Wednesday, June 10, 2020

Nhìn về "sản phẩm" giáo dục hôm nay

Nguyễn Khánh Trung

Bằng kinh nghiệm của mình, Chuyên gia Giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung (Trưởng dự án Giáo dục Emile Việt) cho rằng, bệnh thành tích trong giáo dục, "chạy chọt", gian lận điểm số của phụ huynh đang góp phần đắc lực hủy hoại tương lai của giới trẻ.



Có thể nói, những người làm giáo dục hôm nay phải chịu trách nhiệm với xã hội ngày mai. Những yếu tố chính tác động đến đứa trẻ chủ yếu đến từ chương trình, cách dạy, môi trường sư phạm, gia đình và xã hội xung quanh.

Vì vậy, những người làm giáo dục (bao gồm giáo dục nhà trường và cả giáo dục gia đình) hôm qua phải chịu trách nhiệm về "sản phẩm" giáo dục hôm nay. Đồng thời, những người làm giáo dục hôm nay sẽ phải chịu trách nhiệm với xã hội mai sau.

Cần những con người chất lượng cao

Nhìn lại, hiện trạng giáo dục nước ta hiện nay vẫn còn tồn tại những vấn đề như áp lực học tập, chạy theo thành tích. Cùng với đó, câu chuyện gian lận điểm số trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 ở một số địa phương vốn có căn nguyên từ quá khứ. Nói đúng hơn, câu chuyện buồn ấy có gốc rễ từ văn hóa chứ không đơn giản chỉ là câu chuyện riêng của ngành giáo dục. Bởi vậy, muốn giải quyết tận gốc thực trạng này cần có những giải pháp toàn diện và triệt để, không chỉ điều tra, xử phạt và để đó.

Phần Lan vốn là đất nước có một nền giáo dục tốt hạng nhất thế giới mà chúng ta mong muốn học hỏi. Nhưng sẽ khó đạt được như họ nếu chúng ta không có một môi trường xã hội với những con người tương ứng. Họ không chỉ có một nền giáo dục tốt nhất mà còn có một xã hội minh bạch bậc nhất, có chỉ số lòng tin giữa người với người, giữa người dân và các tổ chức cao nhất…

Chạy để nâng thứ hạng cho con, được gì?

Tất cả những yếu tố đó tạo nền móng vững chắc để họ xây dựng một nền giáo dục phục vụ con người, đặt con trẻ làm trung tâm. Để rồi, từ nền giáo dục ấy lại tạo ra những con người có chất lượng cao, tiếp tục duy trì và phát triển xã hội.

Nhìn lại nền giáo dục nước ta sau sự việc liên quan đến gian lận điểm số cùng với những áp lực học hành mà trẻ đang phải gánh chịu, có một phần trách nhiệm không nhỏ của cha mẹ và giáo viên.

Những người này sẵn sàng "chạy", can thiệp nhằm nâng điểm, nâng thứ hạng cho con em mình. Theo quan điểm của nhiều người, đó cũng là một cách lo cho tương lai của con. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, đó là một kiểu hủy diệt nhân cách của đứa trẻ. Bởi những hành động "dọn chỗ" cho tương lai của con đã không cho con cơ hội để khẳng định mình, để trưởng thành và để tự xây dựng tương lai cũng như đời sống của riêng mình.

Bằng hành động "dọn đường", định đoạt tương lai của con, phụ huynh không cho con thực hiện những lựa chọn của mình. Nói đúng hơn, họ không quan tâm đến sự khác biệt nơi con. Họ cũng không nhìn ra những thế mạnh và điểm yếu ở con. Chúng ta quen áp đặt con lập trình theo những gì mình muốn trong khi con cái có mong muốn khác cha mẹ mình.

Vì vậy, việc áp đặt con, nhân danh tình yêu thương để "bó khuôn" con vô tình đánh cắp đi sự trưởng thành, cũng như tương lai của đứa trẻ. Nhưng có một sự thật, thực trạng này không phải cha mẹ nào cũng nhận ra hoặc cũng hiểu.

Nhiều người muốn con đạt điểm cao với bất cứ giá nào để có được "tấm vé" ưu tiên trên đường thăng quan tiến chức về sau. Nhưng họ không hiểu hay nghĩ đến chuyện phải giáo dục con như ý nghĩa của hai từ giáo dục vốn có. Ngược lại, họ đang thực hiện những hành vi phản giáo dục nhưng vẫn "cố đấm ăn xôi". Vì vậy, việc "chạy chọt", gian lận điểm số của một số phụ huynh đang góp phần đắc lực hủy hoại tương lai của giới trẻ.

Bởi lẽ, giáo dục là công việc tạo ra một môi trường lành mạnh, thích hợp tại trường và tại nhà. Giáo dục cũng là tìm cách trợ giúp con trẻ phát triển các năng lực về mặt trí tuệ, tinh thần đạo đức và thể chất. Qua đó, trẻ phát triển toàn diện, có năng lực tự kiến tạo đời sống của bản thân và góp phần xây dựng, thúc đẩy xã hội phát triển.

Có thể nói, phát triển nhân cách là một tiến trình, một con đường dài. Nếu người lớn bố trí trên con đường đó sự tử tế, hẳn con cái họ sẽ có cơ hội trưởng thành và trở thành những con người tử tế. Ngược lại, nếu người lớn tạo ra trên con đường đó đầy những mánh khóe, không ngay thẳng, giành giật nhau, bon chen, trẻ sẽ được gì? Chắc chắn điều này tựa như những "trái độc", người gặp nguy hiểm trước hết là chính con em họ.Giáo dục liên quan đến nhân cách con người, liên quan đến tập tính tốt, xấu của cả xã hội. Giáo dục không phải là nhồi nhét kiến thức, càng không phải những con điểm, nhất là những điểm số bất chính.

Những đứa trẻ ấy sẽ nhận được gì khi không học mà cũng đậu cao? Trẻ khi rớt tốt nghiệp mà vẫn thành thủ khoa, các cháu rồi sẽ thành thế nào khi ra đời với cái đầu rỗng? Khi không kiến thức, không kỹ năng, không trung thực, không tự chủ có khiến họ trở nên thành công và hạnh phúc? Đó không phải là cách giáo dục con cháu thành “người”.

Tuy nhiên, không ít bậc phụ huynh sẵn sàng bất chấp tất cả, chỉ cốt con em mình có những điểm số cao vô nghĩa, nhằm ngồi vào những vị trí được bố trí sẵn. Ngẫm lại, sẽ thật đáng sợ, đáng giật mình nếu những người với cái đầu rỗng sẽ lấy cắp cơ hội của người khác.

                               


Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam: https://baoquocte.vn/nhin-ve-san-pham-giao-duc-hom-nay-78739.html?fbclid=IwAR09K4pIyzRt9WOih3W3KxDCssd2oH13rWa5krhN-rsXEAG89bFD0PLNnnA

No comments:

Post a Comment