Wednesday, June 10, 2020

Giảng dạy sử trong chương trình lớp 6 ở Pháp

Nguyễn Khánh Trung

Cuộc thi tốt nghiệp phổ thông trung học cơ sở năm 2018 vừa kết thúc và khi điểm số được công bố, không ai có thể làm ngơ trước con số: 83% bài thi môn sử dưới điểm trung bình, trong đó có gần 50% bài bị điểm liệt.


TS Trần Khánh Trung, giám đốc trung tâm Emile Việt Education (EVE) tại Sài Gòn, đã gởi đến báo TGTT bài viết về giảng dạy sử ở chương trình lớp 6 của Pháp, như một ý kiến tham khảo cần thiết cho môn này ở Việt Nam.

Môn sử ở Pháp được giảng dạy thế nào?

Thử tìm hiểu điều này thông qua cuốn sách giáo khoa lớp 6 “tích hợp” gồm ba môn: lịch sử – địa lý – giáo dục đạo đức và công dân. Xuyên suốt các bài học trong sách giáo khoa có năm hoạt động: tranh luận, đóng vai, thuyết trình, biện luận và thực hiện những chọn lựa và nghiên cứu.

Từ khoá chính trong từng trang sách là “competence” (năng lực, kỹ năng). Các kỹ năng được chia thành bốn mức khi đánh giá học sinh: mức 1 là chưa đạt; mức 2 là còn yếu; mức 3 là thoả mãn và mức 4 là đạt.

Nhiệm vụ của mỗi phần, mỗi chương là để trang bị cho các học sinh một số kỹ năng cụ thể, đó là các kỹ năng về làm việc nhóm, các kỹ năng của nhà nghiên cứu như biết đặt câu hỏi, thiết lập các giả thuyết, kiểm chứng, biện luận, khai thác các tài liệu, xác định thời gian, không gian, viết, trình bày…

Phần cuối của mỗi chương luôn có phần bài tập và phần để các học sinh tự đánh giá một số kỹ năng của bản thân. Trong các phần luôn có hộp thông tin (box) quan trọng dẫn các em đến các trang web để tải một phần mềm miễn phí; nhằm sử dụng vào việc học hoặc để làm bài tập, xem một phim tài liệu, một bộ sưu tập của bảo tàng số…

Như vậy có thể thấy, học sinh không học thuộc lòng các kiến thức có sẵn mà học để có năng lực, học phương pháp, học cách tư duy và thực hành của nhà sử học.

Nội dung của chương trình

Chương trình lịch sử lớp 6 ở Pháp có ba chủ đề lớn.Ở đây, tôi chỉ trình bày chương 1 của chủ đề 1 như một ví dụ để minh hoạ sâu hơn những gì đã trình bày ở trên.

Chủ đề 1 “Lịch sử dài của nhân loại và di cư” được chia thành ba chương. Chương 1 là “Khởi đầu của loài người”. Trang đầu tiên trước khi đi vào nội dung gồm các nội dung: ba câu hỏi trắc nghiệm và những câu trả lời để xem những gì học sinh đã biết trước khi đi vào nội dung chương này; nêu rõ mục tiêu “trong chương này, sẽ: xác định những giai đoạn chính của thời tiền sử, mô tả lối sống của người tiền sử và giải thích con người đã cư trú trên hành tinh thế nào”.

Ngoài ra, còn có những yêu cầu: chỉ dẫn học sinh truy cập web để xem video tài liệu Sự phiêu lưu của những con người đầu tiên, yêu cầu học sinh theo dõi nắm bắt những phát hiện của các nhà nghiên cứu sinh học cổ và khám phá những sưu tầm của bảo tàng mới về con người; trình bày những kỹ năng mà học sinh sẽ phải đạt được thông qua việc học bài này: kỹ năng 1: biết và sử dụng được các thuật ngữ thích hợp; kỹ năng 2: sử dụng được một tài liệu; kỹ năng 3: làm việc nhóm và kỹ năng 4: biết tự định vị trong thời gian. Mỗi phần trong nội dung của chương sẽ gắn với một kỹ năng cụ thể.

Học sinh làm gì?

Trong box đầu chương, học sinh được yêu cầu nhập vai như thành viên của nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra bộ xương hoá thạch năm 1984 có biệt danh là “Thiếu niên Turkana”.Nhiệm vụ của học sinh là làm việc nhóm để nghiên cứu và trình bày bằng một bài viết.

Để giúp học sinh làm điều này, trong một box khác, các tác giả sách giáo khoa đem ra những câu hỏi cụ thể chẳng hạn: cái gì? ở đâu? trong tình trạng nào? trong lớp đất nào? tương ứng với thời kỳ nào? Học sinh có thể tìm các thông tin trong các mục sau đó như giới thiệu địa điểm khai quật phát hiện ra bộ xương, so sánh với các bộ xương người tiền sử khác, các công cụ lao động đầu tiên của người tiền sử.

Sách cũng không quên hướng dẫn các học sinh tải phần mềm để làm cho bài viết đẹp hơn với yêu cầu trình bày ngắn gọn bằng ngôn ngữ của lớp 6.

Thông qua thực hành trong chương này, học sinh học được các năng lực: làm việc nhóm, tự đặt các câu hỏi và các giả thuyết, kiểm chứng, biện luận. Đó là những kỹ năng, năng lực của nhà sử học, nhà nghiên cứu!

Dạy sử là để tập cho học sinh các kỹ năng và thói quen của nhà sử học: biết nghiên cứu, biết đọc các dữ liệu lịch sử, biết phản biện và tư duy độc lập, biết trình bày bằng văn bản và bằng lời các vấn đề lịch sử. Không phải ngẫu nhiên mà người trẻ tại các nước phát triển nói chung và Pháp thường tỏ ra tự chủ, có chính kiến, biết làm việc nhóm và hợp tác với người khác một cách hiệu quả. Trong khoa học, họ có nhiều phát minh, nhiều công bố quốc tế, ít đạo văn… vì tất cả những điều này đã được luyện tập rất kỹ trong các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông.

Nguồn: Thế giới Hội nhập: https://thegioihoinhap.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/giang-day-su-trong-chuong-trinh-lop-6-o-phap/

No comments:

Post a Comment