Tuesday, July 30, 2013

Lương giáo viên cao hay thấp? – Nhóm nghiên cứu đề tài 01/2010


HTN: Vừa qua, nhóm nghiên cứu của Quỹ Hoà bình và Phát triển do bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó Chủ tịch nước chủ trì tiến hành nghiên cứu đề tài khoa học cấp nhà nước về cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông. Học Thế Nào xin giới thiệu với bạn đọc một đoạn trích  báo cáo kết quả đề tài với nội dung phản ánh thực trạng chính sách tiền lương và phụ cấp giáo viên. Tiêu đề do Nhóm biên tập Học Thế Nào đặt.

Nghị quyết TW 2 (khóa 8) của Đảng CSVN đã yêu cầu “Lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm chế độ phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng do Chính phủ quy định”.[1] Để thể chế hóa, Luật Giáo dục đã quy định tại Điều 81, nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ. Ở đây, theo Điều 82 của đạo luật này, các phụ cấp khác là: phụ cấp cho giáo viên dạy các trường nội trú, bán trú và dự bị đại học dành cho con em người dân tộc thiểu số; phụ cấp cho giáo viên các trường năng khiếu về khoa học, nghệ thuật, thể dục-thể thao, và các trường dành cho trẻ em khuyết tật v.v… Ngoài ra, giáo viên dạy ở những vùng KTXH đặc biệt khó khăn (như vùng núi, hải đảo, vùng cách xa các trục lộ giao thông còn được hưởng phụ cấp khu vực và được chính quyền địa phương tạo điều kiện về chỗ ở (như xây nhà công vụ hoặc cấp đất thổ cư).
Những quy định của Luật Giáo dục về lương và phụ cấp đối với giáo viên được thể hiện cụ thể trong các Nghị định của Chính phủ liên quan đến tiền lương và phụ cấp của công chức, viên chức trong đó có quy định riêng thang bảng lương cho giáo viên. Theo quy định hiện hành tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP, giáo viên mỗi cấp học được hưởng lương theo ngạch, mỗi ngạch lại gồm có một số bậc. Cụ thể, giáo viên tiểu học được xếp 3 ngạch:  giáo viên tiểu học,  giáo viên tiểu học chính, giáo viên tiểu học cao cấp; giáo viên THCS được xếp 2 ngạch: giáo viên THCS, giáo viên THCS chính; giáo viên THPT được xếp 2 ngạch:  giáo viên trung học,  giáo viên trung học cao cấp. Tiền lương cụ thể ứng với mỗi bậc được tính căn cứ vào tiền lương cơ bản – đơn vị chung cho tất cả các loại công chức, viên chức của chính phủ. Để cải thiện mức sống cho những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, hoặc cũng có trường hợp, để đối phó với tình trạng lạm phát/ mất giá của đồng nội tệ, cứ một vài năm Chính phủ lại nâng lương cơ bản, từ đó tất cả các bậc lương và phụ cấp của giáo viên (cũng như của công chức, viên chức các ngành nghề khác) vốn được tính theo lương cơ bản đều được nâng lên.[2]


Vấn đề nổi cộm về tiền lương giáo viên chính là ở chỗ, những quy định trong Luật giáo dục và Nghị định của Chính phủ đã chưa thể hiện đầy đủ điều khẳng định “Lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” ghi trong Nghị quyết TW2 (khóa 8) năm 1996. Cụ thể, Luật Giáo dục 1998 đã giảm bớt cấp độ yêu cầu của chủ trương nói trên bằng việc thay đổi cách diễn đạt, từ chỗ cao nhất trong hệ thống thang bậc lương chuyển thành một trong những thang, bậc lương cao nhất[3]. Đến Luật Giáo dục 2005 thì hoàn toàn không đặt vấn đề tương quan giữa lương của nhà giáo và các ngành nghề khác, mà chỉ quy định: “Nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ” (Điều 81). Trên thực tế, xét trong mối tương quan chung giữa các ngạch lương của viên chức nhà nước, có thể thấy, ngạch lương giáo viên là không cao. Điều đó thể hiện ngay trong quy định hiện hành của Chính Phủ. Ví dụ, trong Bảng lương đính kèm Nghị định 204/2004/NĐ-CP, nhóm 2 (A2.2) là nhóm liệt kê 15 ngạch viên chức, trong đó có 2 ngạch cao cấp dành cho giáo viên trung học và người làm công tác dựng phim (nghĩa là với 2 loại chức danh này, đây là bảng lương cao nhất) lại có 12 ngạch chuyên viên chính (nghĩa là với 12 loại chức danh này, còn có cơ hội chuyển lên ngạch cao cấp ở một bảng lương khác cao hơn). Như vậy nghĩa là cùng được đào tạo ở bậc đại học nhưng ngạch lương giáo viên cấp cao chỉ bằng ngạch chuyên viên chính của các nghề lưu trữ, chẩn đoán bệnh động vật, bảo vệ thực vật, giám định thuốc thú y, kiểm nghiệm giống cây trồng v.v… Chưa kể, ngạch giáo viên trung học cao cấp (mã số 15.112) yêu cầu phải có trình độ sau đại học mà hệ số lương bậc 1 chỉ là 4,00 trong khi ngạch chuyên viên chính của các ngành khác yêu cầu chỉ cần tốt nghiệp đại học nhưng lại có hệ số lương bậc 1 là 4,40 (!)
Rất có thể, yêu cầu “lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” là một yêu cầu khó thực hiện vì tính chất mơ hồ/ thiếu cụ thể, nên những người chịu trách nhiệm thiết kế thang bảng lương ở Bộ Nội vụ đã không đáp ứng được. Tham khảo bản Kiến nghị của ILO/UNESCO cho thấy, cũng xuất phát từ một quan điểm tương tự, cho rằng tiền lương của nhà giáo phải “phản ánh tầm quan trọng của nhiệm vụ dạy học đối với xã hội và theo đó là tầm quan trọng của các nhà giáo”, nhưng ILO/UNESCO đã nêu một cách cụ thể hơn. Thứ nhất, tiền lương của nhà giáo phải “có ưu thế so với tiền lương trả cho các công việc khác cùng hoặc tương đương về trình độ”[4]. Thứ hai, quan trọng hơn, tiền lương của nhà giáo phải “bảo đảm một mức sống hợp lý cho bản thân họ và gia đình họ cũng như đầu tư vào học tập thêm nữa và tham gia các hoạt động văn hóa, nhờ đó nâng cao trình độ nghề nghiệp của họ”. Áp dụng tiêu chí này vào trường hợp vừa nêu ở đoạn trên, có thể nói, đặt ngạch lương cao cấp của giáo viên trung học ngang bằng ngạch chuyên viên chính của hơn chục loại chức danh cùng được đào tạo ở trình độ như giáo viên trung học là không thật sự coi trọng nghề dạy học.

Bên cạnh vấn đề nổi cộm là có khoảng cách khá xa giữa các quy định của Chính phủ và chủ trương của TW Đảng CSVN về tiền lương của giáo viên, như dẫn ra ở đoạn trên, thì ngay trong hệ thống quy định về tiền lương dành cho giáo viên phổ thông cũng chứa đựng một số điều bất hợp lý. Có thể dẫn ra hai ví dụ nổi bật. Một là, Ở bảng lương dành cho giáo viên tiểu học, có ba ngạch: giáo viên, giáo viên chính và giáo viên cao cấp, nhưng ở bảng lương dành cho giáo viên THCS lại không có ngạch cao cấp và ở bảng lương dành cho giáo viên THPT thì không có ngạch giáo viên chính. (Không rõ tại sao lại có những khác biệt như vậy!) Thứ hai, Trong một ngạch lương (giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học), có tới 12 bậc, mà khoảng cách giữa các bậc lương liền kề lại quá nhỏ (chỉ bằng 0,2 lần lương cơ bản). Với quy định như thế, mỗi lần lên lương chỉ thêm được 166 nghìn đồng[5] vậy mà có nhiều khả năng giáo viên đến khi về hưu chưa được hưởng đến bậc cuối cùng của ngạch lương. Lại thêm một bất hợp lý nữa, số bậc trong ngạch giáo viên cao cấp (đối với giáo viên mầm non/ giáo viên tiểu học là 9 bậc, đối với giáo viên THPT là 8 bậc) nhiều hơn số bậc trong ngạch chuyên viên cao cấp của các ngành khác (nhóm viên chức A3 – ngạch cao cấp chỉ có 6 bậc). Về vấn đề số bậc trong thang lương, tổng kết kinh nghiệm của nhiều quốc gia, ILO và UNESCO đã khuyến nghị: “Tiến độ từ bậc thấp nhất đến bậc cao nhất trong thang lương cơ bản không được kéo dài hơn khoảng thời gian 10 đến 15 năm.” Nếu theo kiến nghị này, với nhịp độ trung bình 3 năm được lên một bậc lương thì trong bảng lương ở mỗi ngạch chỉ nên gồm 5 bậc lương.
Nếu so sánh với mức lương của nhà giáo ở các nước có thu nhập trung bình thì mức lương của nhà giáo ở nước ta còn thấp một khoảng đáng kể. Cụ thể: mức lương (tính theo GDP) của giáo viên tiểu học, THCS và THPT ở một nước thu nhập trung bình là 1,84 – 2,04 – 2,49 còn ở nước ta là 1,50 – 1,55 – 1,60 (tính vào năm 2005). Qua đây bộc lộ một sự bất hợp lý nữa (tiếp theo hai bất hợp lý nêu ở đoạn trên) trong chế độ tiền lương dành cho giáo viên phổ thông là tình trạng “cào bằng” trong việc trả lương giữa giáo viên ba cấp học (mặc dù có trình độ đào tạo khác nhau) thể hiện ở độ chênh không đáng kể về tiền lương trung bình giữa giáo viên dạy ở các cấp khác nhau. Cụ thể, độ chênh về tiền lương trung bình giữa giáo viên cấp học trên và cấp học dưới ở nước ta đều là 0,05 GDP còn đối với các nước có thu nhập trung bình khác thì độ chênh về tiền lương giữa cấp THCS và tiểu học là: 0,2 và giữa THPT và THCS là 0,45 (nghĩa là gấp 4 và gấp 9 lần độ chênh tương ứng của Việt Nam). Nhân chuyện tính lương theo GDP, cũng cần lưu ý, từ 2001 – 2010 GDP tăng 2,17 lần trong lúc lương tối thiểu tăng 1,94 lần.[6]
Nhằm cải thiện mức sống của giáo viên, điều mà chỉ riêng hệ thống tiền lương không đủ sức giải quyết, Chính phủ đã đặt ra hơn mười loại phụ cấp[7] và một số loại trợ cấp[8]. Các khoản phụ cấp ưu đãi ngành nghề và trợ cấp đã góp phần tăng thêm một cách đáng kể về thu nhập cho giáo viên. Chỉ riêng các khoản phụ cấp ưu đãi ngành nghề, tính trung bình cho mọi trường hợp, đã giúp giáo viên có thêm 35% tiền lương. Nhờ đó, thu nhập trung bình một giáo viên tốt nghiệp đại học ra trường năm 2010, sẽ có mức lương là 2,306 triệu đồng/tháng (nếu không có khoản phụ cấp ưu đãi, thì thu nhập từ lương chỉ là 1,708 triệu đồng). Nhận thấy vai trò quan trọng và tác dụng của phụ cấp, đã có ý kiến đề xuất cần nghiên cứu phát hiện những đặc thù nghề nghiệp để tăng thêm loại và giá trị của phụ cấp nhằm bổ sung thu nhập của giáo viên.
Mặc dù các loại phụ cấp ưu đãi về nghề nghiệp đã góp phần tăng thêm thu nhập của giáo viên nhưng vẫn cần nghiên cứu kỹ để khắc phục những bất hợp lý trong các quy định về phụ cấp. Điều chưa hợp lý căn bản là phụ cấp được tính căn cứ vào lương mà bản thân hệ thống tiền lương, như được phân tích ở các đoạn trên, đã bộc lộ một số điều bất hợp lý thì phụ cấp không thể không rơi vào tình trạng bất hợp lý. Hơn nữa, khi thực hiện chi trả, đã xuất hiện những cách xử lý làm mất tác dụng của phụ cấp và trợ cấp. Phụ cấp dạy quá giờ quy định là khoản nhằm giúp giáo viên phục hồi sức khỏe vì lao động căng thẳng, đáng lẽ phải được chi trả ngay thì lại được các địa phương trả gộp vào cuối học kỳ hoặc cuối năm học. Trợ cấp tham quan học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thường được các trường sử dụng chung, không phát cho cá nhân để thực hiện các kế hoạch tham quan học tập hoặc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với nhu cầu cá nhân nên giảm tác dụng thực tế.
Nhìn chung, thu nhập của giáo viên từ lương và phụ cấp theo lương còn thấp, không đạt được yêu cầu bảo đảm mức sống hợp lý cho bản thân họ và gia đình. Kết quả khảo sát năm 2010 ở 27 trường thuộc 5 tỉnh/ thành phố về thu nhập (lương và phụ cấp theo lương) được ghi lại trong bảng dưới đây thể hiện rõ điều đó.

Tỉnh/TP
Cấp học
Trung bình
Tiểu học
THCS
THPT
Hà Giang 3,492,882 3,430,420
3,453,338
Phú Yên 2,770,061 2,559,185 2,726,862 2,662,696
Đắc Lắc 3,705,690 3,421,429 3,080,857 3,457,109
TP. HCM 3,167,828 2,822,307 2,911,657 2,956,115
Tây Ninh 3,059,273 3,003,810 2,838,654 2,960,547
Trung bình 3,248,379 3,018,819 2,885,330 3,068,070
Từ bảng trên cho thấy: (i) Thu nhập bình quân của giáo viên không cao, nằm trong khoảng từ 2,5 triệu (THCS Phú Yên) đến 3,7 triệu (tiểu học Đắc Lắc). (ii) Thành phố HCM là nơi có giá cả cao nhất nước nhưng tiền lương trung bình của giáo viên lại vào loại thấp. (iii) Tiền lương trung bình của giáo viên giảm dần từ tiểu học, qua THCS lên THPT. Có thể do tác động của yếu tố phụ cấp thâm niên và phụ cấp khu vực, nhưng không thể không góp phần khẳng định tính cào bằng về lương giữa cấp học (mặc dù trình độ đào tạo cao thấp khác nhau).
Trước những bất hợp lý trong các quy định cũng như trong tổ chức thực hiện, giáo viên với tư cách đối tượng thụ hưởng chính sách đã bày tỏ thái độ không hài lòng: 40.6% giáo viên được hỏi ý kiến cho rằng chính sách về tiền lương và phụ cấp theo lương là không phù hợp; 38.0% cho là tương đối phù hợp, cũng có thể hiểu là tạm chấp nhận, còn số đánh giá phù hợp là 19.7% và có 1.7% thì cho rằng rất phù hợp. Như vậy, có thể nói, số giáo viên thỏa mãn hoàn toàn với chính sách về tiền lương và phụ cấp chỉ chiếm 21,4%. Vấn đề căn bản là, khi đề nghị giáo viên đánh giá về nguồn thu nhập từ lương và các khoản phụ cấp theo lương, thì trừ 0,9% không trả lời và 0,9% cho rằng có phần tích lũy được từ lương và phụ cấp, còn lại 49,8% giáo viên cho rằng không đủ để bảo đảm cuộc sống của cá nhân và gia đình.

Cấp
Không
trả lời
Không
đủ sống
Bình
thường
Tích lũy
Tổng
Tiểu học 1.0% 49.3% 48.6% 1.0% 100 %
THCS 1.3% 48.6% 49.5% 0.6% 100 %
THPT 0.0% 52.4% 46.6% 1.0% 100 %
Trung bình 0.9% 49.8% 48.5% 0.9% 100 %

Đối chiếu kết quả điều tra này với tình trạng lạm phát và biến động giá cả có thể kết luận, thu nhập từ lương và phụ cấp theo quy định không đủ trang trải các khoản chi nhất thiết phải thực hiện để bảo đảm mức sống trung bình của giáo viên và gia đình. Còn so với khuyến nghị của ILO/UNESCO đề xuất, trong tiền lương dành cho nhà giáo cần có phần “đầu tư vào học tập thêm nữa và tham gia các hoạt động văn hóa, nhờ đó nâng cao trình độ nghề nghiệp của họ” thì chắc là còn lâu mới đạt được.
Tình trạng này dẫn đến một bộ phận không nhỏ nhà giáo phải dạy thêm ở trường tư hoặc kèm cặp học sinh ngoài giờ dạy tại trường hoặc, đối với không ít giáo viên, phải làm công việc khác ngoài nghề nghiệp của mình để tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển KTXH, nhiều ngành nghề mới xuất hiện, có không ít công việc đem lại thu nhập cao hơn việc dạy học, khiến cho có một số nhà giáo bỏ dạy, chuyển sang nghề khác; còn những nhà giáo đang đứng lớp thì có một bộ phận đáng kể không mặn mà với nghề nghiệp. Một cuộc điều tra ngẫu nhiên với 526 giáo viên, cho thấy: 40,9% giáo viên tiểu học; 59,0% giáo viên THCS; 52,4% giáo viên THPT không muốn làm nghề dạy học nếu được phép chọn lại nghề nghiệp.

[1] Một số văn kiện của Đảng CSVN về công tác khoa giáo, Tập về GD-ĐT, NXB Chính trị quốc gia, tr. 475.
[2] Mức lương cơ bản hiện được áp dụng kể từ ngày 1-5 -2011 là 830 nghìn đồng.
[3] Điều 71, Luật giáo dục 1998: “Thang, bậc lương của nhà giáo là một trong những thang, bậc lương cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp của Nhà nước”
[4] Nguyên văn (trong bản tiếng Anh): “compare favorably with salaries paid in other occupation”
[5] 0,2 làn lương cơ bản tức là 830 nghìn VND x 0,2.
[6] Theo tham luận của TS Trần Thị Thu Hà, tại Hội thảo Cải cách tiền lương ngày 11/9/2010 (Báo điện tử VNN ngày 12/09/2010,
[7] Phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp dạy thêm giờ/ thêm buổi, phụ cấp đứng lớp, phụ cấp khu vực, phụ cấp ban đầu, phụ cấp dạy lớp ghép, phụ cấp tiền mua nước ngọt/ nước sạch, phụ cấp lưu động, phụ cấp dạy chữ và tiếng dân tộc ít người, …
[8] Trợ cấp tham quan học tập/ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, trợ cấp luân chuyển/ chuyển vùng, trợ cấp lần đầu khi đến công tác ở vùng KTXH đặc biệt khó khăn, trợ cấp tự học tiếng dân tộc thiểu số…
Nguon:  http://hocthenao.vn/2013/07/31/luong-giao-vien-cao-hay-thap-nhom-nghien-cuu-de-tai-012010/

No comments:

Post a Comment