TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện
TT - Trước những băn khoăn của dư luận về việc “cắt thi đua vì để tỉ lệ tốt nghiệp cao hơn năm trước”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã có những lý giải thêm về việc này qua trao đổi với Tuổi Trẻ:
Trong những năm qua Bộ GD-ĐT đã áp dụng những giải pháp khác nhau nhằm chống tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT như tổ chức thi theo cụm, chấm chéo, đưa thanh tra của Bộ GD-ĐT về cắm chốt tại các địa phương. Tuy nhiên ở nơi này nơi khác vẫn xảy ra tiêu cực.
"Trong khi tỉ lệ tốt nghiệp của cả nước và hầu hết các tỉnh thành đều giảm mà lại có vài tỉnh thành tỉ lệ tốt nghiệp tăng lên, mặc dù năm trước cũng đã “cao ngất ngưởng” thì có đáng phải suy nghĩ không?"
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển
|
Từ năm 2012, cùng với việc giao chủ động đồng thời nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT đã có thêm những giải pháp kiểm soát tiêu cực.
Việc chấm hậu kiểm 17.000 bài thi của 16 tỉnh thành trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, có báo cáo phân tích kết quả gửi chủ tịch, bí thư các tỉnh thành là một việc có tác động đáng kể tới nhận thức của các địa phương về việc tổ chức kỳ thi.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng thể hiện quan điểm rõ ràng với những địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp tăng bất thường. Với các yếu tố của quá trình dạy học còn nhiều hạn chế hiện nay, ai cũng biết rõ tỉ lệ tốt nghiệp THPT tăng chạm ngưỡng tối đa là thực chất hay chưa thực chất.
Tỉ lệ quá cao của năm trước đã không thực chất thì việc tiếp tục tăng thêm nữa vào năm sau càng thể hiện sự thiếu quyết tâm “thi thực chất”. Bởi vậy, bàn bạc trao đổi và thống nhất không tăng tỉ lệ tốt nghiệp là việc không vô lý.
Hạ thi đua là cần thiết
* Một số nhà quản lý giáo dục ở các địa phương cho rằng cách làm trên là khiên cưỡng, thiếu thuyết phục. Bởi có những địa phương tỉ lệ tốt nghiệp cao, năm này tăng hơn năm trước là do chất lượng tốt. Làm tốt mà bị “cắt thi đua” là vô lý. Vậy theo ông, có cơ sở nào để phân định được việc có hay không tiêu cực ở một tỉ lệ tốt nghiệp cao? Từ ngưỡng 99% tốt nghiệp, tỉ lệ tốt nghiệp THPT cần giảm tới mức nào thì sát với chất lượng dạy học trên thực tế?
- Bộ GD-ĐT không chỉ căn cứ vào một việc là “tỉ lệ tốt nghiệp tăng” để hạ bậc thi đua của một số địa phương, mà còn căn cứ vào thực tế dạy học ở bậc phổ thông, nhất là lớp cuối cấp THPT.
Trong việc hậu kiểm của năm trước hay năm nay, chúng tôi không chỉ nhằm vào các địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp cao hoặc tăng đột biến. Đã có những địa phương tỉ lệ tốt nghiệp không tăng nhưng vẫn nằm trong phạm vi phải hậu kiểm vì có những dấu hiệu tiêu cực khác.
Trở lại việc cam kết phải chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc hơn, Bộ GD-ĐT đưa ra vấn đề này vì hầu hết các tỉnh thành đã có tỉ lệ tốt nghiệp đạt quá cao, có biểu hiện chắc chắn là vượt xa chất lượng dạy học thực tế, nếu tiếp tục vượt ngưỡng đó là không thực chất.
Cùng với quá trình cải thiện các điều kiện dạy học thì có thể chấp nhận một tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao hơn do chất lượng giáo dục được nâng lên, nhưng việc này cũng cần có quá trình.
Cùng với việc kiên quyết giảm tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tới đây Bộ GD-ĐT sẽ có những giải pháp để cùng các địa phương giải quyết khó khăn, bất cập. Chắc chắn trong đánh giá của Bộ GD-ĐT, những địa phương thể hiện được nỗ lực trong việc cải thiện chất lượng giáo dục sẽ được ghi nhận.
* Lãnh đạo Bộ GD-ĐT từng cho biết sẽ không lấy tỉ lệ tốt nghiệp THPT của các tỉnh để xét thi đua. Nhưng việc hạ bậc thi đua với các tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp cao có phải đã đi ngược với quan điểm chỉ đạo trên?
- Mọi người đều hiểu rằng không lấy tỉ lệ đỗ tốt nghiệp để xét thi đua là không khen nơi đỗ cao, không chê nơi đỗ thấp. Việc này nhằm ngăn chặn tình trạng các địa phương, đơn vị cố chạy theo thành tích ảo, nâng tỉ lệ tốt nghiệp THPT lên cao quá so với trình độ thực tế của học sinh và điều kiện dạy học còn hạn chế.
Việc không lấy “sụt giảm tỉ lệ tốt nghiệp” là căn cứ để hạ bậc thi đua cũng tránh gây áp lực cho các địa phương, đơn vị. Nhưng việc tăng tỉ lệ tốt nghiệp không tương xứng với thực tế, để xảy ra tiêu cực thì hạ thi đua là cần thiết. Điều này cũng thể hiện quan điểm kiên quyết của Bộ GD-ĐT và các sở trong việc chống tiêu cực thi cử.
Sẽ chấm thẩm định cả 63 tỉnh thành...
* Sau khi chấm 17.000 bài thi năm trước, bộ đã xử lý như thế nào với các cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm?
- Như trên đã nói, năm trước sau khi có kết quả chấm thẩm định, bộ đã có công văn gửi riêng tới các đồng chí bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh và giám đốc sở GD-ĐT, trong đó phân tích cặn kẽ các lỗi của từng khâu trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi để rút kinh nghiệm.
Vì là năm đầu tiên làm việc đó, chưa có sự chuẩn bị tốt về ý thức trách nhiệm của các tập thể và cá nhân nên bộ chưa đặt vấn đề xử lý các tập thể, cá nhân mắc lỗi. Năm nay thì khác vì đã có chỉ đạo rõ ràng, nhắc nhở trước, trách nhiệm của các cấp quản lý và cá nhân đều phải cao hơn.
* Việc chấm hậu kiểm đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có quy mô thế nào? Ngoài việc chấm xác suất bài thi, Bộ GD-ĐT có giải pháp nào khác nhằm phát hiện tiêu cực sau kỳ thi?
- Năm nay Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức chấm thẩm định bài thi tốt nghiệp THPT với số lượng nhiều hơn năm trước bằng cách chọn ngẫu nhiên phòng thi để chấm thẩm định cả 63 tỉnh thành.
Mặt khác, vẫn chọn những phòng thi có dấu hiệu tiêu cực để chấm thẩm định. Kết quả chấm thẩm định sẽ được phân tích riêng cho hai loại bài này, kết hợp với kết quả thanh tra, kiểm tra ở các khâu coi thi, chấm thi để có nhận xét, đánh giá về tính nghiêm túc trong kỳ thi của các tỉnh và cả nước. Với những tỉnh thành có sai sót trong các khâu của kỳ thi, Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản riêng gửi các địa phương yêu cầu chấn chỉnh và xử lý kỷ luật nếu cần thiết với những cá nhân, cơ sở sai phạm.
No comments:
Post a Comment