Giáo dục nào nhìn nhận, tôn trọng và có những phương cách giáo dục dựa trên tính duy biệt này đều là một sự giáo dục tử tế và thành công, mà giáo dục Phần Lan là điển hình.
Dựa trên tính duy biệt của từng học sinh
Khi nhìn nhận và tôn trọng tính duy biệt nơi từng học sinh, người ta sẽ tôn trọng học sinh và dạy học sinh tôn trọng người khác, bớt đi sự áp đặt trong nội dung, cũng như trong thực hành giảng dạy.
Chẳng hạn, khi người làm giáo dục và các phụ huynh ý thức sâu sắc rằng mỗi đứa trẻ có một cách đón nhận thông tin khác nhau, nổi trội về một số loại hình thông minh khác nhau, thích hợp với một môi trường học tập khác nhau, người ta sẽ không định nghĩa chữ “ngoan” là “khoanh tay lên bàn mắt nhìn lên bảng, nghe cô giáo giảng ngoan thật là ngoan” như trong một bài hát phổ biến trong nhà trường Việt Nam; hệ thống giáo dục sẽ bớt đi việc phát giấy khen hàng loạt với những tiêu chuẩn giống nhau; người lớn lại càng không thể dùng bạo lực trong lời nói và hành vi để “dạy” trẻ nhỏ…
Bởi lẽ việc khoanh tay lên bàn mắt nhìn lên bảng và nghe cô giáo giảng chỉ thích hợp với một số học sinh này mà không thích hợp với một số học sinh khác. Các nhà giáo dục hiện đại đã phân loại nhiều “chân dung” học tập khác nhau, có học sinh mạnh về thính giác, có học sinh nghiêng về thị giác, nhưng cũng có những học sinh thiên về xúc giác. Những học sinh nghiêng về xúc giác và nổi trội về loại hình thông minh vận động thường không thể ngồi yên khoanh tay và nhìn lên bảng một cách chăm chú, mà các em phải có không gian để cử động, phải đổi tư thế liên tục, phải đụng chạm sờ mó… thì mới có thểtập trung, hiểu và thâu nhận kiến thức.
Khi người lớn biết rằng việc giỏi toán và giỏi văn chỉ là những thể hiện của hai trong tám loại hình thông minh, có thể là mặt mạnh của học sinh này mà không phải của học sinh khác, thì sẽ bớt đi việc so sánh, bớt đi việc ép con mình phải trở thành “học sinh giỏi” theo cách hiểu hiện nay, và cũng sẽ bớt đi việc khen thưởng một cách công khai các “học sinh giỏi” này.
Việc thi đua khen thưởng, đề cao một số môn học, áp đặt, và nhất là sử dụng bạo lực đều là “bà con” với nhau, cùng mục tiêu ép học sinh vào một khuôn mẫu duy nhất theo ý chí của người lớn, mà khuôn mẫu của người lớn không phải lúc nào cũng đúng, và nếu có đúng và tốt, chắc chắn không phải là mẫu số chung dành cho mọi học sinh.
Được tôn trọng và tôn trọng sự khác biệt nơi người khác
Trường học lý tưởng là trường học nơi đó người lớn nỗ lực tạo ra một môi trường dành cho tất cả, trong đó sự tôn trọng được đề cao, trở thành một giá trị mạnh trong giáo dục, nhờ vậy mỗi học sinh được tôn trọng và tôn trọng sự khác biệt nơi người khác, được học tập và phát triển theo cách của mình.
Người Phần Lan thành công vì họ nhận thức tính duy biệt này và đã áp dụng sự khác biệt hoá và cá nhân hoá trong giáo dục, họ thiết kế những chương trình nội dung, nghiên cứu các phương pháp và cả tạo ra môi trường phù hợp với từng cá nhân học sinh.
Môi trường giáo dục được cấu tạo bởi bốn yếu tố khác nhau: môi trường vật lý, cảm xúc, xã hội và trí tuệ; và cả bốn yếu tố này cần được cá nhân hoá vì mỗi trẻ tương thích với một loại khác nhau. Do vậy, người Phần Lan đã tạo nên một môi trường tự do để đáp ứng với mọi khuynh hướng của tất cả các học sinh, nhằm tạo điều kiện tốt nhất giúp mỗi em phát triển tối đa khả năng của mình.
Chẳng hạn trong lớp học, họ cho phép học sinh làm việc theo cách của mình, học sinh có thể ngồi, nằm, đi lại, làm việc cá nhân hay làm việc nhóm, miễn sao điều đó phù hợp với cá thể học sinh và dĩ nhiên không làm ảnh hưởng đến các bạn khác.
Muốn được như vậy, người lớn phải chăm chút từng trẻ, hiểu biết sự khác biệt nơi từng trẻ và dạy cho trẻ hiểu biết bản thân, qua đó cùng trẻ thiết kế nên môi trường học tập, phương pháp học tập và kế hoạch học tập của riêng mình.
Đó là một ngôi trường nuôi dưỡng những ước mơ và đam mê của học sinh, cho các em một động lực học tập từ bên trong mang tính lâu dài.
Nguồn: Thế giới Hội nhập: https://thegioihoinhap.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/ngoi-truong-ly-tuong/
No comments:
Post a Comment