cơ sở để được công chúng thừa nhận, để có các khoản tài trợ, và để được các hội đoàn chuyên nghiệp khác nhau tưởng thưởng và công nhận. Ngược lại, sự giảng dạy xuất sắc và việc hướng dẫn sinh viên hiệu quả mang tính cách riêng tư hơn, khó đánh giá hơn; ít được công nhận hơn, ít được tôn vinh náo nhiệt hơn. Và việc làm người công dân hữu ích, dù trong hay ngoài môi trường đại học, là ít được tán dương hơn cả. Vậy nên không lấy làm ngạc nhiên khi nhiều người than là giảng viên không còn trung thành với nơi mình làm việc. Nhưng dù có những yêu cầu xung đột nhau khiến người ta dễ bị sao nhãng này, có lẽ điều gây ngạc nhiên hơn cả là rất nhiều người vẫn tiếp tục thể hiện sự tận tâm đối với sinh viên của mình và sự tận tuỵ đối với nhà trường (tr. 84-85).
* * *
Thành công của khoa học
Có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất làm suy yếu cộng đồng là sự phát triển của khoa học với các công nghệ đi kèm, không chỉ vì tính chất không thể thâm nhập của các thuật ngữ chuyên môn và tính chất không thể tiếp cận được của một số tiền đề và kết luận của nó, mà còn bởi vì những phương pháp của nó đã được những ngành khác sử dụng rộng rãi, và đôi khi theo một cách thiếu khôn ngoan, khiến cho tầm vóc và phạm vi của những ngành này suy giảm đi.
Trong các trường đại học Hoa Kỳ ở buổi ban đầu, khoa học hầu như không tồn tại. Trong các viện đại học Hoa Kỳ giữa thế kỷ 19, khoa học có một vị trí được tôn trọng, dù còn hạn chế. Ngày nay, cùng với các trường chuyên nghiệp, khoa học tạo ra một ảnh hưởng to lớn lên khuôn viên đại học. Nó đặt ra tốc độ tăng trưởng của viện đại học. Nó cung cấp cơ sở nền tảng cho chương trình học ở hầu hết các chương trình giáo dục chuyên nghiệp và kỹ thuật. Nó nhận được rất nhiều những hỗ trợ dành cho nghiên cứu. Và nó đã thay đổi quan niệm của chúng ta về tri thức - nói đúng hơn, nó thay đổi quan niệm của chúng ta về chính đời sống.
Chính khoa học, cả khoa học thuần túy lẫn khoa học ứng dụng, là lĩnh vực mà các viện đại học giờ đây đang đầu tư lớn, xây dựng những cơ sở tốn kém, cấp phép cho các sản phẩm, xây dựng những khu nghiên cứu tập trung và những cơ sở vườn ươm công nghệ, và thường đầu tư nguồn lực vào các dự án công ty. Trọng tâm của các viện đại học Hoa Kỳ ngày nay đã chuyển sang một nền văn hóa dựa vào khoa học vốn đang thâm nhập vào hầu hết mọi ngóc ngách của đời sống đại học.
Sự phát triển của các ngành nghề dựa trên căn bản khoa học đã đòi hỏi điều đó. Từ y khoa đến sản xuất, từ nông nghiệp đến kỹ thuật, các ngành nghề cần có một nền tảng khoa học đã đòi hỏi phải mở rộng đáng kể việc giảng dạy khoa học trong các viện đại học của quốc gia.
Những chính sách quốc gia đã yêu cầu điều đó. Công nghệ quân sự, bảo vệ môi trường, thử nghiệm hạt nhân, dinh dưỡng, sự ô nhiễm bầu khí quyển, dự báo động đất, vấn đề an toàn cho các đường cao tốc, thám hiểm không gian, các nguồn năng lượng thay thế, sản xuất thực phẩm, và nhiều lĩnh vực khác nữa - tất cả đều đặt ra những yêu cầu to lớn đối với khoa học, bắt khoa học vừa phải cung cấp những sinh viên tốt nghiệp được đào tạo tốt vừa phải tạo ra tri thức mới. Mỗi một phần trong cuộc tồn sinh hiện nay của chúng ta đều đã trở nên phụ thuộc vào khoa học nhiều hơn.
Những yêu cầu của đất nước và của các ngành nghề chuyên nghiệp đã làm gia tăng đáng kể mức đầu tư của cả nhà nước lẫn tư nhân cho khoa học, và điều này mang lại những cơ sở vật chất mới, những trang thiết bị được cải tiến, số lượng nhiều hơn các sinh viên theo học các chương trình sau đại học, và hoạt động hỗ trợ kỹ thuật phát triển rộng khắp. Khoa học giờ đây là một nỗ lực to lớn, và việc theo đuổi nó đòi hỏi phải có những cơ sở vật chất ngày càng phức tạp và tốn kém ở các viện đại học, từ những trạm quan sát thiên văn sử dụng sóng vô tuyến tới những máy gia tốc hạt, từ những nông trường thực nghiệm tới những cơ sở bệnh viện phức tạp. Những mối quan hệ đối tác và liên kết mới cũng đã theo đó mà phát triển. Những nhóm nghiên cứu lớn từ hai mươi người trở lên, những dự án quốc tế lớn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ và những cuộc khảo sát thực địa quan trọng, những cuộc thám hiểm, những nỗ lực cứu trợ, và những nhóm cung cấp dịch vụ trên mọi lục địa, kể cả Bắc Cực, cũng đều ra đời nhờ các nguồn tài trợ nghiên cứu không ngừng gia tăng.
Chính việc thừa nhận tầm quan trọng của khoa học đã giúp các viện đại học nhận được sự uỷ nhiệm của quốc gia. Khi Thế chiến thứ Hai sắp đến hồi kết thúc, Tổng thống Roosevelt đã yêu cầu Vannevar Bush, kỹ sư ở MIT và Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Phát triển [của chính quyền liên bang], xem xét cần phải hỗ trợ như thế nào cho khoa học và công nghệ - vốn đã có những đóng góp rất lớn vào thành công của phe Đồng minh trong chiến tranh - để tiếp tục mang lại lợi ích cho công chúng. Bush đề xuất thành lập một cơ quan mà sau này trở thành Quỹ Khoa học Quốc gia (National Science Foundation), một kênh để chính quyền theo đó hỗ trợ nghiên cứu. Ông lập luận rằng, bằng cách làm cho sự hỗ trợ đó mang tính cạnh tranh, và bằng cách dành phần lớn ngân sách cho các viện đại học, mối liên kết giữa giáo dục và nghiên cứu có thể được tăng cường. Ngày nay, tính chất đúng đắn của tiền đề đó đã được khẳng định bởi chất lượng và sức sáng tạo của nền khoa học Hoa Kỳ trong suốt năm mươi năm qua. Quỹ Khoa học Quốc gia, với ngân sách hằng năm hơn 4 tỷ USD, là nơi hỗ trợ chủ yếu cho những nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật trong các viện đại học, trong khi Viện Y tế Quốc gia (National Institutes of Health) hằng năm cung cấp khoảng 21 tỷ USD cho những nghiên cứu trong các ngành khoa học y sinh.
Trong khi những bước phát triển này mở rộng đáng kể sự hiện diện của khoa học trong các khuôn viên đại học, tầm ảnh hưởng của khoa học lại rộng lớn hơn rất nhiều so với những gì người ta nhìn thấy qua những cơ sở vật chất thực sự hay những công việc nghiên cứu. Có lẽ tác động lớn nhất của khoa học là đối với quan niệm của chúng ta về tri thức; sức ảnh hưởng lớn nhất của nó là đối với nhận thức nằm sâu trong tiềm thức của một số thành viên của cộng đồng đại học. Tôi cho rằng sự ảnh hưởng đó đáng kể hơn cả bởi vì nó vốn không có chủ định và thường không được để ý đến (tr. 137-141).
* * *
Dạy học như một nghệ thuật
Dạy học hiệu quả là điều gì đó cao hơn việc truyền tải thông tin thành công. Nếu không thì băng ghi âm gửi qua bưu điện và các khóa học điện tử đã thay thế giảng viên từ lâu. Dạy học hiệu quả liên quan đến sự tham gia của giảng viên và sinh viên, những thách thức có được trong hoạt động thảo luận nhóm, sự hào hứng trong việc hợp tác nghiên cứu, việc nuôi dưỡng những giá trị và quan điểm. Nói theo thuật ngữ hiện nay, nó vừa liên quan tới nhận thức vừa liên quan tới tình cảm.
Đó là điều xảy ra trong những lớp học kỹ thuật của Mary Sansalone. Đó cũng là điều xảy ra trong những lớp học về lịch sử của Walter LeFeber, giáo sư ngành Lịch sử Hoa Kỳ ở Viện Đại học Cornell. Vào một ngày cách đây không lâu, bên ngoài cửa sổ lớp học của Walter LeFeber, sương mù dày đặc đến nỗi người ta chỉ có thể nhìn thấy hình dáng cây sồi trước mặt khi đứng cách nó chưa đầy một mét và phải nhìn rất chăm chú. Nhưng không có sinh viên nào của LaFeber nhìn ra ngoài cửa sổ. Dường như họ đang bị ám ảnh bởi cuộc trò chuyện trong lớp, vốn thực ra là về thế giới chính trị, lịch sử đang diễn tiến bên ngoài, và trò chính trị “bài Nhật” hợp thời của Mỹ hồi đó.
LaFeber, một sử gia Mỹ với những mối quan tâm trải rộng trên một loạt các vấn đề đương đại - kênh đào Panama vào thập kỷ 1970, vùng Trung Mỹ vào thập kỷ 1980, Nhật Bản, Michael Jordan và chủ nghĩa tư bản toàn cầu vào thập kỷ 1990 - đang ngồi ở đầu bàn, với dáng vẻ của một giáo sư già dặn và hành xử như một chính khách lão thành. Tóc ông đã ngả muối tiêu và bắt đầu rụng. Ông mặc một áo khoác vải tuýt màu xám, một áo sơ-mi kẻ sọc, và chiếc cà-vạt màu xanh lục. Cung cách của ông nghiêm túc: không có vẻ gần gũi, không nhiều lời, mà rộng lượng.
Khi một sinh viên trình bày một bài luận mà sau đó sẽ có tranh luận và bảo vệ trước mười bạn học của mình, LaFeber lắng nghe, một tay chống đầu, tay kia ghi chép. Người sinh viên tuôn ra những dữ liệu, diễn giải, và phân tích - và sau đó là một nhận xét không được chứng minh. LeFeber dẫn dắt vào trọng tâm. Với sự nhã nhặn của một người có thẩm quyền, và không cần phải thực hành đầy đủ thẩm quyền đó để chứng tỏ, ông yêu cầu người sinh viên cho biết những nguồn tài liệu dẫn tới nhận xét đó. Không có gì cả. Nhận xét đó bị loại bỏ. Bài học rất rõ ràng: hoan nghênh việc phân tích lịch sử, nhưng phải có các dữ kiện làm dẫn chứng.
Sau ba mươi lăm năm dạy lịch sử Hoa Kỳ, điều nổi bật nhất về Giáo sư Walter LaFeber là ông chưa hề mất đi chút nào lòng say mê đối với môn học, và ông vẫn coi việc khai mở niềm đam mê tương tự ở sinh viên của mình là một điều đáng ngợi ca. “Đó là điều hay nhất trong dạy học,” ông nói. “Quý vị thấy họ hăng hái trong lớp học. Quý vị thấy họ bắt đầu quan tâm nhiều lên. Và rồi quý vị ngồi đó, tự nghĩ: không biết đây có phải là vị Bộ trưởng Ngoại giao tương lai hay không?”
LaFeber đã chứng kiến một số sinh viên của mình bước vào những chức vụ chính trị quan trọng. Đây là hai người như vậy: Eric Edelman, tốt nghiệp Cornell vào năm 1972, từng là trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng dưới quyền Richard Cheney, và hiện làm việc cho Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Prague; và Thomas J. Downey, tốt nghiệp Cornell vào năm 1970, từng là nghị sĩ Hoa Kỳ đại diện cho tiểu bang New York. Cũng là bạn thân của cựu Phó Tổng thống Al Gore, Downey đã gọi điện cho LaFeber để hỏi ý kiến vị giáo sư cũ của mình liệu Gore có nên tranh luận với Ross Perot về NAFTA (Đạo luật Thương mại Tự do Bắc Mỹ) hay không (LaFeber nói nên, Gore tranh luận, và NAFTA đã được thông qua).
Làm thế nào mà LaFeber truyền cảm hứng thành công để sinh viên yêu thích lịch sử tới mức đã bước vào phục vụ trong chính quyền? Câu trả lời nằm trong trải nghiệm của chính ông từ rất sớm khi vật lộn với vấn đề ý nghĩa của môn học. Cuối thập kỷ 1950, LaFeber đang học sau đại học ở Viện Đại học Wisconsin-Madison, nơi vợ ông, Sandra Gould, đang học Anh ngữ. Ông cũng đang sắp sửa bỏ cuộc. Ông nhớ lại lúc đó ông nghĩ rằng học lịch sử thì cũng hay, nhưng ông chẳng thể hiểu tại sao thế giới lại cần thêm một sử gia nữa. Ông nghĩ tới việc quay về quê nhà, Walkerton, tiểu bang Indiana. “Hồi đó tôi là người vị lợi. Tôi nghĩ tôi có thể kiếm được tiền hơn nếu làm việc trong cửa hàng rau quả của cha tôi,” ông nói, “thời gian còn lại thì có thể đọc thêm về lịch sử.”
Nhưng để giúp ông nghĩ cho thấu đáo về quyết định này, LaFeber mời một giáo sư tới căn hộ của mình. Họ trò chuyện cho tới ba giờ sáng, và khi nói chuyện xong, LaFeber tin tưởng rằng lịch sử là một điều gì đó cao hơn, chứ không phải chỉ là một thứ hay ho để nghiên cứu. Ông phát hiện ra rằng lịch sử là thứ mà người ta có thể sử dụng để thay đổi xã hội. “Trước đó tôi không nghĩ tới điều này,” ông nói. “Tôi đã khá thiển cận.”
Không còn vậy nữa. Kể từ đó trở đi, LaFeber đã tìm ra một cách để tạo cho sinh viên có ý thức về quyền năng của lịch sử và cùng họ làm việc theo cách khiến sự tích lũy tri thức và việc dạy học trở thành con đường hai chiều. “Trừ quyển sách đầu tiên, vốn phát triển lên từ luận án của tôi, tất cả những quyển sách tôi đã viết (gần 20 quyển) đều bắt nguồn từ kinh nghiệm dạy học,” ông nói.
“Tôi thấy cách tốt nhất để kiểm chứng một ý tưởng là nói to ra cho sinh viên để xem họ nói gì, họ tiếp nhận nó như thế nào. Điều đó làm cho suy nghĩ của quý vị trở nên rất chính xác và rõ ràng. Quý vị có thể giúp tạo ra hoạt động thảo luận sôi nổi trong lớp học, điều không thể có trong một nhóm tham mưu. Và quý vị có được một tầm nhìn rất khác so với cái nhận được từ những nhà chuyên nghiệp mệt mỏi,” ông nói thêm.
Thế nhưng LaFeber cũng đối xử với sinh viên như những nhà chuyên nghiệp. Ông đưa ra cho họ một chủ đề, nói họ đọc mọi thứ có thể về chủ đề đó, yêu cầu họ rà soát lại các báo cáo của mình trước khi trình bày trước lớp, sau đó để họ tự do thảo luận với nhau. Ông nói, “Với các sinh viên Cornell thì có mà khùng nếu không để họ làm kiểu như vậy.”
Không phải giáo sư nào cũng mô tả kỹ thuật dạy của mình là con đường hai chiều. Nhưng đó chính là phong cách của những vị giáo sư giỏi nhất, những người tích cực dấn thân vào nghiên cứu hay học thuật, ở những viện đại học xuất sắc nhất. Nó phản ánh sự khác nhau giữa giảng dạy, vốn chỉ giới hạn ở việc truyền tải tri thức, và giáo dục, vốn dĩ là việc chỉ ra những khả năng vốn có của sinh viên, đưa sinh viên trở thành đối tác trong công cuộc khám phá và phát kiến. Và cách đó tôn trọng khả năng tiềm tàng của sinh viên trong việc trải nghiệm những điều lớn lao hơn. Đó chính là điểm đặc thù của các viện đại học nghiên cứu xuất sắc nhất (tr. 206-210).
* * *
Chi phí giáo dục đại học…
“Nếu quý vị cho rằng chi phí giáo dục như thế là quá cao thì hãy cân nhắc cái giá phải trả cho sự ngu dốt,” Ann Landers và các đồng sự lưu ý mọi người. Đây là một câu nói chứa nhiều hàm ý, một lời nhắc nhở hữu ích.
Tất nhiên, không có gì đảm bảo rằng đầu tư cho giáo dục làm giảm những hậu quả trùng điệp của sự ngu dốt, nhưng những so sánh như vậy là nghiêm chỉnh. California và Florida đầu tư nhiều tiền của để tống giam tội phạm hơn là để giáo dục số dân ở độ tuổi học đại học của mình. Số tù nhân ở California tăng từ 19.000 cách đây hai thập kỷ lên 150.000 ở thời điểm hiện tại. Trong hai mươi năm qua, tiểu bang này đã xây dựng hai mươi mốt nhà tù mới nhưng chỉ xây thêm có một viện đại học. Khoản ngân sách của tiểu bang dành cho hệ thống giáo dục đại học - từng được xem là tốt nhất thế giới - đã giảm từ 12,5% trong năm 1990 xuống còn 8% trong năm 1997. Trong cùng khoảng thời gian đó, ngân khoản dành cho hệ thống trại cải tạo tăng thêm 4,5%, đạt 9,4%, bằng với mức cắt giảm ngân sách dành cho giáo dục đại học.
Mặc dù đây không phải là một sự đánh đổi trực tiếp, Barry Munitz, cựu chủ tịch của hệ thống Viện Đại học California State, tuyên bố: “Đối với tôi, hoặc là anh đầu tư cho giáo dục đại học vào lúc này hoặc là anh phải chi tiền nhiều gấp bội về sau cho các nhà tù dành cho những người không được học hành và đi đến kết cục phạm tội. Tiểu bang dành cho chúng ta 6.000 USD cho mỗi sinh viên nhưng lại tiêu tốn 34.000 USD mỗi năm cho một tù nhân.” Mối liên hệ như thế có vẻ quá đơn giản, nhưng sự tương quan giữa việc thiếu giáo dục và tình trạng thất nghiệp và phạm tội là điều rõ ràng.
Khi tôi trao đổi với cha mẹ của các sinh viên đại học, họ thường bảo họ rất hài lòng với sự giáo dục mà con cái họ đang nhận được. Khá nhiều người trong số đó cũng sẽ ngưng lại giây lát và nói thêm, “Mặc dù vậy, tôi không hiểu vì sao mà chi phí học hành ngày nay lại quá cao so với thời tôi còn là sinh viên.” Những người này không đánh giá thấp tầm quan trọng của giáo dục; điều họ băn khoăn không phải là số tiền mà họ bỏ ra có “đáng” hay không, mà là tại sao chi phí học hành lại tăng quá nhanh đến mức có nguy cơ vượt quá tầm với của tất cả mọi người, ngoại trừ những người giàu có.
Thật sự, đây là một câu hỏi mà hầu hết các bậc cha mẹ không thể không đặt ra khi họ nghe thấy tiền học phí, tiền ở ký túc xá, tiền ăn, và tiền sách vở ở một số viện đại học tư thục hàng đầu đã lên đến 30.000 USD một năm - tức là hơn 120.000 USD cho một chương trình đại học bốn năm. Đây là câu hỏi mà các viện đại học cũng đã tự đặt ra cho mình.
Tôi muốn tìm hiểu những lý do đằng sau việc tăng học phí. Tôi cho rằng các trường và viện đại học phải tiến hành những bước cụ thể nhằm đối phó với vấn đề chi phí gia tăng nếu chúng ta còn muốn duy trì một nền giáo dục đại học mà tất cả người Mỹ đều có khả năng theo học. Và tôi sẽ cố gắng giải thích rằng một vài quan niệm sai lầm nhưng khá phổ biến liên quan đến chi phí giáo dục đại học đã gây ra một số lo lắng không đáng có cho các bậc cha mẹ và cho sinh viên (tr. 326-328).
* * *
Lời thề Socrates dành cho giảng viên trong viện đại học nghiên cứu
[Vì thế,] tôi sẽ nhờ các vị viện trưởng mời tập thể giảng viên soạn một bản thảo lời thề như đã nói ở trên. Lời thề đó sẽ phải do giảng viên soạn thảo để được giảng viên chấp nhận. Nên mang nó ra thảo luận từ trường đại học này đến trường đại học khác; chia sẻ với những người khác; mời các hội đoàn chuyên nghiệp và học thuật tham gia phát triển; tham khảo ý kiến của sinh viên, cựu sinh viên, các thành viên hội đồng quản trị, và những người khác để hoàn thiện; chỉnh sửa lại sau khi tham vấn cẩn thận; và cuối cùng để cho tập thể giảng viên và hội đồng quản trị thông qua nó, yêu cầu mọi người thực hiện, và bảo đảm hiệu lực thực thi của nó. Giáo sư nào không tán thành lời cam kết tương tự như thế thì không nên giảng dạy.
Tôi trình bày ở đây bản dự thảo đầu tiên với hy vọng nó sẽ giúp khởi sự một cuộc thảo luận rộng rãi hơn về quy mô và nội dung của một lời thề như thế.
Lời thề Socrates dành cho giảng viên trong các viện đại học nghiên cứu
(A Socratic Oath for Faculty of Research Universities)
Tôi xin tuyên thệ cống hiến sức mình cho sự tiến bộ và mở mang tri thức, nhận thức rằng tôi có nghĩa vụ đối với sinh viên, với lĩnh vực chuyên môn, với các giảng viên đồng nghiệp, với viện đại học, và với công chúng.
Tôi dấn thân vào nghề dạy học và xem nó như là một thiên chức đạo đức. Tôi thừa nhận nghiên cứu và hoạt động học thuật hàm chứa sự tín thác của công chúng và chấp thuận công việc chuyên môn như là một nghĩa vụ xã hội. Trong quá trình thực hiện những nghĩa vụ của mình, tôi sẽ dành cho công tác giảng dạy lẫn nghiên cứu lòng tận tâm bền bỉ, sáng tạo, và kiên định. Tôi sẽ theo đuổi kiến thức mới và những hoạt động sáng tạo một cách cẩn trọng phù hợp với những tiêu chuẩn nghề nghiệp cao nhất trong lĩnh vực của mình. Và tôi sẽ làm hết sức mình để phục vụ cộng đồng rộng lớn hơn. Khi thực hiện những nhiệm vụ này, tôi thừa nhận rằng giảng dạy, nghiên cứu, và phục vụ công chúng là những trách nhiệm căn bản của mỗi giảng viên đại học; rằng đó là những trách nhiệm cần phải được cân đối thường xuyên; và rằng trong khi những trách nhiệm này có tầm quan trọng như nhau, giảng dạy luôn là trọng tâm trong sứ mệnh của viện đại học.
Vì mục đích đó, tôi chấp nhận lòng tín thác hàm chứa trong việc truyền tải kiến thức để có được sự chính xác, công bằng, cân đối, và thống nhất trong cách trình bày chuyên môn của tôi và trong việc xử lý những quan điểm khác nhau. Dù giảng dạy chủ đề gì đi nữa tôi cũng sẽ thực hiện một cách nghiêm ngặt, nhưng cũng với tinh thần khai phóng, nêu bật cái tổng quát trong bản thân cái cụ thể,” với tầm nhìn sâu, rộng và cách nhìn nhân bản đối với những vấn đề nền tảng, với bối cảnh, những mối quan hệ, và những hệ quả của nó.
Tôi sẽ tôn trọng sự chính trực trong mối quan hệ giữa giáo sư và sinh viên, ở khía cạnh cá nhân lẫn tri thức, nhằm loại bỏ từ trong ý thức những biểu hiện quá trớn nhằm thuyết phục người khác hay bao biện, cũng như đối với hành vi lạm dụng hay quấy rối. Tôi sẽ rất cẩn trọng trong việc chuẩn bị cho các giờ giảng trên lớp, các buổi thảo luận, các buổi thực hành trong phòng thí nghiệm, hay những hoạt động khác và giám sát với cùng cung cách như vậy đối với việc chuẩn bị của các sinh viên trợ giảng cộng tác với tôi. Tôi sẽ khách quan, nghiêm khắc, và công bằng trong đánh giá sinh viên và sẽ có mặt trong các buổi thảo luận của sinh viên, những giờ tiếp sinh viên, những buổi thực hành trong phòng thí nghiệm, và những cuộc tiếp xúc chính thức khác bên ngoài giảng đường.
Cuối cùng, tôi sẽ tham gia vào đời sống của cộng đồng viện đại học, hợp tác với các đồng nghiệp của tôi trong những nỗ lực giáo dục và tham gia vào các hoạt động trong khuôn viên đại học. Và, trong khi phát triển sự nghiệp của chính mình, tôi sẽ khuyến khích, giúp đỡ, và hướng dẫn các đồng nghiệp của mình, đặc biệt là những người mới được bổ nhiệm, để họ có thể trở thành những giảng viên hiệu năng và những học giả thành công.
Lời thề này do tôi tự nguyện thực hiện và gìn giữ với ý thức rằng đặc ân của quyền tự do học thuật được dành cho tôi đi liền với bổn phận của trách nhiệm nghề nghiệp để vinh danh và phục vụ sinh viên, ngành học, nghề nghiệp, đồng nghiệp, và viện đại học của tôi, và xã hội rộng lớn hơn.
Tôi muốn yêu cầu tất cả những ai được bổ nhiệm làm giảng viên phải tuyên thệ những điều như vậy, và muốn lãnh đạo viện đại học tổ chức một buổi lễ tuyên thệ có sự tham gia rộng rãi của nhiều người, một sự kiện mở đầu chính thức ở cấp viện đại học tổ chức vào đầu mỗi năm học. Các viện đại học nói chung làm tương tự như trong lĩnh vực y khoa: tất cả những ai đã tham gia hành nghề - tức là toàn thể giảng viên còn lại - cũng sẽ phải tái thực hiện lời tuyên thệ này.
Nếu lời tuyên thệ được soạn thảo cẩn thận, và nếu các giảng viên sẵn lòng cam kết thực hiện một chuẩn mực cao như thế, hình thức biên chế sẽ có hiệu quả như ý. Việc chấp nhận tuyên thệ sẽ nâng tầm của các giảng viên và nâng cao tiêu chuẩn chất lượng giảng dạy. Nó sẽ khơi dậy nhiệt huyết của cả cộng đồng học thuật (tr. 373-376).
* * *
Cam kết của Hoa Kỳ đối với hoạt động nghiên cứu ở viện đại học
Các viện đại học nghiên cứu đã tỏ ra là môi trường thực sự hữu ích cho công việc sáng tạo đến mức thật dễ dàng quên mất rằng nó không phải lúc nào cũng là một đặc điểm của giáo dục đại học Hoa Kỳ. Các trường đại học thuộc địa, bao gồm Harvard, William & Mary, Columbia, Princeton, và Yale, ban đầu được sáng lập như là những cơ sở giảng dạy cho những đối tượng có chọn lọc. Vào thế kỷ 19, khi đất nước điều chỉnh theo những nhu cầu của một quốc gia độc lập, các viện đại học thu nhận nhiều thành viên hơn và mở mang quy mô. Nhưng ngoại trừ các cơ sở giáo dục được chính quyền liên bang cấp đất, thành lập theo Đạo luật Morrill 1862, vốn có thêm một số trách nhiệm nghiên cứu nông nghiệp và hướng ra công chúng, các viện đại học chủ yếu vẫn là các cơ sở giảng dạy trong suốt 75 năm đầu của thế kỷ 19.
Điều đó nhanh chóng thay đổi với việc thành lập Viện Đại học Johns Hopkins vào năm 1876. Lấy phần lớn từ mô hình các viện đại học Đức, vốn nhấn mạnh đến nghiên cứu, viện trưởng đầu tiên của Hopkins, Daniel Coit Gilman, quy tụ một tập thể giảng viên gồm các học giả được tuyển chọn chủ yếu dựa trên khả năng truy vấn độc lập của họ, thực hiện công việc trên diễn đàn sôi động của viện đại học. Tôi tin là khi nhấn mạnh đến cả hai yếu tố truy vấn độc lập và tính cộng đồng, Gilman đã xác định được bí mật của viện đại học nghiên cứu: cộng đồng, sự truy vấn, và tính phóng khoáng.
Cách tiếp cận của Johns Hopkins, với việc nhấn mạnh đến hoạt động học thuật, vẫn còn là cách tiếp cận phổ biến nhất trong các viện đại học nghiên cứu Hoa Kỳ ngày nay, được minh chứng qua những thành tựu của vô số giảng viên và của những sinh viên mà họ đã đào tạo. Chẳng hạn, không chỉ chiếm đại đa số những người được giải Nobel trên toàn thế giới, với các nghiên cứu đoạt giải được thực hiện trong các viện đại học Hoa Kỳ, một số lượng đáng kể những người đoạt giải đã từng thực hiện nghiên cứu với tiền bối được giải Nobel trong thời gian đầu của sự nghiệp.
Giá trị của nghiên cứu cơ bản thực hiện trong các viện đại học của chúng ta được phản ánh qua mức độ theo đó nghiên cứu cơ bản được chính quyền liên bang khuyến khích và hỗ trợ, đặc biệt trong những năm kể từ Thế chiến thứ Hai. Nhận thấy những đóng góp mà các nhà khoa học trong các viện đại học đã mang lại cho chiến thắng của phe Đồng minh - công việc bắt đầu vào thời điểm chuyển giao thế kỷ với những hiểu biết sâu sắc mới về những định luật vật lý, bao gồm việc phát triển kỹ thuật ra-đa và chiếc máy tính đầu tiên, và đạt đến đỉnh cao với Dự án Manhattan chế tạo ra quả bom nguyên tử đầu tiên - Tổng thống Franklin D. Roosevelt yêu cầu Vannevar Bush, một giảng viên lâu năm ở MIT, cựu chủ tịch của Viện Carnegie (Carnegie Institution), và lúc đó là giám đốc của Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Phát triển (cơ quan liên bang có chức năng điều phối hoạt động khoa học trong thời chiến), đề xuất những cách thức theo đó sức mạnh của khoa học có thể được khai thác nhằm đem lại lợi ích cho quốc gia trong thời bình.
Trong báo cáo của mình, Science - The Endless Frontier (Khoa học - Biên giới vô tận, 1945), Bush viết “tiến bộ khoa học là chìa khóa quan trọng cho vấn đề an ninh quốc gia, cải thiện sức khoẻ, tạo ra nhiều công ăn việc làm, cải thiện mức sống, và cho sự tiến bộ văn hóa của chúng ta… Không có tiến bộ khoa học thì không có sự thành tựu nào trong các lĩnh vực khác có thể đảm bảo sức khoẻ, sự thịnh vượng, và an ninh cho một quốc gia trong thế giới hiện đại.” Ông cho rằng “cách đơn giản và hiệu quả nhất mà một chính phủ có thể đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong công nghiệp là hỗ trợ nghiên cứu cơ bản và phát triển tài năng khoa học.” Đánh giá của ông đặt nền tảng cho việc thành lập Quỹ Khoa học Quốc gia (National Science Foundation) và cho một khoản đầu tư lớn của chính quyền liên bang dành cho nghiên cứu cơ bản trong các trường và viện đại học Hoa Kỳ. Bởi vì chính phủ chấp nhận mục tiêu kép mà Vannevar Bush xác định cho hoạt động nghiên cứu trong các viện đại học - phát hiện kiến thức mới và phát triển tài năng mới - chính phủ sẵn sàng chi trả không chỉ những chi phí trực tiếp của công việc (như là sinh viên sau đại học làm trợ lý nghiên cứu, các trang thiết bị quan trọng như kính viễn vọng và các tàu thăm dò hải dương học và trang thiết bị phòng thí nghiệm) mà còn chi trả một phần các chi phí gián tiếp (như thư viện và chi phí bảo trì và vận hành các tòa nhà nghiên cứu). (tr. 400-403)
* * *
Tại sao một ý tưởng cách đây 120 năm có tác dụng
Dĩ nhiên không phải dự án nghiên cứu cơ bản nào cũng đưa đến bước đột phá quan trọng, thậm chí trong khoảng thời gian một thế hệ, hay lâu hơn, kể từ khi dự án bắt đầu. Về bản chất, nghiên cứu cơ bản vừa mang tính rủi ro cao vừa có khả năng mang lại thành quả lớn. Nhưng mô hình nghiên cứu cơ bản, phần lớn được thực hiện trong các viện đại học, mang lại những khám phá và những phát minh có thể áp dụng rộng rãi và thậm chí mang lại những chuyển dịch mô thức đã dẫn đến những ứng dụng sâu sắc về mặt thương mại, là mô hình đã lặp đi lặp lại nhiều lần. Nghiên cứu không bảo đảm mang lại thành công về mặt kinh tế; điều đó đòi hỏi các công ty phải có khả năng nắm bắt và thương mại hóa các kết quả. Nhưng nghiên cứu là một yêu cầu tất yếu để có được thành công kinh tế.
Tuy vậy những ích lợi của nghiên cứu cơ bản hiếm khi có thể lường trước được. Có một câu chuyện kể về Michael Faraday, người có lẽ là nhà khoa học thực nghiệm vĩ đại nhất của mọi thời. Sau khi Faraday trình bày xong khám phá mới nhất của ông, hiệu ứng cảm ứng điện từ - cơ sở cho việc chế tạo máy phát điện, cho Thủ tướng [Anh] Benjamin Disraeli nghe thì được hỏi khám phá đó sử dụng để làm gì. “Hữu dụng như trường hợp một em bé sơ sinh,” người ta kể là ông đã đáp như vậy (Có một phiên bản khác của câu chuyện này trong đó Faraday được cho là đã trả lời, “Một ngày nào đó, thưa ngài, ngài có thể đánh thuế công trình này.”). Nhiều năm sau, một vị thủ tướng khác của nước Anh, Margaret Thatcher, cho rằng phát minh của Faraday đã mang lại lợi nhuận nhiều hơn cả toàn bộ số vốn giao dịch ở Sàn Giao dịch Chứng khoán London. Như đã nói, không có phát minh nào vô ích, chỉ có những phát minh mà sự hữu ích của chúng chưa được khám phá.
Không ai nghĩ rằng tất cả nghiên cứu thực hiện trong viện đại học đều có chất lượng như nhau, hay mọi kết quả được công bố đều có tầm quan trọng giống nhau. Không ai cho rằng mọi khám phá đều sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống hay mọi tác phẩm học thuật đều góp phần đáng kể vào sự phong phú của nền văn hóa chúng ta. Trong chừng mực mà tôi biết, cũng không ai quả quyết rằng tất cả giảng viên, trong mọi giai đoạn của sự nghiệp mình, đều có năng suất sáng tạo như khả năng họ cho phép, cho dù năng suất đó được định nghĩa như thế nào. Điều tôi muốn nói ở đây, sau khi xem xét công bằng, sự đầu tư khổng lồ này là việc làm khôn ngoan và mang lại lợi nhuận, ích lợi sẽ lớn hơn rất nhiều so với chi phí bỏ ra, cả ở kết quả trực tiếp cũng như lợi ích gián tiếp - giá trị giáo dục mà những sinh viên có liên quan đến hoạt động nghiên cứu nhận được.
Vì lý do này, nghiên cứu trong viện đại học được hỗ trợ rộng rãi, không chỉ bằng những ngân khoản từ chính các viện đại học, mà còn từ tất cả các cơ quan chủ chốt của chính quyền liên bang, chính quyền tiểu bang, các doanh nghiệp với một mức độ đáng kể, quỹ hỗ trợ, bệnh viện, tổ chức tôn giáo, tổ chức từ thiện, cơ quan công cộng, nhóm hoạt động nghệ thuật, quỹ từ thiện, và cá nhân các nhà hảo tâm, nhà đầu tư, và khách hàng. Mô thức hỗ trợ rộng rãi từ bên ngoài này đã tồn tại hơn bốn mươi năm. Nó thể hiện sự nhất trí tin tưởng từ một cộng đồng rộng lớn gồm những người ủng hộ cảm thấy hài lòng với thành quả nghiên cứu của các viện đại học.
Quy mô của nguồn tài trợ từ bên ngoài này rất lớn. Chẳng hạn, trong năm 1998, ước tính 26,3 tỷ USD đã được sử dụng cho nghiên cứu và phát triển ở các trường và viện đại học của Hoa Kỳ. Khoảng 15,6 tỷ USD do chính quyền liên bang cấp, khoảng 4,9 tỷ USD do chính các cơ sở giáo dục cấp, 2,1 tỷ USD từ các chính quyền tiểu bang và địa phương, 1,8 tỷ USD từ các doanh nghiệp, và 1,8 tỷ USD từ các nguồn khác. Trong tổng số đó, ước tính 67% tập trung vào nghiên cứu cơ bản, 25% cho nghiên cứu ứng dụng, và 8% cho phát triển. Các viện đại học tiếp tục thực hiện hơn 50% tổng số những nghiên cứu cơ bản ở Hoa Kỳ. Ngân sách hỗ trợ của chính quyền liên bang, trong tổng ngân sách dành cho nghiên cứu trong các trường và viện đại học Hoa Kỳ, đã giảm từ 65% vào đầu thập kỷ 1980 xuống còn 60% vào năm 1997, tập trung vào ba cơ quan: Viện Y tế Quốc gia (57%), Quỹ Khoa học Quốc gia (15%) và Bộ Quốc phòng (10%). Khoảng 217.500 kỹ sư và nhà khoa học có học vị tiến sĩ được tuyển dụng làm việc trong lĩnh vực học thuật.
[…]
Nguyên Phó Tổng thống Al Gore đã diễn tả rất rõ niềm tin ngày một lớn hơn của Hoa Kỳ vào sức mạnh của khoa học. Phát biểu với Hiệp hội vì Sự tiến bộ của Khoa học vào năm 1996, ông cho rằng trong phần lớn thời gian của thế kỷ này “người dân Hoa Kỳ đã hưởng lợi từ một chu trình phản hồi - chu trình của khoa học và thành công. Khi quốc gia thịnh vượng, một phần của sự thịnh vượng đó được đầu tư vào nghiên cứu, khoa học và công nghệ. Những khoản đầu tư đó giúp trả lời những câu hỏi dường như có thể trả lời được - và rốt cuộc tạo ra sự thịnh vượng lớn hơn, sau đó lại được đầu tư vào nhiều nghiên cứu hơn. Cứ thế quá trình này tiếp diễn. Trong chu trình phản hồi này - khởi đầu với sự đồng thuận của cả hai bên - sự thịnh vượng đem đến đầu tư, đầu tư mang lại câu trả lời, và câu trả lời đem lại sự thịnh vượng cho tương lai.” (tr. 403-407)
* * *
Văn hóa sáng tạo: Viện đại học như là vườn ươm
Không ai chỉ đạo Watson, Crick, và Berg thực hiện công trình mà sau này phát triển lên thành ngành công nghệ sinh học. Không ai thấy trước được, hay có thể dự báo được, các kết quả đó. Những điều này xảy ra bởi vì có các viện đại học ở quốc gia này và ở những nơi khác xem nghiên cứu vừa là một lời kêu gọi của tri thức vừa là sự tín thác của công chúng. Nghiên cứu mở đường có ý nghĩa vượt ra ngoài những vấn đề mang tính kỹ thuật. Để thành công được, nó phụ thuộc vào tính sáng tạo của cá nhân và phụ thuộc vào những điều kiện cho phép nó phát triển. Một nghiên cứu tốt có thể diễn ra trong nhiều khung cảnh, nhưng các viện đại học dường như có những đặc tính cho thấy là chúng đặc biệt thích hợp trong việc thúc đẩy loại công việc này.
Sự hiện diện của những học giả nổi bật nhất thế giới trong một cộng đồng tương tác đưa ra một chuẩn mực ngầm mang tính thách đố, khơi dậy sự khao khát chinh phục ở những người khác trong cộng đồng. Có cả một trời khác biệt giữa những điều tốt nhất và những gì tốt thứ nhì và đáng giá trong tất cả các nghiên cứu và học thuật, cũng như trong nhiều lĩnh vực khác. Một dòng chảy hẹp gồm những tài năng xuất sắc trong hầu hết các lĩnh vực đổ vào các viện đại học nghiên cứu, và chuẩn mực về sự xuất sắc được củng cố bởi sự hiện diện của những tài năng đó.
Quyền tự do cho phép những học giả giỏi nhất trong lĩnh vực của họ theo đuổi các ý tưởng đem lại sức sống mãnh liệt và sự mới mẻ, độc đáo cho cộng đồng viện đại học. Nghiên cứu trong các viện đại học không được quản lý và không được chỉ đạo bởi lẽ những nỗ lực quản lý có nhiều khả năng phản tác dụng, xét về lâu dài. Rốt cuộc, những cá nhân, không phải là những uỷ ban - dù là uỷ ban của quốc hội, giới doanh nghiệp, hay giới học thuật - mới chính là những người phát triển những ý tưởng sáng tạo và những hiểu biết sâu sắc mới. “Nghiên cứu dưới sự quản lý” là một cụm từ mâu thuẫn. Chính những cá nhân, thường không theo trí khôn thông thường, thường không theo những cách tiếp cận đã được thừa nhận, là người sẽ mang lại những phát kiến sáng tạo nhất. Viện đại học là nơi luôn chào đón sự khác biệt. Giảng viên thường là những người có cách nghĩ khác người.
Các viện đại học thúc đẩy khả năng tiếp nhận thông tin mới, sự cởi mở đối với những ý tưởng mới, một môi trường chào đón những con người mới và những quan điểm khác nhau, và sự sẵn lòng đón nhận sự hiểu biết mới. Sự cởi mở này xuất phát từ niềm tin sâu sắc rằng tri thức có thể được phát triển và gia tăng chỉ trong chừng mực nó được tự do để xây dựng trên công trình của những người khác và, đến lượt nó, phải chịu sự xem xét và phê bình của những người này. Không một viện đại học Hoa Kỳ nào, theo như tôi biết, đồng ý nhận hỗ trợ để thực hiện các nghiên cứu trong bí mật hay những nghiên cứu mà kết quả của chúng không được phổ biến; không có nơi nào, theo như tôi biết, cấm công bố các kết quả nghiên cứu, ngoại trừ một vài trường hợp theo đó việc công bố bị trì hoãn một hoặc hai tháng nhằm đáp ứng quyền ưu tiên tiếp cận thông tin của nhà tài trợ. Tính cởi mở này có từ thuở ban đầu của các viện đại học, và dù đôi khi bị những người chỉ trích cả bên trong lẫn bên ngoài khuôn viên đại học thách thức, nó vẫn thuộc về vấn đề niềm tin. Một vài năm trước đây, khi chính quyền liên bang tìm cách hạn chế một số sinh viên nước ngoài sử dụng các cơ sở siêu máy tính, các viện đại học đã đấu tranh mạnh mẽ và đã thành công trong việc đảm bảo có sự cởi mở. Lý do không phải nằm ở chỗ thiếu lòng trung thành, mà ở niềm tin rằng tinh thần truy vấn mà nghiên cứu dựa vào sẽ không thể phát triển được sau cánh cửa bị khóa chặt. Chỉ bằng cách chia sẻ, thông qua tiếp xúc cá nhân lẫn qua việc công bố chính thức, thì kiến thức mới có thể được thách thức, kiểm nghiệm, và đưa vào sử dụng một cách đầy đủ. Và kể từ khi công chúng dành sự hỗ trợ tối đa cho hoạt động nghiên cứu và truy vấn trong các viện đại học, cũng hợp lý khi công chúng phải được quyền tiếp cận toàn bộ kết quả nghiên cứu của các viện đại học.
Các viện đại học cung cấp tài nguyên và cơ sở vật chất ở quy mô lớn. Các viện đại học cung cấp khả năng tiếp cận sử dụng các cơ sở vật chất có quy mô và chất lượng không ai sánh kịp trong mọi lĩnh vực tri thức của nhân loại. Một phòng thí nghiệm như của Bell Labs hay của GE Labs có vô cùng đầy đủ các tạp chí kỹ thuật và các trang thiết bị khoa học. Một viện đại học có tất cả những thứ đó, cộng với những cơ sở vật chất có thể so sánh được với nhiều lĩnh vực khác, từ y khoa cho đến lịch sử nghệ thuật. Thậm chí trong thời đại phân tích và truy hồi điện tử, tính cách tập trung và phạm vi rộng của những tài nguyên như thế này là độc nhất vô nhị. Thư viện của Harvard đặt mua khoảng 91.000 tạp chí đang phát hành. Có nghĩa là trung bình một sinh viên có 4,5 tạp chí, mỗi giảng viên có 44 tạp chí. Hầu hết các viện đại học nghiên cứu khác đặt mua tối thiểu khoảng 50.000 tạp chí như vậy. Việc đăng ký sử dụng này tốn kém, nhưng lại thiết yếu trong một thế giới mà sự thay đổi diễn ra sâu rộng, theo đó kiến thức trong một lĩnh vực có thể có tầm quan trọng lớn lao đối với các lĩnh vực khác.
Một sự pha trộn đáng kể giữa tinh thần đồng sự và tính cá nhân đã gắn kết các thành viên của viện đại học trong một sứ mệnh chung và khiến họ có thể tiếp nhận những mối quan tâm chung, thậm chí ngay cả khi họ theo đuổi những mục tiêu cá nhân. Tinh thần đồng sự này không rộng mở như mức độ mà nó có thể hay nên có, tuy vậy nó có thực, và đó là một nét đặc thù của các viện đại học. Cũng vì vậy, sự độc lập đầy nhiệt tình và tính cá nhân, và việc kết hợp những phẩm chất này lại với nhau không chỉ đơn thuần là làm thành tổng số những khả năng của cá nhân thành viên gộp lại.
Sự “thụ phấn chéo” giữa các ngành học bắt nguồn từ việc các nhà nghiên cứu là một phần của cộng đồng viện đại học, vừa là thành viên của một lĩnh vực chuyên môn đơn lẻ. Không có một tổ chức nào khác có thể so sánh được với viện đại học xét về phạm vi rộng lớn của những mối quan tâm mang tính học thuật. Một tổ chức với các chuyên gia từ những lĩnh vực khác, cả những lĩnh vực có liên quan và không liên quan, thường có thể cho những cái nhìn sâu sắc thiết yếu và giúp đề xuất những ứng dụng đầy sáng tạo. Thậm chí sự cạnh tranh và mối căng thẳng giữa họ vào lúc này hay lúc khác có thể mang lại kết quả tích cực. Điều này sẽ tăng lên khi thành phần thành viên của cộng đồng mang tính quốc tế. Sự “thụ phấn chéo” cũng không bị giới hạn trong những lĩnh vực gần gũi với nhau. Charles Darwin và Alfred Russel Wallace mỗi người đã độc lập phát triển lý thuyết của mình về tiến hóa qua quá trình chọn lọc tự nhiên bằng cách đọc một quyển sách không phải về sinh học mà là về dân số con người do một tu sĩ người Anh, Thomas Malthus, viết. Khả năng tình cờ phát hiện là nhân tố chính trong việc phát kiến, và mặc dù nó có thể diễn ra ở bất kỳ nơi nào, viện đại học là một môi trường văn hóa màu mỡ đặc biệt cho công việc này.
Các quan hệ đối tác quốc tế và giữa các thế hệ với nhau, với sự tham gia của giảng viên và sinh viên, cả sinh viên sau đại học lẫn sinh viên đại học, thường đem lại những hiểu biết sâu sắc khó lường về một vấn đề cụ thể nào đó và khuyến khích việc khảo sát nghiêm ngặt các ý tưởng và giải thích thấu đáo các kết quả. Đối với sinh viên đại học, những gì đã được thiết lập phải bị chất vấn; không có gì là bất khả xâm phạm. Đối với sinh viên sau đại học, không có giả thuyết nào mà không bị kiểm tra. Xóa bỏ thánh tượng là việc làm đáng được tôn vinh. Một cách tiếp cận như vậy đối với giáo dục đem lại lợi ích không chỉ đối với các nhà nghiên cứu - trong hiện tại và trong tương lai - mà còn đối với tất cả những ai, những người đã trưởng thành, sẽ gánh vác trách nhiệm công dân. Cũng vậy, sự hiện diện của những sinh viên muốn dỡ bỏ những nếp cũ sẽ đặt ra yêu cầu đối với các nhà nghiên cứu-giảng viên, không chỉ phải giải thích những giả định của họ mà còn tiếp tục giải thích những kết luận của họ; đây là động lực thường xuyên giúp người ta hiểu sâu hơn.
Trên thực tế, những mối liên kết này có tác dụng rất tuyệt vời đối với các sinh viên sau đại học và sinh viên chuyên nghiệp, nhưng ít thường xuyên và ít hữu ích hơn mức mà chúng lẽ ra phải có đối với sinh viên đại học. Đối với sinh viên đại học, giáo sư là người thường giảng những bài giảng và rồi biến mất vào một thực tại khác có tên là nghiên cứu. Như một nhà bình luận nhận thấy gần đây, bất kể những ý định tốt, bất kể những lời nói suông về sự tương tác giữa nghiên cứu và giảng dạy, ở nhiều cơ sở giáo dục, các giáo sư và sinh viên đại học tuy có sự gần gũi về mặt địa lý nhưng không có mối liên hệ. Họ như những người láng giềng trong một toà nhà chung cư khổng lồ, những người không nói chuyện với nhau. Việc họ cùng im lặng và tự cô lập không phải là kết quả của những bất đồng hay tranh cãi, bởi vì họ chưa bao giờ gặp, chưa bao giờ nhận thấy nhau sau một cái gật đầu vội vã và câu “Xin chào!” buông ra hời hợt. Họ có quá nhiều mối bận tâm, quá bận rộn, với những sở thích, đồng nghiệp, và bạn bè những nơi khác. Đơn giản là họ không có liên hệ với những người láng giềng; sự chú tâm thật sự của họ là ở nơi khác; cộng đồng thật sự của họ là những người khác. Đó là một bi kịch, đối với những nhà nghiên cứu cũng như đối với những sinh viên đại học, bởi vì mỗi bên có rất nhiều điều có thể mang lại cho nhau. Các viện đại học cần phát triển thêm những sáng kiến nhằm khuyến khích sự kết nối giữa hai bên, phá vỡ bức tường, được dựng lên một cách vô tình, vốn thường xuyên chia cách thế giới nghiên cứu của giảng viên và thế giới trải nghiệm của sinh viên đại học (tr. 427-434).
* * *
Nghiên cứu như một sự tín thác của công chúng
Trong chương này tôi đã lập luận rằng viện đại học cung cấp một môi trường thuận lợi độc nhất vô nhị cho sự truy vấn của sinh viên và vườn ươm có những thành công rõ ràng đối với nghiên cứu và phát kiến. Tính độc nhất vô nhị của nó nằm ở những mối quan tâm đa dạng, ở tài năng chuyên môn vuợt trội, ở nhiều quan điểm khác nhau, và sự thành công của nó phản ánh không khí tự do truy vấn không bị gò bó và quan hệ đối tác giữa các thế hệ. Tuy vậy nó vẫn là một cái cây yếu ớt cần được chăm bón cẩn thận, và việc nuôi dưỡng nó bao gồm việc thừa nhận những nghịch lý.
Nghiên cứu cần có quyền tự do và độc lập trong việc tìm hiểu nhưng nó cũng thể hiện bổn phận đối với xã hội và lòng tín thác của công chúng.
Nghiên cứu phát sinh từ sự tò mò cá nhân nhưng nó phụ thuộc vào sự hỗ trợ của công chúng.
Nghiên cứu liên quan đến những phát kiến riêng tư, nhưng nó mang lại tri thức chung.
Nghiên cứu đòi hỏi sự hiểu biết cá nhân nhưng nó mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
Nghiên cứu mang lại kiến thức cơ bản nhưng nó tạo ra những ứng dụng thực tế.
Sự cân đối giữa tính độc lập và trách nhiệm của cá nhân các nhà nghiên cứu và sự hỗ trợ và quan tâm của công chúng nói chung tùy thuộc vào cái khế ước xã hội bất thành văn vốn đã phục vụ tốt đẹp đất nước chúng ta [Hoa Kỳ]. Trong hơn một nửa thế kỷ, sự hỗ trợ nhận được nhờ mức độ đồng thuận cao trong quốc hội thể hiện sự công nhận lợi ích của khế ước đó và “chu trình phản hồi” của đầu tư công cộng vào nghiên cứu và sự phát kiến, ứng dụng, tạo ra sự thịnh vượng, và sự đầu tư trở lại mà nó hỗ trợ. Trong chu trình này, nghiên cứu là hạt giống để thu hoạch những lợi ích. Nó là một chu trình mà chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ, bởi vì sự vững mạnh và an ninh của đất nước tuỳ thuộc vào nó (tr. 434-435).
* * *
Kết luận (thế kỷ 21)
Đó là lý do tại sao tôi cảm thấy ái ngại với những người, chủ yếu là bên ngoài môi trường học thuật nhưng thỉnh thoảng cũng có người ở bên trong, kêu gọi phát minh lại hoàn toàn các viện đại học truyền thống theo hướng làm cho viện đại học trở thành một cơ quan “tập trung hơn” vào nghiên cứu ứng dụng hay là một cơ sở “có tính chất kinh doanh hơn” hay là trung tâm của một hệ thống mới hay một nút quan trọng trong mạng lưới học tập từ xa. Tôi không phủ nhận là các viện đại học phải - và sẽ - thay đổi. Nhưng nó phải thay đổi một cách thận trọng và có trách nhiệm.
Các viện đại học của Hoa Kỳ cần phải thay đổi, không phải bởi vì họ đang yếu, mà bởi vì họ hùng mạnh. Không phải các viện đại học Hoa Kỳ đang “gặp vấn đề,” cũng không phải họ đang suy yếu. Dù có những áp lực về mặt tài chính, áp lực có thật, và những quan ngại của công chúng, mà một số những quan ngại đó là thoả đáng, các viện đại học vẫn hoạt động tốt. Họ là những cơ sở giáo dục có đẳng cấp quốc tế; khoảng hơn một chục cơ sở trong số họ là hình mẫu cho toàn thế giới. Thách thức ở đây không phải là làm hồi sinh một cơ sở đang hấp hối mà là tiếp thêm sinh lực cho một cơ sở hùng mạnh và như thế làm cho nó tốt hơn. Những thay đổi mà tôi đề nghị không phải là những viên thuốc bổ dành cho người ốm mà những thách thức dành cho người khoẻ mạnh. Phê phán tình trạng hiện tại không phải là chỉ trích những tiêu chuẩn hiện hành; thay vì vậy, như Adlai Stevenson có lần nhận xét, mục đích là để “hỏi xem là liệu có điều gì đó có thể được làm cho tốt hơn, điều gì thì có lẽ là không.”
Thành viên hội đồng quản trị, hiệu trưởng, viện phó phụ trách các vấn đề học thuật, và đặc biệt là viện trưởng trong các viện đại học phải trở nên là những người thách thức tính tự mãn, là những tiếng nói lương tâm của viện đại học, là những người cổ vũ kiên trì cho sự thay đổi, là quán quân của sự ưu tú, là bà đỡ cho những liên minh và quan hệ đối tác mới, người tạo điều kiện cho tinh thần cộng tác, và là những điển hình không mệt mỏi của một mức độ cam kết mới.
Chỉ có những viện đại học nào có thể đưa thêm nhiều giá trị gia tăng vào cái khung lưu trữ và truyền dẫn thông tin và nghiên cứu thì mới có nhiều khả năng duy trì được sự hỗ trợ về mặt tài chính. Điều này đòi hỏi phải chọn lọc kỹ càng hơn trong nghiên cứu và trong những công tác phục vụ và một trách nhiệm ngày càng lớn đối với việc thẩm định và chứng nhận. Điều này đòi hỏi người ta cần trở về với quan niệm cổ xưa cho rằng học tập là giáo dục một con người toàn vẹn và với cam kết sử dụng một cách thận trọng cộng đồng viện đại học như là một phương tiện học tập cá nhân và truy vấn học thuật. Nó sẽ yêu cầu tái khẳng định rằng dạy học là một thiên chức đạo đức, rằng nghiên cứu là một sự tín thác từ công chúng, và rằng công tác phục vụ là một nghĩa vụ đối với công chúng. Sự kết hợp đó chỉ có thể đạt được trong một cộng đồng học thuật; nó khó có thể đạt được trong sự biệt lập cá nhân và sự lạnh lùng của phương tiện điện tử.
Nhưng có những điều sẽ không thay đổi, và điều có ý nghĩa nhất trong số những điều này là các viện đại học nội trú truyền thống với tư cách là nơi tạo dựng và nuôi dưỡng những nhà lãnh đạo của mỗi thế hệ mới. Dù thích hay không thích thì khuôn viên đại học ngày nay là xã hội rộng lớn hơn của ngày mai. Sản phẩm của viện đại học không chỉ là học tập; nó còn là đặc điểm quốc gia và càng ngày nó là đặc điểm của nhiều vị lãnh đạo ở các quốc gia khác. Điều đó không có nghĩa là các viện đại học truyền thống sẽ không bị thay đổi hay sẽ giáo dục một phần dân số lớn hơn. Trái lại, nhiều sinh viên sẽ không phải sống nội trú, họ học bán thời gian, có độ tuổi lớn hơn, và là “những người học từ xa” trong các cơ sở giáo dục không giống như các viện đại học nghiên cứu. Nhưng sẽ vẫn còn có một vai trò thiết yếu dành cho các viện đại học nội trú: các viện đại học cải cách.
Những lãnh đạo chính quyền ngày nay là những sinh viên đại học của ngày hôm qua. Những người tiên phong các trong các ngành chuyên nghiệp ngày mai là những sinh viên sau đại học của ngày hôm nay. Những lãnh đạo tương lai của thế giới bước ngang qua những khoảng sân đại học của chúng ta; những nhà làm luật, những quan toà, và những giám đốc điều hành tương lai có mặt trong các lớp học ở viện đại học. Nhiệm vụ mà các viện đại học thực hiện - tức là theo đuổi việc học tập - không phải là sự truyền đạt thụ động; nó là việc trao truyền ngọn đuốc, chia sẻ ngọn lửa.
Nếu các viện đại học làm tầm thường hóa trách nhiệm đó, nếu họ quy giảm nó thành việc phân phối những mẩu xương thông tin chết khô rời rạc hay giới hạn nó vào việc chia sẻ những yếu tố không có sức sống của những kỹ năng mang tính kỹ thuật, họ sẽ phụ lòng những ai đã tín thác vào trách nhiệm của họ, những người đã đấu tranh cho quyền tự do của họ, những người đã cung cấp tài nguyên, và những người đã nghĩ rằng họ có một nhiệm vụ lớn hơn.
Trong thời đại có nhiều giới hạn và ràng buộc, nhiều hoài nghi, các viện đại học phải tái khẳng định những khả năng đang trỗi dậy mà nền giáo dục khai minh thể hiện. Trong thời đại với những gia đình tan vỡ, những giáo đoàn thu hẹp, và những cộng đồng đang bị tan hoại, quốc gia chúng ta rất cần có một mô hình cộng đồng mới - am tường nhưng biết động lòng, phê phán nhưng biết quan tâm, hoài nghi nhưng xác quyết - sẽ phục vụ những nhu cầu khẩn thiết của cái xã hội đã bị phân mảnh của chúng ta và đáp ứng những hoài bão không lời, cao quý hơn của cái tôi sâu hơn của chúng ta.
Điều này không phải để giả vờ là các viện đại học hoặc là có những giải pháp toàn diện đối với những căn bệnh của nhân loại hoặc là thực thể duy nhất có khả năng giải quyết chúng. Các viện đại học là những sự tạo dựng của con người, có đầy những điều bất toàn của con người, với những biếng lười, đố kỵ, ác ý, và vô tâm nhiều như bất cứ cộng đồng nào khác và cũng đầy nhỏ nhen, ngạo mạn, và kiêu hãnh. Mà nó nhằm xác quyết rằng các viện đại học, với tất cả những bất toàn của mình, thể hiện thử thách lớn bên trong mình giống như thử thách mà xã hội chúng ta sẽ phải đối mặt. Sôi sục vào lúc này, bốc hơi vào lúc nọ, nổi bọt vào lúc khác, một thứ hỗn hợp mới phải bằng một cách nào đó tạo ra bên trong chúng nếu chúng ta muốn khắc phục những vấn đề xã hội của chúng ta và tái khám phá những phẩm chất dân sự mà xã hội chúng ta phụ thuộc vào. Và khi những nhà lãnh đạo trong mọi lĩnh vực đời sống được giáo dục trong những lớp học của họ, khi kiến thức được gia tăng trong phòng thí nghiệm của họ, khi những tác phẩm mới được tạo ra trong những xưởng thiết kế của họ, và khi việc hành nghề chuyên nghiệp được phát triển và tinh lọc trong những cơ sở vật chất của họ, các viện đại học cung cấp cho từng thế hệ mới những nhà lãnh đạo, được giáo dục, chịu ảnh hưởng, và được định hình trong nền văn hóa đại học. Chính cái cộng đồng đang trỗi dậy này - phân tích và xác quyết, phê phán và sáng tạo, bao hàm và truy vấn, can dự và làm cho có thể - sẽ là viện đại học mới. Và đây chính là viện đại học mà người ta cần phải thách thức và cho phép đóng vai trò có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn trong việc tạo dựng tương lai (tr. 555-561).
Hoàng Kháng cùng nhóm dịch
(Nguồn: Nhà xuất bản Tri Thức cung cấp)

 Nguon: http://www.ired.edu.vn/vn/GiaoDucCacNuoc/tao-dung-tuong-lai

No comments:

Post a Comment