Wednesday, June 10, 2020

Tự do học thuật hay sự chậm tiến?

Nguyễn Khánh Trung

Câu hỏi này đặt ra, nhân đọc tác phẩm “Đại học” của tác giả Nguyễn Xuân Xanh, giải Sách Hay năm 2019, một công trình đồ sộ gồm 570 trang, được ấn hành bởi nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM.

Tự do học thuật

Tự do học thuật ở đại học bao gồm tự do nghiên cứu, giảng dạy và học tập.

Tự do dạy là bản chất của đại học Đức theo tinh thần Humboldt. Theo Friedrich Paulsen, người thầy ở đại học không phải là người có nhiệm vụ chuyển tải “một chân lý gắn liền với uy quyền, mà anh ta phải tìm kiếm, qua nghiên cứu, các nhận thức khoa học để hướng dẫn các thính giả của anh ta” (tr. 365).

Người thầy không chuyển tải những điều gắn với uy quyền có thể thuộc về tôn giáo hay chính trị đã được thiết kế sẵn một cách cố định và buộc người học xem đó là chân lý “bất khả ngộ”, là “pháp lệnh”, mà là truyền tải những kiến thức do người thầy làm nên bằng sức lao động và đam mê của mình trong khoa học, những thứ đã được kiểm chứng. Người thầy “chỉ có một tiêu chuẩn dạy: tự khẳng định chân lý của người thầy trước lý tính và sự thật” (tr. 366).

Trong tác phẩm Ý niệm đại học nổi tiếng, Karl Jaspers đã giải thích, đại học có đời sống riêng, nó “cần được giảng dạy chân lý một cách độc lập với các yêu cầu hay chỉ thị, những cái muốn hạn chế nó từ bên ngoài hay bên trong (tr. 368).

Tự do nghiên cứu và giảng dạy của người thầy tạo ra tự do học của trò. “Theo tinh thần đại học, các sinh viên là những nhà tư tưởng độc lập, tự trách nhiệm và lắng nghe thầy mình một cách phê phán. Họ có tự do trong sự học” (tr. 139). Ở môi trường đại học “người trẻ sẽ được giáo dục, hoặc bằng sự chinh phục của một người thầy, hoặc bằng tự học, hoặc trong tương tác với một cộng đồng của những người cùng chí hướng chiến đấu và yêu thương nhau (tr. 39 của tác phẩm Ý niệm đại học).

Cả thầy và trò, khi đã được tự do để truy tìm chân lý, họ sẽ mang theo sự đam mê và động lực, và dĩ nhiên là với một tinh thần thực sự hiếu tri. Một tinh thần như vậy được duy trì thường xuyên sẽ tạo ra các vĩ nhân cho nhân loại, những kẻ yêu thích sự “cô đơn”, yêu thích chân lý và khoa học sẽ tạo ra một nền “văn hoá” bậc cao với những lý thuyết, những phát minh, phát kiến, phục vụ và thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.

Chấp nhận tự do học thuật hay sự chậm tiến

Nếu lịch sử đã cho thấy, tự do học thuật tạo ra một văn hoá đỉnh cao thúc đẩy sự phát triển, thì cũng có nghĩa là sự chuyên chế, áp đặt và công cụ hoá đại học sẽ làm tổn hại đến đại học và vì vậy làm thiệt hại cho xã hội mà chính nước Đức là một ví dụ. Như đã nói, tinh thần tự do học thuật của Humboldt đã tạo một nền “văn hoá đỉnh cao” rực rỡ tại Đức, đã giúp quốc gia thua trận này giành hầu hết các giải thưởng Nobel trong mọi lĩnh vực vào những năm đầu thế kỷ 20. Thế nhưng chế độ phát xít xuất hiện, chỉ trong vòng vài năm đã tàn phá sự phát triển này, các nhà khoa học của Đức và cả của châu Âu lánh sang “Tân thế giới”, góp phần làm cho các đại học Mỹ phát triển cho đến ngày nay, và kéo theo là cả nước Mỹ hùng cường và luôn dẫn đầu thế giới như chúng ta thấy. Người Mỹ thành công vì họ ý thức một cách sâu sắc sự liên hệ giữa tự do học thuật và hoa trái của sự tự do đó.

Tinh thần Humboldt cũng đã được nhập khẩu vào Nhật và Trung Quốc, các đại học đầu tiên của hai quốc gia này được thành lập “trong tinh thần cứu nước” như đại học Berlin được thành lập năm 1810. Đầu thế kỷ 20 có nhiều sinh viên du học ở đại học Berlin, trong đó có nhân vật Thái Nguyên Bồi (1868 – 1940), ông đã đem tinh thần Humboldt về Trung Quốc và cải tổ đại học Bắc Kinh, thổi vào đại học này một luồng gió mới, tạo nên một “thị trường ý tưởng” cởi mở, một ngọn gió tự do cho một đất nước đang hồi sinh. Ông muốn biến một Trung Hoa cũ kỹ thành một quốc gia hiện đại, đại học là trung tâm văn hoá của quốc gia, lấy khoa học và nghiên cứu làm nòng cốt, độc lập với nhà nước như tinh thần của Humboldt (tr. 167).

Năm 2018, đại học Bắc Kinh kỷ niệm 150 năm ngày sinh của ông, người ta đã dựng một bức tượng toàn thân của Thái Nguyên Bồi, nghĩa là Trung Quốc đang bắt đầu quan tâm trở lại các ý tưởng đại học này.

Hiện nay các nước phát triển ở châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc như choàng tỉnh trước tầm quan trọng giữa việc phát triển các đại học và sự phát triển quốc gia, nên họ đã và đang ra sức đầu tư cho đại học.

Tuy nhiên cái khó của các quốc gia này là đã và đang có một nền giáo dục phổ thông nặng về “học vẹt”, xem nhẹ sự phát triển năng lực tư duy độc lập và khả năng phản biện như nền giáo dục của các nước phương Tây. Kiểu học tập và giảng dạy này có thể phù hợp để đào tạo các công chức nhà nước và các kỹ sư hạng trung, chứ không phù hợp để đào tạo giới tinh hoa cho việc đổi mới và lãnh đạo. Nếu các quốc gia châu Á này, vốn không tiếc tiền và công sức bỏ ra cho giáo dục, cũng đi theo con đường tự do học thuật, tự do diễn đạt và truy vấn như các nước phương Tây thì có lẽ họ đã phát triển hơn rất nhiều như Richard C Levin, cựu chủ tịch đại học Yale phát biểu (tr. 114).

Đại học Việt Nam, như tác giả Nguyễn Xuân Xanh đã trình bày rất rõ, còn rất xa với tinh thần Humboldt, và vì vậy chúng ta không thể tạo ra một nền “văn hoá bậc cao” để dẫn dắt và thúc đẩy xã hội phát triển.

Ngoài những cản trở mang tính văn hoá truyền thống trong tư duy về giáo dục, cũng như cách học trong hệ thống giáo dục cũng như ngoài xã hội tương tự như các nước châu Á đã nói, Việt Nam còn gặp những rào cản đến từ chính trị và kinh tế mà thể hiện rõ nhất là vấn đề “nhà nước hoá”, chính trị hoá trong giáo dục.

Gần đây, người ta cũng đề cập và chủ trương “tự chủ” đại học, nhưng không phải là một sự tự do học thuật theo tinh thần Humboldt, mà chủ yếu là khuyến khích các đại học tự lo về tài chính, một kiểu tự chủ không ăn nhập gì với tự do học thuật.

Chấp nhận tự do học thuật hay sự chậm tiến? Đó là một câu hỏi căn bản, là thông điệp chung cuộc khi gấp cuốn sách mang lại nhiều giá trị này.


No comments:

Post a Comment