Sunday, July 28, 2013

Giáo viên, chuyên gia “kêu than” về chương trình, SGK nặng và khó

 Hồng Hạnh

(Dân trí) - Lỗi chính tả, học vần khó đọc, kiến thức vừa nặng lại trừu tượng, khó hiểu… đó là những nhận xét của giáo viên và chuyên gia về chương trình, sách giáo khoa hiện nay.
 >> Một loạt minh chứng về quá tải của chương trình, SGK phổ thông

Méo mồm để đánh vần
 
Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) nhận định: Chương trình và các môn học cấp tiểu học đã bám sát mục tiêu giáo dục, đã chú ý tới giáo dục toàn diện con người về các mặt đức, trí, thể, mỹ. Đã đảm bảo được tính chính xác, khoa học, hiện đại, cập nhật và tiếp cận được trình độ giáo dục ở các nước phát triển trong khu vực.
Tuy nhiên, NGƯT Nguyễn Thị Hiền cho rằng chương trình giáo dục tiểu học chưa đảm bảo sự cân đối giữa “dạy chữ” và “dạy người”, còn nặng về kiến thức, chưa coi trọng việc hình thành nhân cách cho học sinh. Đối với sách giáo khoa (SGK) còn nặng và khó. Một số chương trình của lớp trên được đưa xuống lớp dưới để dạy học nhưng khi cập nhật những kiến thức này học sinh còn gặp nhiều khó khăn như cộng trừ trong phạm vi 100 của lớp 2 đưa xuống lớp 1; Phép nhân của lớp 3 đưa xuống lớp 2; Bốn phép tính của phân số của lớp 5 đưa xuống lớp 4…
 
Giáo viên, chuyên gia “kêu than” về chương trình, SGK nặng và khó
Theo NGƯT Nguyễn Thị Hiền, chương trình giáo dục tiểu học chưa đảm bảo sự cân đối giữa “dạy chữ” và “dạy người”, còn nặng về kiến thức...
Những hạn chế, bất cập của chương trình, SGK bậc tiểu học, NGƯT Nguyễn Thị Hiền đã nêu ra dài tới 11 trang từ lớp 1 đến lớp 5 ở các môn học.
Điển hình như phần học vần lớp 1, nếu học sinh học xong phần vần khi đọc thêm các văn bản ngoài như báo, truyện… nếu gặp vần khó thường không đọc được. Nguyên nhân do các vần khó đọc như: uyt, oeo, oao, uyu, oong… không dạy ở phần vần và đưa vào các bài tập sau mỗi bài tập đọc ở phần Luyện tập tổng hợp.


Ở lớp 2, phần tập đọc, bài “Mùa nước nổi” có nhiều từ khó, khó hiểu và khó giải thích thích với học sinh lớp 2; Lỗi chính tả: “Lời ve kim da diết” hay như cụm từ ứng học sinh khó hiểu: “Xuôi chèo mát mái”; phần minh họa môn Toán bài “Tiền Việt Nam” không còn phù hợp với thực tế, các tờ tiền mệnh giá nhỏ, học sinh ít có cơ hội làm quen và sử dụng trong thực tế.
Đối với học sinh lớp 3, trong phần Tập làm văn, bài kể về Lễ hội, trong khi đó vốn hiểu biết của học sinh chưa phong phú về Lễ hội, sách không có hệ thống câu hỏi gợi ý để định hướng. Hay như phần Tự nhiên - Xã hội, bài 7: Hoạt động tuần hoàn, một số nội dung kiến thức chưa phù hợp với đặc điểm lứa tuổi học sinh.
Đối với lớp 4, phần tiếng Việt, trang 68 về Chủ ngữ trong câu kể Ai là gì? Thì phần Chủ ngữ trong câu 2 (bài 1 - phần Luyện tập) “Vừa buồn mà lại vừa vui mới thực là nỗi niềm của bông phượng”, không phù hợp với nội dung ghi nhớ: Chủ ngữ trong câu Ai là gì thường do danh từ hoặc cụm từ hoặc cụm danh từ tạo thành. Nguyên nhân là Buồn, vui trong chủ ngữ không thuộc từ loại nó đến trong ghi nhớ. Về Địa lý, nội dung về Thủ đô Hà Nội thì các số liệu như số dân, diện tích, lược đồ quá cũ so với sự thay đổi của thực tế.
Với Toán lớp 5 đã đưa phần hình học, đặc biệt là hình học không gian, Toán chuyển động, đưa vào sớm, nội dung khó cho nhiều học sinh không nắm được bản chất vì khả năng tư duy của các em còn hạn chế.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền đề nghị: “Chương trình và SGK cần hỗ trợ giáo viên dạy cho học sinh có năng lực phân tích kiến thức, kỹ năng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hơn so với hiện nay. Bởi vì SGK hiện nay đang thừa nhiều kiến thức hàn lâm và thiếu kỹ năng thực hành. Nội dung sgk mới cần tăng cường kỹ năng thực hành cho học sinh, coi trong về phương pháp học hơn là tăng cường quá nhiều kiến thức. Cần có giải pháp giúp học sinh tự học theo năng lực cá nhân”.
Sinh học phổ thông: Vừa nặng lại vừa thấp!
Nhận định về chương trình và SGK môn Sinh học bậc phổ thông, GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ: “Tôi đã mua trên 70 cuốn SGK Sinh học ở bậc phổ thông ở các nước và thấy chương trình ở ta chẳng giống nước nào cả (!). Vừa nặng lại vừa thấp. Có lẽ đó là do chịu ảnh hưởng của SGK Sinh học trước đây của Liên Xô. Hầu như tất cả các môn học ở Khoa Sinh Trường đại học Sư phạm đều có trong chương trình phổ thông. Như vậy có thể thấy trong cuốn Sinh học chương trình phổ thông có quá nhiều nội dung, quá nhiều chi tiết không cần thiết trong khi số giờ lại quá ít”.
GS Dũng cho hay: "Tôi đã thử hỏi nhiều em đang học cấp ba và thấy các em hiểu biết rất mù mờ và hầu như chả mấy em thích thú. Em nào định thi vào Sinh, vào Y, vào Dược thì đi tìm sách Đại học để đọc thêm, vì phải cạnh tranh rất cao trong khi sách phổ thông quá sơ lược (nhiều vấn đề nhưng dàn trải, vấn đề nào cũng rất "nông"). Hơn nữa, ra đề thi tốt nghiệp THPT nếu theo nguyên tắc không được hỏi trùng các đề đã ra thì thật vô cùng khó, vì cuốn SGK lớp 12 quá... mỏng! Ngoài ra, các em đã học quá nhiều chuyên ngành (động vật không xương, động vật có xương, thực vật bậc thấp, thực vật bậc cao, vi sinh vật học, giải phẫu và sinh lý người, di truyền học, tiến hóa học, sinh thái học...), trong khi số lượng giờ dạy quá ít ỏi mỗi tuần.
Bên cạnh đó, nội dung di truyền học là rất khó, nếu giáo viên không hiểu kỹ thì rất khó làm cho học sinh có thể hiểu được. Và liệu rằng một cháu 12 tuổi có nhớ nổi sơ đồ cắt ngang của một thân cây trưởng thành với các thuật ngữ khó hiểu như vỏ, tầng sinh vỏ, thịt vỏ, mạch rây, tầng sinh trụ, mạch gỗ? Cháu 13 tuổi có thể nhớ các bộ phận thùy khứu giác, thùy thị giác, não trước, tiểu não, hành tủy, tủy sống của con thằn lằn? Tôi thấy cần tham khảo chương trình các nước.
Còn việc in SGK lại là chuyện của từng nhóm tác giả và từng nhà xuất bản. Bộ sách nào không theo sát chương trình thì không được in, nhưng trình bày có thể rất khác nhau (như nhiều nước khác). Lựa chọn bộ sách nào để dạy, để học là tùy thầy cô giáo và học sinh. Chỉ có cạnh tranh như vậy mới mong sớm có được những bộ sách giáo khoa tốt. Đây là một sự cạnh tranh rất khoa học, rất lành mạnh.
Tôi thấy cần sớm thay đổi chương trình Sinh học ở bậc phổ thông để không chênh lệch nhiều với các nước khác trên thế giới. Kiên quyết dạy theo phương pháp tích hợp. Không đi sâu vào từng nhóm sinh vật và càng không học phân loại (vừa khó nhớ lại vừa không cần thiết)” - GS Dũng đề nghị.

Nguon:  http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/giao-vien-chuyen-gia-keu-than-ve-chuong-trinh-sgk-nang-va-kho-747894.htm

No comments:

Post a Comment