Wednesday, June 10, 2020

Thống nhất về khái niệm

Nguyễn Khánh Trung

Câu chuyện triết lý giáo dục đã làm tốn hao khá nhiều giấy mực, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi kết. Theo tôi, trước hết mọi người cần tìm hiểu khái niệm. Tranh luận chỉ có kết quả khi chúng ta nhất trí với nhau và cùng khởi đi từ một số điểm căn bản nào đó.

Khái niệm “triết lý giáo dục”

Nói đến khái niệm “triết lý giáo dục” là nói đến triết và giáo dục. Triết gia là những chuyên gia làm việc, suy tư trên các ý tưởng, khái niệm. Họ phân tích, xếp loại, truy vấn hay tạo ra các khái niệm mới dựa trên cơ sở lý tính, sự chặt chẽ của phép logic. Triết học là mẹ của các khoa học vì khoa học nào cũng cần sự chặt chẽ, biện chứng, lý tính và tinh thần truy vấn. Giáo dục cũng là khoa học, ngành có đối tượng là con người nên lại càng cần sự soi sáng của triết học.

Như vậy, khái niệm “triết lý giáo dục” ám chỉ những suy tư, truy vấn mang tính triết lý trên mọi khía cạnh của giáo dục, là việc “đặt vấn đề trên tất cả những gì chúng ta biết và chúng ta tin trong giáo dục” (Reboul, 1989, tr.13). Theo đó, định nghĩa này của Olivier Reboul nhấn mạnh đến ba chiều kích. Tính toàn bộ, nghĩa là không có khía cạnh nào trong giáo dục thoát ra khỏi sự truy vấn của triết học. Tính triệt để, sự truy vấn phải đi tới cùng, tới nguồn cội, không thể có chuyện bàn đến cách giảng dạy thế nào mà không đặt câu hỏi trên các mục tiêu của việc giảng dạy đó là gì. Tính thực tế cuộc sống, sự truy vấn không chỉ dừng lại ở những tri thức, nội dung được giảng dạy, mà còn trên sản phẩm được đào tạo, liệu học sinh sau khi ra trường sẽ thế nào trong sự tương quan với xã hội và thế giới công việc?

Nghĩa là khi nói đến triết lý giáo dục là nói đến tính triết lý, là mức độ và chất lượng các tư tưởng trên các khía cạnh của giáo dục, đặc biệt là mục tiêu giáo dục. Triết lý giáo dục khác với triết học giáo dục, khác học thuyết (doctrine), mặc dù nó có mối liên hệ với nhau.

Phải rõ ràng, mạch lạc và thuyết phục

Đọc các điểm trong mục tiêu giáo dục quốc gia của Pháp hay Phần Lan, tôi thấy họ định nghĩa một cách chí lý, phù hợp thời thế, thuyết phục. Tức là họ có triết lý giáo dục ở tầm mức cao. Tư tưởng ở tầm vĩ mô rõ ràng, mạch lạc và thuyết phục được mọi người, thì phương thức tổ chức, giảng dạy từ trên xuống dưới cũng sẽ dễ dàng và mạch lạc.

Còn khi đọc mục tiêu giáo dục của ta thể hiện trong các văn bản, tôi thấy có nhiều mâu thuẫn, khó thuyết phục… Nghĩa là “triết lý giáo dục” của ta yếu lý lẽ và không hợp thời, không thu hút được lòng người, chứ không phải là không có hay chưa có. Nếu tôi thấy như thế thì có lẽ nhiều người khác cũng thấy thế. Tư tưởng ở tầm vĩ mô đóng vai trò dẫn đạo mà mập mờ, thiếu thống nhất, thiếu tính thuyết phục thì làm sao có thể thấm vào tâm vào não của từng giáo viên, từng học sinh, từng phụ huynh để cùng nhau hướng về một cái đích chung! Vậy nên chúng ta cãi nhau mãi, trong khi giáo dục xuất hiện nhiều chuyện phi lý đến khó tin, cũng là điều không có gì lạ.

Tôi nghĩ chúng ta đừng đổ hết điều này cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, vì nó liên quan đến chủ thuyết, đến “lý tưởng” đang dẫn dắt xã hội nói chung và nền giáo dục nói riêng. Như Durkheim, nhà sáng lập xã hội học người Pháp từng nói đại ý: Những gì xảy ra trong giáo dục là dấu chỉ, là phản ánh của những gì đang xảy ra ngoài xã hội. Nên việc thiếu tính triết lý trong hệ thống giáo dục phản ánh sự thiếu tính triết lý trong xã hội. Không có một nền giáo dục xuất sắc trong một xã hội chậm tiến và ngược lại. Nếu ngoài xã hội không cổ vũ tinh thần khai phóng, không khuyến khích óc phản biện và sáng tạo, thì nhà trường khó lòng nuôi dưỡng, phát triển được những điều này và ngược lại.

Ở các nước phát triển thì xem đó là vốn chất xám của xã hội và của mỗi cá nhân. Một trong những nhiệm vụ trọng yếu nhất của hệ thống giáo dục là truyền bá chúng, phản biện chúng, làm mới chúng, phát triển chúng… với mục tiêu là mỗi cá nhân đạt đến sự trưởng thành, độc lập trong tư duy, biết và có thói quen phản biện. Tôi nghĩ chỉ như vậy thì quốc gia mới có thể phát triển cao và sâu, trở nên hùng cường về mọi mặt.

Vậy nên phải luôn như câu khẩu hiệu của Tạp chí sư phạm ở Pháp: “Thay đổi xã hội để thay đổi nhà trường, thay đổi nhà trường để thay đổi xã hội” (Cahiers Pedagogiques).

Khi giáo dục không có hoặc yếu triết lý, thì xã hội cũng vậy, thiếu nền tảng và mất định hướng, cá nhân và quốc gia đều chênh vênh! Do đó, trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, các chuyên gia nên nghiên cứu, tranh luận một cách kỹ lưỡng nhằm rút ra những lý luận mang tính triết lý, làm nền tảng chắc chắn cho hệ thống giáo dục.

Nguồn: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=78&NewsId=413185&fbclid=IwAR3IaqqrWmsPDES83lMsR8-nJNJGWD0A2vwbitp7qaC_7cLqoQWRfAERouA

No comments:

Post a Comment