Tuesday, July 2, 2013

Khoảng rộng sáng tạo cho cả thầy và trò



Vũ Quần Phương

Hiện tình đáng buồn của môn văn hôm nay hẳn phải là kết quả một suy thoái tiệm tiến nhiều năm, nảy sinh từ một nhầm lẫn nào đó trong quan niệm về chức năng văn chương, về phương pháp dạy và học văn.

Khi lều chõng của lối thi cựu học bút lông giấy bản xếp lại, nền học mới “á â u ơ ngọn bút chì” (Tú Xương) khai sinh. Cách dạy và học văn theo tân học cũng hình thành và đã đào tạo nên nhiều nhà phê bình nghiên cứu, nhà sáng tác văn chương tài năng, tạo dựng nền văn chương hiện đại của nước nhà. Cách dạy và học văn ấy chắc hẳn phải có chỗ hợp lý nên mới có đóng góp như vậy. Và hiện tình đáng buồn của môn văn hôm nay hẳn phải là kết quả một suy thoái tiệm tiến nhiều năm, nảy sinh từ một nhầm lẫn nào đó trong quan niệm về chức năng văn chương, về phương pháp dạy và học văn.

Về chương trình môn văn trung học
Muốn tác động tới trí tuệ của trò, thầy phải có kiến thức sâu sắc. Muốn tác động tới cảm xúc, thầy phải có cảm hứng khi truyền thụ. Vế trước nhờ đào tạo mà có. Vế sau trông đợi nhiều ở phẩm chất tâm hồn, dù rằng phẩm chất này qua rèn luyện cũng có thể hình thành và phát triển. Nhưng để hai điều kiện tiên quyết đó được cộng hưởng tác động trong giảng dạy thì người thầy cần có một khoảng không gian sáng tạo đủ rộng.
Phải chăng do quá coi trọng chức năng giáo dục, nhất là giáo dục chính trị, mà trong cấu tạo chương trình các nhà tu thư khi chọn tác phẩm hoặc khi luận bình đã để văn chương lấn sang xã hội học, chính trị học, biến văn chương thành một môn giáo dục công dân thô sơ?
Văn chương làm nhiệm vụ tuyên truyền cho đủ thứ nhưng lại quên tuyên truyền cho chính mình. Tuyên truyền bằng vẻ đẹp say người của mỹ học văn chương. Khi chọn lựa những tác phẩm văn chương cả cổ điển lẫn hiện đại để đưa vào giảng dạy, người soạn sách thường nặng về phẩm chất hiện thực, có giá trị như chứng tích tố cáo xã hội cũ mà coi nhẹ những tác phẩm lãng mạn trữ tình, ẩn chứa những cảm xúc, những khát vọng hay nông nỗi sâu sắc của con người. Trò và rồi cả thầy cứ mơ hồ dần những giá trị thẩm mỹ, nơi người đọc được hưởng thụ cái hay, cái mê đắm thiết cốt của văn chương, nơi tâm hồn con người được cất cánh cao hơn mặt bằng so bì sai đúng hơn thua.
Do vậy văn chương mất dần sức hấp dẫn với trò và cũng lấy dần cảm hứng dạy của thầy. Dạy văn mà chọn sự thì dễ dạy, dễ học nhưng không sâu sắc, không say mê. Dạy vào tâm thì người dạy khó truyền thụ, người học khó nắm bắt, nó dễ mơ hồ. Nhưng đấy mới là chỗ đến của văn chương. Phân biệt sự và tâm nhiều khi không dễ, ranh giới giữa chúng có khi mảnh như sợi tóc nhưng khác biệt về chất lại như hai thế giới.
Vào ngày tết một năm sáu mươi nào đó, buổi văn nghệ dành cho nhi đồng trên Đài Tiếng nói VN mở đầu bằng lời đồng thanh của các cháu: “Chúng cháu kính chúc Bác Hồ mạnh khỏe sống lâu”. Rồi: “Chúng cháu kính chúc các bác Trung ương Đảng…”. Hai câu chúc đồng dạng về hình thức, đồng dạng cả về nội dung nhưng là hai khác biệt.
Bác Hồ, các cháu biết. Các cháu chúc Bác là chúc một con người cụ thể như khi chúc ông bà, cha mẹ. Trong lời chúc ấy mang tình cảm, mang sự sống. Nhưng khi chúc các bác trung ương, với tuổi các cháu, là chúc một khái niệm, chả biết bác trung ương là bác cụ thể nào nên không thể có tình cảm ẩn trong lời chúc. Lời chúc không có đối tượng, trẻ con nói mà vô cảm, chỉ là làm một việc hình thức. Việc không gây tổn hại nhỡn tiền, nhưng cứ lặp đi lặp lại từ lời chúc đến lời hứa, lời thề, cứ nói điều mà mình không nghĩ, không cảm sẽ làm hỏng nhân cách, làm suy thoái nền tảng văn hóa. Các nhà soạn sách cần tinh tường loại bỏ những bài văn không văn như lời chúc không chúc trên đây để trả lại phẩm chất hàng đầu của văn chương là cảm xúc chân thật. Cần phân biệt đức Phật với ông tượng gỗ, phân biệt quốc kỳ với vuông vải đỏ có ngôi sao. Một đằng mang hồn, một đằng chỉ là cái xác vật chất.
Tìm nhân sự có đủ năng lực thẩm định văn chương và kinh nghiệm sư phạm để cấu tạo chương trình học văn cho các lớp trung học là việc không dễ. Cần nhiều cẩn trọng và công sức. Những nhà sư phạm, nhà nghiên cứu và nhà văn, nhà thơ nên có sự phối hợp. Đầu tư một lần làm nền tảng và duy trì liên hệ trong mỗi lần chỉnh sửa.

Về phương pháp dạy và học
Văn là môn học vừa tác động vào trí tuệ vừa tác động vào tâm hồn. Phải cả hai tác động đó mới hoàn thành một quá trình truyền thụ, hưởng thụ văn chương. Muốn tác động tới trí tuệ của trò, thầy phải có kiến thức sâu sắc. Muốn tác động tới cảm xúc, thầy phải có cảm hứng khi truyền thụ. Vế trước nhờ đào tạo mà có. Vế sau trông đợi nhiều ở phẩm chất tâm hồn, dù rằng phẩm chất này qua rèn luyện cũng có thể hình thành và phát triển. Nhưng để hai điều kiện tiên quyết đó được cộng hưởng tác động trong giảng dạy thì người thầy cần có một khoảng không gian sáng tạo đủ rộng.
Hiện nay trong các giáo trình giảng dạy, không gian sáng tạo của thầy bị thu hẹp quá nên chỉ có thể thích ứng chứ không tạo dựng được cảm hứng riêng. Học tác giả nào do giáo trình quy định. Việc này cần để có tính thống nhất trong các bậc học. Nhưng việc chọn bài nào, đoạn trích nào để giảng liệu có cần phải bắt buộc tuân thủ như thế không. Bắt buộc đến cả các ý phải giảng trong bài thì tước hết quyền và trách nhiệm phát hiện của thầy. Thầy giỏi không có chỗ dùng những khám phá của mình, thầy lười không cần vượt qua cái lười cũng có thể đạt yêu cầu trong việc trung chuyển đám kiến thức đóng gói từ sách giáo khoa sang nhận thức học trò. Việc này có cái tiện là trong giai đoạn người dạy còn thiếu năng lực thì giáo trình như một thứ phác đồ điều trị của y tế cơ sở, cứ bệnh ấy thì thuốc ấy. Tiện nhưng kém hiệu quả vì phác đồ quá máy móc, không căn cứ đến yếu tố người bệnh. Đó là biện pháp cực chẳng đã, không thể kéo dài.
Giáo trình giảng văn trung học kiểu “thức ăn đóng hộp” ấy không những đã kéo dài mà ngày càng khô cứng, nguội lạnh. Khô nguội nhất là thời kỳ luyện thi văn chương theo bộ đề – một cách học tủ – thủ tiêu mọi cảm nhận vụt đến của tâm hồn, thủ tiêu cả những đột phá của nhận thức, nhất là làm biến mất bản lĩnh nghị luận hệ thống của cá thể tư duy. Học như máy và những cái máy học ấy nuốt chửng cả con người. Con người mất đi niềm vui buồn sinh động trước trang văn.
Tạo khoảng rộng sáng tạo cho thầy dạy và cho trò học bằng cách nào? Chắc chắn có nhiều cách. Tôi xin đưa một biện pháp từ chiêm nghiệm của chính mình. Ấy là giáo trình không chọn một bài cố định mà nên chọn một số bài gợi ý. Thầy có thể chọn bài trong số này và cũng có thể chọn ra ngoài, nếu đủ tự tin. Thí dụ đối với thơ Nguyễn Khuyến: những bài về làng cảnh, những bài về tâm sự trí thức trước thời cuộc, những bài đả kích châm biếm… đều có hàng loạt. Khi thầy và sau đó là trò đã nắm vững những tình ý và phong cách nghệ thuật của tác giả thì việc chọn bài thơ nào sẽ rất tung hoành, mạch văn bình luận cũng sẽ rất hồn nhiên, tràn đầy sự sống. Chính nét hồn nhiên và tung hoành ấy tạo nên cảm hứng cho thầy dạy và trò học. Thầy và trò thành những cá thể đối thoại và cùng đối diện với văn chương chứ không phải là cái máy phát đặt cạnh cái máy thu.
Thuở nhỏ, tôi đã được dự những buổi học văn, mà học sinh ở lớp khác không có tiết học cũng xúm đông ngoài cửa sổ say mê nghe nhờ. Tôi vào nghề văn chương bằng kiến thức văn học của trường trung học. Tôi biết ơn những cơn nhập đồng đầy cảm hứng của các thầy Hoài Việt, Nguyễn Xuân Huy, Nguyễn Uyển Diễm, Trần Lê Văn (thời trung học đệ nhất cấp, sau này gọi là cấp II) và các thầy Nguyễn Tường Phượng, Đoàn Nồng, Đái Xuân Ninh (thuở cấp III). Giáo án cháy biến để thầy trò hồn nhiên buông thả trực giác mà truyền thụ và cảm thụ. Dạy và học như thế thật sự là những cơn hưởng thụ văn chương để lại ấn tượng suốt đời người.
Ở Mỹ hiện nay, tôi thấy ngay từ cấp I thầy đã giao cho trò một chùm truyện hoặc thơ để trò tự chọn lấy một mà làm bài. Cấp tiểu học là bài tóm tắt nội dung và một vài cảm nhận, cấp trung học đã là thu hoạch nhận thức, cảm xúc và cao hơn là bình luận, phê phán. Ở Pháp, có năm một tờ báo đăng bài làm văn của học trò gây chấn động trong giới viết. Ngay ở ta, ý phê phán của các em về hành vi Tấm giết Cám và ý chỉ trích sen sớm quên bùn (gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn) mới đây đã làm cả xã hội giật mình nghĩ ngợi. Không chỉ nghĩ ngợi nghĩa lý văn chương mà nghĩ về cái thời mình đang sống. Và đấy mới chính là hiệu quả đích thực của văn chương mà rõ ràng nay đã nằm ngoài giáo trình, giáo án.
Việc tạo khoảng rộng cho thầy sáng tạo chính là cách tạo nên bản lĩnh tư duy cho trò, điều mà nền giáo dục của ta đang thiếu.

(Sau đây là một chia sẻ của một bạn đọc trên Học thế nào)

Bài viết của bác Vũ Quần Phương đã thể hiện được những suy nghĩ rất sâu sắc và mới mẻ. Dạy và học văn là phải như thế! Nhưng xin chia sẽ thêm với bác mấy vấn đề từ góc nhìn của người đang đứng trên bục giảng. Cái “khoảng rộng sáng tạo” mà bác đề cập đến rất hay, bản thân tôi cũng đã nghĩ và đã làm. Nhưng khổ một nỗi, như bác nói, chương trình như thế thì sáng tạo làm sao? Đề thi như thế thì sáng tạo làm sao? Kiểu đề thi TN cũng như tuyển sinh ĐH hiện nay, gọi là sáng tạo nhưng thực chất là chưa : có sáng tạo được 30% nhưng là sáng tạo trong khuôn khổ. Dạy mà học trò thi không đỗ, điểm thấp thì ai chấp nhận sự sáng tạo bây giờ? Đây cũng là lí do ra đời những trung tâm luyện thi kiểu “ê a” mà báo chí nói trong thời gian vừa qua!
Học trò không đam mê học môn Văn là do học môn này, chọn nghề rất khó, ra trường xin việc cũng rất khó. Mà không đam mê thì sáng tạo làm sao?
Giáo viên dạy môn Văn, một phần (1/3 thôi) là rất giỏi về chuyên môn, có đủ hai yếu tố đáp ứng khả năng sáng tạo trong dạy học như bác nói, và họ cũng đang dạy học sáng tạo. Nhưng 2/3 còn lại thì sao? Tiền thân là những học sinh không học được khối nào thì vào khối C, không thi đâu được thì vào Sư phạm. Số này sao mà có nổi tâm hồn để cảm thụ văn chương. Họ chỉ đọc thuộc sách GV, hay một bài văn mẫu rồi lên đọc lại cho HS. Sáng tạo làm sao thưa bác Phương!
Rồi đây SGK mới sẽ thay thế SGK hiện hành, có thể theo hướng mà bác Phương p/t ở trên. Nhưng tôi đảm bảo với bác rằng, 2/3 gv mà tôi đề cập tới ở trên sẽ không thể dạy tốt, thậm chí không dạy nổi. Họ sẽ chỉ chọn những bài mà họ đã dạy từ những năm trước, mặc cho có phù hợp với tình hình hay không? mặc cho HS có thích học bài ấy hay không?
Và như thế, SGK mới mà vẫn cũ!


No comments:

Post a Comment