Wednesday, July 10, 2013

Thi riêng hay thi chung?

Ngọc Hà, Hải Minh

Điều này được xem là “vượt kế hoạch” khi trước đó bộ liên tục khẳng định “ba chung” sẽ vẫn là hằng số cho việc tuyển lựa sinh viên của các trường ĐH, CĐ ít nhất cho đến năm 2015.

Trước đó, những lùm xùm về xét duyệt đề án tuyển sinh riêng của Trường ĐH Phan Châu Trinh cho thấy dù là cơ quan quản lý nhà nước nhưng Bộ GD-ĐT vẫn tỏ ra thiếu kinh nghiệm trong xử lý thông tin, xét duyệt đề xuất của các trường. Một bản đề án tuyển sinh chia làm năm tiêu chí, đến khi chủ động thông tin cho báo chí Bộ GD-ĐT lại tự động rút gọn thành hai tiêu chí và lại là hai tiêu chí dễ bị “ném đá” nhất.
Diễn giải về sự lạ đời này, nhà văn Nguyên Ngọc – chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH Phan Châu Trinh – nói: “Năm tiêu chí của chúng tôi gồm: 1/điểm thi ĐH, 2/điểm thi tốt nghiệp THPT, 3/kết quả tổng kết ba năm THPT, 4/kết quả kiểm tra về khả năng tư duy và 5/kết quả phỏng vấn trực tiếp. Mỗi tiêu chí được đánh giá bằng 20% tổng số điểm. Sau khi trường trình lên, lãnh đạo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục gọi điện gợi ý bỏ tiêu chí đầu tiên về điểm thi ĐH đi, đề án sẽ được phê duyệt.
Tôi thật sự ngạc nhiên vì cứ nghĩ mình chỉ tính điểm thi ĐH bằng 1/5 tổng điểm xét tuyển có thể khiến bộ không vui vì… coi nhẹ kỳ thi quốc gia. Đồng ý với đề nghị của bộ, trường định nhấn mạnh vào hai tiêu chí 4, 5 vì biết chắc dựa vào thi tốt nghiệp THPT cũng như kết quả học tập THPT không đáng tin cậy, dễ gây phản ứng. Nhưng tôi phải thêm một lần ngạc nhiên nữa khi Bộ GD-ĐT đưa phương án của trường ra dư luận lại chỉ gom vào hai tiêu chí 3 và 4, dựa vào kết quả học phổ thông”.
Song, nói đi thì nói lại. Bộ không lo lắng không được. Trong những phương án tuyển sinh riêng trình lên bộ lần này có trường còn đưa ra tiêu chí độc đáo: ưu tiên xét tuyển thí sinh là học sinh các trường THPT trên cả nước có trùng tên với trường ĐH và thí sinh có hộ khẩu thường trú tại quận có dự án của trường ĐH này (?!).


Tuyển sinh riêng dành cho ai?
Thực tế không phải trường ĐH nào cũng muốn tuyển sinh riêng. Năm 2011, 2012, rồi 2013, Bộ GD-ĐT liên tục khuyến khích các trường ĐH trọng điểm, ĐH quốc gia xây dựng đề án tuyển sinh riêng, thí điểm mô hình, rút kinh nghiệm để bộ làm nền tảng nhân rộng và phổ biến đại trà.
Nhưng có vẻ không dễ để bộ tận dụng được “chất xám” của các trường đầu tàu. Bằng chứng là mấy mùa tuyển sinh chậm rãi trôi qua, các trường lớn vẫn lặng thinh, không đề ra được phương án mẫu. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – nơi Bộ GD-ĐT “gửi trọn niềm tin” bởi có đội ngũ giảng viên tham gia khá sâu vào quy trình tổ chức thi ĐH hằng năm – đã trình phương án tuyển sinh lên bộ, nhưng rốt cục cũng không thể triển khai.
Nhìn trường ĐH của mình khước từ quyền tuyển sinh riêng mà nhiều trường đang mơ ước, chính những cán bộ trong trường cũng rộ lên thắc mắc. Hóa ra cái khó không phải là phương án thuyết phục Bộ GD-ĐT, mà chính là làm sao không gây… thiệt hại cho nhà trường.
“Nếu tuyển sinh cùng đợt với “ba chung” mà kết quả thi riêng vào trường lại không làm căn cứ để xét tuyển vào trường khác thì sẽ không nhiều thí sinh thi vì cho rằng đó là phương án liều lĩnh. Nếu để lui lại sau đó thì thí sinh dự thi sẽ kém chất lượng hơn khi các em khá giỏi đã trúng tuyển vào trường khác.
Phương án thi trước “ba chung” cũng không phù hợp khi thí sinh trúng tuyển ĐH Bách khoa Hà Nội rồi lại lặng lẽ chinh chiến tiếp ở “ba chung” và lựa chọn trường trúng tuyển sau đó thì trường không đủ sức giải quyết hậu quả của lượng sinh viên ảo, trúng tuyển rồi không nhập học”- ông Nguyễn Cảnh Lương, phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ.
Phương án “tuyển sinh riêng, từng phần” do đó chỉ còn là sân chơi cho các trường ngoài công lập đang chật vật hút thí sinh.
Cơ hội hồi sinh cho các trường khó tuyển?
Đây có phải là cơ hội lớn cho các trường ngoài công lập hồi phục sau mấy năm tuyển sinh èo uột? Phải chờ đến kỳ tuyển sinh riêng diễn ra mới có câu trả lời chính xác, nhưng ngay từ bây giờ các trường đã khấp khởi tin vào sự đổi thay ngoạn mục.
Ngay cả Bộ GD-ĐT cũng xem đây là việc trao quyền mạnh mẽ cho các trường khi nhắn gửi: nếu trường muốn hạn chế số lượng tuyển sinh theo “ba chung” thì có thể quy định điểm chuẩn cao hơn điểm sàn để dành chỉ tiêu cho tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT có vẻ quá lo xa.
“Cách tính điểm sàn mới có thể giúp trường lấy điểm trúng tuyển thấp hơn. Nhưng nếu tuyển đủ nhờ ba chung rồi thì cũng chả vội tuyển sinh riêng làm gì” – lãnh đạo một trường ĐH bộc bạch.
Nhiều người băn khoăn tại sao bộ lại đột ngột đưa ra chủ trương lớn cho phép các trường thi riêng khi kế hoạch “ba chung” nhiều lần được nhắc đến sẽ là mệnh đề tuyển sinh không đổi cho đến năm 2015? Cùng một trường ĐH lại có hai phương thức tuyển sinh: vừa theo “ba chung”, vừa tuyển sinh riêng với yêu cầu, độ khó của đề thi nhiều khác biệt, bộ có lo lắng chất lượng thí sinh không đồng đều?
Trả lời câu hỏi này của TTCT, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga lý giải: “Luật giáo dục ĐH đã cho phép các trường được tuyển sinh riêng theo quy chế do bộ ban hành. Chính vì xã hội còn băn khoăn về chất lượng nguồn tuyển nên các trường cần có phương án tuyển sinh cụ thể để bộ xem xét, cân nhắc.
Việc Trường ĐH Phan Châu Trinh tổ chức thi riêng bằng đề thi của trường (2007) vào thời điểm đó là vi phạm quy chế tuyển sinh vì Luật giáo dục chưa cho phép, phương án tuyển sinh của trường cũng chưa được bộ phê duyệt. Song chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH Phan Châu Trinh đã khẳng định lứa sinh viên đó học rất tốt.
Kinh nghiệm của Trường ĐH Phan Châu Trinh có thể được áp dụng trong bối cảnh Luật giáo dục ĐH cho phép các trường được tự chủ tuyển sinh. Bộ sẽ kiểm tra, giám sát, đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, công bằng”.
Nhà văn Nguyên Ngọc cho biết: “500 sinh viên tuyển được của năm ấy đều là các em rớt ĐH “ba chung” trước đó, giờ lại có đến 90% có việc làm. Có em sau tốt nghiệp, thi cao học tại Trường ĐH KHXH&NV đạt điểm cao nhất về lý luận văn học. Như vậy sao nói chất lượng của thi riêng không bằng “ba chung” được?”.
Trao đổi với TTCT, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng việc cho những trường ngoài công lập đã trình đề án tuyển sinh riêng tiếp tục nghiên cứu, đề ra phương án mới khả thi cho tuyển sinh riêng không hoàn toàn là cách cứu các trường khỏi khó khăn như nhiều người nghĩ, mà còn mang sứ mệnh lớn lao hơn: là tiền đề đổi mới tuyển sinh cả nước sau năm 2015.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Bộ đã đề nghị các trường ĐH trọng điểm đầu tư nghiên cứu phương án, nhưng các trường không triển khai được. Bộ đánh giá cao sự hăng hái xây dựng phương án tuyển sinh riêng từ tám trường ĐH ngoài công lập và sẽ cùng các trường tìm phương án phù hợp cho đổi mới tuyển sinh sau này. Phương án đổi mới thi toàn quốc có thể được bắt nguồn từ một trong các phương án mà các trường ngoài công lập sẽ triển khai và đạt hiệu quả, hoặc có thể được tích hợp từ việc rút kinh nghiệm từ các phương án khác nhau”.
Ông cũng khẳng định bộ khuyến khích và đề nghị từng trường đưa ra phương án riêng chứ không phải cùng xây dựng chung một phương án, tránh việc tổ chức thêm một kỳ thi chung khác bên cạnh “ba chung”.

Sao cứ phải thi?Tương tự Việt Nam, mỗi năm hàng triệu học trò Trung Quốc phải ngồi yên trong cuộc marathon chín tiếng đồng hồ vào các trường đại học, khiến kỳ thi đại học ở nước này được xếp vào loại khó nhất thế giới và trở thành nỗi ám ảnh toàn quốc vì được coi là cánh cửa mở ra cơ hội đổi đời. Năm nay, hàng nghìn phụ huynh và học sinh ở tỉnh Hồ Bắc đã biểu tình phản đối quyết liệt các biện pháp thắt chặt kỷ luật thi cử của nhà chức trách sau khi ở kỳ thi năm ngoái, trong một môn thi tại tỉnh này có tới 99 bài thi giống hệt nhau. Kỳ thi năm nay, giám thị được trang bị cả máy dò tìm kim loại để phát hiện các thiết bị thu phát bí mật trên người học sinh.
Không chỉ có những nước đang phát triển hoặc Á Đông trọng khoa cử như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản (và Việt Nam) mới có những kỳ thi đầy áp lực như thế.
Ở Anh, Xứ Wales và Bắc Ireland, tất cả học trò từ 15-16 tuổi phải tham gia kỳ thi GCSEs (các chứng chỉ tổng quát cho giáo dục phổ thông cơ sở) với khoảng 10-11 môn thi. Sức ép cũng rất lớn. Và hai năm sau đó các em lại phải tham gia một kỳ thi toàn quốc nữa để chính thức có bằng A, một kiểu bằng tú tài.
Liệu các kỳ thi có đánh giá chính xác mức độ thành đạt của một học trò, cả trên đường học vấn quá khứ lẫn đường đời sau này? Liệu hủy bỏ các kỳ thi cấp III hay đại học có phải là điều nên làm?
Chuyên gia về giáo dục của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) Eric Charbonnier nói trên trang blog của báo Le Monde (educationdechifree.blog.lemonde.fr) rằng nhiều nước (bao gồm Việt Nam) đã copy mô hình “tú tài” của Pháp, được hình thành từ thời Napoleon năm 1808, với các kỳ thi kết thúc vào cuối chu kỳ phổ thông trung học.
Một số nước cũng có các hệ thống đánh giá khác tồn tại song song như đánh giá qua học bạ, các bài tiểu luận để đăng ký học đại học và cả phỏng vấn trực tiếp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia OECD, hệ thống “tú tài” vẫn có tính chất phổ cập nhất.
Nhật Bản có kế hoạch bỏ thi đầu vào đại học trong vòng năm năm tới. Nước Pháp lên tiếng về cái giá quá đắt (1,5 tỉ euro) cho kỳ thi tú tài. Mỹ chỉ còn 26 bang tổ chức thi tốt nghiệp trung học. Trên toàn cầu, khuynh hướng đánh giá giáo dục đang chuyển theo đánh giá mềm, dài hạn và có quá trình, thay vì chỉ thông qua một kỳ thi duy nhất.
HẢI MINH
Nguồn: http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Van-de-Su-kien/557690/thi-rieng-hay-thi-chung.html

No comments:

Post a Comment